Câu đối về các danh nhân thời Ngô, Đinh, Tiền Lê và Lý

Bộ sưu tập danh ngôn mở Wikiquote

Những câu đối ca ngợi công đức của Ngô Quyền (898 - 944)[sửa]

Ngô Quyền là vị vua khai sáng vương triều Ngô, sinh ra ở làng Đường Lâm (nay thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Sau Chiến thắng Bạch Đằng. Ngô Quyền lên ngôi vua, đóng đô tại Cổ Loa. Đến nay, người dân Cổ Loa vẫn còn truyền tụng nhau và tự hào về di tích, dấu tích của triều Ngô còn lại như: Cây đa Ngô Quyền (cây đa nghìn tuổi), giếng nước Ngô Quyền, đôi câu đối trên đền Thượng luôn được người dân nơi đây gìn giữ từ bao đời:

“Thục quốc sơn hà nguyên Cổ Việt
Loa thành cung cấm tự tiền Ngô”

Tại thành phố Hải Phòng, bên cạnh dòng sông Bạch Đằng lịch sử, cũng có những ngôi đền và đình thờ Ngô Quyền. Ở đình Hàng Kênh - ngôi đình tráng lệ ở Hải Phòng xây dựng năm 1718 - có câu đối lớn với dòng chữ nho:

"Vương nghiệp khởi nghiệp Loa Thành, trường biên thanh sử
Chiến công lưu Đằng thủy, cộng mộc hồng ân"

nghĩa là:

"Vương nghiệp bắt đầu từ Loa thành lưu mãi trong sử sách
Chiến công lưu lại trên sông Đằng, trong đó có ân phúc của loài cây"
  • Những câu đối khắc tại đình Thư Trung phường Đằng Lâm quận Hải An - Hải Phòng:
Đế nghiệp Loa Thành minh chính thống
Uy hùng chấn bắc ký nam bang
Đại quế thăng tôn, đống tự kim mục cổ
Địa tuy châu lập, miếu đường cựu nhi tân
Thánh đức uy linh, thiên thu quang nhật nguyệt
Thần công hiển hách, vạn thế chiếu sơn hà
Nhất trận Bạch Đằng, thanh anh lưu phương truyền thắng tích
Lục niên Hoàng Thất, đan tâm ngưỡng mộ mộc hồng ân
Ngũ sắc tường vân, thanh quang thánh hộ điện
Thiên thu ân vụ, quảng bá lục thần linh

Dương Tam Kha[sửa]

  • Câu đối khắc ở đền Cổ Lễ tại Nam Định:

Vị vua đầu tiên trong lịch sử Việt Nam bị phế truất là Dương Tam Kha, quê ở làng Ràng, xã Dương Xá, đất Ái Châu (nay thuộc xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá), là con trai của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ. Theo Đại Việt sử lược, Dương Tam Kha tên húy là Dương Chủ Tướng, còn theo Tống sử, ông tên là Dương Thiệu Hồng. Trong trận Bạch Đằng, tướng giặc là Hoàng Tháo cùng đạo quân xâm lược thua trận, cả chủ tướng lẫn quân lính phải bỏ mạng trước sự tấn công mưu trí, dũng cảm và mãnh liệt của quân dân nước Việt. Từ công trạng đó, tại đền thờ Dương Tam Kha tại đền Cổ Lễ có đôi câu đối, trong đó một vế viết là:

“Trảm diệt Hoằng Tháo, bình Bắc khấu, lịch đại bao phong” (Chém chết Hoằng Thao, đánh bại giặc phương Bắc, nối đời bao phong).
vế còn lại chưa tra cứu được

Có tài liệu chép rằng Dương Tam Kha là cha của Dương Vân Nga. Ông còn sống tới lúc gả con gái cho Đinh Bộ Lĩnh năm Bính Dần (966). Có giả thuyết khác nói rằng Dương Vân Nga - con người anh của Dương Tam Kha - được ông nhận làm con nuôi; Dương Tam Kha không có con nên phải nhận cháu làm con như việc ông lấy Xương Văn làm con để sau nhường ngôi chứ không chọn một người trong họ Dương, điều đó đã chứng tỏ ông có ý định trả ngôi về cho họ Ngô chứ không nhất quyết giữ ngôi cho họ Dương. Đền thờ ông ở Cổ Lễ có câu đối ca ngợi như sau:

Đằng Giang nhất trận thiếp phong đào, uy chấn nam nhi bắc
Cổ Lĩnh tứ thời hương trở đậu, linh thanh cổ cập kim

Nghĩa là:

Sông Bạch Đằng một trận, gió yên sóng lặng, anh hùng dội Nam và Bắc
Làng Cổ Lĩnh bốn mùa hương khói, nổi tiếng linh thiêng từ xưa đến nay
  • Những câu đối khắc tại đình Chương Dương huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây cũ:

Làng Chương Dương có ngôi đền thờ Dương Tam Kha, mỗi khi cầu đảo đều rất linh nghiệm. Các triều đại đều phong tặng là “Thiện Tiên hiển hoá phổ thông phù ứng”, triều đại sau lại tăng thêm duệ hiệu so với triều đại trước. Dưới đây là nội dung các câu đối khắc tại đình làng:

Linh ứng luỹ phong văn, cửu ngưỡng thần quyền duy xã hội
Hồng ân đàm thái ất, trùng tân miếu mạo trấn giang sơn

Dịch nghĩa:

Linh thiêng ứng nghiệm dày, nhiều đời được tặng sắc văn, sự tín ngưỡng thần quyền giúp duy trì xã hội
Công lao ân đức lớn, ông cha được phong thái ấp, việc trùng tu đền miếu góp công giữ vững núi sông
Hà nhuận thần cao, linh huống vĩnh diên kim miếu xã
Địa liên thái nhưỡng, ân ba đồng mộc cựu giang sơn

Dịch nghĩa:

Sông nước nhuần hoà có thần linh hun đúc sự thiêng liêng còn mãi bền lâu, miếu xã uy nghi đến tận giờ
Đất đai liền giải nhờ Thái ất sẻ chia nền ân đức cùng chung hưởng, giang san thuở trước vẫn nguyên còn
Lục tải xưng vương truyền nội sử
Thiên thu thực ấp hiển dư linh

Dịch nghĩa:

Sáu năm ngự ngai vàng còn truyền nội sử
Nghìn thu thực ấp ở vẫn rạng uy linh

Câu đối liên quan đến Đinh Bộ Lĩnh (924 - 979)[sửa]

Xung quanh sự ra đời và sự nghiệp của vua Đinh Bộ Lĩnh, vị hoàng đế được coi là khởi đầu nền độc lập tự chủ lâu dài nước ta là một bức màn truyền thuyết bao phủ. Câu đối ở đình Gia Phương (Đại Hữu), quê Đinh Bộ Lĩnh:

Địa phân Chu Tống dĩ lai, triệu tác Nam Bang tân đế trạch
Quốc tự Trần Lê nhi hậu, do truyền Đại Hữu cổ thang hương.

Dịch:

Đất tách Chu Tống tới nay, sáng lập Nam Bang thành đế quốc
Nước từ Trần Lê trở lại, còn truyền Đại Hữu chốn quê hương.
Chu Tống ở đây là nói đến thời kỳ Chu Thế Tông – Tống Thái Tổ, là lúc nhà Đinh Lê lập quốc gia riêng

CÂU ĐỐI Ở ĐỀN VUA ĐINH TIÊN HOÀNG (Năm Giáp Tý (1864) niên hiệu Tự Đức. Thị giảng học sĩ Phượng Trì Vũ Phạm Khải Đông Dương bái đề)

瞿越國當宋開寶
華閭都是漢長安
“Cồ Việt quốc đương Tống khai bảo
Hoa Lư đô thị Hán Tràng An”

Dịch nghĩa:

Nước Đại Cồ Việt sánh ngang nước Tống
Kinh thành Hoa Lư tựa Tràng An, Trung Quốc
Câu đối này được thờ trang trọng trong đền vua Đinh ở Ninh Bình. Đinh Bộ Lĩnh và vua đầu tiên của nhà Đinh, ông vốn họ Đinh, tên Hoàng, Bộ Lĩnh là tước quan của sứ quân Trần Lâm phong cho, quê ở động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), con quan Thứ sử Châu Hoan (Nghệ An) về đời Dương Diên Nghệ là Đinh Công Trứ
  • Triều Nguyễn, mùa đông năm Ất Hợi, toàn thể binh lính trong xã tiến cúng đôi câu đối:
百粵山河新帝號
千秋殿廟舊皇都
Bách Việt sơn hà tân đế hiệu
Thiên thu điện miếu cựu hoàng đô

Dịch nghĩa:

Non sông bách Việt có niên hiệu vua mới
Điện miếu thiên thu chính là cố đô xưa

Mùa xuân năm Đinh Mão niên hiệu Bảo Đại. Xã Trường Yên trung, trưởng lão Nguyễn Đại Đồng cùng con trai là cựu Chánh hương hội Nguyễn Phú Cường tiến cúng đôi câu đối:

萬勝威雄瞿越基開正統始
天書分定華閭運啟聖人生
Vạn thắng oai hùng Cồ Việt cơ khai chính thống thủy
Thiên thư phân định Hoa Lư vận khởi thánh nhân sinh

Dịch nghĩa: Vạn thắng oai hùng mở ra nền chính thống nước Đại Cồ Việt Sách trời phân định đất Hoa Lư sinh bậc thánh nhân Câu đối do tác giả khuyết danh viết niên hiệu Tự Đức năm thứ 10 (1856):

應試文於太平五年黎家出聖
耀神武於支陵一陣宋詔班師
Ứng thí văn ư Thái Bình ngũ niên Lê gia xuất thánh
Diệu thần vũ ư Chi Lăng nhất trận Tống chiếu ban sư

Dịch nghĩa:

Ứng thi văn học năm Thái Bình thứ năm, nhà Lê sinh bậc thánh
Khoe tài võ nghệ ở Chi Lăng một trận, khiến vua Tống phải ban chiếu lui binh

CÂU ĐỐI Ở ĐẾN THỜ VUA LÊ ĐẠI HÀNH (941-1005)[sửa]

Lê Đại Hành tên thật là Lê Hoàn là vị vua đầu tiên nhà tiền lê, trị vì từ 980 đến 1005. Trong lịch sử Việt Nam, Lê Hoàn không chỉ là một vị hoàng đế có những đóng góp lớn trong chống giặc tống phương bắc. Dưới dây là đôi câu đối khắc trong đền thờ ông viết năm Tự Đức Giáp Tý do Thị giảng học sĩ Phượng Trì Vũ Phạm Khải đông dương bái thư:

命運一於天帝宋黃袍帝越龍袞
聲靈長此地皇丁上廟皇黎下祠
Mệnh vận nhất ư thiên, đế Tống Hoàng bào, đế Việt Long cổn
Thanh linh trường thử địa, hoàng Đinh thượng miếu, hoàng Lê hạ từ

Dịch nghĩa: Vận mệnh định nơi trời, vua Tống có hoàng bào vua Việt có long cổn Linh thiêng vang tiếng đất, miếu vua Đinh ở trên miếu vua Lê ở dưới

Phạm Cự Lượng (944 - 984)[sửa]

Phạm Cự Lượng, người ở Khúc Giang, Nam Sách. Ông theo giúp Đinh Bộ Lĩnh, sau khi dẹp xong 12 sứ quân được phong là Tâm phúc tướng quân, coi quân Thị vệ. Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi Thiên tử, phong ông là Thái uý Tham tán nhung vụ. Năm 983, ông vâng mệnh khơi sông mới từ Đồng Cổ đến Bà Hoà trên đắp thành đường lớn, dưới khơi thành sông lớn để lưu thông thuỷ bộ. Tại đây, ông bị bệnh sốt rét, ngày lại tiếp ngày không khỏi, đến năm sau thì mất ở nơi hành tại Đồng Cổ. Hiện nay đền thờ Phạm Cự Lượng nằm ngay gần Văn Miếu Hà Nội, trong đền còn lưu giữ được một đôi câu đối đã khái quát được sự nghiệp của ông:

Khuông Lê vĩ tích tồn sơn hải
Bình Tống anh thanh quán cổ kim

Dịch nghĩa:

Phò Lê công lớn còn mãi với sông núi
Dẹp Tống tiếng lừng vang khắp xưa nay

Nguyễn Bặc[sửa]

Quan hệ giữa Đinh Tiên Hoàng với “tứ trụ triều Đinh” gồm “Điền - Bặc – Cơ – Tú” (Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú) là sự gắn bó đẹp đẽ, bền chặt như kim cương, không gì phả vỡ nổi. Nguyễn Bặc là người làng Đại Hoàng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Điều này được khẳng định qua những câu đối ở “Khởi nguyên đường” dòng họ Nguyễn tại thôn Vĩnh Ninh làng Đại Hữu, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình, nơi phát tích của dòng họ Nguyễn Đại tông, gắn bó với Đinh Tiên Hoàng:

“Hoa Lư kết nghĩa anh hùng chúa
Đại Hữu ân khâm tướng quốc công”

Dịch nghĩa:

Với chúa anh hùng động Hoa Lư kết nghĩa
Đây bậc tướng quốc làng Đại Hữu ơn sâu

Hay:

“Cồ Việt thiên thai, chủ hữu anh hùng thần tráng liệt
Đại Hoàng địa tú, gia vi khởi tổ quốc nguyên huân”

Dịch nghĩa:

Cồ Việt trời mở ra: vua anh hùng, tôi tráng liệt
Đại Hoàng đất tốt: nhà là khởi tổ, nước là nguyên huân

Khi Nguyễn Bặc rời Hoa Lư vào Thanh Hóa chuẩn bị lực lượng chống Lê Hoàn, ông đã đưa vợ và hai con vào Gia Miêu để phòng sự bất trắc. Vậy Gia Miêu thành nơi bảo tồn dòng họ, là quê hương thứ hai sau Đại Hữu nên từ đường Nguyễn Đại tông ở Đại Hữu có câu đối:

“Duệ xuất Gia Miêu vương tích hiển
Khánh lưu Đại Hữu tướng môn quang

Dịch nghĩa:

Cửa tướng phúc dầy thôn Đại Hữu
Dòng vương nối ở đất Gia Miêu

Câu đối ở đình Ba Dân, huyện Thanh Trì viết về Nguyễn Bặc:

Chính thống phù Đinh khai đế Việt
Uy danh bình sứ lẫm Nam thiên

Dịch nghĩa:

Chính thống phù nhà Đinh mở ra Hoàng Đế Việt
Tiếng vang dẹp sứ quân còn lẫm liệt trời Nam

Sau khi những nhân vật kiệt xuất nhất của nhà Đinh như Đinh Tiên Hoàng, Đinh Liễn bị hại. Trước thế lực nắm quân quyền mạnh mẽ của quan Thập đạo, việc Dương Thị trao áo cho một người đã tư thông từ trước, trao áo, hy sinh chồng con để bản thân được tình mà vẫn giữ được cảnh sống phú quý kiêu sa. Trước tình cảnh ấy hỏi rằng những bậc quang minh chính đại, đầy lòng trung thành với dân với nước, có ân sâu nghĩa nặng với cha con vua Đinh từ trước như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp làm sao không chống lại Lê Hoàn. Việc đánh Lê Hoàn của các ông là việc dấy nghĩa cần thiết. Đôi câu đối ở đền thờ Ngoại giáp Đinh Điền bên tháp mộ Đinh Tư đồ thôn Yên Liêu Hạ, xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình đã thể hiện điều đó, tỏ rõ việc làm chính đáng của ông ở hoàn cảnh ấy:

“Đầu khởi tự đam thiền, nộ mục Lê đình trung quán nhật
Chinh Hoàn phi vị kỷ, thống tai Đinh xã tiết lăng sương”

Dịch nghĩa:

Cắt tóc há mê thiền, mắt giận Lê gia nhòa ánh nhật
Đánh Hoàn không phải vị kỷ, lòng đau Đinh nghiệp ngút trời sương

Nhiều đền đài miếu mạo ở Ninh Bình coi Đinh Điền, Nguyễn Bặc như một tấm gương trung liệt treo cao: “Trung quán nhật nguyệt” (Lòng trung xuyên suốt mặt trời). Như đôi câu đối ở thôn Khê Đầu Thượng, xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư:

Nhất phiến trung can huyện nhật nguyệt
Thiên thu chính khí tác sơn hà

Dịch nghĩa:

Một tám gan trung xuyên suốt vừng nhật nguyệt
Nghìn thu chính khí rung động non sông

Câu đối ở đình Ba Dân có ca ngợi Nguyễn Bặc là “ái quốc trung quân”. Hẳn Đinh Điền, người không thể tách khỏi Nguyễn Bặc cũng vậy. Tác giả đặt chữ “ái quốc” lên trên chữ “trung quân”:

“Duy nhất tâm ái quốc trung quân
Chính thống phù Đinh khai Đế Việt”

Dịch nghĩa:

Duy một lòng yêu nước trung vua
Chính thống phù nhà Đinh mở ra ngôi Hoàng Đế cho nước Việt
  • Một vế đối ở miếu Đông Thương xã Khánh An huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đã viết về Nguyễn Bặc:
“Lịch triều gia tặng huyến long chương” (Các triều đại gia tặng rực rỡ trên tờ sắc phong)
vế sau chưa tra cứu được:

Những câu đối về nguồn gốc của Lý Thái Tổ[sửa]

Lý Thái Tổ là vị Hoàng Đế sáng lập nhà Lý trong lịch sử Việt Nam. Lý Công Uẩn được sư Lý Khánh Văn ở chùa Dận (nay thuộc Đình Bảng) nhận làm con nuôi từ năm lên 3 tuổi. Sau đó, ông được gửi vào chùa Lục Tổ (tức chùa Tiêu) theo học Thiền sư Vạn Hạnh. Lý Công Uẩn thông minh, nhưng ít lo việc kinh sử mà chỉ thích làm những việc lớn. Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế năm 1009, đặt niên hiệu là Thuận Thiên (nghĩa là “theo ý trời”). Dưới đây là bộ sưu tập những câu đối liên quan trực tiếp đến thân thế của ông:

  • Câu đối khắc ở đình Miễu - Dương Lôi thờ mẹ vua Lý Thái Tổ:
徽首芳嫺仁和淨度福生木子 Huy thủ phương nhàn nhân hòa tịnh độ phúc sinh mộc tử
大德坤元才韜出種徜世禾刀 Đại đức khôn nguyên tài thao xuất chúng thảng thế hòa đao
  • Câu đối ghi trong sách sử làng Dương Lôi:
李核出五蘝肇嗣和刀天應瑞 Lý hạch xuất ngũ liêm, triệu tự hòa đao thiên ứng thụy (Hạt lê nở ra 5 bông là tự nhà Lê ứng điềm trời từ trước)
蓮花開八葉結成木子地鐘靈 Liên hoa khai bát diệp, kết thành mộc tử địa chung linh (hoa sen nở 8 cánh kết thành hạt mận (chữ Mộc trên chữ Tử là chữ Lý, tức nhà Lý) đất đúc dấu thiêng, câu này ý rằng nhà Lý truyền được 8 đời vua)
  • Làng Dương Lôi hiện còn rất nhiều di tích quý giá: Đình Sấm, chùa Cha Lư, chùa Càn Nguyên, đền thờ Lý Thánh Mẫu…Đình Sấm ngày nay còn bảo lưu được nhiều câu đối cổ, trong đó có câu:
"Thập bát tử thành mạc trạng Bắc Giang công đức thủy
Nhất Dương Lôi động tự thành Nam quốc đế vương cơ"

Nghĩa là:

"Mười tám hạt (nhà Lý) thành khó lột tả được bát (tám) nước công đức
Một tiếng sấm động (chỉ Dương Lôi) xuất hiện cơ nghiệp đế vương"
  • Đình thôn Thái Đường ở xã Mai Lâm ngày nay vẫn còn bảo lưu được đôi câu đối cổ:
"Mạch tụ quân vương truyền thắng địa (Đất có mạch tụ sinh ra vua)
Tích lưu Lý mẫu quán danh phương" (Mẹ vua Lý quê tại làng này)
Khi Lý Thái Tổ dựng nhà Thái Đường ở quê mẹ, ngài cũng đặt tên mới cho xã này là Hoa Lâm vào năm 1010 và lập Ly cung ngự uyển ngay tại đó. Nhà vua còn tuyển chọn trai tráng giỏi trồng hoa về Hoa Lâm gọi là "viên đinh". Tương truyền, viên đinh và người phục dịch Ly cung đều phải sống tại nơi mà ngày nay mang tên thôn Lê Xá. Xã Mai Lâm (Hoa Lâm) có 4 thôn: Thái Đường có nhà thờ mẹ vua; Du Lâm là nơi vua về nghỉ ngơi du ngoạn; Đông Trù (bếp ngự) là nơi nấu cỗ cúng; thôn Lộc Hà là nơi phát lộc sau khi cúng.
  • Chùa Lục Tổ tọa lạc trên núi Tiêu, thuộc xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đây là nơi đã khai sinh ra triều đại nhà Lý, bởi Lý Công Uẩn được nuôi dưỡng và hun đúc tài năng tại đây, nhờ trí tuệ và tâm huyết của Thiền sư Vạn Hạnh. Trên cột nhà bia còn lưu câu đối chữ Hán: :"Lý gia linh tích tồn bi kỷ (Dấu thiêng nhà Lý còn bia tạc)
Tiêu lĩnh danh kha đắc sử truyền" (Danh thắng non tiên có sử truyền)
  • Câu đối tại hai nhà thờ của dòng họ Nguyễn Đình và Nguyễn Thìn ở xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận sự liên hệ giữa họ Nguyễn ở đây với tổ tiên xa xưa là họ Lý (nhà Trần thay nhà Lý đã bắt tất cả những ai họ Lý phải đổi sang họ Nguyễn)

1 - Câu đối hoành phi tại nhà thờ Nguyễn Thìn:

出 蕉 山 廷 榜 前 池 消 舊 水

派 延 河 銅 鋪 昔 樹 發 今 花

“Xuất Tiêu Sơn Đình Bảng tiền trì tiêu cựu thủy
Phái Diên Hà Đồng Phô tích thụ phát kim hoa

Tạm dịch là:

Xuất phát từ Đình Bảng Tiêu Sơn, ao trước tiêu hết nước cũ
Chia phái vào Đồng Phô Diên Hà, cây xưa nở hoa mới.

2 - Câu đối ở nhà thờ Nguyễn Đình:

歷 世 王 公 功 在 前 朝 名 在 史

累 朝 花 袞 傳 於 後 裔 蔭 於 民

“Lịch thế vương công, công tại tiền triều danh tại sử
Lũy triều hoa cổn truyền ư hậu huệ, ấm ư dân.”

Tạm dịch:

Vương công nhiều đời, công lao ở triều trước, tên ghi trong sử sách
Vẻ vang mấy thuở truyền cho hậu duệ, dân được hưởng phúc ấm

入 文 相 出 為 武 將

生 帝 臣 化 作 福 神

“Nhập văn tướng xuất vi võ tướng
Sinh đế thần, hóa tác phúc thần.”

Tạm dịch:

Khi vào là tướng văn khi ra là tướng võ
Khi còn sống là vua, khi hóa là phúc thần.

騰 國 山 河 留 姓 字

累 朝 袍 笏 國 恩 長

“Đằng quốc sơn hà lưu tính tự
Lũy triều bào hốt quốc ân trường.”

Tạm dịch:

Đất nước, núi sông ghi tên họ
Nhiều đời áo bào hốt ngọc, ơn nước trường tồn.

奕 葉 箕 裘 家 眷 在

故 家 鐘 鼎 等 春 秋

“Dịch diệp cơ cầu gia quyến tại
Cố gia chung đỉnh đẳng xuân thu.”

Tạm dịch:

Truyền đời con cháu nối nghiệp gia quyến vẫn còn
Gia tộc xưa đã một thời vương quyền bá nghiệp lừng lẫy

配 上 等 神 千 古 石 碑 留 姓 字

贊 中 興 業 億 年 香 火 樹 風 聲

“Phối thượng đẳng thần thiên cổ thạch bi lưu tính tự
Tán trung hưng nghiệp ức niên hương hỏa thụ phong thanh.”

Tạm dịch là:

Phối thờ cùng Thượng đẳng thần, nghìn năm bia đá còn lưu tên họ
Giúp sự nghiệp Trung hưng, vạn năm hương hỏa còn tạo nên phong phú.

Đào Cam Mộc[sửa]

Đào Cam Mộc (942 - 1015) sinh ở làng Lang Thôn, xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. Ông là người có công trong việc tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua, là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng triều Lý. Ông cũng là người có những đóng góp cho cuộc dời đô lịch sử từ Hoa Lư ra Thăng Long, ông đã được Lý Thái Tổ phong tước là Nghĩa tín hầu, sau này thăng đến chức Thái sư và gả công chúa đầu là An Quốc cho ông. Ông được Lý Công Uẩn tặng đôi câu đối để ghi nhận công lao của ông - một người họ Đào - giúp vua, giúp nước:

"Lý triều định đô vương tứ phúc
Đào trạng văn quan Quốc ân thân
Cùng với đền thờ tại tư dinh trên đất Cổ Loa, Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc cũng được lập đền thờ tại nhiều nơi. Ông là một trong 3 vị võ quan (Đào Cam Mộc, Lý Thường Kiệt, Lê Phụng Hiểu) được thờ ở Võ chỉ thuộc đền thờ Lý Bát Đế (Đền Đô, thuộc xã Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh). Tại quê hương, huyện Yên Định (Thanh Hóa), ông được dân thờ ở 3 nơi là chùa Hưng Phúc (xã Đinh Tiến, quê nội), nghè làng Nam Thạch (xã Yên Trung, nơi có đền thờ chính) và nghè làng Bùi Hạ (xã Yên Phú).

Thiền sư Dương Không Lộ (1016 - 1094)[sửa]

Không Lộ họ Dương người Hải Thanh, húy là Nghiêm Minh, quê ở làng Giao Thủy. Nhà mấy đời đánh cá, sau bỏ nghề theo tu hành đạo Phật tại chùa Nghiêm Quang sau đổi tên là Thần Quang Tự. Ông kết bạn với Từ Đạo Hạnh và Giác Hải, ba người cùng sang Tây Thiên học đạo được Phật truyền tâm ấn cho ngài lục trí thần thông. Khi vua Lý Nhân tông bị bệnh, ông đã cùng Giác Hải vào kinh chữa bệnh cho vua. Khỏi bệnh, nhà vua phong cho ông là Lý triều quốc sư. Đền Lộng Khê nơi thờ ông nằm ở phía Nam làng, nhìn về hướng Tây - Tây Bắc; phía Bắc giáp huyện Ninh Giang của tỉnh Hải Dương, phía Tây giáp thôn An Quí, phía Đông giáp thôn Hiệp Lực cùng xã. Hiện tại đền còn có đôi câu đối trên ghi rõ:

Thánh tích ức niên tiền tâm sự phòng truyền Nam sử lục
Thần công thiên tải hạ ân điền trường tí Lộng Khê xuyên

Dịch nghĩa:

Sự tích đức thánh hàng nghìn năm còn truyền trong sử nước Nam
Công lao của ngài mở ruộng ở Lộng Khê dân ơn trải nghìn năm

Những câu đối khắc trong đền thờ Thái Sư Lý Đạo Thành[sửa]

Lý Đạo Thành người làng Cổ Pháp, thời Thánh Tông được vua yêu mến, trải thăng đến chức Thái sư. Khi Nhân Tông lên ngôi, ông bị truất xuống Tả Gián nghị đại phu, ra coi châu Nghệ An. Năm 1074, lại được triệu về làm Thái phó, Bình chương Quân quốc Trọng sự. Khi nghe tin ông mất, nhà vua sai sứ giả đến tế lễ gia phong phúc thần, sắc phong là “Đạo Thành Đại vương Thượng đẳng thần”. Dưới đây là những câu đối khắc ở đền thờ ông, tọa lạc tại thôn Đông, làng Hoàng Mai, huyện Thanh Trì, nay thuộc tổ 28 cụm 4, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai - Hà Nội:

“Thần chi đức kỳ thịnh
Dân hàm hoài dĩ trung”

nghĩa là:

“Đức của thần rất thịnh
Dân nhớ mãi lòng trung của thần”.

Đôi câu đối trong hậu cung:

“Đông Lai tử khí thần từ cổ
Trung đối huyền khung đế mệnh tân”

nghĩa là:

“Phương đông khí tía tỏa lan, ngôi đền càng thêm cổ kính
Lòng trung nêu cao giữa trời xanh, mệnh vua mới phong tặng”
Câu đối này, lạc khoản cho biết là của người cháu, làm Thừa phái cửu phẩm bá hộ, lý trưởng tên là Hữu Tường cung tiến năm Nhâm Thân 1932

Đôi câu đối đắp vữa trên tường là:

“Thịnh trung nhị giáp đồng tôn tự
Bảo Đại tam niên lạc khánh thành”
Câu đối này cho biết ngôi đền này là ngôi đền chung của hai giáp Đông Thịnh, Thịnh Trung, do hai giáp trên cùng thờ cúng và được khánh thành vào năm Mậu Thìn, niên hiệu Bảo Đại thứ 3 (1928)

Đôi câu đối đắp vữa trên tường cũng rất hay:

“Bất tri chung dục hà triều đại
Do ký anh linh tự tích kim”

nghĩa là:

Không biết ngôi đền này được xây dựng từ thời nào
Nhưng từ trước tới nay vẫn còn linh ứng

hoặc câu:

“Điển trật tinh bao khâm đế mệnh
Xuân thu hưởng tự nhạ thần hưu”

nghĩa là:

Vâng mệnh nhà vua, thần đã được tặng phong phẩm trật trong tự điển
xuân thu được dân thờ cúng là nhờ phúc của thần mang lại

Câu đối liên quan đến Trạng Nguyên Phạm Công Bình[sửa]

Phạm Công Bình là người xã An Lạc huyện An Lạc, Phủ Tam Đái, Sơn Tây nay là thôn An Lạc xã Đồng Văn. Thôn An Lạc có đền thờ Phạm Công Bình, có câu đối:

Sơn tỉnh Vĩnh Tường An Lạc địa
Lí triều Trinh Khánh Trạng nguyên từ

Trong đền có bức tượng Phạm Công Bình, có đôi câu đối:

Lôi thanh hướng trận khôi tam giáp
Vũ hoá ân chiêm trạch tứ dân

Nghĩa:

Sấm vang vào trận, công đầu (ông đứng đầu) ba giáp
Mưa nhuần, mang ơn cho 4 dân (sĩ, nông, công, thương)

Ông còn được thờ ở xã Phù Tải huyện Vĩnh Lại Trấn Hải Dương, với duệ hiệu: Lí triều T.N Phạm Quốc Công Đại Vương. Phạm Công Bình là một văn quan, ở vào bậc đại thần của Triều Lí Thần Tông, công lao phù tá đứng vào hàng Tam công của triều Lí, chức danh rất trọng

Những câu đối liên quan đến Thái Sư Lê Văn Thịnh (1050 - 1096)[sửa]

Trạng Nguyên Lê Văn Thịnh sinh ở Bảo Tháp khu, Đông Cứu trang, Gia Định huyện, Thuận Thành phủ, nay là thôn Bảo Tháp, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1075 (Ất Mão), vua Lý Nhân Tông tổ chức kỳ thi Minh Kinh Bác Học và Nho học Tam trường. Lê Văn Thịnh đã đỗ đầu, cũng là vị khai khoa của đất trời Nam khi ông tròn hai mươi năm tuổi. Công lao này còn được lưu giữ bằng đôi câu đối viết về ông tại đền thờ Lê Văn Thịnh:

Bắc Triều Phục Sứ Vô Song Sĩ
Nam Quốc Khai Khoa Đệ Nhất Nhân

Sau khi đại bại trong trận Như Nguyệt năm 1077, nhà Tống lui quân lên phía bắc chiếm châu Quảng Uyên (thuộc hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn ngày nay). Ở cương vị Thị Lang Bộ binh, năm 1084, Lê Văn Thịnh đã đến trại Vĩnh Bình đấu tranh kiên quyết với sứ giả nhà Tống về cương giới, đòi được phần đất đã bị chiếm gồm 6 huyện, 3 động. Lòng tham không bao giờ hết, người Tống vẫn tiếc hậm, tiếc hụi nên sau đó có thơ rằng: "Nhân tham Giao Chỉ tượng/ Khướt thất Quảng Nguyên kim" nghĩa là: Vì tham voi Giao Chỉ/ Bỏ mất vàng Quảng Nguyên. Với chiến công này, vua phong cho ông chức Thái sư trong triều. Đôi câu đối khác khắc ở đền thờ ông:

Lương triều Lưỡng sứ
Khai quốc trạng nguyên

Câu đối khắc tại đền thờ Thái Úy Tô Hiến Thành và Miếu Ụ[sửa]

Tô Hiến Thành người làng Hạ Mỗ, huyện Ô Diên (thôn Hạ Mỗ, xã Hồng Thái, huyện Đan Phượng, Hà Tây cũ) làm quan tới chức Thái úy đời vua Lý Anh Tông. Để trị thủy, Tô Hiến Thành đem quân bản bộ và huy động dân chúng đắp đê biển Ngải Am. Tương truyền, đê đắp đến lần thứ ba vẫn bị thủy quái tàn phá. Tô Hiến Thành thân hành tới miếu thờ Thiên Quan ở thông Thượng thành tâm cầu xin thần linh trợ giúp. Đêm đó trong chiêm bao ông thấy một vị thiên thần mặc áo giáp trụ hiện lên báo rằng: "5 ngày nữa ngươi hãy huy động mọi người đắp đê, ta sẽ trợ giúp việc diệt tà, trừ quái". Tối ngày Thiên quan đã hẹn, hàng vạn người tề tựu, phương tiện sẵn sàng chờ lệnh khởi công với đèn đuốc sáng ngời. Trời đang tối đen bỗng mây mù tan ra, hàng nghìn vì tinh tú lấp lánh. Mọi người vui mừng khôn xiết bởi tin có thần linh phù trợ nên làm việc không biết mệt mỏi. Chỉ sau một đêm con đê kè bằng đá sừng sững dài chục dặm đã hoàn thành, đó là con đê Ngải Am. Ngày nay ở xóm Lẻ cạnh làng Hạ Mỗ vẫn còn dòng họ Tô và hậu duệ họ Tô vẫn thừa nhận Tô Hiến Thành là tổ tiên của dòng họ, không biết tự bao giờ cổng vào xóm Lẻ hãy còn đôi câu đối cổ:

Thiên tải do truyền Tô tướng hạng
Nhất điều biệt chiếm Nhuệ Giang biên

Tạm dịch:

Nghìn năm còn truyền xóm nhỏ của Tô Hiến Thành
Một dải đất riêng bên dòng Nhuệ Giang
  • Đến thời nhà Mạc, đê Ngải Am bị vỡ, Quế Quận công huy động binh lính, nhân dân và thuyền bè trong các trang ấp gia cố, tu bổ một đoạn đê dài 482 trượng (gần 2000 m). Quế quận công còn cho sửa chữa điếm canh thành miếu Ụ. Đến nay tòa miếu cổ còn bảo lưu được câu đối:
Lê Vĩnh Thịnh thất tải ký trú thạch đê
Nguyễn Bảo Đại tam niên trùng tu miếu vũ

Dịch nôm là:

Triều Lê niên hiệu Vĩnh Thịnh miếu dựa trên đê đá
Triều Nguyễn thời vua Bảo Đại năm thứ ba miếu thần được trùng tu sửa chữa

Câu đối liên quan đến Đại Vương Đế Sư Đỗ Kính Tu[sửa]

Đỗ Kính Tu người thôn Hậu Ái (Di Ái) ông sinh và mất năm nào còn chưa rõ. Theo Từ Liêm khoa mục chí, ông được phong chức Phụ Quốc Kiểm hiệu thái uý, tước Đại Vương Đế Sư và sau khi Tô Hiến Thành mất, ông làm phụ chính của ba triều vua: Lý Cao Tông, Lý Anh Tông, Lý Huệ Tông. Vì thương dân trong vùng bị lụt lội, ông cho đào con kênh Hương Khê để thoát lũ (từ cánh đồng thôn Hậu ái) qua địa phận các thôn Kim Hoàng, An Trai, Thị Cấm đến cửa chùa Linh ứng rồi đổ vào dòng sông Nhuệ. Vì vậy ông bị bọn gian thần sàm tấu có ý đồ thoán nghịch, đã đào ngòi để luyện tập thuỷ quân. Ông phẫn uất nên tự vẫn, nỗi oan của ông sau này được giải tỏ, triều đình phong ông làm Phúc thần đựợc thờ làm thành hoàng ở thôn Hậu Ái. Nguyễn Bá Đôn (cũng người thôn Hậu ái) đỗ tiến sĩ khoa Tân Hợi ( 1851) đã làm đôi câu đối thờ ông ở đình làng như sau:

“Thánh địa đốc sinh hiền văn võ tài du vi quốc bảo
Đăng sơn nan vãn nhật anh hùng phá giang lưu”

Tức là:

Nơi thánh địa ắt sinh ra người hiền, mưu tài văn võ là của quí cho đất nước
Trèo lên núi cũng không kéo được mệnh trời buổi chiều trở lại người anh hùng chỉ còn biết tâm sự với dòng sông