Câu đối và giai thoại đối đáp của Nguyễn Khuyến

Bộ sưu tập danh ngôn mở Wikiquote

Câu đối thuở thiếu thời[sửa]

Nguyễn Khuyến hiệu Quế Sơn, tự Miễn Chi, lúc nhỏ tên Nguyễn Thắng, ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, di cư ra làng Yên Đổ huyện Lục Bình, tỉnh Hà Nam. Năm 30 tuổi, Nguyễn Khuyến thi hương đỗ giải nguyên. Năm 1871, Nguyễn Khuyến thi đỗ hội Nguyên rồi Đình Nguyên. Là người đỗ đầu 3 kì thi nên ông được vua phong tặng danh hiệu "Tam nguyên yên đỗ". Sau đó, Nguyễn Khuyến làm việc ở nội các Huế. Năm 1876, ông làm biện lý Bộ hộ. Năm 1877, làm thăng bố chánh Quãng Ngãi. Năm 1879, làm Quốc Sử Quán Huế. Năm 1884, ông được đề cử chức Tổng Đốc Sơn,Hưng,Tuyên nhưng ông không nhận và cáo quan về quê. Nguyễn Khuyến khi ông còn là cậu học trò nhỏ. Học giỏi được thầy, bạn quý nhưng cậu lại bị anh trưởng tràng học kém hơn ganh ghét. Anh ta bày trò bắt cậu làm câu đối “dán chuồng lợn” để giễu cợt (vì có ai làm câu đối để dán chuồng lợn bao giờ!?). Cậu đã làm ngay đôi câu đối để trả đũa anh trưởng tràng, vì vậy hai vế chỉ dùng có… hai chữ “trưởng tràng”:

長長長長長長長 Trưởng trưởng tràng tràng tràng trưởng trưởng
長長長長長長長 Tràng tràng trưởng trưởng trưởng tràng tràng
Cấu đối này viết bằng chữ Hán thì chỉ mỗi chữ "Trưởng" còn có phiên âm khác là "Tràng" được nhắc đi nhắc lại 14 lần, nghĩa là: "Lớn lớn dài dài dài lớn lớn, dài dài lớn lớn lớn dài dài". Câu đối dán chuồng lợn là để cầu cho lợn chóng lớn, thiết tưởng không còn câu nào hay hơn thế, nhưng đã cho anh trưởng tràng một vố thật sâu cay, nhớ đời.

Những câu đối Tết[sửa]

Chúng nó dại vô cùng, pháo nổ đì đùng thêm mất chó
Ông đây khôn bất trị, rượu say túy lúy lại nằm mèo
Nguyễn-Khuyến quan niệm rằng người ta thật là vô cùng dại dột, chẳng những mất bao nhiêu tiền mua pháo đốt mà lại còn bị mất chó nữa vì pháo nổ đì đùng làm cho chó hoảng sợ chạy đi mất. Còn như ông là một người rất tinh khôn cho nên ngày Tết ông chỉ uống rượu say rồi nằm nghỉ không cần phải làm gì hết cả
Tết đến, rượu ngon đưa mấy chén
Xuân về, bút mới thử vài trang
Tranh pháo vui xem đàn trẻ nhỏ
Tóc râu thêm một sợi tuổi trời cao
Ủa! Tết đến rồi đó, chẳng lẽ trơ cùi cùng tuế nguyệt
Kìa! Xuân sang đấy ư, thôi đành mở múi với giang sơn
Ngào ngạt mùi hương, dẫu tại đất người, không mất gốc
Lung linh ánh lữa, dù xa quê cũ, chẳng quên nguồn
Xuân vẫn còn dài, hướng đến tương lai vùng đất mới
Tết dù đã ngắn, quay nhìn dĩ vãng cảnh người xưa
Già trẻ gái trai đều khoái Tết
Cỏ cây hoa lá cũng mừng Xuân
Ai đẻ mãi ra Xuân, Xuân ấy đi, Xuân khác về, năm nay năm ngoái Xuân hơn, kém?
Nhà lại sắp có khách, khách quen vào, khách lạ đến, năm ngoái năm nay khách vắng, đông?
Tối ba mươi, nghe pháo nổ đùng, ờ ờ Tết
Sáng mùng một, chạm nêu đánh cộc, à à Xuân
Ai nấy dại vô cùng, pháo pháo nêu nêu kinh những Quỷ
Ta đây nhàn bất trị, chè chè rượu rượu sướng bằng Tiên

Những câu đối ứng khẩu trong hoàn cảnh thật[sửa]

  • Một lần ông đi qua chùa Đọi (Hà Nam). chùa này có một chú tiểu nói ngọng và một sư cụ móm nói phều phào. Tam nguyên Yên Đổ làm đôi câu đối:
Phất phất phóng phong phan pháp phái phi phù phan phụng phật (Phất phơ cờ phướn bay trước gió, đạo pháp và cờ phướn bay để thờ phật)
Căn căn canh cổ kệ cao ca kì cứu cứu cùng kinh (Tất cả cùng đọc kinh cổ, đọc to lên để khảo cứu kinh phật cho đến cùng)
Về ý, không ai dám chê câu đối ca tụng phật pháp không hay nhưng về âm, khi đọc lên không ai không bật cười vì cái phều phào, cái ngọng ngịu, ngíu ngô cứ ẩn, cứ hiện… Thật là tài tình
  • Câu đối mừng đám cưới:
Giàu có thiếu gì tiền, đi một vài quan không phải lẽ
Sang không thì ra bạc, gửi năm ba chữ gọi là tình
Ba cặp: “giàu” - “sang” (“sang” tính từ, và “sang” động từ); “tiền” - “bạc” (“bạc” danh từ, và “bạc” tính từ); “quan” - “chữ” (“chữ” là đồng tiền, và “chữ” là văn tự, chữ nghĩa).
  • Câu đối vịnh nghề nhuộm:
Đã chót nhúng tay, xâu đều còn hơn tốt lỏi
Quý hồ thuận mắt, thắm lắm lại phai nhiều
  • Câu đối khóc con là Nguyễn Hoan, đỗ phó bảng và làm tri phủ Kiến Xương (Thái Bình) bị bệnh chết.
Bảng vàng bia đá nghìn thu, tiếc cho người ấy
Tóc bạc da mồi trăm tuổi, thiệt lắm con ơi
  • Câu đối khóc vợ:
Nhà chỉn rất nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, sắn váy quai cồng, tất tưởi chân nam chân xiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc
Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá tọa, gật gù tay đũa tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm
  • Câu đối lúc cáo lão hoàn hương:
Quan chẳng quan thì dân, chiếu trung đình ngất ngưởng ngồi trên, nào lềnh, nào cả, nào bàn ba, tiền làm sao, gạo làm sao, đóng góp làm sao, một năm mười hai tháng thảnh thơi, cái thủ lợn nhìn thầy đà nhẵn mặt
Già chẳng già với trẻ, đàn tiểu tử nhấp nhô đứng trước, này thơ, này phú, này đoạn một, bằng là thế, trắc là thế, lề lối là thế, ba vạn sáu nghìn ngày thấm thoắt, con mắt già cái kính đã mòn tai
Vế đối trên nói về việc Nguyễn Khuyến hăng hái tham gia công việc làng - Chiếu trung đình là chỉ việc cụ Tam Nguyên giữ ngôi tiên chỉ ở làng, khi ra đình, được ngồi chiếu giữa - Lềnh, Trưởng là hai chức vị ở làng, dành cho người có danh vọng và nhiều tuổi nhất - Bàn ba là bàn dọn cỗ hàng thứ ba ở đình làng - Thủ lợn là lễ vật cúng ở đình, sau khi cúng xong thì ngôi tiên chỉ được hưởng lộc. Vế đối dưới nói về việc cụ Tam Nguyên sau khi cáo quan về mở trường dạy học trò - Chẳng già với trẻ là ý nói không muốn già với đám trẻ con, cũng hoà mình vui đùa với chúng - Tiểu tử, chỉ các học trò nhỏ - Đoạn một là lối tập làm văn giản đơn - Bằng trắc, tức âm đọc không dấu hoặc dấu huyền là bằng; âm đọc có dấu sắc, nặng, hỏi, ngã là trắc - Điểm khuyên chỉ cách chấm văn chữ Hán - chữ Nôm xưa, chỗ nào hay vừa thì thầy chấm những chấm son bên cạnh, chỗ nào thật hay thì khuyên vòng tròn, còn chỗ nào dở thì thầy sổ nét dọc - Mắt gà chỉ mắt bị bệnh quáng gà hoặc mắt mờ mờ như quáng gà.
  • Câu đối diễn tả tình trạng làm quan của mình trong cảnh thanh bần:
Sớm trưa dưa muối cho qua bữa
Chợ búa trầu chè chẳng dám mua
  • Khi Nguyễn Khuyến cáo quan về dạy học ở một làng nọ, theo lệ cứ đến khoảng cuối tháng Chạp, vào dịp năm hết Tết đến là các phụ huynh học sinh lại tính sổ để trả nốt tiền cho thầy về quê ăn Tết. Nguyễn Khuyến vốn là nhà thơ thích khôi hài, trước cảnh tượng các ông bố học trò lui tới nộp tiền cho thầy, liền tức cảnh hai vế đối Nôm như sau:
Hàng ngày mổ bụng con nhét chữ
Cuối năm bổ đầu bố lấy tiền
  • Câu đối tức cảnh:
Đem đỗ cống đút vào Cống Đỗ
Lấy Mồi câu ném xuống cầu Môi
Cống Đỗ và Cầu Môi là hai địa danh gần làng Yên Đổ'
  • Câu đối có tính cách chấm biếm và hưởng nhàn cho các bô lão:
Sáng sáng ăn sáng rồi, cầm quyển mới, kỳ cui ký cúi viết vài chương; đoạn rồi thu gương mắt xếp khăn tay, dắt bút vào tam sơn, ngả lưng ngáy khò khò chờ tối xuống
Ngày ngày ngủ ngày dậy, với câu cũ, phếu pháo phều phào ngâm mấy khẩu; đứng dậy ngắm chậu hoa nhìn cây thế, rê chân đi bách bộ, vỗ tay cười khanh khách đón trăng lên
  • Câu đối viết tặng con trai Bùi Văn Dị:

Con trai trưởng của Bùi Văn Dị (chưa xác định được danh tính) thi Hương khoa Đinh Dậu, đời Thành Thái (1897) đỗ Cử nhân. Khoa ấy ông đương có tang cha, theo lệ học trò có đại tang không được đi thi. Nhưng năm ấy triều đình có việc, xuống chỉ hoãn kỳ thi lại 15 ngày. Thế là ông vừa hết tang, được vào thi, trước khi thi vài ngày lại cưới vợ; ngày ra bảng đỗ Cử nhân thứ 80. Khoa này cũng như trước chỉ lấy 80 Cử nhân, vậy là đỗ cuối bảng. Nhưng trong số Tú tài có Nguyễn Hán Khả, vì làm việc ở phủ Thống sứ, nên được đặc ân, thành ra trường phải lấy them 2 Cử nhân nữa, cộng là 82 ông. Ông Khả đỗ thứ 81. Rốt cục ông Bùi đỗ thứ 80, đáng lẽ cuối bảng, lại đỗ trên được hai người. Lúc về ăn mừng, Tam Nguyên Yên Đổ có tặng câu đối:

Thánh thượng diệc lân tài, cống viện trì lai tam ngũ nhật (Nhà vua ý thương tài, thi hoãn lại năm ba bữa (năm ba là mười lăm)
Khuê trung ưng phá tiếu, lang quân áp đắc kỷ đa nhân? (Cô Cử cười vỡ bụng, anh chàng đè được những bao người?)

Những câu đối viết tặng người mới giàu[sửa]

  • Câu đối viết cho Hàn Soạn:

Ở làng Nãi Văn (nay thuộc xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) có một người chủ gia đình tên là Hàn Soạn. Chữ Hàn ở đây hàm nghĩa là nghèo. Hàn Soạn, có nghĩa anh ta tên Soạn và nghèo. Do gặp vận may và cũng biết cơ chỉ làm ăn, chắt bóp, đến một dạo Hàn Soạn đã "đổi đời". Tâm tính anh ta cũng chuyển đổi, tỏ ra khinh người, dáng đi điệu đứng khệnh khạng, ngữ khí hách dịch, rất có vẻ ta đây. Hàn Soạn làm nhà to, còn xây liền kề một ngôi từ đường lớn làm nơi thờ phụng tiên tổ, ông cha. Một ngôi từ đường oách đến thế không thể thiếu bức hoành phi, đôi câu đối của cụ Tam nguyên Yên Đổ. Hàn Soạn đến làng Và, tìm vào Vườn Bùi, trang viên của cụ Tam nguyên, nêu nguyện vọng với cụ. Đôi câu đối cụ viết cho Hàn Soạn nội dung như sau:

一脈貫通往者過來者續 Nhất mạch quán thông, vãng giả quá, lai giả tục (Một mạch thông suốt, người trước qua, người sau tiếp)
三神恭拜幼在後長在前 Tam thần cung bái, ấu tại hậu, trưởng tại tiền (Ba vì lễ bái, trẻ lễ sau, già lễ trước)
Mang cặp câu đối về, Hàn Soạn rất hài lòng, vì nội dung của nó ca ngợi "dòng dõi gia giáo" và ngày càng hưng thịnh của gia đình anh ta. Hàn Soạn cho chạm khắc vào hai tấm gỗ quý, sơn son thếp vàng, treo trang trọng hai bên tả - hữu từ đường. Ai vào nhà, Hàn Soạn cũng khéo léo giới thiệu cặp câu đối ứng rất sát với hoàn cảnh danh giá của anh ta. Khi được khách ngợi khen, Hàn Soạn càng vênh vang. Nhưng cũng chỉ vì có sự xuất hiện của cặp câu đối có vẻ kỳ kỳ ấy trong từ đường nhà Hàn Soạn mà từ đó người ta bắt đầu có cái nhìn săm soi, bới lông tìm vết với gia đình anh ta. Người ta nhớ ra ba đời nhà anh ta từng làm thợ xẻ. Họ bắt đầu đọc và suy ngẫm kỹ lưỡng hơn cặp câu đối cụ Nguyễn Khuyến viết cho Hàn Soạn. Cuối cùng họ luận ra, cặp câu đối, ngoài cái nghĩa bề nổi, còn có một nghĩa chìm, mô tả những động tác của cha con thợ xẻ: "Một mạch cưa thông suốt, kẻ kéo qua, người kéo lại" và "Ba vì lạy nhau, con lạy trước, cha lạy sau". Thâm ý của cụ Tam nguyên là muốn nhắc nhở Hàn Soạn: Trước kia ba đời nhà anh làm thợ xẻ, cũng nghèo khổ như ai, bây giờ mới khá giả chớ vội vênh vang, khinh suất, chẳng hay hớm gì. Mọi người nói đến tai Hàn Soạn, anh ta toan hạ cặp câu đối xuống, nhưng lại cảm thấy xót tiền của bỏ vào việc mua gỗ và thuê người trạm khắc, hơn nữa, anh ta nghĩ: Ở cái vùng quê đa phần là nông dân mù chữ này mấy ai suy diễn được cái ý thứ hai của câu đối!? Thế là anh ta cứ để treo.
  • Câu đối mừng vào nhà mới tặng cho vợ chồng anh trưởng chợ (khán thị) vừa gần chợ, vừa gần sông:

Cũng ở trong vùng nông thôn đồng chiêm trũng ấy, có một anh làm nghề coi chợ, còn gọi là khán thị. Nhờ cái vị thế coi chợ, vợ chồng anh ta còn buôn bán thêm, kiếm được khá, chẳng bao lâu xây được căn nhà to, ngự sát chợ lại gần sông. Tòa nhà của anh ta chiếm luôn cả ngôi nhất và ngôi nhì, vậy thì không có lý do gì lại không tổ chức một bữa liên hoan thật xôm mừng nhà mới. Mặc dù anh ta chỉ biết lõm bõm dăm bảy chữ nho có tính thông dụng, nhưng trong tiệc liên hoan mừng nhà anh ta lại muốn chứng tỏ cho mọi người biết thân phận anh ta đã thay đổi, không còn thuộc hàng thứ dân cấp thấp như xưa nữa. Anh ta tìm đến Vườn Bùi xin cụ Nguyễn Khuyến thửa cho một cặp câu đối. Cụ Tam ngyên nhận lời, hẹn hôm sau đến lấy. Anh ta về nhà khoe với vợ, bảo vợ chuẩn bị tiền tạ lễ cụ Tam. Chị vợ mù tịt chữ nho nên muốn thửa một cặp câu đối chữ nôm cho dễ hiểu. Sau một hồi tranh cãi không ngã ngũ, không ai chịu ai, vợ chồng anh ta cùng kéo nhau đến gặp cụ Tam nguyên. Nghe họ tranh nhau trình bày mấy câu, cụ Tam nguyên đã hiểu ra vấn đề, cụ xua xua tay: "Thôi thôi, thửa câu đối cho nhà mới mà cứ cãi nhau như xát ốc thế này thì dông lắm, gở lắm! Để ta chiều cả hai, viết một bên nho, một bên nôm, được chưa nào?" Rồi cụ viết:

一近市二近江此地可丰佳辟屋 Nhất cận thị, nhị cận giang, thử địa tích tằng xưng tị ốc
Giầu ở làng, sang ở nước, nhờ trời nay đã vểnh râu tôm
Vế trước, bằng chữ Hán, ca ngợi cái thế "phong thủy" đẹp của ngôi nhà. Vế sau, bằng chữ nôm, ca ngợi cái địa vị mới của anh khán thị: Thị (chữ nho, tức chợ) đối với làng (chữ nôm). Giang (chữ nho, tức sông) đối với nước (chữ nôm). Địa (chữ nho, tức đất) đối với trời (chữ nôm). Tích tằng (chữ nho, tức xưa từng) đối với đã (chữ nôm). Đúng là chữ Hán chữ nôm cứ đối nhau chan chát y như như hai vợ chồng đấu khẩu với nhau. Nhưng phải đến ba chữ cuối Xưng tị ốc (Hán) đối với Vểnh râu tôm (nôm) thì toàn bộ cặp câu đối mới "thăng hoa" hết ý nghĩa: Cụ Tam đã khái quát đắc địa, trúng phóc cái khung cảnh nhà cửa, phong thái trưởng giả học làm sang của cặp vợ chồng mới giầu xổi! Xưng tị ốc: do câu “”Đường Ngu chi thời ốc nhi phong”. Ý nói đời Đường Ngu, trong nước có nhiều người hiền, nên nhiều nhà ở liền vách nhau được khen thưởng. Có thuyết khác lại nói trường hợp này Nguyễn Khuyến viết mừng một ông chánh tổng trước bị cách chức, sau được phục sự và làm nhà mới).
  • Câu đối “khen” sinh phần của Nghị Viên Lại Văn Chung ở Thái Bình:

Thời Pháp Thuộc, ở tỉnh Thái Bình có 1 nhân vật là nghị viên Lại Văn Chung vốn xuất thân làm nghề lái lợn (buôn heo), nhờ luồn lọt mà trở nên giàu có và mua được chức nghị viên. Tuy còn khỏe mạnh nhưng ông ta đã lo xây "mộ gió" (tức sinh phần) trước phòng xa, mộ vừa xây xong đã có ai đó viết vào đôi câu đối:

Rực rỡ mé đường Tây, kẻ lại người qua, ca tụng sinh phần quan lớn Lại
Vang lừng trong thôn Bắc, trên kính dưới rái, một lòng tôn trọng cụ trong dân
Câu đối thâm thúy ở chỗ nói lái. "Quan lớn Lại" thành "quan lái lợn". "Cụ trong dân" là "Rận trong cu". "Trên kính dưới rái" là trên kính dưới sợ, cũng còn ám chỉ bệnh sa đì của "quan". Đọc đôi câu đối, Nghị Lại đau như hoạn, vội cho xóa ngay kẻo thiên hạ biết. Khốn nỗi ai đọc qua là nhớ nên nó mới tồn tại đến ngày nay, tương truyền đôi câu đối này do nhân dân Thái Bình xin chữ của Tam Nguyên Yên Đổ

Những câu đối viết theo đơn đặt hàng[sửa]

Câu đối đề ở đền thờ Thánh Mẫu[sửa]

Năm ấy làng Cổ Ngựa xã Hiển Khánh huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định chuẩn bị khánh thành đền thờ Thánh Mẫu, có cử người đến “xin chữ” cụ Nguyễn Khuyến. Vốn ghét bọn quan lại làng này về tội nhũng nhiễu dân, cụ viết:

美人玉行雨行風英令莫仄 Mỹ nhân như ngọc, hành vũ, hành phong, anh linh mặc trắc (Người đẹp như ngọc làm mưa làm gió thiêng không lường hết)
济世其陰护民护國萬吏無窮 Tế thế kỳ âm, hộ dân, hộ quốc, thướng lai vô cùng (Âm đức cứu đời giúp dân giúp nước ơn lớn vô cùng)
Lời văn của đôi câu đối Hán Nôm nghe qua tưởng như rất nghiêm chỉnh, nếu như ta đọc theo lối ngắt câu ở từng bốn chữ một, nhưng chỉ cần chuyển cách ngắt câu về sau chữ thứ năm của đầu mỗi vế đối, thì câu đối đó trở thành một câu đùa rất ác và rất... tục! Ở đây Nguyễn Khuyến đã tách chữ Ngọc Hành và chữ Âm Hộ để đối với nhau, nếu đọc và liền mới thấy cái oái oăm của đôi câu đối này

Câu đối hạng hàng và câu đối hạng thừa[sửa]

鶯啼鳳語迎花帳 Oanh đề phượng ngữ nghinh xuân trướng (Trướng xuân đón phượng kêu, oanh hót)
雁舞鸞飛拂錦屏 Nhạn vũ loan phi phất cẩm bình (Bình phong lay nhạn múa, loan bay)
Tại vùng đồng chiêm trũng Bình Lục vào dịp áp tết, có một đám cưới diễn ra. Trong tiệc hỷ, người ta nhìn thấy một cặp câu đối hạng hàng như đã nêu trên treo hai bên cột nhà. Mọi người cứ ngẩng lên đọc đi đọc lại mãi, trầm trồ ngợi khen. Ông khách mang câu đối nói rằng mình đặt 3 quan tiền lễ để xin chữ của cụ Tam Nguyên Yên Đổ, cụ nói rằng 3 quan thì chỉ được câu đối hạng hàng mà thôi, nếu muốn câu đối hạng thừa thì phải 5 quan mới đủ. Mọi người nghe ông kia nói thế thì bình phẩm: "câu đối hạng hàng mà cụ viết hay đến thế, nếu là hạng thửa thì phải là loại tuyệt bút!" Thế là mấy ông có chút chữ nghĩa nảy ra ý tò mò, muốn thưởng thức câu đối hạng thừa của cụ Tam nguyên. Họ bảo nhau gom góp mỗi người một ít cho đủ năm quan, rồi cắt cử mấy ông kéo đến vườn Bùi xin chữ, kết quả họ được câu đối hạng thừa như sau:
屏錦拂飛鸞舞雁 Bình cẩm phất phi Loan vũ Nhạn (Bình gấm phất phơ oanh múa nhạn)
帳花迎語鳳啼鶯 Trướng hoa nghinh ngữ Phượng đề Oanh (Trướng xuân nghiêng ngửa phượng đề oanh)
Về đến nơi, mọi người cứ đọc đi đọc lại mãi và lấy làm lạ rằng cụ Tam chỉ đảo lại chữ ở cái câu đối hạng hàng mà cụ đã viết cho ông khách tặng đám cưới này, vậy thì làm sao gọi là câu đối hạng thừa được! Cuối cùng họ nghĩ mãi cũng hiểu ra cái tài chơi chữ rất độc đáo của cụ Tam nguyên, đúng là cụ chỉ đảo chữ cái cặp câu đối hạng hàng thì chữ nghĩa nó đã biến hóa tài tình: chữ "múa" và chữ "đề", nếu đọc giọng bè ra, nhất là những người ngà ngà men rượu, sẽ đọc thành "mó" và "đè". Mọi người vỡ nhẽ cùng cười ngặt nghẽo, nhưng phía chủ nhà đám cũng như khách khứa đều nhận thấy câu đối này rất hợp với đám cưới, lại cũng hợp với không khí “sinh sôi” của mùa xuân, nó đúng là câu đối hạng thừa.

Câu đối viết cho góa phụ bán thịt lợn[sửa]

四時八節更終始 Tứ thời bát tiết canh chung thủy (Bốn mùa, tám tiết luôn chung thủy)
岸了堆蒲慾点装 Ngạn liễu đôi bồ dục điểm trang (Dặm liễu, gò bồ muốn điểm trang)
Đây là một câu đối làm hoàn toàn bằng Hán văn, có nghĩa là: “bốn mùa tám tiết lần lượt thay đổi; bờ cỏ dậm liễu cũng muốn trang điểm”. Câu đối nói lên ý chí, quyết tâm chung thủy của người vợ góa trước nỗi xao xuyến, đòi hỏi được “điểm trang” của “dặm liễu”, “gò bồ”. Tuy nhiên, hai chữ “tiết ” và “canh” trong vế trên và “bồ ” và “dục” trong vế dưới nếu đọc liền nhau lại có thể coi là tiếng Việt thuần túy, với “tiết canh” và “bồ dục” là hai món trong thịt lợn

Những câu đối phúng điếu[sửa]

  • Câu đối viếng Nguyễn Tư Giản:
Nhất bi tuyệt bút sinh từ hạ (Một bài văn bia ở sinh từ (Nguyễn hữu Độ) là tuyệt bút)
Thiên cổ du hồn Cự lĩnh gian (Thiên cổ du hồn còn phảng phất ở đường Cự lĩnh (Kim Sơn)
Câu trên nói Nguyễn tư Giản làm văn bia ở Sinh từ, quá tâng bốc Nguyễn Hữu Độ. Tuyệt bút: là lấy tích: Xuân Thu tuyệt bút ư hoạch lân (Khổng Tử làm sách Xuân Thu đến chữ hoạch lân là hết, rồi ngài mất). Đường Cự Lĩnh thuộc Kim Sơn là chỗ Trần Lục ở. Yên Đổ lấy hai việc ra chỉ trích: khen gian thần Nguyễn Hữu Độ, và ở nhờ linh mục Trần Lục.
  • Câu đối viếng Bùi Ân Niên:

Bùi Ân Niên được vua Thành Thái hạ chiếu, sắc tứ cờ biển mũ áo Tiến sĩ cho ông, và lập thêm một bia Tiến sĩ vào khoa Ất Sửu khắc tên ông, trên có ghi cả bài dụ, nay bia ấy còn ở nhà Giám kinh thành Huế. Do đó, khi Bùi Ân Niên mất, Tam Nguyên Yên Đổ có câu đối viếng, lời giản mà ý thâm:

Ngư ky cựu phố, hoa sơ lạc (Bến cá bàn xưa, hoa đã rụng)
Long bảng tân bi, thạch vị đài (Bảng rồng bia mới, đá chưa rêu)
Thì ra bao nhiêu năm phụng sự quốc gia, ông không lấy làm việc quan trọng đáng cho mình toại ý, mà đến già vẫn hậm hực về cái danh hiệu Tiến sĩ với Phó bảng. Mới biết cái nọc khoa cử khi xưa đã ăn vào cốt tủy của sĩ phu. Yên Đổ cố ý viếng hai chữ “bia mới” để tỏ rằng bia của mình là tranh thủ nơi trường ốc chứ không phải bia thỉnh cầu về sau. Ấy cái hơn kém chỉ là một mảnh bia ông Nghè, chứ không ở công nghiệp một đời!
  • Câu đối điếu tang Bùi Viện:
Làm việc chẳng ai làm, dọc đất ngang trời trơ chí lớn
Cũ người là bạn cũ, ôm đàn mở sách nhớ tình xưa
  • Câu đối viết hộ người con rể khóc ông bố vợ, lúc ông bố vợ chết mới thọ được 68 tuổi:
Khi ông sống, ông đẻ anh, ông đẻ chị, ông đẻ vợ tôi, nay được sáu tuần thêm tám lẻ
Giờ ông chết, ông bỏ cửa, ông bỏ nhà, ông bỏ bà lão, ai ngờ một phút hoá trăm năm
  • Câu đối viếng ông nghè Cù Giao Vũ Văn Lợi:
Vị tiệp thân tiên, trường xử anh hùng lệ mãn (Ra quân chưa báo tin thắng, mà đã chết, khiến người anh hùng đầy nước mắt)
Tịnh du nhan hậu, khẳng giao phu tử sinh hoàn (Những bạn ông đều xấu hổ, dầy mặt, nghĩ như ông, chết là phải không nên sống)
Vế trên lấy chữ trong Đường thi bài: Đỗ Phủ đề đền Gia Cát Võ Hầu: "Xuất sư vị tiệp thân tiên tử, trường xử anh hùng lệ mãn khâm". Lấy câu trên bốn chữ, câu dưới bỏ đi một chữ khâm. Vế dưới sử dụng từ ngữ từ Tống thi bài: Đường Giới phải đi đày lại được về: "Tịnh du anh tuấn nhan hà hậu, vị tử gian du cốt vị hàn, thiên vị ngô hoàng phù xã tắc, khẳng giao phụ tử bất sinh hoàn". Lấy câu đầu bốn chữ, câu cuối cùng bớt đi một chữ bất.
  • Câu đối làm giúp ông hàng gà, khóc vợ vừa qua đời:
Lồng tạo hóa úp rồi xao xác con tìm mẹ
Gánh giang san để lại, lục tục trống nuôi con
Các từ lồng, úp, gánh đã tạo nên trường nghĩa chỉ các vật dụng và hàng động của người làm nghề buôn gà. Hơn nữa cụm từ “lục tục con tìm mẹ” vừa chỉ cảnh con nhà hàng gà mất mẹ, vừa gợi tiếng kêu của bầy gà con lạc mẹ cù bất cù bơ,... “trống nuôi con” là cảnh cha nuôi con thay mẹ, lại gợi chuyện của...gà!
  • Câu đối viết cho người góa phụ có chồng làm nghề đánh trống đám ma:
Hu ta tồ hề, tòng Xích Tùng chi tung tịch cốc (Ôi thôi người đã đi về. theo dấu chân tiên Xích Tùng mà bỏ thóc gạo nơi dương thế)
Phu nhi trĩ hĩ, trắc hỗ sơn chi trắc trùng bi Thế là thoả lòng lắm lắm, trèo lên sườn núi cao càng gấp thêm những nỗi buồn đau)
  • Câu đối làm cho một góa phụ láng giềng làm nghề bán thịt khóc chồng và con trai đi chợ bị đắm đò chết cùng một lúc:
Con ơi con! Những mong con kinh sử dùi mài, ơn phụ mẫu nỡ dứt tình xương thịt
Chàng hỡi chàng! Sao bội ước hải sơn chan chứa, nghĩa phu thê càng đứt cả ruột gan
  • Câu đối viếng người Thợ Rèn chết trẻ, để lại vợ góa con côi:
Nhà cửa để lầm than, con thơ dại lấy ai rèn cặp
Cơ đồ đành bỏ bễ, vợ trẻ trung lắm kẻ đe loi
Trong hai vế đối này, nhà thơ đã dùng những tiếng: than, rèn, cặp, bễ, đe, loi…là những dụng cụ cần thiết trong nghề thợ rèn
  • Câu đối viết cho vợ anh Thợ Nhuộm khóc chồng:
Thiếp kể từ lá thắm xe duyên, khi vận tía lúc cơn đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ
Chàng ở dưới suối vàng nghĩ lại, vợ má hồng con răng trắng, tím gan tím ruột với ông xanh
câu đối trên có đủ thứ màu cần thiết cho nghề thợ nhuộm: Thắm, Tía, Đen, Điều, Đỏ và Vàng, Hồng, Trắng, Tím, Xanh
  • Câu đối tặng người học trò đi làm quan cho Tây:
Hay thật là hay đáo để, bảo một đàng quàng một nẻo
Thôi thế thời thôi cũng được, phi đằng nọ tắc đằng kia
  • Câu đối viếng một ông kỳ mục trong làng vừa lên lão được ít bữa đi tắm bị chết đuối:
Vừa mới họp việc làng, mặc áo địa, cầm quạt lông, đủng đỉnh coi như ra dáng nhỉ
Thế mà chết đầu nước, lấp ván thiên, vùi đất thịt, viếng thăm thì đã đứt đuôi rồi
  • Câu đối viếng một vị thầy thuốc bắc vừa mãn phần:
“Tích tai bạch đầu ông! Bán hạ đan thanh thành vẫn thảo. (Tiếc thay ông già đầu bạc, nửa hạ cỏ xanh thành cỏ cháy)
Cảm hỉ xa tiền tử! Trầm hương mộc dược tế linh tiên” (Thương thay người con trai cả đi trước xe tang, không có thuốc quí để cứu cha)
có giai thoại cho rằng viếng thầy lang Hai ở Tứ Thanh, xã An Nội, huyện Bình Lục, Hà Nam). Trong câu đối nầy có rất nhiều vị thuốc bắc như Bạch đầu ông, bán hạ, đan (bì), thanh (bì), vẫn thảo; Xa tiền tử (rau má), trầm hương, mộc dược, linh tiên
  • Câu đối viếng bà Thông Gia:
Ôi thương ôi! Hơn một ngày chẳng ở, kém một ngày chẳng đi, bà năm mươi tám mà bà nhà tôi sáu mươi tư, xuân thu tuổi đã cao rồi, lọ là bon chen bảy tám chín mười mươi, thôi đừng cầu phật cầu trời chín suối không nên ân hận nữa
Ấy quái nhỉ! Sống mỗi người một nết, chết mỗi người một tật, bà tháng năm này mà bà nhà tôi tháng tư trước, ngày tháng cũng không cách mấy, nào có lâu la một năm năm bảy tháng, ví chẳng dâu gia dâu giáo, đường mây sao khéo rủ rê nhau
Bà này là vợ ông Vũ Văn Báo người làng Vĩnh Trụ (Nam Hà) đỗ phó bảng, làm tổng đốc Nam Định, là “thế huynh” (con trai thầy học) và thông gia của nhà thơ.
  • Câu đối viếng nhà thơ Tú Xương:

Tú Xương sinh năm 1870, sau Nguyễn Khuyến 35 năm (1835), nhưng lại ra đi trước, khi nhà thơ mới có 37 tuổi (1907). Cụ Tam nguyên Yên Đổ lúc đó đã 72 tuổi, chống gậy đến viếng người bạn thơ đất Vị Hoàng bằng câu đối:

Kìa ai chín suối, Xương không nát
Có lẽ nghìn thu, tiếng vẫn còn

“Xương” là xương cốt (tng: “Sống gửi nạc, thác gửi xương”), cùng âm với tên người được viếng. Có thuyết khác nói câu đối này của Đoàn Triển.

Những đơn đặt hàng khác[sửa]

  • Gần Tết, có một anh đến xin cụ Nguyễn Khuyến đôi câu đối về thờ ông. Sau khi đặt cơi trầu lên bàn, anh ta lễ phép thưa: "Cháu kiếm một cơi trầu đem biếu cụ để xin đôi câu đối thờ ông". Nghe xong cụ vừa cười vừa bảo: "Anh chẳng phải xin vì chính anh đã tự làm câu đối rồi đó". Anh này ngơ ngác chẳng hiểu nên cụ bảo: "Để tôi nhắc lại câu anh vừa nói, câu này chỉnh lắm, vừa nôm na dễ hiểu vừa thể hiện được tấm lòng chân thành của anh. Để tôi ghi nguyên văn câu anh nói rồi đem về thờ".
Kiếm một cơi trầu thưa với cụ
Xin đôi câu đối để thờ ông
  • Hai câu đối tặng một ông quan võ tên là Quản Long, tuy chột một mắt nhưng vốn nổi tiếng dũng cảm trong các trận chiến đấu chống Pháp:
Cung kiếm ra tay, thiên hạ đổ dồn hai mắt lại
Rồng mây gặp hội, anh hùng chỉ có một ngươi thôi
Tài cung kiếm đã ra tay chiến đấu thì cả thiên hạ phải trố mắt ra. Nhìn trong triều đình chỉ có mình nhà người là bậc anh hùng. Nhưng nghĩa bóng còn có ý cả triều đình chỉ có mình ông bị chột mắt, chỉ còn có một con ngươi.
Bình tây sát tả thiếu chi người
Ngó lại anh hùng chỉ một ngươi
  • Câu đối mừng ông Tiên Chỉ:
Đám công danh có chí thời nên, ơn làng giấy trắng, ơn vua giấy vàng, chiếu trung đình ngất ngưỡng ngồi trên, ngôi tiên chỉ cũng rất là đáng
Nhờ phúc ấm sống lâu lên lão, anh cả bàn năm, anh hai bàn sáu, đoàn tiểu tử xênh xang múa trước, tranh tam đa ai khéo vẽ nên
  • Câu đối viết hộ một ả đào thờ Bà Trùm (ta vẫn gọi là mụ Tú Bà):
Giàu làm kép hẹp làm đơn, tống táng cho yên hồn phách mẹ
Cá kể đầu rau kể mớ, tình tang thêm tủi phận đàn con
Ở đây Nguyễn Khuyến đã dùng những tiếng: “ Kép, đầu, tống táng, tình tang, phách đàn …” để tả nghề hát ả đào

Những câu đối dán tại nhà[sửa]

Một hôm cụ Nguyễn Khuyến đến chơi nhà một thầy đồ ở làng bên cạnh. Ông đồ nói về chiếc nhà tranh mình mới dựng, than phiền rằng nhà chỉ tạm đủ ở, nhưng vì xây theo hướng bắc rối đây lúc nóng sẽ nóng lắm, lúc rét sẽ rét cóng da cóng thịt.Rồi ông đồ nói:”Chẳng dám dấu gì Cụ, cháu mới nghĩ được một vế đối để dán ở nhà học mới, còn vế sau thì chưa nghĩ ra, giá mà Cụ lớn nghĩ hộ cháu thì vinh dự quá…”

Vế đó là: ”Người nước Nam, hỏi tiếng tây chẳng biết tây,hỏi tiếng tàu chẳng biết tàu,chỉ một lẽ, minh tiên vương chi đạo dĩ đạo” (minh tiên vương chi đạo dĩ đạo=làm cho sáng cái đạo của tiên vương )
Cụ Yên Đổ cười nói : ”Anh bảo vế thứ hai anh chẳng nghĩ ra, nhưng anh chẳng cũng đã đọc cho tôi nghe rồi còn gì ?” Ông đồ kinh ngạc nói : ”Bẩm Cụ, có đâu ạ ?”
Thì đây này, anh chẳng đã bảo như thế nầy là gì : Nhà hướng bắc, chua ai rét thì đã rét, chưa ai nực thì đã nực, mới gọi là:tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu! (tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu= lo trước cái lo của thiên hạ).
  • Câu đối dán ngoài cổng:
Không tham không hãi, không dại không lo, không cứng cổ không to khí tượng
Có phúc có phần, có nhân có nở, có lọt lòng có nợ quân thân

Câu đối viết tặng những nhân vật thân Pháp[sửa]

Câu đối mượn tiếng tặng người quen để mỉa mia những nhân vật làm việc cho chính quyền Pháp[sửa]

Có hay chi “cõng rắn cắn gà nhà”, phong lưu chú Bát, phú quý dì Tư, mây nổi đã từng qua trước mắt
Thôi đừng có “rước voi giày mả tổ”, sự nghiệp bà Bông, thơ từ ông Húng, gió bay đành lẽ gác ngoài tai
Chú Bát là ẩn danh của Nguyễn Trọng Kim, thường gọi là Thương Kim vì y làm Thương biện Hà Nội, đi lại với Tây, nên chúng cho hàm “bát phẩm bá hộ” có sản nghiệp hàng Khay, tương truyền là bá hộ Kim xây tháp rùa để mả. Dì Tư tức cô Tư Hồng. Bà Bông là vợ kế của Hoàng Cao Khải, ám chỉ việc Hoàng Cao Khải làm tiểu phủ sứ đánh Đề Thám, mất ấn, sau phải sai vợ đến ở trong trại một lãnh tụ là Thân Đức Luận để đánh lừa lấy trộm ấn về. Ông Húng tức Phạm Văn Toán, người làng Yên Lăng (nay là ngoại thành Hà Nội) sản xuất rau húng, hay làm thơ, nhờ khéo nịnh Tây mà leo lên đến chức tổng đốc Nam Định. Vì y dốt mà lại sính làm thơ nên Nguyễn Khuyến mới mỉa là “thơ từ ông Húng”.

Những câu đối viết cho Tổng Đốc Hà Đông Hoàng Cao Khải (1850 - 1933)[sửa]

Hoàng Cao Khải nguyên danh của ông là Hoàng Văn Khải, tự Đông Minh, hiệu Thái Xuyên, quê ở làng Đông Thái (nay thuộc xã Tùng Ảnh), huyện La Sơn (nay là huyện Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1884, Pháp chiếm Bắc Kỳ, ông hợp tác với Pháp để đàn áp các phong trào. Năm 1897, Hoàng Cao Khải được điều về Huế lãnh chức Thượng thư Bộ Binh và làm phụ chính đại thần cho vua Thành Thái. Năm 1904 khi tỉnh Cầu Đơ được đổi tên là Hà đông, ông làm Tổng đốc tỉnh Hà Đông. Về sau con trai ông là Hoàng Trọng Phu kế nhiệm ông làm Tổng đốc Hà đông đến năm 1937. Ông về hưu tại Ấp Thái Hà, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà đông nay thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội và mất tại đây. Đương thời các dĩ phu Hưng Yên có làm đôi câu đối chửi khéo ông như sau:

Ông ra Bắc là may, chức Kinh lược, tước Quận Công, bốn bể không nhà mà nhất nhỉ!
Ông về Tây cũng tiếc, trong triều đình, ngoài chính phủ một lòng với nước có hai đâu?
"Bốn bể không nhà" là ý nói mất gốc; "ông về Tây cũng tiếc": chính nghĩa nói là đi về cõi Tây Trúc, Tây Thiên, âu cũng thiệt thòi nhưng thực ra là nói người Tây tiếc vì mất đi tay sai đắc lực. Còn như "một lòng với nước có hai đâu" chính là một mình ông trung với nước, không có người thứ hai nhưng thực là mỉa có hai nước (nước Nam, nước Tây), ông trung với nước nào?

1 - Câu đối giăng bẫy:

Có một lần, vào cuối năm, Hoàng Cao Khải nhân có việc phải đến Hà Nam, bèn nhắn cho Nguyễn Khuyến biết sẽ ghé thăm. Biết thế, nên Nguyễn mới bảo người nhà trồng một cây nêu cao có treo đèn lồng và một câu vế đối Tết như sau:

Kết kết can mao, tiết táo, kinh thiên phù nhập nguyệt (Chót vót cờ mao, Tết đến, chống trời phò nhật nguyệt)
Khi Hoàng Cao Khải tới, nhìn thấy vế đối thì tấm tắc khen hay, nhưng thắc mắc sao chỉ có một vế, nên yêu cầu Nguyễn Khuyến cho xem vế sau.
Nguyễn mới dẫn Hoàng xuống nhà bếp chỉ cho xem vế đối treo cạnh nhà bếp: Mang mang khôi thổ, thời lai, tảo địa tác quân vương (Mênh mông khối đất, được thời quét rác cũng làm vua).
Hoàng đọc xong, miệng tuy khen hay, nhưng trong lòng ấm ức vì bị Tam Nguyên giăng bẫy.

2 - Câu đối mừng Tân Ấp:

Len vai để đệ một làng quan, nào giầy, nào dép, nào ngựa, nào xe, nào nước cờ chén rượu, nào mảnh hát cung đàn, thú tự nhiên đặt sẵn gió trăng này, dẫu tử mạch hồng trần nhưng chẳng tục
Mở mặt giang san trong đất nước, có quán có cầu, có chợ, có chú Khách ông Xiêm, có kẻ thầy người thợ, kho vô tận của chung trời đất cả, lọ hoa viên thú uyển mới là xuân
Hoàng Cao Khải lập ra ấp Thái Hà, thuộc khu Đống Đa – Hà Nội bây giờ. Khi Hoàng Cao Khải xây dựng ấp, ý kêu gọi một số quan lại cùng làm nhà ở ấp ấy, lập thành một làng

Những câu đối mừng cô Tư Hồng[sửa]

1 - Trường hợp thứ nhất:

Có tàn, có tán, có hương án thờ vua, danh giá lẫy lừng băm sáu tỉnh
Nào biển, nào cờ, nào sắc phong cho cụ, chị em hồ dễ mấy lăm người
Tư Hồng tên thật là Trần Thị Lan, quê ở Phủ Lý ( Hà Nam) lấy người Hoa Kiều là chú Hồng ở Hải Phòng, sau lấy người cố đạo phá giới là Croibier Huguet (còn gọi là cố Hồng). Người đàn bà này vốn là một thôn nữ quê mùa, nhưng sa ngã vào những thói hư tật xấu của thời phong kiến nửa thuộc địa. Bà hết qua tay chồng Tàu lại ngả vào vô số chồng Tây, dùng thân xác và “mỹ nhân kế” để kiếm ăn, rồi thành một con buôn không từ bỏ một thủ đoạn nào kiếm lợi, từ ép giá lúa gạo toàn Việt Nam đến thầu phá thành Hà Nội.

2 - Trường hợp thứ hai:

Về sau Tư Hồng buôn gạo lậu thuế bị bắt, nói dối là đem phát chẩn, được bọn thực dân đề nghị với triều đình phong kiến cho thị hàm “Tứ phẩm cung nhân” và cho cả bố thị hàm Thi độc. Tư Hồng về làng ăn khao linh đình, được Nguyễn Khuyến mừng đôi câu đối:

Tứ phẩm sắc phong hàm cụ lớn
Trăm năm danh tiếng của bà to

3 - Câu đối chúc Tết:

Mở toang ra, toác toạc toàng toang, nền tạo hóa chia lìa đôi mảnh
Khép kín lại, khít khịt khìn khin, máy âm dương đưa đẩy một then
Câu đối này có thể hiểu hai lối. Hiểu theo nghĩa thanh, câu đối nói tới sự chuyển vận tuần hoàn biến hóa của vũ trụ thiên nhiên. Hiểu theo nghĩa tục, câu đối nói tới các “động tác nghề nghiệp” của cô Tư Hồng. Câu đối này còn đặc biệt ở chỗ đã dùng các tiếng láy rất là bình dân trong cả hai vế, “toác toạc toàng toang” và “‘khít khịt khìn khin” (có tài liệu chép là “khìn khin khít khịt”), để diễn tả hai trạng thái rộng hay lỏng (toác toạc toàng toang) và hẹp hay chật (khít khịt khìn khin). Và đặc điểm này cũng có thể hiểu theo nghĩa thanh hay nghĩa tục

4 - Câu đối trong trường hợp khác:

Thầy Bá Bưởi đi xuống cầu Chanh, đồ đề chi mà bưng bồng kín mít
Cô Tư hồng ở làng cầu Cậy, nhân duyên gì mà quấn quít cho cam

Trong câu thấy xuất hiện các loại quả: "bưởi", "hồng", "bồng" hay "bòng", "quýt", "mít", "cam".