Wikiquote:Sở hữu bài viết

Bộ sưu tập danh ngôn mở Wikiquote
(Đổi hướng từ Wikiquote:SOHUU)

Có một vài khía cạnh khi bàn đến vấn đề "sở hữu" các bài viết trên Wikiquote.

Kiểm soát bài viết trên Wikiquote[sửa]

Đầu tiên là vấn đề kiểm soát bài viết. Một số người đóng góp cảm thấy có tính chiếm hữu rất cao cho những bài viết họ đóng góp cho dự án này. Một số còn đi xa hơn nữa khi bảo vệ chúng khỏi mọi xâm phạm.

Bạn không thể bắt mọi người không được sửa đổi tác phẩm "của bạn" một khi bạn đã gửi nó lên Wikiquote, vì mỗi trang sửa đổi đều có nêu rõ:

  • Nếu không muốn những gì bạn viết bị tùy ý chỉnh sửa và tái phân phối, xin đừng đăng nó ở đây.

Nếu bạn nhận thấy mình xung khắc với người khác qua việc xoá, hồi chuyển, v.v…, tại sao không tạm ngưng sửa đổi trong một thời gian? Việc đi ra ngoài quỹ đạo đó có thể làm nguội tình hình đi đáng kể. Rồi hãy xem lại sau đó một hoặc hai tuần.

Hoặc nếu có ai đó tuyên bố "sở hữu" trang viết, bạn có thể mang vấn đề đó vào trang thảo luận tương ứng. Hãy mời những người khác tham gia vào, hoặc xem xét đến thủ tục giải quyết mâu thuẫn.

Tin rằng mỗi bài viết có người sở hữu là suy nghĩ sai lầm mà nhiều người mắc phải trên Wikipedia.

Mặc dù làm việc trên bài viết không cho phép người đó "sở hữu" bài viết, nhưng tôn trọng phần việc của người cùng đóng góp là điều quan trọng. Khi tiến hành thay đổi lượng lớn nội dung, nhất là của cùng một người biên tập, hãy nghĩ xem liệu có thể đạt được kết quả mong muốn bằng cách cộng tác với người đó, thay vì chống lại họ. Xem thêm Wikiquote:Thái độ văn minhWikiquote:Coi như đúng.

Quyền sở hữu pháp lí[sửa]

Vấn đề thứ hai là quyền sở hữu về mặt pháp luật theo quy định của luật bản quyền.

Trái với nhiều người thường nghĩ, các bài viết trên Wikiquote được bảo vệ bản quyền. Tuy nhiên điều này không ngụ ý là việc sao chép chúng là bất hợp pháp. Tác giả – "người giữ bản quyền" theo cách gọi về mặt pháp luật – của văn bản (hoặc bất cứ tác phẩm sáng tạo nào) có thể nhượng các quyền trên văn bản cho người khác. Các quyền này được quy định trong giấy phép. Bằng cách gửi bài viết (hoặc hình ảnh, bản vẽ, sơ đồ… tự tạo) cho Wikiquote, người đóng góp đó đồng ý cấp phép tác phẩm của họ theo Giấy phép Tài liệu Tự do GNU, viết tắt là GFDL. Giấy phép này cho phép mọi người trên hành tinh này quyền sao chép và sửa đổi văn bản miễn là họ đáp ứng các yêu cầu nào đó (chẳng hạn như ghi nhận tác giả). Gửi bài viết vào Wikiquote không có nghĩa là từ bỏ bản quyền tác giả, nhưng cùng lúc đó, tác giả không thể cấm các sửa đổi trên bài viết vì tác giả đã nhượng các quyền được quy định trong GFDL.

Khi ai đó thực hiện sửa đổi trên bài viết, người đó đã tạo nên cái được gọi là "tác phẩm dẫn xuất". Người đó là người giữ bản quyền của phiên bản mới, nhưng vì phiên bản mới dựa trên phiên bản cũ được cấp phép cho họ theo GFDL, người đó bị ràng buộc bởi các yêu cầu của GFDL, và vì vậy họ không thể hành động như thể họ là tác giả duy nhất của phiên bản mới. Điều này diễn ra vô tận: cho dù đã thực hiện bao nhiêu sửa đổi trên bài viết, bài viết vẫn bị chi phối bởi các yêu cần theo giấy phép của phiên bản đầu tiên.

Tóm lại, (các) tác giả của của bài viết là "người giữ bản quyền" hợp pháp và có thể được xem là "người sở hữu", nhưng vì họ không thể cấm các thay đổi trên bài viết, cũng có thể nói rằng mọi người đều "sở hữu" bài viết theo nghĩa mọi người đều có quyền sao chép và cải thiện chúng.

Cũng nên biết thêm rằng người giữ bản quyền của một tác phẩm có toàn quyền đối với tác phẩm đó và không phụ thuộc vào bất cứ yêu cầu nào cho dù họ cấp phép tác phẩm theo GFDL. Tác giả có thể cấp phép cùng một tác phẩm dưới các giấy phép khác – và thực tế nhiều thành viên Wikiquote đồng ý cấp phép phần đóng góp của họ theo một hoặc nhiều giấy phép khác bên cạnh GFDL – hoặc thậm chí họ có thể từ bỏ bản quyền (ngay lập tức hoặc sau đó). Khi một văn bản không ràng buộc bởi bản quyền, mọi người có thể làm bất cứ điều gì họ muốn với văn bản đó.

Hướng dẫn[sửa]

Đừng kí tên vào những gì bạn không sở hữu[sửa]

Vì không ai "sở hữu" bất cứ phần nào của bất cứ bài viết nào, nếu bạn tạo hoặc sửa đổi bài viết, bạn không nên kí tên (~~~~) vào nó. Nhưng ngược lại, khi bạn thêm lời bình, câu hỏi hoặc bầu phiếu ở các trang thảo luận hoặc các trang phụ trợ khác, xin bạn hãy kí tên. Đối với một trang đã có, bạn cũng có thể xem cách những người khác có kí tên hay không để làm theo.

Đổi tên trang bằng nút di chuyển[sửa]

Việc sở hữu bài viết dựa trên lịch sử trang. Do vậy, khi đổi tên trang chú ý dùng nút di chuyển nếu bạn đã đăng nhập hoặc nhờ thành viên đã đăng nhập di chuyển hộ. Đừng sao chép nội dung từ bài cũ sang bài mới một cách thủ công, nó sẽ làm mất thông tin lịch sử trang, và do đó làm mất thông tin sở hữu bài viết.

Xem thêm[sửa]