Vụ án Truyện Kiều

Bộ sưu tập danh ngôn mở Wikiquote

Vụ án Truyện Kiều là cuộc tranh luận về Truyện Kiều giữa Phạm Quỳnh, Ngô Đức KếHuỳnh Thúc Kháng từ năm 1924 đến năm 1930. Trong khi Phạm Quỳnh đề cao Truyện Kiều là "quốc hoa, quốc túy, quốc hồn" của Việt Nam thì Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng gọi Truyện Kiều là "dâm thư, tà thuyết, làm bại hoại phong hóa"...

Phạm Quỳnh[sửa]

  • Văn-chương mình chỉ độc có một quyển, vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh-thư Phúc-âm của cả một dân-tộc, ví lại khuyết nốt thì dân-tộc ấy đến thế nào? (Bài diễn thuyết bằng quốc văn của ông Phạm Quỳnh, 1924)
  • Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có gì mà lo, có gì mà sợ, có điều chi nữa mà ngờ!... (Bài diễn thuyết bằng quốc văn của ông Phạm Quỳnh, 1924)
  • Một nước không thể không có quốc-hoa, truyện Kiều là quốc-hoa của ta; một nước không thể không có quốc-túy, truyện Kiều là quốc-túy của ta; một nước không thể không có quốc-hồn, truyện Kiều là quốc hồn của ta. (Bài diễn thuyết bằng quốc văn của ông Phạm Quỳnh, 1924)
  • Truyện Kiều là cái « văn-tự » của giống Việt-Nam ta đã « trước-bạ » với non sông đất nước này. Trong mấy nghìn năm ta chôn rau cắt rốn, gửi thịt gửi xương ở cõi đất này, mà ta vẫn hình như một giống ăn trọ ở nhờ, đối với đất nước non sông vẫn chưa từng có một cái văn-tự văn-khế phân-minh, chứng-nhận cho ta có cái quyền sở-hữu chính-đáng. Mãi đến thế-kỷ mới rồi mới có một đấng quốc-sĩ, vì nòi-giống, vì đồng-bào, vì tổ tiên, vì hậu-thế, rỏ máu làm mực, « tá-tả » một thiên văn-khế tuyệt-bút, khiến cho giống An-Nam được công-nhiên, nghiễm-nhiên, rõ-ràng, đích-đáng làm chủ-nhân-ông một cõi sơn-hà gấm vóc. (Bài diễn thuyết bằng quốc văn của ông Phạm Quỳnh, 1924)
  • Văn-chương ta chỉ có một quyển sách mà sách ấy đủ làm cho ta vẻ-vang với thiên-hạ, tưởng cũng là một cái kỳ-công có một trong cõi văn thế-giới vậy. (Bài diễn thuyết bằng quốc văn của ông Phạm Quỳnh, 1924)

Ngô Đức Kế[sửa]

  • « Kim vân Kiều » là sách gì? Chưa nói đến sự tích thiệt không, chưa kể văn chương hay dở, chỉ nhắc đến cái tên sách thì nghe đã không thể nào ngửi được; vì sao thế? Phàm bộ truyện nào, dầu trong có bao nhiêu nhân vật mặc lòng, chỉ là một người làm chủ nhân: sự tích là sự tích một người chủ nhân ấy, thì tên sách cũng theo đó mà gọi. Nay truyện ấy là sự tích cô Vương-thúy Kiều, mà tên sách đặt ba người: một người thì lấy chữ họ mà mất tên, hai người thì lấy chữ tên mà mất họ, thì thiệt là dốt vô cùng. Cái tên ấy, chắc là tự nhà khắn bản in đặt ra, chứ ông Nguyễn Du chắc không đặt tên dốt như thế? Dù cái tên ấy là nguyên bản của Tàu, là nguyên bản của Tàu thì càng đủ biết rằng truyện ấy đặt ra bởi một anh Tàu dốt nào đó mà thôi. (Luận về chánh học cùng tà thuyết, 1924)
  • Chuyện « Thanh tâm tài nhân » (tức là truyện Kiều) là một bộ tiểu thuyết tầm thường không có giá trị gì. Xem bộ « Tình sử » của Tàu, biết bao nhiêu chuyện li-kỳ hơn nữa. Và dù sự tích ấy mà có thiệt đi nữa, thì một đôi thiếu niên nam nữ, đêm thanh người vắng, trèo tường trổ ngõ, ước hội chuyện trò với nhau, đối với phong hóa đạo-đức là việc bất chính, mở đầu quyển sách như thế, dù sau có tô vẽ hiếu nghĩa gì đâu nữa, cũng không đủ làm gương tốt cho đời. (Luận về chánh học cùng tà thuyết, 1924)
  • Văn tuy hay, mà truyện là truyện phong tình, thì có vẻ ai dâm sầu oán, đạo dục tăng bi tám chữ ấy không tránh đàng nào cho khỏi. Cái bản ý ông Nguyễn Du làm truyện « Đoạn-Trường tân-thanh » ấy (tức là truyện Kiều) chỉ là mượn văn chương mà ngụ chút tâm sự mình; cho nên ông đã có câu: « Lời quê góp nhặt nên bài, mua vui cũng được một vài trống canh ». Xem thế thì biết truyện ấy chỉ là một thứ văn chương ngâm vịnh chơi bời, để lúc thanh nhàn mà đọc đôi câu cho tiêu khiển, chứ không phải một thứ văn chương chính đại theo đường chính học, mà đem ra dạy đời được đâu. (Luận về chánh học cùng tà thuyết, 1924)
  • Ngày trước, các cụ tiền bối thường cấm con em xem truyện Kiều: trong xã hội, ai hay đọc Kiều nghêu ngao, thì cho là kẻ đàng điếm. Ý các cụ nghĩ rằng: các gả thiếu niên chí khí chưa định, tình dục đang nồng, xem truyện thì mê, rồi sinh cái tư tưởng trộm ngọc cắp hương, khêu hoa ghẹo nguyệt, say đắm trong trời tình bể ái, mà mềm nhũn cái gan lòng sắt đá, bỏ mất cái chí nguyện cao xa. Cái phép gia đình giáo dục của các cụ như thế, thiệt phải lắm. Vì cái tính trộm ngọc cắp hương, say hoa đắm nguyệt, người sinh ra không dạy cũng biết, vẫn cấm mà không được, huống chi lại thấy trong sách trong truyện, ngâm nga ngợi hát, thành ra một việc rất phong nhã rất hào hoa. (Luận về chánh học cùng tà thuyết, 1924)
  • hay là những cái danh từ tài tử giai nhân, ba sinh duyên nợ, gương thề quạt ước, liễu dựa hoa kề, rày ước mai ao, thầm yêu trộm nhớ, xưa nay không ai dạy mà không mấy ai không thuộc lòng; thuộc lòng, trong các bức thư hoa tình không câu nào không Kiều, mà nay còn phải dạy nữa cho thêm hay thêm giỏi, thế là học quốc văn ư? (Luận về chánh học cùng tà thuyết, 1924)
  • Vậy cho nên, trong nước ngày nay, nào là bình phẩm văn chương Kiều, nào là phê-bình Kiều, nào là chú-thích Kiều, nào là thơ vịnh Kiều, cho đến hát tuồng Kiều, diễn kịch Kiều, chớp ảnh Kiều, trong nhà ngoài đường, trên trời dưới đất đâu đâu cũng Kiều. Cứ xem hiện trạng ấy, thì nước Việt-Nam ngày nay gọi tên là Kim-Vân-Kiều quốc, nòi giống Việt-Nam ta mà gọi là đại Kim-Vân-Kiều tộc cũng đúng lắm chứ không sai! (Luận về chánh học cùng tà thuyết, 1924)
  • Truyện « Thanh tâm tài nhân » là tiểu thuyết hèn mạt bên Tàu, mà nay nước Việt-Nam tôn phụng làm chính kinh chính sử: thiệt là rước lấy một cái đại sỉ nhục! (Luận về chánh học cùng tà thuyết, 1924)
  • Ông Nguyễn Du dịch Kiều từ đời Gia-long; thế thì từ Gia-long về trước, chưa có truyện Kiều, thì nước ta không quốc-hoa, không quốc-túy, không quốc-hồn; thế thì cái văn-trí vũ-công mấy trào Đinh, Lý, Trần, Lê, sáng chói rực rở đó, đều là ở đây đem đến cho bọn « học thuê viết mướn » ấy mà thôi; thế thì những bậc đại hào kiệt, đại huấn nghiệp, cứu dân giúp nước, tái tạo giang-sơn, mở mang bờ cõi cho nước ta ngày xưa, không ai làm được vẻ vang cho nòi giống, không ai đáng kỷ niệm cả; mà chỉ ông văn-sĩ làm sách « trăm năm trong cõi » là làm vẻ vang giống nòi, là đáng kỷ niệm mà thôi? Giống nòi ta vẻ vang ra thế nào?!... (Luận về chánh học cùng tà thuyết, 1924)

Huỳnh Thúc Kháng[sửa]

  • Như vậy mà cho là không quan hệ thì những lối trèo tường trổ ngõ, quạt ước trăng thề, ép liễu nài hoa, cắp hương trộm ngọc kia mới là quan hệ với học vấn tư tưởng sao? lập luận ấy mới là chánh sao? (Chánh học cùng tà thuyết có phải là vấn đề quan hệ chung không?, 1930)
  • Như con đĩ Kiều kia và cả chuyện Kiều nữa mới gọi là nhu mỵ. Thế mà cho kẻ bác học Kiều là đạo đức hương nguyện thì cái chuyện phong tình ấy là đạo đức gì? (Chánh học cùng tà thuyết có phải là vấn đề quan hệ chung không?, 1930)
  • Con đĩ Kiều kia, có cái giá trị gì? Người tô vẽ Kiều kia có công đức gì mà hoan nghinh? (Chánh học cùng tà thuyết có phải là vấn đề quan hệ chung không?, 1930)
  • Sau nầy tôi xin chánh cáo cho anh em trí thức trong nước rằng: Truyện Kiều chẳng qua là một lối văn chương mua vui mà thôi, chớ không phải là thứ sách học; mà nói cho đúng, Truyện Kiều là một thứ dâm thư, rõ không ích mà có hại. Ở xã hội ta từ có kẻ tán dương Truyện Kiều, truyền bá học Kiều đến nay, đã biết bao lớp thanh niên say mê sóng sắc, chìm nổi biển tình, dứt cả nền nếp gia đình, trật tự xã hội mà theo mối ham mê của mình. Hiện xã hội ta ngày nay mà diễn ra những tuồng thương phong bại tục kia, cái giống độc con đĩ Kiều, gieo vào trong cõi tư tưởng không phải là ít. Vậy ngày nay mà được trăm ngàn người học Kiều, thì khắp trong xã hội ta, không thấy cái gì ích mà chỉ thấy cái hại; mà nếu được một người « đạo đức hẹp hòi » như ông Ngô Đức Kế thì không khác gì cột đá giữ giòng sông lở, ngọn đuốc trong khoảng đêm trường, có công với thế đạo nhân tâm không phải ít, vì cái mãnh lực của ông đủ kéo được biết bao nhiêu kẻ sa hầm sụp hố kia. (Chánh học cùng tà thuyết có phải là vấn đề quan hệ chung không?, 1930)
  • Tôi hay là ông Ngô bác Kiều là bác cái truyện tiểu thuyết « phong tình hối dâm » kia, không đáng làm sách gieo nọc độc gió giăng hoa liễu trong não thiếu niên nam nữ ta. Gió giăng hoa liễu là điều bất chính, bất chính tức có hại. (Mê người trong tiểu thuyết và mê người trong tuồng hát, 1934)
  • Một cái hộp sơn son thiếp vàng trổ rồng chạm phượng, về mặt mỹ thuật rõ là cực tốt mà ở trong đựng những vật có chất độc, ai khen cái hộp tốt mặc ai, chớ những người chỉ đó mà nói với công chúng rằng trong có chất độc, chất độc ấy có hại... thật không có chút gì là tàn nhẫn mà khi nào cũng là chánh đáng cả. (Mê người trong tiểu thuyết và mê người trong tuồng hát, 1934)