Lê Duẩn

Bộ sưu tập danh ngôn mở Wikiquote

Lê Duẩn (1907–1986) là Bí thư Thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam từ năm 1960 đến năm 1976, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1976 đến năm 1986.

Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cho cả nhân loại, đánh cho cả bọn xét lại đang đâm vào lưng ta[1][2]
Thưa Bác, chúng ta muốn thắng Mỹ, có một điều rất quan trọng là chúng ta phải không được sợ Mỹ, nhưng cũng không được sợ Trung Quốc và không được sợ Liên Xô[3]
"Chúng ta không sợ ai cả. Chúng ta không sợ bởi vì chúng ta có chính nghĩa. Anh lớn, ta cũng không sợ. Bạn bè, ta cũng không sợ. Kẻ thù không sợ, đã đánh rồi. Mình là con người; mình chẳng sợ ai cả. Mình độc lập. Cả thế giới biết chúng ta độc lập"[4]
  • Lê Duẩn không quý mến người Trung Quốc, nhưng ông phân biệt rõ một bên là “dân tộc Trung Quốc”, một bên là những người Trung Quốc phản động. Ông không đổ lỗi cho cả dân tộc Trung Quốc vì những chính sách gây hấn của những người lãnh đạo của họ:
"Chúng ta chỉ muốn nói đến họ là một tập đoàn (clique). Chúng ta không nói đến tổ quốc của họ. Chúng ta không nói người Trung Quốc xấu với chúng ta. Chúng ta nói đó là tập đoàn phản động Bắc Kinh"[4]
  • Khi Trung Quốc đề nghị viện trợ 500 chiếc xe vào Trường Sơn với điều kiện kèm lái xe của họ, Lê Duẩn không đồng ý nhận bất cứ một chiếc xe nào vì tin rằng Trung Quốc lồng ghép vào đó những toan tính riêng của họ. Có người trong Bộ Chính trị đề nghị "sao không nhận một vài chiếc cho người ta vui?", nhưng ông trả lời:
Chừng nào tôi còn ngồi đây, thì tôi không cho một kẻ nào nghĩ trong đầu rằng có thể cướp được đất nước Việt Nam này[5]
Chính trị là nghệ thuật về các khả năng[6]
  • Lúc sinh thời, nhân dịp Tết 1976, Lê Duẩn từng tuyên bố rằng:
Trong vòng mười năm nữa, mỗi gia đình ở Việt Nam sẽ có một radio, một TV và một tủ lạnh

Lê Duẩn (Tết 1976) [7]

  • Nhắc đến mẹ mình, ông nói:
"Tôi thương mẹ tôi, vì vậy bây giờ ở Hà Nội ngày nào tôi cũng ăn thêm vài củ khoai lang để nhớ mẹ tôi…"
  • Năm 1976, khi về thăm quê ở làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, Quảng Trị, khi thấy người dân đang luộc khoai mì đón Tết ông nói:
"Mồng 1 tết mà tôi đến thăm nhà nào cũng thấy luộc sắn. Bà con ta còn nghèo quá! Trong đời hoạt động cách mạng, tôi đã chịu nghèo khổ, nhưng bây giờ đất nước đã được thống nhất, phải lo làm sao để cho dân giàu lên. Phấn đấu để đồng bào ta, các ông bà già, trẻ con mỗi bữa có một quả trứng, một cốc sữa mà rất khó."
  • Năm 1976, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn tuyên bố:
"Chế độ ta là chế độ chuyên chính vô sản. Chuyên chính trước hết phải là đường lối của giai cấp vô sản. Cốt tủy của chuyên chính vô sản là ở đó chứ không phải là ở chỗ sử dụng bạo lực. Đường lối đó là sự kết hợp lý luận Mác - Lê Nin với thực tiễn cách mạng của nước mình. Đường lối đó là khoa học nhất, là đúng quy luật, là bắt buộc. Đường lối đó không hề nhân nhượng với ai, chia sẻ với ai và hợp tác với ai cả. Đó là chuyên chính. Đường lối đó là: nhất thiết phải xóa bỏ giai cấp bóc lột, xóa bỏ chế độ sản xuất cá thể, xác lập quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Nhất thiết phải làm thế, không cho phép ai đi ngược lại. Đó là chuyên chính. Đường lối đó nhất thiết phải là công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Không ai được chống lại. Đó là chuyên chính. Đường lối đó là đường lối của giai cấp công nhân, không ai được chống lại. Ai chống lại những cái đó thì bị bắt. Đó là chuyên chính."
(Phát biểu của Lê Duẩn tại Hội nghị Trung ương 25, Văn Kiện Đảng Toàn tập, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, tập 37- 1976, trang 403-404)
  • Ngày 13-3-1977, tại trường Nguyễn Ái Quốc, Tổng Bí thư Lê Duẩn nói:
"Loài người cho đến nay đã có ba phát minh vĩ đại có ý nghĩa bước ngoặt của lịch sử. Thứ nhất là tìm ra lửa. Thứ hai là tìm ra cách sử dụng kim khí. Thứ ba là làm chủ tập thể."
("Bài nói của đồng chí Lê Duẩn tại lớp chính trị Trung cao cấp ngày 13-3-1977 tại trường Nguyễn Ái Quốc", Hồ sơ lãnh tụ Lê Duẩn, lưu trữ tại kho Lưu trữ Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh)
  • Trao đổi với mọi người, Lê Duẩn vẫn thường nói một mệnh đề mà ông hằng tâm đắc:[8]
Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo; nên nhiều khi đường lối cách mạng phải trải qua rất nhiều thử nghiệm và sáng tạo mới đạt tới chân lý.

Tham khảo[sửa]

  1. ^ Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, Nhà xuất bản. Văn Nghệ, 1997, tr. 422, phần chú thích
  2. ^ "Giải phóng miền Nam..."
  3. ^ Cố TBT Lê Duẩn: 'Chúng ta không được phép sợ Trung Quốc!
  4. ^ 4,0 4,1 Stein Tonnesson. Đại Học Olso, phát biểu tại buổi Hội Thảo Quốc tế, Hồng Kông, ngày 12 tháng 1 năm 2000
  5. ^ “Cố TBT Lê Duẩn: 'Chúng ta không được phép sợ Trung Quốc!'. Đọc báo, tin tức, thời sự với Báo Điện Tử Một thế giới. Truy cập 9 tháng 7 năm 2014.
  6. ^ “Lê Duẩn”. Truy cập 9 tháng 7 năm 2014.
  7. ^ Stanley Karnow, Vietnam: A History (New York: Penquin, 1983), 683-84
  8. ^ “Website Thủ tướng Chính phủ”. Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ. Truy cập 28 tháng 11 năm 2015.