Câu đối và giai thoại đối đáp về Phan Bội Châu

Bộ sưu tập danh ngôn mở Wikiquote

Lúc còn nhỏ[sửa]

Phan Bội Châu, tên thật là Phan Văn San, tự là Hải Thu, bút hiệu là Sào Nam, Thị Hán, Độc Tỉnh Tử, Việt Điểu, Hãn Mãn Tử..v..v..Phan Bội Châu sinh tại làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1906, phong trào Đông Du hoạt động rầm rộ, hàng loạt các tác phẩm của Phan Bội Châu được dịch từ chữ Hán ra chữ Quốc ngữ nhằm tuyên truyền quảng bá. Ngày 30 tháng 6 năm 1925, ông bị thực dân Pháp bắt cóc tại Thượng Hải giải về nước xử án tù chung thân. Trước phong trào đấu tranh của nhân dân, ông được về an trí tại Bến Ngự (Huế). Trong 15 năm cuối đời, ông (lúc bấy giờ được gọi là Ông già Bến Ngự) vẫn giữ trọn phẩm cách cao khiết, không ngừng tuyên truyền tinh thần yêu nước bằng văn thơ, nên rất được nhân dân yếu mến.

  • Có lần, Ông Đồ Phổ (thân sinh Phan Bội Châu) cõng con đi chơi, lúc ấy Phan mới bốn năm tuổi, lội suối sang làng bên dạy học. Cùng lúc ấy có hai chị em dáng con nhà khá giả ra suối gánh nước. Biết cụ đồ Phổ hay chữ, chị em nhà nọ trêu: "Anh đồ, đối được thì qua, không đối được thì đừng qua".
Mời anh đồ đối : Cha áo thâm, con áo thâm, phụ tử hữu tình thâm chi nghĩa (Áo thâm là áo nhà nho thường mặc, “phụ tử hữu tình thâm chi nghĩa” là tình nghĩa cha con sâu nặng. Câu đối vừa nôm vừa Hán, rất khó đối)
Ngồi trên lưng cha, Phan Bội Châu đáp ngay: Chị trằm bạc, em trằm bạc, tỷ muội vô phận bạc chi duyên (Trằm bạc là đôi bông tai làm bằng bạc con nhà khá giả thường đeo. “Tỷ muội vô phận bạc chi duyên” nghĩa là chị em phận tình duyên không bạc. Người ra câu đối vừa hay, vừa hợp hoàn cảnh, người đối vừa chỉnh vừa sắc sảo).
Mới bốn năm tuổi, chưa đi học mà đối được như thế đúng là thần đồng. “Thâm1-2” (màu tối, gần với đen), “bạc1-2”(màu sáng; kim loại có màu trắng), là hai từ TV, cùng âm với “thâm3” (sâu, nồng thắm; trái với “thiển”), “bạc3” (mỏng, nhạt nhẽo; trái với “hậu”), là hai từ Hán Việt.
  • Năm Phan Văn San (Phan Bội Châu) lên sáu, hôm nọ có khách đến chơi, người nhà bưng đĩa bắp ngô luộc lên mời. Người khách nhân đó ra vế đối,
Vế ra: Ta ăn ngô
và cậu bé San đã đối lại, Vế đối: Họ hái thị

(cả vế ra và vế đáp như trên). Chơi chữ theo cách cùng nghĩa TV-HV: “ta” - “ngô”; “họ” - “thị”.

Ông khách lại xuất: Thắng đái ngựa
Phan Bội Châu đối: Bại cứt trâu
“Thắng đái”: sợi dây dùng buộc ngang bụng ngựa; “bại cứt”: bãi cứt (phương ngữ Miền Trung) - “bại” mới đối được với “thắng” (chứ “bãi” thì không chỉnh).
  • Phan Bội Châu với tư chất thông minh, từ nhỏ đã nổi tiếng "Thần đồng". Năm mười tuổi theo cha đi mừng thọ một cụ 80 tuổi, cậu San đã thay cha làm đôi câu đối mừng như sau:
Sơ Hồng Lĩnh, thuỷ Lam Giang tự cổ doãn xưng song giáp địa (Núi Hồng Lĩnh, dòng sông Lam từ xưa cùng nổi tiếng)
Văn khôi khoa, võ hiển hoạn, nhi kim phủ đổ bát tuần tiên (Văn đứng đầu, võ lừng lẫy, nay ông lại thọ những 80 tiên)

Câu đối viết tặng[sửa]

  • Các triều đều có sắc phong thần cho Tiến sĩ Phan Nhân Thọ, đến đời Phan Bội Châu là đời thứ 7 kể từ vị cao cao tổ khảo này. Phan Bội Châu có làm đôi câu đối ghi ở nhà thờ họ đại Tôn như sau:
Ư tộc điệp tắc vi ngã chi huynh, thất dật dặng linh, thiên vĩnh tích (Ở họ đó người đông như là rừng, đó là người anh tôi vậy! Tôi là đời thứ 7 họ đó, tích còn nhớ mãi)
Hành chú lý dị kỳ tử nhi hiểm, bách niên kế thụ, địa thường tân (Đi khắp nơi khắp chốn đều là anh em cả, trăm năm kế tiếp, càng ngày càng đổi mới)
  • Phan Bội Châu có để lại đôi câu đối ghi ở mộ tổ họ Phan - Hưng Tây như sau:
Địa phát đồng thời tam Tiến sĩ (Đất phát đồng thời ba Tiến sĩ)
Gia truyền nhất bản vạn nhi tôn (Nhà truyền một cội vạn cháu con)
Thần vị họ Phan thờ 3 vị Tiến sĩ là: Phan Nhân Thọ, Phan Sư Kinh và Phan Nhân Lục
  • Câu đối viết tặng chùa Từ Đàm - Huế:
Nghiệp duyên bình hiệp, niên niên bạch phát thôi, đối diện tức không, ninh bả thiều hoa phó lưu thủy (Nghiệp duyên như bèo hợp, năm năm tóc bạc đầu, trước mặt là không, sao nở đem tuổi xuân quăng theo dòng nước biếc)
Thế sự kỳ phân, xứ xứ hoàng lưu mộng, hồi đầu thị ngạn, nguyện phiên bối diệp xuất ưu đàm (Thế sự rối bàn cờ, nơi nơi kê vàng mộng, quay đầu là bến, nguyện dịch kinh bối diệp toả ngát hương ưu đàm)
  • Phan Bội Châu viết đôi câu đối mừng "Tiến sĩ Nguyễn Mai" như sau:
Tao tế diệc thiên sở vi, hạnh bất sinh Đường Ngu tam đại dĩ tiền, kim bảng thạch bi, tiện chi ngô nhân hi thế sự (Nếu danh phận bởi trời cho, may không sinh Đường Ngu tam đại xưa kia, bia đá bảng vàng bất quá người ta bày chuyện nhảm)
Học giới chí kim tối thịnh, thỉnh thí vân Âu Á ngũ châu nhi ngoại, hồng thiên đại bút, quả như ngã bối quyết khoa (Việc học đến nay thịnh quá, xin hỏi thử Âu Á năm châu ngoài cõi , văn hay luận giỏi, đâu như khoa cử lối mình đây)
  • Một lần, Đặng Văn Thụy (đậu Hoàng giáp Tiến sĩ - Đình nguyên, làm quan Tế tửu Quốc tử giám Huế) đến thăm và đưa thư mình cho Phan Bội Châu đọc. Cụ Phan có ý chê Đặng Văn Thụy học thì có giỏi, thơ văn thì chải chuốt, nhưng không có ích lợi gì, qua đôi câu đối:
Mộc đạc hoặc giả thiên tính vi, đáo lão bất tri công học Khổng kinh tú tuyệt bút (Mõ gỗ hoặc giả trời đang làm gì, đến già cũng chưa biết, ông học sách họ Khổng mà biết đến tận cùng)
Cổ sắt kỳ như nhân bất kiến, tuy công hà bổ ngã khán tề khách tận xuy vu (Gảy đàn sắt người ta không thích nữa, tuy có công phu, nhưng không ích lợi gì, tôi xem sách nước Tề, đều là người thổi sáo vu vơ)
  • Phan Bội Châu cũng rất biết ơn những anh em đã theo cụ Đông Du, một lòng sống chết, đói khổ có nhau. Ông có đôi câu đối tặng Mai Lão Bạng như sau:
Kính phân sự nghiệp thiên đào chú (Trời trao nghiệp lớn nên rèn đúc)
Bất thế phong vân đế chủ trương (Chúa hẹn thời hay mới sắp bày)
  • Câu đối viết tặng Hàn Quốc tiên sinh:
風雷時代慙非我 Phong lôi thời đại tàm phi ngã (Thời đại phong ba hổ thẹn vì không làm được điều mà tôi mong muốn)
錦秀山河望有人 Cẩm tú sơn hà vọng hữu nhân (Non sông gấm vóc trông mong có người như anh)
Hàn Quốc tiên sinh tên thật là Nguyễn Lý Thái. Nguyễn Lý Thái (1881 - 1954) sinh ra trong một gia đình nhà Nho ở xóm làng Yến, xã Đan Trường nay là xóm Ninh Lương, xã Xuân Đan, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Phong trào Đông Du tổ chức xuất dương thành công được cũng chính một phần nhờ vào sự giúp đỡ của cụ Thái. Cho tới năm 1924, cụ Lý Thái về nghỉ hưu ở quê nhà và được triều đình Huế tặng chức Hàn lâm viện Thị giảng, chính vì vậy nhân dân địa phương thường hay gọi cụ là cụ Hàn.
  • Những câu đối viết tặng Liễu Tâm Chơn Nhơn Huỳnh Ngọc Trác (1898 - 1945):

Huỳnh Ngọc Trác và Phan Bội Châu có mối giao tình rất sâu đậm, tương truyền ngài sưu tập cả một thư viện được kể là đồ sộ nhất ở vùng trung du này, có đủ các loại kinh điển, sách báo chữ nho, chữ quốc ngữ được thu nhập qua ngã Hội An và Đà Nẵng từ Trung Quốc và Nhật Bản, để nghiên cứu học hỏi trên tinh thần Tam Giáo. Việc làm của Ngài được cụ Sào Nam Phan Bội Châu tâm đắc, qua nhiều lần hội kiến, cụ đã tặng Ngài câu đối treo tại giảng đường:

“vật vị dữ dân tộc lịch sử vô quan, tâm túy âu bì vong á tủy
Tu thực đắc cổ vãng kim lai nhất lý, căn bồi cựu cán dưỡng tân nha”

Nghĩa là:

há có phải dân tộc và lịch sử không có mối quan hệ với nhau mà để lòng say mê vào cái bề ngoài của Âu Tây mà quên cái bền trong cốt tủy Á Đông
nên biết xưa nay qua lại vẫn nhất lý, nên vun bồi lấy gốc rễ củ mà nuôi dưỡng mầm chồi mới

Và một câu khác treo ở cổng trường:

“Từ thiên tử đến thứ dân, thảy đều phải sửa mình làm gốc
Trong gia đình ngoài xã hội, cũng phải vì có học mới nên”

Với tình thâm giao sẵn có giữa Ngài và Cụ Phan Sào Nam từ trước, nên khi tổ chức khánh thành Thánh Thất Trung Thành tức trung tâm Truyền Đạo Trung Bắc, cụ đã gởi tặng câu đối mà hiện nay còn treo tại Trung Hưng Bửu Tòa Đà Nẵng:

“Khế bách thánh, vu nhất tâm, thành tất minh hỉ, minh tất thành hỉ
Đoàn tam kỳ vu nhất thể, thiên hữu nhân yên, nhân hữu thiên yên”
  • Năm 1932, Huỳnh Ngọc Trác ra Huế thăm cụ Phan Sào Nam Phan Bội Châu bắt an trí tại Bến Ngự. Sau khi hai cụ bàn luận chuyện trò rất tương đắc về vấn đề luân lý, Đạo Đức, dân tộc, vấn đề Khổng Học...
Lúc Ngài ra về, cụ Sào Nam tiễn chân, và đọc câu ca dao nói lên nỗi lòng chua cay của mình: "Gió đưa cây cải về trời, Rau răm ở lại chịu lời đắng cay" (Ý cụ Phan Sào Nam muốn nói: ông tu hành thoát tục, ung dung tự tại như cây cải về Trời, còn tôi ở lại với thế gian , với dân tộc điêu linh chẳng khác nào rau răm chịu lời đắng cay)
Cụ Huỳnh vừa siết chặt tay Cụ Phan Sào Nam, vừa ứng khẩu đáp lại cũng bằng câu Cao Dao: "Tiếc lòng con cá lia thia, vực sâu không ở ở đìa nỗi chi" (Ý Ngài Huỳnh muốn nói: Cụ là bậc Thánh Trí, kế nghiệp Khổng Mạnh, phải làm người tu hành đem đạo đức tài ba mà hóa độ nhơn loại năm châu, lại ở trong khung cảnh một Quốc Gia chật hẹp như con cá lia thia ở trong đìa!)

Câu đối phúng điếu[sửa]

  • Năm 1893, ông Lê Bảo thường gọi là Hoe Báu, người huyện Nam Đàn, là bộ hạ của tướng Cao Thắng trong nghĩa quân Phan Đình Phùng, đã phục kích giết được tên Một Phiến để trả thù cho chủ tướng đã bị hắn bắn chết. Lê Bảo bị bắt rồi bị giặc chém đầu. Phan Bội Châu đã làm câu đối điếu:
Nhất trận phục hồi thiên địa huyết (Một trận đánh làm sôi máu cả trời đất)
Đơn đao cát đoạn cổ kim sầu (Một nhát dao chém phắt - người anh hùng - xưa nay ai cũng phải đau buồn)
  • Năm 1900, nhân một người làng có bố vợ mất, vì nhà đó không có con trai chống gậy, con rể phải gánh trọng trách nhiệm đó, Phan Bội Châu làm giúp cho người này đôi câu như sau:
Nữ tắc viết vô, thiên lý khởi ưng vô thống hận (Con gái bị coi như không, nhưng lẽ trời há lại không đau xót)
Tử tuy vân bán, nhân tình tuy khả bán ai tư (Con rể tuy là phần nửa, mà người ai lại nửa sầu thương)
  • Phan Bội Châu có đôi câu đối phúng điếu Vương Thúc Quý như sau:
Sổ thập xích thô sơ thông, ảm đạm thiên thai, thượng ức biệt thời đinh chúc ngữ -(Đã mười năm, tin tức chẳng rõ, ảm đạm chân trời, còn nhớ nói lời đinh ninh hồi chia biệt)
Tiền lục nhật phí âm cương đáo, thê lương vũ ảnh, ná ham qui hậu đạm trường sinh (Sáu hôm rồi, tin buồn thình lình đến, mưa gió thảm thê, khốn nỗi cảnh tình làm đứt ruột người về)
  • Những câu đối khóc vợ:

1 - Câu đối khóc bà vợ cả:

Tình cờ đông khách năm châu, hơn 20 năm chồng có như không, cố đứng vững mới ghê, nuốt đắng ngậm cay tròn đạo mẹ
Khen khéo giữ nền bốn đức, gần 70 tuổi sống đau hơn thác, thôi về mau cho khoẻ , đền công trả nợ nặng vai con

2 - Câu đối khóc bà vợ lẽ:

Có chồng mà ở goá, mấy chục năm tròn, ơn trời gặp hội đoàn viên, vội bỏ đi đâu ? Trao gánh nặng nề về phần chị cả
Vì nước phải liều mình, biết bao bạn cũ, cõi phật đưa lời trân trọng, thiêng thời phải gắng, chung lòng hăng hái với thầy tôi
  • Câu đối viếng bà Hoàng Thị Loan (1868 - 1901)
Hai chục năm đầu gối tay kề, nghĩa vợ tình chồng gương sáng mãi;
Mấy bạn hiền bút nghiên khuya sớm, sân Trình cửa Khổng bảng vàng tươi.

Trong câu đối này vế trên của Phan Bội Châu, vế dưới của Vương Thúc Quý

  • Câu đối của Phan Bội Châu làm để viếng Tôn Trung Sơn. Dùng cách chơi chữ đảo trật tự vị trí từ ngữ.
Nhất nhân thiên cổ (Một người đã khuất nghìn năm)
Thiên cổ nhất nhân (Nghìn năm mới có một người)
Tôn Trung Sơn sinh năm (1866 - 1925), Quê ở Huyện Hương Sơn, Tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ông bắt đầu hoạt động chính trị từ những năm 90 thể kỷ XIX. Ông nêu lên cương lĩnh của chủ nghĩa Tam dân: dân tộc, dân quyền và dân sinh. Năm 1911 ông lãnh đạo cách mạng Tân Hợi, cuộc cách mạng dân chủ tư sản ở Trung Quốc, đánh đổ sự thống trị 267 năm của nhà Mãn Thanh, kết thúc chỉnh thể phong kiến hơn hai nghìn năm, lập nên nước cộng hòa dân chủ tư sản. Trải qua gần 40 năm đấu tranh gian khổ, khó khăn, nhiều lần thất bại, ông đã từ chủ nghĩa cải lương chuyển sang chủ nghĩa tam dân cách mạng. Cuối cùng chịu ảnh hường của cách mạng Tháng mười và Đảng cộng sản Trung Quốc.
  • Câu đối phúng điếu Ngô Đức Kế (1879 - 1929):

Ngô Đức Kế người làng Trảo Nha, thuộc tổng Đoài, huyện Thạch Hà, phủ Hà Thanh, tỉnh Hà Tĩnh (nay là thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ông làm Chủ bút báo Hữu thanh của Hội Công thương tương tế ở Hà Nội, đồng thời sáng tác thơ vǎn. Trên báo Hữu thanh, ông đã viết một số bài "đả kích thơ văn lãng mạn và quyết liệt bài xích nhóm Nam Phong (đứng đầu là Phạm Quỳnh). Ngô Đức Kế qua đời năm 1929 tại Hà Nội, nhân dân gọi ông là Ngô Nhân Tổ (người cụ tổ họ Ngô) hoặc gọi là Ngô Việt Hành (hành tinh đất Ngô - Việt). Phan Bội Châu có gửi đôi câu đối phúng điếu như sau:

Chân mây góc biển gần ba chục xuân thu, duyên gặp gỡ chẳng bao lăm, tình già trẻ, nghĩa anh em, hợp hợp ly ly, trách nỗi trời xanh trêu trớ quái
Gió Á mưa Âu giữa hai mươi thế kỷ, chuyện buồn cười còn lắm nhỉ, cảnh tự do, miền cực lạc, phi phi thị thị, thấy tuồng mặt trắng nhố nha ma.
  • Câu đối điếu Phan Văn Trường (1876 - 1933):
Tự tùng phân thủ, lục tải dư tương ức đán tương văn, vọng Ba-lê, vọng Tây-cống, chuyển vọng Đông-kinh, thiên hải thương mang, thùy lão lệ;
Tổng cá thương tâm, bách niên trung đồng sinh nghi đồng tử, khốc Tây-hồ, khốc Tập-xuyên hựu khốc phu tử, giang sơn tịch mịch, mãn bi phong.

Dịch:

Sáu năm cách mặt, nhớ nhau mà ít được gặp nhau, trông Ba-lê, trông Tây-cống, rồi trông ra Đông-kinh luôn, mấy giọt lụy già, mênh mông trời biển;
Một kiếp thương tâm, sống vậy nên cùng nhau chết vậy, khóc Tây-hồ, khóc Tập-xuyên, nay lại khóc huynh ông nữa, một luồng gió thảm, bát ngát non sông.
Phan Văn Trường sinh tại làng Đông Ngạc – Hà nội, nay là thôn Đông Ngạc, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội. Ông là một nhà luật học đặc biệt xuất sắc. Bằng tinh thần tích cực học hỏi, ông đã tích lũy cho mình những kiến thức luật từ chính quốc và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ luật học tại Đại học Sorbonne với đề tài nghiên cứu “Lược khảo về Bộ luật Gia Long”. Năm 1933, ông ra Hà Nội để thăm gia đình và thị sát tình hình chính trị ở Miền Bắc nhưng ông ngã bệnh và qua đời.
  • Câu đối viếng Phiếu Mẫu đất Hà Lam:

Bà Cử Lệ, nhũ danh là Nguyễn Thị Hướng, con gái đầu của Tri phủ Thăng Bình Nguyễn Đức Hoan. Dù góa bụa khi còn rất trẻ nhưng bà không những thủ tiết thờ chồng mà còn tham gia hầu hết các phong trào cách mạng, làm rạng rỡ cho cả quê hương mình lẫn quê hương chồng, được người đời xưng tụng là “Phiếu mẫu”. Bà mất vào ngày 2 tháng 3 năm 1939, thọ 81 tuổi. Phan Bội Châu lúc này đang bị an trí ở Huế, có gửi một câu đối vào viếng:

Hận ngã bất vương tôn, quốc sĩ vị thường thanh cựu nhãn
Phùng nhân đàm Phiếu mẫu, tuyền đài thượng đãi bạch sơ tâm

Cử nhân Hồ Ngận dịch:

Giận mình không phải vương tôn, quốc sĩ lắm phen nhìn mặt trắng
Gặp ai cũng khen Phiếu mẫu, tuyền đài còn đợi tỏ lòng son
Câu đối hiện còn treo ở ngôi từ đường của gia đình tộc Nguyễn tại thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam
  • Câu đối viếng cụ hoàng Nho Lâm Đặng Văn Thụy:
Lục bào hoàng bảng dĩ yên tai, vãng sự hưu đề, thán tức triết nhân vong, như thỉ đạo thành tam đại cổ
Ngân biển tất xa vinh dã phủ, khách triều chính trướng, thê lương di trạch tại, mãn doanh kim thượng nhất kinh tân

Nghĩa là:

Áo xanh bảng vàng qua rồi sao? Chuyện cũ đừng nhắc lại! Thương tiếc nhà hiền triết mất đi, thời gian tên bắn, mới đó mà đã thành người tam đại
Biển bạc xe son thú chăng nhỉ? Nước triều đang dâng mạnh, đau buồn công đức để lại: kho đầy vàng, còn sách mới một pho
  • Câu đối khóc Nguyễn Văn Vĩnh của cụ Phan Bội Châu bằng cả chữ Hán lẫn chữ Việt gửi từ Huế ra Hà Nội khi biết tin Nguyễn Văn Vĩnh qua đời: “Ngày tôi mới về Huế, được gặp ông chủ báo Trung Bắc Tân Văn vào Huế thăm tôi cùng một xe hơi với tôi đi Cửa Thuận. Xe nhà ông, ông cầm lấy lái. Nhân duyên xa lạp chưa trải bao nhiêu mà đường lối Bắc Nam chốc thành vĩnh biệt. Tôi đau cảm quá nên có mấy hàng chữ điếu ông:
Duyên tương tri nhớ trước 10 năm, xe tự do chung lái, sóng biển vui tai, mộng hồn há lẽ hững hờ, quang cảnh còn in mây Thuận Tấn!
Tài bác học trỗi trong hai nước, đàn ngôn luận phất cờ, làng văn nở mặt, công nghiệp tuy còn lở dở, thanh âm từng dạt gió BaLê!”
  • Câu đối viếng Tăng Bạt Hổ (có thuyết khác nói câu này của Ngư Ông Đặng Thái Thân):
Quân khởi kỳ sinh tác hí ư thời da? Đề binh thập nẫm, khứ quốc trấp dư niên; kí khốc ư Xiêm, kí khốc ư Hoa, kí khốc ư Nga, hốt hốt nhiên đại khốc ư Đông; thuỳ giáo tư nhập thu phong, hướng ngã thần kinh mai hiệp cốt
Ngã bất tri tử chi vi hà vật dã! Độc thư ngũ châu, kết giao sổ thập bối; hoặc chiến dĩ thiệt, hoặc chiến dĩ bút, hoặc chiến dĩ não, đoan đoan đích trực chiến dĩ thiết, yếu đắc huyết lưu ôn đới, vi ngô hoàng chủng thụ hồng kỳ

Huỳnh Thúc Kháng dịch như sau:

Người há sanh làm giỡn với đời sao? Cầm binh một độ, bỏ nước hai mươi năm; đã khóc với Xiêm, đã khóc với Tàu, đã khóc với Nga; đùng đùng sang khóc lớn bên Đông; ai dè gió phất trời thu, nắm cốt về chôn thành đất Huế
Ta chả biết chết là cái gì vậy! Đọc sách năm châu, kết giao vài chục bạn; hoặc đánh bằng lưỡi, hoặc đánh bằng bút, hoặc đánh bằng não; khăng khăng chỉ độc đánh bằng sắt; thề quyết máu trôi đất nóng, cờ đào rõ mặt giống da vàng

Tăng Bạt Hổ tên thật là Tăng Doãn Văn, tự là Sư Triệu, hiệu Điền Bát, bí danh Lê Thiệu Dần, sanh năm Mậu Ngọ (1858), tại làng An Thường, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Ông sang Trung Quốc tìm Lưu Vĩnh Phúc (chỉ huy quân Cờ Đen). Nghe tin Lưu đang chỉ huy quân đội ở Đài Loan, ông sang Đài Loan gặp Lưu cầu viện, nhưng không được. Ông lại sang Xiêm gặp dư đảng cần vương của người Việt ở đó. Năm 1905, ông đến Hải Phòng, rồi đi theo thuyền buôn tới Hương Cảng. Từ Hương Cảng đi tàu thuỷ đến Thượng Hải, từ đó đi tàu thuỷ Nhật đến Kobe (Thần Hộ). Từ Kobe đi xe đến Yokohama (Hoành Tân).

Câu đối tự viết về mình[sửa]

  • Sau khi đậu Giải nguyên, Phan Bội Châu tự bộc bạch ý mình qua đôi câu đối "Tự hạ" như sau:
Bất như ý thường bát cửu sự, sầu sinh liêm ngoại Tây phong (Không như ý thường tám chín việc, ngoài rèm căm tức ngọn Tây phong)
Hỗn thiết suy ư tam bách nhân, quí tử môn tiền Nam quách (Thổi sáo lẫn trong 300 người, trước cửa thẹn thùng chàng Nam Quách)
Phan Bội Châu vốn không thích khoa cử, nhưng cần phải có "cái hư danh để che mắt đời", ông dùng chữ "Tây phong" trong câu đối là ám chỉ sự căm tức đối với thực dân Pháp (phương Tây). Ông lại lấy tích "Nam Quách"để ám chỉ những kẻ bán nước "theo đóm ăn tàn"! Đó là theo tích Tề Tuyên Vương thích nghe thổi sáo, thường bắt 300 người cùng thổi một lúc. Chàng Nam Quách không biết thổi sáo, nhưng liền lẫn vào 300 người để kiếm lợi lộc. Sau Tuyên Vương mất,Tễ Mẫn Vương kế vị, cũng thích nghe thổi sáo, nhưng chỉ thích nghe riêng từng người thổi. Nam Quách thấy thế hoảng sợ, vội lẩn trốn ngay. Đây cũng như một lời nhắc nhở các Nho sĩ chớ học theo Nam Quách, chỉ là kể bất tài, Ham địa vị, theo đóm ăn tàn. Do vậy ông vẫn thường ngâm nga đôi câu đối sau:
Túc dạ bất vong duy trúc bạch (Khuya sớm những mong ghi sử sách)
Lập thân tối hạ thị văn chương (Lập thân hèn nhất ấy văn chương)
  • Trong cảnh nước mất, nhà tan, danh vọng làm gì có nữa khi con người đã mất quyền tự chủ. Đấy cũng là nỗi niềm canh cánh treo trước mắt và đè nặng một gánh trên vai Giải nguyên Phan Bội Châu qua đôi câu đối tự thuật:
Nhật nguyệt hai vừng treo trước mắt
Giang sơn một gánh nặng trên vai
  • Nỗi niềm ấy càng được phản ánh rõ nét hơn qua câu đối "Tự vãn" của ông:
Thiên hồ nhiên, đế hồ nhiên, tử dĩ đồ hư, cánh tích hưng trung mai Khổng, Mạnh (Trời thế ư? Vua thế ư? Chết cũng bằng không, chỉ tiếc trong lòng chôn đầy pho Khổng Mạnh)
Quốc như thử, dân như thử, sinh phục hà luyến, hảo tòng thế ngoại tác Hi, Hoàng (Nước dường ấy, dân dường ấy, sống sao khỏi thẹn, được ra ngoài cõi nằm khểnh học Hi, Hoàng) tức Phục Hi và Hoàng Đế
  • Phan Bội Châu đã từng làm câu đối "Tự vãn", để nói tình cảnh anh em Đông du lúc đầu mới sang Nhật còn bơ vơ đất khách, gặp nhiều khó khăn, nhưng rất mực thương yêu nhau:
Cô hồng thất mã cửu huynh đệ (Hồng cô ngựa chiếc chín anh em)
Vạn thuỷ thiên sơn đa tính danh (Muôn núi nghìn non nhiều tên tuổi)
  • Năm 1925 thực dân Pháp bắt cụ Phan giải về nước, giam ở Hoả Lò, bị ốm nặng sợ không qua khỏi, cụ Phan đã làm đôi câu đối :
Thất bại chi thị gia, ba đào bôn tẩu, biến thiên nhai hải giác nhị thập niên dự, nhất sự cánh vô thành, quyên huyết sơn hà vân cộng bích (Thất bại đến thế ư ! bôn tẩu với ba đào, khắp góc bể ven trời, hơn hai mươi năm, một việc cũng không thành, ra rả cuốc kêu, máu nhuộm non sông còn vết tím)
Tinh thần y nhiên hỉ; bút mặc tung hoành, dư á kiệt, Âu anh, sổ thiên lý ngoại, tái sinh chung hữu hạnh, dân quyền thế giới nhật tranh hồng (Tinh thần nguyên như vậy, dọc ngang nhờ bút lưỡi, với kẻ Âu người á xa vài nghìn dặm, sống thừa là hiếm có, tưng bừng dân chí, quyền tranh thế giới nổi tia hồng)
  • Câu đối tự viếng mình như sau:
Sinh bất năng trừ thiên hạ hoạn, tử bất năng tuyết ý trung cừu, thử hận du du, Lam thuỷ, Hồng sơn thiên cổ tại (Sống không trừ được lo thiên hạ, chết không rửa được thù ý trung. Mối giận dằng dai, sông Cả, núi Hồng muôn thuở đó)
Tiền hồ thử hí cục tương chung, hậu hồ thử vũ đài chính trúc, bức nhân đốt đốt, âu phong, á vũ bát phương lai (Hí cuộc trước đã sắp đến tàn, vũ đài sau chính đương sắp dựng, thúc người sôi sục, gió Âu, mưa á tám phương dồn)
  • Trong 15 năm cuối đời, Phan Bội Châu (lúc bấy giờ được gọi là Ông già Bến Ngự) vẫn giữ trọn phẩm cách cao khiết, không ngừng tuyên truyền tinh thần yêu nước bằng văn thơ, nên rất được nhân dân yếu mến. Ông có chụp 1 tấm hình đứng trên con đò ở bến Ngự gửi tặng các bạn bè đồng chí để khẳng định phẩm cách khí tiết của mình vì khi đó có nhiều tin đồn là những năm tháng cuối đời cụ có tư tưởng Pháp Việt đề huề. Cụ lang Đôn Thư Phạm Vũ Nhạc hiệu Hy Hải từng là người ủng hộ giúp đỡ Phong trào Đông du của Phan Bội Châu. Hiện gia đình, con cháu cụ vẫn còn giữ được bức hình của cụ Phan với đôi câu đối tự đề:
Thần toàn hình toàn tĩnh như xử nữ (Thần còn vẹn, hình còn vẹn, lòng trong trắng như người trinh nữ)
Tạc thị kim thị tri giả kì thiên (Xưa vẫn vậy, nay vẫn vậy, hiểu được ta đã có trời cao)

Đối đáp với người bạn là Nguyễn Mộng Lý[sửa]

Trí dục viên, hành dục phương, đảm dục đại, tâm dục tiểu, quân am vật vong (Lạc khoản: Nam lịch Ất Hợi đông, tiên sinh Phan Sào Nam tứ giáo)
Tĩnh như uyên, động như lôi, tiến như phong, chỉ như sơn, ngô tương an vọng (Lạc khoản: Nam lịch Nhâm Ngọ đông, hậu sinh Nguyễn Mộng Lý cẩn chí)

Tạm dịch:

Trí tuệ mong trọn vẹn, việc làm mong tròn đầy, gan dạ mong lớn lao, lòng riêng mong nhỏ lại, anh nhớ đừng quên. (Mùa đông năm Ất Hợi, tiên sinh Phan Sào Nam tặng)
Tĩnh lặng như vực sâu, vang động như sấm rền, tiến tới như gió cuốn, dừng lại như núi cao, tôi luôn mong thế. (Mùa đông năm Nhâm Ngọ, hậu sinh Nguyễn Mộng Lý kính cẩn khắc chữ)

vế đối đầu được chí sĩ Phan Bội Châu viết tặng cho Nguyễn Mộng Lý vào năm 1935 và vế đối sau được Nguyễn Mộng Lý đáp bút vào năm 1942. Đôi câu đối hiện được treo trang trọng ở gian trong nhà thờ họ Nguyễn, khối 3, làng Ngọc Điền, Thị trấn Hưng Nguyên. Nguyễn Mộng Lý sinh năm 1890, là một người khảng khái, rất thông minh và có lòng yêu nước, đã từng có ý định học tập và rèn giũa để theo những lớp chí sĩ yêu nước đi trước sang Nhật Bản. Nhưng vì vướng bận chuyện gia đình nên phải trở về quê hương, tham gia dạy học và bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo.

Câu đối viếng bà Phan Bội Châu của đề đốc Cao Bạt[sửa]

  • Đề đốc Cao Đạt quê ở Bàu Thượng, huyện Hương Sơn, chỉ huy Quân thứ Tình Diệm dưới trướng của Phan Đình Phùng, đã làm đôi câu đối "Khóc bà Phan Bội Châu" như sau:
Nghe nói bà, bà gian truân hiền phụ. Chồng vắng nhà lo tính vẹn trăm đường - Nhà còn tê ! nước còn tê ! Dâu bể cuộc tàn, vùi đất ngàn năm khôn nát ngọc
Nhắc hỏi ông, ông thất bại anh hùng. Vợ với nước thương yêu cùng một mối. Nước như rứa! vợ như rứa ! Non sông khí uất, đập trời một tiếng muốn quăng gươm

Những giai thoại hát đối bằng thơ lục bát[sửa]

  • Làng Đan Nhiệm, xã Nam Hòa, Nam Đàn quê hương của Giải San nổi tiếng hiếu học. Những đêm trăng trai gái trong làng thường hát đối đáp. Trai một bên, gái một bên. Nơi hát là sân đình hay cánh đồng đầu làng. Khoảng cách để hát đối đáp khá xa, không dễ đoán dáng hình người hát. Mỗi bên đểu có người “bẻ câu”- thường là những người có học, hay chữ, ứng đối nhanh. Người “bẻ câu” bị đối phương gọi đúng tên tuổi là phải chịu thua hoặc nghe xong câu hát mà không đối được cũng thua. Thông thường phía bên nữ hát trước, họ cố “bẻ” những câu hóc búa, không phải cứ có chữ là trả lời ngay được, lần đó bên gái hát như sau:
vế ra: Nghe chàng đi học đi thi, cha ông Y Doãn tên chi hỡi chàng?
Sử sách Trung Quốc đâu có nói điều gì về cha ông Y Doãn! Phải trả lời sao đây? Người “bẻ câu” nghĩ chưa ra thì một chàng trai lên tiếng:
vế đối: Anh đây chẳng học chẳng thi, cũng biết cha anh Đĩ Doãn là cụ Cố Si Mậu Tài
Mọi người quay ra xem ai thì là Phan Bội Châu, ông “cố tình” nghe nhầm Y Doãn thành Đĩ Doãn. Ở Nghệ An ngày xưa sinh con đầu lòng là trai thì gọi là “bố cu”, sinh con gái gọi là “bố đĩ”, làng Mậu Tài có cụ Si cha anh “đĩ” Doãn thật. Thế là bên gái cũng phải bật cười, họ lại bẻ câu khác:
vế ra: Nghe chàng đi học đi thi, cá nằm dưới cỏ chữ chi hỡi chàng?
Cỏ là chữ “thảo”, cá là chữ “ngư”, ghép vào luận mãi không ra, thời gian gấp gáp, thôi đành trả lời cho có cái đã:
Phan đối bừa: Anh đây chẳng học chẳng thi, cá nằm dưới cỏ có khi cá tràu
Lại “nghe nhầm” nữa, chữ chi lại nghe ra cá chi. Biết hát nữa thì thua đến nơi, nên Phan Bội Châu chủ động hát lại trước: Dưới cỏ chỉ có chạch lươn, em mà đơm đó hắn trườn hắn vô. Bên nữ cười rúc rich, kéo nhau về nhà, vì biết hát nữa là bị chọc quê mà thôi.
  • Huyện Nam Đàn có "Tứ hổ" là: San, Đôn, Lương, Quý (tức là: Phan Văn San, Lê Bá Đôn, Trần Văn Lương, Vương Thúc Quý) đều đậu cử nhân. Riêng San (Phan Bội Châu) đậu Giải nguyên. Một lần họ rủ nhau đi hát phường vải ở xã Nam Kim, bị bên gái vặn hỏi:
Bốn chàng quê quán ở đâu? Xin tường danh tính để sau khuyên mời
Phan Văn San đã nhanh nhẹn thay mặt các bạn trả lời rằng: Nam Đàn tứ hổ là đây, San Đôn Lương Quý một bầy bốn anh
  • Có lần, Phan Bội Châu sang làng Xuân Hồ hát ví phường vải bị bên gái hỏi như sau:
Vua Nghiêu có chín người trai, Đan Chu là một hỏi còn ai tám người
Phan vò đầu vò tai mãi mà không biết trả lời ra sao; vì khi học Bắc sử chỉ thấy sách chép rằng vua Nghiêu có chín con trai, người đầu là Đan Chu, chứ tám người kia có thấy ghi tên đâu. Bí quá, Phan đành phải tìm cách đánh trống lảng vậy; bèn láu lỉnh vặn lại rằng:
Các em là phận nữ nhi, một Đan Chu cũng đủ, hỏi mần chi những tám người?
Thế là Phan đã chuyển bại thành thắng, chẳng những gỡ được thế bí mà còn quay lại tấn công nữa, làm cho cô nào cô nấy thẹn chín người. Và rồi lại đến lượt chính các cô đâm ra lúng túng không tìm được câu trả lờị..
  • Sau bao năm bôn ba hoạt động cách mạng, trở về thăm quê, đến cây đa đầu làng trời vừa đứng bóng, mấy cô ngày xưa cùng Phan Bội Châu đi hát đối đáp cũng vừa dưới ruộng lên. Vừa gặp nhau, có cô đã cất tiếng hát:
vế ra: Hay chi một cuộc cờ tàn, mà chàng Xe Ngựa một đoàn quá giang
Hàm ý nói việc Phan Bội Châu đưa thanh niên ra nước ngoài học tập để sau này chống lại Pháp trong khi Pháp đã bình định xong đất nước.
Phan Bội Châu đáp: Rất hay là cuộc cờ tàn, Mã lên chiếu bí Pháo toan chiếu trùng.
Một cô khác đưa Bội Châu nắm ngô rang, trêu chọc: Thiếp đưa chàng một đọi ngô rang, chàng gieo nơi mô cho mọc thiếp đốt nhang ăn thề.
Ngô rang thì gieo nơi nào mọc được? Không trả lời không xong, thôi thì đối đáp theo lối ăn gian vậy:
Phan Bội Châu trả lời: Nơi mô mà nắng mãi không khô, mà mưa lâu không ướt đúc vô mọc liền
Mấy cô thẹn đỏ mặt, cười: “Anh San vẫn hóm như ngày xưa”. Cũng có thuyết nói rằng Phan Bội Châu đi qua đám hát bội, thấy mấy chàng trai đang bí bèn ghé tới gà cho trả lời chớ dây không phải câu đối trực tiếp của Phan.

Câu đối do người khác viết tặng[sửa]

  • Phan Bội Châu được dự thi Hương Khoa Canh Tý - Thành Thái 12 (1900) và đã xuất sắc đậu trường Nghệ An, tên ông lại được chánh chủ khảo là Khiếu Năng Tĩnh cho yết riêng một bảng. Tổng đốc An Tĩnh là Đào Tấn tặng Phan Bội Châu đôi câu đối:
Song tải tam nguyên thiên hạ hữu (Hai năm, ba lần đỗ đầu thiên hạ vẫn có)
Độc danh nhất bảng thế gian vô (Nhưng một mình ghi danh riêng một bảng thì thế gian chưa từng thấy)
  • Cùng đậu Cử nhân khoa Canh Tý với Giải nguyên Phan Bội Châu có Nguyễn Thức Điểm, con trai thứ 3 của thầy dạy cụ Phan là Sơn phòng sứ Nguyễn Thức Tự. Vì đầu xứ San là học trò yêu, xuất sắc nhất nên thầy Son đã tin chắc San sẽ thi đậu cử nhân và cứ chờ tin mãi cho đến khi đậu. Thầy liền làm đôi câu đối mừng Phan Bội Châu và con trai đậu Cử nhân như sau:
Hoàng bảng khởi vô kì duyên hương giải tam niên tri ngã vọng (Bảng vàng không có duyên may, chắc hương giải tay người, đã ba năm cứ chờ tin mãi)
Thanh vân như hữu túc ước gia nhi nhất cử dự khoa đồng (Đường mây như có hẹn sẵn, trong nhà ta có một trẻ vừa đỗ khoa này)
Nguyễn Thức Tự (1841-1923) biệt hiệu Đông Khê; là quan nhà Nguyễn, là Tán tương quân vụ trong Khởi nghĩa Hương Khê, và là nhà giáo Việt Nam. Ông sinh ra tại làng Đông Chữ; nay thuộc xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Năm Mậu Thìn (1868), ông đỗ Cử nhân, được bổ làm quan dưới triều Tự Đức, và lần lượt trải các chức vụ: Hậu bổ ở Hà Tĩnh, Tri huyện Thạch Hà, Tri huyện Hương Khê, Tri phủ Đức Thọ. Năm 1880, ông được cử làm Sơn phòng Chánh sứ Hà Tĩnh (nên người ta thường ông là cụ Sơn). Hưởng ứng dụ Cần Vương, ông tham gia Khởi nghĩa Hương Khê, được cử giữ chức Tán tương quân vụ ở chiến khu Vụ Quang. Năm 1895, thủ lĩnh Phan Đình Phùng mất, ông lui về quê mở trường dạy học (trường Đông Khê)

Câu đối do thiên hạ phúng điếu[sửa]

Mai Lão Bạng ( ? – 1942): Còn có tên là Già Châu, quê làng Vang, xã Hưng Vĩnh (nay là phường Đông Vĩnh), thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Xuất thân trong một gia đình Công giáo, ông từng theo học ở Chủng viện Xã Đoài. Sớm có lòng nhiệt thành yêu nước, ông tích cực hưởng ứng phong trào Duy Tân, Đông du, dẫn đầu đoàn học sinh công giáo Nghệ An xuất dương sang Nhật. Đầu năm 1914 bị Tổng đốc Lưỡng Quảng Long Tế Quang bắt giam. Năm 1917 vừa ra tù, ông lại bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Đảo. Năm 1933 được trả tự do, ông trở về quê mở hiệu thuốc bắc “Lão Bạng y quán” và nhiều lần vào Huế thăm cụ Phan. Vào ngày 29/10/1940 sau khi nghe tin Phan Bội Châu mất, Mai Lão Bạng có đôi câu đối điếu như sau:

Bạch thủ công phân như, trấp niên thu hồ hải đính thâm giao, ngã quý vị năng đồng nhất liễu (Đầu bạc đã chia phôi, hai chục thu xưa, hồ hải ghi dấu thâm giao, tôi thẹn không cùng được chết)
Đan tâm ưng vị liễu, nhị thập kỷ giang sơn tương hoán sắc, công hồ bất giả sổ niên lưu (Lòng son còn chưa lạt, hai mươi thế kỷ, non sông sắp thay màu sắc, ông sao không cố vài năm)

Huỳnh Thúc Kháng có câu đối viếng Phan Bội Châu như sau:

Minh hồng bắc tỷ, oanh nhiên Đông học dũng phong trào, sử thế giới tri ngã Việt hữu nhân, sở vị quốc năng dĩ nhất thân trọng (Hồng bay sang bắc, gây làn Đông học năm xưa, để thế giới biết ta có người, cho hay nước được vẻ vang vì bác)
Sào điểu nam chi, quy dữ Tây Hồ tác tiên Phật, phóng đại thanh vị ngô bào đỗng khốc, viết y thiên hồ ngận nhị lão đi (Chim đậu cành nam, về tới Tây Hồ bạn cũ, vì đồng bào cất to tiếng khóc, rằng sao trời không để sót hai già)
Huỳnh Thúc Kháng (1876–1947) tự Giới Sanh, hiệu là Minh Viên (Vườn chè) hay đôi khi được viết là Minh Viên. Ông là người làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Tân Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước), tỉnh Quảng Nam. Năm 1946, khi Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán, Huỳnh Thúc Kháng được cử làm Quyền Chủ tịch nước Việt Nam. Cuối năm 1946, ông là Đặc phái viên của Chính phủ vào cơ quan Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Trung Bộ tại Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Ngày 21 tháng 4 năm 1947, ông lâm bệnh nặng và mất huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi.

Mai Khuê Nguyễn Thúc Dinh, Phó bảng khoa Đinh Mùi (1907), quê làng Xuân Liễu, đồng hương với Phan Bội Châu có câu đối điếu:

Nhiệt huyết nhất xoang sái hà địa (Một bầu nhiệt huyết lay động trời đất)
Cao danh thiên cổ trọng ư sơn (Muôn thuở nêu tên nặng tình nước non)
Nguyễn Thúc Dinh (1877 - 1953) sinh tại Nam Đàn, Nghệ An. Từ năm 1909 cho đến năm 1931 ông phục vụ trong bộ máy chính quyền Nam Triều, kinh qua các chức vụ: Tri huyện, Tri phủ, Án sát, Thị lang, Phủ doãn, Bố chánh, Tuần vũ. Ông về hưu năm 1931 với hàm Thượng thư Bộ Lễ. Trong cải cách ruộng đất (1952), ông bị coi là vi phạm luật về giảm tô giảm tức, bị kết án 10 năm tù, sau giảm xuống còn 5 năm vì có nhiều con là bộ đội, cán bộ nhưng toàn bộ tài sản đều bị tịch thu. Ông ở trại giam hơn 1 năm, vì tuổi già sức yếu ông lâm bệnh và mất ngày 31/03/1954(27 tháng 2 năm Giáp Ngọ).

Câu đối viếng Phan Bội Châu chưa rõ tác giả:

乾坤翻覆以來間豈無轟轟烈烈好場誰似君家三攖虜刃再殉孤城幾回看寶劍掌中魂到九原猶殺賊 Càn khôn phiên phúc dĩ lai, gian khởi vô oanh oanh liệt liệt hảo trường, thùy tự quân gia, tam anh lỗ nhận, tái tuẫn cô thành, kỷ hồi khan bảo kiếm chưởng trung, hồn đáo cửu nguyên do sát tặc (Trời nghiêng đất ngả đến nay, há không trường liệt liệt oanh oanh, ai như nhà ông, ba người đánh giặc chết, hai bận giữ thành cô, bao lần xem báu kiếm trong tay, hồn đến suối vàng còn giết giặc)
身世浮沈至此日常抱鬱鬱孛孛奇氣欲揮吾手拔崑崙山平芹徐海一聲語姪兒海外身先同志厲誅仇 Thân thế phù trầm chí thử, nhật thường bão uất uất bột bột kỳ khí, dục huy ngô thủ, bạt Côn Lôn sơn, bình Cần Giờ hải, nhất thanh ngữ diệt nhi hải ngoại, thân tiên đồng chí lệ tru cừu (Bẩy nổi ba chìm là thế, ôm cái chí uất uất bột bột, muốn giơ tay tớ, san phẳng núi Côn Lôn, lấp bằng bể Cần Giờ, một tiếng gọi cháu trai ngoài cõi, hàng đầu đồng chí gắng phanh thù)

Giai thoại đối đáp ngoài dân gian[sửa]

Phan Bội Châu có lần vào nhà một ông thân sĩ giàu có, con cái đều đỗ đạt. Khi mới vào nhà, cụ Phan thưa: "Tôi ở miền Trung, đến đây tìm nơi dạy học, không may lỡ đường, xin gia đình giúp đỡ". Ông bố liền bảo người con vừa đỗ tú tài: "Mày ra cho anh ta một câu đối, nếu đối được thì dọn cơm đãi, bằng không thì đuổi đi".

Người con ứng khẩu đọc ngay: Quả ngôn viết khóa, nhất nhân khấu mệnh vi thùy (Tự xưng anh khoá, một mình đến gặp, ai thế?)
Vế ra khá hiểm: “quả 果” + “ngôn 言” = “khóa 課”. Và ba chữ: “nhất 一” + “nhân 人” + “khấu 叩” = “mệnh 命”.
Nghe xong, Phan Bội Châu lập tức đối lại: Nhập mỗ ngôn công, thiên lý hành xung thị ngã (Người xin nói chuyện từ ngàn dặm đến là tôi)

Vế đối cực kỳ tài tình! “nhập 入” + “mỗ 厶” = “công 公”. Và ba chữ: “thiên 千” + “lý 里” + “hành 行” = “xung 衝”. Vừa nghe qua, ông bố vội vã bước tới, đỡ lấy tay cụ Phan, cung kính hỏi: "Thưa ngài! Quý tính phương danh là gì, xin cho chúng tôi biết". Phan trả lời: "Tôi là Thủ khoa San". Ông bố thốt lên: "ối, giời ơi! Thật là danh bất hư truyền! Lâu nay, chúng tôi vẫn nghe tiếng ngài, bây giờ mới thấy đây..." Có thuyết khác lại cho rằng câu đối này là của Kỳ Đồng đối đáp với Tam Nguyên Yên Đổ