Công giáo tại Việt Nam

Bộ sưu tập danh ngôn mở Wikiquote

Cộng đồng Công giáo tại Việt Nam là một bộ phận của Giáo hội Công giáo Rôma, dưới sự lãnh đạo tinh thần của Giáo hoàng và Giáo triều Rôma. Với khoảng 6,87%, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người Công giáo (trong tổng dân số) xếp thứ năm ở châu Á, sau Đông Timor, Philippines, Liban và Hàn Quốc. Thời cực thịnh, Công giáo tại Việt Nam còn được mệnh danh là "Trưởng nữ Giáo hội bên Viễn Đông".

Câu đối[sửa]

Những câu đối chữ Hán tại nhà thờ giáo họ Lai Thành[sửa]

Nhà thờ giáo họ Lai Thành, dâng kính thánh Giu-se Thợ, thuộc giáo xứ Hoài Lai, giáo phận Phát Diệm.

  • Câu thứ nhất:
Vế phải: Thiên thu kí tích, kim đài tĩnh phối Nữ Vương, siêu bách thánh (Ngàn năm ghi dấu tích, chốn đài vàng cùng Đức Nữ Vương kết ước, cao hơn trăm ngàn các thánh)
Vế trái: Vạn cổ lưu phương, thạch cốc danh xưng Chủ Phụ, quán quần thần (Muôn thủa để tiếng thơm, nơi hang đá xứng danh Cha nuôi của Chúa, vượt trên tất cả quần thần)
Câu đối này nhằm ca tụng thánh Giu-se, bổn mạng của họ đạo Lai Thành. Phần đầu của mỗi vế đối - thiên thu kí tích và vạn cổ lưu phương - xem ra không có gì đặc sắc, vì là những lối tán tụng quen thuộc, thường thấy nơi các câu đối ở những đền miếu thờ thành hoàng hoặc các anh hùng. Phần giữa của hai vế đối - kim đài tĩnh phối Nữ Vương và thạch cốc danh xưng Chủ Phụ - theo chúng tôi là phần hay nhất, nhưng cũng khó giải thích nhất. Kim đài nghĩa là đài vàng. Trong Hán ngữ, kim đài có thể mang nghĩa là kinh đô. Chúng tôi cho rằng đây là một cách diễn tả riêng biệt nhằm ám chỉ Đền Thờ. Tĩnh phối Nữ Vương, theo chúng tôi, là một sáng kiến nhằm diễn tả điều được nói tới trong Mt 1,25, tức việc Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se kết hôn với nhau nhưng không ăn ở xác thịt với nhau. Kim đài tĩnh phối Nữ Vương có thể hiểu như cách diễn tả cuộc hôn nhân, nhất là lễ cưới của Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se tại Đền Thờ. Thạch cốc, theo chúng tôi là cách dịch từ cách hiểu truyền thống được diễn tả trong tiếng Việt bằng hang đá, để chỉ nơi sinh của Chúa Giêsu. Thực ra, Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca chỉ nói tới nơi sinh của Chúa Giê-su tại Bê-lem, Lu-ca 2,7 thêm chi tiết “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ”. Phần cuối của hai vế đối, siêu bách thánh và quán quần thần, cho thấy vị trí của thánh Giuse vượt trên tất cả triều thần và các thánh. Có thể nói phần quan trọng nhất, phần trung tâm của hai vế đối, đã đề cập đến hai thời điểm quan trọng trong cuộc đời của thánh Giuse, kết ước với Đức Trinh Nữ Vương và đảm nhận công việc nuôi dưỡng Con Chúa làm người. Vế thứ nhất vừa diễn tả được điểm mấu chốt liên quan tới niềm tin công giáo về đời sống hôn nhân của hai vị thánh vừa phản ảnh nét riêng biệt của lễ cưới của hai vị theo cách hiểu trong truyền thống. Vế thứ hai dùng từ thạch cốc để nói về nơi sinh của Chúa Giê-su, qua đó nhấn mạnh tới vai trò Cha nuôi Con Thiên Chúa của thánh Giuse.
  • Câu thứ hai:
Vế phải: Nữ trung ý đức cao thiên thánh (Đức tốt nữ nhân hơn chư thánh)
Vế trái: Thiên thượng kì hoa mãn bách hương (Hoa lạ trên trời ngập muôn hương)
Câu đối này nhằm ca tụng Đức Mẹ. Vế thứ nhất nói lên nhân đức tốt đẹp của Đức Mẹ giữa hàng phụ nữ vượt trên hết các thánh. Vế thứ hai diễn tả vẻ đẹp kì diệu của Đức Mẹ như đoá hoa lạ trên thiên giới gồm cả sắc hương ngào ngạt.

Những câu đối khắc tại nhà thờ giáo họ Vinh Trung[sửa]

Giống như hầu hết các ngôi nhà thờ thuộc giáo xứ Phát Diệm, nhà thờ giáo họ Vinh Trung được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống Việt Nam. Ngôi nhà thờ này còn lưu giữ được tương đối nguyên vẹn những hoành phi và câu đối cổ. Dưới đây là nội dung các câu đối tại mặt tiền của ngôi nhà thờ này.

Vinh hiển muôn đời, sự nghiệp huân lao ghi sử sách;
Trung thành một dạ, khâm sùng kính ái chốn nghiêm cung.
Áo nhặm dây da, dẹp tính hãm mình trên núi đỏ;
Mật ong châu chấu, ăn kham ở khổ chốn rừng xanh.
Câu đối ở hai cột bên diễn tả những nét đặc trưng của Gio-an Tiền Hô, như Tân Ước miêu tả. Vế đầu của câu đối nói về cung cách ăn mặc của Gio-an Tiền Hô, trong khi vế thứ hai nhấn mạnh đến cách ăn uống kham khổ của Gio-an. Áo nhặm dây da, gợi lại hình ảnh của Gio-an trong Mc 1,6 “Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da”; trên núi đỏ có lẽ là cách diễn tả văn chương mang tính cách hội nhập văn hóa của nguyên ngữ Hi-lạp ἐντῇἐρήμῳ. Mật ong châu chấu, chính là phần thứ hai trong Mc 1,6 “ăn châu chấu và mật ong rừng”; chốn rừng xanh ở cuối vế thứ hai cũng có thể hiểu như một lối diễn tả khác, mang mầu sắc hội nhập văn hóa, của ἐντῇἐρήμῳđã được đề cập đến ở trên. Dẹp tính hãm mình và ăn kham ở khổ nằm ở trung tâm của hai vế đối nhấn mạnh đến sự khổ chế của Gio-an Tiền Hô. Rõ ràng câu đối này đã phần nào miêu tả được những nét tiêu biểu nhất của Gio-an Tiền Hô. Tuy nhiên, do khuôn khổ gò bó của câu đối và có thể do hạn chế trong hiểu biết Thánh Kinh của tác giả nên ý nghĩa hai vế đối chưa được hoàn chỉnh. Dùng từ áo nhặm để diễn tả áo lông lạc đà có lẽ hơi gượng ép. Hơn nữa, khi đề cập đến y phục và cách ăn uống của Gio-an, Tin Mừng Mác-cô cũng như các Tin Mừng khác dường như muốn giới thiệu Gio-an như là vị ngôn sứ đi trước dọn đường cho Đấng Ki-tô. Theo văn mạch của các Tin Mừng rõ ràng yếu tố khổ chế trong y phục và cách ăn uống của Gio-an không phải là trọng tâm của bản văn. Dĩ nhiên chúng ta có thể hiểu rằng khi những câu đối ở đây được viết ra, Hội Thánh tại Việt Nam chưa có bản văn Thánh Kinh bằng tiếng Việt. Nếu tác giả những câu đối này là linh mục, vị đó hẳn có thể đọc bản văn Thánh Kinh bằng tiếng La-tinh và tiếng Pháp; nếu tác giả là giáo dân, vị đó hẳn biết đến những chi tiết về cuộc đời Gio-an thông qua những sách hạnh các thánh và lời giảng của các linh mục.

Những câu đối dựa ý Thư Chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 2013[sửa]

Hội đồng Giám mục Việt Nam là một hình thức hội nghị trong đó các Giám mục của Việt Nam cùng nhau thi hành chức vụ mục tử để làm tăng thêm ảnh hưởng tốt đẹp của Hội Thánh Công giáo trên tất cả mọi người, đặc biệt đưa ra những hình thức và phương pháp hoạt động tông đồ phù hợp với hoàn cảnh của thời đại (GM III, 38). Ngày 24 tháng 11 năm 1960 qua Sắc chỉ "Chư huynh đáng kính", Giáo hoàng Gioan XXIII đã thiết lập "Hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam". Sau khi Việt Nam thống nhất, đại hội lần thứ nhất các Giám mục Việt Nam diễn ra tại Hà Nội từ ngày 24 tháng 4 cho đến ngày 1 tháng 5 năm 1980 đã bầu Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn làm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam. Nội quy của Hội đồng Giám mục Việt Nam quy định, Ban thường vụ hội đồng họp vào tháng 3 hàng năm và 3 năm tổ chức một kỳ đại hội tổ chức bầu lại Ban thường vụ. Sau mỗi phiên họp thường niên, Hội đồng Giám mục Việt Nam có thông lệ gửi thư chung cho cộng đoàn dân chúa ở Việt Nam. Dưới đây là những câu đối dựa ý thư chung của hội năm 2013 do LM GB Phạm Hồng Thái ở Giáo Phận Nha Trang biên soạn:

Canh tân Hội Thánh theo hướng Phúc Âm hóa
Đổi mới Gia đình rập gương mẫu Thánh Gia
Gặp gỡ Chúa Ki tô
Biến đổi nhờ Thánh Thần
Hồng ân Chúa Thánh Thần
Hoa trái Năm Đức Tin
Đức tin làm sáng tỏ Hội Thánh
Tin Mừng giúp thăng tiến Gia đình
Tân Phúc âm: mới Nhiệt tình, mới Phương pháp, mới Diễn tả
Dân Thiên Chúa: mới Hội Thánh, mới Truyền giáo, mới Gia Đình
Hội Thánh Công Giáo là gia đình Thiên Chúa
Cộng đoàn Gia đình chính Hội Thánh tại gia
Gia đình Công giáo Cộng đoàn cầu nguyện
Cha mẹ con cái cùng chung lời kinh
Gia đình cộng đoàn yêu thương chung thủy
Vợ chồng con cái Bác ái thứ tha
Gia đình là cộng đoàn phục vụ sự sống
Cha mẹ chính nhà giáo dạy dỗ con mình
Gia đình Cộng đoàn tham dự Phúc Âm hóa
Mọi người tín hữu giới thiệu Chúa Kitô
Giới trẻ chuẩn bị tích cực cho Hôn nhân
Gia đình sống làm chứng nhân cho Thiên Chúa
Chúa lập Hôn nhân một nam một nữ từ ban đầu
Ta xây gia đình một vợ một chồng theo thánh ý
Tôn vinh vẻ đẹp tình yêu nơi gia đình
Ca ngợi vinh quang Thiên Chúa nơi vũ trụ
Tân Phúc Âm Hóa để thông truyền Đức tin Công giáo
Máu thánh Tử đạo là hạt giống sinh nhiều giáo dân

Những câu Đối Tết dành cho người Công Giáo[sửa]

Câu đối của Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ:

Kết liên Thánh Kinh, Tình Yêu Chúa
Thông hợp Tin Mừng, sức sống dân
Xuân mới chan hoà trên đất nước
Tin Mừng loan báo đến muôn dân
Đức ái Thánh Gia soi trần thế
Lương Thần Mình Chúa dưỡng thánh nhân
Nhật khứ nhật lai, ân Chủ giáng
Xuân hồi xuân tái, phúc Thiên ban
Tết đến đầu năm, Ơn Chúa viếng
Xuân qua mãn thọ Phúc con trông
Xin Thiên Chúa xuân sang hạnh phúc
Khấn Nữ Vương Tết tặng an bình
Thiên Chúa Hồng Ân xuân mãn túc
Thánh Kinh Bửu huấn nhật quang hoa
Ngày xuân kính Chúa, bình an đến
Năm mới thương người, thánh sủng về
Mừng xuân hỷ xả thêm công đức
Đón Tết từ bi bớt não phiền
Đón xuân mới, rước Chúa vô nhà ở mãi
Tiễn năm củ, đuổi quỷ đi chỗ ngoài luôn
Mình Chúa dưỡng sức dân, tâm niệm lộc thần phúc vô biên
Thánh Kinh truyền tình Chúa, thực hành Lời Thánh xuân bất tận
Thánh Gia thi bác ái, ân tỷ xuân phong lâm hạ thổ
Thể Huyết dưỡng nhân linh, đạo đồng phúc nhật lệ trung thiên
Đức ái Thánh Gia, như hoa xuân toả hương cho trần thế
Lương Thần Mình Chúa, tựa nắng sớm bồi sức dưỡng thánh nhân
Tình Chúa tựa ánh xuân, nhân nghĩa ấm nồng che trời đất
Ơn Trên như mưa móc, đức cao lan toả phủ thế nhân
Cha Hiển Thánh mến thương, hoàn vũ tán dương, hoàn vũ nghinh lạc hưởng
Phúc Tin Mừng hoan hỷ, mọi nhà truyền quý, mọi nhà sống an vui
Tứ đức duy tân, thế giới thái bình kỳ Chủ hữu
Thất ân y cựu, gia đình hoà thuận ngưỡng thiên ân
Canh tân tứ đức, thế giới thái bình, Trời phù hộ
Vững mạnh bảy ơn, gia đìng hoà thuận, Chúa thông ban
Gia gia, gia thuận cảnh, tôn hiền tử hiếu tề tụng Chúa
Hộ hộ, hộ hanh thông, quốc thái dân an cộng hoan Thiên
Nhà nhà khá giả thuận hoà, con hiền cháu hiếu, đồng tâm ca tụng Chúa
Cửa cửa quang thông hoan hỷ, quốc thái dân an, hợp tiếng ngợi khen Trời
Chân thành suy niệm kinh Môi Côi, Ơn thiêng dạt dào tuôn tuôn đổ
Nghĩa thiết thực thi nếp gia đình, Lộc Thánh nhuần thấm tiến tiến lên
Ơn Chúa tràn đầy, Xuân mới chan hoà trên đất nước
Lửa Trời chiếu dọi, Tin Mừng rạng tỏ khắp nhân gian
Tình Chúa tựa ánh xuân, nhân nghĩa ấm nồng che trời đất
Ơn Trên như mưa móc, đức cao lan toả phủ thế nhân
Liên kết Tin Mừng – Tinh Yêu Chúa
Hiệp thông Thánh Thể – Sức Sống dân

Câu đối của Lm. GB. Nguyễn Văn Hiếu:

Ngày xuân kiến tạo bức tranh xuân, vươn tới đỉnh cao Chân – Thiện – Mỹ
Năm mới dựng xây con người mới, chói ngời gương sáng Đức – Tài – Tâm
Già mẫu mực, tâm đức nêu gương, việc đạo việc đời, truyền con cháu
Trẻ xông pha, nhiệt tình phấn đấu, chữ trung, chữ hiếu, học Ông Bà
Duy trì nề nếp, giữ vững thuần phong, nền móng gia đình bền vạn thuở
Tuân thủ kỷ cương, nối truyền đạo lý, lầu đài tổ quốc vững nghìn thu

Câu đối Tết và Câu đối Cổng ở Giáo Xứ Việt Nam Paris[sửa]

Ở Giáo Xứ Việt Nam Paris, cũng như nhiều nơi khác, người Việt Nam thích chơi câu đối. Bốn loại câu đối đã được viết ra ở Giáo Xứ Công Giáo Việt Nam Paris. Câu đối sống hằng ngày trong các gia đình ; Câu dối giáo dục hằng tuần của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể ; Câu đối Tết hằng năm để chúc Tết và trang hoàng nguyện đường ; Và câu đối cổng nhắc nhớ những lý tưởng, những sứ mệnh của giáo xứ.

Những đôi câu đối Tết[sửa]

Ðúc Ông Giám Ðốc Mai Ðức Vinh tìm lại được một đôi câu đối đã được treo cạnh bàn thờ, vào một mùa xuân, không nhớ năm nào. Câu đối ấy như sau :

Vạn vật đón Xuân hữu hạn
Giáo dân mừng Chúa trường sinh (MĐV)

Luật sư Lê Ðình Thông, cựu chủ tịch Hội Ðồng Mục Vụ nhân dịp xuân Ðinh Hợi 2007, đã làm một đôi câu đối mới chúc Cộng Ðoàn. Ðôi câu đối ấy như sau:

Đinh Hợi giao hòa Hồng Ân hồn xác
Cộng đoàn hiệp nhất mở mang đạo đời (LĐT)

Dịp Xuân Đinh Hợi 2007, người viết đã gởi hai câu đối nhỏ. Câu thứ nhất nhớ đến Chúa và mọi người trong Cộng Ðoàn. Câu thứ hai đặc biệt nhớ đến các anh em trong phong trào LIÊN ÐỚI NGHỀ NGHIỆP:

Năm Hồng Ân cảm tạ Chúa
Tết Ðinh Hợi nhớ ơn người (Thanh Hương)

và:

Tết đến nguyện chúc phúc thọ
Xuân về liên đới ngành nghề (Thanh Hương)

Xuân Quý Tỵ 2013. Cũng trong tâm tình đón xuân với cộng đoàn, nhân dịp xuân Quý Tỵ, người viết đã lấy ý bài Chia sẻ Lời Chúa của Đức Ông Mai Đức Vinh, dịp lễ Tiệc Xuân 2013 và gửi câu đối sau đây :

Cộng Đoàn Đức Tin Hiệp Nhất
Giáo Xứ Lòng Mến Thương Yêu (Thanh Hương)

Bác sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái đóng góp thêm một câu đối Tết Tết Quý Tỵ 3013:

Tết đến nhớ ai vui nguyện ước
Xuân về tỉnh giấc thắm tình xưa (Vân Uyên NVA)

Luật sư Lê Đình Thông đóng góp thêm bốn câu đối Tết Quý Tỵ 2013 :

Nhân trần mừng Tết vô thường
Già trẻ đón Xuân bất tận (LĐT)

Tết Quý Tỵ hồng ân Trời

Năm Đức Tin tràn lộc Đất (LĐT)

Xuân về hầu bao lì xì
Tết đến mở lòng bác ái (LĐT)

Cộng Đoàn Tin Cậy Yêu Thương

Giáo Xứ Gia Tăng Hiệp Nhất (LĐT)

Những đôi câu đối Cổng[sửa]

Giáo xứ đã toạ lạc trong bốn cơ sở. Năm 1950 ở số 36bis, Boulevard Raspail, 75007 Paris. Ðến năm 1957, rời về số 32 Avenue de l’Observatoire, 75014. Từ 1968 lại rời về số 15, rue Boissonade, 75014. Từ 15.08.1998 đến nay, Giáo xứ cư ngụ ở số 38, rue des Epinettes, 75017 Paris. Cả bốn cơ sở đều không có cổng. Cơ sở hiện nay là cơ sở duy nhất thực sự có một cái cổng, có mở ra khoá vào được. Nhưng là cơ sở ở trọ, không phải của mình. Giáo Xứ vẫn chưa dám nghĩ đến việc khắc ghi lên cổng một đôi câu đối, nêu ra cái khí khái, cái truyền thống văn hoá, hay cái nguyên tắc sống của mình, mà chỉ có thể dám nghĩ và ghi ra trên giấy và chia sẻ, truyền tụng cho nhau mà thôi.

Câu thứ nhất đã được viết ra vào lúc mà phong trào thuyền nhân ồ ạt đến Pháp vào những năm 1975 đến 1980 :

Liên đới từ xa xưa, giáo dân lòng mở rộng

Bác ái đến vạn đại, bổn đạo chí vươn cao (Thanh Hương)

Câu thứ hai viết vào dịp xây dựng Hội Ðồng Mục Vụ và Ban Thường Vụ vào năm 1983 :

Sống có nghĩa nhân cùng dân nước

Ðời giữ chung thủy với Chúa Trời (Thanh Hương)

Câu thứ ba viết vào dịp Giáo xứ thiết lập Phong Trào Liên đới nghề nghiêp vào năm 2000 :

Giáo Xứ Pa-ris, mỹ tục thuần phong truyền vạn tuế

Tiên Rồng Việt Nam, Tình dân, nghĩa nước giữ muôn đời (Thanh Hương)

Câu thứ bốn viết vào dịp Thánh Lễ tại Giáo Xứ được trực tiếp truyền hình trên đài F2 vào Chúa Nhật 23.03.2003 :

Ðông người thăm viếng bởi văn hoá và văn vật nhiều

Hết xứ yên vui nhờ đức ái và thiên ân lớn (Thanh Hương)

Câu thứ năm viết vào dịp xuất bản cuốn sách Văn Hoá và Ðức Tin, năm 2004 :

Bây giờ làng Văn Hoá

Mãi mãi xứ Ðức Tin(Thanh Hương)

Năm Đức Tin 2013, Giáo Xứ đưa ra một chương trình mục vụ « Năm Đức Tin và Lễ Bạc phong thánh 117 vị Tự Đạo Việt Nam », trong đó có việc soạn thảo cuốn sách « Các Thánh Tử Đạo thăng hoa Văn Hóa Việt Nam », nghĩ đến gương các Thánh Tử Đạo Tiền nhân, những bậc anh hùng đốt sáng và thăng hoa Văn Hóa Việt Nam:

Văn Hóa Ngũ Luân Ngũ Thường đốt sáng

Đức Tin Bát Phúc Tam Phụ thăng hoa (Thanh Hương)

Những câu đối đóng góp thêm của Ban Tu Thư Giáo Xứ dịp Tết Quý Tỵ 2013, tác giả đã gửi đến những vị trong Ban Tu Thư GXVN Paris, xin đóng góp thêm. Trong tinh thần cộng tác và hiệp nhất giáo xứ, Bs Vân Uyên Nguyễn Văn Ái, một trong những người sáng lập Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Paris vào năm 1947 và Ls Lê Đình Thông, cựu chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ GXVN Paris, 2001-2008, đã gửi đóng góp thêm những câu đối sau đây:

Bác sĩ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái, không kể đôi câu đối Tết Quý Tỵ 3013 đã ghi ở trên, đã còn đóng góp thêm một đôi câu đối Cổng như sau :

Cửa hẹp đường trần nghe tiếng gọi

Thiên đường mai mốt cạnh bên Ai (Vân Uyên NVA)

Luật sư Lê Đình Thông, không kể bốn đôi câu đối Tết Quý Tỵ 3013 đã ghi ở trên, đã còn đóng góp thêm sáu câu đối Cổng như sau :

1. Thuộc lòng bộ sách thánh, kinh nguyện khắc ghi tâm

Không quên lời kinh bổn, thứ tha là lẽ sống (LĐT)

2. Tin điều nhân nghĩa hiệp một lòng

Cậy ý thủy chung chung lời nguyện (LĐT)

3. Kinh thành ánh sáng, gìn vàng giữ ngọc giữa đầm sen

Nước Việt Văn Lang, phép tắc gia phong không phai nhạt (LĐT)

4. Ít khách vãng lai nhưng tấc lòng còn ghi nhớ mãi

Bà con đón Tết vẫn không quên những việc hàng ngày (LĐT)

5. Thuở trước vững đức tin

Ngày nay thêm lòng mến (LĐT)

6. Phúc âm Tám Mối Lời Chúa soi chung

Gương sáng Tông Đồ một lòng phục vụ (LĐT)

Xuân Ất Mùi 2015, chương trình mục vụ Tổng Giáo Phận Paris xoay quanh đề tài « 2015, năm Đời sống thánh hiến : sống đạo và ơn gọi », đôi câu đối sau đây, vừa như một câu đối Tết, vừa như một câu đối cổng :

Xuân về, Giáo Xứ sống Tin Mừng nặng sâu

Tết đến, Giáo Dân truyền Phúc Âm xa rộng (Thanh Hương)

Các câu đối tại cổng Nhà thờ Kim Long, Huế[sửa]

Giáo xứ Kim Long và giáo hội Việt Nam luôn nhớ ơn Minh Đức Vương thái phi, người vợ cuối của Chúa Nguyễn Hoàng, trở nên con cái Chúa vào năm 1625, nhờ linh mục Francisco Pina, giáo sĩ Dòng Tên, gốc Bồ Đào Nha, người nói giỏi và tiên phong trong việc ký âm chữ quốc ngữ bằng mẫu tự La Tinh, ngài chết đuối tại cửa biển Hội An tháng 12 năm 1625. Bà sống ở các kinh đô nhà Nguyễn trước đó như Ái Tử, Trà Bát, Phước Yên và cả Kim Long sau nầy. Sau những năm dài bách hại kể từ năm 1835, thời vua Minh Mạng cho đến Hòa ước Nhâm Tuất 1862, giáo đoàn kinh đô Huế tan tác. Mãi đến thời đức cha Bình Sohier sống sót trở về, mua đất tại Kim Long, giáo đoàn mới hồi sinh.

Bốn câu đối tại cổng tam quan như sau.

Phía trước:

Bên trái: Tung hô Chúa cả trên trời vô cùng vinh phước.

Bên phải : Nguyện chúc người lành dưới thế mãn đại an hòa.

Bên trái: Trời đất chở che, ơn Chúa tạo.

Bên phải: Trí lòng cảm phục, nghĩa nhân quần.

Phía sau;

Bên trái: Cành lìa cây, cành khô hoa lá úa.

Bên phải: Hồn bỏ Chúa, hồn đọa trí lòng mê.

Bên trái : Thuyền ngược nước xuôi, đời khó xử.

Bên phải: Trời nhào đất lộn, Đạo không lay.

Hai câu phía ngoài nhìn vào gợi sự tò mò khách qua đường. Một câu từ lời cầu chúc của các thiên thần trên cánh đồng Bê Lem năm xưa. Câu kia không xa lạ với tâm thức thờ trời và nho học của người Việt. Từ tò mò đến gợi ý suy tư về đạo làm người và đạo Chúa, một cách giới thiệu tế nhị kiểu thánh Phaolô tại Nghị viện Athena Hy Lạp 20 thế kỷ trước.

Hai câu phía trong giúp người tín hữu khi rời nhà thờ bước vào đời đừng bao giờ quên mình là người con Chúa. Phải luôn kết hợp với Chúa, đặc biệt là Lời Chúa và Thánh Thể Người. Đời đa đoan khó xử phải can đảm sống và làm chứng đức tin, kể cả khi “trời nhào đất lộn”.

Giáo dân Kim Long luôn nghĩ suy và sống sao cho xứng đáng một người con dân đất Việt và con Chúa qua những lời nhắn gửi của hai nhân vật lẫy lừng. Một là con trai quan đại thần danh vọng Lô Giang Nguyễn Văn Mại, anh Nguyễn Văn Thích đã chịu trăm cay ngàn đắng để được làm con Chúa và làm linh mục, có thời vị linh mục này phục vụ giáo xứ Kim Long. Một vị thuộc hoàng tộc Nguyễn với một số vị vua, chúa đã từng muốn tận diệt đạo thánh . Lão họa sư Đa Minh Tôn Thất Sa trao lại hậu thế, bao tác phẫm để đời tại Huế, Hội An, trên tờ Bulletin des Amis du Vieux Huế, nhiều con tem Đông Dương, huy hiệu Giám mục, bia và tượng… và bao kỷ niệm tại Giáo xứ Kim Long nơi ngài đã sống gần một thế kỷ.

Cuộc đối đáp giữa 2 trường phái Phật Giáo và Công Giáo[sửa]

Có 2 vị đạo sĩ Phật Giáo và Công Giáo ngồi bàn luận với nhau về triết lý của hai đạo giáo. Kết cục thì hai vị này đã có một vài bất đồng chính kiến, nên nhà sư đã tặng vị linh mục câu đối:

vế ra: Chúa ban Thánh Tẩy, khi thầy rửa, khi tớ rửa (Nghĩa là Thiên Chúa ban phép rửa tội. Có khi linh mục là thầy ban phép rửa tội cho tân tòng và đôi khi cần kíp thì giáo dân là tôi tớ Chúa cũng được làm phép rửa tội. Nhưng nghĩa đen của chữ Rửa theo danh từ y khoa có nghĩa là bệnh Tiêu Chảy).
Vị linh mục này nghe vậy thì không được hài lòng, liền đối đáp tặng lại nhà sư: Phật toạ Mông Sơn, lúc tiểu ra, lúc vãi ra (Nghĩa là Phật ngự trên núi Mông Sơn, lúc thì các chú Tiểu đến tụng kinh, lúc thì các sư cô đến tụng kinh. Thiếu niên đi tu chùa, được gọi là chú tiểu, miền bắc các Ni Cô còn được gọi là các bà Vãi)