Câu đối khắc tại phủ, điện, đình, chùa, đền, miếu ở Hà Nội

Bộ sưu tập danh ngôn mở Wikiquote

Những câu đối khắc ở đình Gia Lâm[sửa]

Đình Gia Lâm thuộc xã Lệ Chi huyện Gia Lâm thủ đô Hà Nội, trong đình có khắc 2 câu đôi nội dung như sau:

武勇扶陳名芳北國 Vũ dũng phù trận danh phương Bắc quốc
文淵濟世顯赫南邦 Văn uyên tế thế hiển hách Nam bang

Cư sĩ họ Đặng ở đây tức là Đặng Nhượng từ cuối thời Tây Hán, Đặng hộ pháp làm quan cho nhà Hán chống Vương Mãng, sau khi mất được nhà Hán phong làm Phổ Tế Cư sĩ Đại Vương. Đời Trần được phong làm Đương Cảnh Thành Hoàng, Hộ Pháp Cư Sĩ Đại Vương.

文功指西漢千秋傳不朽
靈應夢扶陳史冊跡猶存
Văn công chỉ Tây Hán thiên thu truyền bất hủ
Linh ứng mộng phù Trần sử sách tích do tồn

Tạm dịch:

Thành tựu văn học noi theo Tây Hán, nghìn năm truyền chẳng nát
Linh thiêng báo ứng giấc mộng phò trợ nhà Trần, tích chuyện vẫn còn trong sử sách

Những câu đối thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng trong các đền miếu ở Hà Nội[sửa]

Phùng Hưng, thủ lĩnh khởi nghĩa dưới thời Đường, được nhân dân tôn làm Bố cái đại vương. Theo “Lĩnh nam chích quái”, ở thời Hùng Vương, mỗi khi gặp nguy khó thì dân ta thường dùng tiếng “bố” để cầu người đứng đầu đất nước về giúp. Hẳn thế nên tiếng “bố” là tiếng nói thuở đầu đưa người lãnh đạo vào hàng người cao tuổi thân quen. Nó phù hợp với việc Phùng Hưng từng có lúc xưng làm “Cự lão”. Theo biến đổi ngũ âm v tới b: “Vương” -> vua -> bua -> bố bố. Những từ cổ xưa như “Hùng Vương”, “Trưng Vương” không xa vời ý ấy. Cho nên tiếng “bố” vừa là con gọi bố (như Phùng An gọi Phùng Hưng) nhưng cũng là để chỉ vua chúa, người đứng đầu, người cao tuổi, có uy tín trong làng quê hay trong hàng ngũ lãnh đạo. Bố cái còn chỉ bố mẹ (chữ cái có thể là mẹ). Bố cái cũng để chỉ người bố có khí thế bao trùm cả đời, vị anh hùng cái thế. Chứng tỏ vị đại vương có hùng tài quân sự như trên đã bàn, rất cao quý nhưng lại là người bố gần gũi, dân dã…Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng thì được thờ ở đình Quảng Bá thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội. Câu đối thờ ông:

Bắc khấu đồ binh, vạn cổ sơn hà khai quốc thống, (Giặc Bắc dẹp yên, muôn thuở vẫn non sông, ghi công mở nước)
Nam bang phi mạo, triệu nhân phụ mẫu kỷ nhân bi (Nước Nam vùng dậy, triệu người tôn cha mẹ, bia tạc lòng dân)

Những tôn xưng tốt đẹp ấy, không hẹn mà nên, phù hợp với hàng loạt câu đối ở những nơi thờ tự Phùng Hưng. Như ở lăng ông, tại nơi xuất thân ghi:

“Sự nghiệp anh hùng truyền vạn thưở.
Tôn xưng cha mẹ hợp muôn dân”.

Đình Hoàng Cầu thuộc phường Ô Chợ Dừa có câu đối:

“Đất Bắc thạch bi truyền, vạn thuở nghinh vua Bố cái
Trời Nam đồng trụ tạc, ngàn thu sự nghiệp đức Đường Lâm”.

Ở Đình Kim Mã có câu đối:

“Thiên dư niên đức trạch nông hàm ngưỡng như phụ mẫu (Nghìn lẻ năm đức trạch dồi dào, kính như cha mẹ)
Thập tam trại nhân yên phồn hội trường thử giang sơn”. (Mười ba trại dân cư đông đúc, mãi còn đó núi sông)

Câu đối trên lăng mộ Phùng Hưng ở Kim Mã:

Đường nhân kỳ hữu tàm hoa ngạc liên huy thân hậu thiên vô Huyền Vũ giáp
Hán tặc hà túc sỉ thảo mao xướng nghĩa sinh tiền bất sổ Lục Lâm binh

Tạm dịch:

Người Đường có biết xấu, đài hoa liền sáng, đời sau không núp bóng Huyền Vũ
Giặc Hán bao hổ thẹm, thảo mãng dấy nghĩa, tiền nhân sá gì lũ Lục Lâm
Chỗ khó hiểu ở đây là tại sao trên mộ Phùng Hưng, một lãnh tụ khởi nghĩa thời Đường lại nói đến "Hán tặc" và quân "Lục Lâm"? Ai đã khởi nghĩa (thảo mao xướng nghĩa) chống lại quân Hán Lục Lâm? Và người này có liên quan gì tới Phùng Hưng?

Câu đối khác về Phùng Hưng:

Thanh chấn Lý Đường, Thuận Đức niên gian uy Bắc khấu
Vận thừa Mai Đế, Phong thành phủ lỵ thái Nam Bang.
Câu này cho thấy Phùng Hưng đã từng lập quốc và dựng đô ở Phong Thành. Nghĩa là trước khi chiếm thành Tống Bình (Hà Nội) Phùng Hưng đã có đô thành, hay là đã lập quốc gia riêng (với tên Nam bang)

Những câu đối khắc tại nhà thờ tiến sỹ Lê Tuấn Mậu - Thụy Lôi - Đông Anh - Hà Nội[sửa]

Nhà thờ tiến sỹ Lê Tuấn Mậu nằm trọng cụm di tích đền Sái. Ngôi đền nhỏ nằm ven sông Cà Lồ với kiến trúc đẹp. Trong đền có tượng tiến sỹ Lê Tuấn Mậu, ông đã từng làm đến chức quan thượng như thời Lê - Mạc. Ông được coi là ông tổ của nghề Vật cổ truyền. Trong đèn còn lưu giữ được khá nhiều cổ vật trong đó còn một số câu đối nói về cảnh đẹp của ngôi đền cũng như công tích của ông:

“Đền miếu nguy nga tôn lưỡng trụ
Non sông triều bái tráng trường xuân”

Hoặc:

“Đánh mạc khởi binh truyền cõi Bắc
Lê phù thề nguyện nức trời Nam”

Những câu đối khắc ở chùa Tầm Xá huyện Đông Anh - Hà Nội[sửa]

Làng Tàm Xá (hay Tầm Xá) tên Nôm là làng Vườn Vải, nằm ven sông Hồng, giữa vùng đất bãi rộng, màu mỡ, rất thuận lợi cho việc trồng dâu nuôi tằm dệt vải. Cùng với tên Nôm, tên chữ của làng cũng phản ánh điều đó (Tàm = tằm tang). Làng Tàm Xá hiện còn cả đình và chùa (Linh Ứng Tự), dưới đây là đôi câu đối khắc ở trong chùa Tầm Xá:

参願希蘇子亦取諸清淨慈悲
佞常笑何充豈溺夫輪迴報應
Tham nguyện hy Tô Tử, diệc thủ chư thanh tịnh từ bi
Nịnh thường tiếu Hà Sung, khởi dịch phù luân hồi báo ứng

Dịch nghĩa:

Mong như anh Tô Tử chăn dê, nguyện giữ lấy từ bi thanh tịnh
Cười chê gã Hà Sung thừa tướng, rồi sẽ lúc luân hồi báo ứng

Giải thích câu đối: Tô Tử tức Tô Vũ Đời Hán, nổi tiếng với tích Tô Vũ chăn dê sống một cuộc đời thiếu thốn cực khổ mà thanh tịnh. Hà Sung là thừa tường đời nhà Tấn, chuyên quyền thâu tóm quyền lực trong triều Tấn thời Mục Đế.

金身入夢漢代推尊珠珞莊嚴經自古

梵宇流輝李朝肇始旃檀屍祝迄於今

Thân kim nhập mộng, Hán đại thôi tôn châu lạc trang nghiêm kinh tự cổ

Phạn vũ lưu huy, Lý triều triệu thủy chiên đàn thi chúc ngật vu kim

Những câu đối liên quan đến bà chúa kho Lý Thị Châu tại đền Giảng Võ[sửa]

Lý Thị Châu (tức Châu Nương) quê ở làng Cổ Pháp, huyện Tiên Du, đạo Bắc Giang (nay thuộc Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh). Cha là Lý Quýnh giữ chức Điện hộ binh lương, coi giữ kho tàng ở phủ Phụng Thiên, kinh đô Thăng Long. Bấy giờ vào thời vua Trần Nhân Tông, quân Nguyên Mông kéo sang xâm lược, triều đình rút khỏi kinh đô Thăng Long. Châu Nương thay cha ở lại chỉ huy quân lính chuyển kho, bảo vệ của cải, vận chuyển lương thực đi cất giấu, không để rơi vào tay giặc. Khi giặc đang tiến gần đến Thăng Long với thế không cản được, Châu Nương cho phân tán hết lương thực vũ khí của cải còn lại, sau đó vào kho lấy khăn hồng thắt cổ tự vẫn. Triều đình cho dân làng Giảng Võ lập đền thờ Châu Nương trên nền nhà cũ ở Võ Trại; ngoài ra còn cho hơn 20 làng ở lộ Diễn Châu (nay là các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) lập đền, miếu thờ để tỏ lòng sùng kính. Hiện tại đền Giảng Võ, nơi thờ chính còn lưu câu đối nhắc đến công tích của người con gái anh hùng:

Ngang cổ nữ trung hào, vĩ tích đồng lưu Nam quốc sử
Ngất kim thành ngoại miếu, thần uy do chấn Bắc biên quân.

Nghĩa là:

Muôn thu ở bậc nữ hào, sử sách nước Nam truyền sự tích,
Miếu vũ ngất thành ngoại, biên thùy cõi Bắc dậy oai thần.
Tài chính túc sung quân, khốn nội mệnh văn thiên tử chiếu
Âm mưu năng thoái lỗ, quốc trung danh chấn nữ thần quyền.

Nghĩa là:

Của cải đủ nuôi quân, khăn yếm ra tay vâng chiếu chỉ,
Mưu hay lui giặc dữ, nước nhà nức tiếng gái tài cao.
Phù vương thất, chính cường xuyên, vạn cổ anh thư truyền quốc sử,
Hiển thần cơ, lưu thánh trợ, thiên thu tiết nhiệt chính Trần cơ.

Nghĩa là:

Phò hoàng gia, muôn thuở anh thư ghi sử nước,
Rạng danh thần, ban thánh đức, nghìn thu tiết nhiệt giúp Trần triều

Những câu đối khắc ở đình chùa làng Hồ Khẩu trên đường Bưởi - Hà Nội[sửa]

Phường Bưởi bao gồm 4 làng: làng Hồ Khẩu, Đông Xã, An Thọ và Yên Thái (hoặc An Thái). Đây là vùng đất đầy ắp những huyền thoại về công cuộc lao động khai phá hồ Tây xưa, và cũng là nơi hội tụ nhiều di tích, đình, đền chùa miếu vào loại bậc nhất ở đất kinh thành Thăng Long. Con đường Bưởi, từ Thụy Khuê lên tới chợ Bưởi mang một nét đẹp rất riêng mà không con đường nào khác ở khắp đất nước có được.

Làng Hồ được khai phá từ rất lâu, đời vua Hùng thì phải, bên hồ Tây. Đến thời Lý, Trần, Lê, làng nằm trong biên chế hành chánh của huyện Vĩnh Thuận, phủ Thuận Thiên, Thăng Long thành. Do nằm sát hồ, lại là nơi nước sông Tô Lịch chảy vào nên được gọi là Hồ Khẩu.

Điểm nhấn đầu tiên là các cổng làng đồ sộ, hoành tráng chạy dài trên một đoạn đường dài khoảng 300m. Chính giữa là cổng tam quan đình được xây dựng theo kiến trúc 4 trụ có mái cong bên trên và mái hậu lợp ngói vẩy cá. 2 cột giữa rộng 45cm, cao 7m. Bên trên 4 trụ đều có đắp hình trái rành rành cách điệu có phương chầu về 4 phía. 4 mặt trụ đều có câu đối. Bậc cổng xây tam cấp, có chiếu nghỉ rộng, hai bên có nghê chầu. Cổng có kiến trúc cổ theo lối chồng diêm cao thấp với hình tám mái, trên cổng có bốn chữ “Hồ ấp đình mông”, hai bên có đôi câu đối:

Thị xứ giải nhung y, kình đào hưởng mã tư thanh, táp sảng như uy, đồng cỏ kinh kim truyền vận sự.
Hiển linh lưu thánh tích, qui đổi từ long tảng miếu, hội đồng sở tại, phong vận tự cổ hộ trừ tư.

Dịch là:

Nơi đây cởi áo trận nổi lên tiếng ngựa hí, tiếng sóng kình giông tố nổi uy, việc tốt xưa nay trẻ già còn đàm luận.
Hiển linh thánh tích còn lưu lại đền, lưng rùa miếu trán rồng hội tụ, tại đây gió mưa từ xưa vẫn chở che.

Cổng này là cổng bề thế nhất trong các cổng trên đường Bưởi. Trước đây, cổng chính của làng Hồ chỉ được mở vào ngày hội hoặc khi có quan lớn trên về, thường người dân làng chỉ đi cổng phụ ở hai bên. Còn hiện nay, cổng làng mở quanh năm. Cổng làng còn bị lấn chiếm. Trước cổng buôn bán tùm lum. Thật khó mà tìm được một khoảnh khắc vắng vẻ để chụp được tấm ảnh cho sạch sẽ. Gắn liền với tam quan đình về phía bên trái là cổng vào giáp Bắc của làng, còn gọi là cổng Giếng. Đôi câu đối trên cổng ghi là:

Cổ vãng kim lai hành chính đãng
Nam du bắc ngoại hướng danh nam

Dịch là:

Xưa nay qua lại đều trên đường này
Từ nam tới bắc hướng tới tây hồ

Tiếp theo còn một cổng nữa là cổng giáp Đông (giáp như là một xóm). Trên cổng Đông có chữ Đông giáp môn và đôi câu đối:

Mỹ tục thuần phong vĩnh chiếu tây hồ mính kính
Thiện ngôn hảo sự trường lưu mạt lợi danh hương

Tạm dịch là:

Mỹ thục thuần phong soi sáng mãi gương tây hồ trong sáng
Nói hay làm tốt hoa nhài còn mãi danh thơm

Phải nói các cụ ngày xưa thật là văn hay chữ tốt. Và bây giờ con cháu cũng cố gắng bằng với tổ tiên, nên có đôi câu đối bằng chữ quốc ngữ ở phía trong của cổng:

Nếp sống văn minh gương tây hồ trong sáng
Câu thơ thanh lịch lan tỏa mùi hoa bưởi ngát hương

Câu đối khắc ở chùa Tĩnh Lâu thuộc làng Hồ vừa đề cập bên trên, bên trong tam quan có khoảng không thoáng mát yên tĩnh lạ thường, đúng như lời giới thiệu trong câu đối trước tam quan chùa:

Hộ Thượng Tịnh Lâu thuý trúc, hoàng hoa giai phật tử
Môn tiền, sạn phát, trường tùng, tế thảo thị chân thư”.

Nghĩa là :

Chùa Tĩnh Lâu ở trên có hồ trúc đẹp, hoa vàng đều là cõi của Phật
Nơi thờ tự trước cửa có tùng già, cỏ xanh, ấy chính chốn chân tu.

Những câu đối ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám[sửa]

  • Văn Miếu – Quốc Tử Giám là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội, nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long. Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vườn Giám, mà kiến trúc chủ thể là Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám có tường gạch vồ bao quanh, phía trong chia thành 5 lớp không gian với các kiến trúc khác nhau. Từ ngoài vào trong có các cổng lần lượt là: cổng Văn Miếu, Đại Trung, Khuê Văn Các, Đại Thành và cổng Thái Học. Với hơn 700 năm hoạt động đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước. Văn Miếu được xây dựng từ năm (1070) tức năm Thần Vũ thứ hai đời Lý Thánh Tông, đến năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu có thể coi đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam.
東西南北由斯道 Đông Tây Nam Bắc do tự đạo (Đông, tây, nam, bắc đều theo đạo ấy (đạo Nho)
公卿夫士出此途 Công, Khanh, Phu, Sĩ xuất thử đồ (Công, khanh, phu sĩ xuất thân từ đường này (cửa Khổng)
Quốc tử giám là cơ quan đào tạo giáo dục cấp trung ương tại các nước Á Đông thời phong kiến Nho giáo. Ở Việt Nam, Quốc tử giám đầu tiên được lập vào năm 1076 tại kinh thành Thăng Long vào thời vua Lý Nhân Tông. Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con vua và con các hoàng tộc, quý tộc và quan lại. Từ năm 1253, vua Trần Thái Tông cho mở rộng Quốc Tử giám và thu nhận cả con cái các nhà thường dân có sức học xuất sắc. Đến đời nhà Nguyễn, quốc tử giám được lập tại Huế. Đứng đầu Quốc tử giám là các chức quan: Tế tửu (tương đương Hiệu trưởng Đại học), Tư nghiệp (tương đương với Hiệu phó).
潑島墨痕湖水滿 Bát đảo, mặc ngân hồ thủy mãn (Tràn quanh đảo ngấn mực đầy hồ)
擎天筆勢石峯高 Kình thiên, bút thế thạch phong cao (Chạm bầu trời, thế bút ngất núi)
劍有餘靈光若水 Kiếm hữu dư linh quang nhược thủy (Kiếm có khí thiêng ngời tựa nước)
文從大塊壽如山 Văn tòng đại khối thọ như sơn (Văn cùng trái đất thọ như non)
Đại quốc bất dịch giáo, bất biến tục, thả tôn sùng chi, diệc tín tư văn nguyên hữu tự (Nước lớn trong giáo dục, giữ thuần phong, đạo được tôn sùng, tin tưởng tư văn nguyên có gốc)
Ngô Nho yếu thông kinh, yếu thức thời, vô câu cố dã, thượng tư thánh huấn vĩnh tương đôn (Nhà Nho phải thông kinh, phải thức thời, chớ nên cố chấp, những lời thánh huấn phải ghi lòng)
Sĩ phu báo đáp vị hà tai! Triều đình tạo tựu chi ân, quốc gia sùng thượng chi ý (Sĩ phu có nhiều báo đáp, ơn triều đình đào tạo, ý nhà nước tôn sùng)
Thế đạo duy trì thử nhi! Lễ nhạc y quan sở tụy, thanh danh văn vật sở đô (Thế đạo nhờ đó duy trì, chốn lễ nhạc y quan, nơi thanh danh văn vật)

Những câu đối khắc ở Đắc Nguyệt Lâu thuộc đền Ngọc Sơn - Hà Nội[sửa]

Đắc Nguyệt lâu (lầu Đắc Nguyệt) là một phần trong tổng thể kiến trúc đền Ngọc Sơn. Trên cửa có tấm biển khắc ba chữ Đắc Nguyệt Lâu, lấy ý theo Thanh Dạ Lục của Du Văn Báo đời Tống: Cận thuỷ lâu đài tiên đắc nguyệt. Nghĩa là: Lâu đài hồ nước bao quanh, sớm đón được ánh trăng. Hai bên cửa sổ còn có hai câu đối:

Bất yếm hồ thượng nguyệt
Uyển tại thủy trung ương

Dịch nghĩa:

Ngắm mãi trăng trên hồ
Ngỡ rằng nước quanh ta

Ở hai bên cổng là đôi câu đối:

Linh hồ nhược thủy tùy duyên độ
Trần cảnh tiên châu hữu lộ thông

Nghĩa là:

Hồ thiêng suối lạ nhờ duyên tới
Tiên giới trần gian có lối thông

Ở hai bên Long Mã Hà Đồ và Thần Quy Lạc Thư có hai câu đối tả cảnh:

Kiều dẫn trường hồng thê đảo ngạn
Lâu đương minh nguyệt toạ hồ tâm

Nghĩa là:

Cầu dẫn dải cầu vồng đậu vào bờ đảo
Lầu in vầng trăng sáng soi bóng lòng hồ

Mặt sau của Đắc Nguyệt Lâu, trên tầng hai là đôi câu đối:

Thố ô tùy quá vãng
Sơn thủy tự cao thanh

Nghĩa là:

Đêm ngày theo nhau trôi
Núi vốn cao nước vốn trong

Thố Ô ở đây nghĩa là Mặt Trăng và mặt Trời, tượng trưng cho Ngày và Đêm. Hai mặt đối lập ( đêm, ngày ) chuyển hoá cho cho nhau nằm trong một thể thống nhất là thời gian. Quy luật vũ trụ tồn tại những mặt đối lập, chúng chuyển hoá nhau nhưng cùng nằm trong một thể thống nhất, quy luật ấy là bất biến. Núi vốn là cao, nước vốn là trong, nhưng núi mà Phương Đình Nguyễn Văn Siêu nói ở đây lại để chỉ người chính nhân quân tử, thời gian có trôi đi theo quy luật tự nhiên thì những người chân chính vẫn thanh cao không đổi.

Bên cổng là hai con Dơi ngậm đôi câu đối:

Thiên căn nguyệt quật nhàn lai vãng
Thủy sắc sơn quang tương tống nghênh

Nghĩa là:

Thiên Căn, Nguyệt Quật ít qua lại
Nước biếc non xanh cùng đón đưa

Câu đối khắc tại đình làng Đông Ngạc[sửa]

Đông Ngạc thuộc huyện Từ Liêm, cách trung tâm nội thành Hà Nội 12 km theo dọc đường đê hữu ngạn sông Hồng. Phía Bắc giáp sông Hồng và huyện Đông Anh, Nam giáp xã Cổ Nhuế và quận Cầu Giấy, Đông giáp quận Tây Hồ, Tây giáp xã Thuỵ Phương. Trong số 3 làng của xã: Kẻ Vẽ (Đông Ngạc), Bãi Hoa (Liên Ngạc) và Nhà Kiểu/Cảo (Nhật Tảo), Kẻ Vẽ được hình thành sớm nhất, cách đây hơn 2.000 năm, từ thời Bắc thuộc (có từ thời An Dương Vương-200 năm trước công nguyên). Hiện nay, ở đình làng, nơi thờ cụ Phạm Quang Dung trong nội bái đường còn một đôi câu đối thờ cụ như sau:

“Kế tố vũ nhi đăng khoa, thúc điệt huynh đệ đồng triều, thanh giá nhất môn hương vạn cổ
Dương thần hưu ư kiến miếu, phụ nữ kỳ đồng tụng đức, chưng thường tứ tự phối tam linh”

Tam dịch:

“Đỗ cao nối nghiệp Tổ, anh em chú cháu đồng triều, tiêng tăm một nhà thơm muôn thảu
Dựng miếu nhớ ơn Thần, vợ con già trẻ mến đức, hương khói bốn mùa sánh tam linh”

Câu đối khắc ở miếu thờ Quán Chảy thuộc xã Đông La huyện Hoài Đức tỉnh Hà Tây cũ[sửa]

Miếu thờ Quán Chảy là miếu thờ chung của 3 làng gồm Đồng Nhân-La Phù, Yên Lộ, La Tinh. Hàng năm cả 3 làng cùng tiến lễ và xem là vị thần chung, ai rước vào làng nấy rồi lại trả về miếu vì thần có công với cả 3 làng. Trước của miếu có đôi câu đối như sau:

Tam hương sùng kính thiên thu tại
Nhất quán linh từ vạn thế lưu

Tam hương có thể hiểu theo 2 nghĩa là 2 làng hoặc 3 nén hương, nhất quán có thể hiểu là 1 ngôi miếu cũng có nghĩa khác là thống nhất từ đầu đến cuối có tính trước sau như 1 không trái ngược. Vì thế đôi câu đối này có thể hiểu theo 2 nghĩa dich thành tiếng hán Viết rất độc đáo như sau:

Ba làng sùng kính còn mãi nghìn thu
Một miếu thiêng thờ, lưu danh vạn thế

hoặc:

Ba nén hương sùng kính, còn mãi nghìn thu
Miếu thiêng mãi mãi, lưu danh muôn thuở

Những câu đối khắc tại đình và chùa làng Thượng Phúc xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Trì - Hà Nội[sửa]

  • Chùa làng Thượng Phúc có tên là chùa Bảo Tháp, chùa được tạo dựng vào cuối thời Lý đầu thời Trần. Những câu đối khắc ở cột trụ cổng Tam bảo chùa có nội dung như sau:
Hộ quốc xuất gia, Bát đại thiên hoàng quang Lý diệp
Chân thân báo Phật, thiên thu địa mạch dưỡng liên hoa

Nghĩa là:

Giúp nước rời nhà đi tu, tám đời vua, vẫn vẻ vang họ Lý
Chân tu viên mãn đắc đạo, ngàn năm mạch đất tô thắm đài sen

Và:

Quốc thúc quốc sư, tân giáo truyền khai thập bát tử
Phật vương Phật tổ, linh thanh vĩnh điện trang hạ Thanh Oai

Nghĩa là:

Chú của vua, Sư của nước, mở nền Phật giáo công lao triều Lý
Vương thành Phật, Phật thành Tổ, tiếng anh linh vững ở trang Hạ Thanh Oai

Sang tới đời Minh Tông nhà Trần, có một vị Cao tăng họ Hồ dòng dõi Hoàng thân quốc thích, từ bỏ bổng lộc quan tước đầu Thiền tu Phật ở đây. Ông tu hành đắc đạo, đạt tới danh hiệu Bồ tát. Bởi long người đời kế đời ngưỡng mộ, dân chúng khắp vùng đã gọi tên chùa Bảo Tháp của ông trụ trì thành chùa Bồ Tát. Câu đối trước khám thờ Bồ Tát như sau:

Do Hoàng thân, vi Tăng vi Thánh vi Bồ tát, lẫm lẫm anh thanh mạc trạng
Tự Lý triều nhi Hồ nhi bản kỷ, nguy nguy tự điển như tân

Nghĩa là:

Vốn từ dòng dõi nhà vua, là sư, là thánh, là Bồ tát có tiếng linh thiêng lẫm liệt chẳng đổi bao giờ?
Từ triều Lý đến triều Trần, triều Hồ đến đời ta diễn tích chữ nghĩa vẫn ngời ngời như mới.
  • Vào đời vua Trần Hiến Tông, do giặc đốt phá kho tàng ở kinh thành, Minh Từ Hoàng thái hậu chạy về đây, bà đã lưu lại chùa để giúp việc Bồ Tát. Ngay trong ngày gặp đầu, Bồ tát nhận ra Thái hậu là người có đức từ bi, ông tin tưởng và phó thác việc chùa cho Thái hậu, nên ông cho lập ngay hoả đàn đăng trì niệm Phật, sai chúng trẻ châm lửa hoả thiêu. Lửa cháy bốn bề rừng rực mà Bồ tát vẫn thản nhiên tụng kinh Đại tạng. Kể từ ngày ấy trở đi, Thái hậu đã trở thành Ni sư sớm hôm đèn nhang lễ Phật, kế tục sự nghiệp Bồ Tát. Bởi thế nhân dân địa phương rất kính phục yêu mến Thái hậu, họ xin bà cho lập sinh từ ngay mé trước chùa để phụng thờ bà muôn thuở về sau. Chưa đầy 3 năm, bỗng có chiếu chỉ của nhà vua rước bà hồi kinh để nhà vua được phụng dưỡng. Trước lúc lên đường Thái hậu mời các vị phụ lão và nhân dân đến chùa để bà đãi yến. Trong lúc ăn uống đang vui, thì Thái hậu bị trúng gió, đột ngột qua đời. Nhân dân thương tiếc Thái hậu, họ viết các câu đối thờ bà tại miếu như câu:
Đế hậu vị tha, sơn thế cao phong tiêu vũ trụ
Thần uy Phật đức, độ nhân phúc lượng đẳng hà sa

Nghĩa là:

Thái hậu sẵn lòng thương người, chỗ đứng có thể như núi cao gió lộng nổi bật trong trời đất.
Uy thần đức Phật cứu giúp người, phúc nhiều như cát, ở bãi bể bờ sông.

Và:

Trần triều Mẫu nghi, quang đại hội hoằng thiên dã đế
Phúc lâm thiền định linh, thông ảo hoá Phật nhi tiên

Nghĩa là:

Là bậc quốc mẫu thời Trần, gương sáng bao la bà Thánh là đế;
Phật phúc như cây trên rừng, có phép mầu, tưởng như hoá, là Phật mà lại là Tiền.

Câu đối khắc tại Đình Đoài thôn Dục Nội xã Việt Hùng huyện Đông Anh thủ đô Hà Nội[sửa]

Đình Đoài là một ngôi đình cổ hiện toạ lạc tại thôn Dục Nội, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Thôn Dục Nội xưa thuộc xã Dục Nội, tổng Cổ Loa, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên. Từ năm 1961, sáp nhập vào Hà Nội. Trong thôn Dục Nội hiện nay còn một ngôi đình là Đình Đoài. Thế kỉ XV ở vùng Trang Bình Lâm có người là Ngô Đễ. Ngô Đễ lập công lớn trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Trong lễ mừng công tại Dục Nội, khi đang đi cùng dân về Thăng Long, nghe tin ông mất, Lê Lợi rất thương tiếc, tự tay viết văn tế và câu đối gởi đến phúng điếu. Câu đối thờ được chạm trong khám là:

Cái thế anh hùng Kim cổ thiểu
Tại nhân công đức địa thiên trường.

Vua Lê truy tặng ông là Phúc tướng Uy Dũng Hùng lược Đại vương, lại phong là Phúc thần Liễu Đại Vương, ban sắc cho dân làng Dục Nội thờ phụng làm thành hoàng bản thổ cả 3 vị Thiên - Địa - Nhân thần.

Những câu đối khắc tại đình Khương Thượng - Đống Đa - Hà Nội[sửa]

Đình Khương Thượng ở số 165 phố Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Cách Hồ Gươm chừng 6km về hướng nam; gần các bến xe bus 16, 19, 24 dừng trên phố Trường Chinh. Đình thờ một vị thiên thần có công phù hộ công cuộc mở mang làng Khương Thượng, sau được vua phong tước hiệu Phổ hoá Hoằng tĩnh Chiêu cảm Đại vương, dân gọi là thần Quy Động (gò Rùa). Theo truyền thuyết, thủa ban đầu những người khai phá đất hoang bị ốm đau nhiều, một đêm trên gò Rùa thấy phát hào quang sáng rực, bèn lập miếu thờ, dân làng được yên ổn thịnh vượng từ đấy. Đôi câu đối ở mặt sau cổng đình nêu cao vị thế của làng và thành hoàng:

Tự Hồng Lạc dĩ lai ấp vu Khương Quy Động Long Biên sơn hà củng cố
Trung thiên địa tịnh lập đẳng nhi thượng loan bằng phượng vũ nhật nguyệt quang hoa

Giải nghĩa:

Từ đời Hồng Lạc đến nay mở mang Khương ấp, Quy Động Long Biên non sông bền vững
Giữa cõi đất trời đều đứng trên bậc Thượng đẳng, loan bay phượng múa nhật nguyệt sáng tươi.

Một đôi câu đối khác:

Thiên tác cao sơn Quy Động Kỳ Sơn linh thắng địa
Thần thai đa phúc Long Biên Khương Thượng thái bình dân

Tạm dịch:

Trời tạo núi cao, Kỳ Sơn Quy Động đất thiêng đẹp
Thần ban nhiều phúc, Khương Thượng Long Biên dân bình yên.

Những câu đối khắc tại chùa Quang Hoa - Hà Nội[sửa]

Chùa Quang Hoa là một ngôi chùa nằm trên phố Trần Bình Trọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Khoảng năm 1933 - 1934, thực dân Pháp đã dời 3 làng Quang Hoa, Thiền Quang đi nơi khác để mở đường và quy định cho dân các làng đời chuyển về vị trí hiện nay. Chùa Quang Hoa quay về hướng nam, có tam quan, tam bảo hình chuỗi vồ, gồm tiền đường 7 gian, hậu cung 5 gian, nhà tổ 10 gian, hai dãy nhà ngang, mỗi dãy 10 gian, vườn tháp.Trong chùa hiện bảo tồn được nhiều di vật, tượng cổ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 19 có giá trị. Năm 1989, chùa và cụm di tích ở đó được bộ Văn Hóa và Thông tin xếp hạng di tích thắng cảnh. Chùa Quang Hoa có một tấm bia khắc năm 1880 nói về việc xây dựng chùa. Cụm ba ngôi chùa là Thiền Quang, Quang Hoa và Pháp Hoa nằm cạnh nhau, ở số nhà 31-33. Đặc biệt, cổng chùa Quang Hoa có một hệ thống câu đối độc đáo. Tên chùa xuất hiện trong 2 vế đối, ở vị trí đầu hoặc giữa:

Câu đối Nôm:

QUANG cảnh tốt tươi, cửa Phật tiêu dao người tám cõi;
HOA hương ngào ngạt, lối trần hoan hỉ khách mười phương.

Câu đối Hán:

蓮座光生長引金繩開覺路;

池塘花映接來寶筏渡迷津。

Liên tọa QUANG sinh, trường dẫn kim thằng khai giác lộ;
Trì đường HOA ánh, tiếp lai bảo phiệt độ mê tân.

無邊光景一時新,山水縈迴成畫本;

不盡花香三界舊,竹松幽雅獲清修。

Vô biên QUANG cảnh nhất thời tân, sơn thủy oanh hồi thành họa bản;
Bất tận HOA hương tam giới cựu, trúc tùng u nhã hoạch thanh tu.

僧到佛來,光被萬家千古燭;

地靈天寶,花開十仗四辰蓮。

Tăng đáo Phật lai, QUANG bị vạn gia thiên cổ chúc;
Địa linh thiên bảo, HOA khai thập trượng tứ thời liên.

Câu đối khắc tại đình Thuần Lương - Hà Nội[sửa]

Đình Thuần Lương hiện toạ lạc tại thôn Thuần Lương, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Đình thờ vua Hùng Nghị Vương và vua Hùng Duệ Vương. Hùng Nghị Vương huý Bảo Quang Lang sinh ngày 15 tháng Tám, mất ngày 11 tháng Tám năm Ất Dậu. Hùng Duệ Vương tên huý là Huệ Lang sinh ngày 3 tháng Ba, mất ngày 5 tháng Năm. Trong đình hiện có khắc đôi câu đối sau:

Mã giá tự thiên lai, phù Lý ức Cao linh tích cổ
Long Biên truyền địa thắng, khâm Tô đới nhĩ chính từ tôn

Nghĩa là:

Xe ngựa từ trời về, giúp Lý (Thái Tổ), trị Cao (Biền) dấu thiêng từ cổ
Long Biên truyền đất đẹp, vạt (sông) Tô, đai (sông) Nhĩ đền chính tôn nghiêm
Vế đối trên Lạc khoản: Chép từ đền chính Đông Trấn; Vế đối dưới Lạc khoản: Họ Tô Việt Nam cung tiến'

Câu đối khắc ở chùa Bát Tháp[sửa]

Tương truyền, chùa Bát Tháp được xây từ thời Lý, được hợp nhất từ ngôi chùa trên núi Voi và ngôi chùa của thôn Vạn Bảo (sau đổi là Vạn Phúc). Hiện nay chùa Bát Tháp mang phong cách kiến trúc nghệ thuật của lần trùng tu lớn dưới thời Nguyễn. Các hạng mục chính gồm có Tam quan, tòa Tam bảo, nhà Tổ và khu vườn. Ngoài cổng chùa có khắc câu đối nội dung như sau:

Vạn thuỷ toàn lâm Bát địa quảng khai chung tú khí
Bảo sơn củng phục Tháp đài quang hiển chấn đông phong

Dịch nghĩa:

Sông Vạn đổ về, Bát đất mở to hun khí đẹp
Núi Bảo chầu phục, Tháp đài sáng rực dậy gió xuân

Những câu đối khắc ở đình Trung Tự[sửa]

Làng Trung Tự vốn thuộc Đông Tác, một trong 36 phường của huyện Thọ Xương, phía nam kinh đô Thăng Long thời Lê. Đình làng tuy nhỏ nhưng phong thuỷ tốt, cổng (cũ) giáp đê La Thành, mé phải có chùa Phúc Long và đàn Xã Tắc, mé trái là đền Cao Sơn, lưng dựa hồ Khang rộng lớn (xưa kia chưa chia ra hồ Ba Mẫu và Bảy Mẫu). Trong đình có đôi câu đối như sau:

“Khang thuỷ La thành vượng khí bán phần Long Đỗ thắng
Âu phong Á vũ sùng từ trường đối Tản Viên phong

Dịch nghĩa:

Hồ Khang, Thành La, khí vượng bằng nửa phần cảnh đẹp Long Đỗ
Gió Âu, mưa Á, đền thiêng sánh lâu dài đỉnh núi Tản Viên

Sau cổng đình có nhà bia nhỏ tên là “Di ái bi”, đặt ở bên trái bức bình phong với cuốn thư. Văn bia do Giải nguyên Nguyễn Thành Thể (đích tôn của Giải nguyên Nguyễn Hy Quang) soạn năm Tân Dậu 1741, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 2, đời vua Lê Hiển Tông. Đôi câu đối cạnh bia được cụ nghè Nguyễn văn Lý (1795-1868) viết:

“Dự Trinh tảo khế tiên thiên cát
Đỉnh Lợi tùng khai hậu thế xương”

Dịch nghĩa:

Hợp sớm Dự Trinh, hưởng phúc lành sẵn trước
Mở theo Đỉnh Lợi, dưỡng hiền mãi đời sau
Dự Trinh là sự hòa thuận vui vẻ mà thành đạt lâu dài, cái đích của mọi việc; Đỉnh Lợi là nung nấu, nuôi dưỡng, tôi luyện vững bền mà được lợi thích đáng, hợp lòng người. Nguyễn Văn Lý khi ở Huế từng là bạn thơ của Cao Bá Quát và Tùng Thiện Vương, vua Tự Đức thường vời vào cung để đoán thời vận, giảng Dịch lý. Quẻ Dự trên là Lôi, dưới là Khôn; quái tượng như sấm đầu xuân, kích thích muôn vật sinh ra cuộc sống mới, đẹp. Quái đức “Thuận dĩ Động”, chủ về sự hòa lạc, thuận nhân tâm. Đỉnh vốn dùng để nấu và đựng đồ ăn cúng tế, tượng trưng cho sự bền vững (“vạc ba chân”) và dưỡng hiền (rèn luyện nhân tài, gây dựng cái mới). Lại theo gia phả họ Nguyễn Đông Tác, thuỷ tổ vốn làm “nghề nung đúc”

Những câu đối nôm khắc tại chùa Trấn Quốc - Hà Nội[sửa]

Chùa Trấn Quốc thuộc phường Yên Phụ - quận Tây Hồ - Hà nội, chùa được xây dựng từ thời Lý Nam Đế, có tên là Khai Quốc. Chùa được dựng tại thôn Yên Hoa (sau được đổi là Yên Phụ) trên một bãi cạnh sông Hồng. Đến đời Lê Thái Tông được gọi là chùa An Quốc, thời Lê Kinh Tông do bãi sông bị lở, chùa được dời vào một hòn đảo nhỏ trong hồ Tây gọi là Kim Ngư (đảo cá vàng) là địa điểm ngày nay. Đời Lê Hy Tông, chùa được đổi tên gọi là Trấn Quốc. Năm 1842, vua Thiệu Trị tới thăm và đổi tên là Trấn Bắc nhưng nhân dân vẫn quen gọi là chùa Trấn Quốc. Phía trên cửa chùa có ghi ba chữ Phương Tiện môn và câu đối hai bên viết bằng chữ Nôm:

Vang tai xe ngựa qua đường tục
Mở mặt non sông đứng cửa thiền

Trước cửa chùa lại thêm hai câu đối trên hai cột :

Trải bao phen gió Á mưa Âu, trơ đá vững đồng,chót vót cột trời chùa Trấn Quốc
Riêng một thú hoa đàm đuốc tuệ, sớm chuông chiều trống, thênh thang cửa Phật cảnh Tây Hồ

Câu đối khắc tại chùa Vân Hồ ở Hà Nội[sửa]

Chùa Vân Hồ ở phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng. Chùa có tên chữ là Tào Sách và Linh Thông tự. Theo dân gian truyền lại, đây là di tích xây dựng từ thời Trần trên nền cũ của một “Thư viện” nơi Uy Linh Lang ngồi học thiền và tụng niệm. Hiện chùa thờ Phật và thờ thánh Uy Linh Lang, hoàng tử đã có công trong kháng chiến. Ngoài cổng chùa có khắc đôi câu đối sau:

Chốn am thiền rộng mở cửa Từ sẵn lòng tế độ
Nơi thành thị thiếu gì khách Việt mặc sức vãng lai
"Cửa từ (bi)" là ngôn ngữ nhà Phật, "Khách (đàn) việt" cũng là ngôn ngữ nhà Phật. "Đây là am thiền luôn mở rộng cửa từ (bi) sẵn lòng tế độ (chúng sinh). Ở giữa nơi thành thị, có thiếu gì khách (đàn) việt [thí chủ, người phát tâm công đức, người mộ đạo Phật], mặc sức tới tới lui lui". Đối ở đây rất chỉnh, "cửa" thì mở ra để đón "khách", và "khách" thì "mặc sức vãng lai" để qua lại cái "cửa" ấy để mà được "tế độ". Cho nên, "từ" và "việt" cũng đối nhau rất chỉnh. Hai chữ này cũng là tâm điểm của cả hai vế đối. Nội dung của cả cái câu đối ấy có thể rút gọn vào hai chữ ấy thôi, tức là: Vế thứ nhất: được rút gọn vào chữ TỪ BI --- rồi, chữ này lại được rút gọn thành TỪ (bỏ chữ BI ở dưới). Vế thứ hai: được rút gọn vào chữ ĐÀN VIỆT --- rồi, chữ này lại được rút gọn thành VIỆT (bỏ chữ ĐÀN ở trên; sở dĩ lấy chữ VIỆT mà không lấy chữ ĐÀN là vì chỗ ấy của vế thứ hai cần phải một âm trắc). Ý nghĩa căn cốt của cái câu đối ấy là ở chỗ đó. Và cách chơi chữ cũng là ở chỗ đó

Câu đối khắc ở cổng làng Kim Lũ[sửa]

Bên bờ sông Tô Lịch, gần Ngã Tư Sở, có một ngôi làng có tên là Lủ, còn có tên Kẻ Lủ, một từ cổ, có thể từ chữ Lũ, mà sau này làng đổi tên là Kim Lũ. Kim Lũ nghĩa là sợi dây vàng, sợi kim tuyến, chỉ sự giàu sang. Làng Lủ xưa có ba xóm, nhưng người ở đây vẫn thường gọi là chạ. Chạ Cầu, nay là Kim Giang. Chạ Trung, nay là Kim Lũ. Chạ Văn, nay là Kim Văn. Khi làng Lủ đổi thành Kim Lũ thuộc tổng Khương Đình huyện Thanh Trì, nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Kim Lũ xưa - Đại Kim ngày nay có bốn nhà thờ: Nhà thờ do danh nhân văn hóa Nguyễn Siêu xây để thờ Tổ. Nhà thờ Đại thần Nguyễn Trọng Hợp. Ngôi từ đường họ Nguyễn - nơi thờ Tể tướng Nguyễn Công Thái. Đền thờ công chúa Lê Thị Cúc Phương, con vua Lê Đại Hành. Hai câu đối chạm hai bên trụ cổng làng có nội dung như sau:

Thăng tính đản tường khai hoa mãn nguyệt
Thanh đàm dục tú cổ mộc xuân thiên

Những câu đối khắc tại chùa Láng - Hà Nội[sửa]

Chùa Láng có tên chữ là Chiêu Thiền tự, vì có điều tốt rõ rệt nên gọi là Chiêu. Đây là nơi sinh ra Thiền sư đại thánh nên gọi là Thiền (Cái nguyên hữu chiêu hiển gia tường, cố dĩ Chiêu danh. Đĩnh sinh Thiền sư đại thánh, cố dĩ Thiền danh). Chùa ở cuối phố chùa Láng, một đường phố đẹp mới được hoàn thành vào năm 2004 thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Dưới đây là các câu đối được khắc tại chùa:

“Diệu giác khế thiền tâm, Lý đại Bạch Liên tiêu đặc tuyển
Xuân dương khai thắng hội, Sài nham Bích động đối linh quang”

Dịch nghĩa:

Diệu giác hợp lòng thiền, triều Lý Bạch Liên ngôi sáng tỏ
Xuân dương mừng hội lớn, núi Thầy Bích Động ánh linh thiêng
Diệc giác: Sự giác ngộ kỳ diệu. Thuật ngữ Phật giáo để chỉ tự mình giác ngộ (tự giác) và giác ngộ cho người khác (giác tha). Xuân dương: chỉ mùa xuân.
“Nghĩa đại tiêm cừu, Tô Lịch trường lưu thiên thủy bích
Cơ thần diệu hóa, Sài nham di tích thạch đài hương

Dịch nghĩa:

Nghĩa lớn báo thù, Tô Lịch chảy xuôi dòng nước biếc
Mưu thần kỳ diệu, núi Sài lưu mãi đá rêu hương
“Sài Lĩnh hưởng truyền kim cổ độc
Tô Giang phái dẫn thủy thiên trường”

Dịch nghĩa:

Tiếng vọng núi Thầy xưa nay có một
Nước xuôi sông Tô chảy mãi không cùng
“Tự hữu huy hoàng nghiêm thánh tượng
Phật tiền thí xả độ quần sinh”

Dịch nghĩa:

Trước Phật chúng sinh ơn tế độ
Bên chùa tượng Phật dáng uy nghi
“Sài Sơn thanh hóa, đế trụ tiền thân, Lạc Việt thiên thu tồn hiển tích
Thiên tự linh quang, thiền môn thắng cảnh, Long Thành vạn cổ thử danh lam”

Dịch nghĩa:

Sài Sơn hóa thánh, kiếp trước của vua, Lạc Việt nghìn thu lưu tích cũ
Chùa trời linh ứng, thắng cảnh thiền môn, Long Thành muôn thuở đất danh lam
“Đống vụ nguy nguy hiển ứng trường chiêu thần diệu thuật
Môn quynh đăng đãng ngưỡng chiêm như kiến Phật chân kinh

Dịch nghĩa:

Lầu điện nguy nga, phép diệu thần thông soi tỏ mãi
Cửa thiền lồng lộng ngước nhìn như thấy Phật chân kinh
Không không sắc sắc thiên thu Phật
Hóa hóa sinh sinh thượng đẳng Thần

Dịch nghĩa:

Không không sắc sắc ngàn thu Phật
Hóa hóa sinh sinh thượng đẳng Thần
“Bát diệp sơn hà thanh hạc mộng
Thiên thu phàn tử ấp long môn”

Dịch nghĩa:

Tám lá non sông trong mộng hạc
Ngàn thu thôn ấp hướng long môn
Bát diệp: Chỉ tám đời vua triều Lý
“Sinh hóa hà niên tiên thị đế
Anh linh thử địa thánh nhi thần”

Dịch nghĩa:

Sinh hóa năm nào tiên hóa đế
Anh linh cõi ấy thánh bên thần
“Học đạo Tây thiên, Sài Lĩnh thiên thu truyền Phật tích
An dân Nam địa, Lý triều tái thế hiện Vương thân.”

Dịch nghĩa:

Học đạo Tây thiên, Sài lĩnh ngàn thu truyền Phật tích
An dân đất Việt, Lý triều tái thế hiện Vương thân
“Không không sắc sắc đoàn tuệ quả ư bát đan, An Lãng tự di dung vạn kỷ thanh linh chiêm giả kính
Hóa hóa sinh sinh thoát nạp y nhi cổn miện, Phật Tích sơn cổ động thiên thu truyền ký ngưỡng di cao.”

Dịch nghĩa:

Không không sắc sắc, tròn quả phúc ở bát đan, chùa An Lãng di tích nơi đây, tiếng linh thiêng muôn đời chiêm bái
Hóa hóa sinh sinh, cởi cà sa thay cổn miện, núi Phật Tích động xưa còn đó, chuyện thần kỳ ngàn thuở lưu danh
Bát đan: Vật để đỡ lót ở dưới bát đựng thức ăn của các nhà sư. Nạp y: Áo cà sa. Cổn miện: Lễ phục nhà vua.
“Nhàn thú thị Tiên, bất tất Bồng Lai, Hải đảo
Tâm thành tức Phật, hà tu Tây Trúc, Thiên Thai”

Dịch nghĩa:

Nhàn thú là tiên, chẳng cứ Bồng Lai, Hải đảo
Tâm thành tức Phật, cần chi Tây Trúc, Thiên Thai
“Ngũ giới chân truyền khải địch hậu nhân thâm tự hải
Nhất thành trai bạt kiều chiêm Bắc đẩu trọng như sơn

Dịch nghĩa:

Ngũ giới còn truyền răn bảo người sau sâu tựa biển
Nhất thành trai bạt ngẩng xem Bắc đẩu nặng nhường non
Ngũ giới: chỉ năm điều cấm của những người theo đạo Phật: không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói càn, uống rượu
“Khởi thị thuyết hoang đường, thần thánh đản sinh giai thực lục
Hà tiêu khấu linh dị, quần phương đính đới tức danh lam.”

Dịch nghĩa:

Đâu phải chuyện hoang đường, thần thánh sinh ra đều chép thực
Cần chi tìm linh dị, khắp nơi thờ phụng ấy danh lam

Câu đối khắc tại đền thờ xã Kiêu Kỵ - Hà Nội[sửa]

Đền thờ xã Kiêu Kỵ nằm trong cụm di tích đình - đền – chùa Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm. Theo thần tích của xã Hội Xuyên huyện Gia Lộc, Hải Dương là quê hương của tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa thì: Nguyễn Chế Nghĩa có một sức khỏe phi thường nên đã góp phần giúp vua Trần đánh tan quân Nguyên. Sau đó ông được vua Anh Tông gả con gái cưng là Công chúa Nhật Hoa. Ông không những có tài dũng lược mà còn giỏi cả thiên văn địa lý, thoắt biến thoắt hiện thần cơ khó hiểu. Chính vì điều này mà ông luôn bị vua Trần nghi ngờ lòng trung thành, trong một dịp về triều kiến vua tại Kinh đô, ông đã bị ngầm sai chém đứt đầu. Tuy vậy ông vẫn nhảy lên ngựa hai tay ôm đầu phi về quê, ông ngã ngựa và hóa tại làng Kiêu Kỵ. Vì thế dân làng Kiêu Kỵ đã lập đền thờ ông, hiện trong đền thờ có đôi câu đối sau:

建 廟 屹 居 南 血 食 億 年 不 盡
衽 金 楊 遂 池 英 靈 萬 古 如 新

Phiêm âm:

Kiến miếu ngật cư nam, huyết thực ức niên bất tận
Nhẫm kim dương toại trì, anh linh vạn cổ như tân

Dịch nghĩa:

Xây miếu ở riêng một cõi trời nam, thần hưởng cúng tế ngàn vạn năm không hết
Vạt áo vàng dương lên, chí còn bỏ dở, anh linh muôn đời như vẫn mới

Câu đối khắc ở đình Tốt Động huyện Chương Mỹ thủ đô Hà Nội[sửa]

Kết thúc cuộc kháng chiến chống giặc Minh, làng Tốt Động đã dựng đình và thờ ba vị tướng Lam Sơn đã chỉ huy trận Tốt Động là Lê Ngân, Đỗ Bí và Lý Triện làm thành hoàng. Tại đình Tốt Động, huyện Chương Mỹ-Hà Nội có đôi câu đối như sau:

Ninh Kiều chi huyết thành xuyên
Tốt Động chi thi mãn dã

Đây chính là hai câu rút gọn của hai câu thơ trong Bình Ngô đại cáo của thi hào Nguyễn Trãi:

Ninh Kiều chi huyết thành xuyên lưu tinh vạn lý
Tốt Động chi thi mãn dã di xú thiên niên

Nghĩa là:

Ninh Kiều máu chảy thành sông tanh trôi vạn dặm
Tốt Động thây chất đầy nội nhơ để ngàn năm

Sử sách còn ghi: Mùa Đông năm Bính Ngọ (1426), Vương Thông chia quân làm hai mũi tiến công. Mũi chính với 10 vạn do đích thân Vương Thông chỉ huy, hành quân từ Đông Quan qua Tốt Động, toan vòng lên đánh úp bản doanh nghĩa quân Lam Sơn đang trên vùng Cao Bộ. Tại quyết chiến điểm, khi hiệu lệnh vang lên, voi chiến cùng nghĩa quân Lam Sơn hò nhau xông ra. Quân giặc bị bất ngờ, “cả người và ngựa lồng lên hoảng sợ nhảy xuống đầm lầy, giày xéo lên nhau chết chìm không biết bao nhiêu mà kể”. Tiền quân tan vỡ, hậu quân dồn lên ứng cứu, và cứ thế hết lớp này đến lớp khác, cánh đồng Tốt Động trở thành mồ chôn xác giặc Minh.

Những câu đối ở chùa Quán Sứ[sửa]

Chùa Quán Sứ là một ngôi chùa ở số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội. Theo sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí, vào thời vua Lê Thế Tông, các nước Chiêm Thành, Ai Lao thường cử sứ giả sang triều cống Việt Nam. Nhà vua cho dựng một tòa nhà gọi là Quán Sứ để tiếp đón các sứ thần đến Thăng Long. Vì sứ thần các nước này đều sùng đạo Phật nên lại dựng thêm một ngôi chùa cũng nằm trong khuôn viên Quán Sứ để họ có điều kiện hành lễ. Đến năm 1822, chùa được sửa sang để làm chỗ lễ bái cho quân nhân ở đồn này. Khi quân ở đồn này rút đi, chùa được trả lại cho dân làng. Năm 1934, Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập, chùa Quán Sứ được chọn làm trụ sở trung ương.

1 - Câu đối Hán Nôm:

PHẬT HOÀNG ĐIỀU NGỰ DỰNG XÂY CỰC LẠC GIỮA TRỜI NAM
TỲ NI LƯU CHI QUẢNG BÁ THIỀN TÔNG TRÊN ĐẤT VIỆT
PHẬT GIÁO VIỆT NAM THÀNH KÍNH TRI ÂN NGÔI TỔ ĐỨC
TỐT ĐỜI ĐẸP ĐẠO THIỀN MÔN NỞ RỘ CÁC CAO TĂNG
THĂNG LONG ĐẠI VIỆT PHÁT HUY MÔN PHÁI BẮC TRUNG NAM
HÀ NỘI THỦ ĐÔ DẤU ẤN TỔ THIỀN TỊNH MẬT
HỘ QUỐC DÂN AN GIÁO SỬ CÒN GHI BAO THẠC ĐỨC
TÙNG LÂM QUÁN SỨ NÊU CAO CÔNG TRẠNG BẬC TÔN SƯ

2 - Câu đối ở ban Đức Ông:

  • Câu đối trong:
擁護精藍萬古存 Ủng hộ tinh lam vạn cổ tồn (Ủng hộ thiền môn vạn thuở còn)
匡扶寳剎千年盛 Khuông phù bảo sái thiên niên thịnh (Phù trợ cảnh chùa ngàn năm thịnh)
  • Câu đốingoài:
除灾捍患著豊功 Trừ tai tảo hoạn trược phong công (Trừ tai ương, dẹp hoạn nạn, mang danh phong công hầu)
度世救民昭大德 Độ thế cứu dân chiêu đại đức (Độ đời cứu dân, được tôn xưng đức lớn)

3 -Câu đối tại ban Thiền Sư Nguyễn Minh Không:

四器成南越鎔寳千古竒觀 Tứ khí thành nam việt dung bảo thiên cổ kỳ quan (Đúc tứ khí thành đồ quốc bảo nghìn đời của nước Nam)
一囊括盡北京銅六通玄智 Nhất nang quát tận Bắc Kinh đồng lục thông huyền trí (Một túi vải thu hết đồng ở Bắc Kinh, là bậc lục thông huyền trí)
Câu đối trên do một nhân vật có tên Phúc Tuệ Vũ Như Trác cung tiến, ca ngợi Nguyễn Minh Không là người có công sang tận Trung Quốc lấy đồng về làm tứ khí cho đất Nam Việt ta.

3 - Câu đối ở cửa chùa:

氣高星漢聰明德化合陰陽 Khí cao tinh hán thông minh đức hóa hợp âm dương (Chí khí cao tới tận trời xanh, thông minh đạo đức hợp với âm dương)
威肅風雲正直靈聲聞宇宙 Uy túc phong vân chính trực linh thanh văn vũ trụ (Uy linh đầy trời gió mây, chính trực linh thanh vang khắp vũ trụ)
福慧甚深究竟一心不亂慈尊 Phúc tuệ thậm thâm cứu kính nhất tâm bất loạn từ tôn (Phúc tuệ sâu sắc là cứu cánh, nhất tâm bất loạn là đức Phật đại từ)
壽光無量莊嚴萬德洪名眞教體 Thọ quang vô lượng trang nghiêm vạn đức hồng danh chân giáo thể (Thọ quang vô lượng trang nghiêm (chỉ Di Đà Phật) cái tên hồng đức lớn là bậc giáo chủ chân chính)
照七大四科開合聞思修弟一義天 Chiếu thất đại tứ khoa khai hợp văn tư tu đệ nhất nghĩa thiên (Soi 7 đại 4 khoa khai hợp văn tư tu là giáo lý tuyệt đối của Phật)
覽五時八教紀綱經律論真三昧海 Lãm ngũ thời bát giáo kỷ cương Kinh Luật Luận chân tam muội hải (Thấu suốt năm thời, bát giáo, Kinh Luật Luận là rường mối của biển chính định)

4 - Câu đối cổng Tam Quan trong nhìn ra ngoài:

  • Câu đối thờ Địa tạng (vong linh) của Nguyễn Hoằng Thâm:
ĐÀI BIA GHI NHỚ PHÚC DUYÊN CHUNG
HƯƠNG HỎA ĐỀN BÙ CÔNG ĐỨC HẬU
  • Câu đối ở bia liệt sĩ:
HIẾU NGHĨA ĐỈNH ĐẦU THĂM THẲM SOI
CÔNG ÂN TẤC DẠ ĐINH NINH BÁO
  • Câu đối ban Địa Tạng:
Xót địa ngục trầm luân khổ nạn thể lòng nhân nguyện độ cõi u minh
Thương chúng sinh điên đảo cương thường, rạng đức hiếu, làm gương đời ác trọc
Hai câu đối này do Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha làm, Ban Hộ Niệm Phật giáo Bắc Kỳ cung tiến, câu đối ca ngợi công đức lớn của Đức Địa Tạng Vương
  • Câu đối ở ban Bồ Tát Quan Âm Chuẩn Đề:
Bơi chiếc thuyền Bát Nhã tiếp chúng sinh lên chín phẩm đài sen
vẩy giọt nước dương chi dẹp lửa độc khắp ba nghìn cõi tục

5 - Câu đối do khách thập phương viếng tặng:

  • Câu đối do đại sư Thái Hư – lãnh tụ phong trào chấn hưng Phật giáo Trung Quốc, nhân dịp sang thăm Quán Sứ tháng 5/1940 viết tặng Hội Phật giáo Bắc Kỳ:
法輪似地東西轉 Pháp luân tự địa đông tây chuyển (Bách xe pháp giống như trái đất chuyển động từ Đông sang Tây)
佛道逢源左右通 Phật đạo phùng nguyên tả hữu thông (Đạo Phật trở về nguồn sẽ thông suốt cả bên trái cũng như bên phải)
  • Câu đối do Hoà Thượng Thích Đức Nhuận làm năm 1973 khi chuẩn bị đón ông Xihanuc quốc vương Campuchia sang Việt Nam viếng thăm lễ Phật chùa Quán Sứ:
佛心本是眾生心明常合 Phật tâm bản thị chúng sinh tâm minh thường hợp (Tâm Phật cũng là tâm chúng sinh chỉ khác ở chỗ sáng suốt và diệu dụng)
教法不離世間法色卽是空 Giáo pháp bất ly thế gian giáo sắc tức thị không (Truyền bá giáo pháp không tách rời thế gian, có tức là không)
  • Câu đối do Hòa Thượng Thích Doãn Hài (tổ Tế Cát) làm vào năm 1942:
法界不思議耀古騰今於一毛端現寳王剎 Pháp giới bất tư nghị diệu cổ đằng kim ư nhất mao đoan hiện bảo vương sái (Giáo pháp không thể nghĩ bàn, thấu xưa vượt nay, ở trên đầu một sợi lông mà hiện tòa nhà vương báu)
世間真調御隨機逗教(tọa)微塵裡轉大法輪 Thế gian chân Điều Ngự tùy cơ đậu giáo tọa vi trần lý chuyển đại pháp luân (Bậc chân Điều Ngự của thế gian, tùy cơ nghi giáo hóa, ngồi trong hạt bụi mà chuyển bánh xe pháp lớn)
  • Câu đối do Cử Nhân Dương Bá Trạc viết năm 1942, Ban hộ niệm Hội Phật giáo Bắc Kỳ:
乾坤拉子撒手儘 成空唯大慈大悲此性不生還不滅 Càn khôn lạp tử tán thủ tận thành không duy đại từ đại bi thử tính bất sinh hoàn bất diệt (Hạt giống lành mà đem rải khắp đất trời cũng thành không, chỉ có tính đại từ đại bi này là không sinh diệt)
衣鉢真傳拈花只微笑捨了相了法上天無臭亦無聲 Y bát chân truyền niêm hoa chỉ vi tiếu xỉ liễu tướng liễu pháp thượng thiên vô xú diệc vô thanh (Y bát chân truyền từ thiền ngữ đức Phật giơ cành hoa mà ngài Ca Diếp nhận ý chỉ mỉm cười trước đại chúng, rõ thấu pháp tướng vốn không mùi không tiếng)

6 - Những câu đối khác:

法身清淨歷億劫不滅不生隨在即莊嚴 (chữ農+bộ chấm thủy ở trước=nùng)珥有緣聐色相 Pháp thân thanh tịnh lịch lịch ức kiếp bất diệt bất sinh tùy tại tức trang nghiêm nùng nhị hữu duyên chiêu sắc tướng (Trải quan hàng nghìn hàng vạn kiếp không có sinh có diệt, ở chỗ trang nghiêm chỗ nào cũng thấy sắc tướng của núi Nùng, sông Nhị)
道眼光明普三界弗障弗碍照臨皆樂利海河無量沐恩波 Đạo nhãn quang minh phổ tam giới phất chướng phất ngại chiêu lâm giai lạc lợi hải hà vô lượng mộc ân ba (Sáng suốt khắp cả ba cõi, chẳng có gì cản trở ngăn che, soi đến nơi nào đều có lợi ích như cây cối được tưới nước)
歷刧為明君爲良將爲孝子爲導師運用真如結界量善緣莊嚴福海 Lịch kiếp vi minh quân vi lương tướng vi hiếu tử vi đạo sư vận dụng chân như kết giới lượng thiện duyên trang nghiêm phúc hải (Đã từng làm ông vua sáng, làm tướng giỏi,làm người con có hiếu, làm thày truyền đạo, vận dụng những giáo pháp tạo dựng những thiện duyên làm đẹp cho đạo)
現世棄珍寶棄委孥棄國城棄王位圓成大覺說恆沙妙法拔濟迷流 Hiện thế khí chân bảo khí thê noa, khí quốc thành, khí vương vị viên thành đại giác thuyết hằng sa diệu pháp bạt tế mê lưu (Ngay trong đời này bỏ hết cả của cải, cả quốc gia, cả vợ con, cả ngôi vua chỉ tập trung vào học đạo, ngộ đạo và truyền đạo để giúp cho chúng sinh thoát khỏi sinh tử luân hồi)

7 - Câu đối cổng Tam Quan:

  • Câu đối ở trong chùa nhìn ra:
ĐƯỜNG BỆ ĐỘI GIỜI ĐẠP ĐẤT CHẤN CÕI NIẾT BÀN
HIÊN NGANG PHẤT GIÓ DẼ MÂY NÊU ĐƯỜNG CHÍNH GIÁC
CỬA TỪ BI TIẾP DẪN TÙY DUYÊN
ĐƯỜNG GIÁC NGỘ ĐỀ HUỀ TIẾN HÓA
TRANH THẾ SỰ TRĂM NĂM BẠC THAM SÂN SI SAU MANG NGHIỆP VÀO THÂN
KỊCH TRẦN DUYÊN MỘT GIẤC VÀNG GIỚI ĐỊNH TUỆ SỚM TU NHÂN THÀNH PHẬT
HOA BỐN MÙA CHÀO ĐÓN PHẬT ĐÀI
CÂY TRĂM THƯỚC DỰNG NÊU THUYỀN CẢNH
CỬA SẮC KHÔNG ĐÓN KHÁCH SIÊU PHƯƠNG
ĐUỐC TRÍ TUỆ SOI ĐƯỜNG BÁC ÁI
  • Câu đối phía ngoài đường nhìn vào:
NIỆM KỆ HUYỀN KHÔNG BA BẢY CÕI CHUYỂN CƠ GIỚI PHÙ QUỐC THÁI HỘ DÂN AN
HỒI CHUÔNG CẢM ĐỘNG CHÍN MƯỜI PHƯƠNG NAM MÔ PHẬT VƠI TRĂM SẦU VƠI BỂ KHỔ
LẦU GIÓ ĐI VỀ BÓNG SẮC KHÔNG
CHUÔNG SƯỚNG KÊU GỌI HỒN KIM CỔ
HỘI PHẬT ĐỦ MƯỜI PHƯƠNG BẢY CHÚNG ĐÓNG BÈ TẠP PHÚC THÂN SƠ VIỄN CẬN TỰ DO
CỬA THUYỀN CHUNG BỐN BỂ MỘT NHÀ MƯỢN CẢNH TU THÂN QUÝ TIỆN HIỀN NGU BÌNH ĐẲNG
CHÙA TRUNG ƯƠNG HỘI PHẬT MỞ MANG
CẢNH QUÁN SỨ NHÀ TĂNG TRUYỀN NỐI
TRI ÂM LUI TỚI KHÁCH ĐÔNG PHA
ĐẠO ẤN NỐI NOI THẦY PHẬT ẤN

8 - Câu đối nhà giảng và nhà thờ cũ:

  • Tại Nhà giảng:
Khách tang hải ngẫm nguồn cơn tỉnh mộng
Đất Lạc Hồng mở vận hội minh tâm
  • Tại nhà thờ Tổ:
Lễ Phật sám hối tà tâm trừ ác nghiệp cơ cầu bồi cõi phúc
Nghe pháp hiểu minh chính nghĩa làm nhân duyên công đức đóng bè từ
Kế tổ truyền tông quang hữu vĩnh (Kế tổ truyền tông hào quang muôn thuở)
Liên đăng lục diệm ánh vô biên (Nối đèn tiếp đuốc, sáng ánh vô biên)
Nhất hoa hiện thụy chi sa giới (Một hoa Tây Trúc hiện, điềm lành khắp cõi trần sa)
Ngũ diệp lưu phương biến đại thiên (Năm lá truyền Đông Độ, mùi hương lan tỏa ngàn nơi)

Những câu đối khắc tại chùa Vua ở phường phố Huế quận Hai Bà Trưng - Hà Nội[sửa]

Chùa Vua được xây dựng từ thời Hậu Lê, thờ vua cờ Đế Thích. Tương truyền, do 1 vị hoàng tử nhà Lê dựng điện thờ Đế Thích cạnh chùa và dùng chùa làm trung tâm đấu cờ tướng của Thăng Long. Hàng năm, từ ngày mùng 6 đến mùng 9 tháng Giêng âm lịch, tại chùa lại mở hội thi Cờ Tướng. Chùa là một di tích trong Thăng Long tứ quán, còn có thể coi nó là một cờ miếu của Thăng Long bởi đây là nơi diễn ra các cuộc đấu cờ tướng đỉnh cao suốt mấy trăm năm nay. Dưới đây là ghi chép về những câu đối được khắc tại chùa:

Trụ kình thiên trấn tĩnh nhân tâm an Việt địa
Thiên cung giáng thế hoằng thi diệu lực Trịnh Lê dân
Phật đạo từ bi vãng lai triêm pháp hoá (Đạo phật từ bi qua lại thấm nhuần phép giáo hoá)
Thiền môn quảng đại lão thiếu lạc đạo dao (Cửa thiền rộng lớn già trẻ vui đạo xa)
Hưng khánh già lam tiêu đức thụ, trợng thừa phật lực (Hưng Khánh già lam cây đức vun trồng nhờ sức phật)
Thăng Long phúc địa khởi liên đài, ngỡng vọng từ tôn (Thăng Long phúc địa dựng đài sen trông mong từ tôn)
Hưng khánh phong quang, thân niên tăng tráng lệ (Hưng Khánh phong quang năm Thân thêm tráng lệ)
Thành an tố hảo, đông nguyệt lễ lạc thành (Thành an hảo tố tháng Đông làm lễ khánh thành)
Xuất nhập lễ môn tòng đồ kính (Ra vào cửa lễ là con đờng cho các đồ chúng)
Khứ lai chính đạo hớng linh từ (Đi lại theo chính đạo hớng về đền linh thiêng)
Xa mã biền trăn triêm thánh đức (Xa mã tấp nập thấm nhuần đức thánh)
Đông tây tụy tụ đấu Vương kỳ (Đông tây tụ họp đánh cờ vua)
Phật pháp minh đồng nhật nguyệt, quang huy vạn cổ (Phép của phật sáng cùng mặt trăng mặt trời rực rỡ vạn năm)
Gia quốc thịnh tịnh sơn hà, tráng cố thiên thu (Nước nhà hng thịnh cùng núi sông hùng cường đến nghìn năm)
Nhất lộ biểu niết bàn bách duyên câu hội (Một đường đi đến niết bàn trăm duyên đều tụ)
Tam quan tiêu chính giác vạn thiện đồng quy (Cửa Tam Quan mở ra chính giác muôn thiện cùng về)
Tuệ nhật cao huyền quần sinh triêm lợi lạc (Mặt trời trí tuệ treo cao quần sinh thấm nhuần lợi lạc)
Từ phong phổ phiến vạn loại cộng thanh lơng (Gió từ toả khắp muôn loài tất thảy trong lành)
Hà Nội tiên khai âu á viễn phương quy nhất lộ (Hà Nội mở trớc âu á phơng xa quy về một lối)
Thành an kiến lập thánh cung thắng tích xiển đa môn (Thịnh An dựng xây cung thánh mở danh thắng đa môn)
Trắc giáng vân cù cư điện thượng (Lên xuống đường mây trên điện báu)
Cung nghênh thánh giá đáo môn trung (Kính mừng xe thánh đến cửa trong)
Nhân tình tự kì trương trương bạch (Việc đời như bàn cờ từng cuộc từng cuộc)
Thế sự như chi cục cục tân (Tình ngời như tờ giấy từng trang từng trang)
Ngọc cục kỷ triển phân vạn cổ giang sơn lu dịch thự (Cuộc cờ bao nhiêu lần bày xoá, muôn thủa giang sơn luôn ở dịch thự)
Kim đan hà xứ mịch nhất thiên cung khuyết ỷ hồ lô (Kim đan biết tìm nơi nào đây, cả một trời cung khuyết ở trong bầu)
Bút diệu quyền hành phân bắc khuyết (Ngọn bút màu nhiệm nắm quyền hành nơi cung Bắc Đẩu)
Đức tham phúc đảo chấn nam thiên (Đức sánh hợp che phủ trời đất vang dội cõi Nam)
Đãng đãng thiên cung mặc vận thần thông dương tại thượng (Cung trời lộng lẫy, lặng lẽ vận dụng thần thông mênh mông ở trên đầu)
Nguy nguy đế khuyết tuyên dương thánh đức ngưỡng di cao (Cửa vua vời vợi, tuyên bố thánh đức càng trông càng cao)

Những câu đối khắc tại chùa Sùng Khánh ở thôn Du Đồng xã Đại Hùng huyện Ứng Hòa - Hà Tây cũ[sửa]

Chùa Sùng Khánh ở thôn Du Đồng xã Đại Hùng huyện Ứng Hòa. Sùng Khánh là ngôi chùa làng được xây dựng ngay đền thờ quan Thái giám Đoàn Ngọc Côn, một vị công thần thời Lê - Trịnh. Đôi cấu đối chữ Nôm chỉ có 7 chữ, miêu tả công việc thường nhật của sư thầy lễ Phật ở chùa, nhưng trong số hàng ngàn câu đối chữ Nôm hiện đang tồn tại ở miền đất Thăng Long - Hà Nội và các vùng lân cận, thì không hề thấy ở chùa nào có câu đối giống với câu này:

最供  誦經懺悔 Tối cúng quả tụng kinh sám hối
𣌋𤼸花念佛彌陀 Sớm dâng hoa niệm Phật Di Đà.

Tư liệu do báo Đuốc Tuệ xuất bản năm 1935 đang lưu giữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội cho biết, đầu thế kỷ XX phong trào chấn hưng Phật giáo phat triển rầm rộ ở ba miền Trung Nam Bắc, đó là đôi câu đối sau:

保大十一年秋重修梵宇 Bảo Đại thập nhất niên thu trùng tu phạn vũ
我國振興佛教適際昌期 Ngã quốc chấn hưng Phật giáo thích tế xương kỳ

Dịch nghĩa:

Ngôi chùa được trùng tu vào mùa thu năm Bảo Đại thứ 11 (1936)
Đúng lúc phong trào chấn hưng Phật giáo ở nước ta đang phát triển

Những câu đối khác trong chùa:

鼓大鼓雷大雷振動大千成正覺

雲法雲雨法雨滂沱法界潤群生

Cổ đại cổ lôi đại lôi, chấn động đại thiên thành chính giác,
Vân pháp vân vũ pháp vũ, bàng đà pháp giới nhuận quần sinh.

Dịch nghĩa:

Gõ trống lớn nổi sấm vang, chấn động tam thiên đại thiên thế giới, hoành thành chính giác;
Che mây pháp tưới mưa pháp, ào ạt mưa gió khắp trong pháp giới để giúp cho mọi chúng sinh.

作造化之良能幹屏不遺物外

用人天之正眼佛法流入心中

Tác tạo hóa chi lương năng cán bình bất di vật ngoại,
Dụng nhân thiên chi chính nhãn Phật pháp lưu nhập tâm trung.

Dịch nghĩa:

Thực hiện chức năng của tạo hóa che chở cho muôn loài chẳng sót;
Dùng chính nhãn của cõi nhân thiên, Phật pháp đi vào lòng người

得以清以寧以靈而參贊總持都歸一理

舉為体為相為用而圓融行布即是十方

Đắc dĩ thanh dĩ linh dĩ linh nhi tham tán tổng trì đô quy nhất lý,
Cử vi thể tướng vi dụng nhi viên dung hành bố, tức thị thập phương

Dịch nghĩa:

Có được để hanh tĩnh để yên ổn để thiêng liêng mà góp công gìn giữ tất cả cùng một lẽ;
Nêu lên làm thực thể làm chân tướng làm công dụng để viên dung ban bố khắp cả mười phương.

此地有印筆棲臺猶傳舊槁

對峙則旌旗象馬盡助威靈

Thử địa hữu ấn bút lâu đài do truyền cựu cảo;
Đối trĩ tắc tinh kỳ tượng mã tận trợ uy linh.

Dịch nghĩa:

Miền đất này có thể ấn bút lâu đài, vẫn thấy lưu truyền trong sử sách,
Phía bên kia là kiểu cờ quạt ngựa voi, đều hỗ trợ uy linh).

佛日增輝度眾生璃六道

法輪常轉恆遍覆於十方

Phật nhật tăng huy độ chúng sinh ly lục đạo,
Pháp luân thường chuyển hằng biến phú ư thập phương.

Dịch nghĩa:

Mặt trời Phật sáng soi, cứu giúp chúng sinh vượt qua sáu nẻo;
Bánh xe pháp thường quay, luôn che chở cho cả mười phương.

Những câu đối khắc ở một số đình chùa đền miếu khác trong thủ đô Hà Nội[sửa]

  • Câu đối đề Hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội:
“Vạn kim bảo kiếm tàng thu thủy” (Gươm quý ngàn vàng, nước xanh lưu giữ)
“Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ” (Tấm lòng trong trắng, ngọc hồ in)
  • Câu đối khắc ở chùa Bối Khê huyện Thanh Oai:
Bắc quốc chí kim kinh nộ vũ (Nước phương Bắc (Trung Quốc) cho đến nay còn sợ cơn mưa (bão) giận)
Nam bang tự cổ vọng tường vân (Nước Nam nhỏ (Việt Nam) tự xưa vẫn trông ngóng mây lành)
Vế đầu câu đối nhắc đến lịch sử bảo vệ chủ quyền đất nước khi bị xâm lược, nhân dân ta đã quyết tâm làm nên những chiến thắng Bạch Đằng, Chương Dương, Hàm Tử, Chi Lăng, Đống Đa mà cho nay họ vẫn còn thấy kinh sợ. Vế thứ hai nêu lên tinh thần của nhân dân nước Nam ta vốn từ xưa vẫn có, chỉ mong ngóng mây lành cho cuộc sống hòa bình, hữu nghị)
  • Câu đối ở Miếu Trung Liệt - gò Đống Đa:

Câu đối này tưởng nhớ Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương và các anh hùng nghĩa liệt:

Thử thành quách, thử giang san, bách chiến phong trần dư xích địa (Đó thành quách, đó giang sơn, trăm trận phong trần còn thước đất)
Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự cộng thanh thiên (Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh)
Trung Liệt miếu, hay Võ miếu, ở Hà Nội là ngôi miếu thờ các nhân vật quân sự do các triều đại phong kiến Việt Nam xây dựng. Trung Liệt miếu được xây vào năm 1685 tại nơi mà nay là phố Nguyễn Khuyến, gần Văn miếu. Miếu thờ các công thần nhà Lê, thờ Trần Hưng Đạo và cả một số nhân vật người Hán (như Quản Tử, Tôn Tử, v.v...). Từ thế kỷ 19, miếu được di dời tới gò Đống Đa, và thờ các vị quan nhà Nguyễn đã hy sinh trong chiến đấu, như Nguyễn Tri Phương cùng người con trai là Nguyễn Lâm, Hoàng Diệu, Trương Quốc Dụng, Đoàn Thọ, Nguyễn Cao. Từ năm 1946, miếu thờ cả Quang Trung.
  • Câu đối khắc ở chùa Lạc Lâm - Quốc Oai - Hà Tây cũ:
Danh lợi thị trường thanh tịnh tồn tâm siêu xuất tục
Chiến tranh thời đại từ bi bất sát độ quần sinh
Chùa Lạc Lâm tọa lạc ở núi Không Lộ, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Tương truyền, trước đây chùa Lạc Lâm là nơi thiền sư Không Lộ trút xác hoá thân. Thời Trần, chùa được trùng tu trang nghiêm, tráng lệ, có tiếng là một nơi danh thắng trong chốn thiền lâm. Hiện nay chùa đã bị đổ nát, kiến trúc bị hư hại nhiều, không còn giữ được nét hoành tráng như trước đây.
  • Câu đối Đức Ông tại chùa Thiên Phức (Còn gọi là chùa Bộc) ở Khương Thượng Đống Đa:

Chùa Bộc còn có tên chữ là Sùng Phúc Tự hay Thiên Phúc Tự), tọa lạc tại xã Khương Thượng, nay thuộc phường Quang Trung, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Chùa vốn được dựng để thờ Phật, nhưng vì chùa tọa lạc sát một chiến trường giữa quân Tây Sơn và quân Thanh nên chùa còn thờ cả vua Quang Trung. Tượng Đức Ông chính là tượng Quang Trung, nhưng để tránh trả thù của nhà Nguyễn nên tượng và câu đối không dám đề rõ. Dưới đây là đôi câu đối khắc trước cổng chùa:

Động lý vô trần đại địa sơn hà lưu đống vũ (Bụi trần trong động không còn, non sông đất nước lưu rường cột)
Quang trung hóa phật tiểu thiên thế giới chuyển phong vân (Ánh sáng hóa thành phật cõi tiểu thiên thế giới chuyển gió mây)

Những câu đối ở phủ chúa Trịnh do Tây Sơn Binh Bộ Thượng Thư Ngô Thì Nhậm ghi chép[sửa]

  • Câu đối ở phủ đường:
乾御奠中區,肅穆位成朝左右 Kiền ngự điện trung khu, túc mục vị thành triều tả hữu (Chính giữa, vững đặt ngai Chúa ngự, thành ngôi cung kính, bên tả bên hữu chầu chực)
旅庭趨下駿,濟蹌序列作西東 Lữ đình xu hạ tuấn, tế thương tự liệt tác tây đông (Phía dưới, mau chóng tới sân chầu, dập dìu xếp hàng thứ tự, từ đông sang tây)
當宇穆晨旒,豈弟為綱徵壽考 Đương vũ mục thần lưu, khải đễ vi cương trưng thọ khảo (Gánh lấy quyền triều đình, nêu mầu ngự phục trang nghiêm, vui vẻ làm mối dường, tỏ điềm thọ khảo)
正朝恢治体,時幾懋勉挽凝熙 Chính triều khôi trị thể, thời cơ mậu miễn vãn ngưng hi (Sửa sang việc triều chính, mở rộng nền thịnh trị, thời cơ tốt cố gắng, đem lại phúc lành)
籬照四方瞻,虎步龍行昭瑞彩 Ly chiếu tứ phương chiêm, hổ bộ long hành chiêu thụy thái (Sáng soi cho bốn phương xem, hổ bước rồng đi, điềm hay tỏ)
泰和千古見,鳳儀麟舞荐嘉祥 Thái hoà thiên cổ kiến, phụng nghi lân vũ tiến gia tường (Thái hoà để nghìn thuở thấy, phượng chầu lân múa, phúc lành dâng)
百姓總吾胞,遍照無私,光是燭 Bách tính tổng ngô bào, biến chiếu vô tư, quang thị chúc (Trăm họ đều là đồng bào ta, vô tư khắp soi, sáng trưng là đuốc)
八方皆我闥,併包罔外,豁如心 Bát phương giai ngã đát, tinh bao võng ngoại, hoát như tâm (Tám phương đều là cửa ngõ tớ, chẳng ngoài bao bọc, rộng chứa như lòng)
才難得, 亦難知,較若驪黃歸藻鑑 Tài nan đắc, diệc nan tri, hiệu nhược ly hoàng quy tảo giám (Tài năng khó được, mà cũng khó hay, ví như màu vàng ngựa đen tuyền, phải dùng tới gương soi chiếu)
民可近,不可下,儼然軒陛見茅茨 Dân khả cận, bất khả hạ, nghiễm nhiêm hiên bệ kiến mao từ (Dân nên gần, không nên hạ thấp, nghiễm nhiên ở nơi hiên bệ, phải thấy được chốn nhà tranh)
  • Câu đối ở nhà giải nhiệt:
四序昭融清晏會 Tứ tự chiêu dung thanh yến hội (Bốn bên tường vách sáng trong, gặp hội thanh bình sông im bể lặng)
重門軒豁照臨中 Trùng môn hiên khoát chiếu lâm trung (Hai lần cửa, hiên rộng rãi giữa nơi sáng sủa nhật chiếu nguyệt soi)
卷阿伴渙時遊豫 Quyền A bạn hoán thời du dự (Đôi khi du chơi, nhởn nhơ đủng đỉnh ở chốn Quyền A). Thơ Quyền A, Kinh Thi, do Khang Công theo vua Thành Vương vui chơi ở trên chiếc gò queo (quyền a) làm ra, trong có câu: "Bạn hoán nhĩ du hĩ, ưu du nhĩ hữu hĩ" (Nhởn nhơ ông chơi vậy, ung dung ông vui vậy).
天保升恒會泰亨 Thiên Bảo thăng hằng hội thái hanh (Gặp hội thái hanh, mặt trăng sáng, mặt trời lên, như thơ Thiên Bảo). Thơ Thiên bảo, Kinh Thi do các đình thần làm để chúc tụng nhà vua, trong có câu: Như nguyệt chi hằng, như nhật chi thăng (Như mặt trăng thường sáng, như mặt trời đang lên).
鐘鼓樂同魚躍沼 Chung cổ lạc đồng ngư dược chiểu (Tiếng chuông, tiếng trống vui cùng, trên ao cá nhảy)
簫韶和奏鳳儀庭 Tiêu thiều hoà tấu phụng nghi đình (Nhạc tiêu, nhạc thiều hoà tấu, trước sân phượng chầu)
五絃聲繞臨風院 Ngũ huyền thanh nhiễu lâm phong viện (Tiếng đàn năm dây, vây quanh nhà hóng gió)
八闕歌喧得月樓 Bát khuyết ca huyên đắc nguyệt lâu (Ca vang tám khúc, bên lầu đón trăng)
  • Câu đối ở hậu đường:
兌澤一泓妝寶鏡 Đoài trạch nhất hoằng trang bảo kính (Đầm tây một khu, điểm tô thành tấm gương báu)
坤儀億載鞏璇庭 Khôn nghi ức tải củng tuyền đình (Muôn năm nghĩa mẹ, bền vững sân rồng)
玉燭宣煇光四表 Ngọc chúc tuyên huy quang tứ biểu (Như bó đuốc ngọc dọi soi, sáng trưng bốn cõi
金波闡瑞慶千秋 Kim ba xiển thụy khánh thiên thu (Tựa làn sóng vàng mở dấu, để phúc nghìn thu)
僊仗裝成連岸柳 Tiên trượng trang thành liên ngạn liễu (Nghi vệ thần tiên trang hoàng bên bờ liễu)
天香飛入滿湖蓮 Thiên hương phi nhập mãn hồ liên (Sen đầy hồ, bay vào hương ngan ngát đưa đến hồ sen)
  • Câu đối ở trong nhà phủ chúa:
雍睦燦堯名,晝省夕修兼懋勉 Ung mục xán Nghiêu danh, trú tỉnh tịch tu kiêm mậu miễn (Hoà mục, rực rỡ tiếng vua Nghiêu, đêm tu ngày tỉnh thêm gắng giỏi)
瞻依環禹服,南成北始慶清夷 Chiêm y hoàn Vũ phục, nam thành bắc thuỷ khánh thanh di (Trông nhờ, vòng quanh cõi vua Vũ, mở bắc thành nam, mừng dẹp yên cõi phiên di)
萬里隔隕長,地廠日南增式廓 Vạn lý cách vẫn trường, địa sưởng Nhật Nam tăng thức quách (Muôn dặm cách trở xa, mở cõi đất Nhật Nam rộng thêm thể thức)
九畿基本壯, 天高辰北屹綱維 Cửu kỳ cơ bản tráng, thiên cao Thần Bắc ngật cương duy (Chín châu nền gốc vững, vung cao trời Thần Bắc sừng sững mối dường)
Nhật Nam, thời thuộc Hán, Hán Vũ Đế chia nước ta làm 9 quận, Nhật Nam là một, tức khu vực các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế ngày nay. Thần Bắc, tức sao Bắc Thần, chỉ vào ngôi vua.
  • Câu đối ở công phủ:
萬里奉明威,蕃閫瘽瞻華萼邇 Vạn lý phụng minh uy, phiên khổn cận chiêm hoa ngạc nhĩ (Muôn dặm vâng quyền uy sáng ngời, chốn phiên khổn những xem hoa ngạc gần gũi)
四時宣雅化,絲綸遙仰彩雲來 Tứ thì tuyên nhã hoá, ti luân dao ngưỡng thái vân lai (Bốn mùa tuyên giáo hoá phong nhã, tờ chiếu chỉ xa đón vẻ mây lành tới gần)
邦國樹藩翰,遵奉典常勤述職 Bang quốc thụ phiên hàn, tuân phụng điển thường cần thuật chức (Dựng phên dậu cho nước nhà, noi theo phép thường, gắng làm theo chức nghiệp)
聖賢留範軌,講明學問要存心 Thánh hiền lưu phạm quỹ, giảng minh học vấn yếu tồn tâm (Lưu khuôn mẫu của bậc hiền thánh, giảng giải học hỏi, cốt yếu phải để tâm)
學焉新又新,君子及時修德業 Học yên tân hựu tân, quân tử cập thì tu đức nghiệp (Học sao đã mới lại càng mới, người quân tử phải kịp thời tu rèn đức nghiệp)
政者正不正,王臣居作守彝章 Chính giả chính bất chính, vương thần cư tác thủ di chương (Chính là sửa ở chỗ không thẳng, làm cho thẳng, đấng vương thần ăn ở, việc làm nên giữ phép thường)
夙夜彈厥心,忠愛恪敦臣子職 Túc dạ đàn quyết tâm, trung ái khác đôn thần tử chức (Sớm tối dốc hết lòng, trung nước yêu dân, kính giữ phận thần tử)
終始典于學,言行敬佩聖賢書 Chung thuỷ điển vu học, ngôn hành kính bội thánh hiền thư (Sau trước chăm chỉ học, việc làm lời nói, tuân theo sách thánh hiền)
大化奉宣揚,溫室德音常在耳 Đại hoá phụng tuyên dương, ôn chất đức âm thường tại nhĩ (Đức hoá kính tuyên dương, lời hay ở nhà Ôn thất còn bên tai mãi)
小心存洞屬,閶門威令不違顏 Tiểu tâm tồn động thuộc, xương môn uy lệnh bất vi nhan (Cẩn thận giữ trong dạ, uy lệnh cửa Xương hạp đâu cách thiên nhan)
Ôn thất, nhà ở về mùa đông của nhà vua, cũng gọi là nơi cơ mật về hành chính. Xương hạp, cửa của nhà vua.

Những câu đối khắc ở Bích Câu Quán - Hà Nội[sửa]

Hà Nội có một đường phố, gọi là phố Bích Câu, nhưng Bích Câu quán lại không nằm ờ đường phố Bích Câu, mà nằm gần khoảng gần giữa phố Cát Linh. Đường Cát Linh nối đường Quốc Tử Giám (chỗ gặp đường Tôn Đức Thắng) với đường Giảng Võ. Bích Câu quán nằm vào số nhà 12 của đường Cát Linh. Bích Câu quán vốn có tên gọi là Bích Câu Đạo quán. Theo sự truyền lại trong văn thơ cổ, thì vào thời vua Lê Thánh Tông, có Nho sinh họ Trần, tên là Tú Uyên, lấy được vợ là tiên Giáng Kiều. Giáng Kiều là người vợ hiền thục, đảm đang, còn Tú Uyên lại là người ham chơi, đến mức chè rượu bê tha. Giáng Kiều đã khéo léo khuyên ngăn chồng, Tú Uyên trở lại sống nghiêm túc, hai người có con trai. Sau cả nhà này thành tiên, được chim hạc đón về trời. Dân sở tại lập đền thờ, sau đổi thành Quán. Các câu đối có trước cửa Quán có nội dung như sau:

Danh lam tự cổ, đế vương châu biệt thành tịnh cảnh
Đại địa vu lam, thần tiên phủ tân lộc kỳ tung

Tạm dịch:

Danh lam tự cổ chốn đế vương riêng thành cảnh tịnh;
Đất lớn đến nay phủ thần tiên mới cũ tích kỳ.
Vân tiên thừa lộ kình sơn hải
Điện quán danh xuân tiếp thiên

Tạm hiểu là:

Mây cao sương móc nâng sơn hải
Điện quán danh xuân tiếp vân thiên
Thuỷ bích đài cao, diếu vọng kham liên tinh đẩu cận
Quy triêu hạc mộ, đăng lâm tự kiến hải hồ khoan

Tạm dịch:

Nước biếc đài cao, trông lên tưởng thấy trăng sao thấp;
Rùa sáng hạc chiều, bước lên như gặp cảnh hải hồ

Những câu sau đây lại nói về mối quan hệ giữa Bích Câu quán với sự nghiệp thời Lê:

Thi xưng tề thánh đức, phối tiên cung thiên bách tải chí Bích Câu kỳ ngộ
Mộng hiển bình Chiêm công thùy Lê sử ức vạn niên chi An quốc gia phong

Tạm dịch:

Thơ ngang cùng thánh đức, sánh cung tiên hàng ngàn năm đến Bích Câu kỳ ngộ;
Mộng báo bình Chiêm công, ghi Lê sử mấy vạn đời được An quốc gia phong.
Câu này nhắc ta nhớ đến việc vua Lê Hiển Tông đổi An Quốc từ ra An Quốc quán.

Ngoài ra còn những câu khác như:

Ngọc Hồ du Bạch Mã mộng kỳ ngộ hà niên phỏng cổ tầm tiên thiên tải hạ
Đan Đình thành Hoàng hạc hiển linh thử nhật đỉnh hương chúc thánh vạn phương nhân

Tạm dịch:

Ngọc Hồ chơi Bạch Mã mộng gặp gỡ năm nào thăm cổ tìm tiên ngàn thuở nữa
Đan Đình thành Hoàng Hạc hóa hiển linh ngày ấy đội hương chúc thánh khắp muôn phương

Lại có câu:

Lê Cảnh Hưng thần hiển chí kim giả bút khai loan huyền ấn đan kinh điện thượng thặng lưu đồ tượng
Thiên Nam Động thiên tòng tự cổ chân nhân khóa hạc bạch vân lục thụ trần trung biệt chiếm bồng lai

Tạm dịch:

Lê Cảnh Hưng thần hiển đến nay mượn bút khai loan ấn đen kinh đỏ trên điện vẫn còn có tượng
Nam Thiên Động kể từ thuở cổ chân nhân giá hạc mây trắng cây xanh trong trần riêng chiếm bồng lai.

Ngoài ra, còn có câu:

Tuyết kính chu thiên hoán hồng trần khai giác lộ
Vân hương đặc địa tích thành bích thuỷ hội đào nguyên

Tạm dịch:

Ngõ tuyết đầy trời mở giúp hồng trần con đường giác
Làng ngõ mây riêng đất gom thành bích thuỷ chốn nguồn đào

Những câu đối khắc tại Quán Trấn Vũ - thủ đô Hà Nội[sửa]

Quán Trấn Vũ là một di tích nằm trong hệ thống di tích mang tên quán của Thủ đô Hà Nội. Dưới đây là các câu đối khắc tại quán:

有國家以來旺氣經今存岳瀆
中天地而立神光蓋古鎮龜蛇
Hữu quốc gia dĩ lai, vượng khí kinh kim tồn nhạc độc
Trung thiên địa nhị lập, thần quang cái cổ trấn qui xà

美哉此帝王之都戎馬幾經萬仗堅城無缺處

巍然與天地並立龜蛇永鎮千秋寶創有靈餘

Mỹ tai thử đế vương chi đô, nhung mã kỷ kinh vạn trượng kiên thành vô khuyết xứ
Nguy nhiên dữ thiên địa tịnh lập, qui xà vĩnh trấn, thiên thu bảo kiếm hữu dư linh

南郊有國自鴻厖歷陳黎迄今劫局嬴輪靈氣依依萃龍肚

北方之星曰玄武中天地而立瀍度經緯神光赫赫鎮龜蛇

Nam giaohữu quốc tự Hồng Bàng, lịch Trần Lê hất kim, kiếp cục doanh thâu, linh khí y y tụy Long Đỗ
Bắc phương chi tinh viết Huyền Vũ, trung thiên địa nhi lập, triền độ kinh vĩ, thần quang hách hách trấn qui xà

Câu đối khắc tại 1 số cổng làng ở thủ đô Hà Nội[sửa]

xã Yên Thượng (Gia Lâm) cổng làng Đình Vỹ:

Đình nhiên! Khải yên nhất ấp cơ quan - khai hạp càn khôn thâm thủ đoạn

Vỹ tai! Môn thị vạn nhân lai vãng - thăng bình cảnh tượng diễn tài bồi

Lấy hai chữ đầu vế để gọi được tên làng, lại lấy câu đối để ca ngợi cảnh làng cũng là một câu đối có sức bút.

Có làng nổi tiếng về văn học thì lấy chữ trong kinh sách ra dạy bảo như câu đối ở cổng làng Giáp Nhất:

Xuất môn như kiến đại tân, xử dân như thừa đại tế

Xử thế bất dư quy củ, lập thân hữu chuẩn kỷ cương

(Ra cửa phải như gặp khách quý; Làm việc dân phải cân thận như làm việc nơi đại tế.

Đối với xã hội không ngoài quy củ, lập thân phải có kỷ cương).

làng Phú Thứ (Tây Mỗ, Từ Liêm) câu đối ở cổng làng ghi:

Hiếu đễ trung tín phú dĩ giáo chi chính trực đãng bình vương đạo Sĩ, nông, công, thương thứ sự khang hỹ, xuất nhập thủ vọng cổ phong

(Giàu có cũng phải có hiễu, đễ, trung, tín, giáo huấn phải chính trực theo vương đạo;

Dù là sĩ, nông, công, thương, muốn an khang thịnh vượng, sinh hoạt phải theo mỹ tục thuần phong)

Có nơi bây giờ xây cổng mới mà vẫn giữ lại cổng cũ để làm một cổ tích. Cái cổng cũ dù là nhỏ nhưng ý nghĩa của nó vô cùng lớn bởi cả làng đã yêu mến đôi câu đối:

Đại Áng cổ danh hương, mỹ tục thuần phong truyền vạn thế

Giang sơn tân vận hội, quốc cường dân phú vĩnh thiên niên

(Làng cổ Đại Áng, mỹ tục thuần phong còn lưu mãi;

Non sông đổi mới, nước mạnh dân giàu, đến ngàn năm).

Ở cổng làng Dịch Vọng Sở xây năm đầu thế kỷ XX, có câu đối:

Đóng ngõ không nề khuya mấy sớm

Ra vào có lúc ngựa cùng xe

cổng thôn Cự Đông, xã Thanh Liệt ghi:

Sống có nghĩa nhân nhà hạnh phúc

Đời theo cần kiệm cảnh yên vui

Những câu đối đền Ngọc Sơn[sửa]

Khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long, đặt tên ngôi đền đã có tại đây là Ngọc Tượng. Đến đời nhà Trần, đền được đổi tên là Ngọc Sơn, là nơi thờ những anh hùng liệt sỹ trong kháng chiến chống Nguyên-Mông. Tại mặt trong của hai cột trụ chính giữa cổng đền Ngọc Sơn có câu:

慶 瑞 一 峰 高 玉 佩 築 鯨 傳 勝 跡
釣 台 雙 廟 峙 靈 金 耀 斗 護 神 光
Khánh Thụy nhất phong cao, Ngọc Bội trúc kình truyền thắng tích
Điếu đài song miếu trĩ, linh Kim diệu Đẩu hộ thần quang

Dịch nghĩa:

Tại nền xưa Khánh Thụy, một gò đắp cao cao - đó là Ngọc Bội đè cá Kình truyền lưu danh thắng tích
Nơi dấu cũ Đài Câu, hai miếu xây sừng sững - đây Gươm thiêng rọi sao Đẩu ủng hộ ánh phong văn

“Cung Khánh Thụy: cung do chúa Trịnh Giang dựng lên trên gò đất cao tức Ngọc Sơn ở tây - bắc hồ vào năm Lê Vĩnh Hựu (1735 – 1739). Ngọc Bội: tên một quả núi nhỏ, do Trịnh Giang cho đắp ở bờ hồ phía đông để ghi chiến công đàn áp cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương (Quận Hẻo). Chữ “trúc kình” trong nguyên văn... (vế đối thứ nhất) có thể hiểu là “kình nghê kình quán = quán kình nghê”, chỉ những gò đống chôn xác giặc, ghi chiến công. Điếu đài: từ thời Lý - Trần, ở phía Tả Vọng của hồ Hoàn Kiếm có một gò đảo trên có ngôi chùa nhỏ, lâu ngày bị đổ nát. Đời Lê thường dùng nơi này (tức chỗ đền Ngọc Sơn hiện nay) làm nơi câu cá, gọi là Điếu đài. Ngoài ra, hai quả núi Đào Tai và Ngọc Bội đồng thời cũng là hai nơi có thể đứng để câu cá, giành cho vua chúa, cũng gọi là Điếu đài. Hai miếu Điếu đài đối lập” chỉ hai nơi câu cá sau cùng này. Căn cứ thơ văn 1833 - 1841 của Tiến sĩ Vũ Tông Phan và bản đồ Hà Nội 1873, Cung Khánh Thụy được xây không phải trên Ngọc Sơn mà ở bờ phía tây của hồ Hoàn Kiếm, tại vị trí sau này người Pháp xây dinh thự Chánh án Đông Dương (nhà số 8 Lê Thái Tổ), nay là khách sạn Hà Nội Vàng dang dở, và núi Ngọc Bội được đắp ở vị trí có cung Khánh Thụy, tức cũng tại bờ tây hồ Hoàn Kiếm. Với một cảnh quan thực tế như vậy, mọi sự trở nên sáng tỏ: khi Hội Hướng Thiện xây đền Ngọc Sơn thì trên bờ tây, nơi từng có cung Khánh Thụy, chỉ còn là một ngọn đất nhô cao - chính là di tích các núi Ngọc Bội xưa, Trịnh Doanh (chứ không phải Trịnh Giang, như các nhà Hà Nội học viết, bởi vì Trịnh Giang chỉ là chúa từ 1729 đến 1739 thì bị truất và không hề cầm quân đi đánh Quận Hẻo) cho đắp để kỷ niệm võ công của mình sau khi, vào năm 1751 đóng đại bản doanh ở núi Ngọc Bội thuộc dãy Tam Đảo, đã phá được sào huyệt của Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương trên núi Độc Tôn; đăng đối với một gò di tích Ngọc Bội trên bờ tây ấy, Hội Hướng Thiện trùng tu và dựng trên đảo Ngọc (gần bờ đông) hai ngôi đền (= miếu) mới, chỉ cách nhau một cái sân trong rất nhỏ (chí ít đến tận năm 1887, theo sự miêu tả của G. Dumoutier trong sách Les pagodes de Hanoi, hai ngôi đền ấy còn chưa nối thành một cấu trúc liên hoàn như ngày nay: trùng tu đền ở phía bắc thờ Quan Vũ và sáng lập đền ở phía Nam thờ Văn Xương, để thần Võ (mà tượng trưng là “Gươm thiêng”) và thần Văn (tượng trưng là sao “Bắc Đẩu”) - lý tưởng văn võ kiêm toàn của Nho gia - cùng ủng hộ cho ánh sáng thần diệu mới (= ánh sáng văn hóa) trên đảo Ngọc, bởi vì từ nay đền Ngọc Sơn phải trở thành nơi “bọn sĩ phu kết bạn với nhau” để “gìn giữ chí khí, tu dưỡng bản thân” và “làm những việc có ích cho mọi người” - như vị Hội trưởng đầu tiên của Hội Hướng Thiện Vũ Tông Phan đã phát biểu trong bài văn bia soạn năm 1843, ngay sau khi khánh thành Đền. Chỉ có xuất phát từ cảnh quan thực tế ấy, từ mục đích văn hóa - giáo dục sâu sắc ấy của việc sáng lập đền Ngọc Sơn thì mới có thể hiểu đúng (như những người trong cuộc đương thời đã hiểu !) cái ý tại ngôn ngoại gửi gắm trong câu đối trên và diễn dịch sáng tỏ sang tiếng Việt lô-gich nội tại giữa các ngữ đoạn trong một vế đối, cũng như giữa cả hai vế.

  • Câu đối dẫn tại đền Ngọc Sơn như sau:
臨 水 登 山 一 路 漸 入 佳 景
尋 源 訪 古 此 中 無 限 風 光
Lâm thủy đăng sơn, nhất lộ tiệm nhập giai cảnh
Tầm nguyên phỏng cổ, thử trung vô hạn phong quang

Dịch nghĩa:

Vượt qua bến nước trèo lên đỉnh non, thấy có một con đường đưa dần vào cảnh tươi đẹp
Truy tìm nguồn cội, thăm hỏi cổ xưa mới hiểu trong việc này vô hạn ánh sáng phong văn

Vế thứ nhất hoàn toàn miêu tả không gian thiên nhiên: non nước cùng “giai cảnh” tức ngôi đền mới dựng hài hòa với thiên nhiên tươi đẹp, vế thứ hai nói về hoạt động con người tại ngôi đền này là tầm nguyên phong cổ để cắm những “cột tiêu” (= chuẩn mực) của đạo lý làm người. Ngoài ra, còn có ý liên tưởng đến những ngôi tư thục do các ông Nghè, ông Cử danh tiếng đã về mở quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm theo lời kêu gọi của Văn hội Thọ Xương “vi hương quân tử vi xã tiên sinh” (làm quân tử trong làng, làm thầy đồ trong xã), đều phải trở thành “cầu bến” giác ngộ cho đời.

  • Câu đối đắp ở 2 cột biên:
立 人 標 表 開 人 徑
度 世 津 梁 覺 世 關
Lập nhân tiêu biểu khai nhân kính
Độ thế tân lương giác thế quan

Dịch nghĩa:

Gây dựng con người [thì cắm] những cột tiêu dẫn đường khai hóa cho người
Cứu giúp cuộc đời [hãy xây] các cầu bến làm cửa giác ngộ cho đời
  • Câu đối trên hai cột trụ chính giữa tiền đường:
山 名 不 在 高 水 靈 不 在 深 自 有 主 者
天 柱 賴 以 尊 地 維 賴 以 立 惟 此 浩 然
Sơn danh bất tại cao, thủy linh bất tại thâm, tự hữu chủ giả
Thiện trụ lại dĩ tôn, địa duy lại dĩ lập, duy thử hạo nhiên

Dịch nghĩa:

Núi nổi danh không phải vì cao, nước linh thiêng chẳng phải vì sâu mà bởi [thiên nhiên] tự nó có chủ
Tuy nhiên trời trụ vững cũng nhờ tôn kính, đất duy trì cũng nhờ tạo lập đều do chí hướng Thiện của người

Về kết cấu văn bản câu đối, vế trước viết “Sơn danh”, trong đó (名) - “danh’” là vị ngữ và dịch giả đã dịch đúng là “núi nổi tiếng”, thì theo luật đối trong vế sau (柱) - “trụ” ứng đối với “danh” cũng phải là vị ngữ, nên không thể dịch thành “cột” mà phải dịch là trụ vững. Từ nguyên quả có cho một nghĩa của (柱) là: “dữ (拄) thông dã”; nghĩa này trong các tự điển tiếng Trung hiện đại không thấy ghi nữa. “Thiên trụ” đã dịch sai thì tất kéo theo (地 維) “địa duy” cũng dịch sai thành “dải đất”, thế nhưng “duy” ở đây ứng đối với vị ngữ “linh” ở vế trên (đã được dịch đúng thành vị ngữ: nước linh thiêng), cho nên “duy” cũng là vị ngữ và phải dịch thành duy trì/tạo lập. Có lẽ dịch giả thấy trong vế đối viết (天 柱) “thiên trụ” với chữ (柱) các tự điển hiện đại chỉ còn cho nghĩa sự vật, thì theo phản xạ của người thông thạo các điển cố, đã vội cho rằng soạn giả sử dụng điển cố, nhưng thực ra trong trường hợp này Lê Duy Trung chỉ tận dụng sự liên tưởng điển cố đó của các nho sĩ để vận dụng điển cố mà phát biểu ý tưởng của mình. Cái “ý tưởng của mình” đây, tức của các sĩ phu trong Hội Hướng Thiện sáng lập đền Ngọc Sơn, lại chỉ có thể tìm hiểu thông qua thông tin ngoài/sau văn bản. Rất may điều này còn thấy trên bài văn bia Ngọc Sơn Đế Quân từ ký: Phù Kiếm hồ thiên nhiên chi thắng, sơn bất tại cao, thủy bất tại thâm, tịnh bất dĩ nhân công chi hữu vô nhi gia tổn dã... (Ôi ! Hồ Gươm là cảnh đẹp thiên nhiên, núi không cần cao, nước không cần sâu và cũng không cần có bàn tay khéo léo của con người mà tăng hay giảm giá trị...). Ông Nghè Tự Tháp đã bỏ đi cả tiên lẫn rồng trong câu của danh gia Lưu Vũ Tích, chỉ tận dụng một phần câu văn nổi tiếng để gửi gấm cái ý tưởng của mình là: Thiên nhiên tự nó tươi đẹp và linh thiêng, tự nó có chủ, có lý riêng. Trong vế thứ nhất của câu đối soạn sau văn bia có 1 năm, 1844, Lê Duy Trung, một người đồng chí tâm huyết của Vũ Tông Phan trong sự nghiệp chấn hưng văn hóa Thăng Long, đã cô đọng ý đó. Nhưng điều không kém quan trọng là: “Duy nhãn tiền hữu cảnh, khởi chung hư phận. Thướng hữu nhân yên, tự ưng dữ cảnh tấu hợp (Duy có điều, đối cảnh trước mắt há nỡ phụ mà để suông hoài. Nếu có người ở đấy thì nên hòa hợp cùng với cảnh)”. Cái chủ trương vị Hội trưởng Hướng Thiện muốn phát biểu qua những lời trên là: thiên nhiên phải được người có chí hướng thiện (chính là “hạo nhiên khí”!) tôn thờ và tạo dựng thì mới không “bị phụ mà để suông hoài”

  • đền Ngọc Sơn còn một câu đối nữa:
Tiên tắc danh long tắc linh tự hữu chủ giả
Trụ dĩ tông, duy dĩ lập duy thử hạo nhiên

Dịch nghĩa:

Tiên thì lừng, rồng thì thiêng, đều do tự có chủ
Cột được trọng, giềng được lập, toàn nhờ khí hạo nhiên

ở đây cái thiêng liêng không còn là thiên nhiên (núi sông, non nước) mà là rồng và tiên - những linh vật đạo Giáo tôn sùng; hai là, cột với giềng làm sao sánh với Trời và Đất được! Vế đối mất hẳn khẩu khí của “đại khối văn chương” (văn chương mang ý tưởng lớn lao của Trời Đất) mà những người sáng lập ngôi đền văn minh từng tuyên bố.