Bước tới nội dung

Ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về tỉnh Hải Dương

Bộ sưu tập danh ngôn mở Wikiquote
Mục lục : Đầu · 0–9 · A Ă Â B C D Đ E Ê F G H I J K L M N O Ô Ơ P Q R S T U Ư V W X Y Z
  • Ai lên Đồng Tỉnh, Huê Cầu

Đồng Tỉnh bán thuốc, Huê Cầu nhuộm thâm

Nào ai đi chợ Thanh Lâm

Mua anh một áo vải thâm hạt dền.

(Đồng Tỉnh, Huê Cầu nay thuộc Hưng Yên. Thanh Lâm nay là Nam Sách, Hải Dương)

  • Bao giờ lấp ngã ba Chanh

Để ta gánh đá xây thành Cổ Loa.

(Ngã ba Chanh: nơi sông Hóa tách ra từ sông Luộc, tạo thành ngã ba tiếp giáp giữa Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình. Ở đó có đền Tranh (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) thờ Quan Lớn Tuần Tranh rất thiêng)

  • Bút nghiên, đèn sách, văn phòng

Hồng Châu, Nam Sách nhiều dòng thi thơ.

  • Cam Phù Tải, vải Thúy Lâm

(Phương ngôn huyện Thanh Hà)

  • Chim gà, cá nhệch, cảnh cau

Mùa nào thức ấy giữ màu thú quê .

(Ca dao Thanh Hà)

  • Chơi với quan Thanh Lâm

Như giáo đâm vào ruột.

  • Chuông Châu, trống Ủng, mõ Đầu.

(Chuông làng Châu, trống làng Ủng, mõ làng Đầu, ba làng ở gần nhau)

  • Có tiền buôn Đông, không tiền buôn Thái.
  • Con gái làng Vờ đẹp như trong tranh

Chồng gọi thì dạ thưa anh bảo gì

Con gái Vũ Thượng mặt mủng da chì

Chồng gọi thì hử, cái gì thằng kia?

(Ca ngợi con gái làng Vờ ngoan, đẹp và phê phán con gái Vũ Thượng vừa xấu, vừa ghê gớm. Các điạ danh trên nằm ở phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương ngày nay)

  • Cô kia đội nón quai xanh

Có về tổng Giám với anh thì về

Tổng Giám có ruộng tứ bề

Có ao tắm mát, có nghề quay tơ.

(Tổng Giám nay thuộc huyện Cẩm Giàng)

  • Côi Đông thâm vai, Côi Đoài thâm đít, Tự Đông hít bờ, Phượng Cáo rờ ao.

(Bốn địa phương thuộc thành phố Hải Dương. Côi Đông gồng gánh hàng xáo nên thâm vai, Côi Đoài cả ngày ngồi đan thúng nên thâm đít, Tự Đông, Phượng Cáo chuyên mò cua bắt ếch nên hít bờ, rờ ao)

  • Cơm làng Hoá, cá làng Từ

Áo quần Thủ Pháp, cửa nhà Châu Quan.

(Phương ngôn xã Đoàn Kết, Thanh Miện)

  • Cơm Ma Há, cá Văn Thai, bánh gai Đồng Nền.

(Những món ngon ở các làng thuộc Cẩm Giàng, Nam Sách)

Đ

[sửa]
  • Đầu Trắm, đuôi Mè, giữa khe Tam Lạng.

(Đầu là làng Trắm, đuôi là khu vực Mè, Tam Lạng là ba làng Lạng (Bình Lãng): làng Đông, làng Thượng, làng Khổng Lý. Đều thuộc huyện Tứ Kỳ)

  • Đền thờ Nhân Huệ anh hùng

Vân Đồn vang dội, giặc Nguyên rụng rời.

(Ca dao về đền Gốm ở Chí Linh, thờ tướng Trần Khánh Dư)

  • Đình Sinh, Quán Sếu, làng Tràng

Trong ba làng ấy không làm cũng có ăn. (Ba làng Thanh Liễu, Khuê Liễu, Liễu Tràng ở huyện Gia Lộc xưa có nghề khắc in bản mộc. Nghề đó đem lại cuộc sống no đủ cho người dân ba làng).

  • Đường làng Dầu trơn như mỡ.

(Làng Dầu nay thuộc Cẩm Giàng)

  • Đường về Kiếp Bạc bao xa

Đường về Kiếp Bạc có cây đa bồ đề

Có yêu anh cắp nón ra về

Giàu ăn khó chịu, chớ hề thở than.

  • Gốm trông phong cảnh hữu tình

Càng nhìn càng thấy vẻ sinh tuyệt vời

Dưới sông thuyền chạy ngược xuôi

Trên bờ phố Gốm hết lời ngợi ca

Đêm đèn đốt tựa sao sa

Đền thờ Nhân Huệ nguy nga lẫy lừng

Nhân dân nô nức tưng bừng

Đón rằm tháng Tám hội mừng đua chen.

  • Hải Dương tứ kiệt: nhất Đĩnh, nhì Minh, tam Kình, tứ Khắm.
  • Hến Cầu Tre, cá mè Lai Cách.
  • Hoàng Xuyên, Văn Nhuệ cũng giống thôn ta

Thủ Pháp, Lang Gia về ta cũng thế.

(Phương ngôn làng Châu Quan, xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện)

  • Kẻ Sặt đất lề quê thói
  • Kiệt sơn thất thập nhị phong

Phượng Hoàng đệ nhất trong vùng Chí Linh.

  • Làng Châu Khê tay vàng tay bạc

Cân Bái Dương giữ mực trung bình

Làng Cao thợ thiếc lọc tinh

Kim hoàn La Tỉnh nghề lành càng ghê.

(Các làng nghề kim hoàn, kim khí ở Bình Giang, Cẩm Giàng, Chí Linh, Tứ Kỳ)

  • Làng Hóp có bán lợn con

Làng Quao có đất sơn son nặn nồi.

(Làng Hóp, làng Quao thuộc huyện Nam Sách)

  • Lẳng lơ chẳng một mình tôi

Thanh Lâm, Đồng Sớm cũng đôi ba người

Nói ra sợ chị em cười

Lấy chồng tháng chín, tháng mười có con.

  • Loa đồng hỏi nước sông Tranh

Long đao cứu nước, anh hùng là ai?

Sông Tranh đáp tiếng trả lời

Có Quan đệ ngũ, chính người Ninh Giang.

  • Một đồng một giỏ, không bỏ nghề câu.

(Phương ngôn làng Giám, Cẩm Giàng)

  • Mộ Trạch họp việc làng giữa kinh đô.

(Đời chúa Trịnh Tráng, làng Mộ Trạch có tới 17 người đỗ đạt làm quan trong triều)

  • Muốn ăn cơm trắng, cá ngần

Lấy chồng làng Bói cho gần chợ Hôm.

(Bói, Hôm thuộc huyện Ninh Giang)

  • Muốn làm con mẹ con cha

Thì sinh ở đất Thanh Hà xứ Đông.

  • Mưa từ làng Lý, làng Rào

Lòng em khao khát mà nào thấy mưa.

(Lý, Rào thuộc thị trấn Nam Sách)

  • Nam Chân, Bắc Dũng, Đông Kỳ, Tây Lạc.

(Thời Nguyễn, có bốn huyện được coi là trù phú nhất: xứ Sơn Nam có huyện Chân Định, xứ Kinh Bắc có huyện Yên Dũng, xứ Hải Dương có huyện Tứ Kỳ, xứ Sơn Tây có huyện Yên Lạc)

  • Năm giáp Châu Khê, hai đình Hàng Bạc.

(Người làng thuộc năm giáp ở làng Châu Khê (Bình Giang) di cư ra Thăng Long làm nghề đúc bạc, lập ra phố Hàng Bạc. Hai ngôi đình là Trương đình và Kim Ngân đình là nơi nộp thành phẩm cho nhà nước)

  • Nước Thanh Mai đi hai về một.

(Xưa kia Thanh Mai ở Chí Linh là vùng rừng thiêng nước độc)

  • Quan làng Cốc, ốc làng Cờ.

(Làng Thượng Cốc ở Gia Lộc có nhiều người làm quan, làng Cờ ở Tứ Kỳ ruộng trũng có nhiều ốc)

  • Quần cộc chân chì, không Tứ Kỳ thì cũng Gia Lộc.

(Người dân Tứ Kỳ, Gia Lộc chuyên mặc quần cộc nên chân đen).

  • Rượu làng Tơ, cờ Mộ Trạch
  • Tại hương tại phố một quê

Châu Khê, Hàng Bạc đi về ngược xuôi

Như hương tỏa khắp mọi nơi

Kim hoàn trang sức cho đời đẹp xinh.

  • Tháng tám hội Cha, tháng ba hội Mẹ.

(Hội đền Kiếp Bạc mở vào tháng tám để tưởng nhớ Đức Thánh Trần; hội Phủ Dầy ở Nam Định mở vào tháng ba để tưởng nhớ Mẫu Liễu Hạnh)

  • Thành Hà Nội năm cửa, chàng ơi

Sông Lục Đầu sáu khúc nước chảy xuôi một dòng

Nước sông Thương bên đục bên trong

Núi đức thánh Tản thắt cổ bồng mà lại có thánh sinh...

(Sông Lục Đầu ở Hải Dương là nơi diễn ra nhiều trận đánh chống quân xâm lược)

  • Thành Phao, Phả Lại, Lục Đầu

Em về em để mối sầu cho ai.

  • Thứ nhất cô Nghị Thanh Hoa

Thứ nhì Bủi Lạng, thứ ba Thạch Sùng.

(Những người giàu có nhất ở Việt Nam thời xưa. Bà Bủi ở thôn Đông, xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ)

  • Tiền làng Đọc, thóc làng Nhữ, chữ làng Chằm.

(Làng Đọc giàu có, làng Nhữ ruộng tốt, nhiều thóc lúa, làng Chằm (Mộ Trạch) nổi tiếng học giỏi. Ba làng thuộc huyện Bình Giang)

  • Trạng cờ Mộ Trạch càng ghê

Sứ Yên thua cuộc rút xe về thành.

(Tiến sĩ Vũ Huyên người làng Mộ Trạch dùng mẹo mách nước cờ cho vua Lê Dụ Tông khi vua đánh cờ với sứ Trung Hoa)

  • Trên trời có đám mây xanh

Ở giữa mây trắng xung quanh mây vàng

Ước gì anh lấy được nàng

Hà Nội, Nam Định dọn đàng đưa dâu

Tỉnh Thanh cung đốn trầu cau

Nghệ An thời phải thui trâu mổ bò

Hưng Yên quạt nước hỏa lò

Thái Bình thời phải giã giò, gói nem

Ninh Bình trải chiếu bưng mâm

Hải Dương vót đũa, Hà Đông đúc nồi

Sơn Tây gánh đá nung vôi

Bắc Cạn thời phải thổi xôi nấu chè

Gia Định hầu điếu hầu xe

Phủ Đình thời phải chém tre bắc cầu

Nước Tây nước Tàu anh gửi thư sang

Anh mời hai họ nhà trời

Ông Sấm ông Sét, đứng đầu Thiên Lôi.

  • Tứ Kỳ, Gia Lộc, ăn độc, ăn tham

Nam Sách, Kinh Môn, vừa khôn, vừa đểu.

  • Vợ xứ Đông, chồng xứ Bắc

(Con gáixứ Đông - Hải Dương nhiều người đảm đang, tháo vát)

  • Xa đưa văng vẳng tiếng chuông

Kìa chùa Phả Lại chập chùng bên sông.