Bước tới nội dung

Tây Tiến

Bộ sưu tập danh ngôn mở Wikiquote
Tây Tiến
Thơ bảy chữ
[[Tập tin:|]]
Thông tin tác phẩm
Tên gốcNhớ Tây Tiến
Tác giảQuang Dũng
Quốc gia Việt Nam
Ngôn ngữTiếng Việt
Thể loạiThơ bảy chữ

Tây Tiến là một bài thơ của nhà thơ Việt Nam Quang Dũng, được sáng tác vào năm 1948 và được phát hành lần đầu ở Tạp chí Văn nghệ số 11 và 12, năm 1949.[1]

Các văn bản viết về bài thơ

[sửa]
  • Với cảm hứng lãng mạn và ngòi bút tài hoa, Quang Dũng đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến trên nền cảnh thiên nhiên núi rừng miền Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội và mĩ lệ. Hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng sẽ còn có sức hấp dẫn lâu dài đối với người đọc.
    • Sách Ngữ văn 12 (cơ bản), chương trình giáo dục phổ thông 2006, NXB Giáo dục Việt Nam
  • Hồi đó, tấm lòng và cảm xúc của mình ra sao thì viết vậy. Tôi chả có chút lý luận gì về thơ cả. Dẫu sao bài thơ Tây Tiến có cái hào khí lãng mạn của một thời gắn với lịch sử kháng chiến anh dũng của dân tộc. Từ Tây Tiến trở đi, tôi làm nhiều thơ hơn, các bài Đường mười hai, Ngược đường số 6, Đôi mắt người Sơn Tây...
    • Tác giả Quang Dũng

Bài thơ

[sửa]
Sông Mã[2] xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
Sài Khao[3] sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát[3] hoa về trong đêm hơi.
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông[3] mưa xa khơi.
Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch[3] cọp trêu người.
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu[3] mùa em thơm nếp xôi.
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,
Kìa em xiêm áo tự bao giờ.
Khèn lên man điệu[4] nàng e ấp,
Nhạc về Viên Chăn[5] xây hồn thơ.
Người đi Châu Mộc[3] chiều sương ấy,
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?
Có nhớ dáng người trên độc mộc[6],
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc[7],
Quân xanh màu lá[8] dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu[9], anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành[10].
Tây Tiến người đi không hẹn ước,
Đường lên thăm thẳm một chia phôi.
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy,
Hồn về Sầm Nứa[11] chẳng về xuôi.

Nguồn tham khảo cho bài viết và chú thích

[sửa]
  1. ^ https://thanhnien.vn/nha-tho-quang-dung-nguoi-dau-tien-viet-su-tay-tien-1851046107.htm
  2. ^ Sông Mã, con sông chảy qua Sơn La, Hoà Bình và Thanh Hoá.
  3. ^ 3,0 3,1 3,2 3,3 3,4 3,5 Tên các địa phương trong địa bàn hành quân của đoàn Tây Tiến.
  4. ^ Điệu nhạc của dân miền núi.
  5. ^ Viêng Chăn, thủ đô nước Lào.
  6. ^ Thuyền dài và hẹp làm bằng thân một cây gỗ to, khoét thành khoang thuyền.
  7. ^ Chiến sĩ Tây Tiến vì sốt rét nhiều đến nỗi rụng hết tóc, cũng có người cạo trọc đầu để thuận tiện trong chiến đấu.
  8. ^ Nói sốt rét nặng đến nỗi xanh như lá (cũng có ý nói chiến sĩ Tây Tiến nguỵ trang bằng lá cây xanh khi đánh giặc).
  9. ^ Theo Trần Lê Văn thì đồng bào thấy các chiến sĩ Tây Tiến rét đã cho chiếu để khoác cho đỡ rét (thay cho áo bào). Khi chết đồng đội dùng chiếu đó để liệm vì không có quan tài.
  10. ^ Tích xưa Kinh Kha một mình vượt sông Dịch, đi giết bạo chúa Tần Thủy Hoàng. Cuộc hành thích không thành công, Kinh Kha bị chết tại triều đình nhà Tần. Ý câu thơ muốn khẳng định tính chất bi hùng trong sự hi sinh của chiến sĩ Tây Tiến.
  11. ^ Xamneua, tỉnh Sầm Nứa của nước Lào.

Liên kết ngoài

[sửa]