Nguyễn Bỉnh Khiêm

Bộ sưu tập danh ngôn mở Wikiquote

Nguyễn Bỉnh Khiêm (chữ Hán: 阮秉謙; 1491–1585), tên huý là Nguyễn Văn Đạt (阮文達), tên tự là Hanh Phủ (亨甫), hiệu là Bạch Vân am cư sĩ (白雲庵居士), được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử (雪江夫子), là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 16. Ông được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam-Bắc triều (Lê-Mạc phân tranh) cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam.

Nói và viết bởi Nguyễn Bỉnh Khiêm[sửa]

  • Ôi, nói tâm là nói về cái chỗ mà chí đạt tới vậy, mà thơ lại là để nói chí. Có kẻ chí để ở đạo đức, có kẻ chí để ở công danh, có kẻ chí để ở sự nhàn dật. Tôi lúc nhỏ chịu sự dạy dỗ của gia đình, lớn lên bước vào giới sĩ phu, lúc về già chí thích nhàn dật, lấy cảnh núi non sông nước làm vui, rất là vụng về trong nghề thơ. Tuy nhiên, cái bệnh yêu thơ lâu ngày tích lại chưa chữa được khỏi vậy, mỗi khi được thư thả lại dậy hứng mà ngâm vinh, hoặc là ca tụng cảnh đẹp đẽ của sơn thủy hoặc là tô vẽ nét thanh tú của hoa trúc, hoặc là tức cảnh mà ngụ ý hoặc là tức sự mà tự thuật, thảy thảy đều ghi lại thành thơ nói về chí, được cả thảy một nghìn bài, biên tập thành sách, tự đặt tên là Tập thơ am Bạch Vân. (Bạch Vân am thi tập tự)
  • Quán dựng xong, đề biển là Quán Trung Tân. Có người hỏi: lấy tên quán như vậy ý nghĩa thế nào? Ta trả lời rằng: Trung nghĩa là Trung Chính vậy. Giữ được toàn vẹn Tính Thiện của mình là Trung vậy, không giữ toàn vẹn được tính Thiện của mình thì không phải là Trung vậy. Tân tức là Bến vậy. Biết chỗ dừng đó là đúng bến, không biết chỗ dừng thì là lạc bến vậy. Tên gọi của quán này đại thể là như thế. Như trung với vua, hiếu với cha mẹ, thân ái với anh em, hòa hợp vợ chồng, tín với bạn bè, đó là Trung vậy. Đối diện với của cải mà không tham, thấy lợi mà không tranh giành, vui với điều thiện mà bao dung được người, lấy tình thực mà ứng đãi với mọi vật, đó cũng là Trung vậy... Nghĩa chữ Trung chính là ở chỗ Chí Thiện vậy. (Trung Tân quán bi ký 中津館碑記, 1543)
  • Do tự ràng buộc ở bẩm khí, bị che lấp vì vật dục, có kẻ không giữ được trọn vẹn như thuở đầu mới sinh ra, trở nên kiêu sa, biển lận, gian tà, thiên lệch, không có điều gì không làm. Ở triều đình thì tranh nhau cái danh, ở chợ búa thì giành nhau cái lợi. Khoe là sang thì xe mát quán ấm, khoe là giàu thì nhà múa lầu hát. Thấy người chết đói dọc đường không dám bỏ một đồng tiền ra cứu giúp. Thấy nơi trống trải không có gì che mưa, không dám bỏ một bó tranh để che đậy. Điều thiện không được tu dưỡng đã lâu vậy... May mà trong làng người hướng về điều Thiện chưa hề mất hết. Các cụ già cùng ta khuyên nhau làm điều thiện: bắc cầu, làm chùa, làm quán, chốn chốn đều được tu sửa. Ta cũng lấy làm vui mừng về điều ấy, trong lòng thường khen ngợi. (Trung Tân quán bi ký 中津館碑記, 1543)
  • ...Làm việc thiện không phải vì công tích mà ở tấm lòng. Nay vừa sau cơn loạn lạc thì chẳng những thân người ta bị chìm đắm, mà tâm người ta càng thêm chìm đắm. Các bậc sĩ đệ nên khuyến khích nhau bằng điều thiện, để làm cho mọi người dấy nên lòng thiện mà tạo nên miền đất tốt lành. (Diên Thọ kiều bi ký, 1568)[1]
  • Hoành Sơn nhất đái, khả dĩ dung thân (Nguyễn Bỉnh Khiêm nói với sứ giả của Đoan Quận công Nguyễn Hoàng)[2]
  • Cao Bằng tuy thiểu, khả diên sổ thế (Nguyễn Bỉnh Khiêm nói với sứ giả của vua Mạc)
  • Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong (Nguyễn Bỉnh Khiêm nói về mối quan hệ giữa vua chúa Trịnh)
  • Vạn lý Đông minh quy bả ác / Ức niên Nam cực điện long bình (trích từ bài "Cự Ngao Đới Sơn" trong "Bạch Vân Am Thi Tập")[3]
  • Tứ bách niên tiền, chung phục thuỷ / Thập tam thế hậu, dị nhi đồng (Nguyễn Bỉnh Khiêm viết về con cháu họ Mạc)[4]
  • Tuệ tinh cộng ngưỡng quang mang tại / Tiền hậu quang huy chiếu Việt Nam (Thơ gửi Trạng nguyên, Tô Khê hầu Giáp Hải)
  • Tiền trình vĩ đại quân tu ký / Thùy thị phương danh trọng Việt Nam (Thơ gửi Trạng nguyên, Thư Quốc công Nguyễn Thiến)
  • Hồng Lam ngũ bách niên thiên hạ / Hưng tộ diên trường ức vạn xuân (Nguyễn Bỉnh Khiêm viết về thời vận mới của nước Việt)[5]
  • Cổ lai quốc dĩ dân vi bản / Đắc quốc ưng tri tại đắc dân (Thơ chữ Hán, Cảm hứng)[6]
  • Cổ lai nhân giả tư vô địch / Hà tất khu khu sự chiến tranh (Thơ chữ Hán trong Bạch Vân am thi tập)[7]
  • Lão lai vị ngải tiên ưu chí / Đắc táng cùng thông khởi ngã ưu (Tự thuật, thơ chữ Hán)[8]
  • Nho quan tự tín đa thâm ngộ / Đình thực thùy năng vị quốc mưu (Thơ chữ Hán, Ngụ hứng)[9]
  • Tất cánh dục cầu ngô lạc xứ / Tri ngô hậu lạc tại tiên ưu (Thơ chữ Hán, Ngụ hứng)[10]
  • Ưu thời thốn niệm bằng thùy tả / Duy hữu hàn san bán dạ chung (Tân quán ngụ hứng, thơ chữ Hán)[11]
  • Duy thiên sinh chưng dân / Bão noãn các hữu dục (Tăng thử, thơ chữ Hán)[12]
  • Cao khiết thùy vi thiên hạ sĩ? / An nhàn ngã thị địa trung tiên[13]
  • Chín mươi thì kể xuân đà muộn / Xuân ấy qua thì xuân khác còn (Bạch Vân quốc ngữ thi tập, bài 41)
  • Có thuở được thời mèo đuổi chuột / Đến khi thất thế kiến tha bò (Thơ chữ Nôm, Bài số 75)
  • Thớt có tanh tao ruồi đậu đến / Ang không mật mỡ kiến bò chi (Thơ chữ Nôm, Bài số 53)
  • Hoa càng khoe nở, hoa nên rữa / Nước chứa cho đầy, nước ắt vơi (Thơ chữ Nôm, Bài số 52)
  • Thế gian biến cải vũng nên đồi / Mặn, nhạt, chua, cay, lẫn ngọt bùi (Thơ chữ Nôm, Bài số 77)
  • Làm người hay một chớ hay hai / Chớ cậy rằng hơn, chớ cậy tài (Thơ chữ Nôm, Bài số 65)
  • Làm người chớ thấy tài mà cậy / Có nhọn bao nhiêu lại có tù (Thơ chữ Nôm, Bài số 11)
  • Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ / Người khôn, người đến chốn lao xao (Thơ chữ Nôm, Bài số 79)
  • Làm người có dại mới nên khôn / Chớ dại ngây si, chớ quá khôn (Thơ chữ Nôm, Bài số 94)
  • Chớ cậy rằng khôn khinh rẻ dại / Gặp thời, dại cũng hoá ra khôn (Thơ chữ Nôm, Bài số 94)
  • Thuở khó dẫu chào, chào cũng lảng / Khi giàu chẳng hỏi, hỏi thời quen (Thơ chữ Nôm, Bài số 5)
  • Đạo ở mình ta lấy đạo trung / Chớ cho đục, chớ cho trong (Thơ chữ Nôm, Bài số 104)
  • Lưỡi thế ngẫm xem, mềm tựa lạt / Miệng người toan lại, sắc như chông (Thơ Nôm, bài 127)
  • Rượu đến cội cây ta sẽ uống / Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao
  • Có ai biết được lòng tri kỷ / Vời vợi non cao nguyệt một vừng

Nói và viết về Nguyễn Bỉnh Khiêm[sửa]

Chu Liêm Khê hậu hữu Y Xuyên,
Lý học vu kim hữu chính truyền.
Danh quán Nho gia lôi phấn địa,
Lực phù nhật cốc trụ kình thiên.
Tứ triều huân nghiệp nhân trung kiệt,
Cửu lão quang nghi thế thượng tiên.
Ký thủ huyền xa vinh lý hậu,
Thanh phong thác hứng nhập ngâm biên.[14]
Tích văn Mạc Trình Tuyền
Kim đáo Tuyết kim tân
Cổ quán dư thương kệ
Di am chỉ Bạch vân.
Bắc giang tăng Vạn Hạnh,
Nam độ Tấn Tham Quân
Thao thao trục lưu Mác
Chân tri hữu kỷ nhân
Viêm vận tao dương cửu
Gian hùng xuất chấn phương
Tiêu sơn tăng dĩ hỉ
Bạch Vân bất khả đương.
Áo cơ thâm tạo hóa
Nhàn khí miểu công vương.
Phiến ngữ toàn tam tính
Hồn hỗn vị dị lương.
Am không bi diệc diệt
Lưu lạc Tuyết kim giang.[15]

Chú thích[sửa]

  1. ^ Nguyễn Hữu Tưởng, HAI TẤM BIA TRẠNG TRÌNH SOẠN MỚI PHÁT HIỆN Ở THÁI BÌNH. (Tạp chí Hán Nôm số 6, 2002)
  2. ^ Một số nhà nghiên cứu cho rằng nguyên văn câu nói của Nguyễn Bỉnh Khiêm với sứ giả của Nguyễn Hoàng (được chép lại trong bài Phả ký của Vũ Khâm Lân) phải là "Hoành Sơn nhất đái, khả dĩ dung thân" (Một dải Hoành Sơn có thể dung thân được) chứ không phải là "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (Một dải Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời) như phần lớn tài liệu đã dẫn. Nguyên nhân của sự sai khác này được lý giải là do các sử gia nhà Nguyễn sau này đã sửa đổi hai chữ "khả dĩ" thành "vạn đại", với hy vọng sẽ giữ được cơ nghiệp của triều đại tới muôn đời.
  3. ^ Dịch nghĩa: Biển Đông vạn dặm giăng tay giữ / Đất Việt muôn năm vững trị bình
  4. ^ Dịch nghĩa: Bốn trăm năm trước, cuối cùng trở lại như ban đầu / Mười ba đời sau, khác biệt mà cùng chung. Hai câu này được cho là lời tiên tri của Trạng Trình về sự phục hồi (vấn tổ tầm tông) lại tên họ của con cháu hậu duệ họ Mạc sau khi phải thay tên đổi họ lúc nhà Mạc bị thất thủ (1592), nhằm tránh sự trả thù của nhà Lê-Trịnh.
  5. ^ Dịch nghĩa: Đất nước Hồng Lam này sau ta 500 năm sẽ là một thời kỳ hưng thịnh lâu dài
  6. ^ Dịch nghĩa: Từ xưa đến nay, nước lấy dân làm gốc / Được nước nên biết đó là do ở chỗ được lòng dân
  7. ^ Dịch nghĩa: Từ xưa đến nay chỉ có người nhân nghĩa là không ai địch nổi / Việc gì phải khư khư ôm mộng chiến tranh giết chóc
  8. ^ Dịch nghĩa: Tấm lòng tiên ưu đến già chưa thôi / Cùng, thông, đắc, táng, ta có lo cho riêng mình đâu.
  9. ^ Dịch nghĩa: Cái mũ nhà Nho tự biết đã làm cho tấm thân mắc nhiều lầm lỡ / Ăn bằng vạc, có ai là kẻ vì nước mưu toan
  10. ^ Dịch nghĩa: Rốt cục (ai) muốn tìm cái chỗ vui của ta / Thì cần biết rằng ta được vui sau thiên hạ vì biết lo trước thiên hạ
  11. ^ Dịch nghĩa: Nỗi lòng lo đời biết nói cùng ai / Chỉ có tiếng chuông chùa trên núi vắng lúc nửa đêm san sẻ
  12. ^ Dịch nghĩa: Trời sinh ra dân chúng / No ấm là điều ai nấy đều mong muốn
  13. ^ Dịch nghĩa: Cao khiết ai là kẻ sĩ trong thiên hạ / An nhàn ta là tiên trong đời
  14. ^
    Sau Liêm Khê lại có Y Xuyên,
    Lý học ngày nay bậc chính truyền.
    Long bảng đứng đầu tên sấm dậy,
    Chống trời cột vững sức cường kiên.
    Bốn triều nghiệp lớn tay anh kiệt,
    Chín lão dung nghi, dáng khách tiên.
    Xe đã treo về, vinh xóm cũ,
    Thảnh thơi gió mát, hứng thơ nhàn.
  15. ^
    Xưa nghe tiếng người (làng) Trình Tuyền đời Mạc
    Nay đến bên sông Tuyết Kim
    Quán cổ còn lại tấm bia đá phủ rêu xanh
    Dấu vết am chỉ còn mây trắng.
    Bắc Giang có Sư Vạn Hạnh
    Bến đò Nam có Tấn Tham Quân
    Nước cuồn cuộn chảy xuống cuối dòng
    Có mấy ai được là “chân tri”
    Vận nước vùng nóng nực này gặp lúc rủi ro
    Ở phương Đông xuất hiện kẻ gian hùng,
    Nhà sư ở chùa Tiêu Sơn không còn nữa
    Bạch Vân cũng khó đảm đương nỗi.
    Mưu cơ sâu kín tham dự vào việc của tạo hóa
    Phong khí nhàn nhã xa cách các bậc công vương
    Chỉ câu nói ngắn mà bảo toàn được ba họ
    Rất hồn nhiên mà không dễ suy đoán được
    Am không, bia cũng hỏng mất
    Sông Tuyết Kim vắng vẻ đìu hiu.