Câu đối và những giai thoại đối đáp của các vị vua chúa triều Nguyễn
Những câu đối của Quốc Chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725)
[sửa]Thiên Túng Đạo Nhân Nguyễn Phúc Chu là một vị chúa rất sùng bái Phật giáo, khi kế nghiệp Chúa, Ngài mới có 16 tuổi nhưng đã biết chiêu hiền đãi sĩ, biết nghe lời can gián, được dân chúng yêu quý, thường gọi Ngài là Quốc Chúa hay Chúa Minh. Ngài không chỉ sáng tác thơ văn viết về phong cảnh cùng chùa chiền ở kinh đô Thuận Hóa và quanh miền, mà còn sáng tác nhiều câu đối nữa, tất cả đều được ghi lại trong sách Hải ngoại ký sự, một tập bút ký có nhiều giá trị về văn học và sử liệu, dưới đây là một số câu đối của ngài:
- Câu đối viết dán trước Đại Giới Đàn chùa Thiền Lâm:
- Thích thị trì luật, nho giả lý trung, tổng yếu tu thân thành ý, tự nhiên kính trực hồ nội, nghĩa phương hồ ngoại (Cửa Phật giới luật, nhà Nho trung dung, chỉ cốt thành ý chính tâm, tự nhiên ngoài có nghĩa phương trong có chính trực)
- Quân tử sắc cơ, thiền nhân tập định, đồng qui kiến tánh minh tâm, đoan do giới thận bất đổ, khủng cụ bất văn (Quân tử cơ vi, Thiền sư nhập định, đều để minh tâm kiến tánh, bởi vì răn chỗ chẳng thấy, sợ chỗ chẳng nghe)
- Câu đối ban tặng chùa Quốc Ân - Thuận Hóa:
- 八寶燦金梁 , 顯日臨關 , 便 有 人 有 境 Bát bảo xán kim lương, hiển nhật lâm quang, tiện hữu nhân hữu cảnh (Bát bảo rực rường vàng, vầng nhật chiếu thiền môn, mến được có người có cảnh)
- 五雲生玉棟 , 春 光 展 座 , 喜 不 即 不 離 Ngũ vân sinh ngọc đống, xuân quang triển tọa, hỷ bất tức bất ly (Năm mây ngời cột ngọc, ánh xuân soi bảo tọa, vui thay không mất không xa)
và:
- Bối diệp phiêu vân, lục thời thiền tụng kỳ phong mẫn
- Ca sa thấp vũ nhất trị thanh cơ kiến đạo xương
Dịch nghĩa:
- Mây phất phơ trên kinh lá bối, sáu thời tiếng thiền niệm cầu hoa lợi phong đăng
- Mưa thấm khắp nếp áo Cà sa, mùi đạo thanh tu có cơ duyên phát đạt
- Câu đối ở Chánh điện chùa Thập Tháp - Bình Định:
- 佛 性 圓 融 , 湛 若 虚 空, 莫 能 測 其 邊 際 Phật tính viên dung, trạm nhược hư không, mạc năng trắc kỳ biên tế (Phật tính tròn đầy, trong trẻo tựa hư không, khó lường được giới mốc)
- 法 身 無 相 , 杲 如 篙 日, 孰 敢 儗 其 高 明 Pháp thân vô tướng, cảo như hao nhật, thục cảm nghĩ kỳ cao minh (Pháp thân vô tướng, sáng như mặt trời hiện, đâu dám chuyện nghĩ bàn)
Câu đối của Quốc Chúa Ninh Vương Nguyễn Phúc Chú (1697 - 1738)
[sửa]Nguyễn Phúc Chú còn có tên là Trú hay Thụ. Chánh quán của ông ở Gia Miêu (huyện Tống Sơn, Thanh Hóa), ông là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Chu. Khi trưởng thành, Nguyễn Phúc Trú được cử giữ chức cai cơ tước Đỉnh thịnh hầu, đến năm 1715 được thăng làm chưởng cơ, làm phủ đệ tại dinh cơ Tả Sùng. Sau khi nối ngôi được tôn là Thái phó tước Đỉnh Quốc công, hiệu là Văn Truyền đạo nhân (vì mộ đạo Phật). Câu đối ban cho chùa Linh Phong vào năm 1733 được sách Đại Nam dư địa chí ước biên của Cao Xuân Dục (triều Nguyễn) chép kèm theo câu thơ sau: “Mây lành khắp chốn, chùa Linh Phong bao bọc hoa tươi”:
- 海 岸 起 良 因 , 法 雨 普天 兹 佛 土 Hải ngạn khởi lương nhân, pháp vũ phổ thiên tư phật thổ (Bờ biển gặp duyên may, mưa pháp cùng trời thấm nhuần đất Phật)
- 靈 峰 凝 瑞 氣 , 祥 雲 徧 地 蔭人 間 Linh Phong ngưng thoại khí, tường vân biến địa ấm nhân gian (Núi linh đọng khí tốt, mây lành khắp chốn che chở cõi người)
Câu đối do vua Gia Long ban tặng Ngô Thị Vinh Hoa
[sửa]Ngô Thị Vinh Hoa là con thứ mười của Ngô Khải, tuy vua Quang Trung hết lòng yêu thương chiều chuộng, song Vinh Hoa vẫn một mực không cho nhà vua thành thân. Nhà vua rất lấy làm buồn, tuy hàng ngày gặp nhau nhưng nhà vua vẫn không sao gần gụi được. Khi chiếm Phú Xuân, tướng của Gia Long là Vũ Văn Toàn vào trước, kéo quân thẳng vào hậu cung, cướp được Ngô Thị Vinh Hoa. Vinh Hoa ở trong cung được nhà vua hết sức vêu chiều. Dần dần nàng hồi tâm lại, đẹp mơn mởn y như lộc mùa xuân. Biết Vinh Hoa có tài múa hát, nhà vua thích lắm, muốn lấy làm vợ. Nhà vua bảo nàng: “Ta muốn sở hữu nàng như nuôi con gà, con vịt trong nhà.“ Vinh Hoa tâu: “Bệ hạ muốn làm vua gà, vua vịt hay sao?“ Nói rồi nàng ôm đàn hát, nhà vua nghe tiếng đàn, mơ màng, gục đầu xuống bàn ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy, nhà vua không thấy Vinh Hoa đâu nữa, chỉ thấy trên bàn có ghi mấy chữ: "Thời lai phong tống tạ Đà giang" (Thời vận đến, gió đưa lại phía sông Đà). Nhà vua sai tìm Vinh Hoa khắp nơi nhưng không thấy. ít lâu sau, ở vùng huyện lỵ Đà Bắc (thuộc phủ Hưng Hóa), người ta vớt được một xác phụ nữ quý tộc trôi trên sông, trên tay có bế một đứa bé con còn sống. Quan sở tại báo việc này về triều đình. Vua Gia Long cho người lên xem xét, nhận ra người chết giống hệt Ngô Thị Vinh Hoa. Nhà vua cho làm ma nàng rất hậu, bắt lập miếu thờ. Đứa bé con được những người dân Mường ở đây đón về nuôi. Trong miếu thờ có đôi câu đối của nhà vua ban, ghi rằng:
- Sự nhị quân, vĩnh thủ trinh tâm
- Lưu vạn cổ, bảo tồn phẩm tiết
Dịch nghĩa:
- Thờ hai vua, vẫn giữ lòng trinh
- Lưu muôn thuở, còn nguyên phẩm tiết
Vua Minh Mạng và Trương Đăng Quế
[sửa]Vua Minh Mạng, cũng gọi là Minh Mệnh, tức Nguyễn Thánh Tổ là vị Hoàng đế thứ hai của nhà Nguyễn. Ông tên thật là Nguyễn Phúc Đảm, còn có tên Nguyễn Phúc Kiểu, sinh tại làng Tân Lộc, gần Sài Gòn, giữa cuộc Chiến tranh Tây Sơn–Chúa Nguyễn (1787-1802). Minh Mạng chủ trương mở mang thế lực ra nước ngoài, ông đổi tên Việt Nam thành Đại Nam, và muốn cho đất nước trở thành một đế quốc hùng mạnh. Nhà vua lập các phủ Trấn Ninh, Lạc Biên, Trấn Định, Trấn Man nhằm khống chế Ai Lao; và thực sự kiểm soát Chân Lạp, đổi Nam Vang (Phnôm Pênh ngày nay) thành Trấn Tây thành; kết quả là Đại Nam có lãnh thổ rộng hơn cả. Một lần vua Minh Mạng đến thăm chùa Non Nước (Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng). Trong đoàn tùy tùng có Trương Đăng Quế là một đình thần hay chữ. Thấy cảnh ở đây rất đẹp, vua ra vế đối:
- Chùa Non Nước trên non dưới nước, nước non về một đấng quân vương
- Trương Đăng Quế đối lại: Cửa Thuận An trong thuận ngoài an, an thuận khắp bốn phương thiên hạ
- Trương Đăng Quế tự là Diên Phương, hiệu là Đoan Trai, biệt hiệu Quảng Khê, người làng Mỹ Khê Tây, huyện Bình Sơn, nay thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh. Ông thi đỗ hương tiến (tương đương cử nhân sau này) khoa Kỷ Mão (1819) được bổ làm Hành tẩu bộ Lễ dưới triều Gia Long, đến năm Minh Mạng thứ nhất (1820) được thăng Biên tu rồi sung làm Hoàng tử trực học, trở thành 1 trong 3 thầy dạy của các hoàng tử dưới triều Minh Mạng. Năm 1863, sau nhiều lần xin từ quan, ông được vua Tự Đức cho về trí sĩ.
Vua Thiệu Trị và Hồng Bảo
[sửa]Thiệu Trị tên húy là Nguyễn Phúc Miên Tông, ngoài ra còn có tên là Nguyễn Phúc Tuyền và Dung. Ông là con trưởng của vua Minh Mạng và Tá Thiên Nhân Hoàng hậu Hồ Thị Hoa, sinh ngày 11 tháng 5 năm Đinh Mão, tức 16 tháng 6 năm 1807, tại Huế. Thiệu Trị cũng nổi tiếng là một vị vua thi sĩ, có để lại rất nhiều bài thơ, nổi tiếng nhất là 2 bài thơ chữ Hán có tên là Vũ Trung Sơn Thủy (Cảnh trong mưa) và Phước Viên Văn hội lương dạ mạn ngâm (Đêm thơ ở Phước Viên). Cả 2 bài không trình bày theo lối thường mà viết thành 5 vòng tròn đồng tâm, mỗi vòng tròn có 1 số chữ, đếm mỗi bài có 56 chữ, ứng với một bài thơ thất ngôn bát cú, nhìn vào như một “trận đồ bát quái”, vua có chỉ cách đọc và đố là kiếm ra 64 bài thơ trong đó nhưng tới nay chưa ai tìm ra được. Trong những lúc rảnh rỗi công việc y triều chính, thường hợp các hoàng tử nhỏ tuổi để thử thách tài năng đối đáp. Một hôm nhà vua ra câu đối:
- Bắc sứ lai triều
- Hoàng Tử Hồng Bảo nhanh nhẩu đối: Tây Sơn phục quốc
- Vua Thiệu Trị phì cười, mắng khéo con: "Tây Sơn mà phục quốc thì cả bà con mi không có đất mà chôn. Lần sau có đối thì cũng phải giữ gìn ý tứ nghe con!" Hồng Bảo giật mình, biết mình lỡ miệng, từ đó trở nên e dè, thận trọng hơn trong lời nói. Nguyễn Phúc Hồng Bảo là con trưởng vua Thiệu Trị, mẹ là Đinh Thị Hạnh người Gò Công huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định. Khi vua Thiệu Trị mất, các hoàng thân và các quan văn võ họp tại điện Cần Chánh để tuyên đọc di chiếu, theo đó hoàng thứ hai là Phúc Tuy công Nguyễn Phúc Hồng Nhậm được lập lên ngôi (tức vua Tự Đức). Di chiếu đọc chưa dứt, An Phong công (Hồng Bảo) phẫn uất thổ huyết hơn một đấu, nằm vật ngã giữa điện đình.
Vua Tự Đức và Cao Bá Quát
[sửa]Cao Bá Quát
[sửa]- Cao Bá Quát là một danh sĩ sống vào thời vua Tự Đức, tự Chu Thần, hiệu Cúc Đường, biệt hiệu Mẫn Hiên. Người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nay là xã Quyết Chiến, huyện Gia Lâm ngoại thành Hà Nội. Ông là anh em sinh đôi với Cao Bá Đạt, thân phụ của họ là cụ Cao Huy Giảng. Mặc dù là anh em sinh đôi, nhưng giữa họ có nhiều điều khác biệt nhau về tư duy và cảm nhận thơ văn. Lúc còn nhỏ, Cao Bá Quát ra tắm ở Hồ Tây. Đúng vào lúc vua Minh Mệnh đi kinh lý ở ngoài bắc để nhận sắc phong của Hoàng Đế nhà Thanh, nhà vua cũng đến Hồ Tây xem phong cảnh. Đạo ngự đi qua, tàn lọng rợp trời, gươm đao sáng quắc, ai cũng phải tránh xa, riêng cậu Quát cứ tự do vùng vẫy. Lính đến bắt lôi lên bờ, cậu cứ trần truồng đến trước mặt vua, tự khai là học trò, vì trời nực ra tắm mát. Vua nhìn xuống hồ thấy có con cá lớn đang đuổi đàn cá con, liền đọc một câu đối, bảo nếu đúng Quát là học trò thì phải đối được, sẽ tha không đánh đòn.
- nhà vua đọc: Nước trong leo lẻo, cá đớp cá
- Cậu Quát ứng khẩu đối ngay: Trời nắng chang chang, người trói ngườị
- nhà vua tuy bực vì Quát cũng coi mình như người thường nhưng vì câu đối quá chuẩn nên không thể bắt bẻ đành thả cậu Quát cho đi.
- Bữa nọ, Cao Bá Quát đến nghe bình văn ở một trường Đốc. Nghe đọc những câu văn tầm thường, ông cứ lắc đầu và còn bịt mũi tỏ ra khó chịu, quân lính thấy vậy bắt vào nộp quan đốc học. Quát xưng là học trò, hỏi học với ai, ông trả lời: "Tôi học với ông Trình ông Chu" (Trình, Chu là hai vị học giả vào hàng tôn sư trong đạo Nho. Trả lời như vậy là tỏ ra mình học với các bậc thánh hiền, học từ gốc chứ không thèm học ngọn!) Quan đốc giận, ra câu đối bắt đối ngay: Nghĩ tiểu sinh hà xứ đắc lai, cảm thuyết Trình Chu sự nghiệp (Chú bé này ở đâu đến đây, dám nói đến sự nghiệp ông Trình, ông Chu to lớn?)
- Cậu Quát đối lại: Ngã quân tử kiến cơ nhi tác, dục vi Nghiêu Thuấn quân dân (Người quân tử gặp thời làm việc, muốn quân dân đều được như đời Thuấn, đời Nghiêu)
- Quan đốc phục tài, nhất là cảm thấy chí hướng lớn lao của người trẻ tuổi, ông đã không giận mà còn thưởng cho Cao Bá Quát.
- Câu đối vịnh điều cày:
- Ra tay cầm cán sôi trong nước
- Ngậm khói phun mây sạch bụi trần
- Có một lần Cao Bá Quát đi thăm bạn ở xa. Bạn đi vắng, ông phải trở về, bụng đói mà tiền thì đã hết nhẵn. Ðang đi lang thang thất thểu, chợt nghe gần đấy có kèn trống đám ma. Quát theo chừng lần tới nơi. Hỏi ra biết là đám tang một ông cụ già nhà khá giả. Quát liền bước vào nhà thấy quan viên ngồi chật ních trong rạp; ở chính giữa rạp thấy có dăm bảy ông râu dài, ngồi chễm chệ trên ghế cạp điều, đang ngất ngưởng nói chuyện chữ nghĩa; lại thấy hiếu chủ chắp tay bẩm báo chầu chực, nên Quát đoán là văn thân hào mục, hay cử tú gì đó. Quát liền tới gần hiếu chủ nói: "Tôi là khách qua đường, nghe nói cụ nhà phúc đức lắm, nay chẳng may cụ hai năm mươi về chầu Phật, bụng tôi lấy làm cảm động vô cùng. Nên xin được vào phúng cụ vài câu rồi đi". Mấy vị ngồi chiếu cạp điều nghe Quát nói thế thì muốn lên mặt đàn anh, vừa rung đùi vuốt râu vừa hất hàm hỏi: "Thế nhà thầy ở đâu qua đây? Làm nghề gì?" Quát thưa: "Bẩm các quan, tôi ở làng bên đi dạy học về qua đây!" Các ông lại tranh nhau hỏi: "Dạy học à? Thế đã thi cử khoa nào chưa?" Quát đáp: "Bẩm cũng có theo đòi vài ba khoa, nhưng đều hỏng cả, về nhà văn dốt vũ dát nên đành phải đi gõ đầu trẻ!" Các quan viên lại hỏi luôn: "Thế nhà thầy định phúng câu đối Nôm hay chữ đấy?" Quát trả lời: "Bẩm có mấy chữ đã dạy trẻ hết mất rồi, giờ xin làm Nôm thôi ạ!" Các ông đàn anh được thể lại lên giọng: "Ừ, thế thì cứ làm đi rồi các cụ sẽ phủ chính cho!" Quát bèn hắng dặng rồi ngâm nga rằng:
- Thấy xe thiên cổ xịch đưa ra, không thân thiết nhẽ đâu mà khóc mướn?
- Tưởng sự bách niên đùng nghĩ đến, động can tràng nên nỗi phải thương vay!
- Các quan viên nghe xong đều thè lưỡi thán phục, kéo ngay Quát lên chiếu cạp điều mời cùng đánh chén. Ðến sau rượu đã ngà, mấy ông cứ gạn hỏi mãi, Quát đành phải xưng tên thật. Thế là ông nào ông nấy giật mình thon thót, đứng vội dậy chắp tay xin lỗi Quát rối rít. Có thuyết khác lại nói đôi câu đối này do Lê Quý Đôn viết
- Tương truyền khi chưa quen nhau, ông Quát nghe tiếng ông Nguyễn Văn Siêu dạy học, tìm đến thăm dò. Ông Siêu còn nghèo lắm, chỉ ngồi trên ghế chõng tre cũ kỹ, học trò trải chiếu ngồi quanh nền nhà. Cao Bá Quát xin vào học, ông Siêu ra câu đối, bảo có đối được mới nhận:
- Tiên sinh tọa tịch thượng, cót chi két, két chi cót, cót cót két két
- Cao Bá Quát đối ngay: Tiểu tử nhập đình trung, thẩn chi thơ, thơ chi thẩn, thẩn thẩn thơ thơ
- Nguyễn Văn Siêu rất phục, dắt tay mời vào. Từ đó hai người kết bạn vong niên, dân gian vẫn gọi là "Thần Siêu Thánh Quát" rất đúng với đôi câu đối của vua Tự Đức "văn như Siêu Quát vô Tiền Hán"
- Ở sau điện Cần Chánh mới đắp một quả núi non bộ trong bể cạn, vua Tự Đức sai Nguyễn Văn Siêu đề câu đối. Siêu nghĩ mà chưa biết đề như thế nào cho hay, nhân gặp Cao Bá Quát đến chơi, mới ngõ ý ấy. Cao Bá Quát lấy bút chép ngay:
- Sơn nhược hữu thần hô Hán tuế (Núi nếu có thần thì hô chúc tuổi vua Hán. Theo tích: Hán Vũ Đế đi chơi núi Tung Sơn, thị thần đứng dàn hàng hai bên, lúc xe vua đi qua đều hô vạn tuế , tiếng hô âm vào núi, vang ra ba lần. Người ta nói đấy là sơn thần hô vạn tuế chúc vua)
- Hải như sinh thánh thiếp Chu Ba (Biển như sinh thánh nhân thì im lặng sóng gió nhà Chu. Theo tích: Chu Công Đán hỏi: Nước Việt Thường cách đây vạn dặm, vì cớ gì sang cống?". Sứ giả nói: " Hạ quốc thấy gần đây mưa thuận gió hoà, ba năm nay biển không gợn sóng". Biết rằng Trung Quốc có thánh nhân cho nên sang cống")
- Trong một dịp đón xuân ở Hà Thành, Cao Bá Quát được rất nhiều người đến xin câu đối về dán, có một anh chàng làm nghề đóng áo quan, và một chị nọ đang bụng mang dạ chửa cùng đến. Thánh Quát bèn viết cho anh thợ đóng áo quan một đôi câu đối như sau:
- 天増歲月人増壽 Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng Thọ (Trời thêm năm tháng người thêm Thọ)
- 春滿乾坤福滿堂 Xuân mãn càn khôn phúc mãn Đường (Xuân khắp non sông Phúc chật nhà)
- Câu đối trên có thuyết khác nói rằng của Nguyễn Công Trứ
Còn chị có bầu được Thánh Quát tặng câu sau:
- 春滿乾坤福滿 Xuân mãn càn khôn, phúc mãn (Xuân đầy trời đất, phúc đẫy)
- 天増歲月人増 Thiên tăng tuế nguyệt, nhân tăng (Trời thêm năm tháng, người thêm)
- Sự tài tình mà cũng là cái sự hóm hỉnh của Cao Bá Quát ở chỗ lợi dụng được hai chữ thọ đường. Chữ Thọ đứng riêng là sống lâu, chữ Đường đứng riêng là cái nhà; nhưng thọ đường ghép liền thì lại có nghĩa là cỗ áo quan/cỗ quan tài. Câu đối vừa mừng Xuân vừa chỉ đích danh vào cái nghề đặc biệt của anh thợ mộc thì quả là sâu sắc và hay tuyệt. Còn với chị đàn bà bụng chửa, Thánh Quát vẫn sử dụng đôi câu đối ấy, song bớt đi mỗi vế một chữ cuối, vế trên nói đến ý "phúc đẫy" rõ ràng là nói về cái bụng chửa; bởi chữ phúc là hạnh phúc cũng đồng âm với chữ phúc là cái bụng, mà "phúc mãn" có nghĩa là cái bụng đẫy/bụng to, tức là bụng có chửa. Còn vế dưới nói đến ý "người thêm", rõ ràng là chỉ vào việc người phụ nữ sắp đẻ, sắp thêm người thêm của như lời chúc của dân gian. Bụng to rồi đẻ thêm người, như thế là "mẹ tròn con vuông". Phỏng có lời chúc nào đúng và hay hơn ý tứ của đôi câu đối đó...! Có thuyết khác lại kể rằng câu đối này được viết cho 1 góa phụ vào tết năm 1903 (Quý Mão), bấy giờ có một Ông Đồ quê mang Nghiên Bút ra ngồi Chợ Hưng Yên bán chữ. Goá phụ thuộc hàng giàu có nhưng không rành chữ Nho mang câu đối vui mừng đem về dán trước cửa Nhà, có một tên Ba xạo đi ngang chơi ác cắt nghĩa rằng :"Trời tăng năm tháng Người thêm, Xuân khắp Non Sông bụng phổng!" ý nói là Cô bị chữa hoang đó! (thay vì chữ Phúc là phúc lộc, Hắn lại xuyên tạc thành chữ Phúc là cái bụng-mang bầu). Goá phụ nổi tam bành vác đơn đi kiện Thầy Đồ liền ngay ngày 28 Tết, Quan Án Sát Hưng Yên lúc ấy là Ông Nghè Chu Mạnh Trinh rất mực công bình nên đã quở trách Goá Phụ về tội nghe xằng bậy và buột bồi thường danh dự cho Thầy Đồ một Quan tiền kẻm!
- Cao Bá Quát có dịp vào Quảng Nam, đến thăm nhà một cụ đồ (sau này là thân sinh ông Nguyễn Hiển Dĩnh). Nhiều người nghe tiếng ông giỏi thơ văn đã đến xin chữ. Một người làm đôi đèn lồng để thờ mẹ, xin ông cho một đôi câu đối Nôm. Ông Quát viết luôn vào đôi đèn lồng hai câu:
- Trước mẹ dạy con, gió chiều nào che chiều ấy, con dạ
- Giờ con thờ mẹ, đèn nhà ai rạng nhà nấy, mẹ ơi!
- Trong Nam truyền tụng là câu đối rất hay, dùng toàn tục ngữ mà sát với đôi đèn.
- Ông Chiêu Phu (không rõ tiểu sử) viết cho một bà goá lấy chồng người Trung Quốc:
- Bí phát kết ngô duyên di hi kim chiêu hồng bắc khứ (Kết tóc đuôi sam, (theo kiểu người Trung Quốc) lấy chồng nước khác, con chim hồng đã bay về phương bắc)
- Bình đầu lưu khách địa ta tai hà nhật nhạn nam quy (Quay đầu về đất khách, thương ôi đến ngày nào con chim nhạn về nam)
- Bà goá này đi giữa đường gặp một người chê “Dở lắm, đem trả lại, lấy tiền về đây”. Ông Chiêu Phu biết người chê mình là Cao Bá Quát liền mời họ Cao đến chơi và hỏi câu đối nọ của mình dở thế nào. Cao Bá Quát thủng thỉnh đáp: “Dở ở chỗ ý hai vế giống nhau”. Ông Chiêu Phu mời Cao Bá Quát làm lại câu đối ấy. Sau khi nghĩ ngợi một lát, Cao Bá Quát đọc:
- Xoắn đuôi chuột, trở về với mẹ
- Khép mu sò, dừng lại nuôi con
- Câu đối rất hợp với tình cảnh người đàn bà goá nọ nhưng cái chất bỡn cợt, tinh nghịch rất Cao Bá Quát vẫn hiện lên rất rõ rệt…
- Câu đối về đề tài giáo dục:
- Mô phạm dăm ba thằng mặt trắng,
- Đỉnh chung chiếc rưỡi cái lương vàng.
- Câu đối viết tặng Đền Gióng:
- 破賊但嫌三歲晚 Phá tặc đãn hiềm tam tuế vãn (Ba tuổi phá giặc vẫn còn ngại là muộn)
- 騰雲由很九天低 Đằng vân do hận cửu thiên đê (Cưỡi mây còn hận chin tầng trời là thấp)
- Câu đối Tết viết tặng Phan Nhạ:
Trong thi xã “Mạc vân” có Tiến Sĩ Nguyễn Nhạ là người hay châm chọc Cao Bá Quát và tưởng Quát sợ, y đã gây cho Cao Bá Quát không ít rắc rối. Nhân dịp Tết, Bá Quát viết tặng Nguyễn Nhạ một câu đối:
- 女逅無牙何速我 Nhữ cấu vô nha hà tốc ngã (Nếu anh không có nanh, chưa dễ hăm he được ta)
- 吾犹有舌起輸誰 Ngô do hữu thiệt khởi thâu thuỳ (Ta còn cái lưỡi lẽ nào ta chịu thua anh) ::Nội dung chữ đấu trong câu này là: Trong chữ Nhạ 訝 (Nguyễn Nhạ) có chữ nha 牙 (nanh); trong chữ Quát 鴰 (Cao Bá Quát) có chữ thiệt 舌 (lưỡi). Nanh tuy cứng hơn lưỡi nhưng lại mọc sau và rụng trước, còn lưỡi thì mềm nhưng lại có trước và chết sau. Ý là: Ngươi thử hỏng răng xem, liệu có cắn được ta. Ta còn có lưỡi há chịu thua ai. Chữ Nhạ có quai xước ngoài, và chữ Nha là răng ở trong. Chữ Quát cũng có quai xước ngoài, nhưng bên trong lại có chữ thiệt là lưỡi. Phương ngôn: “Lưỡi mềm thì còn, răng cứng thì mất”.
- Trước khi khởi nghĩa, Cao Bá Quát được triều đình nhà Nguyễn đưa đi làm giáo thụ ở Quốc Oai, vùng đất thuộc Sơn Tây, xa chốn kinh đô, thành thị. Học trò ít, cảnh sinh hoạt tiêu điều. Ông đã viết đôi câu đối dán ngoài nhà học:
- Nhà trống năm ba gian, một thầy, một cô, một chó cái
- Học trò dăm bảy đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi
- có thuyết khác nói rằng đôi câu đối này là của Ông Ích Khiêm
- Câu đối bày tỏ ý chí trước khi nổi dậy:
- Trượng phu lập thế thủ ý khí (Người trượng phu đứng ở trên đời phải giữ vững chí khí)
- Oải ốc đê đầu ngô sở sỉ (Cúi đầu dưới mái nhà thấp là điều tôi lấy làm xấu hổ)
- Câu đối khắc trên lá cờ làm tôn chỉ cho cuộc khởi nghĩa:
Hai năm 1853 – 1854, hai tỉnh Sơn Tây, Bắc Ninh bị hạn hán, châu chấu hoành hành cắn phá lúa, nhân dân đói khổ đặc biệt là vùng Lương Sơn, Chương Mĩ (Hà Tây). Lòng bất mãn với triều đình phong kiến, nên nhân cơ hội này ông đã tổ chức một cuộc khời nghĩa trên đất Mĩ Lương, tôn Lê Duy Cự làm minh chủ, tự xưng làm Quốc sư. Trên lá cờ có ghi hàng chữ sau:
- Bình Dương, Đồ Bản vô Nghiêu Thuấn (Ở Bình Dương và Đồ Bản không có những ông vua tốt như vua Nghiêu, vua Thuấn)
- Mục Dã, Minh điều hữu Võ Thang (Thì ở Mục Dã, Minh Điều phải có những người như Võ Vương, Thành Thang nổi dậy)
- Cao Bá Quát khởi nghĩa không thành, bị bắt, bị giam, bị cùm chân, chờ đem ra xử tội. Ngồi trong ngục tối, ông vẫn ngâm nga đôi câu đối:
- Một chiếc cùm lim chân có đế
- Ba vòng xích sắt bước thì vương
- Tiền bạc của giời chung trống trải thế mới vòng khuyên sáo
- Công danh đường đất rộng kèn cựa chi cho thẹn chí tang bồng
- Trước khi thọ hình, Cao Bá Quát còn bình tĩnh ứng khẩu:
- Ba hồi trống giục mồ cha kiếp
- Một nhát gươm đưa đéo mẹ thời (thời chính là tên của vua Tự Đức)
- Thực ra trong chính sử Cao Bá Quát bị Đội Xuất Đinh Thế Quang bắn chết ngoài sa trường tại vùng Yên Sơn chứ không hề bị bắt, mấy câu đối trên do hậu thế bịa ra ghi lại mà thôi
- Chỉ vì tội tày trời của Cao Bá Quát, mà đại họa xảy đến cho cả gia đình, bị tru di cả ba đời (tru di tam đại). Cao Bá Ðạt (1809 - 1854) khi hay được tin trên, đã ngất xỉu một hồi lâu, khi tỉnh dậy, liền khóc rống lên mà đọc câu đối như kêu trời, kêu đất rằng:
- Khấp cùng vũ trụ thiên vô bác (Khóc cùng vũ trụ trời không tựa)
- Nộ đảo sơn hà địa dục đông (Giận đổ sơn hà đất muốn xoay)
Vua Tự Đức
[sửa]Tự Đức là niên hiệu của vị Hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, ông tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm. Khi còn nhỏ Hồng Nhậm còn có tên khác là Nguyễn Phúc Thì. Tự Đức được đánh giá là một vị vua tốt, được các quan nể phục. Năm 1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng. Các quan là Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Đinh Văn Điền, Nguyễn Hiệp, Lê Định liên tiếp dâng sớ xin nhà vua cho cải cách toàn diện đất nước. Mãi đến năm 1878, triều đình mới bắt đầu cử người thực hiện các bước đầu tiên trong quá trình cải cách là cho học tiếng nước ngoài. Năm 1883, sau cái chết của vua Tự Đức, Pháp tấn công vào cửa biển Thuận An, một hiệp ước được ký kết Hiệp ước Quý Mùi 1883 với nội dung là xác nhận quyền bảo hộ dài của người Pháp lên Trung Kỳ và Bắc Kỳ chấm dứt mối ràng buộc phên dậu cả ngàn năm giữa An Nam và thiên triều Trung Hoa, mở đầu thời kỳ Đông Dương thuộc Pháp.
- Câu đối của vua Tự Đức đầy tự hào về văn học Việt Nam thời Nguyễn:
- Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán (Văn như Siêu, Quát hơn Tiền Hán)
- Thi đáo Tùng, Tuy thất Thịnh Đường (Thơ cỡ Tùng, Tuy vượt Thịnh Đường)
- Ở đây nhà vua ca ngợi Cao Bá Quát, Nguyễn văn Siêu (thần Siêu, thánh Quát), Tuy Lý vương và Tùng Thiện vương nói riêng (2 ông Tùng, Tuy là con vua Minh Mạng, vua Tự Đức phải gọi bằng chú)
- Câu đối vịnh Kiều:
- Mộng lý căn duyên, tri nhất ẩm nhất trác giai vi tiền định (Nghiệm căn duyên trong mộng kia, biết rõ ràng miếng uống, miếng ăn, đều do số trời định trước)
- Cầm chung phận mệnh, quái đa tình đa sự độc chiếm tiên thanh (Xem mệnh khúc đàn nọ, những quái lạ đa tình, đa sự, riêng chiếm tiếng đầu tiên)
- Câu đối nói lái:
- Kia mấy cây Mía
- Có vài cái Vò
- Câu đối viếng Uy Viễn tướng quân Nguyễn Công Trứ:
- Tả hữu nghi văn nghi võ
- Tử sinh danh tướng danh thần
- Bấy giờ, thực dân Pháp càng ngày càng tham, hết đòi quyền lợi này, đến muốn chiếm đất khác. Triều đình nhu nhược, thiếu người tài, vua Tự Đức phải than rằng:
- Võ tướng tiêu sầu duy hữu tửu (Quan võ chỉ biết mượn rượu để quên sầu)
- Văn thần thoái lổ cánh vô thi (Quan văn làm thơ đuổi giặc, cũng không làm được)
- Câu đối của vua Tự Đức điếu Nguyễn Bá Nhạ:
Nguyễn Bá Nhạ tên hiệu là Long Châu, sinh năm Nhâm Ngọ (1822), con của tri huyện An Lạc Nguyễn Thận Tuyển. Lúc 22 tuổi, ông đã đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân thứ nhất (tức Hoàng Giáp) tại khoa thi năm Quý Mão, Thiệu Trị (1843). Khoảng năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), ông được bổ nhiệm làm Tri phủ Hàm Thuận. Năm Mậu Thân, Tự Đức 2 (1848), ông mất đột ngột vì trọng bệnh khi vừa 27 tuổi. Vua Tự Đức thương tiếc người tuổi trẻ tài cao, đã gửi viếng ông đôi câu đối:
- "Nhân sinh bách tuế vi kỳ, bán chi bán lân quân mệnh bạc
- Nhữ thiếu tam nguyên cập đệ, kỳ cách kỳ sử ngã tâm bi"
Nghĩa là:
- Người sinh trăm tuổi định kỳ, nửa trong nửa thương người mệnh bạc
- Người trẻ ba lần đậu nhất, tài trên tài khiến trẫm thương tâm
Vua Tự Đức và Cao Bá Quát
[sửa]- Cao Bá Quát có người anh song sinh là Cao Bá Đạt, khi vua Tự Đức mới lên ngôi thì Cao Bá Quát vẫn còn làm một chức quan nhỏ (Hành tẩu) ở bộ Lễ. Tự Đức nghe tiếng hai anh em họ Cao đã lâu, một hôm bèn cho triệu Cao vào để xem mặt và hỏi thử tài học, nhà vua ra đùa một vế đối rằng:
- 一胞雙生難爲兄難爲弟 Nhất bào song sinh, nan vi huynh, nan vi đệ (Nghĩa là: một bọc sinh đôi, khó làm anh, khó làm em).
- Ý nhà vua ám chỉ hai ông Đạt và Quát sinh đôi, khó biết ai là anh, ai là em.
- Cao Bá Quát liền đối lại một câu rất khéo léo: 千載一遇有是君有是臣 Thiên tải nhất ngộ, hữu thị quân, hữu thị thần (Nghĩa là : Nghìn năm gặp một, có vua ấy, có tôi ấy)
- Ý Cao Bá Quát muốn nói có ông vua tài giỏi (như vua Tự Đức) thì mới có người bề tôi tài giỏi (như Cao Bát Quát). Tự Đức rất hài lòng về câu đối này, tuy nhiên nhà vua đã không lường hết được những chỗ thâm thúy của vế đối, vì câu này còn có thể hiểu theo nghĩa khác: "Có ông vua Tự Đức thì cũng có người bề tôi như Cao Bá Quát để đối chọi lại (theo ý "vỏ quít dày, móng tay nhọn") và đó cũng chính là cái ý lắt léo của họ Cao".
- Một hôm vua Tự Đức nghĩ hai câu đối treo ở điện Cần Chánh như sau:
- 子能承父業 Tử năng thừa phụ nghiệp (con thừa được nghiệp cha)
- 臣可報君恩 Thần khả báo quân ân (tôi trả tròn ơn chúa)
- Khi đem treo trong điện, các quan trông thấy, đều chịu là hay. Riêng Cao Bá Quát thì tỏ vẻ không phục, mai mỉa nói: "Hảo hề! Hảo hề! Phụ tử quân thần điên đảo!" Nhà vua nghe các quan tâu lại, gọi vào hỏi nguyên do. Cao Bá Quát liền tâu: "Muôn tâu bệ hạ, câu trên chữ tử đứng trên chữ phụ, vậy là con trên cha, câu dưới chữ thần đứng trên chữ quân, vậy là tôi trên vua. Rõ ràng phụ tử quân thần điên đảo". Vua bảo chữa, Cao Bá Quát liền đọc:
- 父業子能承 Quân ân, thần khả báo (nghiệp cha con thừa hưởng)
- 君恩臣可報 Phụ nghiệp, tử năng thừa (ơn chúa tôi trả tròn)
- Nhà vua tuy tức giận, nhưng suy nghĩ lại cũng phải nhận rằng chữa như vậy, cương thường thuận lẽ mà ý đặt cũng già hơn.
- Một đêm, vua Tự Đức mất ngủ, ngài nghĩ ra câu đối sau:
- Viên trung oanh chuyển Khề Khà ngữ (Trong vườn tiếng oanh thỏ thẻ khề khà)
- Dã ngoại đào hoa Lấm Tấm khai (Ngoài đồng hoa đào nở lấm tấm)
- Nhà Vua rất hài lòng vì 2 câu thơ chữ Hán này đều có 2 từ nôm thuần Việt mà vẫn rất ý nhị và là đôi câu đối rất chuẩn. Sáng hôm sau trong buổi chầu, Nhà Vua nói với bá quan: “Đêm qua Trẫm nằm mơ làm được 2 câu thơ rất kỳ lạ” và đọc 2 câu thơ trên. Quần thần đều thán phục và ca ngợi tài thơ của nhà vua, Cao Bá Quát vốn ghét bọn nịnh thần nên đã tâu rằng: ” Tâu Bệ Hạ, từ nhỏ Thần đã thuộc cả bài thơ, trong đó có 2 câu này”. Nhà vua hết sức tức giận vì rõ ràng 2 câu thơ này mình vừa nghĩ ra, nhưng vẫn cố kiềm chế, ngài phán: “Khanh phải đọc lại toàn bài thơ đó, nếu không sẽ bị trị tội nặng”. Cao Bá Quát suy nghĩ giây lát như để nhớ lại rồi cao giọng đọc bài thơ sau đây: Bảo mã tây phong Huếch Hoác lai, Huênh Hoang nhân sự thác đề hồi, viên trung oanh chuyển Khề Khà ngữ, dã ngoại đào hoa Lấm Tấm khai, xuân nhật bất văn sương Lộp Bộp, thu thiên chỉ kiến vũ Bài Nhài, Khù Khờ thi tứ đa nhân thức, Khuệnh Khoạng tương lai vấn tú tài (Phạm Văn Dương đã dịch bài thơ của họ Cao ra Tiếng Việt như sau: Huyếch hoác ngựa về với gió Tây, người Huênh Hoang cũng tự về đây, Khề Khà oanh hót trong vườn nhỏ, Lấm Tấm đào khai giữa gió mây, Lộp Bộp sương rơi nghe chẳng rõ, Bài Nhài mưa trút thấy như bày, Khù Khờ thơ ấy bao người biết, còn hỏi tú tài Khuệnh Khuạng thay!) Vua Tự Đức kinh ngạc biết Quát xỏ mình nhưng vẫn phải phục tài xuất khẩu thành thơ, nhà vua sai lấy chè và quế ban cho Quát và bắt Quát phải thú nhận đã bịa thêm 6 câu trong bài thơ trên.
- Lam Hồng cũng dịch ra Tiếng Việt với hai bài gieo hai vần khác nhau:
1 - Bài thứ nhất: Ngựa tốt gió tây Huếch Hoác âu, Huênh Hoang nhiễu sự bỡi vì đâu, oanh vàng vườn tịt Khề Khà hót, đào thắm trời mù Lấm Tấm châu, Lộp Bộp xuân văn hời cõi tục, Bài Nhài thu lũ hợt trời ngâu, Khù Khờ nỏ biết bài thơ ấy, Khuệnh Khoạng tú tài hỏi khó nhau
2 - Bài thứ hai: Huếch hoác gió tây ngựa tốt chi, vuốt mèo khen chủ Huênh Hoang đi, Khề Khà oanh vọng ca chênh phách, Lấm Tấm đào tơ nở lệch thì, Lộp Bộp câu văn xuân chắc rụng, Bài Nhài ngữ nghĩa thu mong gì, thơ xưa chưa biết Khù Khờ thế, hỏi tú bài này Khuệnh Khoạng nguy
Câu đối vua Tự Đức viết tặng Tuy Lý Vương Nguyễn Miên Trinh (1820 - 1897)
[sửa]Nguyễn Miên Trinh có tên là Khôn Chương và Quý Trọng, hiệu Trình Phổ và Vĩ Dạ, là con thứ 11 của Nguyễn Thánh Tổ. Ông rất hiếu học nên được vua cha rất thương yêu . Có lúc Ông bị bệnh, Vua bãi triều ở Văn Minh Ðiện, tự thân đến thăm hỏi. Ðó là chuyện rất hiếm thấy, việc nầy có ghi trong Thương Sơn cung từ: Bất thị Miên Trinh kim đới bệnh, thử gian hà xứ đắc thiên hương (Miên Trinh chẳng bệnh hôm nay, hương trời lan đến chốn nào trong cung?) Năm Mậu Ngọ (1958), nhân sinh nhật thứ 40 của Ông, Vua Dực Tông có tặng câu đối:
- Văn chất kiêm ưu, công kham đương thử
- Hiếu từ đại lạc , ngã diệc tự chi
Dịch nghĩa:
- Rực rỡ văn đức, Ông nên nhận lấy
- Mừng vui từ hiếu, ta cũng giống thay
Những gia thoại đối đáp của vua Duy Tân (1900 - 1945)
[sửa]Vua Duy Tân tên húy là Nguyễn Phúc Vĩnh San, còn có tên là Nguyễn Phúc Hoảng, sinh tại Huế. Khi vua cha bị thực dân Pháp lưu đày, ông được người Pháp đưa lên ngôi. Năm 1916, lúc ở Âu châu có cuộc Đại chiến, ông liên lạc với các lãnh tụ Việt Nam Quang Phục Hội định khởi nghĩa. Dự định thất bại, Duy Tân bị bắt đem an trí trên đảo Réunion ở Ấn Độ Dương. Trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945) ông gia nhập quân Đồng Minh chống phát xít Đức. Ngày 26 tháng 12 năm 1945, ông mất vì tai nạn máy bay ở Cộng hoà Trung Phi.
- Đối đáp với viên cố đạo người Pháp:
Năm 12 tuổi, vua Duy Tân được mời dự tiệc ở toà Khâm Sứ Trung Kỳ, có một cố đạo Pháp thạo tiếng Việt, hiểu chữ Hán, hiểu phong tục tập quán lịch sử, địa lý của Việt Nam. Sau một hồi làm việc căng thẳng, để giảm sức căng, Y khéo léo lái cuộc ’’hội đàm’’ sang lĩnh vực văn chương, cùng nhà vua bàn chuyện thi phú… sau một hồi rào đón…rốt cuộc đề nghị hai bên chơi chữ – đọc câu đối. Nhà vua trẻ đồng ý, viên khâm sứ đọc vế ra: hắn ra một vế đối để thăm dò, trình lên nhà vua một tờ giấy ghi hai chữ:
- 王三 Vương Tam (Rút ruột vua tam phân thiên hạ)(vế ra rất hay, khúc chiết, lại nói lên được vấn đề mà Y đang quan tâm. Đây là loại câu đối dùng chiết tự trong chữ Hán: Chữ Vương là Vua. Nếu (rút) bỏ đi nét sổ, nằm ở giữa (ruột) – chữ Vương thành chữ TAM là Ba – con số 3 đang nhức nhối trong lòng nhà vua (tam phân thiên hạ). Cân đối ngụ ý: Ông Vua hãy cởi lòng, bỏ đi những trăn trở, mặc cảm đưa việc phân chia địa lí (3 Kì) vào ổn định, để Pháp – Việt chung sống trong hòa bình, thịnh vượng – đề huề)
- Liếc nhìn qua, vua Duy Tân đã hiểu thâm ý chơi chữ của viên cố đạo này, bèn lấy bút lông phê ngay bên cạnh hai chữ: 西四 Tây Tứ (Chặt đầu Tây, Tứ hải giai huynh)(Vua Duy Tân là ông vua có ý chí tự cường, thông minh bẩm sinh (2). Ngay từ khi lên ngôi, tuổi còn ấu thơ (8 tuổi) đã có tinh thần kiên cường , là một trong 2 vị vua thời nhà Nguyễn có tinh thần chống Pháp mạnh nhất (Duy Tân, Hàm Nghi). Vế ra đề không thể làm khó được vị vua thiếu niên anh hùng)
- Viên cố đạo cầm xem tím mặt, gượng cười đưa cả hai tay ra đỡ lấy tờ giấy vua ta ban. Thì ra chữ “Vương” là Vua, gồm ba nét ngang và một nét sổ; chữ “Tam” chỉ có ba nét ngang. Vậy rút bỏ nét dọc của chữ Vương (ý: rút ruột Vua) thì thành chữ tam (ý: tam phân thiên hạ, chia nước ta thành ba khu vực Bắc, Trung, Nam để dễ bề cai trị). Chữ “Tây” gồm chữ “Tứ” và phần đầu có một nét ngang và hai nét dọc. Nếu cắt bỏ phần đầu đó đi (ý: chặt đầu thằng Tây!) thì thành chữ tứ (ý: tứ hải giai huynh, bốn bể đều là anh em, nước Nam quyết không cho kẻ thù chia cắt!). Cứ tưởng hai Nho sĩ đang thù tạc khi ’’trà dư tửu hậu’’, nhưng thực chất là một cuộc đấu bằng ý chí thông qua ngôn ngữ. Đó là thông điệp của ’’thiên tử’’ , thay mặt cho ’’thần dân’’ nước đại Việt, dõng dạc tuyên bố: Nước Việt quyết tâm đánh đuổi kẻ xâm lược, xây dựng mối giao hảo an hem với bốn biển năm châu….
- Đối đáp với Lại Bộ Thượng Thư Hữu Bài (1863 - 1935):
Nguyễn Hữu Bài sinh tại làng Cao Xá, tổng Xuân Hòa, phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Khi Khâm sứ Pháp Mahé đề nghị đào vàng bạc chôn ở lăng vua Tự Đức, Nguyễn Hữu Bài phản đối. Dân chúng đương thời đặt ra câu tục ngạn: “Phế vua không Khả, đào mả không Bài”. Năm 1933, vua Bảo Đại cải cách triều đình, Nguyễn Hữu Bài bị bãi chức. Năm 1935, Nguyễn Hữu Bài từ trần. Tương truyền ông có giai thoại đối đáp với vua Duy Tân như sau:
- Vua Duy Tân ra: Đi chi, đường đạo, sợ cụ
- Ông Nguyễn Hữu Bài đối: Không vô, trong nội, nhớ hoài
- Các cặp cùng nghĩa TV–HV: “Đi”–”chi”; “đường”–”đạo”; “sợ”–”cụ” (vế trên); “không” –”vô”; “trong”–”nội”; “nhớ”–”hoài” (vế dưới). Các từ HV được chuyển từ cùng âm TV sang một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn đến mức khó nhận ra có sự dụng công, mà chỉ như những câu nói đầu cửa miệng. Có thuyết khác nói vế ra của vua Duy Tân là: Mua mãi cửa quan sợ cụ.
Những câu đối liên quan đến vua Khải Định (1885 - 1925)
[sửa]Khải Định tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, còn có tên là Nguyễn Phúc Tuấn. Dưới thời vua Khải Định, triều đình Huế không có xích mích với Pháp. Khải Định hết thân với Khâm sứ Trung kỳ Jean François Eugène Charles và gửi gắm con mình là Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại) cho vợ chồng Khâm sứ. Ông tự sáng chế ra những bộ y phục mới cho mình và cho cả quan hộ vệ. Ông rất chuộng trang điểm, không tuân theo y phục hoàng bào truyền thống của các vua chúa và thường bị đả kích trên báo chí đương thời. Ở Huế nhân dân đã truyền tụng câu ca dao phổ biến về Khải Định: "Tiếng đồn Khải Định nịnh Tây, Nghề này thì lấy ông này tiên sư". Dân gian đến nay còn lưu truyền đôi câu đối sau:
- Xuân xanh tuổi ngoài đôi chục, chơi đục trần ai, khi bài khi bạc, khi tài bàn vác, khi tổ tôm quanh, khi năm canh ngồi nhà hát, khi gác cổ ả đào, khi ghẻ tàu con đĩ xác, khi nằm rạp thuốc phiện tiêm, hoanh ra dáng, dạng ra rồng, ngông ra phết, cóc biết chi tồi, miệng én đưa qua mùi gió thoảng ;
- Quốc gia lịch tứ thiên dư, do truyền nhân vật, như Tô như Duật, như Phật tử Quân, như Trần Quốc Tuấn, như Phạm công Thượng thướng quân, như Bạch Vân Phu tử, như Ngự sử Lê Cảnh Tuân, như công thần Nguyễn Công Trứ, tài chi tuấn, thời chi tế, thế chi sừ, khỉ nhưng nhiên phủ, thân long đắc vũ tiện vân đằng.
Có giai thoại rằng: Năm 1925, được tin vua bù nhìn Khải Ðịnh qua đời, từ nơi bị đày (đảo Rê-uy-ni-ông), vua Duy Tân đã gửi về triều đình Huế, phúng một bức trướng, có câu đối sau:
- Ông vội bỏ đi đâu? Bỏ bạc, bỏ tiền, bỏ vợ, bỏ con; bỏ hát bội, thày tu - bỏ hết trần duyên trong một lúc
- Tôi nay còn lại đó! Còn trời, còn đất, còn non, còn nước; còn anh hùng, hào kiệt - còn nhiều vận hội giữa năm châu