Tinh Thần Tự Lực

Bộ sưu tập danh ngôn mở Wikiquote

HÌNH ẢNH TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM TRÍCH DẪN[sửa]

VỀ TÁC GIẢ[sửa]

Samuel Smiles[sửa]

Samuel Smiles (1812 - 1904) là nhà báo Scotland đấu tranh cho cải cách chính trị. Từ năm 1837, ông bắt đầu viết cho tờ Edinburgh Weekly Chronicle và Leeds Times, hô hào cải cách chế độ bầu cử và tổ chức đại nghị. Năm 1838, ông làm chủ biên cho tờ Leeds Times và giữ công việc này đến 1842. Trong thập niên 1850, ông thấy rằng tự lực mới là lãnh vực cải cách quan trọng nhất chứ không phải chế độ đại nghị, và ông tìm cách gây ảnh hưởng đến giới lao động và trung lưu. Năm 1859, ông tự xuất bản và phát hành tác phẩm lừng danh Self-help. Tác phẩm này thành công ngay lập tức và khiến ông nổi tiếng trong sớm chiều. Đối với Smiles, nỗ lực cá nhân là nền tảng của xã hội cũng như chìa khóa cho thành công. Những con người cần cù sẽ tạo ra nền kinh tế vững mạnh và những luật lệ tốt đẹp. Ông ca ngợi tầng lớp lao động và chứng minh rằng tài năng, đức hạnh, hay uy tín cũng như tư cách không hề là phẩm chất riêng của giai cấp nào.[1]

TRÍCH DẪN[sửa]

== NGUỒN TRÍCH DẪN == [2]

Chương 1: TỰ LỰC - CẤP QUỐC GIA VÀ CÁ NHÂN[sửa]

"Giá trị của một quốc gia, về lâu dài, chính là giá trị của những cá nhân tạo nên quốc gia đó. - John Stuart Mill, On Liberty" - trang 27

"Chúng ta đặt quá nhiều niềm tin vào các hệ thống, và quan tâm quá ít tới con người. - Benjamin Disraeli" - trang 27

"Việc một người được kiềm chế từ bên ngoài thế nào thì tương đối ít quan trọng, trong khi đó mọi sự lại tùy thuộc vào cách người đó tự kiềm chế mình từ bên trong. Kẻ nô lệ nhất không phải là kẻ bị một bạo chúa cai trị, tuy cái xấu là rất lớn, mà là kẻ trở thành nô lệ cho thói ngu dốt đạo đức, ích kỷ và trụy lạc của chính mình." - trang 29

Chương 2: NHỮNG THỦ LÃNH CỦA CÔNG NGHIỆP[sửa]

"Lao Động, ngay cả loại cực nhọc nhất cũng đầy niềm vui và chất liệu để cải thiện bản thân." - trang 58

"... sự khác biệt về trí tuệ ở con người tùy thuộc vào việc sớm xây dựng thói quen chú ý hơn là vào sự chênh lệch về năng lực giữa người này với người khác. " - trang 61

Chương 3: NHỮNG THỢ GỐM VĨ ĐẠI - PALISSY, BÖTTGER, WEDGWOOD[sửa]

"Kiên nhẫn là phần cao quý và giá trị nhất của sức chịu đựng, và cũng là phần hiếm có nhất... Tính kiên nhẫn nằm trong cội rễ của mọi niềm vui, cũng như mọi sức mạnh. Hy vọng không còn là hạnh phúc nữa khi tính nóng vội đi liền với nó. - John Ruskin" - trang 97

Chương 4: CHUYÊN CẦN VÀ KIÊN TRÌ[sửa]

"Những kết quả lớn nhất trong đời thường gặt hái được bằng những phương tiện đơn giản, và bằng việc thực hành những phẩm chất bình thường. Đời sống thường nhật, với những lo toan, những thứ cần thiết, và những nhiệm vụ, đem lại vô vàn cơ hội để thu thập kinh nghiệm tốt nhất; và những lối mòn nhất đem lại cho những lao động chân chính nhiều lãnh vực để nỗ lực và nhiều khoảng trống để tự cải thiện. Con đường của an sinh nằm dọc theo xa lộ của lao động hiệu quả không ngừng; và những ai bền bỉ nhất, và làm việc với tinh thần chân chính nhất, thường sẽ thành công nhất." - trang 123, 124.

"Vận may thường bị quy kết là không có mắt; nhưng vận may không mù như con người. Những ai nhìn vào cuộc sống thực tế sẽ thấy rằng vận may thường ở về phía người chăm chỉ cũng như gió và sóng đứng về phe những tay đi biển giỏi nhất." - trang 124.

"... thiên tài chỉ là lý trí thường tình được tăng cường độ. Một nhà giáo xuất sắc và hiệu trưởng của một trường đại học nói về phẩm chất đó như khả năng thực hiện nỗ lực..." - trang 124

"Như câu tục ngữ Ý đã nói, Che va piano, va longano, e va lontano: Kẻ đi chậm sẽ đi được lâu dài, và đi được xa." - trang 126.

"...sự tiến bộ thuộc loại tốt nhất, lại tương đối chậm. Những kết quả lớn lao không thể đạt được tức thời; và chúng ta phải hài lòng với thăng tiến trong đời khi chúng ta đi, từng bước một." - trang 128.

"Chúng ta phải gieo trước khi gặt, và thường phải đợi lâu, trong thời gian đó sẵn sàng kiên nhẫn hướng tới trước trong hy vọng; thứ trái cây đáng bỏ công chờ thường chín chậm nhất."- trang 128.

"... để chờ đợi kiên nhẫn, con người phải làm việc vui vẻ." - trang 128.

"... không có mối liên hệ nhất thiết nào giữa thiên tài và lòng ác cảm hay khinh bỉ đối với những nhiệm vụ thông thường trong cuộc sống. Ngược lại, ông cho rằng việc dành một số giờ hợp lý mỗi ngày cho công việc tầm thường, về kết quả, lại tốt cho những khả năng cao cấp hơn." trang 137.

"... càng biết nhiều người ta càng ít tự phụ..." - trang 138.

Chương 5: TRỢ GIÚP VÀ CƠ HỘI - NHỮNG SỰ NGHIỆP KHOA HỌC[sửa]

"Cả bàn tay trần, lẫn sự hiểu biết, nếu chỉ một mình, chẳng thể làm được gì nhiều; công việc được hoàn tất bởi các công cụ và trợ giúp, trong đó nhu cầu cần có hiểu biết cũng không kém nhu cầu cần có bàn tay. - Francis Bacon" - trang 149.

"Sự ngẫu nhiên tác động rất ít trong việc sản sinh ra bất kỳ thành quả lớn nào trong đời sống. Tuy đôi khi, cái được gọi là 'thành công tốt đẹp' có thể đạt được nhờ liều lĩnh táo bạo, nhưng xa lộ của chuyên cần đều đặn và chú tâm chính là con đường an toàn duy nhất để du hành." - trang 149.

"Michelangelo một ngày nọ giải thích cho một vị khách viếng thăm xưởng làm việc của ông biết ông đã làm gì với bức tượng kể từ lần viếng thăm trước của ông ta. "Tôi đã chuốt lại phần này - mài bóng chỗ kia - làm dịu nét này - làm rõ bắp thịt ấy - thêm chút cảm xúc cho đôi môi, và nhiều sinh lực hơn cho cái chân đó." "Nhưng đấy toàn những chuyện lặt vặt," người khách nhận xét. "Có thể lắm," nhà điêu khắc đáp, "nhưng tập hợp những điều vặt vãnh ấy tạo ra sự hoàn hảo, mà sự hoàn hảo thì không hề vặt vãnh." - trang 150.

"...bất cứ gì nếu có đáng làm thì cũng đáng làm tới nơi tới chốn..." - trang 150.

"Khi Benjamin Franklin khám phá tính đồng nhất của tia chớp và điện năng, nó đã bị chế giễu, và người ta hỏi, "Nó có công dụng gì?" Câu trả lời của ông là, "Một đứa bé thì có công dụng gì? Nó có thể nên người!'' - trang 154.

"Những người quyết tâm tìm một con đường cho mình, sẽ luôn tìm được đủ cơ hội, và nếu những cơ hội không nằm sẵn trong tay, họ sẽ tạo ra chúng." - trang 156.

"Trong phần lớn trường hợp, nhu cầu, chứ không phải khả năng, mới là mẻ đẻ của phát minh; trường học sản sinh nhiều quả nhất vẫn là trường học của sự khó khăn. Một số những công nhân giỏi nhất thường làm việc với những công cụ kém thuận lợi nhất. Những công cụ không tạo ra người thợ, mà chính kỹ năng được rèn luyện và tính kiên trì của chính người đó." - trang 156.

"Những cơ hội bình thường nhất sẽ cung cấp cho con người những cơ hội hoặc gợi ý cho việc cải tiến, nếu như con người biết lập tức tận dụng cơ hội." - trang 157.

"Chuyên tâm và kiên trì, và sự cải thiện bền bỉ của cơ hội, sẽ làm những việc còn lại." - trang 158.

"Một giờ mỗi ngày trích từ những mưu cầu phù phiếm, nếu được sử dụng hữu ích, có thể giúp một người với trí tuệ bình thường tiến rất xa trong việc am hiểu một môn khoa học. Nó có thể biến một người dốt nát thành người hiều biết tường tận trong vòng chưa tới 10 năm. Không nên để thời gian trôi qua mà không sinh lợi, dưới hình thức học được một điều gì đó đáng biết, bồi đắp nguyên tắc tốt này, hoặc củng cố một thói quen tốt nọ." - trang 163.

"Thói quen ghi lại những ý tưởng và sự kiện với mục đích giữ gìn và ngăn chúng đừng trôi vào vùng âm u của lãng quên, đã được những người cẩn trọng và chín chắn áp dụng rộng rãi." - trang 165.

"Quy tắc của tôi là, xem xét cẩn thận, trước khi bắt đầu, liệu việc ấy khả thi không. Nếu nó không khả thi, tôi sẽ không cố thử. Nếu nó khả thi, tôi sẽ có thể hoàn tất nếu chịu dành đủ công sức cho nó; và khi đã bắt đầu, tôi sẽ không dừng lại cho đến khi làm xong. Mọi thành công của tôi đều nhờ quy tắc này." - trang 166.

"... giá trị duy nhất mà tôi nhận cho mình trong trường hợp này là việc nghiên cứu kiên nhẫn - một giá trị mà ai cũng có thể sánh ngang hoặc vượt qua tôi; và khả năng kiên nhẫn tầm thường này, khi được phát huy đúng cách, có thể dẫn tới những phát triển ý tưởng phi thường còn hơn chính tài năng thiên bẩm." - trang 184.

Chương 6: NHỮNG NGƯỜI LAO ĐỘNG NGHỆ THUẬT[sửa]

"Nếu thứ gì tỏa sáng rực rỡ ở xa, hóa ra chẳng là gì cả trong tay ngươi. Cũng vậy; đức hạnh nằm trong nỗ lực, không phải trong phần thưởng. - R.M.Milnes" - trang 187.

"... không tình yêu tiền bạc nào có thể duy trì những nỗ lực của nghệ sĩ trong buổi đầu của sự nghiệp thanh bạch và chuyên tâm. Niềm vui của cuộc mưu cầu này vẫn luôn là phần thưởng tốt nhất, tiền của có sau đó chỉ là ngẫu nhiên." - trang 189.

"... vì những thất bại không làm nản lòng kẻ có quyết tâm, mà chỉ khơi dậy năng lực đích thực." - trang 208.

"Nếu các em có thiên tư, sự chuyên cần sẽ cải tiến nó; nếu các em không có, chuyên cần sẽ dọn chỗ cho nó." - trang 217.

"... mặc cho những tình huống bên ngoài, tài năng, cộng với chuyên cần, sẽ tự duy trì, và danh vọng, dù tới chậm, sau cùng sẽ chẳng bao giờ tránh né giá trị đích thực." - trang 219.

"Giống mọi người học cao, người đó phải chủ yếu tự học." - trang 219.

"Sự chuyên cần và bền chí mà chúng ta thấy là cần phải có để đạt được độ xuất chúng trong hội họa và điêu khắc thì cũng rất cần thiết trong bộ môn âm nhạc - một bên là thơ ca bằng màu sắc và đường nét, còn bên kia là thơ ca bằng âm thanh tự nhiên." - trang 229.

Chương 7: CHUYÊN CẦN VÀ CÔNG HẦU[sửa]

"Cậu chắc chắn sau cùng sẽ thành công - chỉ cần kiên trì." - trang 254.

Chương 8: NGHỊ LỰC VÀ CAN ĐẢM[sửa]

"... 'Tôi chẳng tin thần thánh cũng như ma quỷ,' ông ta nói, 'tôi đặt niềm tin duy nhất vào sức mạnh tinh thần và thể xác của chính mình'." - trang 257.

"Hoặc ta tìm được một con đường hoặc tạo ra nó." - trang 257.

"Những thói quen và điều cám dỗ không phải là chủ nhân của ta, mà ta mới là chủ nhân của chúng. Ngay trong việc ngả theo chúng, lương tri cũng bảo rằng ta có thể cưỡng lại; rằng nếu ta quyết định làm chủ chúng, ta cũng không cần có một quyết tâm mạnh hơn mức chúng ta biết mình có thể đạt được." - trang 262.

Chương 9: NHỮNG CON NGƯỜI CÔNG VIỆC[sửa]

"... trong công việc cũng như trong đường đi - đường ngắn nhất thường là đường tệ nhất, và nếu ai muốn đi con đường hợp lẽ nhất, họ phải đi hơi vòng quanh. Cách đi này có thể tốn nhiều thời gian hơn, nhưng niềm vui của lao động trong đó, và sự thích thú với kết quả đạt được, sẽ đích thực và trọn vẹn hơn." - trang 305.

"Bất hạnh là láng giềng với Ngu dốt." - trang 308.

"Mọi phàn nàn về cuộc đời này đều là thiếu sòng phẳng; tôi chưa từng thấy người nào có giá trị mà bị bỏ mặc; thông thường, người ta thất bại là do lỗi của chính họ." - trang 308.

"Cái gì được làm trong công việc thì phải làm thật tốt; vì hoàn tất tốt đẹp một lượng nhỏ công việc thì tốt hơn là làm nửa vừa một lượng công việc gấp mười. Một người không ngoan thường nói, 'Nán lại một chút, để chúng ta có thể kết thúc sớm hơn." - trang 310.

"Con đường ngắn nhất để làm được nhiều việc là mỗi lần chỉ làm một việc." - trang 311.

"Một giờ phung phí mỗi ngày vào chuyện vô bổ hay cảnh lười giác, nếu được dành cho việc tự hoàn thiện, có thể biến một kẻ ngu dốt thành người khôn ngoan trong vài năm, và nếu được dùng vào những việc tốt, nó sẽ khiến cuộc đời họ đạt nhiều thành quả, và biến cái chết thành vụ thu hoạch những thành tích tốt đẹp. Mười lăm phút mỗi ngày cho việc tự cải thiện, kết quả sẽ thấy rõ trong vòng một năm. Những ý nghi tốt đẹp và kinh nghiệm được góp nhặt cẩn thận chẳng choán chỗ gì cả, và có thể mang theo làm bạn đường đến bất cứ nơi đâu mà không tốn phí hay gây trở ngại. Sử dụng thời gian tiết kiệm là cách đích thực để có được lúc nhàn hạ: nó giúp chúng ta hoàn tất công việc và đưa nó tới phía trước, thay vì bị nó đẩy đi. Ngược lại, tính toán thời gian sai lầm khiến ta triền miên trong cảnh vội vàng, hỗn loạn, và khó khăn; và cuộc sống chỉ là cuộc hoán đổi những phương kế, thường có tai họa theo sau." trang 313.

"Một số người chẳng ngẫm nghĩ gì về giá trị của tiền bạc cho đến khi họ cạn sạch tiền bạc, và nhiều người cũng hành xử tương tự với thời gian của họ." - trang 314.

"Tài sản mất đi có thể phục hồi được nhờ chuyên cần, kiến thức đã mất thì nhờ học tập, sức khỏe mất thì nhờ điều độ và thuốc men, nhưng thời gian đã mất thì mất vĩnh viễn." - trang 314.

" 'Đúng giờ là phẩm chất lịch sự của bậc vua chúa'. Nó cũng là nhiệm vụ của bậc quân tử, và là điều cần thiết đối với con người công việc. Không thứ gì sản sinh ra sự tin cậy đối với một con người nhanh hơn sự thể hiện đức tính này, và không có gì làm mất lòng tin hơn sự thiếu vắng đức tính này. Ai giữ đúng hẹn và không bắt bạn phải chờ, họ đã cho thấy họ trân trọng thời gian của bạn cũng như của chính họ. Như thế đúng giờ là một trong những cách thức để chúng ta chứng tỏ sự tôn trọng của mình đối với người mà chúng ta hẹn gặp trong cuộc sống. Trong một chừng mực, nó cũng là tính tận tâm; vì lời hẹn là một hợp đồng, được nói rõ ra hoặc chỉ hàm ý, và ai không giữ đúng hẹn thì người đó đã phá vỡ niềm tin, đồng thời sử dụng không sòng phẳng thời giờ của người khác, và như thế chắc chắn mất thanh danh. Tự nhiên chúng ta đi đến kết luận rằng ai cẩu thả với thời gian sẽ cẩu thả với công việc, và như thế người đó không đáng để phó thác giao dịch những việc quan trọng." - trang 314.

"Ta thường nhận ra rằng những người có thói quen trễ giờ như thế cũng có thói quen lỡ cơ hội thành công; và thế giới thường gạt họ sang một bên để bổ sung vào hàng ngũ những kẻ càu nhàu và chửi rủa số phận." - trang 315.

"Tính nhất quán của lời nói và việc làm phải là cơ sở cho mọi giao dịch công việc." - trang 324.

"Rất có thể người lương thiện tuyệt đối không giàu nhanh như kẻ bất lương và vô liêm sỉ; nhưng thành công sẽ thuộc một kiểu đích thực hơn, giành được không chút gian dối hoặc sai trái. Và cho dù một người nhất thời thất bại, người đó vẫn phải lương thiện: mất tất cả mà giữ được tư cách thì vẫn hơn. Vì tư cách tự nó đã là một tài sản; và nếu những người giữ nguyên tắc cao cứ can đảm kiên trì theo con đường của mình, thành công chắc chắn sẽ đến với họ, mà phần thưởng cao nhất cũng không thoát khỏi tay họ." - trang 327.

Chương 10: TIỀN BẠC - SỬ DỤNG VÀ LẠM DỤNG[sửa]

"Không phải để giấu nó trong bờ giậu. Cũng không cho một nhân viên phục vụ tàu lửa. Mà cho đặc quyền vinh quang của tình trạng độc lập. - Robert Burns", trang 331.

"Đừng là chủ nợ hay con nợ: Vì khoản nợ chính nó thường mất đi cùng người bạn; và vay mượn làm cùn nhụt khả năng quản lý. - W. Shakespeare", trang 331.

"Đừng bao giờ xử lý chuyện tiền bạc một cách khinh suất - Tiền bạc chính là tính cách. - E. L. Bulwer Lytton", trang 311.

"Người ta sử dụng tiền bạc thế nào - kiếm tiền, để dành, và tiêu xài - có lẽ là một trong những trải nghiệm tốt nhất cho trí khôn ngoan thực tế. Tuy tiền bạc không nhất thiết phải được xem là mục tiêu chính yếu của đời người, nhưng nó cũng chẳng phải chuyện vặt, để ta xem xét với vẻ khinh thường đầy màu triết học, mà thực tế nó biểu thị, trong một chừng mực rất lớn, cho phương tiện để đạt sự thoải mái thể chất và an sinh của xã hội." - trang 331, 332.

"... đức tính cao nhất trong tất cả chính là thắng được chính mình." - trang 333.

"Không tôn trọng chính mình, họ sẽ không giành được sự tôn trọng của người khác." - trang 334.

"Tự trong nỗ lực tạo dựng một vị trí vững chắc trong cuộc đời đã có một giá trị nào đó, và có xu hướng khiến con người mạnh mẽ và tốt đẹp hơn." - trang 337.

"... những kẻ luôn ở bên bờ vực thiếu thốn thì đang ở trong tình trạng không xa kiếp nô lệ là mấy. Họ không hề là người chủ của bản thân, mà luôn có nguy cơ rơi vào cảnh lệ thuộc kẻ khác, và phải chấp nhận những điều kiện mà người khác quy định cho họ. Trong một chừng mực, họ đành phải chịu cảnh tôi đòi, vì họ không dám nhìn thẳng vào mặt cuộc đời này; và trong những lúc thắt ngặt, họ phải trông vào của bố thí hoặc trợ cấp cho người nghèo. Nếu công việc hoàn toàn không nuôi được họ, họ cũng không có khả năng chuyển sang một lãnh vực nghề nghiệp khác; họ bị gắn chặt vào xã thôn của mình như con hà bám vào tảng đá, không thể di cư hay rời quê nhà." - trang 337.

"Việc tiết kiệm không đòi hỏi can đảm hơn người hay đức tính vượt bậc; nó có thể đạt được với nghị lực bình thường, và khả năng trí tuệ trung bình. Tiết kiệm, tự bản chất, chỉ là tinh thần trật tự được áp dụng vào việc tiến hành mọi chuyện trong gia đình: nó có nghĩa là quản lý, quy củ, cẩn thận, và tránh lãng phí." - trang 337, 338.

"Tiết kiệm cũng có nghĩa là khả năng chống lại sự thỏa thuê hiện tại vì muốn bảo đảm một sự tốt đẹp trong tương lai, và trong chiều hướng này, nó tượng trưng cho ưu thế của lý trí đối với bản năng sinh vật. Nó hoàn toàn khác với thói bần tiện: vì chính sự tiết kiệm lại có điều kiện để hào phóng nhất. Nó không biến tiền bạc thành tượng thờ, mà xem nó là một tác nhân hữu dụng." - trang 338.

"... việc chăm sóc những khoản để dành nho nhỏ thì tốt hơn việc tìm kiếm những khoản thu nhập lặt vặt. Mớ tiền lẻ mà nhiều người hoang phí một cách vô dụng, hoặc theo những cách tệ hơn nữa, lại thường tạo thành nền tảng cho cơ nghiệp và sự độc lập trọn đời." - trang 339.

"Những kẻ hoang phí ấy là kẻ thù tệ hại nhất của chính họ, tuy họ thường có mặt trong hàng ngũ những người nguyền rủa sự bất công của 'cuộc đời'. Nhưng nếu một người không thể là bạn của chính mình thì làm sao mong người khác là bạn của mình?" - trang 339.

"Con người ngăn nắp với khả năng tài chính khiêm tốn luôn có chút gì đó trong túi để giúp người khác; trong khi những người bạn bừa bãi và hoang phí luôn tiêu sạch mọi thứ thì chẳng bao giờ tìm được cơ hội giúp đỡ bất kì ai." - trang 339, 340.

"Với một người có quyết tâm lành mạnh, họ dễ dàng tránh được cảnh vướng vào món nợ đầu tiên; nhưng nếu món nợ ấy xảy ra dễ dàng, nó thường trở thành nỗi cám dỗ dẫn tới món nợ thứ hai, và rất mau chóng kẻ vay mượn khốn khổ ấy bị ràng buộc vướng mắc tới độ chẳng có nỗ lực chuyên cần muộn màng nào giải thoát được cho họ. Bước đầu tiên đi vào nợ nần giống y như bước đầu đi vào dối trá; nó hầu như gắn với nhu cầu lặp lại tiến trình đó, nợ nối tiếp nợ, và dối trá nối tiếp dối trá." - trang 340.

"Đừng bao giờ mua bất kỳ lạc thú nào nếu bạn phải vay mượn người khác mới mua được. Đừng bao giờ mượn tiền: đó là sự xuống cấp. Tôi không bảo đừng bao giờ cho vay nếu việc cho vay ấy khiến bạn không thể trả những món mà bạn nợ người khác; nhưng dù có tình huống gì cũng đừng bao giờ vay mượn." - trang 341.

"Đừng để mình quen với việc xem nợ nần chỉ là một điều bất tiện; bạn sẽ thấy nó là một tai họa. Nghèo khổ tước đi rất giúp phương tiện giúp bạn làm điều tốt, và đẻ ra bao nỗi bất lực trong việc chống lại điều xấu, về vật chất cũng như tinh thần, đến độ ta phải tránh nó bằng mọi cách có thể... Vậy hãy biến nó thành mối quan tâm hàng đầu của bạn, đừng mắc nợ ai. Hãy xài ít hơn số đó. Nghèo khổ là kẻ thù lớn đối với hạnh phúc của con người; nó chắc chắn hủy hoại tự do, và khiến một số đức tính không thể thực hành được và khiến một số khác cực kỳ khó thực hành. Cần kiệm không chỉ là nền tảng của sự thanh thản, mà còn là nền tảng của lòng nhân ái nữa. Không ai có thể giúp người khác nếu họ đang cần giúp chính mình; chúng ta phải có đủ rồi mới có dư." - trang 341.

"Tính thận trọng đòi hỏi rằng chúng ta phải định mức sống của mình thấp hơn khả năng tài chính một nấc thay vì ngang bằng; nhưng điều này chỉ có thể làm được bằng cách có một kế hoạch sinh sống cân đối được thu và chi." - trang 342.

"Không gì có khả năng giữ con người trong chừng mực giới hạn hơn việc thường xuyên thấy rõ tình hình công việc của mình trong một quy trình kế toán đều đặn." - trang 342.

"Một thanh niên, khi bước trên đường đời, thường đi qua một chuỗi dài những chước cám dỗ xếp hàng hai bên anh ta; và ảnh hưởng tất yêu của sự nhượng bộ trước cám dỗ là tình trạng mất danh giá ở cấp độ nhiều hoặc ít. Việc tiếp xúc với cám dỗ thường lặng lẽ rút đi của anh ta phần nào năng lượng thiêng liêng đã được nạp vào bản chất của anh ta; và cách duy nhất để cự tuyệt chúng là thốt ra và hành động đúng theo lời từ chối "Không" một cách cương quyết và dũng mãnh. Ta phải quyết định ngay lập tức, không chờ đợi để cân nhắc hay suy xét các lý do, vì tuổi trẻ giống 'người phụ nữ lo cân nhắc là thua rồi."[3] Nhiều cân nhắc mà không quyết định; mà 'không quyết định', chính là quyết định." - trang 345.

"Nhưng cám dỗ sẽ tới để thử thách sức mạnh của người trẻ tuổi; và khi đã chịu thua nó một lần, sức đề kháng sẽ ngày càng yếu đi. Chịu thua một lần, và một phần đức hạnh đã mất đi. Hãy đề kháng mạnh mẽ, và quyết định đầu tiên ấy sẽ tạo sức mạnh cho cả đời; được lặp đi lặp lại, nó trở thành thói quen. Sức mạnh phòng thủ thực sự phải nằm trong những công sự ngoại vi của các thói quen được hình thành lúc đầu đời; bởi vì quy luật đã được định ra rất khôn ngoan rằng, guồng máy của sự tồn tại đạo đức phải được vận hành chủ yếu thông qua những thói quen, để tránh hao tổn cho các nguyên lý lớn lao nằm trong đó. Chính những thói quen tốt, vốn len vào hàng ngàn hành vi nhỏ bé trong đời, thực sự tạo nên phần chủ yếu trong tư cách đạo đức của một con người." - trang 346.

  1. ^ TINH THẦN TỰ LỰC, NHỮNG TẤM GƯƠNG VỀ PHẨM HẠNH VÀ LÒNG KIÊN TRÌ (nguyên tác: Self-Help), tác giả Samuel Smiles, dịch giả Phạm Viêm Phương và Thư Trung, tái bản lần 1, Đại Học Hoa Sen, Nhà Xuất Bản Hồng Đức, In xong và nộp lưu chiểu quý IV năm 2016, ISBN 9786048692445, trích từ bìa sách giới thiệu tác giả.
  2. ^ TINH THẦN TỰ LỰC - NHỮNG TẤM GƯƠNG VỀ PHẨM HẠNH VÀ LÒNG KIÊN TRÌ (Nguyên Tác: Self-Help), tác giả Samuel Smiles, dịch giả Phạm Viêm Phương và Thư Trung, tái bản lần 1, Đại Học Hoa Sen, Nhà Xuất Bản Hồng Đức, In xong và nộp lưu chiểu quý IV năm 2016, ISBN 9786048692445
  3. ^ Câu này của Joseph Addison viết trong vở Cato: A Tragedy (màn 4, cảnh 1) năm 1712 - theo chú thích trong sách