Câu đối về cuộc khởi nghĩa Lý Bí và nhà nước Vạn Xuân

Bộ sưu tập danh ngôn mở Wikiquote

Những câu đối và sự tích dân gian liên quan đến Nam Việt Đế Lý Bí (503 - 548)[sửa]

Lý Bí người Thái Bình phủ Long Hưng (thuộc địa phận Thái Bình ngày nay). Năm 542, Lý Bí dựng cờ khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa lan rộng nhanh chóng và chỉ trong vòng 3 tháng đã giành được thắng lợi, Thứ sử Tiêu Tư phải chạy chốn về nước. Đầu năm 544, Lý Bí tự xưng Hoàng đế. Nhà nước Vạn Xuân tồn tại 5 năm (544 – 548) cho đến khi Lý Nam Đế qua đời. Trong những năm tháng này, vị vua họ Lý đã liên tục củng cố, xây dựng và phòng tuyến Chu Diên, Tô Lịch, Gia Ninh và nhiều lần trực tiếp cầm quân chặn đánh quân thù. Năm 548, Lý Nam Đế bị bệnh nặng, trao quyền cho Triệu Quang Phục rồi mất.

Các cụ già thường kể rất nhiều câu chuyện về thành cổ, vì sao lại có lễ rước tượng… vào những ngày hội làng. Minh chứng cho câu chuyện còn lưu truyền trong tiềm thức dân gian là câu đối chữ Hán còn lưu lại tại đình Vạn Xuân:

“Nam Đế Lý triều quốc hiệu Vạn Xuân, diên đình lưu tích thánh
Ô Diên cảnh thắng đô thành nhất thế, quán tự hiển thần linh”

tạm dịch nghĩa:

Triều Lý Nam Đế, tên nước là Vạn Xuân, ngôi đình lớn ghi lại tích của đức thánh
Thắng cảnh đất Ô Diên một thời là Kinh đô, tất cả sự thờ tự rạng rỡ về sự linh thiêng của Thần linh

Hay đôi câu đối tại chùa Hải Giác:

“Giáo liệt tam tông Hồng Lạc tảo khai kim thế giới
Cảnh tiên thập vịnh Ô Diên biệt chiếm ngọc càn khôn”

tạm dịch nghĩa:

Ba giáo phái cùng truyền đạo lý, con cháu Lạc Hồng sớm mở hoàn cầu quý như vàng bạc
Mười bài thơ ca ngợi cảnh về trước, kinh thành Ô Diên giữ riêng trời đất đẹp tựa ngọc ngà)...

Câu đối ở đình Giang, thuộc xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, nơi thờ Lý Bí:

Nam diện ung dung, thác thủy tương truyền Lâm Ấp địa
Giang đình nghiễm nhã, cận quang trường chúc Vạn Xuân thiên.

Dịch:

Phương Nam ung dung, khởi đầu truyền đó đất Lâm Ấp
Đình Giang nghiêm nhã, rực sáng mãi còn trời Vạn Xuân.
Đình Giang được xây dựng bởi một quan lớn triều Nguyễn, người làng này. Đình xây kiểu cung đình, do thợ ở Huế về dựng. Câu đối trên như vậy làm khoảng vào thời nhà Nguyễn. Chỗ “lạ” của câu đối này là ở vế đầu. Lý Bí, còn gọi là Lý Nam Đế. Nói Lý Nam Đế “phương Nam ung dung” thì dễ hiểu, nhưng “thác thủy tương truyền Lâm Ấp địa” thì không biết phải giải thích thế nào. Làm sao mà Lý Nam Đế lại khởi lập đất Lâm Ấp được?

Đôi câu đối ghi lại được từ Quán Giang:

洪惟南越肇基貉雄吳蜀以前赫濯殾靈天德紀元初一綂

歷考帝王世祀丁趙陳黎而後焜煌彞典萬春建國閌千秋

Hồng duy Nam Việt triệu cơ, Lạc Hùng Ngô Thục dĩ tiền, hách trạc tuấn linh, Thiên Đức kỷ nguyên sơ nhất thống
Lịch khảo đế vương thế tự, Đinh Triệu Trần Lê nhi hậu, hỗn hoàng di điển, Vạn Xuân kiến quốc kháng thiên thu.

Dịch câu đối:

Rộng suy Nam Việt mở nền, Lạc Hùng Ngô Thục thủa đầu, loáng bóng trúc thần, Thiên Đức kỷ nguyên ban sơ thống nhất.
Xét lịch Đế Vương thứ tự, Đinh Triệu Trần Lê sau đó, chói vàng sách miếu, Vạn Xuân dựng nước sừng sững ngàn thu.
Câu đối này có những thông tin thật khó hiểu: "Vế đối đầu nói tới “Nam Việt” mở nền móng nhưng cùng với Lạc Hùng lại còn kể cả Ngô Thục. Ngô, Thục nào của nước Nam Việt đây? Vế thứ hai sau khi đã tra cứu “lịch đế vương thế tự” một cách đầy đủ, thay vì kể “Triệu, Đinh, Lý, Trần” như trong Bình Ngô đại cáo, thì ở đây lại nêu một trật tự khác: “Đinh, Triệu, Trần, Lê”. Nhà Đinh nào trước nhà Triệu đây? Cuối cùng, Lý Nam Đế theo câu đối này là triều đại mà trước đó (“dĩ tiền”) là Ngô Thục, còn sau đó (“nhi hậu”) là Đinh Triệu. Theo kiến thức lịch sử thông thường Lý Nam Đế chống giặc Lương vào thế kỷ thứ 6 thì không thể nào sắp xếp cho ổn thỏa thứ tự trong câu đối trên.

Để hiểu câu đối này cần đọc từng chữ, từ đầu: “Hồng duy”, dễ bị hiểu là “riêng xét”. Nhưng so vào câu đối, vì đối lại với chữ “lịch khảo” ở vế dưới nên chữ “duy” ở đây phải là động từ, trong từ “tư duy”, chứ không phải là “duy nhất”. “Hồng duy” nghĩa là phải tư duy cho rộng. Một câu mở đầu rất hay. Muốn hiểu lịch sử các đế vương Nam Việt xưa trước hết phải biết nghĩ cho rộng, cho sâu. “Sơ nhất thống”, có người đọc thành “thống nhất sơ sơ”, thật buồn cười. Nghĩa ở đây phải là kỷ nguyên Thiên Đức của Lý Nam Đế đã thống nhất đất nước Nam Việt thủa sơ khai ban đầu. Vì là thời quốc sơ, thông tin chưa thực rõ ràng nên những triều đại này mới “hóa thần hóa thánh” (“tuấn linh”). Cụm từ “sơ nhất thống” cho thấy rõ khởi nghĩa của Lý Bôn đã diễn ra vào thời điểm rất sớm và đã lập được kỳ tích, thống nhất được giang sơn. Với cách “hồng duy” nghĩ rộng như vậy thì có thể lý giải được câu đối trên: "Nhà Thục thời lập quốc của Nam Việt là Thục An Dương Vương. Điều này còn ghi trong chính sử phần “ngoại kỷ” = quốc sơ. Nhà Ngô: Ca dao Việt có câu: "Vua Ngô ba sáu tấn vàng, Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì". Thiên Nam ngữ lục, khi nói về âm mưu của Triệu Đà: "Bắc Nam hai nước thư giao. Sức nào chống Thục, sức nào chống Ngô." Khi Triệu Đà còn chưa tiếp vị của Nhâm Hiêu thì rõ ràng “Ngô” ở đây là nhà Tần, “Thục” là Âu Lạc của An Dương Vương. Như vậy nghĩa của vế đầu câu đối đã sáng tỏ: thời mở nước của Nam Việt trước kia từ Lạc Hùng tới Tần Thục, tiếp là kỷ nguyên Thiên Đức đã thống nhất quốc sơ. Với sử quan "hồng duy" rộng lớn, tác giả câu đối ở đây đã coi nhà Tần cũng là một triều đại lập quốc của người Việt. Nhà Đinh: trước nhà Triệu thì chỉ có thể là Trưng Vương, chứ không phải Đinh Bộ Lĩnh. Hoàng Đinh là tên nước của Hai Bà Trưng. Xác định như vậy thì nhà Triệu ở đây có thể là của Triệu Đà hoặc của Triệu Quang Phục.

Thông tin của vế đối thứ hai rõ ràng hơn, có thể “khảo cứu lịch các triều đại” và vẫn còn được chép trong sử sách. Chữ “hồng duy” vẫn còn. Lời nhắc nhở của người xưa, muốn biết sử cũ không thể hạn chế tư duy, tầm nhìn của mình. Mở mắt mới thấy sử Việt bao la. Cái ước muốn đất nước “vạn xuân” của Lý Bôn – Lưu Bang có được vững vàng hay không cũng từ nhận thức “hồng duy” này. Theo “Ngọc Phả đình Tử các” thì Lý Nam Đế đã hạ chỉ nguyên văn như sau: Gai Tứ kim ngân tài bạch câu… Kim vi vọng cung ngự sở. Hậu vi hương hỏa ức niên”. Thang mộ ấp: Theo nghĩa gốc là đất của nhà vua ban cho chu hầu để có chi phí “trai giới” khi về chầu. Ở đây,”thang mộc” được dùng có nghĩa là đất gốc của triều đình. Thân tích miễu hai thôn (xã Xuân Hòa huyện Vũ Thư) cũng cho biết; trang An để nơi có tư dinh phủ đệ của Lý Nam Đế cũng được ban là đất “thang môc”. Ngược lại không quen công tích của ông, những nơi Lý Nam Đế đặt đại bản doanh đề được dân lập đền thờ ông làm thần hoàng.

Tại ngôi đền ở Phương Tảo xã Xuân Hòa huyện Vũ Thư) vẫn còn lưu lại đôi câu đối:

Viên bang nhất thống sơn hà, càn khôn tịnh đại
Thanh miếu Vạn Xuân hương hỏa, đường bệ tôn nghiêm

Dịch nghĩa:

Nước Nam thống nhất non sông việc lớn ngang trời đất
Chốn miếu đền muôn đời hương lửa ngày càng đường bệ oai nghiêm

Đền Mục ở quê hương của Lý Nam Đế được dựng trên một quả đồi cao ráo, xung quanh trồng cây xanh tỏa bóng mát, trong đó có bài vị trang trọng ghi tên người được thờ là vua Lý Nam Đế: “Lý Nam Đế Cử Long Hưng đại vương Lý Bí”. Người xưa có câu đối ca ngợi cảnh đẹp của di tích như sau:

Tiền nhân bái tiểu lộ nhân hành
Tả long hữu hổ gối sơn hội thủy

Dịch nghĩa:

Trước cửa đền có đường nhỏ người đi
Bên phải có rồng, bên trái có hổ, trên có núi dưới có nước

Câu đối ở đình Đông Xuyên (Yên Phong – Bắc Ninh) thờ Thánh Tam Giang[sửa]

Hiện nay dọc sông Cầu có tới hơn 300 nơi thờ anh em Trương Hống, Trương Hát. Mỗi nơi một tích, mỗi nơi một chuyện, nhưng đều tương tự nhau. Theo thần tích làng Vân Mẫu (Quế Võ – Bắc Ninh) vào thời Tiền Lý Nam Đế trong làng có bà Phùng Từ Nhan, một đêm nằm chiêm bao thấy Thần long quấn mình trên sông Lục Đầu. Sau đó bà mang thai, sinh hạ 5 người con. Bốn con trai tên là Hống, Hát, Lẫy, Lừng và một con gái là Đạm Nương.

Khi Triệu Quang Phục khởi nghĩa ở đầm Dạ Trạch thì cả nhà họ Trương cùng dấy binh theo về… Triệu Quang Phục phong Trương Hống làm thượng tướng quân, Trương Hát làm phó tướng quân, Lã tiên sinh làm quân sư, Trương Lừng, Trương Lẫy làm tỳ tướng, Đạm Nương làm hậu binh lương. Dẹp xong giặc rồi, Triệu Việt Vương kéo quân về Long Biên sang sửa đô thành, phong thực ấp cho hai anh em họ Trương ở Kinh Bắc, Trương Hống ở làng Tiên Tảo, huyện Kim Anh, Trương Hát ở làng Tam Lư, huyện Đông Ngàn là nơi dấy binh cũ. Tượng bốn vị Hống, Hát, Lẫy, Lừng ở Vân Mẫu. Trương Hống Trương Hát được gọi là đức thánh Tam Giang. Hiện nay ở ngôi đền thờ có 2 câu đối nội dung như sau:

Lưỡng mệnh khước Lý trưng, trung Triệu thanh phong phân đức thủy
Nhất thi tiêu Tống phạm, phù Lê hồng liệt đối hòa sơn

Dịch:

Một bài thơ phù Lê, tan Tống núi non nêu khí tiết
Hai anh em trung Triệu, chối Lý nước sông tỏa danh thơm

Câu đối khắc ở Miếu Chàng xã Đông Dương huyện Đông Hưng[sửa]

Ở trang Bài Cát, có người là Lê Ngọ cùng 4 con trai cũng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Lý Bí, sau khi khởi nghĩa thắng lợi Lê Ngọ được phong làm Đô Thiên tướng quân Lê Điện là Tả tướng quân, Lê Á là hữu tướng quân, Mậu Hoàn được giao là thống lĩnh Thủy đạo, Vương Vị làm hậu đốc vận chuyện quân lương. Cả 5 cha con được lệnh về củng cố khu vực Cửu Đồn và tổ chức đẩy lùi các cuộc xâm lược trở lại của quân nhà Lương. Tuy vật, trước sự đàn áp dữ dội của kẻ thù, cả 5 cha con đều đã hy sinh ngay tại chiến trường. khí phác “Tận trung, báo quốc”, đó được thể hiện phần nào qua câu đối còn lưu ở miếu Chàng – nơi thờ cả 5 vị làm thần hoàng (Từ lâu: Hai làng Chương Đài “làng Chàng”, Phương Cúc “làng Cúp” của xã Đông Dương huyện Đông Hưng đền thờ 5 cha con tương quân Lê Ngọ làm thần hoàng)

Cửu ấp, Cửu đồn phá Lương tặc
Tử Nam, tứ tướng Lý thần tôn.

Dịch nghĩa:

Chín ấp là chín đồn đánh phá giặc Lương.
Bốn con trai là bốn tướng đều cùng phò vua Lý

Câu đối ở cổng làng Liên Mạc[sửa]

Ở xã Liên Mạc, một xã ven sông Hồng, có làng Đại Cát (xưa là làng Kẻ), vốn là nơi trong lịch sử ghi “thế kỷ VI, Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử đã lấy nơi đây làm ranh giới chia nước « Vạn Xuân”. Cổng làng này có câu đối viết rằng:

Thanh danh văn vật sở đô, Lý Triệu giang sơn những cựu giới

Thổ địa nhân dân như lạc, Á Âu vận hội xưởng tân quy

Nếu giải nghĩa, thấy trong câu đối có điều kiện lịch sử, lại có cả cuộc sống hiện tại, thật là hay, mà cũng giới thiệu được quê mình.

Những câu đối khắc tại đền Đức Thánh Cả[sửa]

Đền Đức Thánh Cả toạ lạc trên đất thôn Hữu Vĩnh (xã Hồng Quang, huyện Ứng Hoà, Hà Nội), còn gọi là đền Thiên Vựng. Đền ngự bên tả ngạn sông Đáy, tựa lưng vào dãy núi Hàm Long trùng điệp. Du khách trẩy hội chùa Hương trên đường 21B, đoạn từ Thanh Bồ về bến Đục Khê, đến xã Hồng Quang, theo biển chỉ dẫn trên trục đường qua cánh đồng trải rộng, đi khoảng 15 phút đường sông từ Đình Xuân sẽ cập bến Đền Đức Thánh Cả. Đền thờ thần là vị tướng "Nhất phẩm đại vương" triều Lý Nam Đế. Thần thuộc dòng dõi Kinh Dương Vương, con cháu vua Hùng. Sinh thời, Thần là một vị tướng phò Lý Bôn dẹp giặc Lương xâm lược. Thần vốn là người có tài thao lược thuỷ quân, được Lý Bôn phong làm "Tổng thống quân vụ thuỷ đạo thượng tướng quân". Ngài cùng với Đại tướng Phạm Tu thống lĩnh quân sĩ, phía Bắc dẹp tướng giặc Tiêu Tư nhà Lương, phía Nam dẹp giặc Chăm-pa xâm lược. Diệt xong giặc, đất nước thanh bình, ngày 6 tháng 12, Ngài đi xe mây về cửa sông Hát thuộc trang Hữu Vĩnh, hào quan sáng rực một vùng. Ngài hoá tại nơi đây - nơi thân mẫu đã sinh ra Ngài. Hiển thánh, Ngài được Lý Nam Đế phong sắc "Nam Thiên linh ứng tối linh thượng đẳng tôn Thần". Trong đền còn có câu đối của các quan đại thần. Câu đối của nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Thượng Hiền tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, viết:

Long điển phấn sùng từ ngũ thái loan chương tiên quyết hạ
Long tung truyền cổ sử thiên niên vân giá hải thiên quy.

Dịch nghĩa:

Điển hưng đền thịnh năm sắc phượng bay cửa tiên mở
Dấu binh truyền sử cũ ngàn năm xe mây trời biển vẫn về.

Câu đối của Thượng thư Bùi Bằng Đoàn, viết:

Quốc Hữu Vĩnh từ chiêm đế đức
Dân Hoài An trạch ngưỡng hoàng ân

Dịch nghĩa:

Nước có đền Hữu Vĩnh ngôi đế đức
Dân Hoài An ngưỡng ơn đức Hoàng đế"

Đặc biệt, cổng chính của đền là một kiến trúc hình khối cân xứng với những đường nét đắp vẽ phù điêu rất đẹp. Phía trên cổng đắp nổi bốn chữ: "Lâm hạ hữu hách" (nơi nổi tiếng hiển hách). Hai cột trụ có câu đối:

Tứ thiên dư niên vu từ Hồng Lạc thánh thần tú thuỷ kỳ sơn tiêu thắng tích.
Bách niên vạn thế chi hạ long tiên dân tộc phổ phông can vũ tối linh sàng.

Dịch nghĩa:

Hơn bốn ngàn năm nơi đây có thánh thần Hồng Lạc, non nước ngoài thắng tích.
Mãi mãi về sau dân tộc rồng tiên đội ơn mưa móc của thần thiêng".

Câu đối khắc tại Đền thờ Triệu Việt Vương[sửa]

Triệu Quang Phục là con trai của quan Thái thú Triệu Túc, người Chu Diên, phủ Vĩnh Tường, Vĩnh Yên. Triệu Quang Phục đã theo Lý Nam Đế từ buổi đầu, vừa là tướng tài, vừa là bậc trung thần ái quốc nên được Lý Nam Đế giao cho thống lĩnh binh quyền, để tiếp tục sự nghiệp cứu nước của nhà Tiền Lý còn dang dở. Năm Canh Ngọ (550), nhà Lương có loạn to , thế lực suy yếu, Triệu Việt Vương từ căn cứ Dạ Trạch biết rõ gan ruột giặc liền xuất toàn bộ quân giao chiến giết được tướng giặc là Dương Sằn (có sách gọi là Dương Sàm) thu lại kinh đô, khôi phục nền độc lập cho nước Vạn Xuân. Hiện nay tại đền thờ của ông còn lưu lại đôi câu đối sau:

“Bác đức thánh văn nguy nguy chấn Nam phương thượng đẳng
Bia đề cổ tích Độc Bộ phụng sự hộ anh linh.”

Những câu đối liên quan đến thân thế của Trạng nguyên Tống Trân[sửa]

Truyện thơ Nôm Tống Trân – Cúc Hoa là câu chuyện được lưu truyền rộng rãi trong dân gian người Việt. Tống Trân không chỉ là nhân vật trong truyện mà được cho là có thật, quê ở xã An Cầu, huyện Phù Cừ, Hưng Yên. Nay ở xã An Cầu còn đền thờ Tống trạng nguyên, bên dòng sông Luộc xanh mát. Tuy nhiên khó xác định thực sự Tống Trân là trạng nguyên của thời gian nào. Thời Lý Nam Đế thì đến bên Trung Quốc (nhà Lương) cũng còn chưa đặt ra chế độ khoa cử, làm sao mà có Tống Trạng Nguyên thời này ở Việt Nam được? Khi sinh thời, Trạng có làm câu đối, để sau này quy tiên thì treo ở đền thờ mình. Câu đối như sau:

“Trạng nguyên tám tuổi thơm trời Việt
Sứ sự mười đông khét đất Ngô”

Đền Tống Trân có tên tự là "Tiên căn ninh tự” - nhân dân thường quen gọi là "đền Quan Trạng” - nằm trên một khu đất cao thoáng mát ở thôn An Cầu - Phù Cừ - Hưng Yên. Ngoài cổng đền ghi hàng chữ “Lưỡng quốc Trạng nguyên từ môn”. Phía trước của khu đền chính là miếu thờ “Hổ hàm thư” (liên quan đến chi tiết Cúc Hoa nhờ hổ đưa thư cho Tống Trân trong những ngày chàng đi sứ) và ba gian thờ vọng Cúc Hoa. Một hôm trời mưa, có đám học trò vào trú mưa ở đền thờ Trạng, trong khi những học trò khác đều bày trò chơi với nhau. Riêng có một cậu khoảng 8- 10 tuổi chăm chú đọc câu đối của Trạng đã buột miệng: “Trạng gì mà dốt có đuôi”. Ngay lập tức, Trạng ứng vào một cậu học trò khác, đang mải mê chơi cờ bỗng bật dậy quát: "Mày bảo ta dốt có đuôi thì dốt ở chỗ nào? Đuôi ở chỗ nào? Nếu mày không nói được thì tao bắt mày chết ngay!" Cậu học trò điềm tĩnh trả lời: "Trạng dốt có đuôi tôi sẽ cắt đuôi đi thì Trạng sẽ thông. Có khó gì đâu..." Rồi cậu ta lại đọc: “Trạng nguyên tám tuổi thơm trời”. Như vậy tôi đã cắt đuôi là chữ Việt, làm cho trời ở đâu cũng thơm cả. Không riêng gì trời Việt mới thơm, còn trời ở các nước khác không thơm hay sao? Đã cắt đuôi chữ Việt ở vế trước, thì phải cắt đuôi chữ Ngô ở vế sau. Vế sau sẽ là: “Sứ sự mười đông khét đất”. Bởi lẽ để cái đuôi chữ Ngô nó sẽ giảm giá trị của câu đối là khét đất Ngô còn các nước khác không biết gì về Trạng nguyên tài giỏi của Việt Nam."

Đến đây, Trạng đã chịu thua và đọc lại một câu sách thánh hiền: “Hậu sinh khả úy”. Rồi Trạng thăng. Nghe nói đền thờ Trạng từ đó có phần giảm thiêng.

  • Những câu đối khác khắc trong đền thờ:
Bát tuế trạc nho khoa tự hưu tài danh long bách việt
Thập niên trì sứ tiết khước dao vận sự bá thiên thu

Dịch là:

Tám tuổi đỗ Trạng Nam đã nổi tài danh long bách việt
Mười năm sang sứ Bắc lại đem vạn sự dõi đời sau
Đúng là chuyện Tống trạng nguyên đã “lừng Bách Việt” vì không gian của câu chuyện rất rộng, trên hầu khắp các nước thuộc Bách Việt xưa từ Phù Cừ - An Đô, sang tới tận Yên Kinh?
Văn vũ bẩm toàn tài, kháng Nguỵ sánh Ngô, cái thế huân danh minh Việt sử
Bắc Nam giai cử thủ, phong tích tước huy, thiên niên thang mộc trang lăng từ

Nghĩa là:

Văn võ vốn toàn tài, chống Ngụy sánh Ngô, danh sáng trùm đời rạng sử Việt
Bắc Nam đều đứng đầu, phong tích ban tước, nghìn năm đất quê vững lăng đền
Câu trên có chỗ thật khó hiểu: "kháng Ngụy sánh Ngô". Tống trạng nguyên sao lại đánh Ngụy dẹp Ngô là thế nào? Thần tích ở Hưng Yên về Tống Trân chép: "Tống Trân sinh đời vua Lý Nam Đế. Tống Trân lớn lên theo học ông Lý Đường, 7 tuổi thi khoa Hiền Lương phương chính, đỗ Trạng Nguyên, sang sứ Trung Quốc nhận chức ở châu Yên Kinh, có tham gia đánh Đông Ngô - Bắc Ngụy trong 10 năm". Đông Ngô, Bắc Ngụy là hai nước thời Tam Quốc, Tống Trân là trạng nguyên nhà Tiền Lý. Theo thần tích khi đi sứ Tống Trân bị vua phương Bắc là Linh Long Kiểu Huy giam vào chùa 100 ngày, song nhờ biết bẻ tượng bằng chè lam ăn nên mới sống sót. Sau đó Tống Trân còn phải lưu sứ 10 năm mới hết hạn
  • Câu đối ở cửa đền Tống Trân:
Nhất gia hiếu nghĩa sinh Tiền Lý
Lưỡng quốc huân danh mộng Hậu Ngô.

Dịch:

Thời Tiền Lý sinh hiếu nghĩa một nhà
Thủa Hậu Ngô mộng sáng danh hai nước.
Trong thần tích Tống Trân theo học “thầy Lý Đường”, vậy thầy Lý Đường phải chăng là vua nhà Đường họ Lý. Trong truyền thuyết về Tống Trân có thể thấy thời gian này tồn tại rất nhiều “quốc gia”: nước Việt nơi Tống Trân đỗ trạng nguyên, “Bắc quốc” nơi Tống Trân đi sứ, châu Yên Kinh nơi Tống Trân trị nhậm ở Bắc quốc, Bắc Ngụy và Đông Ngô, nơi Tống Trân đánh dẹp
Đẩu Nam Bắc nhất huân Lý thế trạng nguyên lưu tín sử
Thần anh linh vạn cổ Nông giang trụ bút chuẩn ba đào

Dịch:

Sao sáng Bắc Nam có một, trạng nguyên thời Lý còn lưu trong sử sách
Thần hiển linh từ ngàn xưa, sông Nông quăng bút gây ra sóng to gió lớn
Đặc biệt chữ “thời Lý” (Lý thế) ở đây dùng chữ Lý 理 trong từ “đạo lý”, “lý học”, chứ không phải chữ Lý mộc tử 李 như họ Lý sau này. “Tiền Lý” hay “Lý thế” ở đây rõ ràng chỉ một triều Lý khác chứ không phải triều đại họ Lý như thông thường. Việc người Tày cũng có truyện thơ Nôm Tống Tân - Cúc Hoa và vết tích về Tống Trân ở vùng Lạng Giang như ở đình Thanh Lương cho thấy chuyện Tống Trân có ảnh hưởng không chỉ ở vùng đồng bằng Bắc bộ, mà còn lan sang các vùng núi Đông Bắc và trong các tộc người Tày Nùng
Khoa hoạn ức niên tiền, Phù địa thượng truyền giang mạn bút
Lăng từ thiên tải lữu, An Đô trường ngưỡng quốc châu phê

Dịch:

Khoa cử nhớ năm xưa, đất Phù còn truyền cây bút thần tỏa khắp trên sông
Lăng miếu lưu nghìn thủa, An Đô mãi ngưỡng việc sắc phong ngọc báu nước nhà.
"Giang mạn bút" ở đây nói đến việc Tống Trân khi về làng, gặp chuyện bực mình (do dân làng đón tiếp không đầy đủ) nên đã ném bút xuống sông, nguyền rằng là làng này sẽ không còn ai đỗ đạt nữa. Tương truyền đến ngày lễ Tống Trân trên sông Luộc trước cửa đền lại có một dải đất nổi lên hình như cây bút. Con cháu người Việt mà không nhìn nhận ra lịch sử giai đoạn này thì khéo phải nhớ đến cây bút Nho của Tống trạng nguyên vứt dưới sông Luộc, hàng năm lại nổi lên nhắc nhở cần tôn kính tiền nhân và lịch sử

Những câu đối khắc tại Miếu Vực và Đình Ngoài thờ Phạm Tu tại huyện Thanh Trì - Hà Nội[sửa]

Phạm Tu người thôn Vực Mụ, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thân phụ là cụ Phạm Thiều, thân mẫu là cụ Lý Thị Trạch. Cụ Phạm Tu sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn hóa:

Thư thảo tinh điền, thánh đức uông hàm gia thế đại;
Bút hoa bảo cáo, thần uy hiển ứng quốc từ tôn.

Dịch:

Sách thảo nghĩa sâu, thánh đức bao dung gia thế lớn;
Bút hoa lời báu, thần uy hiển ứng quốc từ tôn.
(Câu đối và bản dịch ở Miếu Vực)

Thần tích chép rằng, ngày 9 tháng Giêng năm Ất Mão (479), bà Lý nằm mộng thấy thần Tây Hồ thay trời xuống ban cho quý tử. Ngày rằm bà lại thấy ánh sáng đầy nhà, có con bạch hoa xà (điềm báo có võ tài hướng Tây xuất hiện) hóa thành đóa xen trắng (điềm báo văn tài hướng Tây xuất hiện) lượn đến, bà Lý đỡ lấy và có thai. Ngày 12 tháng 3 năm Bính Tình (476), bà Lý sinh con trai; lúc sinh, mùi hương thơm tỏa đầy nhà. Ông bà đặt tên cho con là Phạm Đô Tu. Cậu Tu phương phi, tuấn tú, học giỏi, đàn hát hay và là đô vật nổi tiếng trong vùng. Đến nay, lò vật Quỳnh Đô vẫn là lò vật nổi tiếng. Cuối năm Tân Dậu, tức vào tháng 1 năm 542, Giám quân ở châu Cửu Đức (vùng Hà Tĩnh ngày nay) dấy binh khởi nghĩa, chống lại ách đô hộ nhà Lương.

Ở Thanh Liệt hiện nay có hai nôi thờ danh tướng Phạm Tu đó là Miếu Vực và Đình Ngoài. Miếu Vực ở xóm Vực. Miếu thờ Long Biên hầu Phạm Đô Hồ Đại vương cùng Thánh phụ Phạm Thiều, Thánh mẫu Lý Thị Trạch. Bài vị ghi: “Bản thổ Tối linh Lý triều Long Biên hầu Phạm Đô Hồ Đại Vương”. Trước miếu có đôi câu đối:

Văn tại tư hồ, kinh vĩ lương gian thùy bất hủ;
Đức kỳ thịnh hĩ, hiển vi nhất lý hưởng vu thành.

Dịch:

Văn để dài lâu, ngang dọc hai gian truyền bất hủ;
Đức còn thịnh mãi, tỏ mờ một lẽ lễ chân thành.
Theo câu đối trên, miếu vốn có hai gian, nay được mở rộng thành ba gian. Danh tướng Phạm Tu sau khi mất, về năm mất, mộ táng, nơi thờ, thực ra còn đôi cỗ vẫn phải tiếp tục tìm hiểu thêm; song quê ông phải là Thanh Liệt, phát hiện đó cần ghi nhận. Nhưng Miếu Vực là nơi thờ Thánh phụ, Thánh mẫu còn đối với đức Thánh Phạm, miếu này chỉ là nơi thờ vọng.

Đình Ngoài ở ngoài đồng, thuộc thôn Trung. Đình có vườn rộng, phía trước đình có hồ lớn, gọi là hồ Tròn. Nghe nói xưa hồ có cánh như hoa sen, điều đó hình như hợp với mộng Thánh mẫu lúc có mang đức Thánh. Bên phải đình có nhà thọ lão, điều đó lại hình như hợp với kiểu dựng điện Vạn Thọ ở triều vua Lý Nam Đế. Trong đình có đôi câu đối gỗ đã có chỗ bong sơn, để trong góc:

Miếu thành khổng yên, chung thủy tam thiên quy thắng địa;
Dân kim thụ tứ, cổn hoa ngũ tự biểu danh hương.

Dịch:

Miếu thành được yên, sau trước ba lần dời mới về đất đẹp.
Dân nay nhận sắc, huy hoàng năm chữ vua ban tỏ danh làng.

Trong đình còn một đôi câu đối khác:

Trượng nghĩa cự Lương binh, hách hách tinh trung huyền nhật nguyệt;
Phong hầu minh Lý sử, miên miên thang mộc ấm phần du.

Dịch:

Khởi nghĩa dẹp quân Lương, lẫm liệt tinh trung ngời nhật nguyệt;
Phong hầu ghi sư Lý, vẻ vang thang mộc rạng quê hương.

Trong Bái đường, một số câu đối có ghi lạc khoản (dòng chữ nhỏ ghi ngày tháng năm, tên cá nhân, tập thể thực hiện).

CÂU ĐỐI GIAN GIỮA

Gian chánh giữa bái đường thiết đặt các câu đối tuần tự từ ngoài vào trong các cặp câu đối như sau:

南 平 林 邑 北 伐 焦 思 百 陣 功 勳 扶 李 帝

煬 雄 心 托 得 勇 氣 萬 年 濃 珥 拜 神 王

Nam bình Lâm Ấp, Bắc phạt Tiêu Tư, bách trận công huân phò Lý đế
Sống dựng hùng tâm, thác đắc dũng khí, vạn niên nồng nhị bái thần vương

Dịch:

Nam đuổi Lâm Ấp, Bắc đánh Tiêu Tư, trăm trận công cao phò vua Lý
Sống tỏ hùng tâm, chết tròn dũng khí, vạn năm bút ấm lạy thần vương
Câu đối trên do giáo sư Vũ Khiêu cung tiến năm 2011 (Tân Mão)

將 史 六 朝 粱 敵 國

神 碑 一 范 烈 名 鄉

Tướng sử lục triều Lương địch quốc
Thần bi nhất Phạm liệt danh hương

Dịch:

Sử tướng sáu triều, quân Lương thù địch
Bia thần một xã, họ Phạm liệt oanh
Câu đối trên do Chánh tổng: Bùi Xuân Đài ; Đại biểu Đặng Đình Tạo; Đại diện xóm: Võ Cứ, Bùi Xuân Hòa, Bùi Xuân Tiếp, Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Xuân Tự, Nguyễn Công Quán, Nguyễn Văn Thái, Nguyễn Đình Bảng ; Lý trưởng: Bùi Tiến Cúc, đồng bái

顯 號 最 靈 民 奉 事

敕 封 上 等 國 尊 崇

Hiển hiệu tối linh dân phụng sự
Sắc phong thượng đẳng quốc tôn sùng

Dịch:

Rõ tên “rất linh” dân thờ cúng
Sắc ban “bậc nhất” nước tôn sùng

澤 及 方 民 香 火 千 秋 享 祀

名 傳 國 史 帝 王 歷 代 褒 封

Trạch cập phương dân, hương hỏa thiên thu hưởng tự

Danh truyền quốc sử, đế vương lịch đợi bao phong

Dịch:

Phước tốt đến thôn dân, khói hương ngàn thuở hưởng thờ cúng

Tiếng thơm truyền quốc sử, vua chúa nhiều đời tặng sắc phong

CÂU ĐỐI GIAN TRÁI VÀ GIAN PHẢI

Hai gian Trái, Phải bái đường thiết đặt các câu đối:

丈 義 振 梁 兵 赫 精 忠 懸 日 月

封 候 銘 史 綿 綿 湯 沐 蔭 枌 榆

Trượng nghĩa chấn Lương binh, hách hách tinh trung huyền nhật nguyệt

Phong hầu minh Lý sử, miên miên thang mộc ấm phần du

Dịch:

Lấy nghĩa đánh quân Lương, rạng rỡ lòng trung treo ngày tháng

Ban tước khắc sử Lý, mênh mông đất tặng ấm quê nhà

Câu đối trên do Hàn Lâm Viện Thị độc: Võ Đức, Kiểm thảo: Võ Đại kính dâng năm Giáp Tý (1924). Phần du 枌 榆 : Cây phần du. Một loại cây mà ngày xưa ở Trung Quốc khi lập làng thường trồng. Về sau dùng từ “phần du” để nói về quê hương. Hàn Lâm viện Thị độc 翰 林 院 侍 讀 : Viện hàm cao cấp trong Viện Hàn Lâm, giảng dạy biên soạn sách, hàm Ngũ phẩm Văn ban. Hàn Lâm viện Kiểm thảo 翰 林 院 檢 討: Viện hàm Viện Hàn Lâm, hàm Tòng thất phẩm, lo việc kiểm soát văn tự, biên dịch sách vở giúp Chưởng Viện. Thang mộc 湯 沐: Đất vua ban cho công thần để lập làng xóm, hưởng nhiều đặc ân.

一 片 忠 肝 懸 日 月

千 秋 正 氣 作 山 河

Nhất phiến trung can huyền nhật nguyệt

Thiên thu chính khí tác sơn hà

Dịch:

Lòng trung một tấm treo ngày tháng

Chí lớn ngàn năm lập nước non

Câu đối trên do Nguyễn Thạnh Thành, kính dâng Năm Tân Mão (2011)

生 為 將 死 為 神 千 古 英 風 如 在

秋 有 嘗 春 有 祀 億 年 奉 事 莊 嚴

Sinh vi tướng, tử vi thần, thiên cổ anh phong như tại

Thu hữu thường, xuân hữu tự, ức niên phụng tự trang nghiêm

Dịch:

Sống làm tướng, chết làm thần, ngàn thuở anh linh còn mãi

Thu có thờ, xuân có cúng, muôn năm hương khói vẫn còn

佐 李 立 奇 功 芳 名 上 標 柱 石

平 占 傳 盛 典 洪 恩 可 此 高 山

Tá Lý lập kỳ công, phương danh thượng tiêu trụ thạch

Bình Chiêm truyền thịnh điển, hồng ân khả thử cao sơn

Dịch:

Giúp vua Lý lập công to, tên thơm nêu cao trụ đá

Dẹp quân Chiêm truyền sử lớn, ơn rộng sánh tựa non cao

范 家 先 祖 山 河 固

福 地 根 深 世 代 長

Phạm gia tiên tổ sơn hà cố

Phước địa căn thâm thế đại trường

Dịch:

Tiên tổ Phạm gia, vững bền sông núi

Cháu con nguồn cội, tiếp nối phước nhân

廟 成 孔 安 終 始 三 遷 歸 勝 地

民 令 受 賜 袞 華 五 字 表 名 鄉

Miếu thành khổng an, chung thủy tam thiên quy thắng địa

Dân lệnh thọ tứ, cổn hoa ngũ tự biểu danh hương

Dịch:

Miếu được khang trang, trọn vẹn ba lần về đất tốt

Dân nhận ơn vua, ấm no năm chữ rạng danh làng

Câu đối trên do Vương Xuân Dục ở Phước Châu-Minh Hương, bái lạy năm Quý Mùi (1883). Tam thiên 三 遷: Ba lần chuyển dời. Trong vế 1 câu đối có nêu chi tiết đền thờ di dời 3 lần nhưng trước sau vẫn trở về nơi thắng địa. Có lẽ đây là lần thứ 3 làm lễ khánh thành, ông Vương Xuân Dục tiến cúng câu đối này. Ngũ tự 五 字: Năm chữ (Phước 福, Lộc 祿, Thọ 壽, Khang 康, Ninh 寧).

太 平 名 將 傳 千 載

辛 卯 靈 祠 化 一 新

Thái bình danh tướng truyền thiên tải

Tân Mão linh từ hóa nhất tân

Dịch:

Thái bình tướng giỏi truyền ngàn thuở

Tân Mão đền linh đổi một ngày

Câu đối trên do Huỳnh Trọng Tùng, kính dâng Năm Tân Mão (2011)

特 地 風 光 遺 跡 古 來 傳 不 朽

高 臺 壯 麗 人 功 完 好 是 無 雙

Đặc địa phong quang, di tích cổ lai truyền bất hủ

Cao đài tráng lệ, nhân công hoàn hảo thị vô song

Dịch:

Đất tốt sáng tươi, di tích từ xưa truyền chẳng thẹn

Đài cao đẹp đẽ, công người khéo léo thật không hai

清 廟 粛 雝 千 古 在

社 村 奉 祀 億 年 香

Thanh miếu túc ung thiên cổ tại

Xã thôn phụng sự ức niên hương

Dịch:

Miếu Thanh bồi đắp ngàn năm đó

Xã thôn thờ cúng vạn năm hương

福 地 根 深 世 地 長

范 家 先 祖 山 河 固

Phước địa căn thâm thế địa trường

Phạm gia tiên tổ sơn hà cố

Dịch:

Đất phước rễ sâu con cháu vững

Phạm nhà Tiên tổ núi sông bền

地 占 別 區 清 邑 千 秋 鍾 旺 氣

亭 臨 秀 水 蘇 江 引 派 凜 餘 波

Địa chiếm biệt khu, Thanh ấp thiên thu chung vượng khí

Đình lâm tú thủy, Tô giang dẫn phái lẫm dư ba

Dịch:

Đất chiếm khu riêng, ấp Thanh Liệt ngàn năm nắng gió vượng

Đình nhìn nước đẹp, sông Tô Lịch trăm dòng sóng nước tung