Ngô Đình Nhu

Bộ sưu tập danh ngôn mở Wikiquote

Ngô Đình Nhu (1910-1963) là một chính khách Việt Nam, em trai kiêm cố vấn chính trị của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm.

Có nguồn[sửa]

Muốn phục vụ con người trong xã hội thì con người đó phải tiến, xã hội đó phải tiến. Nhưng xã hội chỉ tiến được với những con người có ý thức nhiệm vụ. Cho nên, trên nguyên tắc, chúng ta phải nhìn nhận rằng cần phải có một ý thức hệ tiến bộ. Ý Thức Hệ chúng tôi chủ trương là Ý Thức Hệ Nhân Vị. Về Tư Tưởng Nhân Vị có nhiều thứ. Có thứ họ căn cứ vào một tín ngưỡng hữu hình, một tín ngưỡng chắc chắn, căn bản. Có thứ lại nhuốm phần nào vô thức...Ý thức hệ Nhân Vị chúng tôi chủ trương nó rất rộng rãi và không cần phải đi sâu vào các đạo giáo. Tất cả các đạo giáo, tất cả các triết lý khác, có thể cùng đi với chúng ta được trong ý thức hệ đó.
Nguyễn Văn Minh, Dòng họ Ngô Đình, ước mơ chưa đạt
Sở dĩ, tới ngày nay, sự thống trị của Trung Cộng đối với Việt Nam chưa thành hình, là vì hoàn cảnh chính trị thế giới chưa cho phép, và sự tồn tại của miền Nam dưới ảnh hưởng của Tây phương là một trở lực vừa chính trị vừa quân sự cho sự thống trị đó. Giả sử mà Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính, thì sự Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian.

Trong hoàn cảnh hiện tại, sự tồn tại của miền Nam vừa là một bảo đảm cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị của Trung Cộng, vừa là một bảo đảm một lối thoát cho các nhà lãnh đạo Cộng sản Bắc Việt, khi họ ý thức nguy cơ họ đang tạo cho dân tộc. Nhưng ngày nào họ vẫn tiếp tục thực hiện ý định xâm chiếm miền Nam thì họ vẫn còn chịu sự chi phối của chính sách chiến tranh xâm lăng của Trung Cộng, thay vì chính sách sống chung hòa bình của Nga Sô.

Vì vậy cho nên, sự mất còn của miền Nam, ngày nay, lại trở thành một sự kiện quyết định sự mất còn trong tương lai của dân tộc. Do đó, tất cả nỗ lực của chúng ta trong giai đoạn này phải dồn vào sự bảo vệ tự do và độc lập, và sự phát triển cho miền Nam để duy trì lối thoát cho miền Bắc và cứu dân tộc khỏi ách thống trị một lần nữa.

Chính đề Việt Nam, Phần III, Vai trò của Miền Nam, Tùng Phong, Nhà xuất bản Đồng Nai, 1964
... tám mươi năm thống trị của người Pháp đã để lại cho chúng ta một di sản mà ngày nay chúng ta còn phải mang những hậu quả rất là tai hại. Chỉ cần nhắc lại ba gánh nặng nhất mà thời kỳ Pháp thuộc đã lưu lại cho chúng ta.

Trước hết là một công cuộc Tây phương hóa bắt buộc đối với chúng ta. Bắt buộc, bới vì chúng ta đã không có ý Tây phương hóa, nhưng vì sinh lực mạnh bạo của một nền văn minh đã chiến thắng văn minh chúng ta, làm cho chúng ta mất tin tưởng vào các giá trị tiêu chuẩn cũ, và miễn cưỡng thâu thập nền văn minh mới. Kẻ thống trị không có quyền lợi gì để biết đến sự Tây phương hóa của lớp người bị trị.

Vận mạng của chúng ta lại không phải do chúng ta nắm. Vì vậy mà công cuộc Tây phương hóa, mà chúng ta đã phải chịu nhận từ một thế kỷ nay, là một công cuộc Tây phương hóa bắt buộc, không mục đích, không được hướng dẫn. Dân chúng bị lôi cuốn vào một phong trào Tây phương hóa, mà không hiểu Tây phương hóa để làm gì, Tây phương hóa đến mức nào là đủ, và Tây phương hóa làm sao là đúng.

Tình trạng đó đã dẫn dắt đến sự tan rã của xã hội chúng ta. Các giá trị tiêu chuẩn cũ đã mất hết hiệu lực đối với tập thể mà giá trị tiêu chuẩn mới thì không có. Do đó, tín hiệu tập hợp các phần tử trong xã hội đã mất. Đó là một điều vô cùng bất hạnh cho dân tộc trong giai đoạn này, vì chính lúc này là lúc mà chúng ta cần phải thực hiện công cuộc phát triển dân tộc bằng cách Tây phương hóa. Một công cuộc như vậy đòi hỏi, như chúng ta đã biết, nhiều nỗ lực liên tục của toàn dân và nhiều hy sinh lớn lao của mọi người. Vì vậy cho nên, sự có một tín hiệu tập hợp vô cùng cần thiết, để toàn dân trông vào và tin tưởng, mới có đủ nghị lực mà cung cấp cố gắng trong một hoàn cảnh khổ hạnh. Và chính vào một thời kỳ như vậy chúng ta lại mất các tín hiệu tập hợp.

Sự thiếu tín hiệu tập hợp tự nhiên cho dân tộc, đã và sẽ dẫn dắt các nhà lãnh đạo chúng ta đến một hoàn cảnh phải sử dụng những tín hiệu tập hợp chiến lược và cố nhiên là giai đoạn. Nhưng đó là một sự thay thế bất đắc dĩ, bởi vì những tín hiệu tập hợp giai đoạn, tự nó đã không bền, tất nhiên phải nhiều lần thay đổi với thời gian, và sẽ làm mất sự tin tưởng của nhân dân đối với người lãnh đạo.

Gánh nặng thứ ba, mà thời kỳ thống trị của đế quốc đã để lại cho chúng ta, là sự gián đoạn trong vấn đề lãnh đạo quốc gia. Chúng ta đã thấy rằng chúng ta lâm vào một sự gián đoạn đến một trình độ trầm trọng nhất. Sự chuyển quyền không thể thực hiện được giữa lớp người trước và lớp người sau. Bí mật quốc gia và bí mật lãnh đạo đều bị mất. Thuật lãnh đạo không truyền lại được. Người lãnh đạo không có đủ di sản, dĩ vãng không bảo tồn được, văn khố thất lạc và bị cướp bóc.

Một trong các nguyên nhân chính yếu của sức mạnh của các cường quốc là một sự liên tục lãnh đạo quốc gia trong nhiều thế hệ. Trong thời gian đó, kinh nghiệm lãnh đạo chồng chất và lưu truyền cho các thế hệ. Chỉ tưởng đến cái hậu thuẫn kinh nghiệm súc tích hằng mấy thế kỷ của họ, chúng ta cũng khiếp, khi nhìn lại mấy tờ giấy kinh nghiệm làm hậu thuẫn cho chúng ta ngày nay. Quan niệm quét sạch tàn tích trước, để xây dựng tương lai là một quan niệm ấu trĩ của quần chúng, không được huấn luyện về ý thức chính trị.

Không người lãnh đạo nào, kể cả những người cách mạng cuồng nhiệt nhất, có quyền nuôi một ý tưởng như vậy. Bởi vì không có một hành động nào mà sát hại một dân tộc bằng hành động quét sạch tàn tích trước để xây dựng tương lai, vì như thế có nghĩa là không bao giờ chúng ta xây dựng được một kho tàng kinh nghiệm để làm hậu thuẫn cho sự lãnh đạo quốc gia.

Thêm vào các gánh nặng trên đây, mà đế quốc đã lưu lại cho chúng ta, sự thiếu người lãnh đạo trong các ngành, như chúng ta đã biết, là một trở lực to tát cho công cuộc phát triển đang đợi chờ chúng ta.

Chính đề Việt Nam, Phần III, Cơ sở hạ tầng vô tổ chức, Tùng Phong, Nhà xuất bản Đồng Nai, 1964