Khác biệt giữa bản sửa đổi của “Câu đối cùng giai thoại đối đáp về Nguyễn Du và Truyện Kiều”

Bộ sưu tập danh ngôn mở Wikiquote
Nội dung được xóa Nội dung được thêm vào
Không có tóm lược sửa đổi
Thẻ: Lùi lại thủ công Trình soạn thảo mã nguồn 2017
Thẻ: Đã bị lùi lại
Dòng 320: Dòng 320:
== Liên kết ==
== Liên kết ==
{{Wikipediacat}}
{{Wikipediacat}}
Link Xem bóng : [https://bong365.asia/kenh-truc-tiep-bong-da-bong365-asia-co-uu-diem-gi-khien-nguoi-dung-ua-thich/ trực tiếp bóng đá]

Phiên bản lúc 05:12, ngày 8 tháng 12 năm 2020

Đối đáp trực tiếp

Nguyễn Du tên chữ Tố Như, hiệu Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn lạp hộ. Năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Du ra làm quan Tri huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Năm 1805, ông được thăng Đông Các Đại Học Sĩ (hàm Ngũ phẩm), tức Du Đức hầu và vào nhận chức ở kinh đô Phú Xuân. Năm 1809 ông được bổ chức Cai bạ (hàm Tứ phẩm) ở Quảng Bình. Năm Quý Dậu 1813 ông được thăng Cần chánh điện học sĩ và được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh. Năm 1814 ông đi sứ về, được thăng Hữu tham chi bộ Lễ (hàm Tam phẩm). Năm 1820, Nguyễn Du bị bệnh dịch chết. Tương truyền lúc còn trai trẻ Nguyễn Du (khi ấy thường gọi là cậu Chiêu Bảy), rất thích hát phường vải. Bấy giờ có làng Trường Lưu cũng thuộc huyện Nghi Xuân, là một trong những làng nổi tiếng về hát phường vải, về nghề dệt vải và về con gái đẹp. Làng Tiên Ðiền thì có nghề làm nón; con trai phường nón thường kéo nhau sang hát phường vải ở Trường Lưu. Họ đi hát vì mê hát , nhưng một phần cũng vì mê các cô gái đẹp. Trong các chuyến đi ấy, Chiêu Bảy chẳng bao giờ vắng mặt. Có một đêm hát nọ, Chiêu Bảy tình cờ gặp được một cô gái tên Cúc, người đẹp, giọng hay, tài bẻ chuyện, nhưng chỉ phải một nỗi đã sắp quá thì mà vẫn chưa chồng. Chiêu Bảy biết thóp như vậy, liền bẻ ngay một câu như sau để ghẹo chơi: Trăm hoa đua nở mùa xuân, cớ sao Cúc lại muộn màng về thu?

Chiêu Bảy vờ nói hoa nhưng kỳ thực là muốn châm chọc: Các cô gái khác đều đã đi lấy chồng sơm, sao riêng cô Cúc lại để quá lứa lỡ thì như vậy?
Nhưng cô Cúc nào phải tay vừa, thoáng nghe qua cô đã hiểu ngay ý tứ của đối phương, bèn hát đáp lại rằng: Ví chưng tham chút nhụy vàng, cho nên Cúc phải muộn màng về thu
Hoa cúc vốn là hoa nở về thu; cúc nở về thu mới là đang độ mãn khai, thế là đúng kỳ chớ không phải là muộn. Câu hỏi cũng khôn mà câu trả lời cũng thật là khéo lắm; Chiêu Bảy đành phải lảng sang chuyện khác không dám hỏi về chuyện ấy nữa

Câu đối tự sáng tác

Câu đối ở hậu cung đền Gióng:

天降聖人平北敵 Thiên giáng thánh nhân bình Bắc địch (Trời giáng thánh nhân trừ giặc Bắc)
地流神跡鎮南邦 Địa lưu thần tích trấn Nam bang (Đất lưu thần tích trấn nước Nam)

Câu đối khóc vợ:

Vỗ quan tài mà than thở với hồn, đau đớn nhẽ khúc cây không biết nói
Ôm hồn bạch những nỉ non cùng phách, xót xa thay tấc lụa chẳng còn hơi

Câu đối viết ở khu di tích Hán Cao Tổ trong lần đi sứ nhà Thanh:

Hán mạt nhất thời vô nghĩa sĩ (Cuối nhà Hán một thời không có người giỏi)
Chu sơ tam ký hữu ngoan dân (Đầu nhà Chu ba lần ghi việc yên dân)

Câu đối do thiên hạ xưng tụng

Tại nhà thờ Nguyễn Du có ghi đôi câu đối do vua Minh Mạng làm để ca ngợi Nguyễn Du như sau:

一代才花為使為卿生不忝 Nhất đại tài hoa vi sứ, vi khanh, sinh bất thiểm (Một đời tài hoa, lúc đi sứ, lúc làm quan, sống không thẹn)
百年事業在家在國死猶榮 Bách niên sự nghiệp tại gia, tại quốc, tử do vinh (Trăm năm sự nghiệp, khi ở nhà, khi vì nước, chết còn vinh)

Tại đền thờ Nguyễn Du cũng có đôi câu đối:

Khúc đâu lưu thủy hành vân, để tiếng tài tình chung đất nước
Chốn ấy sen hồ cổ thụ, nhớ người thanh khí nặng non sông

Câu đối của Nguyễn Mai:

Lễ nhạc bách niên văn hiến địa
Giang sơn tứ vọng thái bình thiên

Nghĩa là:

Trời thái bình non sông bốn mặt
Đất văn hiến lễ nhạc trăm năm

Những câu đối vịnh Kiều

Truyện Kiều tên gốc là Đoạn trường tân thanh, là truyện thơ chữ Nôm theo thể lục bát của Nguyễn Du, dựa theo tiểu thuyết " Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc. Nội dung truyện Kiều như sau: Thời vua Minh Thế Tông, trong một gia đình viên ngoại họ Vương có ba người con là Thuý Kiều, Thuý Vân và Vương Quan. Mùa xuân năm ấy, 3 chị em đi thanh minh. Lúc ra về, họ gặp Kim Trọng. Sau cuộc kì ngộ, Kiều và Kim Trọng yêu nhau, hai người thề nguyền. Kim Trọng nhận được thư nhà, phải về Liêu Dương "hộ tang chú…” Sau đó, gia đình Kiều bị thằng bán tơ vu oan, cha và em bị bắt. Kiều phải bán mình cho Mã Giám Sinh để đút lót cho bọn quan lại, cứu cha và em, nàng trao duyên cho Thúy Vân. Mã Giám Sinh đưa nàng về Lâm Tri, Kiều biết mình bị đẩy vào lầu xanh bèn rút dao tự vẫn nhưng không chết. Tú Bà dỗ dành Kiều ra ở lầu Ngưng Bích; mụ thuê Sở Khanh đánh lừa Kiều, đưa nàng đi trốn. Thúy Kiều bị Tú Bà đánh đập, ép nàng phải sống cuộc đời ô nhục. Tại lầu xanh, Kiều gặp Thúc Sinh. Thúc Sinh lấy Kiều làm vợ lẽ. Hoạn Thư, vợ cả Thúc Sinh lập mưu bắt cóc Kiều đưa về Vô Tích. Kiều bỏ trốn, nương tựa cửa chùa Giác Duyên… Kiều lại rơi vào tay Bạc Bà, Bạc Hạnh, bị đẩy vào lầu xanh lần thứ hai. Từ Hải chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh, Kiều báo ân báo oán. Hồ Tôn Hiến lập kế "chiêu an”, Từ Hải mắc lừa, bị giết. Hắn ép gả Kiều cho viên thổ quan, Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường tự tử. Giác Duyên cứu sống Kiều và đưa nàng nương nhờ của Phật. Kim Trọng trở lại Bắc Kinh, kết duyên với Thúy Vân, cả gia đình tìm đến sông Tiền Đường lập đàn giải oan cho Kiều. Bất ngờ Giác Duyên đi qua, cho biết Kiều còn sống, Kiều gặp lại cha mẹ, hai em và chàng Kim. Cả nhà ép Kiều lấy Kim Trọng, nhưng rồi hai người đã đem tình vợ chồng đổi thành tình bè bạn.

  • Ông Nghè Vũ Thì Mẫn, sau đổi là Vũ Đức Mẫn (1795-1866), người ở làng Hội Thống, nay thuộc xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, đậu Cử nhân khoa Ất Dậu (1825), đậu Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1826). Ông được coi là người đầu tiên bình luận về Truyện Kiều qua đôi câu đối sau:
Bạc mệnh trầm nhân, giai tác do ư giai sự (Mệnh bạc dìm người. Tác phẩm hay nhờ chuyện hay mới có)
Kỳ tài diệu bút, Thanh Hiên viễn quá Thanh Tâm (Bút hoa tài lạ. Ông Thanh Hiên vượt xa ông Thanh Tâm)
  • Những câu đối vịnh Kiều khác:
Kim Trọng khóc Thúy Kiều, mê rồi lại tỉnh
Thúy Kiều xa Kim Trọng, lấy hiếu làm trinh
Kiều lỗi ước nguyền, bởi hiếu nặng bán mình trả hiếu
Trọng vì tang tóc, để hoa trôi dở bước tìm hoa
Như khóc như than, bốn dây giỏ máu mười đầu ngón
Chữ tài chữ mệnh, mười khúc ngâm tiên một vẫy tay

Những câu đối vận dụng truyện Kiều

1 - Câu đối tóm tắt Truyện Kiều:

Trăm năm trong cõi người ta, Kim Kiều thế mà thật lắm chuyện
Mua vui cũng được Đoạn Trường, Tân Thanh đến vậy mới truyền đời

2 - Câu đối đề tướng vôi trước cửa đền:

Mặt phi thường hàm én râu hùm, trơ như đá, vững như đồng, ngàn xưa âu cũng thế
Tay tế độ thanh gươm yên ngựa, dưới trông vào trên nhắm xuống, một đời được mấy anh

3 - Câu đối đề ảnh thờ mẹ và vợ:

Làn thu thủy, nét xuân sơn, mỗi người một vẻ
Đức cù lao, duyên hội ngộ, bên hiếu bên tình

4 - Câu đối ngày tết đề nhà nghệ sĩ:

Hoa đào cười gió, một bức Đạm Thanh, màu son phấn cũng ngây mặt sắt
Con én đưa thoi, bốn dây to nhỏ, bậc cung thương đến tạc chữ đồng

5 - Câu đối mừng vợ chồng mới cưới:

Trai anh hùng, gái thuyền quyên, phỉ nguyền sánh phượng
Kẻ thiên tài, người quốc sắc, đẹp duyên cưỡi rồng

6 - Câu đối viếng thi sĩ Tản Đà:

Đòi phen chén rượu câu thơ, “Giấc mộng” còn in trên gối đó
Phút chốc mây ngàn hạc nội, “Khối tình” nào biết gửi ai đây

7 - Câu đối phường bát âm điếu bạn đồng nghiệp:

Hóa công phũ phàng chi, lòng trắc tị, lòng chung thiên, gảy khúc đoạn trường càng tức tối
Tri âm cam tệ với, rằng hành vân, rằng lưu thủy, ngâm câu tuyệt diệu ngụ tính tình

8 - Câu đối điếu bạn đồng liêu:

Đời được mấy anh hùng, nô nức gần xa người một hội
Cuộc trải qua dâu bể, than ôi tan hợp cõi trăm năm

9 - Câu đối dán ở của buồng người vợ lẽ:

Khi vào dùng dắng, khi ra vội…
Nỗi đêm khép mở nỗi ngày riêng…

Câu đối viếng Nguyễn Du của hậu thế

Nhân dịp từ đường Nguyễn Du khánh thành (năm 1924) tại Tiên Điền, Hội Khai trí Tiến Đức, Hà Nội có viếng hai đôi câu đối:

Trăm năm để tấm lòng, còn nước còn non còn truyền cổ lục
Tấc thành dâng một lễ, nhớ người nhớ cảnh nhớ buổi hôm nay
Khúc nhà tay lựa nên chương, thông minh tính sẵn
Ngụ tình nên câu tuyệt diệu, bút pháp đã tinh
  • Trong dịp kỷ niệm 200 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du, một số nhân vật đã làm câu đối viếng tặng cụ (được đăng trên báo Sài Gòn) như sau:

1 - Câu đối của Giáo Sư Thẩm Quỳnh:

Phong tư tài mạo khác vời, muôn đời chưa quên, nhường treo giải nhất
Sau trước xa gần khen ngợi, trăm năm trong cõi, vẹn vẻ hòa hai

2 - Câu đối của Thi Sĩ Đông Hồ:

Những đấng tài hoa, giá ngọc càng cao trong buổi mới
Một thiên tuyệt bút, cảo thơm lần giở nhớ người xưa
  • Các nho sĩ ở Huế có làm đôi câu đối tặng cho ông Nghè Mai, tức Nguyễn Mai cháu của Đại thi hào Nguyễn Du, đậu Tiến sĩ năm 1904 và cũng là câu đối ca ngợi Truyện Kiều:
Thúy Kiều truyện thị cố gia văn dịch thế trâm anh hà tất nghê thường thiên thường ký
Lục y long do thiếu niên khách song Kiều hồng phấn tranh khan quỳnh thụ tuyết lan khai
  • Câu đối của Nhà Văn Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Trời sẵn tính thông minh, dằng dặc sơn hà một dải
Đất sinh người tuấn kiệt, rõ ràng văn hiến ngàn năm

Đối đáp tại lầu xanh giữa 2 cha con

Xóm hồng lâu, buổi tối nọ xảy ra một tấn bi hài kịch: hai cha con là Hoàng Văn Thiệm (1876 - 1938) và Hoàng Văn Phẩm (1905 - 1953) chạm trán nhau…Hai thế hệ không biết làm thế nào để thoát hiểm mà khỏi thương tổn đến thể diện, liền cùng quay lại quy hết lỗi cho giai nhân. Giai nhân ở đây tên Hoàng Thị Gặm (1902 - 1940) vừa là người làng mà còn ở trong họ đồng tông, biết cha con nhà này giàu có nên vừa cặp với cha đồng thời kết hợp moi tiền của con.

Người con mắng: Chẳng hổ mình sao, dám đem trần-cấu dự vào bố…
Bố cũng mắng: Tuồng gì hoa thải, mượn màu son phấn đánh lừa con…
Tư tưởng thì quả là chẳng đáng mặt trượng phu tí nào khi trút hết tội lỗi cho giai nhân như thế. Nhưng xét về đối đáp thì thật là nhất khí, vì mỗi vế lấy ngay ở hai câu 6-8 liền nhau: "Nghĩ mình chẳng hổ mình sao, dám đem trần-cấu dự vào bố kinh" và "Tuồng gì hoa thải hương thừa, mượn màu son phấn đánh lừa con đen".

Câu đối Kiều ở ban thờ

Một cặp câu đối khác dùng để dán trước bàn thờ của hai anh chị; lưu ý khẩu khí ghen tuông của người vợ nhỏ viết câu đối:

Cùng một tiếng đồng, chớ nề u hiển mới là chị (Đáng lẽ: Chớ nề u hiển mới là chị em)
Cách năm mây bạc, tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh (Đáng lẽ: Tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng)

Câu đối Kiều ở hiệu ảnh Hương Ký

Thời Pháp thuộc ở Hà Nội có hiệu ảnh Hương Ký, chủ hiệu là người hay chữ sáng kiến ra lối quảng cáo bằng thi câu đối, có lần ra một vế đối bằng văn Kiều:

vế ra: Nhà Hương cao cuốn bức là, tài tử giai nhân mỗi người một vẻ
Chủ hiệu ra điều kiện rằng trong vế đối cũng dùng văn Kiều mà phải có chữ “Ký” chọi với chữ “Hương”, nghĩa là cốt để cho không ai lĩnh được thưởng, vì trong Kiều không làm gì có câu đối lại được như thế. Thấy thế, có người gửi lại một vế đối sau:
vế đối: Cô Kỳ thấp buông quần lĩnh, anh hùng hào kiệt rày ước mai ao

Giai thoại đối đáp từ Truyện Kiều

Đối đáp về nhân vật Sở Khanh

vế xướng "Trăm điều hãy cứ trong vào một ta": Trăm nỗi bâng khuâng góp chuyện lòng, điều chi mà ngại nghĩa non sông, hãy buông lá thắm xuôi dòng vắng, cứ để hoa đào cợt gío đông, trông nẽo lầu thơ chờ hạnh ngộ, vào trong giấc mộng đợi tao phùng, một phen tâm sự hòa theo nhạc, ta sẽ cùng nhau viết thủy chung
vế họa "Ði đâu chẳng biết con người Sở Khanh": Ði mãi đường xa đã biết lòng, đâu còn mơ tưởng núi cùng sông, chẳng đem thơ ấy treo lầu vắng, biết chọn hoa nào bán chợ đông, con mắt chưa từng xanh thế tục, người quen đành tạm trắng tương phùng, Sở Tần xin nhắn thà xa cách, khanh tướng đâu mà nghĩ đỉnh chung!

Giai thoại đố kiều bằng phép chiết tự

Trong một lễ hội, người con gái thách đố: Truyện Kiều anh giảng đã tài, đố anh giảng được câu này anh ơi, "biết thân đến bước lạc loài, nhị đào thà bẻ cho người tình chung".
Chàng trai cũng ất am tường truyện Kiều đặc biệt là sự tinh tế tài hoa trong việc nhận diện nghệ thuật chiết tự đã được cô gái khéo léo đan cài vào ba chữ cuối cùng của câu thơ “Nhị đào thà bẻ cho người tình chung” nên chàng đã từ tốn trả lời:
vế đối: Đi ngang trước của nàng Kiều, dừng chân đứng lại dặt dìu với ta. Tình chung nào phải ai xa, chính chàng Kim Trọng vào ra sớm chiều (hai chữ Kim Trọng (金重) nếu ghép lại thì thành chữ Chung (鍾) ý nói chung tình)

Giai thoại đối đáp Truyện Kiều ở phường Vải - Nghệ An

Khởi đầu, bên nữ ra: Truyện Kiều anh đã thuộc làu, đố anh kể được một câu hết Kiều
Không cần suy nghĩ lâu, bên nam lấy ngay câu đầu và câu kết của Truyện Kiều chắp lại trả lời luôn: Trăm năm trong cõi người ta, mua vui cũng được một và trống canh
Bên nữ thách tìm chữ: Truyện Kiều anh đọc đã nhiều, đố anh kể được câu Kiều năm “CHO”?
Bên nam nghĩ một lúc thì tìm ra được 2 vế đáp:
Câu thứ nhất: Làm CHO CHO mệt CHO mê, làm CHO đau đớn ê chề CHO coi
Câu thứ hai: Đã CHO lấy chữ hồng nhan, làm CHO CHO hại CHO tài CHO cân
Bên nữ lại dồn luôn một câu tìm chữ khác: Truyện Kiều anh đã thuộc làu, đố anh kể được một câu 5 “CÒN”
Bên nam trả lời liền: CÒN non CÒN nước CÒN dài, CÒN về CÒN nhớ đến người hôm nay
Biết bên nam không phải tay vừa, bên nữ chuyển hướng hóc búa hơn: Truyện Kiều anh đã thuộc lòng, đố anh kể được một dòng chữ Nôm (về vế ra này có sách ghi câu của bên nữ rằng: Truyện Kiều anh đã thuộc làu, đố anh kể được một câu 6 người hoặc Truyện Kiều anh đã thuộc làu, đố anh kể được một câu năm “NÀY”)
Bên nam đắn đo đôi chút rồi cũng có câu đáp: NÀY chồng NÀY mẹ NÀY cha, NÀY là em ruột NÀY là em dâu (vế này toàn là chữ Nôm nhưng cũng đủ 5 chữ Này và lại có đủ cả 6 người theo yêu cầu của vế ra: chồng là Kim Trọng, cha mẹ là Vương Ông và Vương Bà, em ruột gồm Thuý Vân và Vương Quan, còn em dâu là vợ Vương Quan)
Bên nữ lại ra: Truyện Kiều anh đã thuộc lòng, đố anh kể được một dòng chữ Nho
Bên nam đối lại: Hồ công quyết kế thừa cơ, lễ tiên binh hậu khắc cờ tập công
Bên nữ tiếp: Nghe đồn anh thuộc Kiều lầu, xin anh kể được một câu năm người
Bên nam tìm được liền: Trước là Bạc Hạnh - Bạc Bà, bên là Ưng - Khuyển bên là Sở Khanh (câu 2379-2380)
Bên nữ tiếp tục đọc: Đồn rằng anh thuộc truyện Kiều, thuyền quyên xin hỏi mấy điều phân minh, năm nào Kiều lấy Thúc Sinh? Năm Nào kiều phải bán mình chuộc cha?
Nguyễn Du nào có cho biết năm nào Kiều lấy Thúc Sinh? Bên nam bèn gỡ rối bằng đòn “gậy ông đập lưng ông” thách đố lại: Thiếp hỏi chàng thế thì cũng phải, chàng hỏi thiếp Từ Hải con ai? Lẽ ra Kiều ả Vân em, cớ sao lại gọi là Kim – Vân – Kiều?
Xem chừng đối thủ này cũng hơi xương, bên nữ liền thăm dò: Trăm năm tính cuộc vuông tròn, phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông. Phải đâu mèo mả gà đồng, thuyền quyên muốn hỏi anh hùng trước sau. Ba quân chỉ ngọn cờ đào, đạo ra Vô Tích đạo vào Lâm Tri. Thế còn một đạo làm chi, trai anh hùng giải được, gái nữ nhi chịu tài
Khi đó các chàng nho sĩ cũng phải trả lời theo ý tứ đó: Vì ai chiếc lá lìa cành, khi săn như chỉ khi mành như tơ. Trót công rày đợi mai chờ, phải người trăng gió vật vờ hay sao. Ba quân chỉ ngọn cờ đào, đạo ra Vô Tích đạo vào Lâm Tri. Ắt còn một đạo binh uy, ở nhà giữ chốn biên thùy cho nghiêm. Anh hùng tỏ với thuyền quyên, chữ tình càng mặn, chữ duyên càng nồng!
“Đối ra đáp đã nên lời…”, đã cảm phục tài lẫn nhau. Ở phần hát xe kết và hát tiễn, hai bên nam nữ đều chọn những câu với nội dung tỏ rõ tình yêu son sắt thuỷ chung để bày tỏ. Bên nữ nói: Bây giờ gặp gỡ nhau đây, mà lòng đã chắc những ngày một hai. Khăng khăng cửa đóng then gài, nhị đào chờ đợi con người tình chung
Bên nam trả lời: Hai ta quyết chí hai ta, đá vàng cũng quyết phong ba cũng liều. Tóc tơ căn vặn hết điều, hôm sau hẹn gặp Kim Kiều kết giao

Cô gái đẹp kén chồng

Ở vùng nọ có một cô gái đẹp mà có tài ăn nói, mở một quán nước bên đường để kén chồng. Các cậu cống anh đồ nghe tin kéo đến rất đông. Chàng nào cũng hăm hở tưởng mười mươi là chiếm được người đẹp; nhưng khi đến hăm hở chừng nào thì khi về lại tiu nghỉu chừng nấy, vì chưa có ai địch lại được mồm mép chua ngoa đáo để của cô gái. Một hôm, có một nho sinh nọ, chẳng biết là định đến thử tài hay là tình cờ qua đường vào quán nghỉ chân. Cô gái quen như mọi bận, lại giở cái giọng "đàn chị" ra để trêu chọc, nhưng thò ra câu nào đều bị anh chàng đập lại chan chát, thành ra cô ta đã có phần nao núng. Cuối cùng, cô ta bèn đọc một câu:

vế ra: Khen cho con...mắt tinh đời! Anh hùng đoán giữa trần ai mới già
Khi đọc cô nhấn mạnh ba tiếng khen cho con, nghỉ một tí rồi mới đọc nốt ba tiếng sau thành câu thơ có nghĩa: "Bà khen cho con đấy con ạ! Vì con cũng có cặp mắt tinh đời đấy". Nho sinh vốn là một thanh niên nhanh trí, thấy cô gái nhấn mạnh ba tiếng khen cho con thì đã hiểu ngay cái ý xỏ xiên của cô ta, anh ta bèn "tương kế tựu kế", đọc ngay một câu trong Truyện Kiều như sau:
vế đối: Vả bây giờ...mới thấy đây, mà lòng đã chắc những ngày một hai
Nhưng lúc đọc anh ta dằn mạnh ba tiếng vả bây giờ, cũng nghỉ một tí mới đọc tiếp ba tiếng sau, thành thử câu thơ lại có nghĩa là: "Cô nói hỗn với tôi thì tôi vả cho bây giờ, để cho cô thấy tôi đây là người như thế nào". Cô gái là người tinh tế, thấy nho sinh nọ trả lời mình cũng bằng một câu Kiều với ý nghĩa hóm hỉnh như vậy thì vừa phục vừa thẹn, mặt đỏ au lên, và lặng thinh ngồi mân mê tà áo chẳng biết trả lời ra sao nữa.

Hai bài tập Kiều đối đáp của Phlanhoa và Hoàng Kim

Bài GỬI NGƯỜI XUÂN TỰ BƯỚC CHÂN của Hoàng Kim: Còn nhiều hưởng thụ về sau, cơ duyên nào đã hết đâu vội gì? Người đâu gặp gỡ làm chi, văn chương nết đất thông minh tính trời, Khen cho con mắt tinh đời, duyên ta mà cũng phúc trời chi không? Hoa hương càng tỏ thức nồng, gặp tuần đố lá thỏa lòng tìm hoa. Khúc đâu đầm ấm dương hòa, chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài! Chút chi gắn bó một hai, dầu lòng bể rộng sông dài thênh thênh
Bài đáp lại với tựa đề "Gửi người quân tử đa tình" của Phlanhoa: Kiếp hồng nhan có mong manh, đố ai gỡ mối tơ mành cho xong. Tóc tơ căn vặn tấc lòng, hỏi điều thẹn phấn tủi hồng thì thôi. Thiền trà cạn nước hồng mai, nước non luống những lắng tai Chung Kỳ. Thấy lời tâm phúc tương tri, dễ đem gan óc đến nghì trời mây. Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay, phúc nào đổi được giá này cho ngang?
Tên bài tập Kiều của Hoàng Kim bắt nguồn từ bài đường luật của Phlanhoa hoạ bài thơ “Vịnh mùa đông” của Nguyễn Công Trứ, Trong đó câu kết là “Muốn đến mùa xuân tự bước chân”. Bài này thực ra Phlanhoa hoạ không đúng với phép hoạ thờ Đường luật, nhưng Hoàng Kim lại bảo anh thích bài thơ đó, nên lấy tên làm vầy. Hai câu: “Còn nhiều hưởng thụ về sau/Cơ duyên nào đã hết đâu, vội gì?” ở trong bài tập Kiều: “Gửi quân thần nỗi niềm non nước” của Phlanhoa. Hoàng Kim lấy đó nối vào để có cớ đóng vai “quân thần” ghẹo đùa cho bài tập Kiều gửi cho Phlanhoa

Những câu đố Kiều gắn với thời đại mới

Bên gái ra: Kim Kiều có phải công nhân, xưa kia từng đã góp phần đấu tranh?
Bên trai đáp: Kim Kiều chính cánh thợ ta, đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ!
Bên gái lại ra: Thời Kiều đã có ngân hàng, em đây chưa tỏ xin chàng chỉ cho?
Bên trai lại đối: Nhà băng…đưa mối rước vào, tiền nong thanh toán việc nào chẳng xong?
Bên gái ra nữa: Chập chờn cơn tỉnh cơn mê, đâu Kiều nào nói đến nghề tráng gương?
Bên trai đáp: Mười lăm năm bấy nhiêu lần, làm gương cho khách hồng quần thử soi!
Bên gái tiếp tục: Nổi danh tài sắc đủ điều, tại sao lại bảo nàng Kiều sứt răng?
Bên trai vẫn trả lời được: Hở môi ra những thẹn thùng, sứt răng nàng sợ chúng trông bạn cười!
Bên gái hỏi nữa: Song thu đã khép cánh ngoài, nàng Kiều chung chạ có thai bao giờ
Bên trai đối ngay: Lỡ từ lạc bước bước ra, thất kinh nàng chửa biết là làm sao!
Bên gái vẫn tiếp nữa: Đến đây hỏi khách cựu giao, chàng Kim đau bụng thế nào chàng ơi?
Bên trai chẳng phải đơn giản: Khi tựa gối khi cúi đầu, khi vò chín khúc khi chau đôi mày!
Bên nữ lại ra: Tiện đây hỏi thật một điều, em đây chưa biết nàng Kiều ai sinh?
Bên nam đáp: Hổ sinh ra phận tơ đào, nàng Kiều…hổ đẻ, chứ nào ai sinh!
Bên nữ tiếp tục: Truyện Kiều anh đã thuộc làu, đố anh biết được cô nào sinh đôi?
Bên nam trả lời: Đầu lòng hai ả tố nga, hai con đầu cả…ắt là sinh đôi!
Bên gái lại ra: Sinh ra thời buổi chiến chinh, Thúy Kiều có lấy thương binh không chàng?
Bên trai đáp: Một tay trời bể ngang tàng, chồng Kiều - Từ Hải rõ ràng thương binh!
Bên gái vẫn ra nữa: Đố Kiều có lắm điều hay, nghề đan bồ hỏi anh nay ai làm
Bên trai trả lời: Thúc Sinh tính chuyện vuông tròn, phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông? (khi đan bồ, phải đan đáy hình vuông trước, rồi sau đó mới đan tròn phía trên và vật liệu đan bồ là nứa phải lấy từ rừng về)
Bên gái ra nữa: Truyện Kiều bạn đã thuộc lòng, đố ai gầy nhất ở trong Truyện Kiều?
Bên trai đáp: “Râu hùm hàm én mày ngài, vai năm tấc rộng thân mười thước cao (Bối cảnh Truyện Kiều là năm Gia Tĩnh đời Minh. Theo website Sử Trung Quốc đời Minh của Viện Đại học Cambridge (Kiếm Kiều Trung Quốc Minh đại sử), trong chế độ đo lường đời Minh (Minh đại độ lượng hành chế) thì hệ thống đo chiều dài (trường độ) đời Minh như sau: 1 xích = 10 thốn = 12,3 Anh thốn (inch), 1 bộ = 5 xích, 1 trượng = 10 xích, 1 lý = 1/3 Anh lý (mile) = 1/3 x 1,609km. Theo đó, 1 thước (xích) = 10 tấc (thốn) = 12,3 inches = 12,3 x 2,54cm = 31,242cm. Tức là 1 thước (xích) = khoảng 1/3m; 1 tấc (thốn) = khoảng 3cm. Do đó vóc dáng Từ Hải có thể tính như sau: “Vai năm tấc rộng” = khoảng 15cm; “Thân mười thước cao” = khoảng 3m. Vóc dáng như vậy là không bình thường, thậm chí phi lý. Theo hệ thống đo lường trên đây, Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh nói “có ý kiến cho rằng thời Minh một thước chỉ ăn hai tấc” tất nhiên là sai; còn giảng “một tấc là phần mười của một thước” thì đúng. Cho dù một thước (xích) Trung Quốc dài bao nhiêu đi nữa tuỳ theo thời đại nhưng theo kỹ thuật dựng hình trong hội hoạ, một thân thể như vậy thì chẳng cân đối tí nào, cho nên nhiều nhà nghiên cứu Truyện Kiều hầu như đều đồng ý rằng lối miêu tả của Nguyễn Du (1765-1820) về nhân vật Từ Hải chỉ có tính cách ước lệ)
Lần này, không để cho bên gái nói tiếp, bên trai chủ động ra trước: Ai cắt buông trứng đi rồi, mà còn đẻ giống sinh nòi hở em?
Bên gái đối luôn: Hoạn bà bà hoạn chứ ai, hoạn rồi mà vẫn sinh nòi Hoạn Thư
Bên trai lại dồn: Truyện Kiều em đọc đã làu, đố em kể được một câu “giữa” Kiều
Bên gái suy ngẫm một lát mới đối được: Tiên thề cùng thảo một chương ,tóc mây một món dao vàng chia đôi

Những câu đối Tập Kiều ở làng Quỳ Chử huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa

Không thể tin được rằng là người Việt Nam mà không thuộc ít nhất vài câu Kiều và cũng không ít người đố Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều. Nhiều bậc thức giả, tao nhân mặc khách thì tìm thấy thú vui trong truyện Kiều bằng nhiều cách: lẩy Kiều, bình Kiều, vịnh Kiều và tập Kiều. Trước đây Quỳ Chử là một trong những đất học nổi tiếng của huyện Hoằng Hóa. Chính vì vậy sinh hoạt văn hóa của tầng lớp nho sĩ bình dân ở đây đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống tinh thần của nhân dân Quỳ Chử nói riêng và nhân dân trong vùng nói chung. Tập Kiều là thú chơi tao nhã của những người có chữ, rất thích Truyện Kiều và thuộc lòng Truyện Kiều. Không có những yếu tố ấy thì không thể Tập Kiều được. Đó là cách lựa chọn một số câu Kiều - ở những chỗ khác nhau trong 3.254 câu của Truyện Kiều - nối lại được với nhau, tình ý nhất quán để tạo thành 1 câu đối Tập Kiều có ý nghĩa. Về nguyên tắc, tất cả những câu, những chữ trong câu đối Tập Kiều đều phải là những câu, những chữ trong truyện Kiều. Để làm được việc này đòi hỏi rất nhiều công phu, dưới đây là những câu như thế:

1. Cũng mạch thư hương phong lưu rất mực
So bề tài sắc trang trọng khác vời
Vế 1: Có những chữ trong các câu Kiều:

- Nghĩ rằng cũng mạch thư hương (1061)

- Phong lưu rất mực hồng quần (35)

Vế 2: Có những chữ trong các câu Kiều:

- So bề tài sắc lại là phần hơn (24)

- Vân xem trang trọng khác vời (19)

2. Vốn nhà trâm anh cũng phường kim môn ngọc bội
Theo đòi nghiên bút giá đành tú khẩu cẩm tâm

Vế 1: - Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh (148)

- Chẳng sân ngọc bội thì phường kim môn (đảo ngữ) (410)

Vế 2: - Theo đòi và cũng ít nhiều bút nghiên (1450)

- Giá đành tú khẩu cẩm tâm (208)

3. Trong đạo gia đình nói mối giường ở khuôn phép
Khác vời tài mạo vào phong nhã ra tài hoa

Vế 1: - Dâu con trong đạo gia đình (1463)

- Ở vào khuôn phép nói ra mối giường (1484)

Vế 2: - Vân xem trang trọng khác vời (19)

- Phong tư tài mạo tót vời (151)

- Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa (152)

4. Mười phần tin nhau trước biết tình sau đẹp ý
Một nhà sum họp trong có ấm ngoài mới êm

Vế 1: - Mười phần ta đã tin nhau cả mười (1584)

- Trước người đẹp ý sau ta biết tình (đảo ngữ) (1492)

Vế 2: - Một nhà huyên với một Kiều ở trong (874)

- Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm (1506)

- Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi (550)

5. Gọi là báo ân đền bồi non vàng chưa dễ
Lại như những thói hễ thấy hơi đồng thì mê

Vế 1: - Gọi là gặp gỡ giữa đường (356)

- Báo ân rồi sẽ báo thù (2323)

- Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương (2346)

Vế 2: - Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê (306)

- Họ Chung có kẻ lại già (607)

- Ngựa xe như nước áo quần như nen (48)

- Những điều trông thấy mà đau đớn lòng (4)

- Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen (6)

6. Phúc trọng quyền cao bề nào mặc lòng nghĩ lấy
Tâm đầu ý hợp khi nên chẳng lọ là cầu

Vế 1: - Phúc nào nhắc được giá này cho ngang (408)

- Sao bằng lộc trọng quyền cao (2497)

- Mặc lòng nghĩ lấy muốn xin bề nào (2546)

Vế 2: - Hai bên ý hợp tâm đầu (2205)

- Khi thân chẳng lọ là cầu mới nên (2206)

7. Thực là giai nhân khác phường ngày trăng đêm gió
Đã hay thục nữ phải ai sớm mận tối đào

Vế 1: - Thực là tài tử giai nhân (1457)

- Lần lần ngày gió đêm trăng (369)

- Giá đành tú khẩu cẩm tâm khác thường (208)

- Chẳng phường trốn chúa thì quân lộn chồng (1730)

Vế 2: - Đã hay thành toán miếu đường (2543)

- Cho hay thục nữ chí cao (3219)

- Ta đây nào phải ai đâu mà rằng (1102)

- Phải người sớm mận tối đào như ai (3220)

8. Tơ liễu còn xanh kém gì yến oanh nô nức
Hoa thơm phong nhị mặc ai ong bướm đi về

Vế 1: - Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha (170)

- Gần xa nô nức yến anh(2) (45)

- Kém gì cô quả kém gì bá vương (2448)

- Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh (8)

Vế 2: - Hoa thơm phong nhị trăng vàng tròn gương (3094)

- Tường đông ong bướm đi về mặc ai (38) (đảo ngữ)

Muốn làm được câu đối Tập Kiều ngoài những điều bắt buộc: phải có học thức, thuộc Truyện Kiều, thích Truyện Kiều còn phải là người sành chơi câu đối. Dưới đây là 1 loạt những câu đối khác:

Ngày tháng thanh nhàn bài quạt thơ cung cầm nguyệt
Xưa nay thanh khí khi chén rượu lúc cuộc cờ
Chín chữ cao sâu làm con đền ơn phải trước
Một nhà phúc lộc còn nhiều hưởng thụ về sau
Cậy em chịu lời lòng càng yêu kính
Này con thuộc lấy học những nghề hay
Biết khinh trọng biết thị phi khôn ngoan rất mực
Có thanh tân có phong vận trang trọng khác vời
Bình thành công đức cũng đội trên đầu
Phú quí phong lưu vườn xuân một cửa
Ngày xuân còn dài hồng quần phong lưu rất mực
Cửa trời rộng mở thanh vân đường cái hẹp gì
Thư hiên tự tình cười rằng duyên ưa cá nước
Trường văn gặp hội có phen được thấy mây rồng
Nào là gia pháp ở khuôn phép nói mối giường
Cũng mạch thư hương ra hào hoa vào phong nhã
Thông minh tính trời khôn ngoan nên rằng rất mực
Văn chương nết đất dại chi chẳng giữ lấy nền
Lắm lúc say bầu tiên rót rượu
Cùng nhau chúc chèn quỳnh giao hoan
Trong tay sẵn có đồng tiền chi khó
Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên
Việc gì chẳng xong tiền lưng sẵn có
Máu tham sẵn có hơi đồng thì mê
Thiếu gì bá vương ai bì phong lưu phú quí
Rằng trong thánh đế bấy lâu công đức bình thành

Liên kết

Link Xem bóng : trực tiếp bóng đá