Câu đối giao hữu trong Cơ quan đoàn thể và những tổ chức Phi chính phủ
Những giai thoại hay về hò đối đáp
[sửa]Giai thoại về Tục Đón Đẳng và câu đối giao duyên ở xứ Nghệ
[sửa]Tục xưa ở Xứ Nghệ, trong ngày rước dâu, dân làng bên nhà gái thường cử người đem một cái đẳng đặt ngang đường vào làng, bên trên bày trầu cau và rượu mừng chú rể. Khi nhà trai tới gặp cái đẳng thì thường phải cho tiền người đón đẳng mới được đi qua. Gọi là tục “đón đẳng”. Xứ Nghệ là vùng đất nổi tiếng chữ nghĩa, nhà gái cắc cớ muốn thử thách nhà trai, không thực hiện tục “đón đẳng” bằng trầu cau, vòi tiền đám rước, mà giăng giây điều ngang đường treo một vế đối. Gặp trường hợp này, nhà trai phải cử người ra viết được vế đáp thì mới được đi tiếp để rước dâu.
- Ở Hội Thống (Nghi Xuân) còn lưu truyền giai thoại có đoàn đi đón dâu thì bị nhà gái treo một cái sáo mành đề vế đối:
- “Vườn cả ao liền, ruộng sâu trâu đực thiến”
Nhà trai cử người ra đối, hiềm nỗi nắng gắt chẳng nghĩ ngợi được gì, mới phát khùng cự nự “Trai lành đi hỏi vợ lại bảo thiến? coi thường người ta quá, thôi không đối nữa!”. Hiềm nỗi “không đối nữa” thì cả đoàn rước dâu cũng không đi tiếp được nữa. May thay, có anh đồ nho đi đằng sau đám rước, thấy nhà trai bí bách, bèn lẳng lặng tiến lên cầm bút đề:
- “Cơi vàng điếu khảm, đàng nhựa ngựa dong cương”
- Bên Nam Đàn có câu chuyện: đám rước dâu từ làng Trung Cần tới làng Dương Liễu. Lúc đi qua trên đê, nhà gái cho người xướng vế đối:
- “Gái Dương Liễu, đi chợ Liễu, mặt hoa mày liễu, trông đẹp như tiên”
Trong đám rước dàng trai lập tức có người ứng khẩu:
- “Trai Nam Hoa, đỗ Thám Hoa, áo gấm thêu hoa, ăn nhờ lộc thánh”
HÒ ĐỐI ĐÁP NAM NỮ Ở BÌNH TRỊ THIÊN
[sửa]Sinh hoạt hò đối đáp nam nữ ở Bình Trị Thiên được thể hiện trong lao động tập thể, trong các hình thức giải trí vui chơi, và ngay trong các ngày hội lễ, mặc dù tính chất trang nghiêm, nhưng không vì thế mà hò đối đáp không được sử dụng. Mở đầu loại hò này là lời thách hò, mời đối thủ, tiếp đến là các tay hò đối đáp các điển cũ, tích xưa, hoặc các hiện tượng đang xảy ra trong xã hội đương thời, dưới đây là cuộc hò của lối hò giã gạo được tổ chức tại hội chợ Huế năm 1939.
- Gái: Đêm hăm lăm tháng hai năm Mão, Quanh trường giã gạo giữa chốn ba quân. Bạn mày râu ai giỏi quốc văn, Về đây tranh giải với bạn thoa quần thử chơi
- Trai: Gái Tây Thi chẳng ai bì bên nước Việt, Gái Văn Khương lại ở bên nước Tề. Nực cười cô gái nhà quê, Đến đây có dám trổ nghề văn chương
- Hình thức hò đối đáp nam nữ cũng có mặt trong ngày “hội cầu mùa” tại làng Hà (xã Bảo Ninh - Bình Trị Thiên) trong ngày hội, dân làng Hà tổ chức “Hò khoan chèo cạn” và múa bông. Nội dung chủ yếu của các câu “hò khoan chèo cạn” là ca ngợi công đức của cá ông voi, nhưng xen kẽ có nhiều câu đề cập đến quê hương đất nước, phô diễn tâm tư tình cảm của người dân. Đoàn hát múa “hò khoan chèo cạn” toàn là nữ, xinh đẹp, chưa chồng xếp thành hai hàng đối nhau. Hai người hò cái, một nam một nữ (không kể đã có vợ hay chồng) cầm cặp sênh giữ nhịp, điều khiển. Tính chất trữ tình trong hát hội “hò khoan chèo cạn” được thể hiện qua câu hò đối đáp nhau giữa hai người hò cái nam và hò cái nữ, liên tục cho đến khi kết thúc buổi trình diễn.
- Nữ: Em lên lưng voi em hỏi cái đường vạn tượng, Tay em lại dắt dê hỏi chốn lan dương. Đố anh mà đối đặng em cho soi gương vàng.
- Nam: Dây bí ngô trèo trên cây trụ tàu, Cờ thượng mã phất sau đuôi ngựa. Anh đối đặng rồi lật ngửa gương ra.
- Trong các câu đối đáp trên các từ cùng nghĩa khác âm được sử dụng là: voi-tượng; dê-dương; ngô-tàu; mã-ngựa.
- Nữ: Quan Thừa Thiên thì mang áo địa ,Lính đông Hải đội nón dầu sơn. Trai nam nhi đối đặng, thiếp xin Kết nghĩa tấn tần ngàn năm.
- Nam: Gái nước Nam buôn hàng thuốc Bắc, Trai Đông sàng cảm động miền Tây, Anh đã đối đặng, em rày tính sao.
- Hai câu hò trên đối nghĩa ở các từ: Thiên - địa; Hải - sơn; Nam - Bắc; Đông - Tây.
- Nữ: Liệu mà đát đặng thì đan, Chứ đừng có gầy ra mà bỏ đó thế gian chê cười
- Chàng trai Bình Trị Thiên đã dùng những tiếng nhà nghề rất hóm hỉnh mà ngắn gọn: Anh đây đan cũng giỏi mà đát cũng tài, Lận thì nhún trên nhún xuống, nứt thì chui ngoài chui vô
Hò đối đáp ở Bình Nam (Thăng Bình - Quảng Nam)
[sửa]Đất Thăng Bình vốn từng là kinh đô của người Chăm: “năm 875 khi người Chăm chuyển đô từ Virapura-vùng đất nam Champa ra vùng đất phía bắc, họ đã định đô tại đây với tên kinh đô mới là Inđrapura. TƯƠNG truyền, thời trước, cứ vào những đêm trăng thanh, gió mát, lúc mùa màng rảnh rỗi, ở trước đình làng, nam thanh niên nữ tú lại tụ tập hát hò khoan. Hát để chọc ghẹo nhau, thử tài nhau… Cũng từ những buổi hát hò khoan đáng nhớ ấy, nhiều đôi trai tài, gái sắc đã mến nhau, nên duyên vợ chồng. Đáng chú ý, xung quanh chuyện hát hò khoan ở Bình Nam (Thăng Bình) có một số câu chuyện kể khá thú vị, hấp dẫn. Hồi nửa đầu thế kỷ XX, thanh niên Bình Nam thường qua làm quen với nhóm nữ làng Trà Sơn. Cứ chiều tối, họ rủ nhau năm, ba người băng qua một ngọn núi cũng có tên Trà Sơn để đến làng Trà Sơn. Trong quá trình giao du, họ thường lấy hò khoan để làm quen nhau, chọc ghẹo nhau, rồi kín đáo… tỏ tình nhau. Một lần nọ, không biết ai bày biểu thế nào, trong một đêm hát hò khoan đối đáp, có một cô gái ở Trà Sơn ra câu đố khá độc:
- “Hò… ơi!/ Chớ trai Trà Sơn gánh củi Trà Sơn/ Sơn sơn xuất anh hùng hào kiệt/ Anh đối đặng rày nhật nguyệt giao cho/ Hố hợi là hò khoan…”.
Xưa, chữ Hán hãy còn phổ biến trong tầng lớp nho học. Người có học, học giỏi hay dùng chữ Hán, sử dụng điển tích để đàm đạo, trò chuyện lẫn nhau. Thế cho nên, tiếng Hán cũng len vào… hò khoan đối đáp (còn gọi là hát kiến tại). Trong tiếng Hán, hai chữ “sơn” viết chồng lên nhau thành ra chữ “xuất”. Cho nên, mới có câu “Sơn sơn xuất anh hùng hào kiệt”. Câu hát đố khó là khó chỗ đó. Nó bắt người giải phải tìm ra chữ nào tương tự để đối lại. Mà, đối được, con gái Trà Sơn mới “…rày nhật nguyệt giao cho”, nghĩa là chấp nhận làm quen với trai xã Bình Nam. Nhưng đối được rõ ràng không phải là chuyện dễ. Dĩ nhiên, đám thanh niên Bình Nam bị bất ngờ,không giải được, hậm hực ra về. Đã thua, họ tức lắm. Mà thua “mưu” con gái thì ra thể thống gì, ăn nói làm sao, rồi… tán tỉnh sao được? Thế nên họ quyết chí “phục hận”. Nói đúng hơn, họ phải nhờ “quân sư” là người học giỏi, thành thạo hát đối đáp, giỏi chơi chữ, để giúp đỡ. Đó là ông thầy Bảy, thầy dạy chữ Hán trong làng. Tối hôm sau, họ rước thầy đến làng Trà Sơn để thầy mách nước. Y như rằng, mấy cô gái kia hát lại câu cũ. Nghe xong, thầy ghé tai nói nhỏ với đám thanh niên Bình Nam. Nghe xong, một anh thanh niên Bình Nam hát hay nhất mới đứng lên cất giọng:
- “Hò… ơi!/ Gái nguyệt ba dạo chơi ba nguyệt/ Nguyệt nguyệt bằng quỷ khóc thần sầu/ Anh mà đối đặng thì thiếp làm dâu nhà chàng/ Hố hợi là hò khoan”.
- Câu đối quá hay. Khi anh thanh niên hát vừa xong, mọi người vỗ tay rầm rầm. Thì ra, để đối lại câu “Sơn sơn xuất anh hùng hào kiệt”, ông thầy Bảy liền ứng câu “Nguyệt nguyệt bằng quỷ khóc thần sầu”. Trong chữ Hán, hai chữ nguyệt viết liền kề nhau thành ra chữ bằng. Bằng ở đây có nghĩa là bằng hữu. Có thể nói, câu đối lại khá hoàn chỉnh. Đám trai làng hỉ hả vì đối được vế đối của con gái làng Trà Sơn. Nhờ đối được mà họ giữ được thể diện và các “nường” mới chịu kết giao. Từ giai thoại đối đáp này chúng ta liên tưởng đến câu đối của Hồ Xuân Hương và Dương Trí Tản, cũng theo lối bẻ chữ tương tự.
- Ca dao về tình yêu lứa đôi của các chàng trai, cô gái miền biển hay miền đồi cũng đều chứa chan cảm xúc yêu thương, khát khao hạnh phúc, niềm tin sắt son vào lòng chung thủy, nghĩa đá vàng. :Với cô gái vùng Đông thì: Thương anh ruột sát liền da, Mà anh không biết tưởng là đói cơm
- Với chàng trai vùng Tây thì: Hoa thơm xuống đất cũng thơm, Em giòn áo rách, đói cơm cũng giòn
Hò đối đáp ở đồng bằng sông Cửu Long
[sửa]Miền đồng bằng sông Cửu long, vào mùa cấy các thợ cấy nam nữ vừa làm việc vừa vui đùa qua chuyện tiếu lâm, hoặc qua những câu hò đối đáp giữa hai nhóm nam nữ.
- Có lần phe nam hát: Thấy em gò má ửng hồng, phải chi em đừng mắc cở thì anh bồng em hun.
- Phe nữ bốp chát luôn: Em là cục cứt trôi sông, anh là con chó ngồi trông trên bờ
- Hò mí hay hò mép là hò đối đáp, thách thức, dòng do xuôi ngược, nói lái úp mở nói lên cái ẩn dụ của mình, miễn xuống câu ăn vận, đúng điệu là được.
- Đằng trai lại hát: Nước Tân Ba chảy ra Trà Cú, em cấy khum lòi vú anh muốn hun
- Phe nữ đáp: Phú Điền có chị Tám Hai, thuyền quyên hò mí đối trai anh hùng
- Tân Ba, Trà Cú, Phú Điền là những địa danh ở vùng đồng bằng Cữu Long. Mới đọc câu chót ít ai để ý đến tiếng lái vì gái thuyền quyên mà đối "trai anh hùng" thì rất là thuận tai và thuận nghĩa. Nhưng "đối trai" nói lái là đái trôi, vừa có nghĩa đen rõ ràng, khỏi giải thích, vừa có nghĩa bóng là phe nữ có cách hò thắng phe nam một cách dễ dàng.
- Giai thoại khác cũng ở Miền Tây Nam Bộ:
- Đằng trai ra: Xứ Thủ Đức năm canh thức đủ, kẻ cơ thần trở lại Cần Thơ! Tương tư hồn mộng dật dờ, đành nào em nỡ buông lờ quên nơm?
- Đằng gái đối: Người Chợ Thủ chuyên nghề thủ chợ, dân hiền ta về xứ Hà Tiên! Bề nào cũng mặt thuyền quyên, thương ai để bụng, chính chuyên phận mình!
- Đối đáp theo phép chơi chữ:
- Bên gái ra: Mấy lời trỏ trẻ trây tra, nỉ non duyên trước dần dà tình sau (câu này ý nói: mấy lời non nớt bây ba để tì tê tâm sự cùng nhau rồi sau này sẽ tiến tới tình ngãi với nhau. Nhưng chỗ làm người ta khó đối nhất là tiếng trẻ, tra, non, dà cùng những tiếng đi cặp đôi với nó)
- Bên trai đối: Đừng còn láo lớn tăm tiu, tỉ to chuyện vắn đìu hiu tình dài (Ở đây cũng có các chữ: Lớn đối với Tiu, Vắn đối với Dài)
- Đằng gái lại ra: Mấy phen tri kỷ biết mình, trăng nhâm gác ngõ, gà canh gáy dần (Trước hết hãy nói về một chữ kỷ ở nửa trên câu ví. Cùng một âm mà ở trong câu này chữ kỷ đã biến thành ba chữ và ba nghĩa khác nhau. Kỷ là mấy, kỷ là mình, lại còn chữ kỷ thuộc về bộ can chi để cùng đi luôn một chuỗi với nửa dưới câu ví: nhâm, ngọ, canh, dần)
- Đằng trai lại đối: Chưa khi hương vị ngát nồng, bóng dần trước dậu sao đông láy đoài (Chữ vị trong câu này cũng gánh đủ ba nghĩa như chữ kỷ của câu ví trên. Vị là chưa, vị là hương (mùi), lại còn chữ vị trong bộ can chi để cùng một chuỗi với dần dậu, đồng, đoài. Mà ý nghĩa của câu ví cũng đã họa lại cùng nhau rất chỉnh)
- Câu đối nói lái mà đôi trai gái khéo léo gởi gắm tình cảm cho nhau:
- Trước hết, người con gái thố lộ: Cam sành nhỏ lá thanh ương, ngọt mật thanh đường nhắm lớ, bớ anh!
- Cảm thương vì “thương anh” mà “nhớ lắm” của nàng nên chàng hứa hẹn: Thanh ương là tuổi mong chờ, một mai nhái lặn chà quơ, quơ chà (Có nghĩa: Qua muốn “nhắn lại” với bậu là nếu “thương anh” mà bậu “chờ qua” thì “qua chờ” bậu)
- Trong một lễ hội dân gian, bên gái có lời hát như sau:
- vế ra: "Hò hơ… Con cá đối nằm trên cối đá, con mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo. Anh mà đối đặng… ơ.. ờ Hò hơ…Anh mà đối đặng, dẫu nghèo em cũng ưng".
- Chàng trai đối lại: "Hò hơ… Chim mỏ kiến(g) đậu trên miếng cỏ, chú chim vàng lông đáp dựa vồng lang. Anh đà đối đặng ơ… ờ Hò hơ…Anh đà đối đặng, hỏi nàng có ưng chưa?"
- Bản thân các câu đối của cả hai vế trên nó đã là câu đối hoàn chỉnh, được đôi trai tài gái sắc gộp lại làm câu hò đối đáp giao duyên
Bên gái lại xướng:
- vế ra: Bánh cả thúng răng gọi là bánh ít, trầu cả khay răng gọi trầu không? Muốn cho cầm sắt hợp đồng, trai nam nhơn đối đặng mới thỏa lòng nữ nhi?
- Đằng trai đối lại: Con cá chưa tra răng gọi con cá móm, cá nằm giữa chợ răng gọi cá thu? Trai nam nhơn đối đặng, nàng phải chịu làm du cả đời!
- Đằng trai có lời đối khác: Chuối không đi Tây răng gọi là chuối sứ, cây không biết chữ răng gọi cây thông? Trai nam nhơn đối đặng, mau theo chồng về ngay!
- “Cả thúng”, “cả khay” (nhiều), trái với “ít”, “không (có)” trong bánh ít, trầu không; “chưa tra” (chưa già: trẻ; trẻ thì không móm miệng”), “nằm giữa chợ” thì ai cũng thấy trái với “thu” (thu lại giấu đi). “Không biết chữ” (dốt), trái nghĩa với “thông”, trong cây thông
Bên gái tiếp tục xướng:
- vế ra: Cây săng trên rừng không ai kêu mà cây săng dạ, cây mít dưới khe không ai kiện mà cây mít nài? Trai nam nhi anh đối được, hẹn ngày mai em về?
- Đằng trai tiếp tục đối: Cái phên trước nhà không ai mời sao gọi là phên cáo, cái giại sau hè không ai gọi răng cái giại thưa? Trai nam nhi đối được, xin đưa em về.
- Các cặp y -> Y (do y mà dẫn tới Y): kêu (gọi) -> dạ, kiện -> nài, mời -> cáo, gọi -> thưa
Bên gái vẫn chưa chịu thua:
- vế ra: Nước không chân sao gọi là nước đứng; cá không giò sao gọi là cá leo? Anh mà đáp trúng, em thả chèo đợi anh?
- đằng trai cũng chẳng phải tay vừa: Ghe không tay sao kêu ghe vạch; Bánh không cẳng, sao gọi bánh bò? Anh đà đáp trúng, nói ngay giờ em nghe!
Những câu đối liên quan đến nhóm Tự Lực Văn Đoàn
[sửa]- Câu đối của độc giả chúc Tết:
Tự Lực văn đoàn là một câu lạc bộ viết văn do Nguyễn Tường Tam vào năm 1934 (tuần báo Phong Hóa số 87). Cơ quan ngôn luận của Tự Lực văn đoàn là tuần báo Phong Hóa, ngoài ra, còn có nhà xuất bản Đời Nay. Ban đầu, bút nhóm chỉ có 6 thành viên, gồm: Nguyễn Tường Tam (còn gọi Nhất Linh), Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Thạch Lam, Tú Mỡ. Về sau, kết nạp thêm Xuân Diệu. Bên cạnh đó còn có những cộng sự viên và các họa sĩ. Năm 1934, một độc giả ở Hải Dương đã làm đôi câu đối chúc tết nhóm Tự Lực Văn Đoàn như sau:
- Xuân sang, kể chuyện “đào hoa”, Khái Hưng ru “Hồn bướm vào cõi tiên”, chợt nghĩ đến “Nửa chừng xuân” mà đã lo quãng “Đời mưa gió”
- Tết đến, đọc văn “Thơ mới”, Thế Lữ ngắm “Đêm trăng ở hang Văn Dú” mới tưởng tới “Lưỡi tầm sét” rồi thấy sợ con “Đường thiên lôi”
- Khái Hưng và Thế Lữ là 2 cây bút chủ chốt trong tổ chức này.
- Câu đối Tết của Văn Gia Khái Hưng Trần Khánh Giư (1896 - 1947):
Khái Hưng tên thật là Trần Khánh Giư. Bút danh Khái Hưng của ông được ghép từ các chữ cái của tên Khánh Giư. Ông xuất thân trong một gia đình quan lại ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Dương, nay thuộc Hải Phòng. Năm 1947, Khái Hưng bị Việt Minh bắt giam tại Liên Khu 3 (Lạc Quần, Trực Ninh) rồi đem xử tử hình ở bến đò Cựa Gà, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Sinh thời ông từng có câu đối tết như sau:
- Bốn nghìn lần: xuân hạ thu đông vạn vật loanh quanh vòng lẩn quẩn
- Ba ngày tết: xôi dê rượu thịt muôn dân hì hục chén no nê
Những câu đối giao hữu trên Văn Đàn của Tàng Thư Viện View Full Version
[sửa]- vế ra: Cao thiên thấp địa, nhất nước đa bang, nam hạ bắc chinh, đông phá tây phục, thiên hạ đệ nhất bang
- vế đối 1: Tình thâm nghĩa trọng, nhất thủ đa ngư , nam hoan bắc ái, đông thê tây thiếp, thiên hạ đệ phong lưu
- vế đối 2: Thâm hải cao thiên, nhất quốc đa hội, nam tàn bắc lụi, đông thua tây bại, thiên hạ đệ bét hội
- vế đối 3: Cận hoa viễn nguyệt, nhị địa nhất đàn, cầm ngân kỳ xuất, thi tỏ họa lưu, tuyệt thế vô song đàn
- vế đối 4: Cao đài thấp địa, nhất đài đa nhân, nam chinh nữ phạt, trẻ cương già cường, tàng thư đệ nhất đài
- vế đối 5: Chí lớn sức mọn, nhất thân đa nghệ, văn viết thơ vịnh, đàn chơi tranh vẽ, thư viện đệ nhất cuồng
- vế đối 6: Hữu thực vô danh, nhất viện tàng đoàn, nam tiêu bắc tán, đông bại tây vong, ám sát đệ nhất đoàn
- vế đối 7: Nam ai nữ ái, nhị nhân nhất khúc, nam nâng nữ hạ, nam hạ nữ nâng, thiên hạ đệ nhất khúc
- vế đối 8: Gần tỏ xa tường, nhất hội quần hoa, hương nồng sắc thắm, kể nhớ người si, nữ nhi quần anh hội
- vế đối 9: Gần sợ xa nể, nhất hội quần sư, thét nam dẹp bắc, tay chìa tay hòm.thiên hạ đệ nhất quần sư hội
- vế đối 10: Lục thủy thanh sơn, nghìn năm còn một, xuân nhớ đông thương, hè mong thu ngóng, Chung Tình đệ nhất hội
- vế đối 11: Tàng hình ẩn đao, đa nhân nhất sát, đao chảm huyết trôi, tiêu phi tuyệt mạng, sát thủ ám sát đoàn
- vế đối 12: Trước thiểu sau đa, vạn nhà muôn chủng, đông tạ hạ khai, xuân sinh thu trưởng, cổ kim nan đắc chủng
- vế ra: Nhất thiên hạ, nhất đại triều, nhất văn hàng, nhất võ hàng, nhất nhất thống
- vế đối 1: Nhất huyện thành, nhất công đường, nhất thư ban, nhất lại ban, nhất nhất quán
- vế đối 2: Tuyệt đại triều, tuyệt minh quân, tuyệt võ quan, tuyệt văn quan, tuyệt tuyệt triều
- vế đối 3: Vô nhân thân, vô gia cư, vô giáo dục, vô vô tù
- vế đối 4: Tứ lang quân, tứ đại gia, tứ thủ tài, tứ khẩu tài, tứ tứ tuyệt
- vế đối 5: Nhị tiểu thư, nhị phu quân, nhị nam tử, nhị nữ tử, nhị nhị tôn
- vế đối 6: Nhất phu quân, nhất phu nhân, nhất nam tử, nhất nử tử, nhất nhất hài
- vế đối 7: Vạn chư hầu, vạn tiểu quốc, vạn nhân lai, vạn mã lai, vạn vạn xuân
- vế đối 8: Vạn tùng hoa, vạn dạ nguyệt, vạn tao nhân, vạn mĩ nhân, vạn vạn tình
- vế ra: Pháo đầu, mã đội, tốt lội qua sông, tướng ở dưới trông, vỗ đùi khen tốt tốt
- vế đối 1: Ông đánh, cha can, khàn khàn Bà quát, tớ nhìn thấy khác, trợn mắt cười hắc hắc
- vế đối 2: Bồi (J) tiến, Đầm (Q) lên, Xì (Át) kênh giữa xóm, Già (K) lòn nhìn trộm, cau mặt rủa xì xì (ác ác)
- vế đối 3: Đề ra, Thực đến, sến sến Luận đi, Kết giống Trương Phi, vuốt râu la khá khá
- vế đối 4: Xe ngang, tượng chéo, hậu sang chiếu tướng, vua núp bên trong, ngoác miệng cười há há
- vế đối 5: Xe tiến, tốt lên, sĩ oai bên trên, tượng ngay bên cạnh, cười khẩy kêu sĩ sĩ
- vế đối 6: Anh đẩy, Em đưa, Bố vừa ra ngõ, Mẹ dò bờ ao, giật mình rên bố bố
- vế đối 7: Xuân về, thu xếp, hè nhau bưng bê, đông vui miễn chê, chống nạnh cười hè hè
- vế ra: Một lời chém sắt, nghìn tia cháy lòng
- vế đối 1: Nhân định thắng thiên, si tâm vọng tưởng
- vế đối 2: Vạn mộc thành lâm, càn rỡ vô duyên
Những câu đối giao lưu ở Việt Nam Thi Đàn
[sửa]Thi đàn Việt Nam thành lập năm 2005, bởi các nhà thơ tâm huyết muốn tạo lập một cộng đồng người yêu thơ chính thức tại Việt Nam. Thi Đàn không chấp nhận những bài đăng dưới dạng hình thức như bình luận, thời sự, chính trị, tôn giáo ..v.v. Tuy nhiên, nếu dùng thơ văn để phản ảnh lên những khía cạnh của chính trị, tôn giáo, đấu tranh...v.v. và những mặt trái của xã hội là điều đáng khích lệ. Chủ trương của Việt Nam Thi Đàn là "CÙNG VUI CHƠI, CÙNG LÀM THƠ", bất kỳ ai yêu thơ ca muốn tham gia chỉ cần liên hệ đến Địa chỉ email: HoaCo2002@yahoo.com, thidanvn@yahoo.com
- Câu đối vui tặng 4 nhà thơ tình của Thi Đàn:
- Oanh hót mẩn mê hồn Đăng Thuyết
- Tuyết bay xao xuyến dạ Phong Lưu
- Câu đối của Thi Sĩ Đào Phong Lưu:
- Lên Đường Lâm, ghé qua Chùa Mía, mua Bánh Kẹo tiện hỏi thăm Đường (Đào Phong Lưu)
- Ngắm Bút Tháp, nhìn thấy Đài Nghiên, chép Thơ Văn khó tìm mua Bút (NHT)
- Câu đối của Thi Sĩ Hoàng Thị:
- vế ra: Nhà Nước dựng Nước Nhà, Công Dân thành Dân Công xây dựng (Hoàng Thị)
- vế đối 1: Đội Quân xây Quân Đội, Lính Cậu thành Cậu Lính dựng xây
- vế đối 2: Sở Trường theo Trường Sở, Sĩ Tử hóa Tử Sĩ đi theo
- Câu đối mừng Cao Nghiêm lấy vợ:
- Hạnh phúc đơm bông, hai thi sĩ trai tài gái sắc
- Trái tim hòa nhịp, cặp uyên ương tình thắm duyên nồng
- Câu đối mừng Thọ:
- Tuổi thọ chín mươi mừng phúc lộc
- Hoa tươi muôn đóa chúc an khang
- Mẹ an khang, vui Tết tám nhăm tuổi thọ
- Nhà thành đạt, mừng Xuân ngàn vạn niềm vui
- Câu đối mừng nhà mới:
- Cửa rộng nhà cao xây phú quý
- Lộc nhiều phúc lớn hưởng vinh hoa
- Nhà trải rộng tương lai mở rộng
- Mắt nhìn xa hạnh phúc vươn xa
- Những câu đối khác:
- vế ra: Nước hơn bốn nghìn năm, yêu Tổ Quốc càng nhớ ơn Quốc Tổ
- vế đối 1: Người gần trăm triệu khẩu, quý Tình Dân thêm thương cảm Dân Tình
- vế đối 2: Bồ đến dăm bẩy ả, quý Tình Nhân mới cám cảnh Nhân Tình
- vế ra: Tôi là Xạ Thủ, luôn Bắn trúng Đầu địch (Bùi Văn Thanh)
- vế đối: Nó chính Phi Công, vẫn Bay hơn Ông Tây (Nguyễn Hữu Thăng)
- vế ra: Khắp nơi khẩu hiệu, loại trừ bệnh dịch: Chân, Tay, Miệng
- vế đối: Đây đó thi đàn, bay bổng tâm hồn: Gió, Trăng, Thơ
- vế ra: Miệng hát đồng Dao, anh lính xuống đầm Kiếm vài bông hoa Súng
- vế đối: Tay lần khuy Cúc, thợ vườn lần ra quán Mua mấy chiếc thẻ Sim
- vế ra: Tân Hiệu Trưởng đánh Trống Trường, Cổ vũ học trò năm học Mới
- vế đối: Lão Ca Nương theo Gánh Hát, Đảm đương đào kép kiếp đào Già
- vế ra: Bỏ Trống nhà, Đàn bà ra mua áo đẹp
- vế đối: Ăn Sành miệng, Sứ giả chọn gắp món ngon
- vế ra: Người Chọn Kén, Kén Chọn những con Kén Chọn
- vế đối 1: Chị Mua Tranh, Tranh Mua vài bức Tranh Mua
- vế đối 2: Gã Chơi Tranh, Tranh Chơi mấy bức Tranh Chơi
- vế ra: Đàn Gà chui khe Dậu, vào vườn Kê phá (Nguyễn Quốc)
- vế đối: Tuổi Cọp đến tháng Dần, tới trại Hổ chơi (NHT)
- vế ra: Cô Ca uống cô ca, cô Ca bảo cô ca ngon thật (Bùi Hoàng Tám)
- vế đối: Chú Thích xem chú thích, chú Thích khen chú thích thật hay (Thanh Long)
- vế ra: Tri kỷ, tri âm, ngàn chén rượu ngon, còn thiếu (Vương Khắc Côn - Bắc Đuống)
- vế đối 1: Bất nhân, bất nghĩa, nửa lời hoa mỹ, cũng thừa (VĂN CƯỜNG - Tây Hà)
- vế đối 2: Lời bốc, lời thơm, muôn kiểu phỉnh phờ, thêm tệ (khuyết danh)
- vế đối 3: Khách tài, khách trí, một lời chân thật, lại hay (khuyết danh)
- vế đối 4: Tình yêu, tình bạn vạn con sông cạn, lại đầy (Đỗ Văn Đức)
- Câu đối của GioCaoNguyên:
- vế ra: CÚI ĐẦU CẤU ĐÙI, ĐÙI BỊ CẤU!
- vế đối 1: ĐỘI NÓN ĐÓN NỘI, NỘI ĐƯỢC ĐÓN
- vế đối 2: LÁI BÒ LÓ BÀI, BÀI BỊ LÓ
- vế đối khác 1: CAY ĐẮNG CĂNG ĐÁY, ĐÁY BỊ CĂNG (NHUAI NGUYEN)
- vế đối khác 2: Thách đối thối đách, đách bị thối (khuyết danh)
- vế đối khác 3: XÀM LAO XAO LÀM, LÀM THÊM XAO (NHONYENHIEN)
- vế đối khác 4: LÊN ĐƯỜNG LƯƠNG ĐỀ, ĐỀ NGHỊ LƯƠNG (khuyết danh)
- vế đối khác 5: BỎ CẦY BẨY CÒ, CÒ MẮC BẨY (khuyết danh)
- vế đối khác 6: THẾ GIAN GIAN THẾ, THẾ THỜI GIAN (khuyết danh)
- vế đối khác 7: GIƠ TAY DAY TƠ, TƠ ĐƯỢC DAY! (khuyết danh)
- vế đối khác 8: CHƠI TRÒ CHO TRỜI, TRỜI LẠI CHO! (khuyết danh)
- vế đối khác 9: BÁN ĐỘ ĐỐ BẠN, BẠN GIẢI ĐỐ! (khuyết danh)
- Câu đối chiết tự:
- vế ra: Thân vác bộ đao (刀) tâm (心) thấy nôn nao đành phải nhẫn (忍) (Tâm Giao) (Chữ Nhẫn gồm bộ đao có vết cứa ở trên và chữ Tâm ở dưới)
- vế đối 1: Xác mang dòng Sĩ (士) Chí (志) lo canh cánh buộc gìn Tâm (心) (Phong Trần) (Chữ Chí gồm chữ Sĩ ở trên và chữ Tâm ở dưới)
- vế đối 2: Nắng theo vầng nhật (日), nguyệt (月) bừng rạng rỡ, mới nên minh (明) (Nguyễn Hữu Thăng) (Chữ NHẬT và chữ NGUYỆT hợp thành chữ MINH)
- vế đối 3: Nắng như đổ lửa, lúa xanh bát ngát, đã vào thu (Kiền Đức Trương Thế Công) (Chữ HỎA (lửa) và chữ HÒA (lúa) hợp thành chữ THU)
- vế đối 4: Mạng là thân nữ (女) lòng nên gìn giữ mãi luôn an (安) (Bảo Minh Trang)
- vế đối 5: Kiếp theo sòng bạc, bụng thời thấp thỏm bởi vì tham (Quốc Quyền)
- Câu đối của Kiền Đức Trương Thế Công:
- Trời thăm thẳm chứa vạn điều hay dở
- Đức dạt dào mang trăm sự ngổn ngang
- Câu đối của Nguyễn Văn Chương ở tỉnh Bình Định:
- Đại Việt kiên cường, bốn nghìn năm vững thế núi sông, giặc đến đường nào cũng bại
- Thăng Long mở rộng, trăm thập kỉ tạo hình đô hội, dân chung một ý tất thành
- Câu đối của Lê Trâm Thư ở thành phố Đà Nẵng:
- Trên chính dưới liêm, cơ nghiệp Rồng Tiên bền vạn thuở
- Ngoài hòa trong thuận, cõi bờ Hồng Lạc vững nghìn thu
- Câu đối có vế đáp của Lê Tòng:
- vế ra: Thi bất ngôn thành tự (khuyết danh)
- vế đối: Tùng vô mộc vi công (Lê Tòng)
Những câu đối giao lưu trong Bát Cửu Thi Nhân Quán
[sửa]- Vế xuất của Dương Đoàn Trọng:
Vế xuất: CON HẦU TỦI THÂN NHĂN MẶT KHỈ (Dương Đoàn Trọng)
Vế đối: LÃO CỌP NGHÊNH HỔ VỂNH RÂU HÙM (Huề Nguyễn)
Vế đối khác: Chị DƯƠNG khoái MÙI nháy mắt DÊ (Nguyễn Huy Vụ)
- Vế xuất của Nguyên Gia Khanh:
Vế xuất: Rượu KHỈ uốngHẦU bạn THÂN (Nguyên Gia Khanh)
Vế đối: Lẩu DÊ tán DƯƠNG anh MÙI (Nguyễn Huy Vụ)
- Vế xuất của Huề Nguyễn:
Vế xuất: TẾT ĐẾN ĐA NGHỀ LO MÉO MẶT (Huề Nguyễn)
Vế đối: XUÂN VỀ THẤT NGHIỆP NGÁP VỀU MÔI (Huề Nguyễn tự đối)
Vế đối khác 1: SANG XUÂN LẮM VIỆC CHẠY CUỒNG CHÂN (Bùi Tiến Quì)
Vế đối khác 2: XUÂN TRÀN KHỐI PHỐ NGUYỆN ĐỒNG TÂM (Bùi Văn Thanh)
- Câu đối mừng tuổi mẹ của Bùi Văn Thanh:
MỪNG THỌ TUỔI TÁM MƯƠI, NIỀM VUI ĐẦY SÂN QUẾ HÒE RỰC RỠ
ĐÓN XUÂN NĂM ẤT MÙI, HẠNH PHÚC TRỌN ĐẠO CON CHÁU SUM SÊ
Giai thoại đối đáp ở sở Văn Hóa Thông Tin thành phố Hải Phòng
[sửa]Năm nọ, ông Nguyễn Văn Chương nói về ông Văn Lợi giám đốc Sở Văn Hoá của mình, vế xuất đối như sau: VĂN LỢI, LỢI NHỜ VĂN, RĂNG LẠI NHỦ, LÀM VĂN KHÔNG CÓ LỢI
- Một nhà thơ rất sính làm diễn ca tuyên truyền, tự nhận là “Bút Gỗ” vội vàng đốp chát: ĐỒ CHƯƠNG, CHƯƠNG CHUYỆN ĐỐI, LỢI CHẲNG ĐÂU, HAM ĐỐI CHỈ KHỔ MỒM
- Một nhà thơ khác lên tiếng: VẼ DANH, DANH THÍCH VẼ, HÁM DANH QUÁ, CỐ VẼ CHỈ Ô DANH
- Một nhà thơ khác ám chỉ một số báo vừa qua đã đưa tin thất thiệt làm tai hại cho bà con miệt vườn, không ai dám ăn hoa trái gì vì sợ ung thư? Nhà thơ thận trọng đọc từng chữ: BÁO HẠI, HẠI VÌ BÁO, LỢI CHE MẮT, BÁO SAI GÂY LÊN HẠI
- Một nhà thơ châm biếm, được mệnh danh “Thợ Rèn Trẻ” đã gặp nhiều “tai nạn nghề nghiệp” hào hứng tham gia: THƠ HOẠ, HOẠ CÓ THƠ, VẼ LÊN CHUYỆN, MẦN THƠ GÂY LÊN HOẠ
- Một nhà thơ từng xông pha nhiều trận “khẩu chién” hào hứng nói tiếp: VÕ MỒM, MỒM CẬY VÕ, LỢI HẠI VẬY, ĐÁNH VÕ LẠI NGẬM MỒM
- Một nhà thơ khác gật gù chậm rãi nói: VÕ BẰNG, BẰNG GIỎI VÕ, LỢI HẠI THẾ, ĐÁNH VÕ THẬT CÔNG BẰNG
- Mọi người vỗ tay hoan hô: “Văn Lợi được đối nhà báo lớn Võ Bằng chuẩn mực quá; bằng trắc , ý đối ý, lời đối lời như thế là cùng chứ gì...
Những vế xuất đối của bác sĩ Nguyễn Văn Bá gửi cho Tam Cá Nguyệt San Cỏ Thơm
[sửa]Như thường lệ, cứ gần đến Tết Nguyên Đán là bác sĩ Nguyễn Văn Bá (thi văn kịch sĩ Văn Bá) ở bên Pháp, lại gửi cho Tam Cá Nguyệt San Cỏ Thơm một vế đối để các bạn trong ban chủ biên ai sính văn thơ thì đối lại cho mùa Xuân thêm rộn ràng phấn khởi. Năm Đinh Hợi (2007), tòa báo nhận được vế ra của bác sĩ Bá như sau:
- vế xuất: Thừa dịp bác Hợi giết lợn, chị Thỉ, người hàng xóm, sang mượn đầu heo nấu cháo
- vế đối 1: “Nhân khi bà Hầu khỏa thân, ông Viên, kẻ láng giềng, tới bầy trò khỉ mua vui” (Nguyễn Phú Long)
- vế đối 2: “Đợi khuya cô Miêu gọi mèo, anh Mão, dân phố thị, đến hòa tiếng mãn kêu đêm” (Nguyễn Thị Ngọc Dung)
- vế đối 3: “Đợi khi chị Hằng ngắm trăng, anh Thiềm, bạn nghệ sĩ, ra chờ bóng nguyệt làm thơ” (Phan Khâm)
- vế đối 4: “Thất cơ ông Dần sa hầm, tên Hùm, đứa thất phu, tới dương mắt cọp ra oai” (Trần Quốc Bảo)
Thời gian thấm thoái thoi đưa, trước thềm năm Mậu Tý, Bác Sĩ Bá lại gửi cho anh em câu đối mới, nội dung rất thời sự và cũng rất…” hóc búa” như sau:
- vế xuất: “Chuột lắc tý hon, thử gậm phên rão”
- vế đối 1: “Khỉ già thân thiện, hầu mong kiếp lành” (Lý Hiểu)
- vế đối 2: “Dê sồm mùi mẫn, dương khoe cẳng dài” (Nguyễn Phú Long)
- vế đối 3: “Cọp cái dần dà, hổ thẹn ân sâu” (Người Đà Lạt)
- vế đối 4: “Ngựa quý ngọ môn, mã đáo thành công” (Người Đà Lạt)
- vế đối 5: “Chồn hoang hồ hởi, cáo lui tuổi già” (Nguyễn Thị Ngọc Dung)
- vế đối 6: “Ngựa khôn mã thượng, ngọ nguậy đuôi dà” (Nguyễn Thị Ngọc Dung)
- Phan Khâm và Nguyễn Thị Ngọc Dung xướng họa thơ Xuân:
- Phan Khâm xướng: Có còn con én báo tin xuân, vẫn kiếm tìm nhau chốn bụi trần, chiếc lá lìa cành khuya tống cựu, nhành hoa nở nụ sớm nghinh tân, dòng sông hoài niệm màu thanh thủy, ngọn núi trầm tư sắc bạch vân, đá biết tuổi vàng chưa đá nhỉ, bao giờ nhân diện chút nhân tâm
- Nguyễn Thị Ngọc Dung họa: Vần thơ ươm nụ đợi mùa xuân, mưa tuyết nhẹ rơi phủ cõi trần, vắng tiếng chim ca thời son trẻ, không màu hoa thắm thuở thanh tân, khăn xưa phảng phất mùi phương thảo, áo cũ nhạt phai sắc cẩm vân, đốt nén hương lòng chờ đón Tết, mai vàng thấp thoáng nở trong tâm
Những giai thoại đối đáp tại giảng đường
[sửa]- Câu đối của một thầy giáo dạy Văn:
Có thầy dạy Văn rất hay nhưng đầu thầy bị hói chỉ còn vài sợi tóc. Thầy chải rất đẹp dù vài sợi nhưng nó nằm đều cả đầu trông thật trí thức. Thầy tên Niên. Một hôm dạy xong còn thừa thời gian thầy ra câu đối cho học sinh đối như sau:
- vé ra: Nước non, non nước non nước nhà
- Thầy bảo ai đối được cho 10 điểm. Có một học sinh thuộc dạng cá biệt, học kém đứng dậy thưa: "Thưa thầy em đối được nhưng sợ thầy la". Thầy bảo: "Em cứ đối, nếu chuẩn thì thầy cho 10 điểm, không chuẩn thì thôi".
- Em đó liền đối: Nói xiên, Niên xói Niên xói đầu
- Thầy Niên bỗng đỏ phừng mặt, nhưng thầy cũng phải cho em đó 10 điểm vì em đó đối rất chỉnh.
- Học trò viết thơ xướng họa về thầy Dương Quảng Hàm và thầy Hư Chu:
- Dương Quảng Hàm (1898 - 1946) sinh tại làng Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Từ năm 1920 đến 1946, ông làm giáo viên trường Bưởi (tiền thân của trường Chu Văn An ngày nay). Sau năm 1945, ông được bổ nhiệm làm thanh tra Trung học vụ, rồi làm Hiệu trưởng của trường Bưởi.
- Thập niên 60, có thầy dạy sử địa là giáo sư Hư Chu (1923 - 1973) người Nam Định, nổi tiếng, chuyên dạy sử ở Sàigòn qua nhiều trường như: Văn Lang, Hưng Đạo, Cộng Hòa, Nguyễn Bá Tòng..v.v.. Một hôm, ông kể cho học sinh nghe về cái tật của thầy Dương Quảng Hàm bị dị ứng mũi, hay khịt khịt, rồi nuốt đàm, học trò chọc phá ông, họa lên mấy câu thơ: Sống ở nhân gian chỉ nuốt đàm, chết về âm phủ nói làm nhàm, Diêm vương phán hỏi rằng ai đó, Quảng Hàm!
- Đám học trò nghe xong lén bàn nhỏ với nhau, rồi hoạ lại để chọc thầy Hư Chu: Sống ở nhân gian chỉ bú bu, chết về âm phủ khóc hu hù, Diêm vương phán hỏi rằng ai đó, Hư Chu!
- Thầy Hư Chu nổi giận chửi cả lớp thê thảm, rồi bỏ ra về
- Câu đối của thầy giáo Hạm - giáo viên trường Phả Lại
Thầy giáo Hạm (chưa rõ tiểu sử), giáo viên văn trường Phả Lại một lần đi cùng thầy Hạ, giáo viên toán của Trường ra thăm vịnh Hạ Long, ông tức cảnh ra vế đối, mời các thày đối lại:
- ME SỪ HẠ XUỐNG VỊNH HẠ LONG THẤY CON RỒNG LỘN HOẢNG HỒN CO CẲNG THƯỢNG.
- Vì là cuối buổi nên vế đối đó chưa được ai đối lại.
Mấy hôm sau, một nữ giáo viên cùng trường là Vũ Thị Song Thu có đối lại là: MA ĐAM DƯƠNG, LÊN RỪNG BẠCH DƯƠNG GẶP CHÚ VOI CƯỜNG HÍ HỬNG VỚI TAY SỜ.
- Rất tiếc là mọi người chẳng bao giờ gặp lại thầy Hạm nữa để mà đọc cho thầy nghe những vế đối của mình. Vì thầy đã đột ngột lìa xa thế giới này bởi một tai nạn giao thông trong một buổi chiều đi dạy về ngay sau đó ít hôm
Câu đối được ghép từ thơ danh nhân ở CLB thơ Đường Hà Nội
[sửa]Trong quán thơ của CLB thơ Đường Hà Nội tại Liên hoan thơ các Câu lạc bộ thuộc Trung tâm Văn hóa các Tỉnh thành phố toàn quốc tại Quy Nhơn có đôi câu đối rất độc đáo, đây là một kiểu chơi Lấy thơ chữ Hán đối với thơ tiếng Việt. Đầu thế kỷ 19, tổng trấn Nguyễn Văn Thành, vâng lệnh vua Gia Long, lập đàn tế trận vong tướng sĩ. Nguyễn Văn Thành có mời các danh sĩ nghĩ cho một câu đối trưng ở đàn tế. Thầy Khóa Liễu lấy câu một ở trong bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, câu hai lấy ở trong bài Lương Châu Từ của Vương Hàn.
- Câu một: Nhật mộ hương quan hà xứ thị (trời chiều quê cũ nào đâu thấy)
- Câu hai: Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi (xưa nay chinh chiến mấy ai về)
Câu một là cám cảnh vong hồn, câu hai là an ủi vong hồn. Nhập mộ hương quan là thực từ, cổ lai chinh chiến cũng là thực từ, chúng đã đối nhau. Hà xứ (nơi nào) và kỷ nhân (mấy ai) đối nhau rất chỉnh. Thị (thấy) và Hồi (về) là hai động từ, đối nhau chỉnh quá. Tuyệt, tuyệt quá, thích hợp với nội dung của đàn tế.
- Từ giai thoại trên, các anh em trong ban chủ nhiệm nảy ra ý định, lấy một câu trong bài “Chinh Đèo Cát Hãn hoàn, quá Long Thủy đê”, của vua Lê Thái Tổ và một câu trong bài thơ “Ai đi về Bắc” của nhà thơ, nhà quân sự cách mạng Huỳnh Văn Nghệ để làm một vế ứng đối.
- Câu một: Nghĩa khí tảo không thiên chướng vụ
- Câu hai: 'Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long
Câu một có đại ý “nghĩa khí của người dân Việt Nam đã, đang và sẽ quét phăng được mây mù chướng khí uy hiếp toàn vẹn lãnh thổ của ta. Câu hai có đại ý “toàn bộ công dân dưới trời Nam, trên khắp các hòn đảo lớn nhỏ ở biển đông, luôn thương nhớ, thiết tha hướng về trái tim của tổ quốc: Thăng Long – Hà Nội”. Hai ý thơ trên đã tung hứng với nhau, liền một ý, như một bài văn chỉnh thể. Nghĩa khí và Trời Nam là hai danh từ, chúng đối nhau. Tảo không (quét sạch) và thương nhớ là hai động từ, chúng cũng đối nhau. Thiên chướng vụ (nghìn chướng khí) và đất Thăng Long, là hai danh ngữ, chúng lại càng đối nhau. Vậy hai thơ trích lẩy từ hai bài thơ của hai danh nhân, bất giác chúng lại lập thành một câu đối chỉnh thể. Câu đối nêu trên thật là tinh tế, vừa có tính nghệ thuật, vừa có tính tư tưởng, vừa biết khơi gợi di sản của cha ông, vừa khơi gợi được tinh thần yêu tổ quốc.
Giai thoại đối đáp trong câu lạc bộ người cao tuổi ở Hà Nội thời bao cấp
[sửa]Một lần đi dã ngoại, lên thăm đền Thượng Ba Vì. Hôm ấy là chủ nhật, người nước ngoài leo núi cũng nhiều, váy áo các màu phấp phới… Phan Kế An đứng ở mỏm Một ngàn ngước lên, ngắm… không đi nổi. Nhà thơ Vân Long trêu: “Sao ông An lại cứ đứng ì ra thế, ngắm gì mà kỹ vậy?”. Phan Kế An chữa ngượng bằng cách thách đố: “Các cậu toàn nhà thơ cả, tớ thách các cậu nối tiếp được câu này:
- "Ngước mắt trông lên thấy váy xòe"
Nhà thơ Vân Long tủm tỉm, tìm một chữ đa nghĩa để trêu “chàng công tử” con quan thượng thư triều Nguyễn (tức cụ Phan Kế Toại): "Khó gì! Này nhé":
- Làm “con cụ thượng” cứ ngo ngoe
Trần Lê Văn như chẳng phải nghĩ ngợi gì:
- Gậy dài gậy ngắn đua nhau chọc
Ngô Quân Miện vốn bị trêu là Miện "nháy" do mắt ông bị chứng loạn thị, có gậy mà chống cũng không chuẩn, bật ra lời than:
- Chọc mãi mà không trúng cái … khe!
Vậy là do ngẫu hứng mà các vị có được một bài tứ tuyệt khá chỉnh:
- Ngước mắt trông lên thấy váy xòe
- Làm “con cụ thượng” cứ ngo ngoe
- Gậy dài gậy ngắn đua nhau chọc
- Chọc mãi mà không trúng… cái khe
- Một lần khác, Lưu Quang Thuận ra vế đối:
- Miệng cười lấp lánh… răng nhà nước (hồi ấy muốn lắp răng giả phải đủ tiêu chuẩn chuyên viên 4)
Ngô Quân Miện đối: Mắt liếc mơ màng… kính quốc doanh
Đối đáp tại câu lạc bộ thơ Bắc Đuống
[sửa]Đỗ Văn Đức là một nhân vật giỏi đối đáp đang tham gia sinh hoạt trong CLB thơ Bắc Đuống - Lê Xá - Mai Lâm - Đông Anh - Hà Nội:
- vế xuất: Đông Hội mở hội tao phùng, thi hữu ta cùng xướng hòa thi phú (Ngô Thế)
- vế đối: Xóm Chùa khai chùa hội ngộ,văn nhân nọ có bày tỏ văn chương (Đỗ Văn Đức)
- vế xuất: Tửu nhập ngôn xuất, xuất khẩu thành thơ, thơ nhập rượu (Lại Duy Lực)
- vế đối: Người mong kẻ chờ, chờ ngày đón khách, khách mong nhân (Đỗ Văn Đức)
- vế xuất: Bắc Đuống Đường thi, thi luyện bút thi, thi xướng họa (Lại Duy Lực)
- vế đối: Nam Hồng chiếu họa, họa trau vần họa, họa bình thi (Đỗ Văn Đức)
- vế ra: Chơi trống bỏi, hỏi trai thanh làng Hải Bối (Nguyễn Tăng Ninh - CLB thơ Bắc Đuống-Đông Anh HN)
- vế đối: Ghẹo nạ dòng, phòng gái dở phố Mai Lâm (Văn Cường - CLB Tây Hà-Cầu Giấy HN)
- vế đối khác 1: Đau nước biếc, tiếc giòng xanh triền Bản Giốc (khuyết danh)
- vế đối khác 2: Hận máu xương, thương lính trẻ đảo Trường Sa (khuyết danh)
- vế đối khác 3: Tới chợ Vân, ăn phở nóng ngõ Yên Viên (Đỗ Văn Đức)
Câu đối xuất hiện ở báo Người cao tuổi và báo Giáo dục
[sửa]Năm Bính Tý (1996) báo NGƯỜI CAO TUỔI hai vế đối sau:
- vế ra: CHUỘT THAM ĂN THỬ TÍ MÀ CHƠI, NHÀ VỪA CHÁY ĐÃ LÒI MẶT CHUỘT
- vế đối: DÊ HÁM LẠ DƯƠNG MÙI ĐỂ GỢI, ĐỘNG CÒN NGUYÊN CHƯA HẾT MÁU DÊ
- vế ra: NGƯỜI CAO TUỔI ĐÂU NGẠI TUỔI CAO, CHẲNG THÍCH LÃO GIẢ AN CHI, MÀ ƯA LÃO ĐƯƠNG ÍCH TRÁNG
- vế đối: LỚP TRẺ TÀI PHẢI DÂNG TÀI TRẺ, ĐỪNG QUÊN XUÂN THÌ HỮU HẠN, HÃY NHỚ XUÂN BẤT TÁI LAI
Trên Báo Giáo Dục TP.HCM xuân cũng từng có câu đối rất hay:
- Hai mươi tuổi trẻ măng, các cụ cũng gọi thầy nghe mà đỏ mặt
- Sáu chục xuân già cả, con trẻ tự xưng em nghĩ lại tươi đời
Những giai thoại đối đáp ở câu lạc bộ người cao tuổi Tây Sơn - Bình Định
[sửa]- Huyện Tây Sơn có "Tam Văn" là các cụ Đặng Đồng Văn, Nguyễn Hoài Văn, Lê Tử Văn đều là các danh sĩ uyên thâm, giỏi Hán học, hay thi phú. Nhân một mùa xuân, nhà thơ Quốc Thành ở Tây Sơn thượng đạo ra một vế mời đối gửi xuống Tây Sơn mừng thọ các bậc lão trượng:
- Tây Sơn chỉ hữu lão tam văn, Văn Nguyễn, Văn Đặng, Văn Lê, văn cốt cách, văn tinh thần, Côn thủy Hoành sơn văn khí tụ.
Nhận vế xuất mừng, "Tam Văn" vui vẻ phóng bút đối. Cụ Nguyễn Hoài Văn đi tiên phong :
- Thái Đức quần thần khai nhị võ, võ Thị Xuân, võ Quang Diệu, võ cao cường, võ kiệt xuất, Trưng nham Bình lãnh võ xưng tài.
Nối tiếp là cụ Đặng Đồng Văn :
- Bình Định võ tài sinh vạn võ, võ trường, võ sư, võ sĩ, võ ngân đài, võ ngọc trảng, kinh sơn hàng thủy võ hoành khai.
Và cụ Lê Tử Văn đánh tập hậu :
- Đông Hải như nhiên hoàn hiệp mạch, mạch thiên, mạch địa, mạch nhân, mạch dân sinh, mạch linh tại, Hương sơn, Hàng thạch mạch long khai.
Không chỉ là "Tam Văn" nhiệt liệt đối lại, mà cuộc chơi câu đối còn cuốn hút được những văn nhân khác tham gia. Ông Vương Tảo ở An Khê tham gia đối đến 2 câu :
- Phụ nữ đức tùng phân tứ đức, đức công, đức ngôn, đức hạnh, đức phương dung, đức thiết yếu, gia phong lễ giáo đức tâm sinh
Và:
- Bình Định võ đài sinh nhị võ, Võ Bình, Võ Tây, võ nghiệp, võ phòng thân, võ vệ quốc, địa linh nhân kiệt võ đường khai
Ông Đạm Thủy ở Đồng Phó, Tây Sơn tham gia câu :
- Bình Định võ thần hưng số võ, Võ Nhàn, Võ Lai, Võ Xán, võ hy sinh, võ cứu quốc, Trường Xuyên Nhược Lãnh võ hùng anh
Chính nhà thơ Quốc Thành cũng có vế đối:
- Nam quốc võ công du thập võ, Võ Nguyên, Võ Văn, Võ Chí, võ an bang, võ tế thế, Trường Sơn Đông Hải võ kỳ lưu.
- Đất Tây Sơn còn có Nghệ sĩ nhân dân ngành hát bội Võ Sĩ Thừa ở Nhà hát tuồng Đào Tấn, cũng là đề tài cho câu đối của cụ Nguyễn Hòe. Nhân Tết đến, cụ Hòe (quê ở Phù Cát) định mang vế thách đối của mình đến tờ tạp chí Phương Mai (Văn nghệ Bình Định) để đăng vào số Tết :
- Đất Tây Sơn thừa võ sĩ, Võ Sĩ Thừa thành danh nghệ sĩ, nghệ sĩ Thừa nghệ sĩ nhân dân.
- Vế thách này quả là hiểm hóc, bởi "Võ Sĩ Thừa" với "Thừa nghệ sĩ" đảo xuôi đảo ngược. Ấy vậy mà bài chưa kịp đưa cho báo, cụ Hòe gặp bạn là nhà thơ Thủy Triều, cụ đọc cho bạn nghe.
Thế là cụ Thủy Triều đối ngay:
- Người Phù Cát thích văn công, Văn Công Thích nổi tiếng nhạc công, nhạc công Thích nhạc công ưu tú!
Vế ra hiểm hóc, vế đối tuyệt vời. Quả là những câu đối hoàn hảo của các văn nhân đất võ.