Câu đối của các nhà hoạt động cách mạng Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20

Bộ sưu tập danh ngôn mở Wikiquote

Phan Văn Trị (1830-1910)[sửa]

Phan Văn Trị sinh tại làng Hưng Thạnh, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nay là xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ông thi đỗ cử nhân khoa Kỷ Dậu, năm Tự Đức thứ hai (1849) tại Trường thi Gia Định. Sau khi đậu cử nhân, ông về làng Bình Cách (nay thuộc thị xã Tân An) dạy học trò, về sau dời về làng Phong Điền, Cần Thơ (nay là xã Nhơn Ái, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ) tiếp tục dạy học, làm thơ, bốc thuốc chữa bệnh cho đến cuối đời.

  • Lúc còn ở kinh đô Phú Xuân, nhân một buổi dạo chơi trên bờ sông, thấy những người lặn xuống sông bất ốc khi trồi lên thì cổ họ bị rong quấn, đầu vướng đầy rác rêu, Phan Văn Trị chép miệng ngâm:
Phú quí Trường An rong quấn cổ
Phong lưu kinh địa rác đầy đầu!
  • Một hôm, Phan Văn Trị đi ăn giỗ. Trong đám giỗ hôm ấy, các danh sĩ cùng nhau ngồi đàm luận văn chương, một người ra đối:
Sắc nan
Phan Văn Trị lên tiếng: Dung dị
Người ra thấy vậy nói: "Dung dị à? Thử đối lại coi". Cử Trị đáp: "Tôi đối rồi đó. Dung dị". Lúc đó mọi người mới hiểu ra. Ai cũng khen ngợi. Người ra đối cũng như cử tọa chậm hiểu, bởi lẽ từ “dung dị”: có nghĩa là “dễ dàng”. Do đó, người ta tưởng Phan Văn Trị bảo vế đối đã ra là dễ dàng, chẳng khó khăn gì mà không đối lại được nên bảo Phan Văn Trị hãy thử đối đi. Họ không dè Phan đã đối ngay: “Sắc” đối với “Dung” còn “nan” đối với “dị” không gì chỉnh hơn được nữa.
Có người đang ăn quít, gặp quả quít ngọt tấm tắc khen: Quít ngọt
Phan Văn Trị tưởng người ấy ra đối để thử thách mình, bèn gắp miếng chả vào miệng nhai rồi đáp: Chả ngon
Cử tọa đề vỗ tay thán thưởng, từ “Quít ngọt” còn có nghĩa bóng là “lường quịt khéo”. “Chả ngon” có nghĩa bóng là “chẳng đẹp đẽ, chẳng xứng đáng gì” được dùng để đối lại chỉnh cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
vế đối khác: Cóc sướng (khuyết danh)
Một người khác đang ăn bỗng cắn phải lưỡi bèn kêu: Ái! (vừa là tiếng kêu, lại có nghĩa là yêu)
Tiếng kêu làm mọi người giật mình, có người đánh rơi miếng thịt hoen bẩn hết chiếc quần sộp. Cử Trị tức cảnh đối ngay: Ố! (vừa nghĩa là hoen ố, lại có nghĩa là ghét)

CÂU ĐỐI LIÊN QUAN ĐẾN Long Khê Cư Sĩ Phan Thanh (1836 - 1914)[sửa]

Phan Thanh tên thật là Phan Văn Hiệu, tự là Tịnh Trai, hiệu là Long Khê cư sỹ. Năm Đồng Khánh nguyên niên (1885), vì tên cũ phạm huý, nên đổi lại là Phan Thúc Nghiễm, tự là Vọng Chi. Ông sinh quán làng An Nhơn, nay là thôn Tân Mỹ, xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi đậu, ông tiếp tục đèn sách, theo khoa cử, nhưng vì sức khoẻ yếu, học hành quá sức, lại bị bệnh đau mắt trước đó, nên dần dần về sau, mắt ông bị mù. Đưòng danh phận phải dừng lại, ông chuyển sang dạy học. Đối với học trò, ông rất mực nghiêm khắc. Lê Trung Đình (là con của thầy cũ), đã xin đặt Hiệu, được ông đặt Hiệu cho là "Long Cung" (vì Hiệu ông là Long Khê). Sau khi Lê Trung Đình bị bắt, bà thâm mẫu của cụ Cử Đình đến ẩn náu tại nhà ông, chẳng may bị lộ, nhà cầm quyền bắt ông giải lên Tỉnh đường để xét hỏi. Tại đây, Bố chánh Nguyễn Hũu Bằng hỏi gay gắt "Ông có dấu người nhà của Lê Trung Đình không?". Ông nhìn thẳng vào quan Chánh và lũ thư lại, rồi ứng khẩu một bài thơ. thay lời đáp cung:

Biết đâu là có, biết đâu không!
Tôi hỏi lòng tôi, thử có không!
Phải có, bấy nay đã thấy có
Bởi không, đây đó, thử có không!
Khi không, ai khéo, bày kêu có
Thật có, sợ gì lại chối không
Không có, có không, trời đất biết
Mặc ai nói có, vốn tôi không

Trước lời lẽ khí khái, nhưng nhẹ nhàng lý thú, bọn Hữu Bằng phải thả ông về. Về sau, Nguyễn Hữu Bằng về Triều đình, nhận chức Lễ Bộ Tả Thị lang, do cảm phục tài đức uyên thâm của ông, nên đã tặng ông 2 câu đối:

Nhơn lý, đa niên, lưu trạch giã
Cảm Thành thử địa, đắc nhân duyên

Câu đối liên quan đến Quan Phụ Chính Đại Thần Tôn Thất Thuyết (1839 - 1913)[sửa]

Tôn Thất Thuyết thời vua Dục Đức, vua Hiệp Hoà với chức vụ Phụ chính đại thần, Tôn Thất Thuyết đã nhiều lần làm việc phế lập. Xuất thân Tôn Thất Thuyết sinh tại làng Phú Mộng, bên bờ sông Bạch Yến cạnh Kinh thành Thuận Hóa, nay thuộc thôn Phú Mộng, phường Kim Long, thành phố Huế. Sau khi giúp vua Hàm Nghi xây dựng căn cứ lãnh đạo phong trào kháng Pháp, Tôn Thất Thuyết tìm đường cầu viện bên Trung Quốc. Việc cầu viện bất thành nhưng ông đã dựa vào tình cảm cá nhân của một số quan lại Mãn Thanh chống Pháp, khi chiến tranh Trung - Nhật nổ ra, người Pháp yêu cầu nhà Mãn Thanh quản thúc Tôn Thất Thuyết. Trong những năm cuối đời, ông thường múa gươm chém vào những tảng đá trong vườn, do cô quạnh, ông tái giá với một bà góa người Trung Quốc. Nhân dân vùng Long Châu, Quảng Đông, Trung Quốc gọi ông là "Đả thạch lão" tức "Ông già chém đá". Tương truyền, sau khi Tôn Thất Thuyết qua đời, những chí sĩ người Trung Quốc đương thời có viết đôi câu đối phúng điếu ông như sau:

Thù Tây bất cộng đái thiên, vạn cổ anh hồn quy Tượng Quận
Hộ giá biệt tầm tỉnh địa, thiên niên tàn cốt táng Long Châu

Dịch:

Thù Tây không đội trời chung, muôn thuở anh hồn về quận Tượng
Giúp chúa riêng tìm cõi thác, ngàn năm xương nát gởi Long Châu
Có quyển viết là phương danh quy Tượng quận và tàn cốt ký Long Châu

Những câu đối liên quan đến cử nhân Dương Danh Lập (1839 - 1904)[sửa]

Dương Danh Lập tự Học Lễ, hiệu Khắc Trai, biệt hiệu Sơn Nông, sinh ở xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1866, Dương Danh Lập được nhận hàm danh dự Hàn lâm viện kiểm thảo, rồi gọi vào làm việc tu thư ở Văn phòng Nội các. Năm 1873, Dương Danh Lập được bổ nhiệm Trợ biện Bắc thứ quân vụ kiêm lãnh Tri phủ Từ Sơn. Năm 1902, ông được thăng Tham tri Bộ Lễ. Ngày 22 tháng 4 năm Quý Mão, ông lâm bệnh mất tại nơi ở, chiểu theo quan chiếc áo nhận danh hiệu Gia Nghị đại phu, thụy là Ôn Mục. Có thể nói ông là một người Thầy đáng trọng, đạo lý thánh hiền đã chỉ ra “kinh sư dị đắc, nhân sư nan tầm” (Thầy dạy chữ dễ có, Thầy dạy làm người khó tìm). Các môn sinh đã tặng bức hoành phi sơn son thếp vàng có bốn chữ “Kinh sư, nhân sư” để ở từ đường thờ Thầy. Hai bên có đôi câu đối:

簪笏家聲舊
詩書世澤長
Trâm hốt gia thanh cựu
Thi thư thế trạch trường”

Dịch nghĩa:

Tiếng nhà làm quan có từ xưa
Văn chương đèn sách còn truyền lâu dài
  • Năm 1899, người vợ của ông lâm bệnh và qua đời, ông viết bài điếu tiếc thương vô hạn. Dương Khuê đề câu đối viếng:
先生今悼吟 ,晚景寄懷豈僅潘郎情語
淑人有賢德 ,大夫之婦尚留南澗風徽
"Tiên sinh kim điệu ngâm, vãn cảnh ký hoài khởi cận Phan lang tình ngữ
Thục nhân hữu hiền đức, đại phu chi phụ thượng lưu Nam giản phong huy"

Những câu đối liên quan đến Diên Lộc Quận Công Nguyễn Thân (1840 - 1914)[sửa]

Nguyễn Thân tự Thạch Trì, quê gốc là làng Thạch Trụ, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Khi vua Hàm Nghi ban bố dụ Cần Vương, Nguyễn Thân tham gia Nghĩa hội Quảng Ngãi, nhưng ông phản lại Nghĩa hội để phục vụ cho vua Đồng Khánh. Năm 1895, Nguyễn Thân đem quân ra Hà Tĩnh lùng diệt cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng. Ở đây, Nguyễn Thân đã cho quật mồ Phan Đình Phùng, đổ dầu đốt cho xương thịt ông cháy thành tro, rồi trộn vào thuốc súng bắn xuống sông La. Nhờ công lao này, Nguyễn Thân được cử làm phụ chính đại thần, và được phong tước Diên Lộc Quận công. Sau Nguyễn Thân đến ở làng Thu Xà (nay thuộc xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi), sau bị bệnh chết. Tương truyền, có đoàn hát bội đã lợi dụng diễn tuồng, làm đôi câu đối hát để đả kích Nguyễn Thân như sau:

Đội mũ mang râu làm mặt lạ
Vác siêu khuân giáo đánh người quen
  • Lúc Nguyễn Thân mất, Hoàng Cao Khải đi viếng đôi câu đối, nguyên văn chữ Hán:
“Giang hồ lang miếu, ngô bối chính quân ưu, hốt nhiên nhất bệnh trường từ, Thạch Trụ vân yên không diếu diếu;
Tôn tửu ly ca, cố nhân tùng thử biệt, hồi ức thập niên tiền sự, Hương Kiều dạ nguyệt thướng y y!”
Dịch:
“Non sông đền miếu, chung gánh bọn mình lo, mà sao một giấc bệnh dài, Thạch Trụ mơ màng mây khói rải;
Chén rượu câu ca, chia tay người cũ khuất, nhớ lại mười năm chuyện trước, Hương Kiều lẳng lặng bóng trăng soi!”)
Câu đối rất tài tình, nhắc đến chuyện 2 người làm việc với nhau ở đất Thần Kinh (Hương Kiều), chuyện mâu thuẫn cách đây 10 năm, người mất kẻ còn có bao điều muốn nói mà không nói được. Dư luận rất tán thưởng. Người ta cho rằng câu đối còn chòi móc Nguyễn Thân. Thạch Trụ là cột đá nước nhà, nhưng cũng là tên làng của Nguyễn Thân. Mây khói (vân yên) là gián tiếp nhắc việc Nguyễn Thân hút thuốc phiện. Mấy chữ không diếu diếu, thướng y y có hàm ý cả sự chê trách và sự không đồng tình… Dư luận cho rằng, với câu đối như vậy, Hoàng Cao Khải vẫn giấu một ý tình riêng (rằng Nguyễn Thân xử tệ với cụ Phan Đình Phùng), ai sâu sắc thì mới hiểu nổi. Sự thực có đúng như vậy không? Chỉ biết rằng với câu đối này, họ Hoàng đã giành được ít nhiều thiện cảm của những người dù có nhiều thành kiến với ông.

Câu đối liên quan đến Ngự Sử Lạc Tràng Vũ Duy Tuân (1840 - 1915)[sửa]

Vũ Duy Tuân người làng Lạc Tràng, tỉnh Hà Nam. Ông đỗ Cử nhân trường Hà Nội khoa Đinh Mão (1867), làm quan dưới triều vua Tự Đức đến chức Ngự sử. Khi từ giã triều đình, ông đến ở nhờ nhà một người bạn quê làng Kim Lũ, huyện Thanh Liêm. Tương truyền, khi vào thi hội, các sĩ tử họp lại thử đoán xem đầu bài sẽ ra về vấn đề gì. Vũ Tuân nói: "Tôi chắc kỳ văn sách khoa này thế nào đức Kim thượng cũng hỏi về công thủ chi sách (kế sách đánh hay hoà)?" Khi vào trường thi, quả như lời họ Vũ đoán, sĩ tử thấy đầu đề đều khâm phục Vũ. Trong quyển văn của Vũ có câu: “Triều đình ủng bách vãn chi tinh binh, kiến nghĩa bất vi vô dũng dã”. (Triều đình hiện có sẵn trăm vạn quân lính tinh nhuệ, theo việc nghĩa thì nên đánh quân xâm lăng, thế mà không đánh thì thật là không dũng cảm chút nào). Văn trường không trúng ý khảo quan, nên họ Vũ chỉ đỗ phó bảng. Trong bọn có cử nhân họ Dương, bội ước với anh em: khi họp bàn thì vâng vâng, dạ dạ: xin đánh; đến khi vào trường lại viết trái lại: xin hoà. Trúng ý quan trường, nên được đỗ tiến sĩ. Dẫu sao, Vũ vẫn là người chiến thắng về sĩ khí, danh dự còn hơn đỗ tiến sĩ nhiều. Hết thảy sĩ tử Trung, Nam, Bắc hợp lại khen ngợi ông nhiệt liệt, rồi cùng nghĩ đôi câu đối mừng:

Minh đình sách vấn kiêm tam đối (Triều đình hỏi kế sách thì ông đối đáp được mọi điều)
Giáp đệ thâu nhân chỉ nhất hoà (Thế mà giáp đệ chỉ đỗ phó bảng, thua người khác chỉ tại một chữ hòa)

Câu đối treo giải của Tổng Đốc Danh Dự Đỗ Hữu Phương (1841 - 1914)[sửa]

Đỗ Hữu Phương sinh tại Chợ Đũi (Sài Gòn), gốc người Minh Hương. Năm 1865, Đỗ Hữu Phương được chính quyền Pháp cho làm hộ trưởng. Đỗ Hữu Phương lần lượt được nhận các phần thưởng như sau: Huyện Danh dự (25 tháng 7 năm 1868), Huy chương vàng (31 tháng 12 năm 1868), Phủ Danh Dự (4 tháng 8 năm 1869), Đốc phủ sứ Danh dự (4 tháng 8 năm 1868), Đệ tam đẳng bội tinh (1 tháng 1 năm 1891), Tổng đốc Danh dự (8 tháng 10 năm 1897). Năm 1881, ông được gia nhập quốc tịch Pháp, và liên tiếp qua Pháp vào các năm 1884, 1889, 1894. Tương truyền trong 1 dịp Tết, ông Phương ra câu đối ca tụng nhà ông và treo giải thưởng nếu ai đối được như sau:

vế ra: Ðất Chợ Lớn có nhà họ Ðỗ, Ðỗ một nhà, ngũ phước tam đa
Ngay ngày hôm sau, có người gởi đến câu đối lại: Cù Lao Rồng có lũ thằng phung, Phung một lũ: Cửu trùng bát nhã (Thằng Phung là bệnh phong hủi)

Câu đối liên quan đến Nguyễn Thức Tự (1841 - 1923)[sửa]

Nguyễn Thức Tự, hiệu Đông Khê, quê làng Đông Chữ, nay thuộc xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Năm 1873, Nguyễn Thức Tự làm Hậu bổ ở Hà Tĩnh, lần lượt làm tri huyện Hương Khê, Thạch Hà, tri phủ Đức Thọ. Năm 1880 giữ chức Chánh Sơn phòng sứ tỉnh Hà Tĩnh, vì vậy nhân dân gọi ông là Sơn. Năm 1884, ông xin về mở trường dạy học, gọi là trường Đông Khê. Đức độ của Nguyễn Thức Tự được giới trí thức và nhân dân Nghệ An ghi nhận bằng đôi câu đối treo ở sinh từ của ông:

Lục thuỷ thanh sơn, vũ trụ thường lưu xuân sắc
Tả đồ, hữu sử, gia đình vĩnh đại thủ hương

Hoàng Anh Tài dịch:

Đây nước biếc, đó non xanh, xuân sắc lâu dài trong vũ trụ
Tả bản đồ, hữu sử sách, gia đình bền vững nếp thi hương

Những câu đối của Cử Nhân Hồ Sĩ Tạo (1841 - 1907)[sửa]

Hồ Sĩ Tạo, húy là Thàng, người làng Song Nhã (họ Hồ ở thôn Lai Nhã - xã Thái Nhã - một nhánh của họ Hồ ở Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh và cũng từ ông tổ họ Hồ làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An mà ra). Sinh thời, Hồ Sĩ Tạo nổi tiếng rất thông minh và có văn tài. Cụ Phan Bội Châu có lần bảo với học trò cụ là không nên theo học Hồ Sĩ Tạo: "Tôi là con rắn, Hồ Sĩ Tạo là con rồng. Các anh chỉ có thể hiểu được con rắn mà thôi". Ông nổi tiếng hay chữ, bấy giờ ở xứ Nghệ có câu: “Văn Giao, phú Tạo, thơ Thành” (Văn hay có Nguyễn Văn Giao, phú giỏi có Hồ Sĩ Tạo, thơ đặc sắc có Nguyễn Nguyên Thành).

  • Câu đối viết cho nhà thờ họ Hồ ở Quỳnh Đôi:
Trâm anh nhất thổ Quỳnh Đôi trụ (Nhà thờ họ Hồ nghìn thu hương hoả)
Hương hoả thiên thu Cổ Nguyệt đường (Cột trụ Quỳnh Đôi một sắc trâm anh)
  • Thuở nhỏ, lúc 16 tuổi, Hồ Sĩ Tạo nhà nghèo, đi tìm chỗ dạy để nuôi thân. Ông chủ nhà thử tài học, bảo Hồ Sĩ Tạo vịnh con muỗi. Hồ Sĩ Tạo liền đọc:
Bạch nhật dĩ vô điêu Tể Ngã (Ban ngày, không thể làm được Tể Ngã)
Thanh tiêu hà xứ mộng Chu Công (Ban đêm, làm gì có chỗ nào để mộng Chu Công)
  • Câu đối mừng thọ cụ Can Bang 80 tuổi:

Cụ Can Bang ở xã Đại Đồng, tổng Đại Đồng, huyện Thanh Chương, là mẹ Cử nhân Nguyễn Như Cơ (đậu năm 1882) và là em gái Tiến sĩ Nguyễn Hữu Điển (1825- ?) đậu Cử nhân năm 1846, Tam giáp Tiến sĩ năm 1853):

Yên Sơn đan quế liên phương nhật (Bàn đào Vương Mẫu năm năm kết trái)
Vương Mẫu bàn đào kết thực niên (Đan quế Yên Sơn ngày ngày toả hương)
  • Lúc Hồ Sĩ Tạo làm tri phủ ở Quảng Bình, một người đàn bà có chồng họ Mạnh lội sông đi hát phường vải bị chết đuối đến xin câu đối điếu chồng, ông liền đọc:
Quân thị Mạnh gia danh, khỉ bất văn: Dự chúng lạc, độc lạc, thục lạc? (Chàng họ Mạnh, há không nghe: Cùng dân chúng vui nhạc, một mình vui nhạc, đàng nào vui hơn?)
Thiếp phi ngư phu tử, cánh vô như, bất độ hà, độ hà, nại hà? (Thiếp không phải con ngư phủ, biết làm sao, không qua sông, qua sông, làm cách nào?)
  • Khi mắc tội bị giáng làm Giáo thụ (phụ trách việc học ở phủ), Hồ Sĩ Tạo có làm câu đối tự thuật như sau:
Ngã đặc hà vi đa sự tai: thiếu phủ hư danh sĩ, tráng tác hoạn trường nô, gián hữu thất túc ư quốc sự tù, bán thế dĩ thành tam biến kiếp (Riêng ta sao mà lắm chuyện thay: trẻ là kẻ sĩ hư danh, lớn là đầy tớ quan lớn, giữa chừng lỡ chân quốc sự vào tù, nửa đời từng qua ba bốn kiếp)
Kim khả dĩ cáo vô tội hĩ: triêu xuất canh điền ông, mộ nhập quán viên tẩu, dạ lai vĩnh toạ thính gia nhi độc, dư sinh tằng vấn kỷ tri âm! (Nay mình đáng nói không tội vậy: sớm làm ông già cày ruộng, chiều thành cụ lão tưới vườn, tối đến nghe lũ gia nhi ngồi học, tuổi chưa từng hỏi mấy tri âm!)

Câu đối của Thi Sĩ Nguyễn Văn Lạc (1842 - 1915)[sửa]

Nguyễn Văn Lạc, biệt hiệu là Sầm Giang, thường gọi là Học Lạc. Ông vốn người làng Mỹ Chánh, thuộc tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang. Học Lạc, nhà tuy nghèo, nhưng nhờ thông minh nên được tuyển thẳng vào ngạch học sinh. Do đó, người ta mới gọi là "học sinh Lạc", dần dần bỏ mất chữ "sinh", còn lại hai chữ "Học Lạc". Năm 1862, Ông rời bỏ làng Mỹ Chánh, dời nhà về chợ Thuộc Nhiêu (Mỹ Tho) chọn nghề dạy học và bốc thuốc, làm phương tiện sinh sống cho đến hết đời. Tương truyền ông có viết câu đối tặng một quán cơm như sau:

Mạc vị quán trung vô phiếu mẫu
Chỉ hiềm lộ thượng thiểu vương tôn
Câu đối này ý nói quán nầy sẳn lòng làm như Bà Phiếu mẩu khi xưa đem cơm cho Hàn Tín, lúc Hàn Tín chưa làm nên sự nghiệp, nhưng e rằng khách bây giờ, ít ai tài giỏi như Hàn Tín để mà được nuôi cơm.

Những câu đối của Phó Bảng Hà Đình Nguyễn Thuật (1842 - 1911)[sửa]

Nguyễn Thuật tự Hiếu Sinh, hiệu Hà Đình sinh ngày 13 tháng 5 năm Nhâm Dần (1842) tại xã Hà Lam, tổng Phú Mỹ trung, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam (nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Năm Giáp Tý (1864) đỗ Tú tài, năm Đinh Mão (1867) đỗ Cử nhân, đến năm Mậu Thìn (1868) thi hội đỗ Phó bảng. Kể từ đây cụ bước vào quan lộ, được bổ vào “ Thị Lang nội các”, rồi thăng “Giáo Đạo” trường Dưỡng Thiện dạy các Hoàng Tử. Khoa thi Đình năm Tân Sửu 1901, Thành Thái 13, Quảng Nam có 4 người đỗ Phó bảng là: Nguyễn Đình Hiến, Võ Vỹ, Nguyễn Mậu Hoán, Phan Châu Trinh. Nhân dịp này, Nguyễn Thuật đã có hai câu đối mừng cho 4 vị tân khoa. Một câu tặng chung cho 3 ông Võ Vỹ, Nguyễn Mậu Hoán và Phan Châu Trinh:

“Niếp túc thượng hanh cù ba bảng nhứt châu sâm tứ kiệt
Ba cung thao dị sủng nghê thường đồng nhật vũ quần tiên”

Dịch:

Tiếp bước lộ hanh thông đồng tỉnh bảng hoa vầy tứ kiệt
Xứng thân điều ân trạch một ngày ca vũ với quần tiên”

Và một câu đối tặng riêng cho Phó bảng Nguyễn Đình Hiến:

“Đỉnh Giáp khởi vô tài mạc thị văn chương quan vận hội?
Vân trình du hữu vọng do lai khoa đệ tác đề giai!”

Dịch:

Đậu bảng Giáp cao há vô tài, không do vận hội văn chương ư?
Đường làm quan tiến mãi là từ thềm thang thi cử mà có

Bùi Thân (1844 - 1924)[sửa]

BÙI THÂN tự Chuyên Thơ, tục danh: Ông QUẢN NGHI, Hàn Lâm viện Thị giảng. Thừa hưởng di sản của Tiền nhân độ 10 mẫu hương hỏa, nhưng với tính nhẫn nại, lòng tự tín nên chỉ trong khoảng 30 năm, ngài đã xây dựng một sản nghiệp trên 3000 mẫu ở rải rác khắp nhiều huyện trong tỉnh. Là một nông gia tạo lập sự nghiệp theo đường lối vương đạo, Ngài rất nhiệt tâm đối với những việc nghĩa cử như: Lạc cúng tư điền và lạc quyên để dựng lên Văn Thánh và trường Huấn huyện Duy Xuyên. Để tán dương sự ủng hộ của Ngài, quan thân huyện Duy Xuyên có mừng Ngài câu đối như sau:

Ngô đạo đống lương tham lực tán
Quân môn xa mã khánh giai thăng

Bình sinh Ngài thường lấy thi, thơ, lễ, nhạc làm phương châm cho thuật tề gia, xử thế. Ngày trước, trên bàn thờ Gia tiên, hai bên chữ Phước viết thật lớn, ngài có cho treo câu đối:

Lễ nhạc truyền gia viễn
Thi thơ xử thế trường

câu đối của Tổng đốc Nguyễn Đình Hiến ở Trung Lộc phúng điếu trong dịp tang lễ Bùi Thân:

Phân kim hữu tử năng tri ngã
Như ngọc kỳ nhơn vị điếu Ông

Phỏng dịch:

Chia vàng con Bác từng thương tớ;
"Như ngọc người đời" kính điều Ông

Qua câu đối trên ta thấy Ông Bùi Duy đã là một Mạnh Thường quân của Tổng đốc Họ Nguyễn ngay khi Cụ còn hàn vi, BÙI DUY húy Văn Đảnh, tục danh Ông NGHÈ TRÌNH là thứ nam của Ngài Thị giảng Bùi Thân.

Những câu đối của Cơ Mật Viện Đại Thần Đào Tấn (1845-1907)[sửa]

Đào Tấn, tự là Chỉ Thúc, hiệu là Tô Giang và Mộng Mai, biệt hiệu là Tiểu Linh Phong Mai Tăng hoặc Mai Tăng. Ông tên thật là Đào Đăng Tấn, sinh tại thôn Vinh Thạnh, tổng Thời Tú, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định (nay thuộc thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Năm 23 tuổi, ông đỗ thứ 8 Cử nhân khoa Đinh Mão (1867) tại trường thi Bình Định. Năm 1874, ông làm quan kinh qua các chức vụ Tham biện, Tổng đốc An Tĩnh, Tổng đốc Nam Ngãi, Thượng thư Bộ Hình, Thượng thư Bộ Binh, Thượng thư Bộ Công, quan hàm nhất phẩm, được phong Hiệp biện Đại học sĩ, tước Vinh Quang tử. Năm 1904, ông bị cách chức rồi lui về quê nhà ở ẩn cho đến lúc qua đời.

  • Những câu đối viết tặng Chùa Linh Phong:
Thạch thất thiên niên hoàng hổ ngọa (Nhà đá cọp vàng nghìn thuở nghỉ)
Hoa trì thập nguyệt bạch liên khai (Ao hoa sen trắng tháng mười đơm)
十 年 湖 海 歸 來 夢 Thập niên hồ hải quy lai mộng (Khói hoa một mớ trời dành sẵn)
一 境 湮 花 自 在 天 Nhất kỉnh yên hoa tự tại thiên (Ao biển mười năm mộng trở về)
Ở câu đối thứ nhất, Đào Tấn (người sáng lập bộ môn hát bội ở Bình Định) đã ghi lại một vài nét về hiện tượng lạ nơi, ngôi danh lam ấy : hoặc tương truyền (vế 1) hoặc chính mắt ông trông thấy (vế 2). Còn với câu đối thứ nhì thì đây chính là một khám phá phải đánh đổi cả đời người mới có được, cùng nói lên cái tâm đắc của ông Đào với cửa Thiền.
  • Câu đối viết trước của rạp nhà Hát:
Thiên bất dữ nhàn, thả hướng mang trung tầm tiểu hạ (Thời chẳng cho nhàn, tìm chút thảnh thơi trong bận rộn)
Sự đô như hý, hà tu giả xứ tiếu phi chơn (Việc như đùa cợt, lọ cười chỗ giả chẳng là chơn)
  • Một hôm, Đào Tấn ngủ dậy thấy trước cổng nhà có câu đối (có ý chê bai) do ai đó dán sẵn từ tối hôm trước không rõ:
Hát hay
Học dở
Ông điềm nhiên viết thêm năm chữ vào sau mỗi câu làm thay đổi hẳn ý nghĩa (từ bị chế diễu thành tự hào):
Hát hay, chính kép Qui Nhơn thiệt
Học dở, làm quan Quảng Ngãi chơi
  • Câu đối viếng Lãnh Tụ Nghĩa Quân Hương Khê Phan Đình Phùng (1847 - 1895):

Phan Đình Phùng sinh tại làng Đông Thái (nay là xã Tùng Ảnh), huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1885, Phan Đình Phùng đã đứng ra chiêu tập quân sĩ chống Pháp. Nghĩa quân xây dựng căn cứ tại vùng núi rừng Hương Sơn, Hương Khê (Vụ Quang) hiểm trở, nhằm tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài. Đến cuối năm 1895, trong một trận giao tranh ác liệt, Phan bị thương và sau đó đã hy sinh tại quân doanh vào ngày 28-12-1895. Đào Tấn có viết đôi câu đối (được cho là dài nhất Việt Nam với 160 chữ) phúng điếu như sau:

Thành bại anh hùng mạc luận, thử cô trung, thử đại nghĩa, thệ dữ chư quân tử thủy chung; Châu chi anh, Mặc chi linh, độc thư mỗi niệm cương thường trọng; Khả hận giả thùy điên đại hạ, nhất mộc nan chi, cung lãnh yên tiêu, thùy nhân bất tác thâm sơn oán; Huống đương nhật long phi vân ám; cộng ta nhân sự vô thường, khả liên La Việt giang sơn, bách niên văn hiến phiền nhung mã (Anh hùng thành bại kể chi? Dạ sắt son, lòng vàng đá, thề cùng các bạn giữ trước sau; Son mực đúc khí tinh anh, trung hiếu hẹn hò cùng sử sách; ngao ngán nhẻ, lầu cao sắp đổ, một cột khó nâng; phòng vắng khói tan, liếc mắt non xanh thêm tức tối. Và bây giờ rồng bay mây ám, xót xa việc thế không lường; Thương thay La Việt giang sơn, văn hiến trăm năm thành trận mạc)
Cổ kim thiên địa vô cùng, nhị lưu thủy, nhi cao phong, đồng thử đại trượng phu vũ trụ; Làm chỉ phong, Hồng chi tuyết, xung hàn vô nại bá tùng điêu; Vị hà tại hội quyết đồi bà, trung lưu để trụ, tinh di vật hoán, hà nhân bất khởi cố viên tình? Cập thử lời nhạn tán phong xuy, kham thán thiên tâm mạc trợ, độc thử tùng mai khí tiết nhất tử tinh thần quán Đẩu Ngưu (Trời đất xưa nay thế mãi, đá dựng ngược, nước chảy xuôi, đó vẫn non sông phương tuấn kiệt; Làm Hồng nổi cơn bão tuyết, bách tùng úa rụng luống xông pha. Đau đớn thay! Đê vỡ sóng vồ, giữa dòng trụ đứng; sao dời vật đổi, ngảnh đầu người cũ phải bôn chôn. Đương lúc này gió thổi nhạn lìa, căm giận lòng trời cay nghiệt; riêng cảm Tùng Mai khí tiết, tinh thần một thác rạng trăng sao)

Giai thoại đối đáp của Nguyễn Thiện Kế (1849-1937)[sửa]

Vế xuất: Cái thỏ lợn
Vế đối: Cái lồn tâu
Nhân một cuộc vui lớn được tổ chức ở tỉnh đường Bắc Ninh, một số thuộc lại đưa lễ tổng đốc một mâm xôi và cái sỏ lợn. Khi trình lễ, viên lại đầu bọn nói “Cái thỏ nợn” (cái sỏ lợn - các tương ứng [S-] - [Th-] và [L-] - [N-] giữa ngôn ngữ phổ thông và phương ngữ Bắc). Ba tiếng này trở thành một vế đối hóc hiểm. Vậy mà có người đã đối lại rất chỉnh, cũng dùng cách biến âm của vùng đất: “Cái nồn tâu” (ngoài tương ứng [L-] - [N-], còn có [Tr-] - [T-] ® “trâu” - “tâu”).

Tương truyền, người đối lại là Nguyễn Thiện Kế (người làng Nễ Độ, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên; đỗ cử nhân năm 1888; ông nổi tiếng với những bài thơ đả kích đám quan lại tay sai của Pháp). Nguyễn Thiện Kế (1849-1937) tên tự là Trung Khả, hiệu Đường Vân hay Nễ Giang, còn được gọi là Huyện Nẻ hay Huyện Móm, là 1 chỉ huy của khởi nghĩa Bãi Sậy trong phong trào Cần Vương và cũng là em ruột của Nguyễn Thiện Thuật, quê ở làng Xuân Đào, xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ngoài ra, ông còn làm thơ trào phúng và cũng là anh rể của thi sĩ Tản Đà.

Những câu đối của Nguyễn Hiển Dĩnh (1853 - 1926)[sửa]

Nguyễn Hiển Dĩnh hiệu Tô Tân, sinh tại làng An Quán, tổng An Nhơn (nay thuộc xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam). Cha là Nguyễn Hiển Doãn, đỗ cử nhân khoa Nhâm Dần, Thiệu Trị thứ hai (1842), được bổ làm tri huyện rồi bị bãi chức vì có xích mích với quan trên, về nhà dạy học. Cao Bá Quát khi bị kỷ luật ở triều đình phải đi hiệu lực trên một tàu viễn dương, lúc ghé Hội An cũng đến nhà cụ Doãn đàm đạo thân tình và tặng một câu đối. Câu đối này đến đời cụ Dĩnh vẫn còn treo hai bên bàn thờ gia tiên, theo học trò cụ, nay chỉ còn nhớ vế thứ hai:

“Bách niên tri kế bất nhược thọ nhân” (Kế trăm năm không chi bằng trồng người)

Sinh thời, ông thể hiện quan niệm của mình về nghệ thuật hát bội bằng những câu đối như:

Thốn thổ thị triều đình, châu quận
Nhất thân đô phụ tử, quần thần

nghĩa là:

Một miếng đất (sân khấu), đó là cả triều đình, châu, quận
Một tấm thân (diễn viên) là cha, con, vua, tôi (khi diễn)

Như thế, hàm nghĩa nghệ thuật mang tính ước lệ. Sân khấu là nơi thể hiện việc giả nhưng lại phải nói rất thực. “Cái chốt cửa vốn thẳng mà ta làm động tác rút chốt để mở cửa lại hoậy cái tay để người ta thấy (tưởng tượng) là chốt cong, là không thực”. Khi bàn về những đóng góp của Nguyễn Hiển Dĩnh vào kho tàng lý luận sân khấu hát bội, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn cho rằng: "Về nghệ thuật biểu diễn, Nguyễn Hiển Dĩnh viết câu đối":

Dũng dượt dụng binh, bách chiến binh vô huyết nhẫn
Thung dung ẩm tửu, thiên bôi tửu bất tuý nhân

Nghĩa là:

Hùng hổ ra quân, đánh trăm trận mà giáo gươm không vấy máu
Ung dung ngồi nhấm rượu, cạn cả nghìn chén mà diễn viên không say, chỉ có nhân vật say thôi

Về sáng tác, cụ Tô Tân viết:

Anh hùng kỳ phục dã vô tận
Nhân sinh hà xứ bất tương phùng

nghĩa là:

anh hùng chưa gặp thời còn ẩn náu không biết bao nhiêu trong sân khấu hát bội
người ở đời cứ lộn ra lộn vào sân khấu chỗ nào cũng gặp nhau

Sân khấu hát bội, bằng thủ pháp ước lệ của diễn viên, của đạo cụ, của hát, múa… mà diễn như thật mọi cảnh huống cuộc đời. Điều này cũng được cụ nhắc lại trong đôi câu đối:

Bước ra sân, khanh tướng công hầu, mày râu chĩnh chệ
Vào trong rạp, mày tao chủ tớ, cặc dái lòng thòng

Câu đối của chí sĩ ái quốc Nguyễn Tấn Kỳ (1853 - 1913)[sửa]

Nguyễn Tấn Kỳ sinh tại làng Châu Tử, nay thuộc xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Sinh trưởng trong lúc vận nước rối ren, ông âm thầm tham gia Nghĩa hội Quảng Ngãi do Lê Trung Đình lãnh đạo để mưu cuộc kháng Pháp. Cuộc khởi nghĩa thất bại, Nguyễn Tấn Kỳ bị Nguyễn Thân truy bắt đem về giam ở lao Thừa Phủ (Huế). Ra tù, ông về lại thôn Châu Tử, lập chùa Phước Sơn trên núi Vạc, nương nhờ cửa Phật, sống những ngày cuối đời trong niềm bi phẫn. Đây là câu đối ngậm ngùi thế sự của ông:

"Cái vồ lực sĩ quăng đâu đó
Nương cửa bồ đề đỡ chuối xôi…"

Những câu đối của Ông Nghè Vân Sơn Nguyễn Trọng Trì (1854 - 1922)[sửa]

Ông nghè Vân Sơn Nguyễn Trọng Trì hiệu Tả Am; là nhà thơ và là một nghĩa quân trong phong trào Cần Vương, người làng Vân Sơn xã Nhơn Hậu huyện An Nhơn tỉnh Bình Định. Cách đây hơn hai thế kỷ, họ Bùi là dòng họ đầu tiên di cư từ Bắc vào khai khẩn vùng xóm Trung, ấp Lạc Điền, tổng Thiều Quang, phủ Tuy Phước. Bùi Tình, hậu duệ của họ Bùi là một nhà nho nhân hậu, sống giữa thời nhiễu nhương mà vẫn giữ được phẩm chất thanh cao. Nguyễn Trọng Trì là bạn vong niên của Bùi Tình, cái "kinh tế" - cái thế sự mà các nhà nho yếm thế thời bấy giờ luận bàn bên chén rượu giải buồn rồi cũng chỉ đi đến mong muốn: dầu trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ lấy đạo đức phẩm hạnh nhà nho như trong câu đối cụ Nguyễn Trọng Trì viết tặng Đoàn Quýnh - con rể Bùi Tình:

Phú nghĩa trung vô giao chiến địa
Hành tàng thượng hữu thái hòa thiên

Tạm dịch:

Giàu sang đại nghĩa không tranh cạnh
Lui tới khoan hòa có trí nhân

Con Bùi Tình là Bùi Thứu có tiếng hay chữ, bút hiệu là Tử Hồ đã nhiều phen lều chõng tới trường thi. Tuy đường khoa bảng chẳng được hanh thông nhưng ông là nhà nho đức độ, có lòng yêu nước thương dân mà không gặp thời, đành gửi gắm hy vọng vào thế hệ trẻ mai sau. Cho nên ông đã xuất tiền của cất một ngôi trường tại Điền Trung để dạy chữ Quốc ngữ cho con em trong làng. Vân Sơn đã làm hộ dân thôn Lạc Điền đôi câu đối để chúc tụng:

Nghĩa tâm chức tác giang sơn cẩm
Hiếu tửu nung thêm võ lộ hương

Tạm dịch:

Lòng nghĩa rạng ngời non sông gấm vóc
Rượu đào hiếu thảo mưa móc thơm nồng

Câu đối liên quan đến nhà cách mạng Lương Văn Can (1854 - 1927)[sửa]

Lương Văn Can hay Lương Ngọc Can, tự Hiếu Liêm và Ôn Như, hiệu Sơn Lão. Quê quán ở Làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội). Năm Giáp Tuất, (1874), triều đình Huế lại tổ chức thi Hương, ông đã đỗ Cử nhân khoa này (nên khi tuổi cao, ông thường được gọi là cụ Cử Can). Tháng 3 năm 1907, ông liên kết với một số người cùng chí hướng (như Nguyễn Quyền, Lê Đại, Hoàng Tăng Bí, Vũ Hoành, v.v...) lập ra trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Ngày 26/4/1913, xảy ra vụ đánh bom khách sạn Hà Nội của Việt Nam Quang phục Hội, thực dân Pháp bắt Lương Văn Can giam ở Hỏa Lò (Hà Nội). Lương Văn Can bị kết án lưu đày sang Nam Vang (nay thuộc Campuchia). Hơn 8 năm sau, Lương Văn Can trở về Hà Nội. Ngày 13/6/1927, ông qua đời tại Hà Nội. Trước khi mất, ông dặn các con cháu: "Bảo quốc túy, tuyết quốc sĩ" (Giữ tinh hoa của nước, rửa nhục nước). Chí sĩ Dương Bá Trạc có gửi đôi câu đối phúng điếu ông như sau:

Tân khổ vị tông bang, tư tử vọng phu, song nhiệt lệ.
Ái ưu hữu hiền trợ, thành nhân thủ nghĩa, nhất đan tâm.

Dịch nghĩa:

Xót đau vì giống nòi đất nước, thương con, ngóng chồng tuôn đôi hàng lệ nóng
Trọn lẽ lo toan bán buôn tài đảm, nên người giữ nghĩa một lòng son

Những câu đối khắc tại mộ danh nhân Đoàn Triển (1854 - 1919)[sửa]

Đoàn Triển tự Doãn Thành, hiệu Mai Viên. Năm Ất Hợi 1875, Đoàn Triển làm ấm sinh tỉnh Hà Đông. Đỗ cử nhân Ân khoa Bính Tuất 1866, niên hiệu Đồng Khánh I. Năm Kỷ Sửu 1889, được bổ Tư vụ rồi Chủ sự, Viên ngoại Nha Kinh lược Bắc Kỳ. Sau đó, Đoàn Triển lần lượt đảm các chức Tri phủ Bình Giang, Kinh Môn, Nam Sách, Ninh Giang; Án sát Hà Nội; Tuần phủ Ninh Bình, Hà Nội, Hà Nam; Tuần phủ sung Tuyên phủ sứ Bắc Giang. Mộ Đoàn Triển được tạo tác khá công phu giữa khoảnh đất rộng 1.088m2. Hai cột đá khắc lõm 3 cặp câu đối:

Vấn tâm tự khả vô nghi trủng
Định luận hà tu sĩ cái quan

Tạm dịch:

Hỏi lòng không thiết vun mồ giả
Xét việc khỏi chờ đậy ván thiên
Sinh tắc đồng thất, tử tắc đồng huyệt
Sơn bất tại cao, thuỷ bất tại thâm

Tạm dịch:

Sống cùng một liếp nhà, chết cùng một huyệt mộ
Núi chẳng cốt đỉnh cao, nước chẳng cốt vực sâu
Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh
Thuỷ bất tại thâm, hữu long tắc linh

Nghĩa:

Núi dẫu chẳng cao, có tiên nên danh tiếng
Nước dẫu chẳng sâu, có rồng nên linh hiển

Những câu đối liên quan đến Tuần Phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn (1856 - 1913)[sửa]

  • Nguyễn Duy Hàn người làng Hành Thiện (huyện Giao Thủy, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Làng Động Trung (huyện Kiến Xương, Thái Bình) có nhiều người ủng hộ phong trào Cần Vương. Pháp và tay sai đã đàn áp dã man, cả biện pháp cho cày xới mồ mả tổ tiên của những người tham gia kháng chiến. Năm 1905, Nguyễn Duy Hàn khi về nhận chức tuần phủ Thái Bình, đã tới làng răn đe và ra một vế đối:
Dân Động Trung hiếu động, động hiếu vô trung
Ý nói, dân làng Động Trung thích “làm loạn”, động đến việc hiếu (bị đào mồ cuốc mả), như vậy là mất chuyện trung hiếu với bề trên.
Dân làng đối lại: Quan Hành Thiện vi hành, hành vi bất thiện
Hành Thiện là tên làng (thuộc Nam Hà), quê của Nguyễn Duy Hàn. Vế đối lại đả kích Hàn hành xử gian ác, bằng cách đảo trật tự từ (“Hành Thiện vi hành” -> “hành vi bất thiện”); tương ứng với cách đảo trật tự từ của vế ra: Động Trung hiếu động -> động hiếu vô trung.
  • Ngày 12 tháng 4 năm 1913, Việt Nam Quang phục hội phục kích trên con đường chính của tỉnh lỵ Thái Bình. Khoảng 11 giờ 30 phút, xe kéo tuần phủ Nguyễn Duy Hàn chạy qua, ông Nguyễn Văn Tráng liệng tạc đạn và giết chết viên tuần phủ. Bẩy người bị chính quyền Pháp bắt giữ rồi đưa ra trảm quyết, trong đó có hai anh em Phạm Hoàng Luân, Phạm Hoàng Triết. Các nho sĩ đương thời có câu đối viếng như sau:
Anh em ruột thịt một hùng tâm, con Lạc cháu Hồng nêu nghĩa cả
Khí tiết sáng ngời hai chí sỹ, non Thường dòng Lỗ ngát hồn thơm
  • Còn với với viên Tuần Phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn, các Nho gia cũng viết đôi câu đối phúng điếu như sau:
Hành Thiện bản lai vô ác báo (Làm thiện xưa nay không ác báo)
Thái Bình thuỳ thức hữu phong ba (Thái Bình sao lại nổi phong ba)
Tác giả câu đối đã chơi chữ rất khéo: Hành Thiện còn là quê và Thái Bình là nơi làm quan.

Tú Quỳ (1857 - 1928)[sửa]

Tú Quỳ, tên thật là Huỳnh Quỳ, người làng Giảng Hòa - Quảng Nam, 3 lần thi chỉ đỗ Tú tài nên nhân dân gọi ông là Tú Quỳ. Nhân một buổi đi thăm người bạn ở phủ Thăng (tức Thăng Bình), Tú Quỳ đi ngang qua ngôi đình làng Đồng Tranh đã xây dựng xong 4 tháng nhưng chưa khánh thành. Hỏi ra, Tú Quỳ biết làng phải chờ vế đối của một vị quan là người của làng mà vị quan này mới làm được một vế, còn vế thứ hai chưa nghĩ ra. Câu đối này làng xin vị quan đó đề khắc lên 2 trụ cột ở căn trung cho toàn thiện ngôi đình. Tú Quỳ nghe chuyện cũng lúc quá trưa, trời nắng gắt, nên tạm ngồi dưới gốc đa trước đình nghỉ mát. Bỗng có gã bán chiếu gánh một gánh chiếu nặng tiến đến gốc đa cùng nghỉ, Tú Quỳ hỏi chuyện và nhận bàn giúp gánh chiếu, Tú Quỳ đặt gánh chiếu giữa sân đình để lấy cớ gặp làng. Kết quả, Tú Quỳ giúp làng giải được vế đối và làng cùng mua gánh chiếu của anh hàng chiếu để lo lễ khánh thành.

vế ra: Văn Đồng Tranh, võ Đồng Tranh, văn võ Đồng Tranh long hổ bảng
vế đối: Quân Gia Hội, thần Gia Hội, quân thần Gia Hội phụng hoàng trì
Các vị bô lão trong làng thán phục và bày tiệc khoản đãi, thì ra anh hàng chiếu tên là Hường Hiệu, vừa từ quan ở Huế, nay vâng thánh chỉ của vua Hàm Nghi hưởng ứng phong trào Cần Vương, khi Tú Quỳ ra hỏi chuyện biết là Hường Hiệu nên mượn vế đối này để mở đầu cho việc phò Vua, chống giặc Phú Lang Sa cứu nước của ông. Hường Hiệu, tên thật là Nguyễn Duy Hiệu, sinh năm 1847, tại Quảng Nam. Đỗ cử nhân năm 1876, phó bảng năm 1879, được phong Hồng Lô Tự Khanh nên dân quen gọi là Hường Hiệu. Sau khi Hàm Nghi xuống Hịch Cần vương, ông cùng một số đồng chí lãnh đạo phong trào Cần vương ở Quảng Nam. Ông bị giặc Pháp giết vào ngày 1 - 10 - 1887.
  • Trước ngày lâm chung, Tú Quỳ làm mấy câu đối sau:
Thảo võ thiệu huy phong Kim Bảng, ba vãn tiết ngọc đường (Một nhà cỏ được dựng nên, ba đời chiếm bảng vàng rực rỡ)
Khoa danh lam thế diễn Hoàng Ân, thanh giá vạn niên hương (Ơn vua ban như hoa nở muộn, lừng danh thi phú tiếng vang xa)
Tú khí ngưỡng bằng tiên Tổ Khảo
Tài lang kỳ diễn hậu Nhi Tôn
Nối gót Lân ông dựa bảng Vàng, hai chữ thọ quan đà báu nước
Trăm tuổi Hạc bà đơm tóc Bạc, một câu trùng khánh lại vinh nhà
  • Câu đối viếng Tú Quỳ của Phạm Liệu:
Gia Học Kế Thừa Ngã Ngoại Tổ Môn Trung Túc Xưng Cao Đệ
Quốc Văn Đề Xướng Đại Súy Đường Hội Diện Hiệp Bái Tiên Huy
Nguyên cụ Tú Sáu là anh cô cậu ruột mà cũng là thầy dạy Phạm Liệu, Tú Quỳ tuy là học trò cụ Tú Sáu nhưng là lớp đàn anh học trước Phạm Liệu xa. Thành thử Phạm Liệu dùng cụm từ này như là cách xác định nơi Tú Quỳ đã thọ giáo -- thọ giáo tại nhà ngoại tổ (bên ngoại) của Phạm Liệu, vế sau Phạm Liệu đã tôn vinh Tú Quỳ là "Đại Súy Đường", một đại tướng trong làng Quốc văn.

Những câu đối liên quan đến cụ Hoàng Nho Lâm Đặng Văn Thụy (1858 - 1936)[sửa]

Đặng Văn Thụy lúc nhỏ tên là Đặng Văn Tụy, tự Mã Phong, hiệu Mộng Long, tên thường gọi trong dân gian là cụ Hoàng Nho Lâm. Ông sinh ở làng Nho Lâm, tổng Cao Xá, phủ Diễn Châu, nay là xã Diễn Thọ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Đặng Văn Thụy có vợ là Cao Thị Bích - con gái đầu lòng Đông các Đại học sĩ Cao Xuân Dục (1842-1923). Được sự khuyến khích của vợ, cũng đã có lúc ông muốn cưới thêm bà em vợ Cao Thị Hoà, bút danh Ngọc Anh (1878-1970). Ngọc Anh đã gửi anh rể bài thơ Nôm từ chối dí dỏm:

Anh Tế nhà ta khéo ỡm ờ
Phong tình quen thói lại lơ mơ
Rượu ngon uống hết không chừa cặn
Mít ngọt quen mùi đánh cả xơ
Duyên chị trước đà xe chỉ thắm
Tình em nay muốn chắp dây tơ
Cho hay quân tử là thê thế
Chị cũng ưa mà em cũng ưa

Từ đó, không thấy nói Đặng Văn Thụy muốn cưới bà vợ thiếp nào nữa.

  • Khi đương chức Tế tửu, ông đã mỉa mai vị Phụ chính đại thần Tôn Thất Hân. Lúc từ quan, ông lại châm biếm Tổng đốc Nghệ An Tôn Thất Đàn. Tuy nhiên, “một điều trái khoáy đối với ông là triều đình mà ông đã từ giã thì sau con cháu của ông học hành đỗ đạt lại trở thành quan của Chính phủ Nam triều, quan của Chính phủ Bảo hộ...” Nhân dịp mừng thọ ông 70 tuổi, đã có một đôi câu đối đả kích sâu cay:
Trên nhà cao, ông lão làm xằng. Nào rượu, nào chè, nào đàn ngọt hát hay, muôn kiếp dã man bày trước mặt
Dưới tiệc yến, những ai đó tá? Ấy huyện, ấy thừa, ấy đốc tờ ấm tử, một đàn nô lệ đứng chen vai

Điều đáng quý là ông vẫn cho dán câu đối này ngoài rạp với lời căn dặn con cháu: “Miệng thế mình làm sao mà bịt được? Thà để cho người ta đọc, suy nghĩ như thế nào do thiên hạ”.

  • Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng thì ca ngợi:
Đương niên đồng thí Đường cung, nhất khúc nghê thường, thiên thượng chúng tiên suy tuyệt xướng
Tha nhật hậu thông Chu đạo, tam trùng trữ dịch, quốc trung hoàng cẩu thiểu tư nhân

Nghĩa là:

Đường cung thuở ấy cùng thi, một khúc nghê thường, tiên nữ trên trời suy tôn tuyệt xướng
Chu đạo ngày nào thông hảo, ba tầng trạm dịch, người già trong nước ít kẻ bằng ông

Nguyễn Văn Xiển[sửa]

Xiển Bột hay Xiển Ngộ tên là Nguyễn Văn Xiển, sống ở làng Hoằng Bột, nay là xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Ông là chắt của Trạng Quỳnh, người ta gọi Xiển là Xiển Bột vì quê Xiển ở làng Hoằng Bột, ông sống bằng nghề làm thuốc. Xiển Bột nổi tiếng trong dân gian vì những câu chuyện cười dí dỏm, châm chiếm đã kích vào những thói xấu của xã hội, những quan lại, cường hào chuyên hiếp đáp dân lành. Những câu chuyện hài hước được kể lại cho thấy ông không những trừng trị bằng trí tuệ đối với các đối tượng quan lại, cường hào mà thậm chí còn hí lộng đến cả người lãnh đạo cao nhất là nhà vua.

  • Đối đáp với viên tri phủ Hoằng Hóa:

Gần tết Nguyên Đán, viên tri phủ Hoằng Hóa cùng vợ đi chợ tết. Từ phủ ra chợ Bút Sơn rất gần, nhưng vốn tính hách dịch, quan phủ bắt lính cáng ra tận cổng chợ và mang theo hai cái lọng xanh che. Hồi này, Xiển Bột hãy còn nhỏ, xong thấy cái oai rởm của quan thì ghét lắm. Xiển mang một con chó con đi chợ, cứ ôm ở trước bụng, lúc thì chen đi trước quan, lúc thì lùi lại đi sau quan. Thấy Xiển Bột mang chó, ai cũng tưởng Xiển Bột mới mua, liền hỏi: "Chó bao nhiêu?" Xiển trả lời: "Quan đấy!" Quan phủ biết thằng bé ôm chó chửi xỏ mình, cho lính bắt lại hỏi: "Ai xui mày ăn nói như thế?" Xiển đáp: "Bẩm quan, nhà con muốn nuôi một con chó con để dọn cứt cho em, nên bố mẹ con bảo con đi mua, giá của nó là 1 quan tiền." Quan hỏi: "Mày là con cái nhà ai?" Xiển trả lời "Bẩm con là chắt cụ Trạng Quỳnh ạ!" Quan nói đã là chắt cụ Trạng tất phải hay chữ, vậy ta ra vế đối, đối hay tao tha tội, dở tao đánh đòn".

Quan đọc: Roi thất phân đánh đít mẹ học trò!
Xiển Bột liền đối: Lọng bát bông che đầu cha quan lớn!
Không ngờ Xiển lại dám chửi mình một lần nữa, để chữa thẹn, quan lấy giọng bề trên mắng Xiển Bột qua loa một vài câu, rồi quát bảo lính hầu sửa soạn ra về.
  • Đối đáp với quan huyện Lê Kim Thằng:

Một hôm, nhân có lệnh của bọn chức dịnh bắt tất cả trẻ già trai gái làng Hoằng Bột phải ăn mặc chỉnh tề để đi đón quan huyện Lê Kim Thằng về làng hiểu dụ, Xiển Bột nghĩ ra ngay một kế. Xiển lẻn vào buồng ông nội lấy trộm chiếc áo thụng đỏ mặc vào, rồi đi thẳng ra đình, giả vờ chạy đi chạy lại lăng xăng ngay trước mặt quan huyện. Quan lấy làm lạ, cho lính gọi lại hỏi. Xiển Bột xưng tên họ và nói là học trò. Huyện Thằng liền mượn ngay việc ăn mặc ngộ nghĩnh của Xiển ứng khẩu đọc một câu, bắt phải đối:

vế ra: Áo đỏ quét cứt trâu
Xiển Bột đối ngay: Lọng xanh che đít ngựa
Huyện Thằng không ngờ bị một vố, tái mặt, dọa: "Thằng này láo! Ðã thế, phải đối thêm câu này nữa, không đối được, tao sẽ cho ăn đòn".
Thấy tóc Xiển đỏ hoe vì đãi nắng lâu ngày, Huyện Thằng liền ra câu đối: Học trò là học trò con, tóc đỏ như son là con học trò
Xiển không cần nghĩ ngợi lâu, đối tức khắc: Tri huyện là tri huyện Thằng, ăn nói lằng nhằng là thằng tri huyện!
Huyện Thằng tức ứa máu, nhưng vì Xiển đối rất chỉnh, không bẻ vào đâu được, đành mắng mỏ qua loa vài câu rồi đi thẳng.
  • Đối đáp với viên quan huyện hay nịnh bợ:

Có một viên quan huyện hay nịnh hót quan trên để chóng được thăng quan tiến chức. Một trong những viên quan hắn thường bợ đợ là án sát Nguyễn Văn Tiêu, tục gọi là án Tiêu. Ðể nịnh quan thầy, hắn ra lệnh cho dân hàng huyện không ai được nói đến tiếng "tiêu". Hễ ai thấy người nào trái lệnh thì được phép vả vào mồm ba cái thật đau, rồi đem trình quan trị tội. Lệnh ban ra khiến Xiển Bột rất ghét quan huyện, ông mang một ít quần áo rách mướp xin vào bái quan. Quan hỏi có việc gì, Xiển thưa là nhà nghèo quá, gia tài chỉ còn một ít quần áo rách, nhờ quan cầm hộ cho lấy ít tiền về làm vốn sinh nhai. Quan nổi trận thét mắng đùng đùng, vì xưa nay có ai dám đem quần áo rách đến bán cho quan bao giờ? Ðợi quan nguôi giận, Xiển mới nói: "Dạ thưa ngài, xin ngài thương kẻ học trò nghèo túng này, không gì cũng mang danh là người quân tử..."

Quan buột miệng nói: Quân tử cố cùng, quân tử cùng quân tử cố! (Người quân tử bền lòng lúc cùng khổ, quân tử lúc cùng, quân tử bền lòng – Luận ngữ)
Xiển Bột trần tình: Khổng Minh cầm túng, Khổng Minh túng Khổng Minh cầm (Khổng Minh bắt, Khổng Minh tha, khổng Minh bắt – Tam quốc diễn nghĩa: Khổng Minh bắt Mạnh Hoạch bảy lần lại tha)
Nghe câu nói khó hiểu, quan chau mày suy nghĩ một lúc mới biết lời mắng của mình với lời trần tình của Xiển đã làm thành đôi câu đối hay tuyệt. Câu của quan nói khó ở chữ cố, vì đây lấy nghĩa nôm là cầm cố và chữ cùng nghĩa nôm là cùng quẫn. Tài tình ở chữ cầm, lấy nghĩa nôm cầm cố như trên, chữ túng nghĩa nôm là túng tiền, vừa đối chữ vừa đối nôm. Quan phục tài Xiển Bột, thưởng cho một quan tiền, nhưng lại chọn cho cái thứ tiền chôn giấu dưới đất lâu ngày bị han rỉ hết cả. Xiển Bột đỡ lấy quan tiền, cầm một đồng dằn mạnh xuống đất, tiếng kêu nghe cành cạch, rồi nói: "Bẩm quan, tiền này không ớt được ạ!" Quan vô tình mắng: "Mày điên à! Tiền này mà không tiêu được ư?" Chỉ chờ có thế, Xiển Bột liền vả cho quan ba cái tát vào mồm như trời giáng. Quan hô lính bắt trói thì Xiển Bột nói: "Chắc ngài vẫn chưa quên cái lệnh kiêng tên húy quan án ngài mới ban ra. Tôi làm vậy cũng chỉ là thi hành cái lệnh ấy của ngài mà thôi!" Quan sợ bọn lính biết chuyện thì mình thêm xấu hổ, liền đuổi Xiển ra.
  • Câu đối tiễn quan phủ Thọ:

Quan phủ Thọ được thăng chức, sắp lên đường nhậm chức mới, nên mời Xiển Bột và một số quan bạn đến uống rượu chia tay. Trong bữa tiệc, quan phủ Thọ dương dương tự đắc khoe với mọi người, bước đường hoan lộ của mình luôn luôn được quan trên cất nhắc. Nhân lúc vui, Xiển xin phép được tặng quan một câu đối để ghi công đức ngài trong thời gian trị nhậm phủ nhà. Ý Xiển được mọi người tán thưởng. Xiển liền hắng giọng đọc ngay:

Vi phủ liêu, vi học chánh, vi đường quan chủ khảo, cách tự trung sơn
Đọc đến đây Xiển dừng lại, mọi người chờ Xiển đọc tiếp, nhưng Xiển nói vế thứ hai dành hôm quan lên đường đọc mới có ý nghĩa. Mấy ngày sau, gia đình quan phủ Thọ chuyển hết gia tài xuống thuyền. Khi thuyền sắp nhổ sào dời bến, Xiển mới tất tả chạy đến. Thấy Xiển, quan phủ Thọ vỗ vai, nói: "Ông còn nợ tôi vế đối đấy nhá!" Xiển đáp: "Dạ, bẩm quan, tôi xin trả".
Xiển hắng giọng đọc oang oang: Phi ôn hoàng, phi dịch lệ, phi thần khí ma vương, cô châu tống hải.
Xiển đọc xong, mặt quan tím như cục tiết gà. Quan vội vàng quát lính nhổ sào tếch thẳng.

Những câu đối của Đình Nguyên Hoàng Giáp Đào Nguyên Phổ (1861 - 1908)[sửa]

Đào Nguyên Phổ, tên thật là Đào Thế Cung, còn gọi là Đào Văn Mại, quê làng Thượng Phán-tổng Đồng Trực-huyện Quỳnh Côi (nay là thôn Thượng Phán, xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Năm 1898, ông đỗ Đình nguyên Hoàng giáp, được bổ chức Hàn lâm thừa chỉ. Năm 1907, ông tham gia sáng lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Sau vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Thành bị thất bại, Đào Nguyên Phổ bị người Pháp truy lùng ráo riết. Ông phải tự sát vào năm 1908 để khỏi bị Pháp bắt.

  • Câu đối viết tặng Quảng Nam Tứ Hổ:

Đầu thế kỷ XX ở xứ Quảng Nam xuất hiện 4 danh sĩ gọi là "Quảng Nam Tứ Hổ", bao gồm: Trần Quý Cáp (1870 - 1908), Phạm Liệu (1872 - 1937), Phan Chu Trinh (1872 - 1926) và Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947). Ở kỳ thi Hội, Huỳnh Thúc Kháng đỗ đầu, Trần Quý Cáp đỗ thứ hai, gạt Đặng Văn Thụy xuống thứ ba. Thi Đình thì Đặng Văn Thuỵ vượt lên thứ nhất, Trần Quý Cáp thứ nhì, Huỳnh Thúc Kháng xuống thứ ba. Do chuyện buồn cười này mà Đào Nguyên Phổ đã làm câu đối mừng:

Tố Tiến sĩ vi dị, tổ cử nhân vi nan, ức ức dương dương, vô phi tạo vật (Đỗ Tiến sĩ thì dễ, đỗ cử nhân thì gay, ném xuống, tung lên, không qua trời định)
Áp Huỳnh Thúc ư Đình, áp Đặng Văn ư Hội, vinh vinh, quý quý, hà tất khôi nguyên (Lấn Huỳnh Thúc ở Đình, lấn Đặng Văn ở Hội, vinh này, quý ấy, chẳng cử đỗ đầu)
  • Câu đối dán ngoài cổng trường Đông Kinh Nghĩa Thục:
Lấy quốc ngữ làm chuông cảnh tỉnh, khua vang ngõ hẹp hang cùng
Đem báo chương thay đuốc văn minh, soi rạng miền Nam cõi Bắc

Những câu đối của Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc (1862 - 1929)[sửa]

Ông Nguyễn Sinh Sắc, người làng Sen (nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Năm 1901, ông đỗ Phó bảng. Năm 1906, ông nhận chức Hành tẩu bộ Lễ; song ông thường nói: “Quan trường thị nô lệ trung, chi nô lệ, hựu nô lệ” và răn dạy các con: “Dĩ vật quan gia di ngô phong dạng” (chớ lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình). Ông vào Phan Thiết tháng 3/1911, rồi đến Sài Gòn. Năm 1917, ông về Cao Lãnh. Cuối tháng 11/1929, ông lâm trọng bệnh và qua đời.

  • Câu đối tế sống Tôn Sư Phạm Văn Thuấn:

Năm 1901, Nguyễn Sinh Sắc đậu phó bảng. Sau khi đỗ đạt vinh quy bái tổ, ông có đến thăm thầy dạy học là Phạm Văn Thuấn ở làng Vạn Lộc, huyện Nghi Lộc và tặng thầy đôi câu đối:

Đương vi tất vi lệnh danh dĩ di phụ mẫu (việc nên làm phải làm, nêu tên tốt để vui lòng cha mẹ)
Tích thiện phùng thiện, phúc hựu khán nhi tôn (tích thiện thì gặp điều thiện, có phúc đức thấy ở chỗ con cháu)
Cụ Đồ Thuấn hết sức cảm động, vội đỡ ông Sắc dậy, tỏ vẻ vui mừng trước tấm lòng hiếu nghĩa của cha con vị tân Phó Bảng.
  • Câu đối viết tặng chùa Hội Khánh ở Thủ Dầu Một - Bình Dương:
Đại đạo quãng khai thố giác khiêu đàm để nguyệt (Mở rộng đạo lớn như sừng thỏ như mò trăng đáy nước)
Thiền môn giáo dưỡng quy mao thằng thụ đầu phong (Nuôi dưỡng mái chùa như lông rùa như cột gió đầu cây)

Những câu đối liên quan đến Tuần Phủ Ninh Bình Từ Đạm (1862 - 1936)[sửa]

Từ Đạm hiệu là Cúc Nhân, sinh tại xã Khê Hồi, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là xã Hà Hồi, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội). Ông là con Cử nhân Từ Tế, và là anh Phó bảng Từ Thiệp. Năm Giáp Ngọ (1894) đời vua Thành Thái, Từ Đạm thi đỗ Cử nhân, năm sau (1895) thi đỗ Tiến sĩ. Sau khi thi đỗ được bổ chức quan, lần thăng đến Tuần phủ tỉnh Ninh Bình, hàm Hiệp tá Đại học sĩ. Năm Bính Tý (1936) đời vua Bảo Đại, ông mất, thọ 74 tuổi. Sau khi Thế chiến 1914-1918 chấm dứt, Pháp thắng Đức. Triều đình Huế làm lễ mừng thọ ngũ tuần cho mẹ vua Khải Định, cùng lúc công sứ (chủ tỉnh) Ninh Bình ra lệnh mỗi xã góp ba chục (30) đồng để mua cờ Pháp (tam sắc). Đồng bạc lúc ấy lớn lắm. Tiệc hay cờ gì, dân cũng phải chịu. Bấy giờ Tuần Phủ Ninh Bình Từ Đạm có đưa một vế xuất:

vế ra: Tiệc thọ năm mươi mừng mẹ nước (Từ Đạm)
Lập tức ngày hôm sau trên báo chí đăng tải nhiều câu đối lại, trong đó có 2 câu hay nhất như sau:
vế đối 1: Túi tham nghìn vạn chết cha dân (Tản Đà)
vế đối 2: Bạc thuồn chục một chết cha dân (khuyết danh)
  • Nhân một cuộc đi chơi núi Dục Thúy nhân dịp tết Trùng Cửu, Từ Đạm có ra vế đối như sau:
vế ra: Cuối thu ngày chín lên chơi núi
Thấy vế thách đối có ý nghĩa tầm thường quá, ngay hôm sau trên báo chí đăng tin có nhiều người đối lại, nhưng nhằm đùa cợt châm biếm văn tài của y hơn là dự thi. Trong đó có 3 câu nổi bật hơn cả như sau:
vế đối 1: Đầu vú cô ba có sữa non (khuyết danh)
vế đối 2: Giờ tí canh ba xuống nhảy đầm (Tản Đà)
vế đối 3: Đầu trống canh năm, gọi thủng đồi (khuyết danh - Thủng Đồi nói lại lại là Đổi Thùng, đó là đổi thùng phân của các công nhân vệ sinh lúc sáng ở thành phố. Bấy giờ do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, ở các thành phố và thị xã cứ vào khoảng gần sáng là sở hoặc ty vệ sinh cho người đến từng nhà gọi cửa đổi thùng phân. Lấy cái ý đó mà đối lại cái sở thích của quan Tuần phủ họ Từ thì kể cũng mỉa mai)
  • Ðôi câu đối mượn tiếng truyện Kiều để chửi Từ Ðạm (khuyết danh):
Kiếp trước mơ màng con đĩ Ðạm (đây nói về Đạm Tiên)
Ðời sau gặp gỡ bố cu Từ (đây nói về Từ Hải)

Câu đối liên quan đến vị anh hùng dân tộc Nguyễn Tiểu La (1863 - 1911)[sửa]

Nguyễn Tiểu La tên thật là Nguyễn Thành, còn có tên là Nguyễn Hàm, tự là Triết Phu, hiệu là Nam Thạnh, nên thường được người đời quen gọi là Tiểu La Nguyễn Thành, hay Tiểu La Thành. Ngoài ra, ông còn được gọi là Ấm Hàm. Ông sinh tại làng Thạnh Mỹ, phủ Thăng Bình (nay là thôn Quý Thạnh, xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Năm 1885, ông chiêu mộ một cánh quân, hiệp cùng Phong trào Nghĩa Hội đánh thành tỉnh Quảng Nam. Năm 1908, cuộc kháng thuế ở Trung Kỳ đã nổ ra. Chính quyền Pháp thẳng tay đàn áp và truy bắt các sĩ phu yêu nước, Nguyễn Thành bị bắt giữ và bị kết án 9 năm biệt xứ, đày đi Côn Đảo. Ông qua đời tại đây, một đồng chí và là bạn tù của ông là Nguyễn Đình Kiên (?-1942), người Hương Sơn (Hà Tĩnh), có làm câu đối điếu:

Quân hầu kỳ Hoành Sơn nam chi hào dư, tiền Cần vương sự, hậu ứng nghĩa trào, trấp tải kinh doanh, điệp điệp cương trường lưu phiến mặc
Ngô bối vị Hồng Lạc tổ giả tử nhĩ, hoành hữu bát hoang, tung hữu thiên cổ, đương niên tâm sự, ngao ngao dư luận phó giang vân

Huỳnh Thúc Kháng dịch:

Quân hầu rõ bực hào phía Nam núi Hoành Sơn chăng? Cần vương lớp trước, Tân đảng lớp sau, nửa kiếp kinh doanh, khảng khái tâm thành ghi nét mực!
Chúng ta chết vì để báo đền cho tổ Hồng Lạc đấy! Tám cõi bề ngang, nghìn xưa bề dọc, một bầu tâm sự, xôn xao miệng thế phó chòm mây!

Những câu đối liên quan đến Phó Bảng Đào Phan Duân (1864 - 1947)[sửa]

Đào Phan Duân hiệu là Biểu Xuyên, sinh tại làng Biểu Chánh, huyện Tuy Phước, đậu cử nhân khoa Giáp Ngọ (1894) tại trường thi Bình Định, liền năm sau đi thi Hội khoa Ất Mùi (1895) tức năm Thành Thái thứ 7 đậu Phó bảng (lúc 31 tuổi). Vì vậy sau khi đậu Phó bảng ông bạn đồng niên là Nguyễn Lượng mừng câu đối:

Hương khoa thập bát nhân, đoạt giáp tranh khôi hoà ngã tích
Hội thi thập ngũ cử, khai lai kế văn khánh quân tiên

Nghĩa là:

Khoa thi Hương gồm 18 người anh và tôi ngày ấy quyết tranh tài
Khoa thi Hội gồm 15 vị cử nhân mừng cho anh là người đi trước tôi, anh đã nối nghiệp lớp tiền bối, mở đường cho lớp hậu sinh (của quê mình)

Do vì ở Bình Định có đến hai ông đại khoa họ Đào và đều là hai con người đáng kính cho nên dân địa phương trong đời thường có cách xưng hô: cụ Đào Biểu Chánh, tức Đào Phan Duân, nhằm phân biệt với cụ Đào Vinh Thạnh tức Đào Tấn.

  • Câu đối điếu tang Tú Tài Trần Trọng Giải năm 1946:
Cộng hoà chính sách, dân chủ mang vạn sự khôi trương, văn hưu võ chánh đương quyền, cựu học hoang lương, trùng niệm tư văn thương kết cuộc
Độc lập cơ nghi, ngô sài hữu nhất phần trách nhiệm, ngã lão quân thiên cửu bệnh, giả phiên ủng hộ, không giao nghĩa vụ phó đồng nhân

Nghĩa là:

Chính sách cứu nước cộng hoà, chế độ dân chủ đang bận rộn khôi phục và khẩn trương muôn vàn công việc, văn rút lui, võ đang lúc phải cầm quyền, cái học cũ trong cảnh đìu hiu, gẫm mà thương cho kết cuộc của cái học ấy
Cơ ngơi của nền độc lập, bọn ta có một phần trách nhiệm, tôi đã già còn ông thì đau ốm mãi, khiến cho sự ủng hộ phen này (đối với chỉnh thể mới) đành phó thác cái nghĩa vụ của chúng ta cho mọi người!

Câu đối trên cũng là lời trăn trối, lời bàn giao thế hệ, Đào đại nhân trút cạn bầu nhiệt huyết của mình đối với chính thể mới, đối với cuộc Cách mạng tháng Tám thuở ban đầu.

Những câu đối của Thám Hoa Vũ Phạm Hàm (1864 - 1906)[sửa]

Vũ Phạm Hàm tự là Mộng Hải và Mộng Hồ, hiệu Thư Trì người xã Đôn Thư, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Nội. Năm Thành Thái 4 (1892), thi Hội đồ Hội nguyên, thi Đình, ông đỗ Đình nguyên Thám Hoa lúc 29 tuổi. Ông làm quan trải thăng từ chức Giáo thụ phủ Kiến Thụy rồi Đốc học các tỉnh Hà Đông, Ninh Bình, Hà Nội; rồi Án sát sứ tỉnh Sơn Tây. Qua một số môn sinh ở Kiến Thụy, Tiên Lãng cũng như câu đối của ông đề ở đền Trung Liệt, Hà Nội thờ các anh hùng hy sinh vì nước thấy ông giữ trọn nghĩa khí:

Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần dư xích địa
Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự cộng thanh thiên

Dịch nghĩa:

Kia thành quách, kia non sông trăm trận phong trần còn thước đất
Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh

Tương truyền Phạm Vũ Hàm vốn là là ông Thần ở Chằm Sen đầu thai chuyển thế. Là con nhà nghèo, nhưng ngay từ nhỏ, ông rất thông minh sáng dạ và học rất giỏi; thi đỗ làm quan, nhưng rất thanh liêm và rất thương dân; Ông có tài văn chương, đã để lại nhiều bài văn, bài thơ và câu đối tuyệt bút. Đặc biệt ông có để lại đôi câu đối ở nhà thờ họ Phạm tại làng Đôn Thư xã Kim Thư huyện Thanh Oai thành phố Hà Nội, câu đối này ông viết riêng kính tặng thầy dạy học của mình như sau:

Ngã Tổ đắc liên đàm chi chung linh, năng vũ năng văn, thượng hữu phong thanh thụ ấp lý
Gia từ thị Ất chi sở phụng tự, tận chí tận vật, mỗi phùng sương lộ túc xuân thu

Những câu đối của Y Gia Nguyễn An Cư (1864 - 1949)[sửa]

Nguyễn An Cư (chú của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh) là thầy thuốc đông y ở Hóc Môn. Nguyên quán của ông ở tỉnh Bình Định, sau vào cư ngụ ở Mỹ Hòa, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh). Cha là Nguyễn An Nghi là người có tâm và yêu nước nhưng bị thất bại. Tổ tiên gốc ở Hưng Yên, họ Đoàn, do chống lại chúa Trịnh nên phải trốn chúa Trịnh vào định cư ở Bình Định và đổi thành họ Nguyễn. Ông Nghi lưu tán vào Nam, lấy vợ là bà Dương Thị Tiền, quê ở Phước Quảng và sinh cơ lập nghiệp tại đây.

  • Câu đối ở của hiệu thuốc:
Đau tiếc thân, lành tiếc của, thói ở bạc đã quen
Mất lòng trước, được lòng sau, ai có tiền thì hốt (hốt thuốc)
  • Câu đối viết khi đi thi hỏng:
Nghển cổ cò trông bảng không tên: Giời đất hỡi, văn chương xuống bể!
Lủi đầu cuốc về nhà gọi vợ: Mẹ đĩ ơi, tiền gạo lên giời!
Câu đối tả cảnh xem bảng kết quả thi, thấy không đỗ, cắm cổ về nhà của thí sinh ngày trước. “Cuốc” (đi một cách cắm cúi) cùng âm với “cuốc” (chim cuốc). “Lủi đầu cuốc” có thể hiểu “cắm đầu cắm cổ cuốc bộ về nhà”, đồng thời, cũng có thể hiểu tương đương với thành ngữ “lủi như cuốc” (tả hành động đi nhanh về nhà, không nhìn một ai)

Những câu đối của Như Ý Bạch Sĩ Trần Cao Vân (1866 - 1916)[sửa]

  • Trần Cao Vân người làng Tư Phú, phủ Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam, Lúc nhỏ có tên Trần Công Thọ, đi thi lấy tên Trần Cao Đệ, qui y lấy pháp danh Như ý, biệt hiệu Hồng Việt, Chánh Minh, Bạch Sĩ, khi hoạt động chống Pháp mới đổi tên thành Trần Cao Vân. Năm 1886, ông vào tu tại chùa Cổ Lâm, rồi mở trường dạy học nhằm chiêu tập chiến hữu. Năm 1892, ông mở rộng địa bàn hoạt động vào Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Năm 1898, ông bị bắt giam, đến 1914 mới được phóng thích. Tương truyền, năm mười ba tuổi, ông theo học một trường ở ngay làng. Thầy đồ dạy học rất cần mẫn, tối nào thầy cũng dạy thêm cho các trò tập đặt đối làm bài. Một hôm nhằm giữa bữa sáng trăng các trò đều đến đông đủ. Lúc vào học, ngay ở giữa trường có một cái đèn treo. Nhân đấy thầy đồ ra câu đối như sau:
vế ra: Ðèn treo giọi sáng bốn phương nhà
Trong đám học trò, Cao Vân bấy giờ là nhỏ tuổi nhất, đã lanh trí đứng lên đối lại rằng: Trăng tỏ chiếu soi muôn cụm núi
Thầy đồ khen câu đối ấy là xuất sắc; tuy lời lẽ giản dị không có gì, nhưng là câu ứng khẩu tự nhiên mà lại bao hàm một ý chí to lớn ở bên trong
  • Lại một lần nữa, Cao Vân đến nghe giảng sách ở nhà một ông cử nọ. Buổi giảng vừa xong, có người láng giềng đem biếu bà cử một mớ hành hương để làm giống. Sau khi người láng giềng về rồi bà cử bảo: "Hành này còn non mà đã tàn sớm thế này e giống không mạnh". Giọng miền Nam Trung bộ phát âm "tàn" ra "tàng", âm "không" ra "khổng". Ông cử nghe câu nói của vợ, thấy có ngụ ý vô tình mà độc đáo, bèn lấy đấy để ra đối cho học trò.
Ông đọc: Hành tàng giống Khổng Mạnh (Nghĩa là: Kẻ sĩ phải làm y như Khổng Mạnh, Mạnh Tử, đã dạy, lúc gặp thời thì nên hành động, lúc không gặp thời thì cần thoát tàng, phải ẩn náu mình đi)
Trong lúc học trò còn đang suy nghĩ, thì Trần Cao Vân đã ứng khẩu đối ngay: Cải hoá con càn khôn (Nghĩa là: Làm người đứng trong vũ trụ, xứng đáng là con của vũ trụ, con của càn khôn, thì phải được cải hoá, phải được giáo dục, rèn luyện, để ngày càng tiến bộ hơn. Câu này lại còn có nghĩa thứ hai, là giống rau cải càng để già chừng nào thì sau khi gieo vãi, con cải mọc lên càng khoẻ. (Giọng miền Nam Trung bộ, âm "càn" đọc cũng giống như "càng")
Tất cả mọi người đều chịu phục vế đối này. Không những đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về nghệ thuật đối với vế ra, mà nó còn bao hàm một tinh thần tích cực hơn hẳn tinh thần thụ động của vế ra.
  • Khi thấy cảnh đất nước điêu tàn, tang thương do thực dân Pháp gây ra, Trần Cao Vân đã than rằng:
Ước gì gọi được ngài Hưng Đạo
Cùng lập công to thuở Bạch Đằng
  • Lúc Trần Cao Vân mới ở Côn đảo về được vài năm, nghe tiếng Vua Duy Tân có khí tiết, ông liền tìm cách liên lạc để tuyên truyền. Lúc đầu, Trần Cao Vân liên lạc với một viên đội thị vệ là Nguyễn Quang Siêu, nhờ đó mà ông biết được Vua Duy Tân thường ra chơi hồ Tĩnh Tâm. Trần Cao Vân bèn giả dạng một người câu ếch, lân la đến gần, và đọc những vần thơ cảm khái, lâm ly để khích động lòng yêu nước của Nhà Vua. Ban đầu, vua tôi đàm luận với nhau về thơ văn, rồi dần dần bàn đến thời thế, đến khả năng một cuộc khởi nghĩa chống Pháp cứu nước. Trần Cao Vân muốn nhờ Vua dò xem ý tứ của Nguyễn Hữu Bài là viên quan thượng thư có thế lực lúc bấy giờ. Muốn công việc khỏi bị bại lộ, Trần Cao Vân đọc cho vua một vế đối thác lời Vua để thử Bài.
Vế đối rằng: Ngồi trên nước khôn toan việc nước, trót buông câu sở dĩ phải lần
Vua y lời, mời Nguyễn Hữu Bài vào cung thăm hỏi, cuối cùng vua đọc vế đối mà vua nói là chưa nghĩ ra được vế thứ hai và đề nghị Bài nghĩ giúp. Thấy vua có giọng cảm khái như vậy, Bài đối lại rằng:
Ngẫm sự đời mà ngán cho đời, liều nhắm mắt tới đâu hay đó
Trần Cao Vân nghe Vua truyền lại vế đối của Nguyễn Hữu Bài, biết là không thể trông mong gì về phía đó nữa.

Câu đối khắc tại mộ ông Nghè Trương Gia Mô (1866 - 1929)[sửa]

Trương Gia Mô hiệu là Cúc Nông, biệt hiệu Hoài Huyền Tử, tự là Sư Thánh sau đổi lại Sư Quản, sinh tại làng Tân Hào, chợ Hương Điểm, tỉnh Bến Tre. Trương Gia Mô nhận chức quan vào năm 1892, đến khi dâng bản điều trần 5 điểm cho Phụ Chánh đại thần Nguyễn Trọng Hợp không được để ý. Cúc Nông thất chí, từ quan về dạy học, vào cuối năm 1894. Năm 1908, Trương Gia Mô về sống ở Duồng (Phan Rí cửa). Trước khi qua đời, Cúc Nông tiên sinh có dặn dò đem tất cả sách vở, tác phẩm bằng chữ Hán chôn hết đi. Hiện trên mộ Trương Gia Mô có khắc câu đối:

“Hán học hà niên phục
Dư biên thử nhật tàng”

Tạm dịch:

“Chừng nào chữ Hán mới phục hồi
Bây giờ chôn hết sách đi thôi”

Những câu đối đến Ông Nghè Trâu Lỗ Nguyễn Đình Tuân[sửa]

Nguyễn Đình Tuân, hiệu là Hữu Mai sinh năm Đinh Mão (1867) tại làng Trâu Lỗ, tổng Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Ninh- nay là làng Trâu Lỗ xã Mai Đình huyện Hiệp Hoà tỉnh Bắc Giang. Cha là cụ Tú Khiêm, tuy gia cảnh thanh bần nhưng bao giờ cũng lấy Thi - Thư để răn dạy và hướng cho con cháu theo nghiệp khoa cử. Ý nguyện ấy được thể hiện rất sâu sắc và được khắc ghi trong những đôi câu đối vẫn treo ở nhà thờ:

“Học đắc tối chân thiên thượng sách
Thư lưu bất tận hậu thiên tài”
Có thể hiểu ý thơ của tiền nhân họ Nguyễn là: con người ta cái quý giá nhất là được ăn học và đó cũng là kế thượng sách mà trời ban cho. Người theo đạo học phải thấy được sách là tài sản quý vô cùng thì sau mới trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Hơn hai mươi năm theo đòi nghiên bút để rồi hơn hai mươi năm dấn thân vào chốn quan trường nhưng ông chẳng tìm được niềm vui mà coi nó chỉ là “bể hoạn”. Trở về quê hương được chuyên tâm với nghề dạy học rồi tìm đến bằng hữu đàm đạo văn chương thế sự là cái thú của nhà Nho và cũng là ước nguyện da diết mà cả đời ông theo đuổi. Một ông thày địa lý người Trung Hoa hay chữ qua đây cũng đã để lại những câu đối có thể gọi là tuyệt bút, nét chữ tài hoa mà ý tứ thật là uyên bác vô cùng:

“Vấn lai dĩ sự tu vi sử
Tế nhận như đồ dục mệnh thi”

Nghĩa là:

Hỏi việc việc đã qua nên đọc sách
Thấy cảnh như vẽ muốn đề thơ

Và:

“Nhân chi sơ mạc bất bản hồ tổ
Hậu hữu kế ân dĩ quang phù tiền”

Nghĩa là:

Người ta ra đời ai chẳng quý ở cái gốc tiên tổ
Cháu con kế ân đức làm sáng công đức cha ông

Hoặc:

“Sư môn trạch bạc uyên nguyên tại
Đức thụ căn thâm vân lộ nùng”

Nghĩa là:

Học vấn cửa nhà thầy uyên bác
Cây đức rễ sâu mưa thấm nhiều

Những câu đối của Hoàng Giáp Nguyễn Thượng Hiền (1868 - 1925)[sửa]

Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền, tự Đỉnh Thần, hiệu Mai Sơn, quê làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội. Năm 1892, ông thi Ðình và đỗ Hoàng Giáp, được bổ làm Toản Tu ở Quốc Sử quán, rồi thăng Ðốc học ở Ninh Bình, Nam Ðịnh. Năm 1898, Nguyễn Thượng Hiền đã quyết chí “Ðông du” nhưng vì phụ thân bệnh nặng nên ông đành ở lại nhận nhiệm vụ vận động cách mạng trong nước. Năm 1907, ông sang Trung Quốc cùng hoạt động với Phan Bội Châu trong Duy Tân Hội rồi Việt Nam Quang Phục Hội. Ông mất tại Hàng Châu, Trung Quốc (28-12-1925).

  • Những câu đối tự thuật:
Tảo dục vi mai, vãn vi cúc (Sớm thì muốn làm hoa mai, muộn làm hoa cúc)
Động đương như thủy, tĩnh như sơn (Khi động nên (linh hoạt) như nước, khi tĩnh nên (yên định) như núi)
一車陌上潘安果 Nhất xa mạch thượng Phan An quả (Một cỗ xe trên đường nhận đầy quả như Phan An). Phan An: tức Phan Nhạc, tự An Nhân, người đời Tấn vốn người hào hoa, thuở trẻ thường ôm đàn đến Lạc Dương, các cô gái thường vây quanh tung những quả cây vào người chàng.
三載墙東宋玉花 Tam tải tường đông Tống Ngọc hoa (Ba năm ở tường đông nhận đầy hoa như Tống Ngọc). Tống Ngọc: Người nước Sở thời Chiến Quốc, là học trò của Khuất Nguyên. Thương thày bị ruồng bỏ đã viết tác phẩm Cửu biện để tỏ rõ chí mình, quý trọng nghĩa khí của ông nhiều người mang hoa đến tặng.
  • Câu đối tặng nhà sư chùa Hương Tích:
千山到眼青如洗 Thiên sơn đáo nhãn thanh như tẩy (Mắt nhìn nghìn núi xanh như rửa)
一水澄心白欲無 Nhất thuỷ trừng tâm bạch dục vô (Lòng trong nước suối sạch bùn nhơ)
  • Câu đối tặng Tá Lý Phan Huy Dũng
當花判事香生筆 Đương hoa phán sự hương sinh bút (Xét việc như hoa thơm ngọn bút)
引月留賓玉滿壺 Dẫn nguyệt lưu tân ngọc mãn hồ (Mời trăng giữ khách ngọc đầy bầu)
  • Câu đối tặng Nội Các Trương Trọng Hữu:
四海皆傳紅杏句 Tứ hải giai truyền hồng hạnh cú (Bốn biển lan truyền lời tốt đẹp)
一生多傍紫微居 Nhất sinh đa bạng tử vi cư (Một đời những dựa chốn cung vi)
  • Câu đối tặng Hải Dương Trần Sinh:
邀客南窗角易五月 Yêu khách nam song trường ngũ nguyệt (Tháng năm mời khách rượu nam song)
結蘆東海夢三山 Kết lư đông hải mộng tam sơn (Nhà cỏ biển đông mộng đỗ )
  • Câu đối đề ở nhà sách chốn Kinh Kỳ:
忽憶青山歸夢遠 Hốt ức thanh sơn quy mộng viễn (Bỗng nhớ lui về với núi xanh, giấc mơ ấy xa vời)
獨於塵世小声多 Độc ư trần thế tiểu thanh đa (Riêng cõi trần này nhiều tiếng cười quá)
  • Câu đối đề ở ngôi nhà nhỏ:
夢起樓薹花作雨 Mộng khởi lâu đài hoa tác vũ (Tỉnh dậy lâu đài hoa làm cơn mưa)
醉餘林壑月如霜 Tuý dư lâm hác nguyệt như sương (Say khướt núi rừng trăng mờ như sương)
  • Câu đối đề ở Đông Sảnh Bộ Hình:
春風不怒千花笑 Xuân phong bất nộ thiên hoa tiếu (Gió xuân chẳng giận nghìn hoa hé)
秋水無心四海平 Thu thủy vô tâm tứ hải bình (Thu thủy vô tâm bốn biển bình)
  • Câu đối viếng ông Hiệp Biện Đại Học Sĩ Trần Đình Túc (1818-1899):

Trần Đình Túc quê làng Hà Trung xã Gio Châu huyện Gio Linh tỉnh Quảng Trị, quan đại thần thời vua Tự Đức nhà Nguyễn, từng giữ các chức Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội, Ninh Bình), Hiệp biện Đại học sĩ. Trần Đình Túc là một trong những đại thần chủ chốt trong việc nghị hòa với người Pháp, khi Pháp xâm lược Việt Nam, ông giữ vai trò Chánh sứ trong việc thương thuyết ký kết Hoà ước Quý Mùi (Hiệp ước Harmand) (1883) với Pháp, thừa nhận Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp, đồng thời chấp nhận nền bảo hộ của Pháp ở Bắc kỳ và Trung kỳ, chính thức chấm dứt nền độc lập của Đại Nam.

松菊猶留高士詠 Tùng cúc do lưu cao sĩ vịnh (Tùng cúc còn lưu thơ vịnh bậc cao sĩ)
江山不改老臣思 Giang sơn bất cải lão thần tư (Lòng vị lão thần không đổi thay với non sông)
  • Những câu đối viết ở Tịnh Thất:
千樹碧雲情入畫 Thiên thụ bích vân tình nhập họa (Mây biếc nghìn cây, hòa bức họa)
一簾紅雨曉催詩 Nhất liêm hồng vũ hiểu thôi thi (Mưa hồng rèm cửa, sáng làm thơ)
聽鳥夢回修竹外 Thính điểu mộng hồi tu trúc ngoại (Nghe chim hót, mộng về ngoài khóm trúc)
焚香心在古書中 Phần hương tâm tại cổ thư trung (Đốt hương tâm tưởng ở trong sách cổ)
  • Những câu đối đề ở căn phòng trên núi:
皓月梅花香古屋 Hạo nguyệt mai hoa hương cổ ốc (Hoa mai dưới trăng sáng nhớ mùi hương nhà cũ)
夕陽秋影淡孤山 Lịch dương thu ảnh đạm cô sơn (Bóng thu trong ánh chiều màu ngọc cô sơn nhàn nhạt)
千壑樹声樵子雨 Thiên hác thụ thanh tiều tử vũ (Tiếng cây vang nghìn hang động, đó là cơn mưa của người hái củi)
一山花氣酒人風 Nhất sơn hoa khí tửu nhân phong (Khí sắc hoa trên núi, gió đưa mùi rượu của người (dân bản)
瀆罷南花心似水 Độc bãi Nam Hoa tâm tự thuỷ (Đọc hết bộ Nam Hoa kinh lòng trong tựa nước)
夢來東海氣為雲 Mộng lai Đông Hải khí vi vân (Mộng về Đông Hải hơi nước thành mây)
  • Những câu đối đề ở nhà trên núi:
十里江花双燕影 Thập lý giang hoa song yến ảnh (Mười dặm sông hoa đôi bóng én)
四更山月萬松声 Tứ canh sơn nguyệt vạn tùng thanh (Canh tư trăng núi vạn thông reo)
此心不住同明月 Thử tâm bất trụ đồng minh nguyệt (Lòng này chẳng ở cùng trăng sáng)
滿眼相宜有菊花 Mãn nhãn tương nghi hữu cúc hoa (Tràn mắt ta say có cúc hoa)
湖山卜隱梅花國 Hồ sơn bốc ẩn mai hoa quốc (Chọn chỗ ở ẩn nơi núi non sông hồ vùng có hoa mai)
風雨懷人菊酒天 Phong vũ hoài nhân cúc tửu hoa (Nhớ người sương gió trở về ủ rượu đúng mùa cúc nở)
  • Những câu đối đề ở tăng xá:
至今始覺禪理妙 Chí kim thủy giác thiền lý diệu (Đến nay mới hiểu lý luận thiền học là kỳ diệu)
於此能令詩夢清 Ư thử năng linh thi mộng thanh (Nơi đây có thể làm cho thơ và mộng đều trong sáng)
青山初地傳三昧 Thanh sơn sơ địa truyền tam muội (Nơi truyền bá tam muội thuở đầu là chốn núi xanh). Tam muội: thuật ngữ nhà Phật: lấy sự yên tĩnh, xa lánh tà loạn làm cứu cánh, tìm thoát khỏi mọi ràng buộc của xã hội
白社尊風净六塵 Bạch xã tôn phong tịnh lục trần (Phong cách tôn nghiêm của Bạch xã(4) làm trong sạch lục trần). Bạch xã: tức Bạch Liên xã, chỉ nhóm tu hành của pháp sư Huệ Viễn đời Tấn, tu hành tại chùa Đông Lâm trên núi Lư Sơn. Chùa có trồng sen trắng. Lục trần hay lục căn: thuật ngữ nhà Phật chỉ: nhãn (mắt); nhĩ (tai); tỵ (mũi); thiệt (lưỡi); thân (mình); ý (ý kiến, ý muốn). Đây là gốc rễ bản năng của con người
  • Những câu đối đề ở nhà sách:
荷風滿搨瀆佳史 Hà phong mãn tháp độc giai sử (Đọc sử hay như có mùi hương đầy giường chiếu)
竹月當窗來可人 Trúc nguyệt đương song lai khả nhân (Người tốt đến, đó là trăng đưa bóng trúc tới bên song)
玉芝出世千年瑞 Ngọc chi xuất thế thiên niên thụy (Nấm ngọc chi ra đời là dấu hiệu nghìn năm tốt lành)
仙鶴橫秋萬里心 Tiên hạc hoành thu vạn lý tâm (Hạc tiên bay ngang mùa thu giục giã lòng muôn dặm)
  • Những câu đối đề ở biệt thự riêng tại Hạc Châu:

Hạc Châu là tên làng thuộc phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Khi Nguyễn Thượng Hiền làm Đốc học Nam Định có làm một ngôi nhà nhỏ ở đây.

去山不遠多珠草 Khứ sơn bất viễn đa châu thảo (Tới núi không xa nhiều cỏ quý)
與月同來有可人 Dữ nguyệt đồng lai hữu khả nhân (Theo trăng cùng đến có người thân)
帶花晓吸晴江水 Đới hoa hiểu hấp tình giang thuỷ (Múc nước sông trong tưới hoa từ sáng sớm)
隔竹春咱小院鶯 Cách trúc xuân thinh tiểu viện oanh (Cách khóm trúc nghe tiếng xuân qua chim oanh nơi viện nhỏ)
  • Câu đối đề ở hòn Non Bộ:
要填滄海無窮恨 Yếu điền thương hải vô cùng hận (Uất hận đến vô cùng cần lấp biển)
且補乾坤有限春 Thả bổ kiền khôn hữu hạn xuân (Thanh xuân thời có hạn, đất trời bù)
  • Câu đối mừng thọ ông Tạ Quang Lộc tuổi 80:
青山白髮熙朝隱 Thanh sơn bạch phát hy triều ẩn (Núi xanh đầu bạc ẩn đời thịnh)
瑞桂芳蘭陸地仙 Thụy quế phương lan lục địa tiên (Quế ngọt lan thơm tiên cõi trần)
  • Câu đối đề tại hành dinh khi làm quan ở trong kinh:
吟成直欲凌風去 Ngâm thành trực dục lăng phong khứ (Thơ đã thành muốn xông thẳng vào gió bay đi)
遊罷何當載月歸 Du bãi hà đương tải nguyệt quy (Cuộc chơi qua rồi sao còn muốn chở trăng về)
曉露啼鶯双阙樹 Hiểu lộ đề oanh song khuyết thụ (Rặng cây hai bên cửa khuyết chim oanh hót trong sương sớm)
春風歸馬二橋花 Xuân phong quy mã nhị kiều hoa (Hoa hai bên cầu, ngựa trở về là lúc gió xuân nổi)
  • Câu đối đề ở nhà quan của bạn:
高齋讀史心如鏡 Cao trai độc sử tâm như kính (Hiên vắng đọc sách lòng như gương sáng)
清宦栽花日似年 Thanh hoạn tài hoa nhật tự niên (Quan thanh trồng hoa đẹp ngày tựa năm)
  • Câu đối đề ở phòng sách thành Thăng Long:
落陽標致花當户 Lạc Dương tiêu trí hoa đương hộ (Cảnh trí tiêu biểu thành Lạc Dương là nhà nào cũng có hoa) Lạc Dương là thành phố nay thuộc tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) từng là nơi đóng đô của nhiều triều đại phong kiến Trung Hoa.
江左風流燕上堂 Giang Tả phong lưu yến thượng đường (Có bậc phong lưu ở Giang Tả(10) thì chim yến làm tổ ở trong nhà) Giang Tả: chỉ vùng đất tả ngạn sông Trường Giang nay thuộc tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), từng có nhiều người tài.
  • Câu đối chúc mừng Phan Huy Dũng được thăng chức:
家在青山眈靜久 Gia tại thanh sơn đam tĩnh cửu (Đam mê sự yên tĩnh đã lâu nên nhà ở chốn non xanh)
人如玉樹得春多 Nhân như ngọc thụ đắc xuân đa (Được mùa xuân tưới tắm nhiều nên con người đẹp như cây ngọc)
  • Câu đối viết tặng Hoàng Giáp Hoàng Bính (1857 - ? ):

Hoàng Bính là một nhà nho của xã Bích Khê, tổng Bích La, huyện Thuận Xương, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị (nay thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Ông đỗ Cử nhân xuất thân năm Kỷ Mão 1879, được bổ làm Giáo thụ lĩnh chức Huấn đạo ở phủ Triệu Phong. Sau khi thi Tiến sĩ, ông làm Tri huyện, rồi Tu thư. Ông đỗ Hoàng giáp vào khoa Kỷ Sửu (1889), khoa thi đầu tiên của đời vua Thành Thái cũng là năm đầu tiên ông vua này trị vì.

喜聞舊雨逢春早 Hỷ văn cựu vũ phùng xuân tảo (Mừng nghe mưa cũ gặp xuân sớm)
誰向青山得月多 Thùy hướng thanh sơn đắc nguyệt đa (Ai dõi non xanh ánh nguyệt tràn)
  • Câu đối viết tặng ông già Lê Duy Thụy ở Đông Các:
客來愛咱能言鳥 Khách lai ái thính năng ngôn đi
  • Câu đối ngẫu hứng ngày xuân viết đề ở nhà quan Bộ Hộ:
南極山川如好畫 Nam cực sơn xuyên như hảo hoạ (Núi sông ở chót phía nam như bức tranh đẹp)
東風薹榭有清詩 Đông phong đài tạ hữu thanh thi (Đài tạ lộng gió đông lại có thơ hay)
  • Những câu đối viết trong buổi tân hôn:
彩鳳银箫天外侶 Thái phượng ngân tiêu thiên ngoại lữ (Phượng màu, sáo bạc bạn ngoài trời)
桃花紅酒意中人 Đào hoa hồng tửu ý trung nhân (Hoa đào, rượu hồng mới là ý trung nhân)
仙洞松雲朝唤酒 Tiên động tùng vân triêu hoán tửu (Buổi sớm đã gọi rượu khi mây còn mơ màng trong động tiên)
玉樓花雨夜談經 Ngọc lâu hoa vũ dạ đàm kinh (Ban đêm rì rầm đọc kinh khi hạt mưa còn đẫm trên hoa trong lầu ngọc)
  • Đinh Thân Huy đậu Tam Trường và trở thành thương biện của nghĩa quân Lĩnh Phiên cần vương chống Pháp, được Nguyễn Thượng Hiền tặng câu đối ca ngợi:
“Đinh Tín Đệu thôn nhân kiệt xuất
Lan hương Đình Vũ tướng tài danh”

Dịch:

Họ Đinh làng Đệu có người xuất chúng
Họ Vũ Làng Lan có tướng tài nổi tiếng

Phạm Liệu (1871 - 1936)[sửa]

Phạm Liệu tự là Tang Phố, Sư Giám, hiệu Trừng Giang - Trừng Giang là quê hương của ông, một làng thuộc huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay là xã Điện Trung, huyện Điện Bàn. Khoa thi Hội năm 1898, ông đỗ Tiến sĩ. Cả 5 vị đại khoa đều quê ở Quảng Nam, gồm ba vị đậu Tiến sĩ là Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn; và hai vị đậu Phó bảng là Dương Hiển Tiến, Ngô Chuân. Đặc biệt, Phạm Liệu trúng cách Tam giáp đồng Tiến sĩ. Nhân sự kiện này vua Thành Thái sắc ban Ngũ phụng tề phi (năm con phụng cùng bay) - nghĩa là khoa này có năm vị đỗ đại khoa đều sinh quán tỉnh Quảng Nam.

  • Câu đối của Phạm Liệu đề tại nhà thờ Tộc Phan, Cổ Tháp, huyện Duy xuyên (Bên ngoại Phạm Liệu) chỉ với 12 từ mỗi vế đối đã nói lên được lai lịch của một dòng họ từ lúc theo chúa Nguyễn vào Bàn Lãnh, Đông Châu (Điện Bàn) đến khi lên lập nghiệp tại Cổ Tháp, huyện Duy Xuyên:
“Ngoại cũng liệt tôn phong, Cổ Tháp ức niên sùng thế thế
Tiền lai tư tổ trạch, Đông Châu nhất mạch tiếp uyên uyên”

Ngoài ra, có thêm câu đối, đọc lên thấy được cuộc di cư vĩ đại của dân tộc Việt Nam từ Bắc vào Nam:

Nghệ Tĩnh cố quận, tiên tổ khai nghiệp, tài đức vuôn trồng, rạng tiếng đất non Hồng nhân kiệt
Cổ Bàn tân hương, tử tôn kế thừa, phát huy văn võ, lừng danh miền Ngũ Phụng địa linhểu (Khách đến thường yêu chim biết nói)
人静常看稱意花 Nhân tĩnh thường khan xứng ý hoa (Người ưa tĩnh mịch thích xem hoa)
  • Câu đối viết tặng bạn:
不如掩卷山迎客 Bất như yểm quyển sơn nghinh khách (Không gấp sách lại, để cho núi đón khách)
且復啣杯月笑人 Thả phục hàm bôi nguyệt tiếu nhân (Thì lại ngậm chén để cho trăng cười người)
  • Câu đối đề ở Đạo Viện:
月地雲天同太古 Nguyệt địa vân thiên đồng thái cổ (Trời đất mây trăng đều thái cổ)
茶香經卷入清朝 Trà hương kinh quyển nhập thanh triêu (Trà hương kinh sách nhập mai) trong
  • Câu đối viết tặng bạn ở nhà riêng bên bờ Hương Giang:
双阙晴雲千户柳 Song khuyết tình vân thiên hộ liễu (Có) rặng liễu của nghìn hộ trong mây tạnh nơi cửa vua
一江春水二橋煙 Nhất giang xuân thủy nhị kiều yên (Và) làn khói của hai cây cầu một dòng sông xuân chảy

Nguyễn Quyền (1869 - 1941)[sửa]

Nguyễn Quyền sinh tại làng Thượng Trì, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, đỗ tú tài Hán học và được bổ nhiệm làm Huấn đạo tỉnh Lạng Sơn, do đó người ta gọi ông là Huấn Quyền. Năm 1907, ông từ chức, về Hà Nội cùng với một số bạn bè lập Trường Đông Kinh nghĩa thục. Một tháng sau, ông bị mật thám Pháp bắt. Năm 1910, Nguyễn Quyền được ân xá, chúng đưa ông về “an trí” ở tỉnh Bến Tre. Cuối cùng, ông chuyển về sống ở Sa Đéc, dựa vào nguồn lợi của mấy mẫu vườn cây ăn trái và mất tại đây. Tương truyền, Nguyễn Quyền lúc bé được ông nội kèm cặp. Một hôm, ông nội ra vế đối:

"Kinh sử thị lương điền, kỳ tiền bá dẫn kỳ hậu thừa dực" (Kinh sử là ruộng báu, người trước dắt dìu người sau noi theo)
Quyền đối: "Thiên địa hữu chánh khí, bất đãi sinh tồn bất túy tử vong" (Trời đất có chánh khí, chẳng sợ sống chết chẳng chờ mất còn)

Ông nội khen, tiên đoán Quyền sẽ nên người và có thanh danh sự nghiệp

Trần Tế Xương (1870 - 1907)[sửa]

Trần Tế Xương tự là Mặc Trai, hiệu Mộng Tích, Tử Thịnh; lúc nhỏ bố mẹ đặt tên là Trần Duy Uyên, người làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Ðịnh; nay thuộc phố Hàng Nâu, Nam Ðịnh). Ông đậu Tú tài năm Giáp Ngọ (1894) nên người đời thường gọi là Tú Xương. Ông cưới vợ rất sớm, bà Phạm Thị Mẫn, một cô gái quê, có với nhau 8 người con - 6 trai và 2 gái. Nhà nghèo, con đông, nghề dạy học của ông lại bấp bênh trong thời kỳ Nho học suy tàn nên mọi chi tiêu trong gia đình đều do một tay bà Tú quán xuyến. Đang lúc còn đeo đuổi nghiệp khoa cử thì ông đột ngột qua đời, cuộc đời ngắn ngủi của ông toàn nằm trong giai đoạn bi thương của đất nước, ông dũng cảm dùng ngòi bút trào phúng giễu mình, giễu đời, tung hê mọi cái nhố nhăng của xã hội, từ dân chí quan, không chừa một ai.

  • Hồi Tú Xương còn là cậu bé Uyên, có một ông khách đến nhà thăm bố cậu. Trước sân thấy có một cụm hoa năm sắc, bèn ra vế đối:
"Đình tiền ngũ sắc hoa" (Bông năm sắc trước sân)

và bảo cậu Uyên đối. Cậu chỉ cái lồng chim gần đó, đọc:

"Lung trung bách thanh điểu" (Chim trăm tiếng trong lòng)

Khách đoán tương lai cậu Uyên sẽ như con chim trong lồng. Quả thật, như chúng ta đều biết, Tú Xương cùng thời với Nguyễn Khuyến, Dương Khuê mà hai vị này đỗ đạt làm quan đến Tổng đốc, vinh hiển suốt đời. Còn Tú Xương thì thi hỏng mãi nên phải lẩn quẩn trong nhà làm thơ tiêu khiển, "ăn lương vợ". Có người hỏi tại sao bé Uyên không đối:

"Viên ngoại bách thanh điểu" (Chim trăm tiếng ngoài vườn) nhỉ?
Viên là vườn, chữ này có xa lạ gì đâu! Chim ngoài vườn thì bốn mùa tự do bay nhảy hót ca. Theo ngụ ý thì vì cậu ta đã nhìn thấy ngay cái lồng chim treo gần đó bên trong có con chim hằng ngày cất trăm tiếng hót mà cậu rất thích. Chim trong lồng ăn ít và mất tự do nên hót nhiều và thống thiết, chim ngoài vườn ăn no và tự do nên ít hót mà chỉ thích đua bay.
  • Tú Xương làm câu đối cho một người cháu khóc ông:
Ông đi đẩu đi đâu, đến sáng mai, ngày tết ngày tung, buồn rỉ buồn rầu không yếm đỏ
Cha khóc lăn khóc lóc, qua bữa nọ, mất cướp, mất bóc, khổ sao khổ vậy, thực hồi đen
  • Câu đối viết tặng cô hàng cau:
Thiếp vì lòng trắng không thay hạt
Khách muốn môi son phải mượn trầu
  • Những câu đối Tết:
極人間之品價,風月情懷 Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài (Cái phẩm giá cao nhất trên đời là tình hoài phong nguyệt, (ở đây chỉ tình hoài vọng về gió mát trăng thanh một cách thanh cao, chứ không phải chuyện "gió trăng" tầm thường của nhân thế!).
最世上之風流,江湖氣骨 Tối thế thượng chi phong lưu, giang hồ khí cốt (Cái phong lưu nhất ở trên đời nầy là cái khí cốt giang hồ! (chỉ làm trai chí tại 4 phương, phải vùng vẫy giang hồ chứ không phải tối ngày ngồi bó gối ở nhà với... vợ!)
Đây là câu đối phú được đặt theo lối câu cách cú, thể tứ lục, loại tả chí. Câu đối Tết mà nội dung của nó không nói chuyện ngày tết, cũng không thể hiện niềm mong ước của mình, của vợ con gia đình trong năm mới, mà lại nói chuyện cá nhân của người viết ra nó. Đó là cái phẩm giá cực tốt hơn người, với lòng mến gió trăng; là tính phong lưu nhất trần đời, với khí cốt giang hồ. Câu đối này được Tú Xương diễn thành bài vè như sau: Ngày tết dán câu đối: Nhập thế cục bất khả vô văn tự (vào cuộc đời không thể không có chữ nghĩa), chẳng hay ho cũng nghĩ một vài bài, huống chi mình đã đỗ Tú tài, ngày tết đến cũng phải một vài câu đối. Đối rằng: "Cực nhân gian chi phẩm giá, phong nguyệt tình hoài"..."Tối thế thương chi phong lưu, giang hồ khí cốt"...Viết vào giấy dán ngay lên cột, hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay. Rằng hay thì thực là hay, chẳng hay sao lại đỗ ngay Tú tài, xưa nay em vẫn chịu ngài!
Xuân về chớ để Xuân đi, thương kẻ quạt nồng cùng ấp lạnh
Năm mới khác gì năm cũ, vạn người bán muối với mua vôi
Theo Tú Xương thì năm mới chẳng khác gì năm cũ, người ta vẫn làm ngần ấy việc, ngần ấy thứ, cho dù có muốn níu kéo một cái gì tốt, một cái gì hay lại không cho nó đi để tránh những cái xấu, những cái không hay, chẳng hạn giữ Xuân ở lại mãi mãi để tránh khỏi cảnh hè nóng và đông lạnh, cũng không được.
Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo
Nhân tình bạc thế lại bôi vôi
Ý Tú Xương muốn nói là người ta đã nghèo xác nghèo xơ, nghèo đến không có tiền mua thực phẩm để ăn cho no, mua quần áo để mặc cho ấm, thế mà lại còn phí tiền đi mua pháo về đốt, pháo đốt rồi thì cũng tan tành chứ có mang lại cái ích gì cho người đâu. Cũng vậy, người có cảnh sống bạc phếch, nghĩa là sống gieo neo khốn khó, mà lại còn cuối năm rắc vôi bột trước nhà thành hình cánh cung, nỏ, giáo, v.v., để mà trừ ma quỉ không cho tới quấy nhiễu, như vậy là làm việc vô ích, vì đã kiệt quệ lắm rồi thì còn có gì để hấp dẫn cho ma quỉ lại.
Vui Xuân, vui cả một trời, có lẽ đâu đâu đâu cũng vậy
Học sách, học cho hết sách, hay là thế thế thế mà thôi
Tú Xương còn cho rằng ở đâu thì người ta cũng vui Xuân vui cả một trời, giống như học sách, có học hết tất cả các sách trên đời nếu thấy hay thì người ở đâu cũng thấy hay vậy thôi.
Nực cười thay: nêu không, pháo không, vôi bột cũng không, mà Tết
Thôi cũng được: rượu có, nem có, bánh chưng cũng có, thừa Xuân
Tú Xương nói rằng thực là nực cười, dù không có cây nêu, không có pháo và không có cả vôi bột thì Tết vẫn là Tết, chứ đâu bắt buộc phải có những thứ này thì Tết mới thực là Tết. Chỉ cần có rượu, có nem, có bánh chưng, nghĩa là có đồ ăn thức uống, cũng đủ là Xuân rồi, đâu có cần những thứ vô ích và vô dụng như là cây nêu, tràng pháo, hay vôi bột, v.v.
Đào tiên đã chín hay chưa, bác mẹ em già, chắp cánh bay lên xin một quả
Đối Tết không hay cũng dán, bà con ai biết, dừng chân đứng lại ngắm vài câu
Không dưng Xuân đến chi nhà tớ
Có lẽ nào trời đóng cửa ai
Đì đẹt, ngoài sân, tràng pháo chuột
Lập loè trên vách, bức tranh gà
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh
Ba vạn sáu ngàn ngày, góp lại chốc đà trăm bận Tết
Một năm muời hai tháng, ước chi đủ cả bốn mùa Xuân
  • Thời xưa, các cụ cũng có lúc cao hứng, hay lui tới “xóm chị em” thường được gọi lá “Quán sở lầu Tần), ở đây có vài cô có chữ nghĩa nhưng vì hoàn cảnh đưa đẩy. Tương truyền, Tú Xương một buổi kia cũng xuống xóm chơi, sáng ra về tìm ô không thấy, tuy bực mình nhưng là bậc nho nhã không giám nói nặng lời, nên tức sự mấy câu: Hôm qua anh đến chơi đây, giấy chân anh dận ô tay anh cầm. Rạng ngày vừa trống canh năm, anh dậy em hãy còn nằm trơ trơ. Hỏi ô ô mất bao giờ, hỏi em em cứ ậm ờ không thưa. Nữa rồi rầy nắng mai mưa, lấy gì đi sớm về trưa với tình?
Lập tức 1 cô ứng khẩu đáp liền: Chiếc ô là của mấy mươi, ngắn ngày xin chớ dài lời làm chi ! Nắng thì nắng cũng có khi, mưa thì mưa cũng có kỳ mà thôi. Ví dù anh có thương tôi, thì xin anh cứ đội trời anh lên…Hay là anh quyết bắt đền, thì đây có sẵn cái đền…bằng ba!
  • Có một bà buôn gạo ở ven sông, làm vợ kế một nhà nho. Nhà nho này có người vợ cả đã mất từ mấy năm trước, nay chẳng may ông nhà nho cũng theo bà vợ cả về dưới suối vàng. Bà vợ kế làm đám cho chồng rất linh đình. Tương truyền, nhà thơ Tú Xương cũng là chỗ quen biết với nhà nho nên có đến viếng. Nhân vậy, tang chủ bèn dọn rượu thịt mời và đem bút giấy ra nhờ làm câu đối khóc chồng. Nhà thơ gắp nhắm rồi đề ngay một vế đối rằng:
Con cò lặn lội bờ sông rủ rỉ ru con nhà hóa thực.

Rồi ngồi uống rượu tràn, không để ý gì đến vế đối nữa. Mọi người xung quanh thấy vậy đều thì thào “ Câu đối gì mà vớ vẩn thế?”. Nhà thơ Tú Xương gác ngoài tai uống thêm dăm ba chén rượu nữa, mới ung dung viết nốt vế kia như sau:

Gối phượng ngậm ngùi dưới suối, bâng khuâng duyên chỉ lại từ đây.
Vế trên thật đúng là cảnh bà buôn gạo khóc chồng. Còn vế dưới, nghe vừa buồn thương mà lại vừa có giọng trào lộng kín đáo thật thú vị. Mọi người bấy giờ đều phục và khen ngợi nhà thơ đủ điều.
  • Câu đối phúng điếu ông Hàn Chén:
“Vị thủy đầu can nhật
Kỳ sơn nhập mộng hồn”

Dịch nghĩa:

Buông cần bên sông Vị
Câu chức tận non Kỳ.
đôi câu đối nói về một người là Lã Vọng, tức Khương Thượng, còn gọi là Khương Tử Nha, Thái công vọng của vua Văn Vương nhà Chu. Xưa nay, nói đến các cổ vật có tranh và cảnh đang xét, người ta chỉ nói chén, đĩa, v.v..., Lã Vọng thả câu, chẳng ai nói chén, dĩa, v.v…, Lã Vọng thả câu. Kỳ Sơn là đất gốc của Hậu Tắc mà con cháu sau này sẽ dựng nên cơ nghiệp nhà Chu. Chu Văn Vương - đây là tên thụy do con là Vũ Vương tôn xưng - khi hãy còn là Cơ Xương và nhận tước Tây Bá do vua Trụ của nhà Ân phong cho thì đã là chủ của một nước nhỏ mà lãnh thổ nằm ở vùng chân núi Kỳ Sơn, thuộc huyện Kỳ Sơn , tỉnh Thiểm Tây. Bấy giờ Trụ càng ngày càng bạo ngược và nhà Ân đang buổi mạt vận. Cơ Xương đã khôn ngoan và khéo léo chỉnh đốn chính trị ở trong nước. Khi gặp được quân sư Lã Vọng thì tiền đồ nhà Chu như đã mở ra trước mắt: nhiều nước chư hầu khác đã theo về và trong thiên hạ, ba phần thì Chu đã nắm hết hai. Sau khi Văn Vương qua đời, con là Vũ Vương tiếp tục tôn Lã Vọng làm thầy, huy động các nước chư hầu Đông chinh để tiêu diệt nhà Ân, đánh bại Trụ Vương ở Mục Dã . Trụ phải tự thiêu mà chết. Vũ Vương lấy được thiên hạ, lên ngôi hoàng đế, đóng đô ở đất Hạo, tôn thụy hiệu cho cha là Văn Vương, ở ngôi 19 năm và dựng lên cơ nghiệp nhà Chu kéo dài đến hơn 800 năm. Nói về Lã Vọng, sau khi thất sủng vì phản đối việc xây dựng Lộc Đài, ông bèn bỏ nhà Ân - ông vốn làm quan cho nhà này - mà đi ở ẩn bên bờ sông Vị Thủy. Ngày nào ông cũng ra bến sông để buông câu. Nhưng ông câu mà lại dùng lưỡi câu thẳng và không dùng mồi. Có người hỏi thì ông trả lời rằng mình câu đây là câu thời, câu vận, câu chức, câu tước, chứ không câu cá. Thời vận và chức tước này tất nhiên không thể đến từ dòng họ đang suy tàn của nhà Ân mà từ một thế lực mới đang lên và đang chuẩn bị tiêu diệt dòng họ kia. Bởi vậy mà tuy người ông thì ngồi câu cá bên bờ sông Vị nhưng lòng ông thì lại hướng về miền đất tổ của thế lực mới là đất Kỳ Sơn. “Vị Thủy đầu can nhật - Kỳ Sơn nhập mộng thần” chính là như thế. Toàn câu đối có nghĩa là: “Những ngày mà Lã Vọng ngồi buông câu bên bờ sông Vị chính là những lúc mà ông đang mơ về núi Kỳ, nơi phát tích của dòng họ nhà Chu”.

Ghi nhận về chữ thần và đặc điểm ngữ pháp của đôi câu đối:

1. Nguyên đó là chữ thìn . Thìn là âm xưa, còn âm nay là thần: “thì dần thiết, âm thần” (Từ nguyên, Từ hải). Ngoài việc dùng để ghi chi thứ năm của mười hai địa chi, chữ đó còn có nghĩa là “giờ”, “ngày”, “thời”, “khi”, “lúc” (Dictionnaire classique de la langue chinoise của F.S. Couvreur: “heure, jour, époque, moment”). Chính chữ này mới phối hợp chặt chẽ với chữ nhật của câu trên và đối lại với nó một cách thật chỉnh (nhật và thần đều thuộc phạm trù thời gian) để diễn đạt cái hàm nghĩa thâm thúy của cả đôi câu đối, còn chữ “hồn” chỉ là một chữ lạc lõng. Chữ về sau đã được một số nghệ nhân viết thành vì nói chung hai chữ có thể thay thế cho nhau trong một số trường hợp.

2. Mỗi câu đối ở đây tự nó đã là một cấu trúc đề thuyết hoàn chỉnh. Đề: “Vị Thủy”, đối với “Kỳ Sơn”. Thuyết: “đầu can nhật”, đối với “nhập mộng thần”. Nhưng đây không phải là hai cấu trúc đề thuyết độc lập với nhau về mặt cú pháp mà cấu trúc trước (câu trên) bản thân nó lại là phần đề liên quan chặt chẽ đến phần thuyết là cấu trúc sau (câu dưới).

  • Câu đối Tập cổ:
“Vấn chinh phu dĩ tiền lộ
Vọng mỹ nhân hề nhất phương”
Câu đầu lấy trong bài ‘Quy khứ lai từ’ của Đào Tiềm, câu sau lấy trong ‘Tiền Xích Bích phú’. Như vậy chữ mỹ nhân lại có nghĩa khác, như Phan Kế Bính diễn nôm, vì ngữ cảnh này được nhắc bởi chữ ‘chinh phu’, nên phải có nghĩa là ‘quân tử’ hay một đấng anh hùng nào đó xuất hiện trong bối cảnh đang chống Pháp. Như vậy thì chữ mỹ nhân tùy vào ngữ cảnh. Bài phú cho thấy người viết trong tâm trạng an bình tự tại, an lạc bình dị. Không cầu mong nơi nào khác, niết bàn là hiện tại nơi đây. Đó là niết bàn của kinh Hoa Nghiêm, không lìa bỏ thế gian, ở trong thế gian, mà như không ở trong thế gian, chỉ cần không để cho bụi trần đóng bám. Về mặt chữ, nếu câu của Đào Tiềm chỉ sáu chữ, thì Tú Xương đã bỏ chữ “hề” trong câu của Lý Bạch; nếu câu Lý Bạch vẫn giữ nguyên bảy chữ thì có lẽ câu Đào Tiềm mất chữ “hề” ở giữa. Trần Tế Xương thật happy có hai câu của hai người từ hai cõi mà đối nhau chan chát. Vọng / tiển; chinh phu / mỹ nhân ..... Hai vế đối là hai sự kiện song song trong sự diễn tả văn chương. Hai việc nầy có thể nằm trong một không gian hạn hẹp hay một không gian nội tâm vô cùng lớn lao. Nhỏ hẹp như gõ sừng mục tử gác mái ngư ông, rộng lớn như hai câu ghép bởi Trần Tế Xương. Hai sự thể tuy không tách nhau nhưng không thể đồng hóa hay chuyển thể cho nhau. Mỹ nhân không thể là chinh phu. Trái lại sự hiện diện của mỹ nữ cần thiết để nói sự phân ly. Không thể đồng hóa hay chuyển thể giữa khách và chim trong hai câu: ngàn mai gió cuống chim bay mỏi, dặm liễu sương sa khách bước dồn. Cho nên có điều ngạc nhiên khi nói Phan Kế Bính từ hai câu đối ghép mà dịch câu văn trong Tiền Xích Bich Phú. Vả lại, nếu dịch giả bị ảnh huởng của thời đại thì ông đã dùng chữ chiến sĩ thay cho quân tử; đã thay nguyên gốc thì sá chi không dùng cho được ý. Bài phú không mang tính chất đấu tranh trái lại lấy nhàn tản làm gốc hành động. Mâm bát ngổn ngang, nằm khè ngủ say chẳng biết trời đã hừng sáng.

Những câu đối liên quan đến Thừa Biện Bộ Lễ Phan Châu Trinh (1872 - 1926)[sửa]

Phan Châu Trinh còn được gọi Phan Chu Trinh hiệu là Tây Hồ, Hy Mã, tự là Tử Cán. Khoa Canh Tý (1900), Phan Châu Trinh đỗ cử nhân thứ ba ở trường Thừa Thiên, năm Quý Mão (1903) ông được bổ làm Thừa biện Bộ Lễ. Tháng 3 năm 1908, phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ nổ ra, Phan Châu Trinh bị bắt giải về Huế. Họ đày ông đi Côn Đảo ngày 4 tháng 4 năm 1908, tháng 8 năm đó, ông được đưa về đất liền. Nhân có nghị định ngày 31 tháng 10 năm 1908 của chính phủ Pháp về việc lập một nhóm giảng dạy tiếng Hán tại Pháp, năm 1911, chính quyền Đông Dương cử một đoàn giáo dục Đông Dương sang Pháp, có cả Phan Châu Trinh. Năm 1925, khi thấy sức khỏe ông đã suy yếu, nhà cầm quyền Pháp cho phép ông về nước rồi qua đời một năm sau đó.

  • Câu đối viếng Điền Bát tiên sinh:

Báo Tuổi Trẻ số thứ sáu ngày 27-9-2013 có bài “10 năm chép sai chữ của Phan Châu Trinh” của Trường Đăng - Lam Điền. Theo bài báo, tại Đền thờ Tăng Bạt Hổ ở huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định có câu đối của Phan Châu Trinh, nguyên văn chữ Hán được Huỳnh Thúc Kháng chép trong Thi tù tùng thoại (xuất bản năm 1939), phiên âm và dịch nghĩa như sau:

Tạp dư niên sơn hải gian quan, nhân giai bi kỳ ngộ, thiên nhược giám kỳ thành, tam đảo minh tiên, tráng chí cẩn năng thông Thượng Quốc (Ba mươi năm lẻ núi biển trải nhọc nhằn, ai cũng thương cho cảnh ngộ, trời hẳn thấy nhiệt thành, quất ngựa thẳng non thần, tráng chí mới thông miền Thượng quốc)
Trấp thế kỷ phong vân biến huyễn, nhân giai tranh dĩ trí, quân dục cạnh dĩ lực, cửu thu quy kiếm, hùng hồn du tự luyến Thần kinh (Hai chục kỷ đời, gió mây chiều biến đổi, người đều đua lấy trí, ông muốn đấu bằng sức, quay gươm về nước cũ, hồn thiêng còn mến đất Thần kinh)
Tăng Bạt Hổ (1858-1906) tự là Sư Triệu, hiệu là Điền Bát, tên thật là Tăng Doãn Văn, sinh tại làng An Thường, nay thuộc xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.
  • Những câu đối do người đời phúng viếng:

1 - Câu đối của Huỳnh Thúc Kháng:

Ngán nỗi trời đất chẳng thương người chí sĩ, hết lòng bênh vực quyền dân, cho non nước mở mang mày mặt
Than ôi giang sơn còn thiếu mặt anh hùng, lấy ai lo toan việc nước, để đàn con luống những đau lòng

2 - Câu đối của Doanh Nhân Bạch Thái Bưởi (1874 - 1932):

Bốn nghìn năm nước cũ, đương cuộc đổi thay, cờ thực nghiệp, trống tân dân, may mắn sao, một gánh giang sơn, rết có nhiều chân mừng cũng đã
Sáu mươi tuổi thân già, bao phen hiểm trở, chí Ngu Công, hồn Tinh Vệ, đau đớn nhẽ, nửa đêm mưa gió, tằm tuy hết ruột hãy còn vương
Bạch Thái Bưởi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở làng An Phúc, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội), tên thật là Đỗ Thái Bửu. Sau có một người nhà giàu họ Bạch nhận ông làm con nuôi, ông mới đổi từ họ Đỗ sang họ Bạch. Sau thời gian học quốc ngữ và tiếng Pháp; ông bỏ học đi làm ký lục cho một hãng buôn của người Pháp ở phố Tràng Tiền, Hà Nội. Khi đó ông có tên là Ký Năm.

3 - Câu đối của các học sinh trường Thuận Hoá:

Sấm sét khéo vô tình, trời đâu nỡ giết ta chăng, mấy mươi năm hồn nước lại hồn nhà, chuông gióng trống rung, những ước tự do là hạnh phúc
Non sông chung gánh nặng, ai thảy cũng như ông cả, ngoài mười dặm tiếng ca liền tiếng khóc, mưa hoà gió thuận, còn mong bất tử ấy tinh thần

4 - Câu đối của các nam học sinh trường Quảng Nam:

Tinh thần chết đặng hay không, tháng 5 Ất Sửu (1925), sao ngờ lại tháng 2 Bính Dần (1926), ngán thay sông đà còn sóng, núi đà còn mây, ông nỡ đi đâu, ơn nước vẫn còn lòng sắt đá;
Tâm huyết sống ai cũng thế, người chốn Nam Kỳ chắc nghĩ lại người kinh thành Huế, chung cả trời Việt là cha, đất Việt là mẹ, hồn vừa về đó, thương con khôn dặm dọi sơn hà".

5 - Câu đối của các nữ học sinh trường Quảng Nam:

"Mơ màng giấc mộng tủi non sông, chị em tôi đã biết chi đâu, nào chủ, nào dân, nào quyền nước, nào quyền người nhờ có tiên sinh tài thao lược;
Trằn trọc tấm thân vì xã hội, thần thánh trước mai sau còn nỡ, có đất, có trời, có hồn cha, có hồn mẹ, nặng chia hận tử dạ bâng khuâng".

6 - Câu đối của học sinh trường Kỹ nghệ Hà Nội:

"Thánh thần dao động, trải nghìn năm mới có bây giờ, ngẩn ngơ gió táp mưa sa, khép bức tiên tri trời nỡ thế;
Quốc gia hưng vận, dẫu một người cũng không tránh khỏi, ngao ngán nước sầu cát bụi, đau lòng hậu bối biển còn chờ".

7 - Câu đối của Nhà thương Huế đại diện cho đủ mọi loại bệnh nhân già trẻ:

"Hai nhăm triệu đồng bào, người già, người trẻ, người chân chậm mắt loà mang thuốc đi đâu, thưa cụ, cụ xiết đau ruột lắm;
Bốn nghìn năm Tổ quốc, này núi, này sông, này tiền rừng bạc bể, hú hồn về chửa, hỏi trời, trời có ngoảnh đầu chăng".

8 - Câu đối của ký lục Võ Liêm Sơn, một nhân sĩ có tham gia mấy năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp chín năm:

"Mười lăm năm trước thấy cụ ở đây, kiếm dã man ba thước kề đầu, khảng khái mấy lời, trời đất chứng minh lòng thiết thạch;
Mấy triệu đồng bào trông cụ về nước, đài văn hoá nửa chừng xoay xở, gió mưa một trận, nước non chan chứa giọt tang thương".

9 - Câu đối của nữ sĩ Đạm Phương:

"Mấy mươi năm góc bể bên trời, vằng vặc tấm cô trung, trên vì nước, dưới vì dân, tinh thần vẫn lắng lo non núi Việt;
Đã nhiều thuở khua chuông gióng trống, sục sôi hồn cố quốc, trước hợp lòng, sau hợp sức, sự nghiệp đành phó thác cháu con Hồng".

10 - Tại rạp hát tuồng ở thành phố Nam Định, trong dịp đồng bào cả nước làm lễ tưởng niệm cụ Phan đã xuất hiện đôi câu đối phú viết bằng chữ Nôm rất chân phương. Trong ngôn từ có cả: "trống", "chuông", "cờ", "quạt", "phông", màn, "múa rối", có cả "thay tuồng", "đổi cảnh", câu đối nội dung như thế không thể treo dán ở đâu khác ngoài cửa một rạp hát tuồng. Hai vế đối đó như sau:

"Mấy mươi năm gióng trống, khua chuông, mặc danh, mặc lợi, mặc thân gia, gánh giang sơn vai những nặng nề, há phải như ai toan múa rối;
Trải bao độ thay tuồng, đổi cảnh, làm quan, làm dân, làm chí sĩ, cờ xã hội tay giương phấp phới, nào ngờ một phút đã buông phông".

Câu đối liên quan đến Ngư Ông Đặng Thái Thân (1873 - 1910)[sửa]

Đặng Thái Thân hiệu Ngư Hải, Ngư Ông; quê ở làng Hải Côn, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông đỗ đầu xứ nên gọi là Xứ Đặng, là thành viên lập ra Hội Duy tân, ủng hộ phong trào Đông Du. Năm 1910, ông hoạt động tại làng Phan Thôn thì bị địch vây, thế cùng ông đã dùng súng chống cự quyết liệt và đã hy sinh. Sĩ phu Nghệ Tĩnh đã tổ chức tang lễ và viếng ông đôi câu đối:

"Hai hòn ngun ngút, bạn cũ về, đâu về? Trải mười năm cay đắng đủ mùi, mình vì đó mà ốm, máu vì đó mà khô, rong ruổi non sông chìm sóng gió.
Một tiếng nổ rầm, hồn nước tỉnh, chưa tỉnh? Ngoài ngàn dặm bước đường phiêu lạc, chú nghe tin mà buồn, thầy nghe tin mà khóc, hò reo hào kiệt cạnh đàn gươm"

Câu đối tuyệt mệnh của chí sĩ Nguyễn Đức Công (1874 - 1916)[sửa]

Nguyễn Đức Công hay còn gọi là Hoàng Trọng Mậu, tự là Báu Thụ. Ông sinh tại xã Cẩm Trường xưa, nay thuộc xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Việt Nam Quang Phục hội ra đời, ông là sáng lập viên. Sau trận Tà Lùng, ông bị Pháp bắt. Tại nhà lao Hỏa Lò, thực dân Pháp dụ dỗ nếu thu phục thì miễn tội, nhưng ông không chịu mà chịu xử bắn. Đặc biệt là ngày ra pháp trường, trước khi bị bắn, thực dân Pháp cho cố đạo đến rửa tội theo luật thông thường của chúng, thì ông đã nói: “Chúng tôi là người mất nước đi cứu nước. Có tội gì mà phải rửa. Mời ông đi chỗ khác” và đọc ngay câu đối tuyệt mệnh trước mũi súng quân thù:

“Ái quốc hà cô, duy hữu tinh thần lưu bất tử
Xuất sư vĩ tiệp, thả tương tâm sự thác lai sinh”

Nghĩa:

Yêu nước tội gì, duy có tinh thần là chẳng chết
Ra quân chưa thắng, xin đem tâm sự gửi mai sau

Liễn viếng của Đặng Đoàn Bằng viết:

“Từ dắt tay dời Đông, bỗng trong bảy năm mưa gió ngàn trùng, quan san muôn dặm, mỗi ở nơi gian hiểm, mật làm rượu, gai làm giường, bấm bụng nói thầm; sinh ở đời này, thà giống trống mà bay, không làm giống mái mà nấp
Đến chia áo đi Tây, đã một năm rưỡi, tin nhà đã vắng, móng hồng không còn, bỗng trong giấc chiêm bao, tiếng như lôi (sấm), mắt như lửa, gọi tôi mà bảo: Đã người nam tử, thà hòn ngọc mà nát, không làm hòn ngói mà nguyên”

Câu đối khắc tại mộ Nhân Sĩ Yêu Nước Hồ Tá Bang (1875 - 1943)[sửa]

Hồ Tá Bang người làng Kế Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế), sau dời vào cư ngụ ở thị xã Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận (nay là thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Năm Mậu Tuất (1898), ông làm ký lục tại Tòa sứ Phan Thiết, sau đổi về làm ở Tòa sứ Hội An. Hồ Tá Bang có sáng tác văn chương, thơ văn ông thấm đượm tinh thần yêu nước và cách mạng. Bài Tế thủ tiền lỗ văn (văn tế bọn bo bo giữ tiền) đăng trên báo Lục tỉnh tân văn số ngày 24-3-1908 ở Sài Gòn, tiêu biểu rõ nét tâm trí ông. Trước khi mất ông có câu đối khắc ở sinh phần:

Sinh vi nô lệ sinh do tử;
Tử hữu tinh thần tử nhược sinh.

Nghĩa:

Sống làm nô lệ sống như chết
Chết có tinh thần chết như sống

Những câu đối của Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm (1875 - 1929)[sửa]

Nguyễn Văn Cẩm quê ở làng Ngọc Đình, huyện Duyên Hà (nay là xã Văn Cẩm, Hưng Hà tỉnh Thái Bình. Vì ông có tiếng thông minh từ bé, và tương truyền chính vua Tự Đức cũng khen ngợi ông là Kỳ Đồng (đứa trẻ thông minh kỳ lạ), nên tục gọi ông là Kỳ Đồng. Ông 7 tuổi đã lầu thông kinh sử cùng các thể văn chương thi phú. Do đó, người ta cho ông là Trạng, ứng vào hai câu sấm truyền: "Bao giờ Nhân Lý có đình, Trạm Chay có chợ, Ngọc Đình có Trạng sinh".

  • Câu đối lúc lên 10 tuổi:

Lúc Kỳ Đồng mới trên mười tuổi, một giám mục thấy có vẻ thông minh, khen ngợi và ngỏ ý đưa cậu đi theo đạo Thiên chúa, cậu bé không ưng.

Giám mục lắc đầu thốt ra: Một thằng ba chỏm tóc!

Kỳ Đồng ứng khẩu đáp lại: Ba cụ chín chòm râu!

  • Đối đáp với tri phủ Tiên Hưng:

Quan huấn đạo phủ Tiên Hưng lúc ấy là cụ cử Bùi Tam Đồng, một hôm mời cha con ông lại chơi. Gặp trời mưa, thân phụ ông phải cõng con vào dinh, quan Huấn mỉm cười nói: "Trạng gì mà bắt cha cõng thế?" Ông đáp: "Đó không phải cõng mà là chữ "cửu" là lâu vậy, tức nghĩa quan lớn chờ lâu đó. Quan Huấn hỏi: "Sao gọi là chữ "cửu"? Kỳ Đồng đáp: "Chữ "cửu" (久)không phải do chữ "nhân" con (tức nhân nhỏ) ở trên chữ "nhân" bố (tức nhân lớn) là gì?"

Viên tri phủ Tiên Hưng ra câu đối thách: Đứng giữa đình Trung Lập!
Kỳ Đồng đối lại: Dấy trước phủ Tiên Hưng!
“Đứng giữa”, “dấy trước” (TV), cùng nghĩa với “trung lập”, “tiên hưng” (HV –vốn tách theo cách cùng âm với hai địa danh Trung Lập, Tiên Hưng, thuộc tỉnh Thái Bình). Trung lập là đứng giữa, Tiên Hưng lại là dấy trước. Câu đối rất chỉnh mà làm cho viên tri phủ phải để ý, ông thầm nghĩ: "Dấy trước! Cậu bé đã có tư tưởng "làm loạn" chăng?"
  • Đối đáp với quan Huấn Đạo:

Quan Huấn ra:

Tam tài thiên địa nhân (Tam tài là trời, đất và người)

Cẩm lại đối:

Tứ nhi: Phong, Nhã, Tụng (Tứ nhi là bốn thể thơ: thể phong, thể nhã (gồm 2 tiểu nhã và đại nhã, nhưng chỉ kể là một) và thể tụng)
quan Huấn Đạo lại ra: 孔門傳道諸賢曾子思子孟子 Khổng môn truyền đạo chư hiền, Tăng tử, Tử tư, Mạnh tử (Cảu Khổng truyền đạo có 3 nhân vật nổi bật là Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử)
Kỳ Đồng đối: 周室開基列聖太王王貴文王 Chu thất khai cơ liệt thánh, Thái vương, Vương quý, Văn vương (nhà Chu khai quốc khởi đầu từ ba vị: Thái Vương, Vương Quý và Văn Vương)
Tăng Tử là học trò xuất sắc thứ 2 của Khổng Tử, sau Nhan Hồi. Tử Tư là cháu nội của Khổng Tử và là thầy của Mạnh Tử. Ba người này đã làm cho Nho Giáo phát triển tới mức cực thịnh, quan điểm của họ cùng với Khổng Tử chính là nền táng của Nho giáo sau này. Thái Vương là Cổ Công Đản Phủ, người quyết định việc dời đô từ đất Bân sang đất Chu đựơc coi là vua đầu tiên xây dựng nên cơ nghiệp nhà Chu. Vương Quý là Quý Lịch, con của Thái Vương. Văn Vương là Tây Bá Hầu Cơ Xương, con của Quý Lịch và cha của Chu Vũ Vương. Đây là những vị vua khai quốc, làm nền móng cho Chu Vũ Vương phạt Trụ khai quốc sau này. Câu ra, khó và lắt léo; dùng ba chữ Tử, mà trong tên Tử tư chữ Tử ở trên. Còn tên Nhan tử, Mạnh tử hai chữ Tử đều ở dưới. Ông đối được hay, là có ba chữ Vương, Vương quý chữ Vương ở trên. Còn Thái vương, Văn vương, chữ Vương ở dưới.

Trong lúc quan Huấn cùng cha con Nguyễn Văn Cẩm đang đàm đạo, có cụ Thủ khoa Nguyễn Đình Khanh tới, gặp Cẩm, cụ Thủ Khanh cũng ra một câu đối rất khó:

Tùng mộc do lai thập bát công (Thập bát 十 八 là chữ mộc 木 , ghép với chữ công 公 thành chữ tùng 松)

Cẩm ứng khẩu đối lại:

Quý hòa tự hữu bát thiên tử (Bát thiên 八 千 là chữ Hòa 禾 để lên chữ tử 子 là chữ quý 季)

Năm Tự Đức thứ 35, ông mới 8 tuối (tuổi ta), tỉnh Hưng Yên có kỳ thi chọn các sĩ tử sang năm dự trường thi hương Nam Định, cha con ông đều lên tỉnh dự. Các quan trong Hội đồng khảo hạch thấy Cẩm còn nhỏ quá, lấy làm lạ, cho gọi đến thử tài. Một vị quan ra đối:

- Bát thế nhân xưng kỳ, kỳ phùng hữu nhật (Tám tuổi người đều cho là lạ, có ngày gặp lạ).

Cẩm đối ngay: - Thất niên nhân dĩ sĩ, sĩ chính cập thời (Bẩy tuổi người đã làm quan, làm quan đúng lúc).

Một vị quan khác ra:

- Mã xa theo tướng, tốt làm sao? (chữ tốt có 2 nghĩa)

Cẩm đối lại:

- Nam Bắc sang Tây, đông biết mấy! (chữ đông cũng có 2 nghĩa)

Một vị quan nữa ra:

- Thần đồng thất thế thần đồng tử (Thần đồng 7 tuổi thần đồng chết).

Cẩm đối ngay:

- Nguyễn Cẩm thập tuế Nguyễn Cẩm đăng (Nguyễn Cẩm 10 tuổi, Nguyễn Cẩm sẽ vượt lên tất cả).

  • Đối đáp với quan Đốc Học:
Quan Đốc Học ra: 玉亭亭上人如玉 Ngọc đình đình thượng nhân như ngọc (Người đứng trên đình cao, người là ngọc)
Kỳ Đồng đối: 金牓牓中士似金 Kim bảng bảng trung sĩ tự kim (Sĩ ở trong bảng vàng, sĩ như vàng)
Ngọc Đình, Kim Bảng là tên hai làng ở gần Hà Nội

Những câu đối của Thi Sĩ Lê Đại (1875 - 1951)[sửa]

Lê Đại tự Siêu Tùng, hiệu Từ Long; sinh tại làng Thịnh Hào, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay là thuộc phường Hàng Bột, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội). Năm 1907, ông tham gia sáng lập trường Đông Kinh nghĩa thục. Năm 1908, Lê Đại bị nhà cầm quyền Pháp đày ra Côn Đảo. Năm 1925, Lê Đại được phóng thích. Ông trở lại Hà Nội, mở cửa hiệu chuyên viết thuê đối. Tương truyền, trong số người bị bắt tại vụ đầu độc Hà Thành còn có Hoàng Tăng Bí, ông này chỉ bị giam giữ ít lâu ở Hà Nội. Rồi Hoàng tăng Bí được nhạc gia Cao xuân Dục nhận lãnh, đưa về theo học tại Huế, thi đỗ phó bảng. Nguyễn sĩ Sác đỗ tiến sĩ. Lê Đại được tin này giận lắm, làm đôi câu đối:

Quách thây chúng nó, thi mà chi, đỗ nữa mà chi, nào những khi rượu đầy bàn, đờn đầy vách, sách đầy án, bạn đầy nhà, nghêu ngao trăng gió bốn mùa, chơi đã đủ mùi, thôi có lạ chi phường mặt trắng
Còn có bọn ta tù chả sợ, đầy cũng chả sợ, cho đến lúc miệng như tép, mép như rồng, tiếng như cồng, mắt như chớp, xốc vác non sông một gánh, làm con nên việc, bấy giờ sẽ hỏi bạn non xanh

Câu đối "tự đề" sau đây của Lê Đại đủ nói lên khá đầy đủ tâm tình, tư tưởng của một thế hệ nhà nho bấy giờ:

Suốt một đời không được điều gì, nhưng nghĩ cũng chẳng hỏng điều gì, lòng tự nhủ lòng, đối ảnh thường soi gương bạch phát
Khắp trong nước đều biết mình cả, mà thực chưa ai biết mình cả, mặt cùng gặp mặt, tri tâm hoạ có bạn hoàng tuyền!

Câu đối liên quan đến chí sĩ kháng Pháp Lê Văn Huân (1876-1929)[sửa]

Lê Văn Huân hiệu Lâm Ngu, sinh tại làng Trung Lễ, huyện La Sơn (nay là xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Năm 1906, Lê Văn Huân dự kỳ thi Hương ở trường Nghệ An và đỗ giải nguyên, nên còn được gọi là Giải Huân. Năm 1908, phong trào chống thuế nổ ra ở Quảng Nam-Quảng Ngãi và nhanh chóng lan ra nhiều nơi, Lê Văn Huân đều bị bắt và bị đày ra tận đảo Côn Lôn. Qua 9 năm bị đày ải, tháng 8 năm 1917, Lê Văn Huân được tha về. Năm 1925, Lê Văn Huân cùng một số người khác họp ở núi Quyết (Nghệ An) thành lập Hội Phục Việt. Ngày 13 tháng 9 năm 1929, Lê Văn Huân bị bắt và bị đưa ra Vinh, trong nhà lao ông đã tuyệt thực rồi tự mổ bụng hy sinh. Huỳnh Thúc Kháng có làm câu đối điếu ông:

Chữ danh đeo đuổi, đầu bạc vẫn chưa thôi, công chả thành mà tội có ai tha, tòa án đất kêu, đậy nắp quan tài là rảnh chuyện
Hồn nước bơ vơ, tuổi xanh thương những kẻ, chết đã thiệt mà sống làm sao đặng, học trường trời dạy, treo gương nhân cách để cùng soi

Câu đối liên quan đến chí sĩ chống Pháp Nguyễn Đình Quản (1878 - 1910)[sửa]

Nguyễn Đình Quản, tên tự là Khánh Bá, sinh tại làng Phong Niên, xã Tịnh Phong, về sau dời về làng Đông Dương, xã Tịnh Ấn Tây đều thuộc huyện Sơn Tịnh. Sau khi thi đỗ, Cử Quản một lòng thương đau vì nỗi nhục mất nước dưới bàn tay cai trị hà khắc của thực dân Pháp: "Nếu chẳng ra tay trừ tặc tử, ngàn năm ôm hận khóc non sông". Năm 1908, Nguyễn Đình Quản bị đày ra Côn Đảo. Nguyễn Đình Quản và các bạn đồng tù vẫn thường dành thì giờ vào những ngày nghỉ để hàn huyên tâm sự, trao đổi chút tin tức thời sự vừa nhận được từ đâu đó hay đôi khi “trong bạn anh em tù, vô sự, hay chơi tổ tôm, xóc đĩa, có người đến bi lụy, nhất là lúc ra ngoài làm nghề buôn có tiền càng chơi nhiều, lại có người có thói ích kỷ, ngoài “tiền” ra không biết đến việc gì nữa, ông có câu: “Tự cổ thử thân do thiết cốt, vị ưng thị xá tác tiền si” (Tự xét thân này còn cốt sắt, lẽ đâu ngồi đó chịu ngây tiền). Sau khi ông mất, cụ Huỳnh Thúc Kháng còn làm một đôi câu đối rất cảm động để viếng ông:

“Khổ sanh ngã ư Việt Nam trấp thế kỷ chi sơ, bất khứ bất tử tức vi tù; khả liên lạc lạc chích thân, bệ nhục tọa kinh phao tuế nguyệt
Trọng kỳ quân ư Côn Đảo thập tam niên chi hậu, tái tiếp tái lê vưu hữu tấn; hốt thử yêm yêm nhất bệnh, hung hồn tảo khứ tác phong lôi

Mính Viên tự dịch:

Khổ sanh ta đầu thế kỷ hai mươi giữa nước Việt Nam, không đi không chết lại mang tù; xót thay quạnh quạnh chiếc thân, thịt vế ngồi đưa ngày tháng chóng
Trông mong ngươi sau mười ba năm lìa hòn Côn Đảo; lại dậy lại làm càng tấn tới; bỗng chốc yêm yêm một bịnh, hung hồn hóa lẫn gió giông đi!

Những câu đối liên quan đến Tổng Đốc Hà Đông Vi Văn Định (1878 - 1975)[sửa]

Vi Văn Định vốn người dân tộc Tày, sinh tại Bần Chu, làng Khuất Xá, châu Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn (nay là xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn), nguyên quán xã Vạn Phần, tổng Vạn Phần, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An. Năm 1929, ông là Tổng đốc tỉnh Thái Bình, đến năm 1937, ông chuyển về làm Tổng đốc tỉnh Hà Đông (1937-1941) thay Hoàng Trọng Phu. Khi Vi Văn Định về làm tổng đốc Hà Đông, có nhà thơ hay viết báo Trung Bắc là Trần Bình từng phản ảnh qua câu đối sau: (có sách khắc lại ghi rằng: "Thuở ấy có một nhân sĩ trí thức tên Nguyễn Đình Đạo người Kiến An đến Hà Nội chơị Nghe dư luận bàn tán xôn xao về vụ Vi Văn Định thay ghế Hoàng Trọng Phu, ông Nguyễn Đình Đạo bèn đặt một câu đối thay lời bình luận):

"Hoàng trùng đi, Vi trùng lại, suy đi xét lại, Vi hại hơn Hoàng" (Hoàng trùng và Vi trùng đều là những bệnh ôn dịch nguy hiểm).
Hoàng Trùng là con cào cào, châu chấu. Vi trùng là những sinh vật cực nhỏ phải nhìn bằng kính hiển vi mới thấy được. Chử trùng ở đây được dùng để chỉ những động vật lớp dưới. Tuy là lớp dưới nhưng tai họa do chúng gây ra không phải là nhỏ. Hoàng trùng thì phá hoại mùa màng đến tàn mạt còn vi trùng thì... khỏi nói. Chữ Hán, trùng còn có nghĩa là con cọp. Trong truyện Thủy Hử có một đại du đãng, mệnh danh là một mao đại trùng (con cọp lớn không có lông) bị trang hảo hán Lương Sơn Bạc là Thanh diện thú Dương Chi trừng trị giữa chợ. Hoàng trùng và vi trùng hiểu theo nghĩa nào cũng đáng sợ cả. Lúc đó tỉnh Hà Đông bị nạn châu chấu hại mùa màng, còn tỉng Thái Bình đang bị bệnh dịch tả. Mấy chữ Hoàng trùng và Vi trùng trong câu đối vưa ám chỉ tai nạn vừa ám chỉ 2 tên quan lại ác ôn. Câu đối qúa hay nên chỉ ít lâu sau đã loan truyền khắp nơi. Vi Văn Định nghe được bàn với Hoàng Trọng Phu quyết tìm cho được ai là tác giả, sẽ đập chết ngay. Rất may là chúng đã không điều tra ra được nên ông Nguyễn Đình Đạo vẫ ung dung tự tại.
Thấy không ai đối nổi câu đối của mình, ông đành phải tự đối rằng: Pháp tặc áp, Nhật tặc đăng. Quỉ áp ma đăng, Nhật tăng hơn Pháp
Câu này cũng mang tính thời sự: giặc Pháp đang áp chế, giặc Nhật chuẩn bị đổ bộ. Quỷ áp bức, ma đổ bộ nhưng giặt Nhật còn hung dữ hơn cả giặc Pháp. Hai câu đối trên cho thấy cái bản lãnh đáng nể của kẻ sĩ phu đất Bắc : văn học uyên thâm, nhận định về con người và thời cuộc rất sáng suốt. Nhưng đáng quí hơn hết là khẩu khí của người sĩ phu yêu nước. Gặp khi quốc phá gia vong mà người trong nước còn giữ được sĩ khí như vậy thì sớm muộn cũng có ngày giành lại được cơ nghiệp của cha ông.

Tương truyền Vi Văn Định rất thích chơi cây cảnh, non bộ và câu đối. Có lần ông mời 1 Thầy Đồ ở Nam Định để đề câu đối cho bể non bộ nhà ông, nhà nho ngắm nghía hòn non bộ rồi viết:

Nam sơn trúc bất tận
Đông hải ba vô cùng
Thầy đồ giải thích: "Bẩm cụ lớn, vế trên có nghĩa cây trúc ở núi Nam không bao giờ hết, nghĩa bóng nói giòng dõi cụ lớn sẽ thịnh đạt mãi; vế dưới có nghĩa sóng biển Đông không bao giờ cùng, ngụ ý ca tụng công ơn của cụ lớn đối với dân mênh mông như biển cả". Viên Tổng Đốc đắc ý, trọng thưởng nhà nho và thường hay khoe câu đối với các quan khách tới chơi; mọi người đều tấm tắc khen hay. Có ngờ đâu nhà nho kia đã chửi ngầm tổng đốc thật độc! Nguyên câu đối xuất phát từ hai câu trong bài hịch đả kích Tùy Dạng Đế của Lý Mật đời Đường:
Quyết Đông hải chi ba, lưu ác bất tận (Khơi hết sóng Đông hải, cũng chưa hết ác)
Khánh Nam sơn chi trúc, thư tội vô cùng (Viết đến hết thẻ trúc ở Nam sơn cũng chưa hết tội!)

Những giai thoại liên quan đến Hiệp Lý LÊ TRÍ HIỂN (1879 - 1943)[sửa]

Năm 1940, Hiệp Lý LÊ TRÍ HIỂN vào Nam dự Đại Hội Long Vân thứ 12 tại Thánh Tịnh Minh Kiến Đài. Hôm đó có đông đảo các chức sắc của các Chi Phái Đạo Miền Nam. Sau ngày Đại Hội lại tổ chức đêm văn nghệ tại Văn Minh Đài do Ngài Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt chủ xướng: Mở đầu Cụ Lịch ra một vế đối:

"Nhật Nguyệt hiệp minh, minh đức, minh tâm, minh chánh đạo"

và nhờ phái đoàn Trung Kỳ đối giúp, Cả Hội Trường im lặng chờ đợi, Ngài Hiển ung dung lên tiếng xin đối:

"Thiên nhơn thành Phật, Phật thân, Phật quả, Phật nhơn duyên"

Mọi người vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt vì vế đối quá tài tìn. Chính cụ Lịch cũng ngạc nhiên và thán phục tài học của Ngài. Cụ Lịch phải khen là kỳ tài và cả Hội Trường thêm một lần vỗ tay tán thưởng. Đang phấn khởi, lại được động viên, Ngài tiếp tục Trổ tài, xin được góp thêm cho buổi văn nghệ một vế đối lái:

"Trân tướng tùng tiên trương tấn lý"(Trân Tướng là Trương Tấn, câu đối nói về tích ông Trương Lương dâng dép cho Huỳnh Thạch Công ngày xưa)

Cụ Lịch nhìn mọi người tỏ ý khâm phục biệt tài của người ra Thai và động viên đối lại. Bấy giờ Ngài Huỳnh Ngọc Trác lên tiếng xin phép đối, nhưng không được sát:

"Thánh Quân xuất thế thuấn canh điền"(Thánh quân trái lại là Thuấn canh, câu đối nói về tích ông Vua Thuấn cày ruộng sau thành bậc vua Thánh)

Mọi người vỗ tay hoan nghinh, xong quay sang yêu cầu Ngài tiếp tục cuộc vui. Ngài lại lên tiếng đối lại vế đối trên làm mọi người cười vui vẻ:

"Tịnh Cung ngũ dạ tụng kinh thanh"(Tịnh cung trái lại là Tụng Kinh)

Riêng cụ Lịch đã phát biểu bày tỏ sự khâm phục thật sự của mình trước một Hướng Đạo thâm nho của Phái Đoàn Hội Thánh Trung Kỳ mà từ lâu Cụ hơi xem thường.

Những câu đối của Ông Cử Đông Tác Nguyễn Hữu Cầu (1879 - 1946)[sửa]

Nguyễn Hữu Cầu hiệu Giản Thạch, thường được gọi "Ông Cử Đông Tác" là một nhà nho tiến bộ, đồng sáng lập viên trường Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907 tại Hà Nội. Ông sinh tại xóm Cam Đường, làng Trung Tự, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông cũ; nay thuộc địa bàn tổ dân phố 81A phường Kim Liên (gần phố Đông Tác), quận Đống Đa, Hà Nội. Tên khai sinh là Khai ("mở"), tên đi thi là Hữu Cầu, hiệu Giản Thạch (hòn đá dưới suối), về già lấy hiệu Đông Trì (cái ao phía đông); bà con xóm làng quen gọi là cụ Cử Cầu hoặc cụ Cử Đông Tác (Đông Tác là tên một phường thuộc thành Thăng Long, trong đó có làng Trung Tự). Ông đỗ cử nhân Hán học khoa thi năm Bính Ngọ (1906). Ông sở trường về câu đối, nổi tiếng nhất là đôi câu đối chữ Nôm táo bạo đã được Ban Tổ chức Lễ Truy điệu Phan Chu Trinh (1926) tại Hà Nội chọn và treo trước lễ đài:

"Ấy ai gánh nước Tây Hồ, tưới vun cõi Lạc trời Hồng, nảy mầm ái quốc
Ngán lũ gọi hồn Nam Việt, nhìn nhận sông Lô núi Tản, vắng bạn đồng thanh"

Trên bức tường hoa trước sân nhà, Nguyễn Hữu Cầu cho đắp nổi đôi câu đối chữ Nôm với ẩn ý "Yêu nước" như sau:

"Yêu hoa phải mượn tường ngăn gió
Thích nước nên xây bể cạnh nhà"

Những câu đối liên quan đến danh nhân Vương Hữu Phu (1880 - 1941)[sửa]

Vương Hữu Phu, còn có tên là Vương Đình Thụy, húy Bảy, tự Vi Tử, sinh tại thôn Long Vân, xã Vân Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cụ làm quan đến chức Thừa chỉ hậu bổ, Trước tác xung Cơ mật viện. Cụ còn để lại một số câu đối sáng tác treo ở nhà thờ họ Vương ở Vân Diên, Nam Đàn và ghi trong tài liệu gia đình Phó bảng Đào Phan Duân ở Bình Định (Trong sách: “Câu đối xứ Nghệ” - NXB. Nghệ An, 2005.- T.1). Cụ là người chung thủy với thầy và đồng môn, đã cùng các học trò khác làm câu đối mừng thầy là Nguyễn Thế Cát được thăng chức và hiện còn được treo ở nhà thờ thầy như sau:

Hội trung tư mã nhàn kỳ thạc
Đường thượng tam chiên tiến đại phu

Dịch:

Trong hội triều quan, thầy là bậc kỳ lão nhàn nhã
Trên đường thăng chức, mừng thầy lên bậc Đại phu

Lại có câu:

Phượng chiếu thập hàng nhàn vân nhất phiến
Chiên đường tam tiến thái hộ tăng quang

Dịch:

Chiếu vua mười hàng, một làn mây nhàn nhã
Đường thăng chức tước, cửa lớn càng sáng thêm

Câu đối của Phó Bảng Đốc Học Nghệ An Hoàng Văn Cư[sửa]

Hoàng Văn Cư người làng Vạn Lộc (nay thuộc phường Nghi Tân), đậu Phó bảng khoa Giáp Thìn, Thành Thái 16 (1904) làm đến quan Đốc học Nghệ An. Ông rất tự hào với tú khí và nhân vật của quê hương mình ở dưới chân núi Lò nên đã sáng tác một đôi câu đối về dòng văn nơi đây:

Thù xuyên đạo mạch Chu Nam Bắc
Lô lĩnh văn phong tự cổ kim

Nghĩa là:

Đạo Nho từ sông Thù thông suốt Nam cùng Bắc
Văn phái vùng núi Lò có từ cổ đến nay

vùng đất sát cửa biển này còn có một ngọn núi mang tên là Lô Sơn (núi Lò), cửa biển Cửa Lò chính là xuất phát từ tên gọi của núi Lò mà ra, ngay dưới chân núi Lò có một ngôi chùa cổ từ triều Lê Trung Hưng là Phổ Am Tự cũng được gọi là chùa Lô Sơn (chùa núi Lò)

Phạm Văn Ngôn và Phạm Văn Thản[sửa]

Phạm Văn Ngôn và Phạm Văn Thản là con cụ Phạm Văn Bật, người làng Yên Nội, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).

  • Phạm Văn Ngôn hiệu Tùng Nham (1881 – 1914), Đỗ tú tài tham gia phong trào Duy Tân cùng với Đặng Thái Thân, năm 1905 ông ra Yên Thế tham gia chiến đấu dưới cờ Hoàng Hoa Thám. Đề Thám cho ông đóng quân ở một đồn thường gọi là đồn Tú Nghệ, 1909 ông bị bắt và bị đầy ra Côn Đảo và mất tại đó. Hay tin Phạm Văn Ngôn mất, thầy dạy ông là Đặng Nguyên Cẩn đã làm câu đối điếu như sau:
Đen vàng chưa định, đời chưa hiếm tài dùng, đã dậy mà ngã ấy ai ư? đã ngã mà lại dậy ấy ai ư? đặt ta giữa góc biển chân trời, cầu khắp muôn hồn đồng cứu nước
Lừa lọc vô tình, trời xem ra say quýt, nọ nên chết sao sống nhăn kia vậy, nọ đáng sống sao lại chết tươi như vậy, xót người chỉ tay không mặt trắng, ruỗi dong một kiếp hẳn quên nhà

Trong khi ông đang ở Hà Tĩnh, thì ông được tin sét đánh, bạn ông là Đặng Thái Thân (hiệu Ngư Hải) ở làng Phan Thôn, huyện Nghi Lộc đã tự sát bằng bắn súng để khỏi rơi vào tay giặc Pháp. Quá thương người đồng chí, ông vừa khóc, vừa thảo đôi câu đối viếng bạn:

“Song Ngư ngật ngật, cố nhân quy an quy. Sổ thập niên ái quốc thâm tâm, huyết thả vị chi ẩn, túc thả vị chi luy, bôn tẩu giang sơn phong vũ tế
Nhất bộc oanh oanh, quốc hồn tỉnh vị tỉnh. Thiên lý ngoại chinh phu viễn khách, sư văn chi nhi bi, hữu văn chi nhi tích, khốc ca hào kiệt tử sinh gian”

Trần Huy Liệu dịch:

“Ngất ngất Hòn Ngư, người cũ về đâu đó? Mấy mươi năm lòng son yêu nước, chân đã mòn, máu đã hộc, chống chèo non nước buổi mây mưa
Ầm ầm tiếng súng, hồn nước tỉnh hay chưa? Ngoài nghìn dặm khách lạ bên trời, thầy cũng tiếc, bạn cũng thương, cười khóc anh hùng cơn sống thác”

Một lần, Phạm Văn Ngôn cùng các bạn lang nho đi chơi, gặp một cô gái rất xinh đẹp. Các thầy buông lời trêu ghẹo, tán tụng nọ kia nhưng cô chỉ cười không đáp. Một thầy đồ trẻ buột miệng ra một câu tức cảnh, lấy chữ trong Kiều:

Tài sắc đó đà nghiêng cả nước

Cô gái nghe xong, bỗng dừng lại, mạnh dạn nói với các thầy: "Em đố các thầy vẫn dùng chữ Kiều mà đối lại một câu khác xem. Các thầy lúng túng nhìn nhau. Phạm Văn Ngôn liền đọc:

Anh hùng đây cũng lúc không nhà!

Cô gái phải chịu là hay, sau đó, cô hỏi thăm biết anh khóa mẫn tiệp có hiệu là Tùng Nham, quê ở Yên Nội, Đức Thọ, Hà Tĩnh, cũng gần chỗ với quê cô. Hai người làm quen và cuộc tình duyên thắm thiết cũng bắt đầu từ đó.

  • Phạm Văn Thản (1884 – 1920), ông có tên thường gọi ở quê nhà là Đồ Thản, một người con rất có hiếu với mẹ. Sau khi ông Ngôn bị bắt đày ra Côn Đảo, ông thoát ly gia đình cùng với Đội Quyên, Ấm Võ (tức Lê Võ - người cùng huyện), Tú Phương… đi quyên góp quỹ du học sinh Đông Du. Vào khoảng cuối năm 1914, ông bị Pháp bắt giam ở nhà lao Vinh, sau đó ông bị lưu đày và bị bệnh và qua đời ngoài Côn Đảo. Sau này hậu duệ dòng họ Phạm có làm đôi câu đối điếu khi ra thăm Côn Đảo nội dung như sau:
“Cõi Hồng Lam cao đắp thành sầu, phong cảnh đó người đi đâu vắng!
Miền Côn Đảo ngàn trùng bể thẳm, nông nỗi này ai lấp cho vơi?”

Những câu đối liên quan đến Cử Nhân Đàm Xuân Hướng[sửa]

Ông Cử làng Tu Hoàng, đó là danh hiệu dân làng Mậu Hòa huyện Hoài Đức thường nói về ông. Ông tên thật là Đàm Xuân Hướng, người làng Tu Hoàng huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây. Làng Mậu Hòa còn gọi là Mậu trang, nằm bên tả sông Hát, bên kia là đỉnh núi Sài Sơn, sơn xanh thuỷ tú, phong cảnh thật hữu tình. Năm Bảo Đại Nhâm Thân (1932), họ Phí làng Mậu Hòa tổ chức xây dựng nhà thờ họ để thờ phụng cụ tổ Phí Đăng Nhậm - Tiến sĩ triều Lê, ông có bài văn bia Mậu Hòa Phí tộc cung kỷ phả ký soạn năm Bảo Đại 8 (1933) và tặng một câu đối:

Vọng ấp phỏng văn khoa, Phí công hậu, Nguyễn công tiền tương huy Phật lục
Danh khu chung vượng khí, Mậu chi sâm, Liễu chi trường, đồng diện đức căn

Tạm dịch là:

Tìm hiểu bản văn khoa ở vọng ấp, thời sau ông Phí, thời trước ông Nguyễn cùng rạng danh trong đăng khoa lục
Chung đúc vượng khí tại xóm làng lừng danh, cành Mậu tốt, cành Liễu dài đều làm cho cội đức thêm bền vững
Tuy là câu đối viết cho họ Phí làng Mậu Hòa, song Đàm Xuân Hướng đã đề cập đến cả một vùng đất văn hiến Mậu Hòa và Dương Liễu. Ở Mậu Hòa có Phí Đăng Nhậm đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ triều Lê, làm quan đến Đô cấp sự trung Công khoa. Ở Dương Liễu có Nguyễn Danh Dự thi đỗ Hội nguyên Tiến sĩ năm 1685. Phải nói ông hiểu biết rất tường tận về quê hương Mậu Hòa, về mảnh đất linh thiêng và con người tài giỏi ở đây.

Tại từ đường họ Đỗ, một vọng tộc lớn trong làng, di bút của ông trên tấm bia Đại Đỗ tộc bi soạn năm Bảo Đại 9 (1934) và đôi câu đối lưu truyền đến ngày nay:

Tá Hoa động dĩ khai cơ, nhất thống sơn hà giai nghị lực
Du Mậu lâm nhi phỏng cổ, ngữ châu phong hội thử sùng từ

Tạm dịch là:

Phò chúa động Hoa Lư gây dựng cơ đồ, thống nhất non sông đều nhờ nghị lực
Thăm rừng quê làng Mậu kiếm tìm dấu cũ, năm châu vận hội lưu tại đền thiêng

Những câu đối của Đầu Xứ Nguyễn Khắc Nhu (1882 - 1930)[sửa]

Nguyễn Khắc Nhu là người làng Song Khê, cách thành phố Bắc Giang chừng dăm cây số. Hồi thi sát hạch, ông đỗ đầu xứ, nên mọi người thường gọi là Đầu xứ Nhu. Hồi ông làm tổng sư (thầy giáo của một tổng, độ vài ba làng), ông có đôi câu đối rất hay:

Tay chẳng việc quan mà cụ Tổng
Miệng không niệm Phật cũng ông Sư

Ông có lòng yêu nước, chịu ảnh hưởng của phong trào Đông du và Đông Kinh nghĩa thục, từng đi vay tiền, thóc nuôi chiến hữu. Có lần gặp những vị điền chủ keo kiệt, không cho vay, ông cũng vận dụng thành ngữ tục ngữ, xuất khẩu nên đôi câu đối thú vị:

Giật đầu cá vá đầu tôm. quý hồ xong việc
Thắt cổ mèo treo cổ chó, vị tất hơn ai

Nơi ông sinh ra là cái nôi của nhiều làn điệu dân ca và văn học dân gian. Ngay từ nhỏ ông đã từng theo một phương chèo đi khắp miền Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn. Những làn điệu dân ca đầy chất trí tuệ, nhưng không kém phần lạc quan thấm vào ông từ lúc nào. Chí lớn, hoài bão của ông được thể hiện rõ nét trong thơ. Đây là câu đối treo trên tường lớp học, cùng bản đồ thế giới:

“Bích quải địa dư đồ, Tổ quốc giang sơn hà xứ tại?
Đường tôn nho giáo học, Nam cương tử đệ kiếp tông dư?”

có nghĩa là:

Trên vách treo bản đồ, Tổ quốc non sông đâu đó nhỉ?
Trong nhà tôn nho học, cháu con đất nước nối dòng chăng?

Trong khi vận nước đang lúc khó khăn, nhưng Nguyễn Khắc Nhu vẫn tin tưởng vào tương lai của dân tộc, của con đường đấu tranh cách mạng mình đã lựa chọn. Ngay khi còn dạy học, ông đã cho dán câu đối:

“Thế giới văn minh vô chỉ cảnh
Nhân quần tiến hóa hữu cơ quan”

có nghĩa là:

Văn minh thế giới không dừng bước
Tiến hóa loài người có chốt then”.

Nguyễn Khắc Nhu vào Việt Nam Quốc dân đảng, Đêm mồng 9 tháng Hai 1930, nghĩa quân các vùng Yên Bái, Hưng Hóa, Lâm Thao...nổi dậy… Cuộc khởi nghĩa thất bại, Nguyễn Khắc Nhu bị bắt. Để bảo toàn danh tiết, ông đã hy sinh trong tù…Nhân dân vô cùng thương tiếc và cảm phục, một nhà nho đã lập bài vị thờ cùng câu đối được nhân dân khắp nơi truyền tụng:

“Vị dân quyên sinh, vị Quốc quyên sinh, vị đảng nghĩa quyên sinh, thệ bất câu sinh đối thủ tặc
Kỳ tâm bất tử, kỳ danh bất tử, kỳ tinh thần bất tử, quyết tương nhất tử khích đồng bào”

Có nghĩa là:

Vì dân quyên sinh, vì nước quyên sinh, vì đảng nghĩa quyên sinh, thề chẳng tham sinh nhìn giặc nước
Lòng ông không chết, danh ông không chết, tinh thần ông không chết, quyết đem cái chết giục đồng bào

Câu đối liên quan đến nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936)[sửa]

Nguyễn Văn Vĩnh có biệt hiệu là Tân Nam Tử, sinh ra ở làng Phượng Vũ, phủ Thường Tín (nay là Phú Xuyên, Hà Tây). Ông đỗ đầu khóa thông ngôn 1893 – 1895 khi mới 14 tuổi. Sau đó, ông lần lượt làm thư ký ở các tòa công sứ Lào Cai, Kiến An, Bắc Ninh và cuối cùng là ở tòa Đốc lý Hà Nội. Nguyễn Văn Vĩnh đã viết gần một vạn bài báo trong 30 năm, kết cục ông bị buộc phải bỏ xứ sang Lào và vĩnh biệt ở nơi rừng thiêng, nước độc?

Câu đối viếng Nguyễn Văn Vĩnh của TUẦN BÁO ĐÔNG TÂY:

Chẳng quan mà quý, chẳng phú mà hào, giữa trời Nam gió thổi tung mây, gan óc dễ đâu vùi chín suối;
Có lưỡi như cồng, có bút như thép, trong làng báo mở cờ khua trống, văn chương âu cũng đủ nghìn thu.

Câu đối của ông Văn Tạo mừng Cử Nhân Nguyễn Văn Quýnh[sửa]

Nguyễn Văn Quýnh, tự Thất Phu, hiệu Phụng Sơn sinh năm Nhâm Ngọ (1882), mất ngày 09 tháng Một (tháng 11) năm Mậu Ngọ (1918), hưởng thọ 37 tuổi. Năm Kỷ Dậu (1909) đỗ Cử nhân, năm Canh Tuất (1910) đỗ Phó Bảng. Lúc bấy giờ, ông Văn Tạo, đang làm Huấn đạo huyện Can Lộc, có mừng đôi câu đối:

Xuân vi kế, thu vi học, Trung Tây đạm diệu mặc
Mậu Tuất hựu, Canh Tuất bảng đề, Giáp Ất khoán danh gia

Phỏng dịch:

Thi Hương đỗ, thi Hội đỗ, Hán ngữ, Pháp văn thông thạo
Anh Mậu Tuất, em Canh Tuất, ông Nghè, ông Cống vẻ vang
Lúc đầu ông được bổ làm Tri huyện huyện Nam Đàn (Nghệ An), về sau ông xin đổi về làm Giáo thụ phủ Hà Thanh (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Được khoảng ba năm, mắc bệnh rối loạn thần kinh, được gia đình đưa vào chữa bệnh ở Huế hơn một năm, được bổ làm Giáo thụ phủ Ninh Hòa (Bình Thuận) hơn một năm, bệnh cũ tái phát, ông mất ở nhiệm sở.

Câu đối và giai thoại về nhà cách mạng Nguyễn Hàng Chi (1885 - 1908)[sửa]

Nguyễn Hàng Chi quê ở thôn Đông Thượng, xã Ích Hậu, tổng Phù Lưu, huyện Can Lộc, nay thuộc huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Nguyễn Hàng Chi nguyên tên là Nối, khi đi học lại có tên là Đồ Nam và Đồ Tuy. Nguyễn Hàng Chi từng lãnh đạo cuộc làm reo phá kỳ thi miễn thuế thân (dao) cho Nho sinh năm 1906 tại tỉnh lỵ Hà Tĩnh thành công, khiến cả một bộ máy quan lại đầu tỉnh Pháp Nam một phen sửng sốt trở tay không kịp; cũng đã từng đánh lừa bọn lính khố xanh bằng vài đồng xu lẻ ném ra xung quanh mình để thoát cuộc săn đuổi của chúng dễ dàng. Người ta học thuộc và truyền nhau những cặp câu đối sắc bén của Nguyễn Hàng Chi tự giễu mình hủ lậu, chưa kịp mở mắt trước vận hội mới:

“Người người đều như Hàng Chi, còn ai là Nã Phá Luân(Napoléon), ai là Hoa Thịnh Đốn (Washington)?
Thời nay nếu sinh Khổng Tử, cũng sẽ thành Khang Hữu Vi, thành Lương Khải Siêu”.

Trong một lễ chúc thọ ông ngoại, Nguyễn Hàng Chi tìm đến phô cái đầu trọc làm người ông tái mặt, mà còn dúi cả một bài hát cho đám nhà trò hát lên để mua cười, và cũng để đánh vào nỗi đau nước mất, cốt khuyến khích mọi người hăng hái duy tân, trong bài hát đó có xen lẫn đôi câu đối sau:

Khổng Tử nhược sinh đầu đoản phát (Khổng Tử nếu sống cũng cắt tóc)
Hàng Chi đáo tử khẩu minh nha (Hàng Chi đến chết răng vẫn trắng)

Người ta cùng tuôn trào phẫn uất với Nguyễn Hàng Chi khi ông lên án những kẻ cam tâm làm tay sai như Cao Ngọc Lễ đã hèn nhát bán đứng thầy học là Tống Duy Tân cho Pháp:

“Không đất để chôn Cao Ngọc Lễ
Có tiền khôn chuộc Tống Duy Tân”

Nguyễn Hàng Chi hy sinh lúc 24 tuổi, chưa có vợ con, và cái chết rất oanh liệt của ông đã gây nên một mối cảm kích lớn trong các tầng lớp nhân dân xứ Nghệ. Được tin ông hy sinh, các văn thân đang bị giam ở nhà lao Hà Tĩnh (như Ngô Đức Kế, Lê Văn Huân, Đặng Văn Bá, Đặng Nguyên Cẩn…) đã có đôi câu đối khóc ông:

“Khẩu năng ngôn cảm ngôn, thủ năng thư cảm thư, phiên phiên khả ái tai, nhân cách đô tòng tân học xuất;
Vấn quân thê vị thê, vấn quân tử vị tử, phẫn phẫn hồ vi giả, huyết ngân chỉ vị quốc dân lưu”.

Tạm dịch:

Miệng nói giỏi dám nói, tay viết giỏi dám viết, phơi phới đáng yêu thay, nhân cách đúc nên từ học mới;
Hỏi vợ anh chưa vợ, hỏi con anh chưa con, uất uất làm gì thế, máu tươi tuôn chảy với đồng bào
Câu đối điếu Nguyễn Hàng Chi của Văn thân Nghệ-Tĩnh hiện đặt ở nhà thờ họ Nguyễn Đức

Câu đối liên quan đến Võ Liêm Sơn (1888 - 1949)[sửa]

Võ Liêm Sơn quê ở xã Hữu Ngoại, huyện Thiên Lộc, nay là xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi ra trường ông được bổ nhiệm làm tri huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam, thời gian chưa được một năm, ông bị huyền chức chuyển về làm thừa biện ở Huế, vì Võ Liêm Sơn chống lại tên thương chính người Pháp và phản đối tổng đốc Quảng Nam ăn hối lộ, bao che cho kẻ làm bậy. Nhân dân đã tặng ông đôi câu đối:

Tân chính trị diệc tân giáo dục gia, Hồng Lạc tứ thiên niên Tổ quốc chi hậu
Chân học vấn tức chân sự nghiệp giả, Hy Giang lục bách thanh lương lệnh như kim

Nghĩa là:

Nhà chính trị mới, cũng là nhà giáo dục mới, nước Hồng Lạc bốn nghìn năm nay mới có một người
Tày học vấn chân chính, cũng tày sự nghiệp chân chính, huyện Duy Xuyên (Hy Giang) lại có ông quan tốt

Bùi Bằng Đoàn (1889 - 1955)[sửa]

Bùi Bằng Đoàn sinh tại làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ. Mới 17 tuổi đã đỗ cử nhân dưới triều vua Thành Thái, sau được bổ nhiệm làm quan Án sát tỉnh Bắc Ninh; Tuần phủ các tỉnh Cao Bằng, Ninh Bình. Đến năm 1933, ông đã giữ chức Nam triều Tư pháp Bộ Thượng thư. Quãng thời gian làm việc tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Bùi Bằng Đoàn không chỉ là những người đồng chí cùng chung chiến hào chiến đấu mà giữa hai người còn gắn kết bởi mối thâm giao của những người bạn tri ân.

  • Hồi Đại chiến lần thứ nhất (1914 -1918), ở vùng Thái Bình có một tay lính đi tây về, được vua ban hàm Bát phẩm, tay ấy liền mở tiệc để ăn khao. Bà con khách khứa tới dự rất đông, nhiều người lại mang theo cả câu đối đến mừng. Bấy giờ cụ Bùi Bằng Đoàn đang làm Tri phủ Thái Bình, biết tiếng cụ hay chữ, có người đến xin cụ đôi câu đối đem mừng anh lính kia. Cụ bèn cho hai câu như sau:
Tiếp tiệp hoan hoàn, tê ư tư sắc tứ
Binh bình thoái thoại, hát ô hô huyền hồ

Nghĩa là:

“Được tin thắng trận vui mừng trở lại nhà bước lên tới đó thì được ban sắc
Việc binh đã yên, khi về nói chuyện, kêu ô hô treo cái cung”
Câu đối lắt léo và tài tình, ở chỗ nó là chữ Hán có đầy đủ ý nghĩa, nhưng đọc lên cứ tưởng là đang đánh vần quốc ngữ. Lại nữa, nó tả rất đúng cái cảnh của anh lính và hàm một ý trào phúng khá hóm hỉnh: Anh lính chỉ đén mức đó thì được ban thưởng và trình độ học thức của tay Bát phẩm cũng chỉ mới đến mức tập đọc vần quốc ngữ mà thôi. Có thuyết lại khác nói đôi câu đối trên là của ông Trần Bình

Những câu đối của Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm (1889 - 1954)[sửa]

Nguyễn Khắc Niêm quê làng Gôi Vị, nay là xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1907, thi đậu đệ nhị giáp tiến sĩ (gọi là Hoàng Giáp), khoa thi đình Đinh Mùi, tại Huế, khi 18 tuổi. Học giả nổi tiếng Hoàng Xuân Hãn năm 1927 là người đần tiên ở miền Trung đậu tú tài Tây trường Bưởi, Hoàng Giáp Nguyễn Khắc Niêm mừng câu đối mà ông Hoàng Xuân Hãn cho là đã thành “lời sấm” như sau:

Hồng Lam chung dục, tự cổ đa tài, diễm đạo tân khoa quy cựu phiệt
Âu Á văn minh, chí kim đồng hóa, giao tương xích xí dẫn thanh niên

Dịch nghĩa:

Hoàng Lam nung đúc, từ trước nhiều tài, vui nói tân khoa về cựu tộc
Âu Á văn minh, đến nay đồng hóa, hãy đen cờ đỏ dẫn thanh niên

Nguyễn Khắc Niêm nhiều năm sống và làm việc ở Huế với gia đình, làm Kiểm giáo, trợ giáo rồi Tư Nghiệp ( Hiệu phó) Trường Quốc Tử Giám, hai lần làm Phủ doãn Thừa Thiên ( 1935- 1939), rồi chức Thị Lang, Tham tri Bộ Hình. Ông để lại rất nhiều câu đối có giá trị, trong đó có những câu tiêu biểu như sau:

Lâu đài mép nước, cỏ hoa ngóng ánh xuân tươi
Thuyền nốc bến sông mê, xóm làng bủa đầy mặt đất

Câu đối trên hai cột trụ ngoài phía sông Hương

Trời vũ trụ thái hòa, ngọc bạch y thường thủ hội
Đất kinh sư đẹp đẽ, tiếng tăm văn vật đô này

Câu đối trên trên hai cột trụ giữa mặt phía Thượng Tứ

Những câu đối của Phó Bảng Nguyễn Xuân Đàm (1889 - 1953)[sửa]

Nguyễn Xuân Đàm hiệu Tùng Lâm, quê ở làng Quần Ngọc, xã Đông Lâm, nay là xã Khánh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Sau khi thi đậu, ông được bổ làm trợ giảng Quốc tử giám một thời gian; sau đó lại ra làm Tri phủ các phủ: Đông Sơn (Thanh Hoá), Tam Kỳ, Thăng Bình (Quảng Nam). Sang đời Bảo Đại, ông được triệu vào làm Ngự tiền văn phòng, được thăng đến chức Hữu Tham tri bộ Lễ. Nguyễn Xuân Đàm là người rất hiếu học và luôn có một ý chí, niềm tin về sự thành đạt trong học hành, khoa cử. Ông đã thể hiện điều đó trong câu đối khuyến học như sau:

學海無涯勤是岸 Học hải vô nhai cần thị ngạn (Biển học vô bờ siêng thấy bến)
青雲有路志爲梯 Thanh vân hữu lộ chí vi thê (Đường mây có lối, chí lần thang)

Câu đối đề đình làng Quần Ngọc:

地有東林南巽山來坻案內 Địa hữu Đông Lâm, nam tốn sơn lai trì án nội (Đất có Đông Lâm, núi tự đông nam về trong án)
天成景趣西桥水聚到庭前 Thiên thành cảnh thú, tây kiều thủy tụ đáo đình tiền (Trời cho cảnh đẹp, cầu tây nước tụ tới trước sân)

Câu đối đề thượng điện làng Lương Hội:

上等衮花封東林日照 Thượng đẳng cổn hoa phong, Đông Lâm nhật chiếu (Mặt trời rọi Đông Lâm, lễ phục vua ban vào bậc nhất)
億年香火在良會逢亨 Ức niên hương hỏa tại, Lương Hội phùng hanh (Vận sáng về Lương Hội, lửa hương dân thắp suốt ngàn năm)

Trong một câu đối khác, dưới hình thức khái quát về đạo lý xưa nay, Nguyễn Xuân Đàm đã ám chỉ tình trạng đổ nát vô phương cứu chữa của xã hội thực dân phong kiến lúc tàn canh này:

乱伐忠臣爲國困 Loạn phạt trung thần vi quốc khốn (Lúc loạn, giết trung thần là mất nước)
平生浪子是家亡 Bình sinh lãng tử thị gia vong (Thời bình, sinh lãng tử ắt tan nhà)

Những câu đối của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889 - 1939)[sửa]

Tản Đà tên thật Nguyễn Khắc Hiếu, ông sinh tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay là xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội), nguyên quán ở làng Lủ tức làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì thuộc phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội). Năm 1913, Tản Đà làm nghề báo. Năm 1916, ông lấy bút danh Tản Đà là tên ghép giữa núi Tản, sông Đà, và chính thức chọn con đường của một người viết văn, làm báo chuyên nghiệp. Năm 1922, Tản Đà thành lập "Tản Đà thư điếm" (sau đổi thành "Tản Đà thư cục"), đây là nhà xuất bản riêng đầu tiên của ông. Ngày 7 tháng 6 năm 1939 (tức 20 tháng 4 năm Kỷ Mão), ông mất sau một thời gian chống chọi với bệnh gan.

  • Câu đối giải thích về bút danh của mình:
Mặt nư­ớc sông Đà con cá nhảy
Chập chờn non Tản cái diều bay
  • Câu đối Tết tặng mấy cô đầu ở Hải Phòng:
Ai đẻ mãi ra Xuân, Xuân ấy đi, Xuân khác về, năm nay năm ngoái Xuân hơn, kém
Nhà lại sắp có khách, khách quen vào, khách lạ đến, năm ngoái năm nay khách vắng, đông
Chữ “khách” trong vế sau có thể hiểu hai cách. Dùng với nghĩa rộng, “khách” có nghĩa là người đến thăm, và cả người được đến thăm (chủ) lẫn người đến thăm (khách) có thể là bất cứ loại người nào, làm nghề nào, ngay cả có thể có liên hệ thân thích với nhau nữa. Mặt khác, dùng với nghĩa hẹp, “khách” chỉ khách làng chơi, người đến mua vui nơi cô đầu.
  • Câu đối viếng bạn:
Bác đã về rồi, đời đáng chán!
Tôi còn ở lại, rượu cùng ai?
  • Câu đối viết tại Đền Hùng:
Có tông, có tổ, có tổ, có tôn tôn tổ tổ cũ
Còn nước, còn non, còn nước, nước non non nước nước non nhà
  • Những câu đối do người khác phúng điếu:

1 - Câu đối của Đồng Sơn (Nam Định):

Nặng "Khối tình con, tài tử giai nhân trời khéo cợt
Còn "Thề Non Nước", văn chương sự nghiệp đất khôn vùi!

2 - Câu đối của Nguyễn Văn Luận (giáo học Nam Định):

Côi Vị ngày nào, chếnh choáng giang sơn ba chén rượu
Hà Đồ số hẳn, rỡ ràng sự nghiệp mấy vần thơ

3 - Câu đối của Mai Lâm Đoàn Văn Thăng:

Bác thật "về" ư? Tiệc Rượu Thần Tiên mong đãi khách
Tôi còn ở mãi! Tình Thơ Non Nước vẫn lưu người
Câu đối này sau được Đái Ngoạn Quân (điêu khắc gia, và cũng là học giả người Trung Quốc ở Chợ Lớn, đã có lúc làm giáo sư thỉnh giảng môn Văn Chương Việt Nam tại Đại Học Văn Khoa, Saigon trước 1975) dịch Hán văn năm 1966 như sau:
公果歸乎酒席神仙方待客 Công quả quy hồ? Tửu tịch Thần Tiên phương đãi khách!
我由在也詩情山水永留人 Ngã do tại dã! Thi tình Sơn Thủy vĩnh lưu nhân!

Những câu đối liên quan đến danh nhân ÔNG ÍCH ĐƯỜNG (1890 - 1908)[sửa]

Ông Ích Đường người làng Phong Lệ Bắc (nay thuộc phường Hòa Thọ, quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng), là cháu nội danh tướng Ông Ích Khiêm. Khi tiến hành cuộc chống thuế tại Hòa Vang, ông dẫn đầu một cánh biểu tình bao vây nhà Lãnh binh Điềm, lãnh Điềm bỏ trốn trước nên cuộc vây bắt không thành. Ông Ích Đường bị quy vào tội “khích biến lương dân” (kích động nhân dân), xử trảm quyết. Tên đao phủ chém ông trên đường về bị nhân dân đón đánh hộc máu, về nhà ốm liền 3 tháng rồi chết. Sau đó, dân chúng quanh chợ quyên tiền lập miếu thờ “Cậu Đường” với hai câu đối điếu đề trước cửa miếu:

“Tinh thần thiên bất tử
Nghĩa khí thế trường sanh”

Dịch nghĩa:

Tinh thần còn mãi mãi
Nghĩa khí sống đời đời

Phan Châu Trinh có câu đối điếu ông:

“Phụ tử tử vu vinh? Bạch địa nhất thời mai trung cốt
Tiên sinh sinh hữu hậu, thanh thiên vạn cổ chiếu đơn tâm”

Khương Hữu Dụng dịch:

“Ngài chết thế mà vinh, một thuở xương trung vùi đất trắng
Ông sống còn có hậu, muôn đời lòng tỏ rạng trời xanh”

Những câu đối viếng liệt sĩ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh của Nho Soàn[sửa]

Nho Soàn quê xã Hữu Bằng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Bởi sót thương các chiến sĩ đã hy sinh trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ở Phố Châu (Thị trấn Hương Sơn) ngày 1.8.1930, ông đề 2 câu đối điếu như sau:

Chết rứa mới anh hùng, giọt máu Hồng Bàng rơi thấm đất
Sống kia mà nô lệ, nhờ hơi bạch chủng tội nghiêng trời
Hăm lăm triệu đồng bào, cờ độc lập, trống tự do, xúm tay nhau một gánh giang sơn, rết có nhiều chân voi cũng bé
Tháng tám ngày mồng một, máu hợp quần, hồn ái quốc, xót xa thay những người pháo đạn, đồng chưa đúc tượng bút truyền thần

Câu đối của Đặng Chính Kỷ viếng Nguyễn Công Thường[sửa]

Đặng Chánh Kỷ (1890 - 1931), một cán bộ Ban Tuyên truyền Cổ động xuất sắc của Tỉnh ủy trong những năm 1930 - 1931. Một loạt những bài văn tế, văn truy điệu do các chiến sĩ Cộng sản và quần chúng yêu nước sáng tác tuy làm theo thể biền ngẫu, nhưng cũng có sức rung cảm mãnh liệt, là một trong những mạch nguồn cổ vũ quần chúng đấu tranh theo gương đồng bào đã hy sinh quên mình vì nước. Đôi câu đối điếu trong buổi lễ truy điệu liệt sĩ Nguyễn Công Thường, người Thanh Chương, hi sinh anh dũng trong cuộc đấu tranh ngày 1/9/1930, là một bằng chứng sinh động về hình thức cổ động tuyên truyền của các chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng:

“Đau đớn thay nghĩ lại càng đau, nhà tan nước mất, của hết dân mòn, bể thảm lênh đênh làn sóng đỏ;
Chết như thế mới là nên chết, đất động trời vang, non sông sầu tủi, hồn thiêng phất phới ngọn cờ đào”

Câu đối liên quan đến Thượng Thư Nam Triều Phạm Quỳnh (1892 - 1945)[sửa]

Phạm Quỳnh có tên hiệu là Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân. Phạm Quỳnh sinh tại Hà Nội; quê quán ở làng Lương Ngọc (nay thuộc xã Thúc Kháng), phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Năm 1919, ông sáng lập và là Tổng Thư ký Hội Khai trí Tiến Đức. Năm 1926, ông làm ở Hội đồng Tư vấn Bắc Kỳ và đến năm 1929 được cử vào Hội đồng Kinh tế và Tài chính Đông Dương. Ngày 11 tháng 11 năm 1932, sau khi Bảo Đại lên làm vua thay Khải Định, ông được triệu vào Huế tham gia chính quyền Bảo Đại. Tại Huế thời gian đầu ông làm việc tại Ngự tiền Văn phòng, sau đó làm Thượng thư Bộ Học và cuối cùng giữ chức vụ Thượng thư Bộ Lại (1944-1945). Nhân sự kiện này, có người viết tặng ông đôi câu đối sau:

Tưởng làm đôi chữ, mà chơi vậy
Bỗng chốc nên quan, đã sướng chưa

Câu đối liên quan đến chủ bút báo Đông Tây Hoàng Tích Chu (1897 - 1933)[sửa]

Hoàng Tích Chu sinh tại làng Phù Lưu, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ngày 15 tháng 7 năm 1921, báo Khai hóa ra đời, Hoàng Tích Chu được Bạch Thái Bưởi chọn làm chủ bút. Ông bắt đầu ký tên Kế Thương trên các bài báo (ý nói kế liền nhà Thương là nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc). Năm 1923, Hoàng Tích Chu vào Nam Kỳ, nhờ người bạn làm dưới tàu thủy xin cho chân phụ bếp trên con tàu chạy sang Pháp. Ông từ giã cõi đời khi mới tròn 36 tuổi. Tương truyền, sau khi về nước ông làm chủ bút báo Đông Tây ở Hà Nội hay lui tới phố Khâm Thiên vì quen thân với bà Đốc Sao là chủ nhà hát cô đầu mặc dù ông không biết đánh trống ả đào và bà chủ cũng chưa hề gõ phách bao giờ. Có một câu đối diễu cợt hai người khi thấy họ Hoàng giơ cao roi chầu đánh mấy tiếng trống dạo “Tom! Tom!, Tom! Tom!” mà âm thanh từa tựa như:

Đông Tây! Đông Tây!

Trong khi bà Đốc gõ dịp phách đáp lại kêu “lát chát, lát chát” âm thanh nghe na ná như:

Vắng khách! Vắng khách!
Câu đối đùa bỡn dí dỏm ở chỗ chữ “đông” là đông đúc, “đông Tây” còn có nghĩa là “nhiều người Pháp”, vế dưới chữ “vắng” đối với “đông”, “khách” còn có nghĩa là người Tàu, “vắng khách” là “ít Tàu” đối với “nhiều Tây”. Thêm nữa, Đông Tây là tên tờ báo của Hoàng Tích Chu, còn vắng khách chỉ sự ế ẩm nhà cô đầu của bà Đốc Sao.

Những câu đối của Liễu Tâm Chơn Nhơn Huỳnh Ngọc Trác (1898 - 1945)[sửa]

Huỳnh Ngọc Trác sinh tại làng An Tráng, Phủ Thăng Bình, Quảng Nam, nay là xã Bình Sơn – Huyện Hiệp Đức, Quảng Nam. Lúc nhỏ Ngài tên là Huỳnh Quang Tứ, khi đi học thầy giáo Nguyễn Khoảnh đặt tên cho Ngài là Huỳnh Ngọc Trác, biệt hiệu là Lang Tuyền. Khi thọ giáo Minh Sư với đạo sư Võ Xuân Kỉnh (Thầy Chín Phú Bông) Ngài có Pháp Danh là Huỳnh Kim Cốc. Năm 1938, Ngài Quy hiệp Cao Đài và trở thành Hướng Đạo cốt cán của Hội Thánh Cao Đài Miền Trung.

  • Những câu đối cảm tác và phúng điếu:

1. Khóc thờ Cha năm 1931:

Sóng cạnh tranh vì đâu lay động, giống vạ lay tràn, Cha đau con có biết, Cha thác con không hay, ở nhà nhờ Mẹ, nhờ Vợ, nhờ học trò, nhờ tộc Đạo hương lân, nỗi thảm ấy con xin chịu tội
Bể hòa bình chắc lẽ lặng yên, dòng văn lan khắp, Mẹ mệt con ở nhà, Mẹ khỏe con thành công, một dạ lạy Trời, lạy Đất, lạy Phật, lạy Tôn Sư, lạy Thánh Thần Tiên Tổ...cõi tịnh kia Cha đặng thanh nhàn

2. Cảm tác năm 1936:

Hơn hai mươi năm rán rẩm tu trì, Tâm bất định: Khi Phật, khi Tiên, khi Thần, khi người, có khi xen ma quỷ, nên chưa biết về đâu, quyền truất trắc sẽ nhờ ơn Thượng Đế
Gần bốn chục tuổi lươn ương thân mệnh, bệnh đa tình, nầy Gia, nấy Quốc, nầy Tộc, nầy thế, có lúc kịp muôn chim, trông sao đều đặng chỗ, số đoản trường âu phỉ chí bình sanh

3. Điếu bạn Phan Kiều ở Tiên Phước:

Gẫm cuộc đời như vụ xoay tròn, chết như anh em chừng cũng khỏe, song thương thay vợ dại, thân già, núi bét tuyết chan đầy đất thảm
Trông thế giới tợ tơ vò cục, sống như tôi cũng chả làm gì, nhưng nhờ được đàn em, lũ trẻ, sông Nghi nước mát đoạn trời phiền

4. Liễn treo ở nhà:

Thích Ca dĩ khứ, Di Lặc vi lai, tưởng ngã quần luân, hãm nhập mê tân thù chửng bạc
Thái Thượng tùy kinh, Văn Tuyên truyền điển, vọng ngô đồng bối, đẳng tư giác ngạn, dĩ đề huề

5. liễn thờ ở Dưỡng Chánh Đường (tư thất):

Thờ những vị Trời Cha Đất Mẹ, anh Chấn đến chú Cấn, Chị Tốn đến cô Đoài, u hiễn tinh thần, ngôi báu thái hòa trong sáng thể
Cúng những vật tủy thỏ gan ô, giáp mộc với canh kim, Dương mồ cùng âm kỷ, hình hài vũ trụ, hình đèn trí tuệ quả hoa tâm

6. Treo ở cổng Thánh Thất Trung An:

Muốn đến Đại Đồng noi đường lớn
Toan về cực lạc mở lòng sâu

Những câu đối liên quan đến Phan Đăng Lưu (1902 - 1941)[sửa]

Phan Đăng Lưu sinh tại xã Tràng Thành (nay là Hoa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Nhân dịp tên Tổng đốc Pháp được thăng chức mở tiệc ăn mừng, Phan Đăng Lưu đã bí mật dán trước cổng dinh Tổng đốc đôi câu đối đả kích bọn quan lại có nội dung như sau:

"Tổ quốc diệt vong, vẻ vang đó linh đình yến tiệc
Đồng bào nô lệ, sung sướng thay nhộn nhịp xướng ca"

Năm 1923, Phan Đăng Lưu được bổ dụng vào làm cán bộ kỹ thuật tại Trại nuôi tằm Thanh Ba tỉnh Phú Thọ. Phan Đăng Lưu cùng một số thầy giáo trường Quốc học Vinh tham gia giảng dạy các lớp học đêm cho con em công, nông nhằm nâng cao trình độ văn hóa và chính trị. Năm 1927, ông bị cách chức. Năm 1939, Phan Đăng Lưu được bầu bổ sung vào Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương. Năm 1940, Phan Đăng Lưu bị bọn mật thám bắt. Kết quả, ông bị xử bắn tại Bà Điểm ở Hóc Môn. Dưới đây là những câu đối được khắc tại nhà lưu niệm, cũng chính là ngôi nhà của ông ở ngày xưa. Câu đối mặt ngoài trên tầng 2 có nội dung là:

“Đồi lĩnh y sơn triều hạ ốc
Nông giang dịch thủy bài thi đường”

nghĩa là:

“Hòn đồi núi ấy chầu nhà hạ
Nông giang đầy nước bài thơ đường”.

Câu đối ở giữa có nội dung:

“Âu Á văn thư hương ốc bích
Cao tăng quy cũ diện cơ đồ”

Nghĩa là:

“Sách vở Âu Á thơm mùi nhà cửa
Quy mô tổ cũ diện cơ đồ”.

Câu đối mặt trước tầng 1 là:

“Nhân từ dịch thế hàm công đức
Cần kiệm song sinh ngưỡng dục sinh”

Tạm dịch:

“Đời đời nhân từ ơn công đức
Song thân cần kiệm nhớ sinh thành”

Trên hai cột giữa nhà có đôi câu đối:

"Mạc hổ hiến hách linh trạc thanh
Đăng ty giả khí văn tuấn nhi"

Nguyễn Thái Học[sửa]

Nguyễn Thái Học sinh ra ở những năm đầu của thế kỷ 20, trong một gia đình Nho học. Thổ Tang, Vĩnh Tường là quê hương ông. Năm 1927, tại Nam Đồng Thư xã (Hà Nội) Nguyễn Thái Học đã thành lập Việt Nam Quốc dân Đảng do ông làm chủ tịch. Dưới sự lãnh đạo của Việt Nam Quốc dân Đảng đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Thái Học, phong trào bạo động chống Pháp ở các tỉnh đã nổ ra mà đỉnh cao là khởi nghĩa Yên Bái vào đêm 9, rạng ngày 10-2-1930. Tất nhiên là các cuộc bạo động đã không thành công. Việt Nam Quốc dân Đảng và khởi nghĩa Yên Bái bị dìm trong bể máu. Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí bị giặc Pháp bắt và hành hình. Ngô Quang Đoan là 1 chí sĩ yêu nước thời đó, người đã nối tiếp con đường chống Pháp của cha là Nguyễn Quang Bích, khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái bị dập tắt, ông đã có câu đối khóc Nguyễn Thái Học như sau:

Đại nghĩa sở đương vị: báo quốc đan tâm quang nhật nguyệt
Thâm thù do vị tuyết: Tiêm cừu bạo khí tráng sơn hà

Dịch nghĩa:

Nghĩa lớn nên làm: giết giặc, lòng son ngời nhật nguyệt
Thù sâu chưa trả: hy sinh, khí mạnh rạng non sông

Câu đối liên quan đến Tô Chấn (1904 - 1936)[sửa]

Tô Chấn sinh tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang. Năm 1927, Tô Chấn tham gia Việt Nam Quốc dân đảng do Nguyễn Thái Học đứng đầu và trở thành đảng viên cốt cán, kiên cường, được cử làm Đảng trưởng kỳ bộ Nam Kỳ. Tháng 10/1930, Tô Chấn bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội, kết án chung thân, đày đi Côn Đảo. Đầu năm 1936, Tô Chấn được chi bộ nhà tù bố trí vượt ngục Côn Đảo, chẳng may đều hy sinh trên biển. Tưởng nhớ Tô Chấn, những đồng bạn tù tại Côn Đảo đã viết câu đối sau:

“Từ Xuân Cầu chọn hướng đời trai, chí cách mạng Tô hồng trang sử Đảng
Từ Côn Đảo tìm về Đất Mũi, gương hy sinh Chấn động một vùng trời”

Câu đối liên quan đến Nhà Cách Mạng Nguyễn Sĩ Sách (1909 - 1929)[sửa]

Nguyến Sỹ Sách hiệu Tùng Thúc, sinh tại thôn Tú Viên, nay thuộc xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Năm 1929, ông là một trong ba đại biểu Trung Kỳ tham dự Đại hội lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Hồng Kông, sau đó được bầu vào Ban chấp hành Tổng bộ của Hội. Tháng 7 năm 1929, toàn bộ thành viên của Ban chấp hành Kỳ bộ Trung Kỳ bị bắt. Ngày 10 tháng 10 năm 1929, ông bị kết án khổ sai chung thân. Ngày 19 tháng 12 năm 1929, trong lúc cố gắng vượt ngục, Nguyễn Sĩ Sách đã bị bắn vào lưng và qua đời. Người bạn học của ông, Tôn Quang Phiệt, bấy giờ là lãnh tụ Đảng Tân Việt, đã làm câu đối điếu ông:

"Chết không nhắm mắt, sống há lẽ nhăn răng, ngậm ngùi giọt máu tha hương, bể khóc non kêu vang giục khách tang bồng, oan ức có khi trời ngảnh cổ"
"Khóc cũng hổ ngươi, cười sao ra nước mắt, đau xót tấm lòng cố hữu, rày trông mai tưởng, bấm bụng đành câu tâm sự, tạo phùng còn đợi đất vùi xương"

Những câu đối Tết được các chí sĩ cách mạng sáng tác trong tù thời Pháp Thuộc[sửa]

Câu đối Tết trong tù là những câu đối xuất hiện dưới thời thực dân Pháp thống trị, của các chiến sĩ cách mạng bị chúng bắt giam tại nhà tù Sơn La. Trong hoàn cảnh vô cùng bi đát, bị tra tấn hành hạ, cả về thể xác lẫn tinh thần, câu đối Tết vừa là một hứng thú thanh tao đón chào xuân mới, vừa là một nguồn động viên có tác động sâu sắc cho việc giữ vững lòng tin tưởng ở tương lai, thúc đẩy khí thế đấu tranh cách mạng. Câu đối dán ở bếp đun nước:

Khói lửa dập tan, ngày mới đậm đà hương vị mới
Máu tim sôi sục, xuân chung tô điểm nước non chung
“Khói lửa”, “sôi sục” gắn liền với chuyện bếp nước. Từ một chuyện tầm thường, trong một cảnh thực tế đầy gian khổ, câu đối đã nâng cao lên tới những cảm tình trong sáng, tin tưởng ở những ngày xuân mới, với ý thức trách nhiệm sâu nặng đối với “nước non chung”.

Một câu khác dán ở trại giam:

Tối ba mươi giũ nợ phong trần, song sắt nhìn coi tranh lịch sử
Sáng mùng một mở màn xã hội, lửa lòng chờ đợi pháo duy tân

Câu đối mừng Xuân 1942 của Tô Hiệu (1912 - 1944):

"Hẹn với non sông đưa mới lại
Mở toang cửa ngục đón xuân vào"

Câu đối liên quan đến anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn (1931 - 1950)[sửa]

Trần Văn Ơn sinh tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Năm 1949, Trần Văn Ơn đang học lớp đệ ngũ trường Petrus Ký, đã tham gia vào Đội Vũ Trang Diệt Ác Trừ Gian của phong trào HSSV Cứu quốc. Ngày 18/05/49, đội vũ trang này đã thi hành án tử hình với hai tên mật vụ Nguyễn Văn Minh và Trần Tấn Phát. Thực dân Pháp bắt giữ cả phái đoàn của luật sư Nguyễn Hữu Thọ bỏ lên xe bít bùng đưa đi nơi khác. Thái độ đó làm bùng nổ cuộc xung đột, những người biểu tình chống trả quyết liệt với lính Pháp và cảnh sát, Trần Văn Ơn vượt khỏi đám đông tìm đường vào dinh Thủ Hiến đưa kiến nghị. Một loạt đạn vang lên, Trần Văn Ơn bị thương nặng, được đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy cứu chữa, nhưng sau đó đã mất. Lễ tang Trần Văn Ơn được cử hành trên khắp các tỉnh thành cả nước. Đi trước quan tài anh là hai câu đối được viết bằng máu của HS:

Chết vì Tổ quốc, chết nhưng vẫn sống
Sống kiếp Việt gian, ô nhục muôn đời