Câu đối của Vũ Khiêu
Vũ Khiêu, tên thật là Đặng Vũ Khiêu (sinh 19 tháng 9, 1916), sinh tại làng Hành Thiện xã Xuân Hồng huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định. Từ năm 1958, ông đã viết gần 30 cuốn sách và tham gia biên soạn với tập thể chừng 30 cuốn nữa ở nhiều lĩnh vực: triết học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, văn hóa, xã hội, nghiên cứu và giới thiệu thơ văn và cuộc đời của một số thi hào...Đại hội Thi đua Thủ đô Hà Nội, ông được trao tặng danh hiệu “Công dân Ưu tú Thủ đô".
Câu đối viết tặng đền, miếu, từ đường
[sửa]- Câu đối về làng Mộ Trạch - nơi phát tích dòng họ Vũ - Võ Việt Nam:
- Mộ Trạch xây nền, nhân nghĩa vẻ vang dòng họ Vũ
- An biên nối nghiệp, công danh rực rỡ phía trời Đông
- Các câu đối tại Miếu Thần tổ Vũ Hồn làng Mộ Trạch:
Câu đối 1:
- Vạn cổ càn khôn hưng tái tạo
- Cửu tiêu nhật nguyệt phúc trùng quang
Câu đối 2:
- Mở rộng tam quan, ,muôn dặm đón chào con cháu tới
- Nâng cao thần tự, ngàn thu thành kính khói hương bay
Câu đối 3:
- Mười hai thế kỷ dựng cơ đồ
- Lớp lớp khoa danh ngời quốc sử
Câu đối 4:
- Văn võ song toàn, bách thế công huân truyền quốc sử
- Hiếu trung nhất quán, tứ phương trụ duệ hiển gia thanh
- Các câu đối tại cổng Bắc làng Mộ Trạch:
Câu đối 1:
- Cổng dựng nơi đây, tiếp đón con em về bái Tổ
- Làng chờ trong đó, chúc mừng bè bạn đến tham quan
Câu đối 2:
- Vào hiếu ra trung, sự nghiệp vẻ vang từ cổng ấy
- Đi đưa về đón, khoa danh rạng rỡ tại làng này
- Câu đối nhà thờ họ Vũ phương Nam:
- Vũ tộc dựng cơ đồ, muôn dặm sơn hà lưu sự nghiệp
- Nam phương xây miếu Tổ, chân trời góc bể nhớ công ơn
- Câu đối tặng họ Vũ - Võ tại Hải Phòng:
- Nhìn lại quê cha, uống nước nhớ nguồn tròn đạo nghĩa
- Xây cao miếu Tổ, chân trời góc bể nhớ công ơn
- Câu đối GS - AHLĐ Vũ Khiêu tặng website dòng họ Vũ - Võ Việt Nam nhân dịp sinh nhật 3 tuổi (11/11/2008 - 11/11/2011):
- Vũ thịnh văn hưng, vững dạ kiên trung trong một họ
- Nhân cao trí quảng, rộng đường hữu nghị khắp năm châu
- Câu đối đề tại Đền Hùng:
- Đất nước bốn ngàn năm/ nhân ái còn tuôn dòng sữa mẹ
- Đàn con bảy chục triệu/ anh hùng chẳng thẹn tấm lòng cha
Câu đối về Khuyến học - Khuyến tài
[sửa]- Khuyến học khuyến tài thỏa chí đua tranh thời hội nhập
- Vì dân vì nước thẳng đường giàu mạnh hướng văn minh
Câu đối Tết
[sửa]- Đầu xuân 2008, Giáo sư - AHLĐ viết câu đối cho 4 năm liền như sau:
- Giao thừa Đinh Hợi (2007) - Mậu Tý (2008):
- Lợn chứa đầy tiền xem đủ chửa
- Chuột sa chĩnh gạo gặm vừa thôi!
- Giao thừa Kỷ Sửu (2009) - Canh Dần (2010):
- Trâu còn tận lực xua nghèo đói
- Hổ sẽ thành công diệt ác gian
Câu đối tặng Giáo sư Trần Văn Giàu nhân tuổi bát tuần
[sửa]- Tử đệ ba ngàn/ cửa tướng tưng bừng Kiếm Bút
- Xuân Thu tám chục/ vườn đào rạng rỡ Khuê Ngưu
- (Trước cửa tướng của Giáo sư Giàu có nhiều học trò cầm kiếm và cầm bút. Vũ Khiêu chợt liên tưởng tới thầy Lưu Bang và thầy Khổng Tử đều có 3000 đệ tử võ và văn). Giáo sư Trần Văn Giàu (1911–2010) sinh tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An). Trong gia đình, ông có tên là Mười Ký, tuy nhiên nhiều người biết ông với tên Sáu Giàu. Năm 1951, ông tham gia Bộ Giáo dục. Năm 1954, ông trở thành Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Đảng bộ trường. Ông qua đời năm 2010 tại bệnh viện Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.
Câu đối viếng giáo sư mỹ học Hoài Lam từ trần đột ngột, khi tài năng đang độ chín
[sửa]- Những tưởng, trăng thanh, gió mát, hoa nở, tuyết bay/ bạn quí, đời yêu, sao đẹp thế!
- Nào ngờ, phím gãy, cờ tan, thơ tàn, rượu đổ/ con buồn, vợ khóc, những thương thêm.
Câu đối ca ngợi công lao của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914 - 1967)
[sửa]- “Định hướng lo dân, ba ngọn cờ hồng tài trị nước
- Quyết tâm thắng địch, một lời sấm dậy thế ra quân”
- Nguyễn Chí Thanh sinh ở thôn Niêm Phò, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Tên khai sinh là Nguyễn Vịnh. Những cuộc hành quân của địch luôn bị chặn đánh bởi hoạt động của du kích tại chỗ. "Bình Trị Thiên khói lửa" sau một thời gian tạm lắng đã vươn lên hòa nhập với phong trào cả nước. Trong chiến công chung đó có sự đóng góp quan trọng, nếu không nói là quyết định của Nguyễn Chí Thanh. Sau sự việc này, Bác Hồ đã tặng Nguyễn Chí Thanh danh hiệu: "Vị tướng du kích".
Câu đối tại đền thờ Trường Chinh
[sửa]- Góp gió Ba Mươi, biển cách mạng năm vùng nổi Sóng
- Giương cờ Tháng Tám, trời tự do muôn thuở rực Hồng
Câu đối tôn vinh tiến sỹ Lê Khắc Cẩn
[sửa]- "Cuộc phong trần mến nước thương dân, Đất Hạnh Thị còn vương đôi giọt lệ
- Lập di cảo lời hay ý đẹp, Trời Hải Phòng thêm sáng một vì sao"
Câu đối viết tặng bảo tàng Tôn Đức Thắng (1888 - 1980)
[sửa]Bảo tàng Tôn Đức Thắng là bảo tàng lưu niệm danh nhân thứ hai ở nước ta bên cạnh Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thủ đô Hà Nội. Bảo tàng Tôn Đức Thắng trưng bày những hiện vật gắn bó với cuộc sống, đời thường của Bác Tôn lúc sinh thời. Trong buổi khai trương Phòng trưng bày, GS Vũ Khiêu đã trao tặng Bảo tàng đôi câu đối ca ngợi phẩm chất cách mạng của Người chiến sỹ Cộng sản Tôn Đức Thắng:
- Nổi trống Ba Son, biển cách mạng dạt dào sóng đỏ
- Treo cờ Hắc Hải, bóng anh hùng cao vút mây xanh
Câu đối viết tặng Tô Chấn - Tô Hiệu
[sửa]- Nhân kỷ niệm 70 năm ngày hy sinh của liệt sĩ Tô Chấn, Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã làm đôi câu đối lớn gồm 128 chữ đầy công phu và tâm huyết tưởng niệm cuộc đời oanh liệt của nhà cách mạng và tặng nhà thờ liệt sĩ Tô Chấn:
- Gió Xuân Cầu lồng lộng chí nam nhi, hai chục tuổi lên đường cứu nước! Nào dựng xây tổ chức, nào giác ngộ đồng bào, nào mở rộng phong trào, nào ngược xuôi Nam Bắc, cùng nhân dân gắn bó nghĩa tình. Rồi phải buổi sa cơ mắc lưới, chốn lao lung tay xích chân cùm: Khí tiết vẫn sáng ngời trong sắt thép!
- Hầm Côn Đảo nấu nung gan chiến sĩ, hơn sáu năm đối mặt quân thù. Vẫn vững chắc tinh thần, vẫn đấu tranh bất khuất, vẫn nâng cao kiến thức, vẫn rèn luyện ngày đêm, được Đảng bộ tin giao trọng trách. Cho đến khi vượt biển chìm bè, dù thể phách sóng gió vùi dập: Hồn thiêng còn tỏa rộng giữa trời mây!
- Tô Hiệu (1912 - 1944), em ruột của Tô Chấn. Năm 1929, Tô Hiệu vào Sài Gòn hoạt động cùng với người anh ruột của mình là Tô Chấn. Năm 1930, Tô Hiệu bị địch bắt, đầy đi Côn Đảo. Năm 1934, mãn hạn tù, Tô Hiệu trở về và bị quản thúc tại quê nhà. Năm 1939, Tô Hiệu lại bị địch bắt và giam ở đề lao Hải Phòng, ông bị kết án 5 năm tù và bị đày đi nhà ngục Sơn La. Năm 1944, do bị tra tấn dã man và bệnh lao phổi nặng, Tô Hiệu đã hy sinh tại nhà ngục này. Anh hùng Lao động - Giáo sư Vũ Khiêu đã dành tâm huyết viết câu đối trác tuyệt ca ngợi Tô Hiệu:
- “Cuộc đấu tranh vượt bể băng ngàn, Kết giao tuấn kiệt, Tuyển lựa hiền tài, Trọn một đời vì Đảng vì dân, Vầng nhật nguyệt ngời soi khí phách”
- “Đường cách mạng vào tù ra tội, Kiên định tử sinh, Đạp bằng uy vũ, Trải bao độ thử vàng thử sức, Đấng anh hùng chói sáng tinh khôi”
- Câu đối đề tặng nhà tù Sơn La năm 2000 của Vũ Khiêu:
- Vạn lý đào hoa nghinh quốc vận
- Giang sơn hồng nhật chiếu gia thanh
Nghĩa:
- Giang sơn muôn dặm hoa đào nở
- Sử sách ngàn thu tiếng suối reo
Câu đối khắc tại khu lăng mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (1908 - 1932)
[sửa]Nguyễn Đức Cảnh sinh tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thụy Anh, nay là thị trấn Diêm Điền huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Mộ của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được đặt đầu hướng quay về giếng Ngọc, nơi đồng chí đã được sinh ra. Trong khu lăng mộ trưng bày nhiều tư liệu lịch sử quý giá, hình ảnh khu pháp trường ở Hải Phòng, nơi đồng chí đã bị xử tử, những văn bản pháp lý của Trung ương và của tỉnh về quá trình tìm hài cốt và câu đối của Giáo sư Vũ Khiêu viết về cuộc đời của đồng chí:
- “Sinh tại đây, lăng mộ tại đây, quê cách mạng ấp ôm người cách mạng
- Đời như thế, công lao như thế, gương anh hùng góp sáng Đảng quang vinh”
Câu đối khắc trên ban thờ Cố Bí Thư Thành Ủy Hà Nội Lê Văn Lương (1912 - 1995)
[sửa]Lê Văn Lương tên thật là *Nguyễn Công Miều, sinh tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (xưa thuộc tỉnh Bắc Ninh). Trung ương Đảng đã cử đồng chí Lê Văn Lương, Ủy viên Bộ chính trị về Thành ủy Hà Nội và sau đó, đồng chí được BCH Đảng bộ thành phố bầu là Bí thư Thành ủy. Đôi câu đối của Giáo sư Vũ Khiêu trên gian thờ đồng chí Lê Văn Lương đã khái quát phẩm chất cách mạng của người cộng sản suốt đời vì dân, vì Đảng:
- “15 tuổi lên đường, chính khí vươn cao trời biển rộng
- 70 năm cùng Đảng, công huân rực sáng cổ thu soi”
Câu đối viết thăm viếng và tặng bạn bè
[sửa]- Vũ Khiêu vốn nổi tiếng với những câu đối tặng bạn bè, người thân. Đến giờ vẫn vậy, dù ông đã trăm tuổi mà mỗi dịp xuân về, nhà vẫn chật kín những người đến xin chữ. Ông thường viết nhiều câu đối bộc trực, nói thẳng ý mình, nhất là những câu nặng về tình, về nghĩa. Chẳng hạn, đến viếng chị Loan, phu nhân của giáo sư Trần Quốc Vượng, chị dạy Trung văn và Anh văn. Bùi ngùi cảnh góa bụa của người bạn vong niên, ông viết câu đối :
- Chị ra đi bát ngát Đông Tây, một cánh buồm son làn gió cuốn
- Anh ở lại ngậm ngùi kim cổ, nửa bình rượu trắng ánh trăng soi.
- Câu đối trải dài , mỗi câu 14 chữ, âm điệu đầy buồn thương, đọc lên ai cũng hiểu chị dạy học ngôn ngữ đông tây, anh nghiên cứu sử học, văn hóa kim cổ, nhưng sao mà tình cảm người viết lại sâu lắng, ngậm ngùi đến thế.
- Viếng giáo sư Phạm Huy Thông, người bạn tri kỷ vốn đầy tương đồng tương hợp, lại là thi sĩ của bài “Tiếng địch sông Ô” nổi tiếng một thời, ông viết :
- Tưởng cầm kỳ thi họa thong dong bỗng bát ngát Ô giang hồn Hạng Tịch
- Đang nam bắc đông tây hò hẹn sao vội vàng tiên cảnh gót Lưu Lang.
- Người đọc vừa ngậm ngùi vừa nhận ra phong thái lãng tử ngày nào của chàng thi sĩ Huy Thông đầy tài hoa mà mơ mộng
- Vũ Khiêu cũng viết những câu đối thâm thúy, sâu sắc pha âm hưởng hài hước mà phải suy nghĩ đôi chút mới thấu hiểu hết. Ông có một người bạn thân rất tài hoa, am hiểu văn hóa sâu sắc, là cán bộ cách mạng nhưng bỏ việc về nhà đọc sách ngâm thơ và làm thợ đồng hồ kiếm sống. Đồng cảm với bạn, ông viết tặng câu đối ngày xuân :
- Bảy mươi xuân, quay ngược thời gian, từng giờ, từng phút, từng khắc, từng giây, nghĩ mình chẳng thẹn
- Mồng một tết, nhìn ngang thế lộ, ai chậm, ai nhanh, ai sai, ai đúng, rót rượu cùng say.
- Đọc câu đối, ban đầu chỉ thấy toàn là thời gian và đồng hồ, nhưng suy ngẫm kỹ mới nhận ra cái ông thợ đồng hồ này không tầm thường chút nào, đầy khí phách, đầy tài hoa, vậy mà vẫn thấy có gì đó làm ta cay cay sống mũi, một cái gì đó như oan trái , như bi thương…
Câu đối thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở đền liệt sĩ huyện Xuân Trường, Nam Định
[sửa]- Nối nghiệp Hùng Vương: Giữ vững sơn hà cho vạn thế
- Theo gương Các Mác: Sáng ngời trí dũng trước năm châu
Câu đối mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
[sửa]- Thăng Long thiên tuế thịnh
- Đại tướng bách niên xuân
Câu đối tặng Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh
[sửa]Võ An Ninh, tên thật là Vũ An Tuyết (1907 - 2009) tại phố Hàng Gai, Hà Nội. Ngay từ hồi còn trẻ chưa đến tuổi đôi mươi, Võ An Ninh đã mê chụp ảnh. Đạp xe đạp khắp Hà Nội chụp ảnh. Dưới thời Pháp thuộc, Võ An Ninh làm phóng viên nhiếp ảnh của Sở Kiểm Lâm. Võ An Ninh đi khắp mọi miền đất nước Bắc-Trung-Nam để chụp ảnh. Năm 1938, ảnh “Đẩy thuyền ra khơi” được giải thưởng ngoại hạng triển lãm ảnh Paris – Pháp. Nhân dịp mừng thọ Võ An Ninh 70 tuổi, Vũ Khiêu có viết tặng đôi câu đối sau:
- “Nửa mắt nhìn đời, thu cả tinh hoa trời đất lại
- Bảy tuần thưởng Tết, bày đầy cảnh sắc cổ kim chơi”
Đây là đôi câu đối có “tứ” khá hay. Cụm từ “Nửa mắt nhìn đời...” khiến vế đầu không trở thành câu cầu khiến, mà có thể hiểu là cách ngợi ca, đánh giá khả năng khái quát tài tình của người nghệ sĩ trong những bức ảnh nghệ thuật.
Câu đối viết tưởng nhớ bạn đời đã đi xa
[sửa]- "Mưa gió từng vui ba chén cám
- Trúc mai hãy rót một ly vàng"
và:
- "Nửa mảnh trăng tà soi lạnh gối
- Một nhành mai nhỏ thức thâu canh".
Câu đối viết tặng các gia đình nghệ sĩ và các câu đối do người khác xưng tụng
[sửa]Câu đối nói về quan hệ của Vũ Khiêu và bác thợ mộc Khen
[sửa]Câu chuyện quan hệ giữa nhà trí thức Vũ Khiêu với bác thợ mộc tên là Khen thật giản dị. Hai người thường cùng nhau đọc thơ, uống rượu. Bác Khen tới nhà chúc Tết thi nhân, hỏi đứa cháu nội của bác Khiêu: "Bà Quý có nhà không?". Cháu trả lời: "Ông hỏi bà cháu hay mẹ cháu?". Vì cả vợ và con dâu bác Khiêu đều tên Quý. Tình huống đó mở toang cánh cửa câu đối theo lối "chơi chữ":
- Mẹ Quý của bố, mẹ Quý của con
- Hai mẹ Quý, bố con đều quý
Câu đối viết tặng Hoàng Cầu
[sửa]Năm 1972, Hoàng Cầu làm lễ thành hôn tại nhà khách phố Lương Ngọc Quyến - Hà Nội, Vũ Khiêu cũng đến dự, đóng vai chủ hôn. Năm 1973, Hoàng Cầu sinh con gái đầu lòng tên là Trà. Sau 34 năm, năm 2007, Trà lấy chồng người xứ Scotland (Vương quốc Anh). Cả hai đều là chuyên gia dầu khí và luật kinh tế, hiện công tác tại nhiều nước Đông Nam Á. Lễ thành hôn của Trà lại được Vũ Khiêu làm chủ hôn, nhân đó ông tặng gia đình Hoàng Cầu đối câu đối thật xúc động và độc đáo:
- Vừa mới hôm nào, xe chỉ mẹ
- Thế mà nay đã, kết tơ con
- Rượu rót Đông - Tây tình vạn dặm
- Trà nâng hương sắc nghĩa trăm năm
Câu đối tặng nghệ sĩ Lý Nhã Kỳ
[sửa]Lý Nhã Kỳ tên thật là Trần Thị Thanh Nhàn, sinh ngày 19 tháng 7 năm 1982 tại Vũng Tàu, Việt Nam. Năm 16 tuổi, cô theo họ hàng sang Đức học hành; cô đã khẳng định với báo Dân trí là đã tốt nghiệp trường đại học ALEXANDER WIEGAND tại Đức, một trường không hề có tại nước này. Lý Nhã Kỳ giải thích cho nghệ danh của cô: "Tên thật của mình là Trần Thị Thanh Nhàn. Còn Lý Nhã Kỳ là nghệ danh. “Lý” là tên của bố mình (đã mất), “Nhã” xuất phát từ tên Nhàn (nhàn nhã đó mà), còn “Kỳ” là do mình tự nhận thấy cuộc đời mình đôi khi đón nhận những chuyện bất ngờ!"
- Tâm tràn thiện hạnh cao thanh nhã
- Tài vượt minh tinh đẹp diệu kỳ
- Vế trên: Lòng đầy những phẩm chất từ thiện nên sẽ sống một cuộc đời thanh cao và tao nhã. Vế dưới: Chúc cho tài năng của cô sẽ ngày một vươn cao, đứng trong hàng ngũ những minh tinh màn bạc. Minh tinh còn có nghĩa là tên gọi của sao Kim tức là sao Venus (sao của thần Vệ Nữ) nên cô sẽ mang mãi trong cuộc đời mình một vẻ đẹp diệu kỳ của ngôi sao minh tinh. Về mặt nghệ thuật câu đối, chúng ta thấy sự trong sáng từ âm thanh của ngôn từ, tính hoàn chỉnh và sự đối xứng giữa từng chữ của câu trên với từng chữ của câu dưới: Trên là chữ “tâm” đối với chữ “tài”, dưới là chữ “nhã” đối với chữ “kỳ”. “Tâm tràn thiện hạnh”, đối với “tài vượt minh tinh”, “Cao” đối với “đẹp”, “Cao thanh nhã” đối với “đẹp diệu kỳ”. Chỉ có hai câu song thất, mỗi câu bảy chữ nhưng tác giả đã vẽ đầy đủ chân dung của một mỹ nữ, một minh tinh màn bạc, một doanh nhân, một người con gái tài hoa có tâm, có tài và có đức hạnh đang làm nên sự nghiệp lớn cho mình và cho đất nước. Hình dung ra được trong hai câu đối ngắn mà đọc ngang cũng thấy hay, đọc dọc cũng thấy đúng. Nếu đọc ngang theo cách đọc quốc ngữ thì thấy rõ một người con gái trẻ, có đầy đủ các tố chất của một mỹ nhân, của một nghệ sĩ tài năng, một nhà kinh doanh và làm từ thiện nổi tiếng: Tâm tài, tràn vượt, thiện minh, hạnh tinh, cao đẹp, thanh diệu, Nhã Kỳ. Và khi đọc dọc theo cách đọc chữ Hán thì những nét đẹp của cô gái vẫn hiện ra đầy đủ từ hình thức đến tâm hồn, từ lời ăn tiếng nói đến tài năng, hành động hiện tại và tương lai.
Câu đối viết tặng hoa hậu Kỳ Duyên
[sửa]- Trường hợp câu đối tặng Kỳ Duyên lại là một trường hợp đặc biệt. Có lẽ vì thế mà nó gây ra không ít tranh luận. Thực ra, viết câu đối mà để tặng người đẹp mà lại đẹp nhất nước nữa thì thật khó. Điều gì là tiêu biểu nhất cho một người đẹp nhỉ. Tất nhiên là nhan sắc rồi. Vậy thì tặng người đẹp hẳn là phải ca ngợi nhan sắc rồi.
- Vũ Khiêu viết: “Trí như bạch tuyết tâm như ngọc”.
- Câu này khen đẹp thì đúng rôi, nhưng nếu chỉ là khen đẹp thì không đủ, lại nghe như hơi sáo. Tại sao lại như vậy, Vũ Khiêu vốn là bậc thầy về ngôn từ mà. Kỳ Duyên hơn chắt nội gái của cụ Khiêu có vài tuổi. Tức là cô chỉ vào loại cháu chắt của cụ. Vậy thì cô còn trong sáng lắm. Ở đây vế đối không còn là sự ca ngợi sắc đẹp nữa rồi. Ôi, người đẹp đâu phải chỉ là đẹp, bởi vì nói sâu ra “hồng nhan bạc mệnh”, người đẹp là đa đoan, là nàng Kiều bán mình chuộc cha, là Tây Thi oan trái, là Chiêu Quân cống Hồ, là Huyền Trân Công Chúa bi ai, là Nguyễn Thị Lộ đầu rơi máu chảy, là Hồ Xuân Hương “chém cha cái kiếp lấy chồng chung”…. Cuộc đời luôn phũ phàng với người đẹp mà mấy ai thấu hiểu. Vũ Khiêu muốn nói với Kỳ Duyên, con đẹp lắm, không chỉ là vẻ ngoài đâu mà còn cả tâm hồn nữa, tâm hồn con trong như ngọc. Nhưng mà con không biết đâu, trí tuệ, bản lĩnh của con, dù có đẹp như vẻ ngoài đi chăng nữa thì cũng mới chỉ như bông tuyết trắng mà thôi, còn quá non nớt, dại khờ, quá yếu ớt, mảnh mai trong cuộc đời phũ phàng, bon chen, đầy những cạm bẫy và miệng lưỡi thị phi này. Cụ muốn tìm một lời khuyên giải cho người đẹp còn quá non dại kia nhưng thật khó khăn quá. Là người nhân đạo, cũng rất dễ bị tổn thương như cô, cụ hiểu mình không thể nói một cách phũ phàng rằng con ơi, hãy cẩn thận, hồng nhan là bạc mệnh đấy. Cụ tìm đến ông Lý Bạch trong vế đối thứ hai với nguyên văn một câu thơ mà ai cũng biết.
- Nhưng câu thơ này cũng chỉ là ca ngợi người đẹp thôi, chẳng phải để khuyên bảo gì: “ Vân tưởng y thường hoa tưởng dung”,
- chỉ có nghĩa là mặt tưởng là hoa, áo ngỡ là mây. Cụ ghé tai Kỳ Duyên rồi bảo nhỏ :” Ông chỉ tặng con vế thứ nhất thôi, còn vế hai là Lý Bạch tặng con đấy”. Kỳ Duyên nghĩ như mình được khen vậy. Cô sẽ rất vui. Nhưng rồi về nhà, một lúc tĩnh tâm nào đó, cô có bất ngờ đọc Lý Bạch chăng, hoặc có lúc nào đó cô sẽ ngồi một mình và nhận ra được chăng, cái người đẹp “vân tưởng y thường hoa tưởng dung” mà họ Lý ngợi ca ấy mới thật là người bất hạnh biết bao, bởi nàng chính là Dương Quý Phi. Nàng đã phải trả giá cho nhan sắc bằng chính tính mạng của mình. cuộc đời đã đưa nàng lên chín tầng mây ngũ sắc để rồi lại giết chết nàng một cách tàn bạo và oan nghiệt nhất. Vũ Khiêu đồng cảm với Kỳ Duyên bằng tâm hồn và trí tuệ của một người trí thức, một người yêu vẻ đẹp tinh khiết, vẻ đẹp luôn gắn với sự khổ đau. Bởi lẽ trí thức chân chính cũng giống như người đẹp vậy, đều đa đoan bạc mệnh cả. Nguyễn Trãi từng viết “ Cổ lai thức tự đa ưu hoạn”, nghĩa là xưa nay những người trí thức bao giờ cũng gặp nhiều ưu hoạn, và bản thân Nguyễn Trãi cũng đã không chỉ gặp ưu hoạn đơn thuần mà còn cùng cả họ tộc rơi đầu vì chính tri thức của mình. Vũ Khiêu cũng đã từng ưu hoạn như vậy với cuốn “Đẹp” viết vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước, khi nó đã cùng với tác giả bị vùi dập tơi bời…Bởi vậy câu đối của giáo sư Vũ Khiêu không phải chỉ là lời chúc mừng thường tình cho người đẹp, mà sâu xa hơn, nó là một sự ngậm ngùi, một sự thương cảm cho một cánh hoa mỏng manh, non nớt trước cuộc đời đầy giông gió.
Câu đối viết tặng Phó Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Trìu
[sửa]- “Dĩ nông vi bản tân Công Trứ
- Đãi sĩ như kim tiểu Mạnh Thường”
Tạm dịch:
- Lấy nghề nông làm gốc, là Nguyễn Công Trứ mới
- Đãi trí thức thời nay, giống Mạnh Thường Quân xưa
- Nguyễn Ngọc Trìu sinh năm 1926 tại làng Thư Điền, nay thuộc xã Tây Giang, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với thành tích quê hương 5 tấn Thái Bình, khoán hộ nông nghiệp, mô hình kinh tế vườn-ao-chuồng (VAC) cùng du lịch sinh thái…Có lẽ khi chắn sóng lấn biển khai khẩn đất hoang Tiền Hải hàng trăm năm trước, bậc kinh bang tế thế Nguyễn Công Trứ không ngờ nơi đây sẽ có một hậu duệ nối nghiệp mình một cách xứng đáng, sử sách gọi ông là “tân Công Trứ”.
Câu đối viết nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Thủ đô
[sửa]- Trong dịp chuẩn bị kỷ niệm 50 năm giải phóng thủ đô Hà Nội, giáo sư Vũ Khiêu được Sở Văn hóa – Thông tin Hà Nội “đặt” viết đôi câu đối, giáo sư viết:
- Trung vị quốc, nghĩa vị dân, lưỡng phiến đan tâm huyền nhật nguyệt
- Sinh ư Nam, tử ư Bắc thiên thu chính khí vượng sơn hà
Dịch nghĩa:
- Trung với nước, hiếu với dân, tấm lòng son sáng tựa mặt trời, mặt trăng,
- Sinh ở Nam, mất ở Bắc, khí tiết nghìn năm sau vẫn rạng rỡ nước non này
Câu đối do Tổng bí thư Đỗ Mười gửi tặng
[sửa]- "Hai bàn tay trắng không vương bụi
- Một tấm lòng son ở với đời”
Câu đối do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng nhân dịp 95 tuổi
[sửa]- Triết gia trong cách mạng
- Nghệ sĩ giữa Anh hùng
Câu đối về 2 vị thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Xuân Phúc
[sửa]- Nhân dịp Xuân Bính Thân 2016, GS Vũ Khiêu, bậc thầy về cổ văn chữ nghĩa ngôn từ đã tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hai cặp câu đối “Nội trị ngoại giao” và “Vì nước vì dân”.
- “Ái Quốc Thân Dân, Một Tấm Trung Can Trời Phật Tỏ
- Hùng Tâm Tráng Chí, Ngàn Thu Sự Nghiệp Núi Sông Ghi”
Nếu hiểu câu đối trước đơn giản chỉ là “yêu nước, thương dân, có một tấm lòng trung kiên, can trường” thì chưa đủ, mà tấm lòng ấy không phải ai cũng thấu hiểu và đồng cảm, nhưng trời phật đã thấu tỏ. “Hùng Tâm Tráng Chí” có nghĩa là người có quyết tâm lớn, có hoài bão, anh hùng, gan dạ, có ý chí kiên cường. Từ xưa đến nay, hầu như bậc anh hùng nào cũng đều có khát vọng kiến công, lưu danh thiên cổ. Con đường ấy dành cho những anh tài có “hùng tâm tráng chí” và cũng chỉ họ mới đủ sức đặt chân lên đó. GS Vũ Khiêu đã viết “Kính tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đầy đủ tài năng, trí tuệ và tâm huyết trên cả lĩnh vực nội trị và ngoại giao”
- “Nội Trị Anh Minh, Giữ Vững Sơn Hà Cho Vạn Đại
- Ngoại Giao Chính Nghĩa, Kết Thân Bằng Hữu Khắp Năm Châu”
Từng câu, từng chữ trong đó đều như chứa đựng sự tôn vinh, khắc ghi công lao cùng lòng mến phục trân kính của một Anh hùng lao động gửi đến Thủ tướng với những đóng góp nổi bật và nhân văn cho nhân dân, cho đất nước. GS Vũ Khiêu khi viết những câu đối thường thâm thúy, sâu sắc pha âm hưởng triết lý cao siêu mà chúng ta phải suy nghĩ đôi chút mới thấu hiểu hết. Giáo sư Vũ Khiêu vốn nổi tiếng với những câu đối tặng bạn bè, người thân. Đến giờ vẫn vậy, dù ông đã trăm tuổi mà mỗi dịp xuân về, nhà vẫn chật kín những người đến thăm. Ông thường viết nhiều câu đối bộc trực, nói thẳng ý mình, nhất là những câu nặng về tình, về nghĩa. Nào phải vô cớ mà Giáo sư Vũ Khiêu lại dốc lòng viết ra những lời trên. Nhìn lại trong nhiệm kỳ của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trải qua không ít thăng trầm. Nhận nhiệm vụ ngay lúc cơn bão khủng hoảng kinh tế toàn cầu tràn qua, nền kinh tế lúc ấy vẫn đóng, quan liêu, lạc hậu. Trước tình cảnh ngặt nghèo ấy, nhận ra những yếu kém trong cấu trúc nền kinh tế và cơ chế quản lý, Thủ tướng đã quyết định hy sinh tăng trưởng để khởi động mạnh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Búa rìu dư luận là điều khó tránh. Thủ tướng vẫn kiên định, quyết không buông các chính sách đang dần phát huy hiệu quả để đổi lấy sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội. Chính nhờ sự quyết đoán không ngại rủi ro ấy đã giúp Việt Nam không chỉ đứng vững trước cơn khủng hoảng mà còn có những bước tiến. Thủ tướng còn đưa ra những bước đi chiến lược hơn đó là chọn theo con đường thương mại tự do để đưa đất nước thoát cảnh đói nghèo. Hàng loạt Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) được ký kết, hàng loạt dự án FDI công nghệ tỷ đô, mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp Việt đều là những “trái ngọt” mà Thủ tướng nỗ lực đem về cho nước nhà sau nhiều năm miệt mài khắp các nẻo đường từ Đông sang Tây đưa VN hội nhập thế giới.
- Theo VTV, ngày 05/8/2016 "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới thăm các nhà khoa học hàng đầu là Giáo sư Hoàng Tụy, Giáo sư Phan Đình Diệu và Giáo sư kiêm Anh hùng Lao động Vũ Khiêu". Nhân dịp này, Vũ Khiêu viết câu đối tặng như sau:
- "Tể tướng giáng trần, TRÁNG CHÍ HÙNG TÂM Xuân BẤT TẬN 宰相降塵 壯志雄心春不盡
- Anh hùng nhập thế, AN DÂN HỘ QUỐC Phúc vô biên" 英雄入世 安民护國福無邊
- "Tể tướng" đây là ý ông Khiêu suy tôn ngôi vị ông Phúc. Đã đành chức tể tướng xưa tương đương với thủ tướng nay: cùng là người đứng đầu nội các. Hiềm nỗi tể tướng tuy trên muôn người nhưng luôn phải ở dưới và phụng mệnh một người, tức ông vua, thiên tử chí tôn. Có thể biện bác "thiên tử" đây là pháp luật, là nhân dân; song cũng có thể hiểu "thiên tử" tức là... đảng. Nên khi người ta tôn xưng thủ tướng thành "tể tướng" thường hàm ý châm biếm. Thủ tướng tiền nhiệm dẫu nhận mình công bộc của dân nhưng cũng bị đá đểu thành "tể tướng" là lẽ đó. Tuy vậy, "huông" của câu đối này không phải ở từ "tể tướng" mà ở chữ "giáng". Tân thủ tướng vừa tuyên thệ nhậm chức vốn Phó thủ tướng ngoi lên, là THĂNG, nhưng bị ông giáo sư hay chữ lỏng phán thành GIÁNG. Câu đối thù tạc không cần hay ho, chỉ cần nịnh khéo, nhưng có chỗ khó là nhiều kiêng kỵ tinh tế phải tránh. Và từ "giáng trần" đây "Giáng" là rụng, rớt xuống, từ bậc cao té xuống bậc thấp. Người ta chỉ dùng "giáng trần" để nói người thuộc cõi khác chuyển kiếp đầu thai đến thế gian này, như "tiên nga giáng thế", "thần thánh hạ phàm", còn tể tướng dẫu quyền cao chức trọng đến mấy cũng là thuộc trong lục đạo luân hồi, có ở đâu cao xa mà "giáng"? Đã "giáng trần", lại thêm đối với "nhập thế", rất giống lời trù ẻo. Vì "nhập thế" là cùng sống với người đời, hòa vào dòng đời, từ này dùng cho người thường không sao, nhưng với bậc quyền quý thì khác nào rủa người ta phải bị hưu non? Thành ngữ Hán Việt chỉ có "tráng chí hùng tâm" hoặc "hùng tâm tráng chí" (Thơ Nguyễn Du: Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên/ HÙNG TÂM sinh kế lưỡng mang nhiên). Không ai đảo chữ thành "chí tráng tâm hùng", vì là lỗi sai văn phạm, hóa ra ngữ pháp chữ Nôm chứ không còn phải chữ Hán. Muốn đối chỉnh thì ở đây vế dưới nên là "an dân hộ quốc" sánh với "tráng chí hùng tâm", sẽ ổn và thuận nhĩ hơn. Giáo sư Khiêu cố gò cho lòi ra chữ XUÂN đối với chữ PHÚC, nhưng lại lười lắc não, khiến câu đối tuy nghiêm cẩn mà làm người ta đọc tới phải phì cười. "Xuân mãi mãi" đối "Phúc vô biên", chữ Nôm chen chữ Hán kiểu ba rọi ba trợn, duy chỉ lão quốc sư mới nghĩ ra đặng thôi. Chịu khó động đậy cái đầu, sẽ dễ dàng tìm thấy từ "bất tận" để đối với "vô biên". Nên ba chữ cuối vế trên phải là "Xuân bất tận".
câu đối ‘tiên tri’ về Tập đoàn Mai Linh
[sửa]Chiều 24/2/2016, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh Hồ Huy đã đến thăm và chúc Tết Giáo sư Vũ Khiêu. Tại đây, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh nhắc lại vế đối ý nghĩa mà Giáo sư Khiêu đã tặng Tập đoàn năm Kỷ Sửu 2009.
- “Mai Hạnh trường huy, ngang dọc sơn hà muôn dặm đất
- Linh quang viễn chiếu, ngược xuôi xa mã bốn phương trời”
Chủ tịch Mai Linh cho biết, vế đối đã dự báo, tiên tri về những “xuôi ngược” mà Mai Linh phải trải qua; nhưng cũng “tạc dạ” lời khuyên nhủ của GS rằng Tập đoàn phải gắn bó với nghề vận tải, nghề taxi phục vụ khách thập phương. Ông Hồ Huy đã trao đổi với GS về những khó khăn của Mai Linh gặp phải trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng mấy năm trước đây và quá trình tái cơ cấu vừa qua của Tập đoàn. Ông Huy cho biết: Hiện Mai Linh vẫn là doanh nghiệp taxi quy mô lớn với hơn 14.000 đầu xe taxi, hơn 30.000 cán bộ công nhân viên. “Qua nhiều sóng gió nhưng nay Mai Linh đã tái cơ cấu cơ bản thành công, doanh thu tập đoàn tăng, lãnh đạo và cán bộ công nhân viên phấn khởi”. Tại buổi thăm, ông Hồ Huy cũng đã kính tặng GS Vũ Khiêu thẻ VIP để đi taxi Mai Linh. Với tấm thẻ này, GS có thể sử dụng để đi taxi Mai Linh tại tất cả các tỉnh thành miễn phí. Nhận món quà của ông Hồ Huy nhưng GS Vũ Khiêu căn dặn: “Tôi đi taxi không mất tiền, các anh lấy đâu tiền trả cho lái xe? Tôi mong Tập đoàn phát triển tốt để phục vụ nhân dân và tạo cuộc sống ổn định cho nhân viên”.
Câu đối “về Tổ quốc và Bác Hồ tại Đền thờ Liệt sĩ Hàm Rồng”
[sửa]- “Thu hết tinh hoa kim cổ lại
- Vươn cao khí thế nước non này”
“Học sinh trong Trường Xuân Phong từ bậc mầm non đến đại học và xa hơn nữa là sau đại học, cần có được sự chăm sóc toàn diện ngay từ đầu cả về thể chất, tinh thần và thấm nhuần cốt cách, văn hóa, văn hiến Việt Nam một cách trọn vẹn; hội tụ các kỹ năng, tri thức của công dân toàn cầu.” Và “Mục tiêu mà Trường Xuân Phong hướng đến về văn hiến, xây dựng con người phát triển đa trí thông minh. Câu đối trên ít nhất có thêm hai nơi khác đang sử dụng. Đó là Trường Mầm non Xuân Phong (Quận Nam Từ Liêm-Hà Nội) và Văn miếu Trấn Biên-Đồng Nai. (Riêng câu soạn cho Thanh Hóa có khác chút ít ở vế thứ hai: “Xây cao văn hiến...” được tác giả sửa thành “Vươn cao khí thế...”. Văn miếu Trấn Biên, GS rất tâm đắc với câu đối đặt tại gian thờ Hồ Chủ tịch: “Thu hết tinh hoa kim cổ lại/ Xây cao văn hiến nước non này”. Hai câu này đã toát lên được nhân cách và sự tài hoa của Bác Hồ, một người suốt đời học tập, nghiên cứu kiến thức Đông Tây kim cổ, được thế giới suy tôn là danh nhân văn hóa, là người tiêu biểu cho văn hiến Việt Nam khiến thế giới phải nghiêng mình ngưỡng mộ”. Như vậy, ở Văn Miếu Trấn Biên, câu đối “Thu hết tinh hoa kim cổ lại/ Xây cao văn hiến nước non này” được dùng để thờ Hồ Chủ tịch.
Những nơi khác có sử dụng câu đối trên:
1 - Khu Đô thị Ecopark (Văn Giang - Hưng Yên)
2 - Trường quốc tế mang tên cố giáo sư Vũ Khiêu
3 - Đền thờ Bác Hồ ở ATK Định Hóa (Thái Nguyên)
4 - Ngôi đền thờ Thần Tản Viên (huyện Ba Vì, HN)
5 - Tặng cho Giáo sư Trần Văn Khê (Q. Bình Thạnh, TP. HCM)
6 - Tại Bảo tàng Phú Quốc (Kiên Giang)
Câu đối viết tặng nhà bia tiến sĩ Vũ Công Lượng
[sửa]- Tổ phụ công huân truyền sử sách
- Tử tôn trung hiếu vệ sơn hà
Câu đối chúc mừng các ông Vũ Văn Ninh, Vũ Đức Đam và Vũ Huy Hoàng
[sửa]Ngày 3/8/2016...Quốc hội Việt Nam chính thức phê chuẩn bổ nhiệm ông Vũ Văn Ninh làm phó thủ tướng, ông Vũ Đức Đam làm bổ trưởng chủ nhiệm văn phòng chính phủ và ông Vũ Huy Hoàng tái đắc cử Bộ trưởng bộ công thương. Nhân dịp này, Giáo sư Vũ Khiêu (đương kim chủ tịch danh dự hội đồng dòng họ Võ có làm đôi câu đối chức mừng như sau:
- Tài gửi thanh vân, chẳng phụ tinh anh từ họ Võ
- Đức soi hồng nhật, còn cao sự nghiệp dưới trời Nam
Câu đối mừng đại thọ Vũ Khiêu tròn 100 tuổi
[sửa]- Học giả anh hùng, rực rỡ tinh hoa vinh họ Vũ
- Giáo sư uyên bác, long lanh nguyên khí rạng sơn hà
Câu đối trên do Vũ Văn Dư (chủ tịch hội đồng dòng họ Vũ huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên kính tặng vào dịp tết Ất Mùi (2015)
- 山河靈氣在 “Sơn hà linh khí tại
- 今古一賢人 Kim cổ nhất hiền nhân”
Câu đối trên do thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề tặng: Về mặt hình thức: đây là bức “Trung đường liên” (中堂聯). Tức hình thức câu đối viết vào một tấm biển lớn hình vuông hoặc chữ nhật, đặt ở vị trí trang trọng giữa phòng khách, (phân biệt với "Doanh liên" 楹聯 -câu đối treo hai bên cột trụ). Xem ảnh thấy rõ phía dưới bức “Trung đường liên” là tượng bán thân của GS Vũ Khiêu. Như vậy, đôi dòng chữ "Sơn Hà Linh Khí Tại - Kim Cổ Nhất Hiền Nhân" giống như lời đề từ, lời bình cho bức tượng cụ Vũ Khiêu. Nếu xếp vào diện danh từ đối với danh từ thì “sơn hà” có thể đối với “kim cổ”. Hai vế chỉ có hai từ "tại" và "nhất" là từ đơn. Theo luật “đối lời”, trước tiên muốn đối được, chúng phải đứng đối xứng với nhau ở vị trí giữa vế nọ với vế kia. Tuy nhiên, chữ “tại” đứng cuối vế đầu, chữ “nhất” đứng giữa vế sau nên không thể có chuyện đối được. Tiếp đến, hai chữ “linh khí” ở vế đầu không thể đối với chữ “nhất” ở vế hai, vì một đằng là từ ghép (linh khí), một đằng là từ đơn (nhất); một đằng là danh từ, một đằng là số từ đóng vai trò làm tính từ trong câu. Như vậy, ta thấy rằng: hai chữ “linh khí” ở vế thứ nhất không tìm được “đối” (thủ) ở vế thứ hai. Vế trên còn sót lại chữ “tại” ở vị trí cuối cùng cũng chẳng biết “đối đáp” với ai, vì ở vế dưới hai chữ cuối cùng là từ ghép “hiền- nhân”. Vế đầu trong câu: Sơn hà 山河= núi sông (ở đây được hiểu như đất nước, giang sơn). Linh khí 靈氣, Đào Duy Anh giải nghĩa: “Cái khí thiêng”. Hán ngữ đại từ điển (Tàu) đưa ra mấy nghĩa đáng chú ý: 1.Thông tuệ hoặc tú mỹ đích khí chất (có khí chất thông tuệ và đẹp tốt); 2.Tiên nhân đích khí chất (có khí chất của người tiên); 3.Chỉ mỹ hảo đích danh thanh (ý chỉ người có thanh danh tốt đẹp lắm). Tại 在 : ở; còn; còn sống. Vế sau trong câu: Kim cổ 今古: từ xưa tới nay. Nhất 一: đứng đầu; một; duy nhất. Hiền nhân 賢人: bậc tài đức kiêm toàn.
1.Cách hiểu thứ nhất: Sơn hà linh khí tại = Khí chất tốt đẹp của GS Vũ Khiêu sẽ còn mãi với núi sông; Kim cổ nhất hiền nhân = GS Vũ Khiêu là người đứng đầu trong các bậc hiền nhân từ xưa tới nay ( nhất hiền nhân = hiền nhân đứng đầu, đứng thứ nhất).Ở đây, có thể do yêu cầu của thể lọai câu đối, tác giả lược bớt chữ "đệ" trong "đệ nhất", dùng chữ "nhất" với vai trò tính từ: đứng đầu, đầu tiên.
2.Cách hiểu thứ hai: Sơn hà linh khí tại = Linh khí sơn hà ở đây = Khí thiêng của non sông đất Việt chung đúc nên con người GS Vũ Khiêu (Hoặc: Khí thiêng của non sông Việt Nam vẫn còn đây-trong con người cụ Vũ Khiêu); Kim cổ nhất hiền nhân = Kim cổ một người hiền = Từ xưa tới nay, chỉ có một hiền nhân, đó là cụ Vũ Khiêu (nhất hiền nhân = chỉ có một người là hiền nhân). Cấu trúc của "nhất hiền nhân" này rõ ràng và thông dụng hơn trong ngữ pháp Hán văn so với cách hiểu thứ nhất.