Câu đối về các danh nhân đương đại

Bộ sưu tập danh ngôn mở Wikiquote


Những câu đối và Thơ xướng họa liên quan đến Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961)[sửa]

Ưng Bình Thúc Giạ Thị là cháu nội Đức ông Tuy Lý Vương, là con Hiệp tá Tiểu Thảo Hồng Thiết. Bên con đường rộng qua thôn Vỹ Dạ, gần kinh thành Huế, trước một khu vườn rậm rạp thuộc phủ Tuy Lý, trên bờ sông Hương, khách qua lại thương nhìn thấy một cái cổng xây trên đề ba chữ: "Chu hương viên", hai bên có kèm một đôi câu đối chữ Hán:

Khoái mã trưòng chu đông tây đắc lộ
Hầu môn cự thất tả hữu vi lân

Và một đôi câu đối Nôm:

Ưng học thi tiên, thẳng đó một đường lên Vỹ Dạ
Muốn nghe kinh Phật, cách đây vài cửa đến Ba La

Từ cổng vào mấy chục thước, ẩn hiện một tòa nhà ngói với sân lát bến xây, tường hoa non bộ, bên trong thì viện sách, hiên đàn, lầu thơ, đài Phật, hoành phi, câu đối, sập gụ, ghế bành. Chủ nhân chính là Thúc Giạ Ưng Bình Thúc Giạ Thị, cuộc đời của ông có một chuyện vui lạ nhất, là lễ điếu sống Tiên sinh do các bạn làng thơ bày đặt vào mùa xuân năm Tân mão 1951 khi Tiên sinh 75 tuổi. Trong số đó có câu đối do cụ Thảo Am Nguyễn Khoa Vi viết tặng như sau:

Cô Huệ, cô Na, đương học vở kép đào, họ quyết yêu cầu thầy ở lại
Ông Lý, Ông Đỗ, dẫu ngứa nghề ngâm vịnh, ai cho nghinh tiếp Cụ về chơi

Năm Bính thân 1956 là tiệc thọ 80 của Tiên sinh. Lại yến ẩm đàn ca, lại thơ tự thuật với hàng trăm bài họa lại, trong đó nổi bật nhất có bài của cụ Ngư Xuyên Hoàng Xuân Vịnh.

TÁM MƯƠI TUỔI TỰ THUẬT

Ngựa tre rong ruổi thú reo cười,
Nay đã thành ông cụ tám mươi.
Còn lắm tỉnh say theo cuộc thế,
Trải bao chua ngọt với mùi đời ;
Lựa vai quan lão thêm nghề hát,
Cắp bút thầy đồ sẵn chuyện chơi.
Già hẳn kém duyên chưa kém nợ,
Nợ thi nợ tửu vướng nhiều nơi.

Bài thơ họa sau đây là của Cụ Ngư Xuyên Hoàng Xuân Vịnh:

Còn biết bao xuân với nụ cười
Tám mươi, rồi tới chín mười mươi...
Nào thơ, nào rượu, ham vui bạn,
Vì nước, vì non, phải mến đời
Vầy tiệc đình hưu nhiều chuyện thú,
Xem tuồng sân khấu lắm trò chơi
"Thọ bôi" một chén đường muôn dặm
Mượn cánh hồng mang đến tận nơi.

Cuối mùa xuân năm Mậu tuất 1958 (82 tuổi) Tiên sinh bỗng bị đau nặng. Trong khi ngọa bịnh, Tiên sinh vẫn thiết tha với bạn thơ, cho nên đã có bài“Bệnh trung ngâm” như sau đây :

Lão phu đà vướng bệnh tương ty,
Mơ mộng khôn khuây bởi cớ gì ?
Đã biết nhà Nho theo chánh đạo
Thường mong cửa Phật đến qui y
Đường xa cậy có tin thanh điểu
Xuân muộn còn nghe tiếng tử qui
Duyên nợ văn chương tình hữu ái
Dễ gây thương nhớ bạn làng thi.

Cụ An Đình Trần Kinh đã họa lại bài thơ trên như sau:

Thiếu chi thi bá dưới âm ty
Thúc Giạ xin ông chớ vội gì
Rán ở lại đây nơi bạch xã
Để cùng vui với bạn ô y
Câu văn lành mạnh lời kim thạch
Chén rượu thơm nồng vị thục qui
"Bình phục" hôm nay mừng chúc Cụ
Tấc thành kính họa mấy vần thi

Cụ Quì Ưu Nguyễn Đôn Dư cũng họa như sau:

Mái tóc đài gương nặng tuyết ty
Phong sương dẫu nhuốm chửa can gì
Tâm hồn đau khổ nào ai biết
Dung mạo nhân từ thấy vẫn y
Mỏi gối còn đua tài thất bộ
Nhức đầu vẫn nhớ nguyện tam qui
Ơn Trời, ơn Phật phù trì Cụ
Khỏe cánh bền quai với bạn thi

Tết Kỷ hợi 1959, bên cạnh phu nhân tuổi đà tám chục, xung quanh có thứ thiếp và con cháu đầy đàn, Tiên sinh lại nhắp chén rượu mừng xuân mà ngâm câu tự thuật:

Đình hưu vách mảy lại ngâm nga
Tức cảnh câu thi Tết gọi là
Khỏe cánh tìm hương con bướm liệng
Vui lòng rủ bạn tiếng oanh ca
Ngành cây cổ thụ đương sây lá
Ngọn bút tao đàn cứ trổ hoa
Tuổi thọ trời cho ai có hỏi
Thưa rằng: nay đã tám mươi ba.

Cụ Đông Viên Phạm Huy Toại đã họa vần như sau:

Nhớ khách đêm hằng tựa bóng Nga
Tiếp thơ mừng rỡ biết bao là
Du dương án ngọc gieo vần Lý
Réo rắt oanh vàng họa tiếng ca
Nhã khúc tưởng văn Tiềụn Xích Bích
U hoài khác điệu Hậu Đình Hoa
Tao đàn nguyên soái lừng Hương Ngự
Một đấng tam tôn đủ cả ba

Câu đối của Tiến Sĩ Nho Học Võ Khắc Triển (1883 - 1966)[sửa]

Võ Khắc Triển sinh tại làng Mỹ Lộc, Lệ Thủy, Quảng Bình. Sau Cách mạng Tháng Tám, làm Chủ tịch Hội Liên Việt huyện Lệ Thủy. Khi làm tri phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định, mật thám bắt thầy giáo Nguyễn Tất Thành đưa về nhốt ở lao phủ An Nhơn. Cụ Võ nhận ra Nguyễn Tất Thành vì cụ đã từng quen biết cụ Nguyễn Sinh Sắc. Ngay nửa đêm hôm đó, cụ lệnh cho cai ngục đưa chìa khóa để vào lao gặp Nguyễn Tất Thành, biếu hai mươi đồng bạc Đông Dương, rồi giục phải đi ngay lập tức.”

Năm cải cách ruộng đất, cụ Võ bị kết án tử hình, cụ viết bản khai gửi ra Hà Nội, cụ được đưa ra Trung ương theo lệnh của Hồ Chủ Tịch. Mấy ngày trước khi mất, Võ Khắc Triển viết lên giấy hồng đào dâng đôi câu đối để gửi lại đời sau:

Chỉ thử nhất phiến bà tâm, nguyện thế thượng tình, nhân thành quyến thuộc;
An đắc vạn gian quảng hạ, tí thiên hạ hàn sĩ câu hoan nhan

dịch nghĩa:

Tôi chỉ có một mảnh lòng nhân từ, nguyện cho người hữu tình trên thế gian đều thành quyến thuộc
Làm thế nào để được một vạn gian nhà rộng, giúp cho hàn sĩ trong thiên hạ đều được vui tươi.

Noi gương cha, tám người con của cụ Nghè đều vượt lên thử thách về “thành phần”, đỗ đại học, có chức vị xã hội. Danh thơm cụ Nghè kết thành chữ:

“Quả tim vàng gan thép sống trần gian
Tiền tài, chức vị không sao thắng cụ”

Câu đối liên quan đến Văn Gia Hồ Biểu Chánh (1885 - 1958)[sửa]

Hồ Biểu Chánh, tên thật là Hồ Văn Trung, tự là Thứ Tiên, sinh năm 1885 (có tài liệu ghi năm 1884) tại làng Bình Thành, nay thuộc xã Thành Công, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. Những tác phẩm chính của ông, như: Ai làm được (1912), Chúa tàu Kim Quy (1922), Cay đắng mùi đời, Tỉnh mộng, Một chữ tình (1923), Nhân tình ấm lạnh, Tiền bạc bạc tiền, Ngọn cỏ gió đùa (1925), Thầy thông ngôn (1926), Cha con nghĩa nặng (1929), Nặng gánh cang thường, Con nhà nghèo (1930), Con nhà giàu (1931), Nợ đời (1936), v.v..Ông mất tại quận Phú Nhuận, Sài Gòn. Lấy tên những tác phẩm của ông, hai nhà thơ Đông Hồ và Mộng Tuyết đã sáng tác hai câu đối đến viếng ông trong lễ tang:

Cay đắng mùi đời, Con nhà nghèo, Con nhà giàu, tiểu thuyết viết sáu mươi ba thiên, Vì nghĩa vì tình, Ngọn cỏ gió đùa, Tỉnh mộng, mấy Ai làm được?
Cang thường nặng gánh, cơn Khóc thầm, cơn Cười gượng, thanh cần trải bảy mươi bốn tuổi, Thiệt gia gia thiệt, Vườn văn xưa ghé mắt, Đoạn tình còn Ở theo thời.

Câu đối của Nông Sơn Nguyễn Can Mộng (1886 - 1953)[sửa]

Nguyễn Can Mộng, hiệu Nông Sơn, quê làng Hoằng Nông, huyện Duyên Hà, phủ Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình, nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, ông đỗ phó bảng năm 1916 nên thường gọi là Bảng Mộng. Năm 1917 làm giáo thọ cùng huyện, năm 1919 về dạy Hán Văn tại trường Bưởi ở Hà Nội, năm 1920 thăng Kiểm học, rồi làm việc ở phòng báo chí phủ Thống sứ Bắc kì đến năm 1931. Năm 1936 giữ chức đốc học tỉnh Nam Định đến năm 1940 thì về hưu, nhưng vẫn lưu dạy Hán văn tại trường Bưởi. Những năm 1949-1953 ông phụ trách giảng dạy môn Hán văn tại Đại học Văn khoa Hà Nội. Ông có câu đối như sau:

Rượu xơi cốc lớn vì say gái
Bạc đánh cò con cũng thức dai
Hai cặp: “cốc” (“(cái) cốc” - “(con) cốc”) 2 “cò” (“(đánh) cò (con)” - “(con) cò”); “gái”2“dai (trai)” (“(thức) dai” - “(gái) giai”)

Những câu đối liên quan đến Nhà Báo - Nhà Văn Phan Khôi (1887 - 1959)[sửa]

Phan Khôi sinh tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bút hiệu : Chương Dân, Khải Minh Tử, Tân Việt chung với Diệp Văn Kỳ, Nguyễn Văn Bá; Thông Reo chung với Nguyễn An Ninh; Tú Sơn, phiên âm chữ “Tout Seul” (“Một Mình”) để nhại Tú Mỡ… Riêng trên báo “Sông Hương” 1936–1937, có hơn 10 tên khác nhau: Phan Khôi, Sông Hương, Ngự Sử, Phan Nhưng, Tú Vườn, Bê Ca, K, PK, TV, … chắc chắn là Phan Khôi; còn TT, TM, PTT… có thể cũng là Phan Khôi. Vì vậy, việc xác định văn bản Phan Khôi không dễ dàng. Sau khi ông mất, con trai là Phan Nam Sinh có làm đôi câu đối phúng điếu cha như sau:

Lúc xã hội nhố nhăng, cúi chẳng cúi, luồn chẳng luồn, há chịu phép vú to lấp miệng
Khi văn chương nhập nhoạng, tranh ra tranh, cãi ra cãi, đâu đành lòng mũ nỉ che tai

Câu đối do thiên hạ phúng điếu:

Phan công quyến tộc sơn hà tại
Việt quốc chương dân thế đại tồn

Dịch:

Cụ Phan gia quyến lưu sông núi
Non Việt dân văn tục vạn đời

Phan Nam Sinh thật sự choáng ngợp và thán phục trước kho tri thức uyên bác, vừa có chiều rộng lại có chiều sâu mà cha ông sở hữu. Càng khâm phục hơn khi biết kho tri thức đồ sộ ấy là do ông tự học, tự tích lũy gần như cả đời mà có. Phan Nam Sinh lại nhớ tới hai câu 5-6: "Đầy bụng báng nhau trăm bộ sách, Còng lưng thồ nặng chín triều vua" trong bài thơ luật Đường ông viết hồi năm 1957, năm ông 70 tuổi, có tên là Bảy mươi tự thọ mà từ lâu Phan Nam Sinh đã thuộc lòng. Thế là câu đối cứ tự nhiên mà ra, chẳng gặp bất cứ khó khăn nào, cứ như có ai đó cầm tay viết giúp vậy:

Dẫu tự học, chỉ tự rèn cũng đầy bụng báng nhau trăm bộ sách
Lo dân sinh, vì dân chủ mà còng lưng thồ nặng chính triều vua

Sao lại là chín triều vua? Ấy là con số xuất phát từ bài Những con số không nhất định trong từ ngữ trong số di cảo của ông viết gần một năm trước khi mất. Trong bài khảo cứu này, ông cho biết số chín trong từ ngữ nào có số chín không nhất định là để chỉ "số rất nhiều trong các số cơ bản", như "chín tầng trời, chín nghìn anh em" là để chỉ rất nhiều tầng trời, rất nhiều anh em. Nó khác hẳn với số chín nhất định như nói thiều quang chín chục là chỉ chín chục ngày mùa xuân, đi bốn biển chín châu là đi cả bốn biển chín châu theo cách người Trung Quốc xưa phân chia đơn vị hành chính của nước họ. Vì vậy mà chín triều vua trong còng lưng thồ nặng chín triều vua là để chỉ ông đã phải sống qua rất nhiều triều vua, không có ý gì khác, cũng chẳng định ám chỉ ai hoặc bất cứ điều gì.

  • Năm 2013, vào dịp kỷ niệm 54 năm ngày ông qua đời, Pham Nam Sinh lại viết câu đối dâng lên hương hồn ông như sau:
Đi kháng chiến, đuổi thực dân, tội phản động về cùng chín suối
Đón văn minh, khai dân trí, gương duy tân ở với trời xanh!

Câu đối của Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhu (1887 - 1962)[sửa]

Nguyễn Huy Nhu còn gọi là Nghè Nhu, Ông là người làng Vạn Lộc, tổng Thượng Xá, huyện Nghi Lộc, phủ Hưng Nguyên (nay là phường Nghi Tân, Thị xã Cửa Lò), tỉnh Nghệ An. Ông đỗ Cử nhân khoa Kỷ Dậu 1909, sau đó được sung chức Giáo thụ phủ Quảng Ninh, Huấn đạo hạng nhất. Năm 1916, ông đỗ Tiến sĩ khoa thi Bính Thìn, dưới triều vua Khải Định, khi mới 30 tuổi. Về sau ông làm quan đến Hàn lâm viện Tu soạn, Đốc học Quảng Ninh. Khi Viện Đại học Huế được thành lập năm 1957, ông được mời làm giáo sư môn Hán văn. Ông có để lại câu đối ca ngợi phong cảnh của quê hương mình như sau:

Dạo gót thử trông xem, kìa Lô Thuỷ, nọ Ngư Sơn vui thú đâu hơn quê quán cũ
Cầm tay xin nhắc lại, kẻ Lan Tôn, người Quế Tử, vun trồng xin nhớ cội cành xưa

Câu đối của Soạn giả Cải lương Nguyễn Tri Khương (1890 - 1962)[sửa]

Nguyễn Tri Khương là con thứ 5 của Nguyễn Tri Túc, cháu nội Khâm sai Kinh Lược Nam Kỳ Nguyễn Tri Phương, là cậu ruột của giáo sư Trần Văn Khê. Ông là một nghệ sĩ và là soạn giả cải lương danh tiếng tại miền Nam Việt Nam đầu thế kỷ 20. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là vở cải lương "Giọt lệ chung tình", nhưng thường được nhiều người biết đến với tên dân gian "Chuyện tình Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà". Hồi nhỏ anh em Trần Văn Khê và Trần Văn Trạch thường xuyên tiếp xúc với cậu Năm , và có những kỷ niệm sâu sắc về cậu qua những câu đối độc đáo như sau:

  • Câu đối «nói láy»:
«Ông mượn cháu, đi Giồng dứa , mua dừa gống về ươn mộng» «Ông mượn , ươn mộng ; giồng dứa, dừa giống».
« Chồng sai vợ, đi Chợ Thủ kêu chủ thợ về chày sông » «Chồng sai, chày sông, Chợ Thủ, chủ thợ »

Một hôm cậu Năm ra câu đối :

«Cỡi máy bay, bay vòng Đông Tây Nam Bắc»
Không ai đối được, cậu Năm đối : «Đi tàu lặn, lặn mãn Xuân, Hạ, Thu Đông».

Cậu năm lại ra một câu rất khó đối: «Thằng đàng Thổ, nằm dưới đất, ăn thục địa »

Thổ là đất, địa cũng là đất lại nằm dưới đất . Lẽ tất nhiên không ai đối được.
Chính cậu năm tìm ra câu đối : «Chà Châu giang, lội qua sông, hái bạc hà »
Giang là sông, hà cũng là sông, lại lội qua sông. Thục địa là một vị thuốc, bạc hà là một loại rau nhưng cũng là vị thuốc.

Năm 1934, Trạch mới được 11 tuổi ta, một hôm thấy con chó mực trong nhà làm đổ bình mực liền nghĩ ra một câu đối và thưa với cậu Năm : « Cậu ơi! Con mới ra câu đối để cậu đối lại cho con:

«Chó mực làm đổ bình mực, mực đổ trên mình chó mực»

Cậu Năm nói : «Cậu không đối liền được, hẹn con đến trưa nay cậu sẽ tìm câu đối». Cậu ra vườn trồng bông. Vài giờ sau, cậu năm tươi cười gọi Trạch và tôi đến để nghe câu đối :

«Gà bông bươi ngã bụi bông, bông rơi trên cánh gà bông »
Anh em Khê Trạch vỗ tay hoan nghinh, nhưng cậu năm nói : « Đối ý thì hoàn toàn, nhưng đối chữ còn chưa được. « … làm đổ bình mực », chữ đổ trắc mà cậu đối « làm ngã bụi bông », chữ ngã cũng trắc, nhưng cậu tìm không ra chữ nào giọng bình. Chữ làm đổ bình mực và mực lại đổ trên mình chó mực, hai chữ đổ cùng âm mà khác nghĩa. Nhưng kể ra câu đối của con cũng khó đối lắm. Và cậu khen Khê em mới 11 tuổi mà đã ra được câu đối mắc mỏ như vậy.'

Câu đối của Hà Trì Cử Nhân Trần Đình Tân (1893 - 1979)[sửa]

Trần Đình Tân còn có tên là Trần Hữu Liệp, tự Lữ Tiên, hiệu Hà Trì, sinh tại thôn Cảnh Vân tổng Dương An phủ Tuy Phước, nay là thôn Cảnh An xã Phước Thành huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định. Tại nhà ông Mạc Trác ở bờ bắc sông Kôn gần Bảo tàng Quang Trung (Thị trấn Phú Phong huyện Tây Sơn), trên nhà ngõ có khắc hàng chữ “Nhà thờ ông Mạc Hoán (1860 - 1932) chủ thảo Phong trào Cần vương”. Ngôi nhà này là nhà lá mái do ông Mạc Hoán - ông nội cụ xây dựng tính đến nay đã hơn một thế kỷ, có một câu đối không khảm - do Trần Đình Tân viết tặng nội dung như sau:

淵源聖道尊堂殷茹古含今漁獵百城綺歲遍聞騰譽屢經藝戰正思蓬島晤神仙那知時數限人丹桂未能攀手比及勤王懈施即授徒隆泰斗師資名屈而壽以償豹隱南山八九年華歸淨土 Uyên nguyên thánh đạo, tôn đường ân nhự cổ hàm kim, ngư liệp bách thành, ỷ tuế biến văn đằng dự, lũ kinh nghệ chiến, chính tư bồng đảo ngộ thần tiên, na tri thời số hạn nhân, đan quế vị năng phan thủ, tỉ cập cần vương giải thỉ, tức thụ đồ long thái đẩu sư tư, danh khuất nhi thọ dĩ thường, báo ẩn nam sơn, bát cửu niên hoa qui tịnh độ (Vế này nói về cuộc đời ông Mạc Hoán thân sinh ông Mạc Viên: Đạo thánh như nguồn nước trong và sâu thăm thẳm, tôn đường từng am hiểu việc xưa nay, kể cả đi săn, đi câu, trải qua trăm thành, giữa cái tuổi bông hoa đầy hứa hẹn, sớm nổi tiếng khắp nơi,từng mang lều chõng đến trường thi, mơ ước gặp thần tiên nơi bồng đảo, nào hay thời số ngăn người, bàn tay nhỏ chưa vin cành đơn quế (vin cành đơn quế là thi đậu, không vin được cành đơn quế là thi hỏng), đến khi Phong trào Cần vương mệt mỏi và tan rã, chỉ biết chọn nghề dạy học, vì người đời đánh giá thầy dạy học có danh cao, ví như núi Thái sơn, như sao Bắc đẩu, mặc dầu danh tiếng trước đây bị mờ lấp, nhưng nay tuổi thọ được lên cao để bù lại, như con báo (con beo) ở ẩn cho mượt lông nơi núi Nam, dần dà đến cái tuổi niên hoa tám chín (tám chín tức là 72 tuổi) là thời điểm xa lánh cõi đời tiêu diêu miền tịnh độ (miền đất Phật)
弓冶故家賢甫善繼志述事笙簧六籍妙齡獨擅蜚聲初次鏖場賒想風雲逢盛會叵耐文章憎命朱衣沒見點頭嗣因科舉變遷遂宰里做朝廷季子前嗇更豊其後鷗閑北海一雙橋梓衍長春 Cung dã cố gia, hiền phủ thiện kế chí thuật sư, sanh hoàng lục tịch, diệu linh độc thiện phi thanh, sơ thứ ao trường, xa tưởng phong vân phùng thịnh hội, phả nại văn chương tăng mệnh, châu y một kiến điểm đầu, tự nhân khoa cử biến thiên, toại tể lý tố triều đình quý tử, tiền sắc cánh phong kỳ hậu, âu nhàn bắc hải, nhất song kiều tử diễn trường xuân (Vế này nói về ông Mạc Viên thân sinh ông Mạc Trác: Nối nghiệp nhà (lương cung, lương dã. Lương cung là thợ làm cung, uốn vành thúng (gọi là ky), lương dã là thợ hàn, thợ rèn, gôm nhiều mảnh ghép lại thành áo cừu - gọi là cừu, tức là ky cừu hữu kế - sách Quỳnh Lâm cố sự), hiền phủ nối chí cha, chăm lo học hành viết sách, dạy gõ sênh sách để điều hòa nhạc điệu, cái tuổi đương thời là kỳ diệu, là đạo lý, riêng chiếm cái danh lớn quanh vùng. Lần đầu tiên đến trường thi, những mong mây gió phen này tạo cơ hội tốt để tiến thân, nào ngờ văn chương ghen mệnh (tăng mệnh) nên chưa được cái gật đầu của ông già mặc áo đỏ đứng bên ban giám khảo (gật đầu là bài làm tốt đáng đậu, không gật đầu là bài làm không đúng qui cách, bị loại). Tiếp theo là khoa cử đổi thay (bỏ thi chữ Hán, chỉ thi chữ Quốc ngữ). Cuối cùng vẫn là việc làng, việc xã, làm con út của triều đình là lý trưởng. Quãng đường trước kia có éo le, quãng đường giờ đây có phần thanh thản, như con chim âu thanh nhàn nơi biển Bắc. Một đôi kiều tử (cây kiều là cha, cây tử là con) nối nhau diễn cảnh trường xuân với đời)
Có người là Đồng Phó Nguyễn Hoài Văn đã dịch ra quốc ngữ theo thể đối như sau:
vế ra: Thăm thẳm nguồn đạo, tôn đường am hiểu chuyện xưa nay, ngư liệp trải trăm thành. Giữa cái bông hoa đầy hứa hẹn, danh tiếng nổi khắp nơi. Nghệ chiến bao phen, ước mơ bồng đảo gặp thần tiên, nào hay mệnh số ngăn người, bàn tay nhỏ, nên vẫn chưa được vin lên cành đơn quế. Kịp đến phong trào cần vương tan rã, chỉ biết chọn nghề dạy học, mong tròn câu Thái Đẩu sư tư. Danh tuy mờ lấp, tuổi thọ đền bù, như con báo ở ẩn non Nam, tám chín niên hoa về tịnh độ
vế đối: Cung dã nghiệp nhà, hiền phủ noi theo dòng thế thuật, sênh hoàng qua sáu sách. Trong thời tên tuổi sắp vinh quang, tài hoa lừng mọi nẻo. Ao trường một độ, những tưởng gió mây thành vận hội, đâu ngờ văn chương ghen mệnh, riêng phận mỏng, không được cái gật đầu của bậc Châu y. Tiếp theo nhân thời khoa cử đổi thay, thuận đường quay lại hương thôn, làm nên tiếng triều đình quý tử. Đường trước éo le, nẻo sau bằng phẳng, tựa chim âu thanh nhàn biển Bắc, một đôi kiều tử diễn trường xuân

Có người là Hoài Sơn ở Long Khánh - Đồng Nai lấy cảm hứng dịch đôi câu đối trên thành 1 bài thơ theo thể "song thất lục bát" như sau:

Bởi cội nguồn lòng gìn đạo thánh, vọng tôn đường nghĩa chánh xưa nay
Tình khơi trăm nẻo giải bày, khắp nơi khen ngợi thú say ngư đàn
Đã một thời lừng vang bút tích, mộng chưa thành ngọc bích còn phai
Tiếc thay thân trải dặm dài, hụt cảnh quế đỏ vương đài khốn thay
Thuở Cần Vương vận may chưa đến, khiến con thuyền lạc bến Giang Nam
Quyền uy thế lực chẳng ham, vốn duy đạo đức đành cam làm thầy
Đời dẫu mất vơi đầy kiếp trải, núi Nam kia báo ẩn bên hoa
Quên dần bấy cảnh phong ba, bảy mươi hai thọ lìa xa cõi trần...
Noi dấu tiền nhân nung chí cả, hiếu trung tròn trải đã bao đời
Mặc cho cuộc thế đổi dời, bước công danh lỡ vẫn chơi phách hòa
Cho dẫu xưa xông pha ngán ngẩm, những mong ngày nắng ấm hồi qui
Gió chờ đón áng mây về, bút lông chẳng thẹn thương nghề văn chương
Khoa cử trượt yên cương lỡ hội, đành cam tâm chấp nhận tôi hiền
Một thời vang bóng hoa niên, tiếng thơm dẫu nhạt danh truyền còn lưu
Lòng vẫn tin cao mưu đối sách, như chim âu biển Bắc thanh cao
Vinh danh đáng được tự hào, một đôi kiều tử trải bao cánh ngàn

Câu đối của Nhà Sử Học Trần Trọng Kim viết tặng Kịch Tác Gia Vi Huyền Đắc[sửa]

Kịch tác gia Vi Huyền Đắc (1899 - 1976) được xem là một trong những người tiên phong trong nền kịch nói Việt Nam. Vi Huyền Đắc có tới hai đời vợ. Bà đầu mất sớm, để lại cho ông hai người con trai. Chỉ ít năm sau, ông gặp và tục huyền với bà Phan Thục Đức, bấy giờ là một cô giáo đang dạy học ở Kiến An. Bà Thục Đức vốn là một phụ nữ xinh đẹp, lại có học thức, Thục Đức đã làm nhiều tao nhân mặc khách chết mê chết mệt, trong đó có nhà sử học nổi tiếng Trần Trọng Kim (1883 – 1953). Bấy giờ Trần Trọng Kim đang là Thanh tra học chính, so với ông Đắc, ông Kim có hai ưu thế: Một là địa vị xã hội, hai là ông chưa một lần lập gia đình. ấy thế mà, như một nghịch lý, cô giáo Phan Thục Đức đã "chấm" người đàn ông một vợ hai con ấy. Về việc này, Trần Trọng Kim đã có câu đối tặng Vi kịch sĩ:

Trở lại đồng chua chơi xóm dưới
Nhảy vào làng giáo phỗng tay trên
Vi Huyền Đắc và Trần Trọng Kim vốn dĩ là bạn thân. Ở Hải Phòng, hai ông từng dắt nhau đi hát cô đầu ở Xóm Dưới, chi tiết ấy đã được đưa vào câu đối trên

Câu đối liên quan đến Chánh Bảy Bùi Quán (1897 - 1982) và Cửu Tý[sửa]

BÙI QUÁN, tục danh Ông CHÁNH BẢY. Thuở nhỏ Ông theo học Hán văn với Ngài Tú tài Phan Tuyên ở Cổ Tháp và sau lại học Quốc ngữ tại trường Diên Phong do Ông anh rể là nhà Ái quốc Phan thành Tài sáng lập ở Bảo An, Điện Bàn. Ông mất năm 1982, an táng tại nghĩa trang T.V.A.H ở Gò Dưa. Nơi đây, nhân trong sân có cội tùng và một cụm trúc – trúc vi quân tử, tùng thị trượng phu – và cũng nhân Tộc có tặng tấm hoành trong đề bốn chữ: “Lan ngọc tân đình”, Ông đã khẩu chiếm câu đối như sau:

QUẢNG ĐỊA ĐỐC PHƯƠNG CHI, LAN NGỌC TÂN ĐÌNH, XUÂN LỘ THU SƯƠNG, TRINH DŨNG KHÍ
NAM THIÊN CHUNG TÚ VẬN, HÀNH SƠN CỐ QUẬN, TÂM KHÔNG TIẾT TRỰC, VĨNH CAO PHONG

Bùi Thuyên thường gọi là Cửu Tý. Ông Cửu Tý thỉnh thoảng bị bệnh “điên” và khi “điên” thì làm bộ cưỡi ngựa bằng mo cau đi từ làng Trung Phước đến làng Cà Tang đọc thơ, làm câu đối thích chọc ghẹo cô gái cho vui.

Vế ra: Trạch Trạch Tư Can (Nhà của Tư Can)
Vế đối: Chân Chân Cửu Tý (Ông Cửu Tý cha Bùi Giáng đang đi nhà mới ông Tư Can)

Câu đối do ông Cửu Tý (Bùi Thuyên) ra cho ông Chánh Bảy (Bùi Quán - chú ruột ông Cửu Tý):

Vế ra: Chánh quán ở đâu, đâu chánh quán?

Chánh Bảy Bùi Quán đối: Vòng tay thưa lại với Bùi Thuyên

  • Câu viết trong hoàn cảnh khác:
Huyên thiên xấp xí Cửu Tý nói điên (của ông Điển Cần, châm ông Cửu Tý cả ngày đi rông ngoài đường, nói huyên thiên)
Lẩn quẩn lần quần Điển cần b... cặt (của ông Cửu Tý châm ông Điển Cần cả ngày lẩn quẩn trong vườn)

Câu đối và giai thoại về Nguyệt Viên Phạm Ngọc Trâm[sửa]

Phạm Ngọc Trâm người làng Vũ Lăng, tổng Thịnh Quang, huyện Kiến Xương (nay thuộc huyện Tiền Hải), tỉnh Thái Bình. Vì sinh ngày rằm nên ông được gọi là ông Rằm, tên hiệu Nguyệt Viên. Có người khuyên ông ra làm Lý trưởng, trong vùng bấy giờ chẳng mấy ai không nghe được mấy câu thơ Nôm ứng khẩu khi ông Lý Thoa nhận chiếc triện đồng: "Nhà nước ban cho một cục đồng, vành ngoài quốc ngữ chữ nho trong. Đeo vào cục ấy hay chăng nhỉ, Đứa gọi bằng thằng, đứa gọi ông." Ông biết thế mà vẫn phải dấn thân làm cái việc bất đắc chí này. Có lần quan huyện về thăm cha ông - cụ Cử Hòa. Trong cuộc rượu, ông viết hai vế đối Nôm đưa cho cụ Đề Bùi Duy Trinh xem:

Nho thường tôn Dịch, Lễ, Thi, Thư học hay thì đỗ
Thế vẫn chuộng anh hùng hào kiệt vận đến mới thành
Cụ Đề Bùi biết ông làm Lý trưởng là bất đắc dĩ mà thôi. Tuy nhiên, ông cũng hăng hái vận động dân xây cầu Thập Tam giáp giới làng Văn Lăng, xây cống Tam Đồng, xây khu Văn chỉ, nhà Hội đồng, chùa Tây làng, quán Nội Đông và Nội Tây làm nơi nghỉ trưa cho bà con làm đồng

Có lần, ông cùng bạn bè đến thăm nữ nghệ sĩ Quách Thị Hồ. Khi đó, nữ nghệ sĩ họ Quách đã rất nổi tiếng, trong nhà luôn có khách văn nhân tài tử đến để được thưởng thức tài nghệ của bà. Khi đó các ông chỉ được người nhà mời trà rượu ở nhà ngoài. Chờ đợi lâu chưa được gặp người nghệ sĩ tài hoa, ông Phạm Ngọc Trâm liền viết bài thơ gửi vào nhà trong cho bà:

Nức tiếng tài hoa đã bấy lâu
Ngày xuân hạnh ngộ buổi ban đầu
Lưng bầu rượu thánh nâng vài chén
Nửa nút thơ thần thưởng mấy câu
Hồng, Tuyết ân cần vui quạt nước
Huệ, Lan thắm thiết mải têm trầu
Lưu thủy cao sơn đà tỏ mặt
Tư mã cho nghe khúc phượng cầu?

Chưa cạn tuần trà, các vị khách đã thấy người nhà chuyển ra bài thơ họa nguyên vận:

Khép cửa phòng thu đã bấy lâu
Mong gì hợp ý với tâm đầu
Chim còn liệng tổ khôn chăng lưới
Cá đã no mồi khó cắn câu
Đã trải nhạt nồng từng ấm lạnh
Biết đâu mặn nhạt với sang giầu
Dám xin gửi lại lòng quân tử
Nhắc nhở làm chi chuyện hảo cầu

Bài họa nguyên vận có nội dung trả lời thật xác đáng để chối từ. Tưởng như thế đã kết thúc, chẳng ngờ bài thơ họa lại trở thành sự thách thức, gợi thêm thi hứng cho Phạm Ngọc Trâm. Ông liền viết tiếp bài thứ hai và tài tình ở chỗ, câu nào cũng có một chữ “Hồ”:

Đem thân Hồ hải đứng phong trần
Cửa khép song Hồ trải mấy xuân
Bóng quế Hồ trong từng mỏi mắt
Cung mây Hồ tới đã chồn chân
Trắng phau Hồ ngọc in vầng thỏ
Trong vắt Hồ băng tựa vẻ ngân
Một khúc Hồ cầm gương bạc mệnh
Ngựa Hồ xin gửi lại tình quân

Bài thơ gửi vào nhà trong một lát thì nghệ sĩ Quách Thị Hồ vui vẻ bước ra, vừa cười vừa nói: “Xin bái phục tám chữ “Hồ” của khách văn chương, và xin phép được họa lại bằng bốn chữ “Trâm”:

Ngọc Trâm sẵn dắt mái đầu
Trao Trâm phải lứa gieo cầu đúng nơi
Cùng nhau Trâm quạt đổi rời
Rút Trâm tặng lại một bài ca ngâm

Câu đối liên quan đến Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm (1901 - 1963)[sửa]

Ngô Đình Diệm sinh tại làng Đại Phong, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. Thời kỳ 1934-1944, Ngô Đình Diệm tham gia thành lập và lãnh đạo đảng Đại Việt Phục hưng chống Pháp. Ngày 16/6/1954, Quốc trưởng Bảo Đại mời Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng. Sau đó Ngô Đình Diệm tổ chức bầu Quốc hội Lập hiến cho Quốc gia Việt Nam, Quốc hội này ban hành Hiến pháp đổi tên Quốc gia Việt Nam thành Việt Nam Cộng hòa. Chính thể mới Việt Nam Cộng Hoà được thành lập vào ngày 26 tháng 10 năm 1955 và sau đó ông được bầu làm Tổng thống nền Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam. Tương truyền, vị tổng thống của nền đệ nhất cộng hòa trong Miền Nam rất thích câu đối cổ khuyết danh vịnh cây tre, đôi câu đối này đã được ông treo trên đầu giường ngủ của mình:

vế ra: 未出土時先有節 VỊ XUẤT THỔ THỜI TIÊN HỮU TIẾT (Chưa ra khỏi mặt đất, trong người đã có đốt, có khí tiết)
vế đối: 到崚澐處也虛心 ĐÁO LĂNG VÂN XỨ DÃ HƯ TÂM (Chạm đến mây trời, ruột vẫn hư không)

Những giai thoại đối đáp của Thi Sĩ Dân Gian Vũ Hưng Khoan[sửa]

  • Ở làng Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam trong thời Pháp thuộc cho đến vài năm sau 1975, có nhà thơ dân gian tên là ông Võ Hưng Khoan rất nổi tiếng đương thời trong địa phương là một nhà thơ hết sức xuất sắc, xuất khẩu thành thơ, đặc biệt là tài năng hiếm thấy về câu đối. Tiếc rằng sự nghiệp văn học của ông bị thất truyền nhiều và tăm tiếng chưa thật sự được phổ biến lắm, ở đây chỉ trích dẫn hai giai thoại nhỏ của ông về câu đối mà thôi. Đó là trong làng có hai anh em ông nọ người em tên Kỳ và người anh tên Lang (ông Tú Lang là cha của nhà văn Vũ Hạnh). Hồi ông Khoan còn rất trẻ, người làng ra câu đối để thử tài ông về anh em Lang, Kỳ (ông Lang bị điếc, ông Kỳ bị chột hết một mắt). Ông Khoan thong thả đọc:
KỲ CỤC ĐÃ ĐÀNH ĐUI MỘT MẮT
LANG THANG CÒN CHỊU ĐIẾC HAI TAI
  • Lần khác, cũng ở trong làng vào khi đó có hai bà vợ của hai ông Đội (lính bảo hộ) tên là bà Đội Khứ và bà Đội Lai. Lại có người bà con của ông Khoan là một cụ già có chức hàm là biên, nên tục gọi là ông Biên, ông này già nên hói tóc. Có lần ông Khoan còn rất nhỏ đến nhà ông Biên chơi, ông Biên biết ông Khoan có tiếng thông minh, hay chữ ngay từ khi còn rất nhỏ nên ra câu đối:
vế ra: BÀ ĐỘI KHỨ BÀ ĐỘI LAI HAI BÀ ĐỘI
Ông Khoan liền buột miệng đối lại ngay: ÔNG BIÊN GIÀ ÔNG BIỆN TRỘT MỘT ÔNG BIÊN!
Quả thật già, trột đối lại với khứ, lai đều chỉ chung một thực thể đối lại với hai hành động nơi cùng một chủ thể, quả rất lý thú và hết sức tinh tế, thông minh.

Những câu đối và thơ xướng họa liên quan đến HIỆP LÝ PHAN THIỆN TRÌ (1887 - 1972)[sửa]

  • Thơ xướng họa trong tù (lao xá Quảng Nam 1940)

bài xướng của một cán bộ coi tù:

Thế giới trông mong đến Đại Đồng
Ngày nay quả thiệt gặp huynh ông
Chủ trương khác hẳn tâm và vật
Huy hiệu sai nhau bạch với hồng
Luận điệu nộp quy nào thực tế
Tuyên truyền suy diễn thuyết hư không
Ngày nào Nam Bắc trung hòa một
Thế giới trông mong đến Đại Đồng

Bài họa của Phan Thiện Trì:

Thế giới trong mong đến Đại Đồng
Tiến hành xin nhượng thiếu niên ông
Nhơn sanh phải có tâm và vật
Đạo đức đâu phân bạch với hồng
Sau trước đạo người nhơn nghĩa trọng
Chỉ riêng loài vật lý luân thông
Ngày nào Nam Bắc trung hòa một
Thế giới trong mong đến Đại Đồng

Bài xướng họa của Thanh Tâm, một bạn tù (nhà lao Quảng Nam 1940):

May gặp Thầy đây suốt những ngày
Sống chung tù tội nếm chua cay
Giữ bờ Quan lớn hồi mưa nắng
Đẩy gạo đường xa lệnh bếp cai
Thầy đã sĩ hiền cam ngục thất
Tôi vì Đạo nghĩa chịu trần ai
Nay Thầy còn ở tôi về trước
Thẳng một đường trời thỏa chí trai

Bài họa của Phan Thiện Trì:

Ở đây chưa đặng mấy mươi ngày
Đã nếm mùi đời lắm đắng cay
Đâu để châu thân vùi cát bụi
Từng đêm tình cảm đối binh cai
Non sông ngắm đến buồn thêm nhỉ!!
Danh lợi mà chi trối mặc ai
Chẳng hổ tu mi lời tạc dạ
Kinh luân sự nghiệp chí làm trai.
  • Những câu liễn phúng đối của toàn đạo khi Ngài Phan Thiện Trì Quy tiên!
"Núi Phổ Đà nhẹ gót vân du, gió mát trăng thanh, ông mãi yên vui trên động thánh
Đường giải thoát men chân tiến thủ, công tròn quả xứng, cháu hằng gắng gỏi giữa trời nam
"Hết lệ thuộc đến tự do, còi gậy thẳng lên đường, quyết chí theo Thầy, đem ánh từ bi nhuần gội khắp
Xa lợi danh tìm hạnh phúc, pháp quyền xin giữ dạ, một lòng vì Đạo, noi gương giải khổ dắt dìu chung."
"Chí lớn tại thanh tâm, mưu việc nước, tính sự nhà, một thuở lẫy lừng, hương Đảng thơm lây công phá thạch
Đạo cao nhờ đức cả, khi vào tù, lúc thọ khổ, bao lần bất khuất, tiền nhân tô đẹp nét thanh niên."

Câu đối liên quan đến nhân vật lịch sử Phạm Khắc Hòe (1901 - 1995)[sửa]

Phạm Khắc Hòe là một luật sư, nhà văn, Đổng lý Ngự tiền văn phòng triều Bảo Đại - vua cuối cùng thời phong kiến trong lịch sử Việt Nam. Phạm Khắc Hòe quê ở xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1925, ông tốt nghiệp Cao đẳng pháp luật và hành chính, được phân công làm tham tá tòa xứ. Năm 1933, chuyển sang ngạch quan lại Nam triều, là Ngự tiền văn phòng đổng lý cho Bảo Đại. Ông là người soạn thảo chiếu “thoái vị” cho vua Bảo Đại ngày 22/8/1945. Cụ ra đi một cách bình thản. Theo lời con cháu kể lại thì sáng hôm đó, như thường lệ cụ dậy sớm. Điểm tâm xong, cụ đi nằm trở lại, quay mặt vào tường. Nửa tiếng sau, cụ ra đi. Từ Paris, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, người anh con cậu của cụ Hoè, gửi về viếng câu đối sau đây:

“Nhật đột diệt quyền Tây, Bảo Đại giữ lòng ngay, danh dự vẹn toàn nhờ chú giúp.
Pháp tái xâm đất Việt, Cựu hoàng thành kế kịp, dỗ dành quyến rũ bị ung từ”.
Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) là một học giả lớn, là bác học trên nhiều lĩnh vực của khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội và nhân văn. Ông sinh ra ở làng Văn Minh, tổng Yên Hồ, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ (nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh).

Câu đối liên quan đến Phó chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (1904 - 1979)[sửa]

Nguyễn Lương Bằng, bí danh là Triệu Vân, biệt danh là Sao Đỏ hay Anh Cả, sinh tại Thôn Đông, nay thuộc xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện. Tháng 12-1925, đồng chí gia nhập tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Năm 1929, gia nhập An Nam cộng sản Đảng. Năm 1944, đồng chí giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính của Tổng bộ Việt Minh. Sau Cách mạng tháng Tám, đồng chí giữ nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước. Ngày 23-8-1969, đồng chí được Quốc hội bầu làm Phó Chủ tịch nước và giữ chức vụ này cho đến khi qua đời. Để ghi nhận đức tính cao quý của đồng chí, tại hậu cung Nhà tưởng niệm có câu đối do cụ Trần Đương sáng tác và Bảo tàng tỉnh nhuận sắc:

Hồng lộ xuất vĩ nhân, liêm , chính, kiệm, cần, lừng danh Sao Đỏ
Thanh Tùng sinh hào kiệt, trí, dũng, kiên, trung, nức tiếng sử xanh.

Những câu đối người đời phúng điếu Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (1906 - 1963)[sửa]

Nguyễn Tường Tam là một nhà văn, nhà báo với bút danh Nhất Linh, Tam Linh, Bảo Sơn, Lãng Du, Tân Việt, Đông Sơn (khi vẽ). Ông sinh ra tại phố huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Năm 1930, ông đậu bằng Cử nhân Khoa học Giáo khoa (Lý, Hóa). Năm 1947, Nguyễn Tường Tam ủng hộ giải pháp Bảo Đại thành lập Quốc gia Việt Nam. Năm 1960 ông về Sài Gòn thành lập Mặt trận Quốc dân Đoàn kết, ông bị Ngô Đình Diệm giam lỏng tại nhà riêng. Đêm 7 tháng 7, Nguyễn Tường Tam dùng thuốc độc quyên sinh. Sau khi ông mất có rất nhiều người viết câu đối phúng điếu như sau:

1 - Câu đối của Vũ Hoàng Chương (1916 - 1976):

Người quay tơ, đôi bạn, tối tăm, anh phải sống chứ sao đoạn tuyệt
Đời mưa gió, lạnh lùng, bướm trắng, buổi chiều vàng đâu chỉ nắng thu!
Đặc điểm ở đây, trừ các chữ "chứ sao" và "đâu chỉ", tác giả đã khéo dùng tên những tác phẩm của Nhất Linh để lồng ghép thành câu đối.

2 - Những câu đối của Đông Hồ:

Một thời còn nức thanh danh, nền xã hội chí canh tân sắp sẵn, trào lưu phơi rộng ngõ tâm tình trước rồi sau Phong Hóa Ngày Nay, đoàn Tự Lực gây nên, bút tài hoa lỗi lạc, mũi thép sắc ngời, làng báo đàn văn tay lãnh tụ
Nấm đất không chôn sự nghiệp, tòa cường quyền, án chuyên chế đừng tuyên, xét công tội để cho phần lịch sử, khinh với trọng lòng non Thái, nghĩa thành nhân chọn lấy, tiệc chánh khí huy hoàng, ruợu đời cạn chén, đường mây nẻo gió bước thung dung
Nạn độc tài một sớm đánh tan, hùng chí quân dân cách mạng
Nền Văn Hóa Ngày Nay xây dựng, thiếu rồi lãnh tụ Nhất Linh
  • Những câu đối chưa rõ tác giả:
Đời nay mấy mặt tiên tri, thế đó: nửa thương nửa giận!
Văn bút hai ta cố vấn, giờ đây: một mất một còn!
Sổ thập niên bút mặc thành danh, nhất khả đoạn nhị khả tuyệt, nhi tam bất hủ (Từ năm ba mươi ba (1933) bút mực đã thành danh, tuy bút có thể đoạn mực có thể tuyệt, mà vẫn danh kia bất hủ)
Song thất dạ vân tiêu lạc phượng, tiền phong hoá hậu văn hoá, ư trung lập ngôn (Giữa ngày tháng bảy (7-7-1963) trời mây vừa rớt phượng, nhưng trước có phong hoá sau có văn hoá, đủ rồi phượng ấy lập ngôn)

Câu đối tết của Tổng Bí Thư Trường Chinh (1907 - 1988)[sửa]

Trường Chinh là nhà cách mạng, nhà thơ với bút danh Sóng Hồng. Ông tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ở thôn Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Năm 1941, ông được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1956, trong Hội nghị Trung ương về vấn đề sửa sai cải cách ruộng đất, ông phải từ chức. Năm 1986, ông được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Theo lời kể của bà Hà Thị Quế, tết Giáp Thân 1944 ở vùng An toàn khu II, gồm các huyện Phú Bình, Phổ Yên (Thái Nguyên), Hiệp Hòa (Bắc Giang). Suốt bốn ngày Tết, đồng chí Trường Chinh và một số đồng chí khác trong lớp huấn luyện phải sống trong cảnh thiếu thốn, mỗi ngày ăn một bữa cơm, một bữa cháo. Ðể tạo không khí phấn khởi cho các học viên, đồng chí Trường Chinh khởi xướng ra việc làm câu đối và làm thơ đón xuân mới. Ðồng chí đã xung phong đọc hai câu đối hóm hỉnh sau:

Xuân sắc, Xuân sầu, Xuân xúng xính
Tết tình, Tết tĩnh, Tết tung tăng
Ông giải thích rất cặn kẽ: Xuân sắc là mọi vật phô màu sắc. Xuân sầu là xuân không có gạo. Xuân xúng xính là già trẻ, gái trai vẫn mặc đẹp đi chơi Tết. Còn Tết tình là ngày tết được sống ấm áp trong tình nghĩa đồng bào. Tết tĩnh là Đảng ta lúc nào cũng tỉnh táo, bình tĩnh và sáng suốt để đấu tranh với kẻ thù. Tết tung tăng là trẻ con vẫn tung tăng nô đùa chơi tết ngoài đường

Những câu đối của Thi Sĩ Khương Hữu Dụng (1907 - 2005)[sửa]

Khương Hữu Dụng sinh tại phố cổ Hội An tỉnh Quảng Nam, học trường Quốc học Huế từ 1922 đến 1926. Thời kỳ Cách mạng tháng Tám năm 1945 ông ở trong Ban Thường vụ Việt Minh tỉnh Lâm Viên và tham gia Tổng khởi nghĩa tại Đà Lạt. Ông mất tại Hà Nội, tên ông được đặt cho một con đường tại thành phố Đà Nẵng và một con đường tại thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam.

  • Đối đáp với Thi Sĩ Bàng Sĩ Nguyên:

Nhà văn Khương Hữu Dụng là biên tập ở Nhà Xuất bản Văn hoá. Ông vốn là người cẩn thận, kỹ tính nhưng luôn hết lòng cùng tác giả để có những tập sách hay. Giai thoại còn nhắc đến cuộc "đối thoại" bằng thư, giữa hai tài văn. Khi Bàng Sĩ Nguyên gửi bản thảo đến, Khương Hữu Dụng trao đổi, sửa chữa chân tình. Tuy nhiên, vẫn có điểm giữa biên tập và tác giả còn chưa đi đến thống nhất.

Trong bức thư của Bàng Sĩ Nguyên gửi có câu, thân tình như vế đối: Nguyên vẫn giữ nguyên
Cũng thân tình, trong lá thư gửi thi sĩ họ Bàng, Khương Hữu Dụng cũng viết cuối câu, có dòng: Dụng không sử dụng
Nhà thơ Bàng Sĩ Nguyên tên thật là Bàng Khởi Phụng, sinh ngày 13.8.1925 tại Bắc Giang. Quê gốc ở Bình Lục, Hà Nam. Ông nổi tiếng nhờ những bức vẽ sơn dầu. Ông nhận được giấy chứng nhận của Tổng cục Chính trị, bằng khen của Bộ Văn hoá, Hội Mỹ thuật... Và giải thưởng về kịch, vở “Hai thái độ” (1954-1955)...Hiện ông đã nghỉ hưu.
  • Câu đối viếng nhà thơ Quang Dũng (1921 - 1988):

Quang Dũng tên thật Bùi Đình Diệm, người làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng (nay thuộc Hà Nội). Sau 1954, ông làm Biên tập viên tại báo Văn nghệ, rồi chuyển về Nhà xuất bản Văn học. Ông bị gửi đi chỉnh huấn sau vụ Nhân Văn - Giai Phẩm, và lui về ẩn thân trong nghèo nàn và bệnh tật. Thơ của ông bị phê bình trên báo chí miền Bắc lúc đó là mang hơi hướng "tiểu tư sản", thiếu tính chiến đấu, còn ở miền Nam thì được xuất bản và phổ biến rộng rãi và được nhiều người yêu thích. Khi nhà thơ Quang Dũng qua đời, Khương Hữu Dụng đã có đôi câu đối viếng:

Yêu sao chàng tuổi trẻ! Cơm lên khói, súng ngửi trời, đoàn Tây Tiến đường lên thăm thẳm
Tiếc mấy bạn thơ già! Nắng đốt màu, mưa rụng lá, mây đầu ô gió đuổi bời bời

Những câu đối liên quan đến Đại Tướng Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013)[sửa]

Võ Nguyên Giáp còn được gọi anh Văn, sinh ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Năm 1944, ông thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Cách mạng Tháng Tám thành công, Võ Nguyên Giáp được cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Phó Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tiếp đó là Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 1983, ông được phân công thêm vai trò Chủ tịch Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch, khi chuyển công tác, Tổng bí thư Lê Duẩn có đưa ra 1 vế xuất vui như sau:

Vế ra: Sau ba mươi năm toàn thắng chiến tranh, đại tướng Võ không còn Nguyên Giáp
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ứng khẩu: Hơn nửa thế kỷ dựng xây đất nước, đảng cộng Hồ đã mất Chí Minh

Giữa cái thời buổi quá độ "nhà thơ làm kinh tế, thống chế đi đặt vòng" đó, dân gian đã xuất hiện câu ca: "ngày xưa đại tướng cầm quân, ngày nay đại tướng cầm quần chị em" nhằm phản ánh vấn đề này vậy

  • Thầy giáo Hồ Cơ viết tặng đại tướng Võ Nguyên Giáp:

1 - Câu đối chúc thọ đại tướng Võ Nguyên Giáp 90 tuổi:

Văn lo vận nước, Văn thành Võ
Võ thấu lòng dân, Võ hoá Văn

2 - Câu đối viết tặng đại tướng Võ Nguyên Giáp khi vừa tròn 100 tuổi:

Trăm tuổi lừng danh Văn Đại tướng
Nghìn thu vang tiếng Võ Anh hùng
Hồ Cơ sinh năm 1924,là hiệu trưởng Trường Trung học Nguyễn Nghiêm - Quảng Ngãi. Sau này, ông Hồ Cơ làm thư ký toà soạn báo Người giáo viên nhân dân; Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu giáo dục. Từ năm 1976 đến 1987, ông Hồ Cơ làm Phó Giám đốc NXB Giáo dục. Ông Hồ Cơ quê ở Nghệ An, sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi.
  • Câu đối của Giáo Sư Anh Hùng Lao Động Vũ Khiêu:

1 - Câu đối viết tặng đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp mừng thọ 80 tuổi:

Võ công truyền quốc sử
Văn đức quán nhân tâm

2 - Câu đối viếng đại tướng Võ Nguyên Giáp:

Gương rọi đất trời, rực sáng ngàn thu, nhân lại trí
Lệ tràn sông núi, khóc thương hai Bác, Võ như Hồ
  • Hai Câu đối của Vũ Ngọc Toản ở Hồng Quang (Nam Trực, Nam Định) viếng đại tướng Võ Nguyên Giáp:
Võ tướng anh hùng chấn động năm châu lưu hậu thế
Văn tài hào kiệt lừng danh bốn biển rạng tiền nhân
Đất Quảng sinh văn – văn ý Đảng
Trời Nam hóa võ – võ lòng dân
  • Câu đối của Nguyễn Vĩnh:
Tướng Giáp, họ Võ tên Văn, trong Văn có Võ, trong Võ có Văn, song toàn Văn Võ
Nước Việt, quân nghiêm tướng dũng, vừa dũng vừa nghiêm, vừa nghiêm vừa dũng, vạn đời dũng nghiêm
  • Bức trướng của bà Nguyễn Thị Vĩnh ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc:
Văn, võ song toàn lừng danh tiếng
Tâm hồn, đức độ xứng hiền nhân
  • Nhà văn Sơn Tùng có 2 bức trướng đối sau:
Võ nghiệp dẹp xong ba đế quốc
Văn tài xây đắp một nhà chung
Võ Văn minh đạo chân Nguyên Giáp
Nhật nguyệt vô thường một sắc không
Sơn Tùng, tên thật là Bùi Sơn Tùng sinh năm 1928 tại làng Hoa Lũy (nay là Kim Lũy) Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An. Từ 1974 tới nay, Sơn Tùng đã cho ra đời hàng chục tiểu thuyết, tư liệu, tập truyện, được viết bằng bàn tay phải chỉ còn 3 ngón tay bị co quắp cầm bút vô cùng khó khăn, trong phòng văn rộng chưa tới 4 mét vuông bốn bên chất chồng sách cao tới tận trần, tại căn hộ tập thể nơi ngõ phố Khâm Thiên.
  • Đến mừng thọ Đại tướng 95 tuổi, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 23/10 Nha Trang tặng:
Xưa Bạch Đằng giang nổi sóng, Trần Hưng Đạo dìm giặc Nguyên Mông vang dội Á Âu
Nay Điện Biên Phủ bão lửa, Võ Đại tướng thắng quân Pháp Mỹ chấn động địa cầu
  • Trên đôi lộc bình của Bộ Nội vụ tặng Đại tướng, có ghi đôi câu đối mang ý nghĩa thật sâu xa, đó là:
Tâm sáng Đảng tin, đời trường thọ
Trí cao, Dân mến, sử lưu danh
  • Câu đối viếng đại tướng Võ Nguyên Giáp của Phạm Khắc Mã ở An Dương - Tây Hồ - Hà Nội:
Thắng bè đế quốc, đại tướng Việt Nam, Võ còn Nguyên Giáp
Nhường kẻ phàm phu, học trò Ái Quốc, Văn vẫn lưu danh
  • Hai câu đối của bộ đội pháo binh tỉnh Quảng Bình gửi viếng:
Chí lớn gươm thiêng, lừng lẫy Điện Biên tài tướng Võ
Thọ cao đức cả, lung linh Quốc Sử sáng hồn Văn
Đại dũng, đại trí, đại nhân, đại thọ thần kỳ ra tứ đại
Yêu nước, yêu dân, yêu Đảng, Yêu người thánh thiện kết muôn yêu
  • Câu đối viếng đại tướng Võ Nguyên Giáp của Đông Thái Phan Tự Trí:
Dũng võ lược thao, Thế giới ngả mũ kính chào, kim cổ mấy kẻ bì - đại dũng
Nhân văn tâm thượng, toàn dân ghi lòng thương tưởng, đông tây nào ai sánh - vĩ nhân
  • Câu đối của nhà thơ Võ Sa Hà:
vế ra: Văn tên, Võ họ - văn võ song toàn, Đại tướng lòng dân - vẫn Nguyên Giáp trụ, trấn giữ biển trời Đại Việt
vế đối: Lạc giống, Hồng nòi - Lạc Hồng vĩnh cửu, đất nước của đảng - còn lưu danh sử, dựng xây non sông Đất Việt
vế đối khác: Ái yêu, Quốc nước - Ái Quốc trọn đời, lãnh tụ vĩ đại - như Tất Thành đồng, vun đắp giang sơn Âu Lạc (Nguyễn Khắc Ân- Hội Văn học nghệ thuật Lạng Sơn số 3 - Trần Hưng Đạo, Thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn)
  • Câu đối viếng đại tướng Võ Nguyên Giáp của Tiễn Sĩ Sinh Học Hà Sĩ Phu:
VÕ công kiệt xuất lưu thanh sử!
VĂN cách khoan hòa đắc thế tâm!

Những câu thơ phá cách của Thi Sĩ Bút Tre Đặng Văn Đăng (1911 - 1987)[sửa]

Bút Tre tên thật là Đặng Văn Đăng, còn gọi là Đặng Văn Quang, quê xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Ông đỗ tú tài triết học dưới thời Pháp thuộc, từng dạy học ở Tuyên Quang và viết báo dưới thời đó với bút danh Lục Y Lang. Năm 1956, thư ký cho Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ung Văn Khiêm. Năm 1962, ông về làm Trưởng ty Văn hoá Phú Thọ. Năm 1970, nghỉ hưu. Người ta nhớ Bút Tre, không phải vì những bài thơ trữ tình, cũng không vì thơ ông gần với những bài ca dao, mà vì cách làm thơ, gieo vần của ông thật bất ngờ, thường mang đến cho những người nghe sự sảng khoái sau những giờ lao động mệt nhọc căng thẳng.

  • Một lần Bút Tre đi công tác tại Pleiku, ông chợt nẩy ra một vế đối như sau:
Anh đi công tác Pờ Lây, Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra
Em đi công tác Buôn Mê, Thuột xong một cái lại về với anh
  • Câu khác:
vế ra: Bướm đồng động đến thì bay, bướm nhà động đến lăn quay ra giường
vế đối: Chim đồng bóp cái chết ngay, chim nhà mà bóp càng ngày càng to

Những câu đối của Giám Đốc Nhà Xuất Bản Văn Học Bùi Huy Phồn (1911 - 1990)[sửa]

Bùi Huy Phồn thường gọi Đồ Phồn, sinh ra tại phố Đầm, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Ông lần lượt giữ các chức vụ Uỷ viên Ban Vận động nghiệp đoàn những người viết báo Bắc Kỳ ở Hà Nội, Uỷ viên Ban Chấp hành Đoàn Kháng chiến Bắc Bộ, Chủ bút báo Tây Việt Bắc (khu X), làm Giám đốc nhà xuất bản Văn học (1958-1962)...

  • Câu đối dán trước cổng nhà thờ họ đêm giao thừa:

Khi Bùi Huy Phồn mới 16 tuổi, nhân dịp Tết Nguyên đán, Bùi Huy Phồn tự nghĩ ra đôi câu đối rồi viết bằng chữ quốc ngữ, đem dán vào hai cột cổng ngoài nhà thờ họ vào trước lúc giao thừa. Sáng mồng một Tết, Bùi Huy Phồn dậy thật sớm ra trước cổng nhà thờ họ để ngắm và thưởng thức tác phẩm trào phúng đầu tay của mình. Nhưng thật lạ, không rõ kẻ nào đã bóc đi? Bùi Huy Phồn ức quá, song nghĩ lại, ông thấy có khi thế lại may, bởi vì chỉ lát nữa thôi cụ tuần anh, tuần em, cụ thượng cùng “Tinh thê đẳng” mũ mã cân đai đi đến nhà thờ họ Bùi lễ tổ mà bắt gặp đôi câu đối “bạo thiên, nghịch địa” của ông, thì mẹ ông phải đi tạ tội “phạm thượng”! Những vị chức sắc làng xã kia không nổi giận sao được khi đọc những câu đối mà Bùi Huy Phồn viết thế này:

Mồng một Tết người đội mũ cánh chuồn khoe mẽ
Ba ngày xuân tớ trùm nơm mẹ đĩ ngâm thơ

Bùi Huy Phồn “mượn” cái nơm mẹ đĩ (cái váy đàn bà) để đối với mũ cánh chuồn, tưởng chuyện bị mất câu đối chìm trong im lặng. Nào ngờ, nhân ngày giỗ tổ họ Bùi, những người “tai to mặt lớn” trong làng, xã có mặt. Sau những lời lẽ tranh luận gay gắt cuối cùng cụ Tuần Anh là trưởng họ thét lớn: "Câm! Tao lại sai nó nọc cổ mày xuống trước từ đường, đánh cho tan xác bây giờ. Mày muốn làm bình dân thì mày ra Hà Nội, mày muốn làm cộng sản thì mày sang Nga la tư, chứ còn ở cái làng này thì phải có tôn ti trật tự! Cút!" Quả thật, sau “vụ câu đối Tết”, Bùi Huy Phồn đã phải bỏ làng ra Hà Nội làm một người bình dân viết văn kiếm sống và sau này

  • Câu đối viếng nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912 - 1939):

Vũ Trọng Phụng là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng với giọng văn trào phúng châm biếm xã hội, một số người đã so sánh ông như Balzac của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng vì phong cách "tả chân" và yếu tố tình dục trong tác phẩm mà khi sinh thời ông đã bị chính quyền bảo hộ Pháp tại Hà Nội gọi ra tòa vì "tội tổn thương phong hóa". Ngày Vũ Trọng Phụng mất, Đồ Phồn viết đôi câu đối, được khắc tại mộ chí nhà văn tài danh ấy:

Cạm Bẫy Người tạo hóa khéo căng chi! qua Giông Tố tưởng nên Số Đỏ
Số Độc Đắc văn chương vừa trúng thế, nỡ Dứt Tình Không Một Tiếng Vang
Cạm Bẫy Người, Giông Tố, Số Đỏ, Trúng Số Độc Đắc, Dứt Tình, Không Một Tiếng Vang là tên các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng
  • Câu đối viếng Nguyễn Tuân (1910 - 1987):

Nguyễn Tuân sinh tại thôn Thượng Đình, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Sinh thời, ngoài tên thật là Nguyễn Tuân, ông còn có nhiều bút danh khác như: Nhất Lang, Thanh Thuỷ, Thanh Hà, Ngột Lôi Nhật, Ngột Lôi Quật, Ân Ngũ Tuyên, Tuấn Thừa Sắc. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, ông trở thành một cây bút tiêu biểu của nền văn học mới với nhiều tập tùy bút. Khi ông mất, Đồ Phồn có làm câu đối phúng điếu như sau:

Vang bóng một thời tàn, khéo gợi thêm nao lòng lãng tử
Quê hương đâu hẳn Thiếu, mải đi cho trọn kiếp giang hồ

Câu đối mừng đám cưới Nhà Văn Bạc Mệnh Vũ Trọng Phụng[sửa]

Chỉ vỏn vẹn được sống 27 năm trên dương thế, nhưng Vũ Trọng Phụng đã để lại một sự nghiệp đồ sộ. 27 năm ấy, Vũ Trọng Phụng đã có một lễ cưới rình rang, và một lễ tang buồn thương, bi thiết…Vợ nhà văn Vũ Trọng Phụng là bà Vũ Mỵ Lương sinh ra trong gia đình cha mẹ là thầy lang ở Hà Nội. Bà nổi tiếng cần cù, chịu khó, khéo tay hay làm. Thông cảm với hoàn cảnh mồ côi cha từ nhỏ và mến phục tài năng văn chương bà Lương đồng ý lập gia đình với ông. Đám cưới được tổ chức vào chủ nhật (23/1/1938), tức 22 tháng Chạp năm Đinh Sửu. Nhà xuất bản Mai Lĩnh in tặng 110 giấy báo hỉ và mừng câu đối:

"Ngoài bể sóng vang, mây tối ngán thay đời thiết huyết
Trước vườn hoa nở, đuốc hồng vui có bạn quần thoa"

Những câu đối liên quan đến Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984)[sửa]

Nguyễn Hiến Lê sinh tại Hà Nội, nguyên quán ở Quảng Oai, Sơn Tây (Hà Tây). Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Công chánh (1934), được điều vào Nam Bộ công tác. ở đây ông đã viết văn và nghiên cứu văn hoá. Là tác giả và dịch giả của 122 tác phẩm, 250 bài báo và 23 đề tựu cho công trình các bạn bè, Nguyễn Hiến Lê là một tấm gương lao động miệt mài và có khoa học trong lĩnh vực truyền bá văn hoá. Khoảng trước năm 1945, nhân khi đọc xong một vài bản thảo của ông, Ba Phương Khê tặng ông câu đối:

Học bản tu thân, thân tức quốc
Nhân năng bạt tục, tục nhi tiên

Dịch nghĩa:

Học gốc ở tu thân, thân mình là nước
Người tư cách bạt tục, tuy tục mà tiên

Bản thân Nguyễn Hiến Lê vào khoảng năm 1946 cũng làm câu đối:

Trị ái thư, loạn ái thư, thư trung hữu hữu
Bần dĩ đạo, phú dĩ đạo, đạo ngoại không không

Dịch nghĩa:

Trị yêu sách, loạn yêu sách, trong sách chi chi cũng có
Nghèo giữ đạo, giàu giữ đạo, ngoài đạo thảy thảy đều không

Cả hai câu đối đều phản ánh rất đúng cốt cách nho phong, chí hướng bạt tục, cuộc đời giản dị, và sự nghiệp văn hóa không nhỏ của Nguyễn Hiến Lê đối với dân tộc Việt Nam. Suốt cuộc đời cầm bút trong sang như viên ngọc không chút tì vết, Nguyễn Hiến Lê chưa một lần tự gán cho bản thân bốn chữ "Văn dĩ tải đạo", nhưng đến nay những ai đọc ông có lẽ đều tâm phục và ngưỡng kính cảm nhận rằng con người ấy quả thực đã hiến trọn đời mình để chở chuyên đạo lý.

Câu đối treo tại nhà lưu niệm cố Chủ Tịch Hội Đồng Nhà Nước Võ Chí Công (1912 - 2011)[sửa]

Võ Chí Công (tên khai sinh là Võ Toàn), sinh ngày 7-8-1912, quê quán xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là tỉnh Quảng Nam). Ông hoạt động cách mạng năm 1930; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII. Ngày 6 tháng 8 năm 2011 Đảng, nhà nước Việt Nam đã mừng Thượng thọ 100 tuổi của ông. Một nhà lưu niệm ông cũng đã được xây dựng tại thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành. Câu đối hiện đang treo trong Nhà Lưu niệm cụ Võ Chí Công, chỉ còn 28 từ cho mỗi vế do 1 nhân vật người Quảng Nam tên là Vu Gia phúng điếu, nội dung như sau:

Từ Quảng Nam dấn bước tiền phong, tù ngục chẳng sờn lòng, võ trang diệt giặc giành đất rộng trời xanh, đưa Tổ quốc đến ngày toàn thắng;
Ra Hà Nội chung vai trọng trách, gian nan càng vững lái, tâm huyết dốc lòng lo dân giàu nước mạnh, cầm chính quyền giữ phép chí công.

Câu đối mừng thọ đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh[sửa]

Nguyễn Trọng Vĩnh sinh năm 1916 ở Vĩnh Lộc - Thanh Hóa, là thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam và là đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc từ năm 1974 đến 1987. Năm 1990 sau khi nghỉ hưu ông tham gia công tác tại Hội Cựu Chiến binh Việt Nam vừa thành lập, ông là Ủy viên Ban chấp hành lâm thời, Phó Chủ tịch Hội. Khi về hưu, mặc dù đã cao tuổi, nhưng ông vẫn tham gia đóng góp ý kiến trong những vấn đề xã hội và chính trị của đất nước, các vấn đề đối nội và đối ngoại như là lên tiếng phản đối kế hoạch bành trướng và lấn áp của Trung Quốc tại biển Đông, chống sự lũng đoạn của Bắc Kinh vào hậu trường chính trị Việt Nam. Nhân dịp mừng thọ 80 tuổi của ông, Nguyễn Nguyên Bình - cô con gái của đại sứ - trong câu đối nôm na viết tặng cha như sau:

Làm Cố vấn miền Tây, ghi lời Bác, không làm “lão Toàn quyền”*, luôn nhớ chữ “chủ quyền của bạn”
Đi Đại sứ nước Tàu, theo ý Đảng, chẳng ngại “người Đại quốc”, giữ trọn điều “Quốc thể về ta”

Câu đối của Thi Sĩ Huy Cận (1916 - 2005)[sửa]

Huy Cận tên khai sinh là Cù Huy Cận; sinh năm 1919 dưới chân núi Mồng Gà, bên bờ sông Ngàn Sâu (thượng nguồn sông La) ở làng Ân Phú, huyện Hương Sơn sau đó thuộc huyện Đức Thọ (nay là xã Ân Phú, huyện Vũ Quang), tỉnh Hà Tĩnh. Trong những năm 1945 - 1946, ông là Ủy viên Ban thanh tra đặc biệt của Chính phủ. Sau này ông làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa, rồi Bộ trưởng đặc trách Văn hóa Thông tin trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ 1984, ông là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Sinh thời ông từng ra 1 vế đối hiểm hóc như sau:

vế ra: ÔNG NGÔ THAY ÔNG NGÔ ĐI SỨ NƯỚC NGÔ, GẶP NHAU DƯỚI CÂY NGÔ ĐỒNG, CHUYỆN NỞ NHƯ NGÔ RANG (Ông Ngô Thuyền – ông Ngô Minh Loan, 2 đại sứ VN tại Trung Quốc)
vế đối: BÁC VŨ RỦ BÁC VŨ ĐẾN THĂM LÀNG VŨ, HẸN BẠN SAU TIẾT VŨ THUỶ, CHƠI VUI TỰA VŨ HỘI (Nguyễn Đình Tự) (Bác Vũ Cao – Bác Vũ Tú Nam 2 nhà thơ)

Hữu Loan (1916 - 2010)[sửa]

Hữu Loan tên thật là Nguyễn Hữu Loan, quê quán tại xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Sau Cách mạng tháng Tám, ông được cử làm Ủy viên Văn hóa trong Ủy ban hành chính lâm thời tỉnh Thanh Hóa, phụ trách các ty: Giáo dục, Thông tin, Thương chính và Công chính. Kháng chiến chống Pháp, Hữu Loan tham gia quân đội. Trong thời gian 1956-1957, ông tham gia Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm do nhà văn Phan Khôi chủ trương. Sau khi phong trào Nhân Văn Giai Phẩm bị dập tắt vào năm 1958, nhà thơ Hữu Loan phải vào trại cải tạo vài năm, tiếp đó bị giam lỏng tại địa phương, cuối đời ông về sống tại quê nhà.

Một lần, vào dịp tết Mậu Tý (2008) có người là Trần Cao Sơn (chưa rõ tiểu sử) đến chơi với nhà thơ Hữu Loan. Biết ông đang vui, cũng biết ông thích câu đối, Trần Cao Sơn đọc hai đôi câu đối tặng ông, nội dung như sau:

Câu I:

Mây ngắm Hoàn Vân, nghiêng bóng núi dặm đường chiến sĩ
Gió đùa Ô Lỗi, rộn hương đời trang chữ thi nhân.

Câu II:

Đất lạnh nghìn trùng, vẩy ngọn bút tím lòng nhân thế
Trời thiêng một với, ôm mây mưa tàn cánh phù dung.

Ông nghe chăm chú và chậm rãi nói: "Về mặt bút pháp, niêm, luật, ý tứ của câu đối như vậy là được. Chỉ có điều anh ca ngợi tôi ghê quá". Sau một vài phút hỏi thăm gia đình, ông thong thả: "Câu một thì ổn, nhưng câu hai thì chữ "tím" ở vế thứ nhất có thể nhiều người sẽ hiểu khác. Tôi biết anh dùng chữ tím là chỉ màu tím, viollette, liên quan đến màu hoa sim trong bài "Màu tím hoa sim". Nhưng đây là câu đối, nó đứng biệt lập, vì vậy sự liên tưởng đến màu của hoa sim là không nhiều. Chữ tím ấy sẽ được hiểu là thâm tím, bầm tím, tím tái. Nghĩa nghịch của nó nhiều hơn cái nghĩa thuận xuất phát từ ý thơ: "Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết... / màu tím hoa sim tím chiều hoang biền biệt" mà anh đang muốn dùng".

Trần Cao Sơn giật mình, không ngờ ông minh mẫn đến thế, nghe có một lượt mà đã phát hiện ra cái lỗi cần sửa, liền ngỏ ý muốn nhờ ông sửa giúp, ông im lặng suy nghĩ 1 lát rồi trả lời: "Chữ "thắm" cũng được nhưng nhạt nghĩa, không tương xứng với mệnh đề "đất lạnh nghìn trùng" đứng trước, có thể chữ "thấm" hay hơn".

Câu đối II được sửa lại là:

Đất lạnh nghìn trùng, vẩy ngọn bút thấm lòng nhân thế
Trời thiêng một với, ôm mây mưa tàn cánh phù dung.
  • Một hôm khác, một số bạn giáo học đến nhà chơi với Hữu Loan, trong đó có Phan Cự Triệt. Nhân bàn về vấn đề Phật giáo đang đứng trước nhiều thách thức và nhạy cảm thời đó, mấy người đàm luận về các nhân vật trong "Tây Du Ký". Trong bốn thầy trò đi Tây Trúc thì Trư Bát Giới được coi là hồn nhiên, bản năng nhất, không thiết kinh kệ, Niết Bàn gì hết, phải đi vì mắc tội hám gái, trêu chọc Hằng Nga. Bát Giới lúc nào cũng chỉ mong "giải tán đội hình" để được về nhà ngủ khì, cơm no, rượu say bên mẹ đĩ, rất đời thường. Nhưng vì thương Sa Tăng vất vả, lại sợ gậy sắt của lão Tôn hết vía nên không dám "đảo ngũ". Trong con mắt của Thiên Bồng Nguyên Soái thì sư phụ Đường Tăng chỉ là lão hòa thượng đầu trần mắt thịt, không phân biệt nổi trắng đen, phải trái, người quỷ lẫn lộn, chỉ sợ đàn bà và đọc thần chú là nhanh. Trư Nhị đệ kính nể Tôn huynh, nhưng cũng ghét lão Bật Mã Ôn bất lực, quá ngoan ngoãn qui thuận trước các thế lực thần quyền. Thần thông quảng đại là vậy, nhưng xét chung vẫn là kẻ chiến bại. Lấy Trư Bát Giới làm trung tâm, mỗi người đưa ra một câu đối về các nhân vật trong truyện. Một câu dành cho Đường Tăng, muốn lột tả cái bản chất thụ động và luôn được chở che của Đường Tam Tạng:
Tích trượng chín vòng, lưng ngựa rung rinh nhờ bóng Phật.
Cà sa một mảnh, mắt trần hấp háy đón chân kinh.

Câu thứ hai là câu đối của Hữu Loan dành cho Tôn Ngộ Không:

Kiếp nạn tám mốt tròng, muôn trận hùng thiêng tay thiết bổng
Thần thông bảy hai phép, nửa đời nghiệt khuất bóng kim cô.
  • Câu đối của Hữu Loan khóc bà mẹ vợ đầu khi bà qui tiên:
Rể không đền, gái ngắn phận sao đền, ơn cứu ơn mang, ơn đoán giữa một tương lai nhân cách.
Sống khó gặp, chết vì sao không gặp, khóc nguồn khóc núi, khóc ai cùng đương đại loạn thiên lương.
Thống thiết đến thế là cùng. Đôi hàng chữ - hai dòng lệ - vọng âm thanh của tiếng khóc tức tưởi bị dồn nén lâu ngày, đang vật vã trước linh cữu nhạc mẫu vừa quy tiên

Nguyễn Bính (1918 - 1966)[sửa]

Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Trọng Bính, sinh tại xóm Trạm, thôn Thiện Vịnh, xã Đồng Đội (nay là xã Cộng Hòa), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Năm 1947, Nguyễn Bính đi theo Việt Minh, một thời gian sau, nhờ sự mai mối của ông Lê Duẩn, ông kết hôn với bà Nguyễn Hồng Châu. Sau đó ông lại kết hôn với bà Mai Thị Mới, ở ấp Hương Mai, xã Khánh Lâm, huyện U Minh. Năm 1954 theo Hiệp định Genève, Nguyễn Bính tập kết ra Bắc. Ông về công tác tại Nhà xuất bản Văn nghệ, sau đó ông làm chủ bút báo Trăm hoa. Ông bị đột tử khi đang đi ra ao rửa tay, gục xuống chết ở bên gốc mít tại nhà vào ngày mồng 4 tết.

  • Lúc sinh thời cũng khó khăn về kinh tế, câu đối sau đây đăng ở Báo Phong Hoá, số tết 1934, phản ánh tâm trạng vui mừng của nhà thơ, có một sắc thái riêng:
Tết tung túng tắng tiền tiêu Tết
Xuân siếc sênh sang sắm sửa Xuân
  • Bố vợ Nguyễn Bính là ông đồ sống vào buổi giao thời nên hiểu cả Tây học, cụ quý chàng rể Nguyễn Bính ham đọc sách và biết ngoại ngữ. Một bữa bắt được con ba ba, định bụng gọi chàng rể đến làm thịt, nấu nướng rồi cùng nhau nhâm nhi. Nhưng thấy con rể vẫn cắm đầu vào quyển sách ngoại ngữ dày cộp, cụ lại thôi. Nấu nướng xong xuôi, cụ sang gọi chàng rể: "Ham đọc sách thế là tốt. Nhưng đọc sách thì phải biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống. Ta ra cho anh một vế đối, nếu đối được thì sang đây đánh chén".
Vế ra: Hầm ba ba đã chín
Câu đối quả là hóc búa, vì “ba ba” là con ba ba nhưng cũng là ba lần ba là chín. Chín vừa là tính từ (đã được hầm chín), lại vừa là số 9. Phải đối sao cho có phép tính nhân với tích số mang hai nghĩa như vế đối ra.
Nguyễn Bính đang bí, bỗng có chiếc xe bò chở cát đi qua, bỗng đối lại: Chở cát cát đầy xe
“cát cát” nghĩa là hạt cát, nhưng tiếng Pháp “cát” (quatre) là số 4, “cát cát” là 4x4=16. Tiếng Pháp đọc 16 là seize, đọc là xe, nên “xe” ở đây vừa là cái xe bò vừa là số 16, tích của phép nhân. Thật tài tình! Vế ra chơi chữ tiếng Việt, vế đối lại chơi chữ cả tiếng Việt-Pháp.

Lương Vĩnh Thuật (1918 - 1982)[sửa]

Lương Vĩnh Thuật là tác giả, đông y sĩ, cư sĩ đạo Cao Đài, đạo hiệu Thanh Long, bút hiệu Hành Sơn, quê làng Kỳ Lam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay là xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, sau ngụ tại Sài Gòn. Năm 13 tuổi, ở nhà bảo đi quăng một con chuột chết, Ngài xách chuột đi vừa suy nghĩ về loài chuột: sống vô ích, chỉ đục khoắt vách tường, làm hại đời như bọn Lý Hào, quan lại tham nhũng hại dân, hại nước nên làm câu đối để …điếu chuột:

Sống chẳng làm gì, đục khoắt của đời, đời chán ghét
Chết còn có ích, thịt xương thành đất, đất thêm phân

Lương Vĩnh Thuật là bạn thân của Đồng Tử Bạch Tuyết (tức là Lê Ngọc Trang), ái nữ của cụ Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt. cùng làm nhiệm vụ đồng loan, nên hai người thường gặp nhau trong đạo sự Có lần đang đàm đạo sôi nỗi, Bạch Tuyết đột ngột hỏi Ngài một vế đối:

"Thanh Long du bắc hải, vân vũ hà phương?"

Ngài bất giác thấy hay hay, bèn ghép tên bạn đối lại, không kém phần thâm thúy:

Bạch thố quá Nam San, Tuyết sương mãn địa

Từ đó tình bạn giữa hai con người sứ mạng càng thắm thiết, sau khi Ngài Thanh Long quy tiên để lại niềm tiếc thương cho toàn đạo Hội Thánh Miền Trung! Dưới đây là những liễn đối để biết hơn những tháng ngày phụng sự của Ngài cho Đạo:

Giao hảo khắp Nam - Trung, mở nhịp cầu vạn quốc, hoài bão cao xa, Đạo nghiệp còn ghi trang tuấn tú
Đứng đầu tòa Đại Diện, tạo thành tích ngoại giao, tâm trường quảng đại, thế đồ nay rẽ lối vân du
Từ giáo dục nữ lưu, trau dồi Thánh Đức, Anh lớn đã ra công, quyết chí làm nên danh Đại Đạo
Đến phép khuôn tu kỷ, rèn luyện thân tâm, chúng em thường lĩnh hội, tiền đồ xin nối gót anh linh
Năm mươi năm gánh Đạo nặng hoằng, tài đức hai vai, Sứ Mạng Trung Hưng đà rạng vẻ
Sáu tư tuổi nợ đời dũ sạch, quả công vô lượng, bước đường Tiên cảnh vội dời chân
Gương tiết nghĩa rạng ngời, vì Đại hữu tậm tâm, vì Đại Đạo xả thân, chiếu diệu Quang Minh Thiên Nhãn
Đèn từ lành rạng rỡ, cùng Thanh Long chắp cánh, cùng Bích vân tựu cảnh, hồi vi cựu vị Phụ Hoàng
Bao nhiêu năm góp mặt Tứ Linh, Phổ Hóa Trung Châu, truyền Đạo giúp đời, biển công trình trang Thánh sử
Từ mấy độ xây nền Giáo Hội, phá thạch khai sơn, vun bồi hậu tấn, sông Đạo Nghiệp, bậc tài danh

Câu đối liên quan đến Nhà Văn Tô Hoài (1920 - 2014)[sửa]

Tô Hoài tên khai sinh là Nguyễn Sen, sinh ra ở thôn Cát Động, Thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ. Tuy nhiên, ông lớn lên ở quê ngoại là làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam. Bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức. Ông có hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác. Tô Hoài mất, báo chí có giới thiệu về một vế thách đối, lấy tên nhà văn làm mệnh đề của PGS TS BS Hoàng Năng Trọng:

Vế thách: Hoạ sỹ vẽ Tô Hoài, vẽ tô hoài chẳng giống Tô Hoài
Vế thách đối dùng sự chơi chữ, lấy tên nhà văn để nhấn nhá các chữ " hoạ sỹ - vẽ - tô hoài", với cặp cấu trúc câu "hoạ - vẽ - tô" tương đồng về nghĩa, cùng với câu phương ngữ "tô hoài" - tô đi tô lại và cặp tính từ này lại là danh từ với tên gọi nhà văn Tô Hoài, quả các cặp câu chữ rất khó đối.
Vế đối 1: Sử gia luận Lý Bí, luận lý bí không thành Lý Bí (Ủng Đại Cương)
Vế đối 2: Thày giáo dạy Học Sinh, dạy học sinh không phải Học Sinh (Nguyễn Đức Luyện)
Vế đối 3: Dế mèn còn nhà văn, còn nhà văn đẻ ra dế mèn (Phạm Minh Giắng)
Vế đối 4: Ngu nông khinh Đỗ Phủ, phơi đỗ phủ đầy nhà Đỗ Phủ (Châu Ngọc Nguyễn)
Vế đối 5: Đất nước còn Nguyên Giáp, còn nguyên giáp một thời Nguyên Giáp (Phạm Hoàng Lan)
Vế đối 6: Nhà văn phê Tố Hữu, phê tố hữu không buồn Tố Hữu (Phan Tự Trí ở Biên Hòa)

Đinh Hùng (1920-1967)[sửa]

Đinh Hùng sinh tại làng Phượng Dực tỉnh Hà Đông (nay thuộc Thủ đô Hà Nội), ông dùng bút hiệu Thần Đăng khi làm thơ châm biếm và Hoài Điệp Thứ Lang khi viết tiểu thuyết. Sau khi đậu "cao đẳng tiểu học" hạng bình thứ và được học bổng theo ban chuyên khoa để thi tú tài bản xứ thì "thần Ái tình đã hiện đến cùng một lúc với sự thành công đầy hứa hẹn trên", khiến ông bỏ ngang đi viết văn, làm thơ. Khi Đinh Hùng mất, Vũ Hoàng Chương làm câu đối đặt trước áo quan:

Hồn sáu đường mê tìm Phật độ
Tình muôn trang sử mặc Trời ngâm

Và trong bài ai điếu trước mộ, có câu: "Mênh mang một tiếng cười dài, hồn lay bốn vách dạ đài cho tan!". Vũ Hoàng Chương bao quát đời Đinh Hùng, từ Dạ đài đến Mê hồn ca, Đường vào tình sử ... trong bốn câu thơ rung động trời, đất, phật đài.

Những câu đối của Trưởng Ty Giáo Dục Nghệ An Giáo Sư Nguyễn Tài Đại (1921 - 2005)[sửa]

Nguyễn Tài Đại sinh tại làng Thượng Thọ, xã Thanh Văn, Thanh Chương. Năm 1965-1975 ông làm trưởng ty giáo dục tỉnh Nghệ an. Năm 1976, sau khi hợp nhất 2 tỉnh, ông giữ chức vụ trưởng ty giáo dục tỉnh Nghệ Tĩnh, đến năm 1981 về nghỉ hưu. Nguyễn Tài Đại luôn đam mê, tâm huyết với việc viết báo, sáng tác thơ, câu đối. Những bài thơ và câu đối của thầy thiên về suy ngẫm nhân tình, thế thái ở đời đậm triết lý phương đông, vừa có chất hóm hỉnh của cụ đồ Nghệ, vừa nhạy cảm, tinh tế, thấm đẫm tình người của tâm hồn một nhà giáo yêu đời, yêu dân, yêu nghề, luôn tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Thầy được bạn bè, anh em văn nghệ sỹ và giới báo chí “suy tôn’’ thầy là “Nhà câu đối”.

  • Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, Nguyễn Tài Đại là Trưởng ty giáo dục Nghệ An. Có lần, Thầy Đại được ty giáo dục phân cho 2 gói trà, 2 bao thuốc lá Tam Đảo và 2 cân thịt lợn (là tiêu chuẩn Trưởng ty), đó là tiêu chuẩn Tết năm 1970 của thầy. Thầy có ngay câu đối Tết:
Trà hương hai gói, thuốc lá hai bao, thịt lợn hai cân, ừ cũng Tết!
Thược dược một bông, hoa đào một lọ, rượu mùi một chén, úi chà Xuân!
  • Trong thời gian kinh tế bao cấp, ngành giáo dục khổ quá, hai chữ "Sư phạm" được dân gian chiết tự ra "ăn sư ở phạm", nghĩa là ăn như nhà tu hành (sư), ở như tù nhân (phạm). Vì vậy mới có câu đối:
Thầy giáo tháo giày đi dép lốp
Nhà trường nhường trà uống nước trong

Sau này, câu đối đó được "phát triển" lên, vế ra là của cán bộ giảng dạy trường ĐHSP Vinh giáo sư Nguyễn Tài Đại, vế đối là của GS Văn Như Cương. Sau giải phóng Miền Nam, Giáo Sư Nguyễn Tài Đại trong một lần đi công tác ở các tỉnh Miền Núi phía Bắc đã xuất 1 vế đối như sau:

Vế xuất: Thày giáo tháo giày, tháo cả ủng, thủng cả áo, lấy giáo án dán áo
Thầy giáo Văn Như Cương (đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) đối lại: Nhà trường nhường trà, nhường hết hoa, nhòa hết hương, đem lương hưu lưu hương
vế đối khác 1: Thiên sứ thiến sư, tạo quả dáng, dạng quả táo, lấy đầu mới mời đấu (khuyết danh)
vế đối khác 2: Bao Chửng bưng chảo, bưng cả lạc, bạc cả lưng, lấy cán dao dán cao (khuyết danh)
vế đối khác 3: Mèo con còn meo, còn léo nhéo, kéo lòn nhòn, ngậm xương cá về ca xướng (khuyết danh)
vế đối khác 4: Hội trưởng hưởng trội, hưởng cả lố, hố cả lương, lĩnh lương xong long xương (khuyết danh)
vế đối khác 5: Công an can ông, can cả bả, ca cả bản, phạm tục ngữ, tử ngục (khuyết danh)
  • Những câu đối có chủ đề ca ngợi Đảng và Bác Hồ kính yêu:
Vui Tết cổ truyền, mừng nước, mừng dân, xuân khởi sắc
Đón xuân hiện đại, ơn Người, ơn Đảng, Tết canh tân!
Nước mạnh dân giàu, đường mới đi lên xuân hiện đại
Tình cao nghĩa nặng, ơn sâu ghi tạc Đảng quang vinh
Uống nước nhớ nguồn, núi thẳm non cao ghi nghĩa Đảng
Trồng cây vui Tết, rễ bền gốc vững tạc ơn Người!
  • Những câu đối có chủ đề ca ngợi mùa xuân và quê hương đất nước:
Vui Xuân biết mấy cho vừa, có nhỏ ăn nhỏ, có to ăn to, to nhỏ nhỏ to ba bữa Tết
Đón Tết bao nhiêu cho đủ, muốn say cứ say, muốn tỉnh cứ tỉnh, tỉnh say say tỉnh bốn mùa Xuân
Chỉ tiêu vượt mức, đường lớn đi lên, thế mạnh ba vùng ran pháo Tết
Chất lượng nâng cao, cờ đầu vươn tới, vườn hồng Hai tốt rộ hoa Xuân
Vui tết canh tân, thế nước bốn ngàn năm đứng dậy
Vào xuân lịch sử, công Người muôn vạn thuở ghi sâu
Sông Lam sóng biếc dập dìu, long mạch phun châu tươi cảnh sắc
Núi Quyết non xanh hùng vĩ, Phượng Hoàng tung cánh lộng trời mây!
Mở hội mừng xuân, muôn vẻ non sông, muôn vẻ Tết
Trồng cây vui Tết, bốn mùa đất nước, bốn mùa xuân!
Sóng dậy Lam Giang, nước biếc uốn dòng soi cảnh Tết
Trăng lồng Đại Huệ, non xanh lộng gió nẩy mầm xuân!
Hướng tới mạnh giàu, giàu nghĩa, giàu tình, giàu trí tuệ
Không ngừng đổi mới, mới người, mới cảnh, mới giang sơn!
Chí khí Tiên Rồng hồng vạn Tết
Tinh hoa Âu Lạc sáng muôn Xuân
Xuân hãy còn dài, chấp chới cánh đào chào ngõ hạnh
Gà vừa gáy sáng, xập xòe cánh én liệng trời mây
Nét bút nhân văn tràn nhựa Tết
Câu văn đạo lí thắm tình Xuân
Tết đến làng văn, điệu hát đò đưa, câu ví dặm, sóng dậy Lam Giang ngời bút thép
Xuân về hội báo, câu chuyện tâm tình, nụ cười thế thái, trăng lồng Đại Huệ lộng hồn thơ
Nét đẹp nhân văn, đẹp nết, đẹp người, càng đẹp Tết
Đất giàu truyền thống, giàu tình, giàu nghĩa, lại giàu Xuân
Tiếp bước cựu thiên niên, lớp trẻ hiền tài đua trí tuệ
Tiến vào tân thế kỉ, tầm cao khoa học vị nhân sinh
Hướng tới mạnh giàu, giàu nghĩa, giàu tình, giàu trí tuệ
Không ngừng đổi mới, người mới, cảnh mới, mới giang sơn
Kế nghiệp Vua Hùng, trí tuệ đời đời Xuân đất nước
Vươn vai Thánh Gióng, nhân tài lớp lớp Tết non sông
Bản sắc dân tộc đậm đà, truyền thống Tiên Rồng xuân hiện đại
Chí khí giang sơn bền vững, tinh hoa Âu Lạc tết văn minh
Nước mạnh dân giàu, đường mới đi lên, Xuân hiện đại
Tình cao nghĩa nặng, ơn sâu ghi tạc Đảng quang vinh
  • Những câu đối Tết phê phán xã hội tham nhũng quan liêu:

1 - Câu đối tết Đinh Sửu (1997)

Xóm thợ vui xuân, nhà dưới nhà trên bừng điện sáng
Quan tham đón Tết, cửa sau cửa trước rộn phong bì!

2 - Câu đối tết Mậu Dần (1998)

Đón Tết Mậu Dần, quan nhũng, quan tham, ăn như hổ càng vênh mặt hổ
Tiễn năm Đinh Sửu, thằng gian, thằng lận, béo hơn trâu quen thói đầu trâu!
  • Lần ấy, ông Nguyễn Tài Đại họp mặt với một số giáo viên để bàn chuyện chuyển một số giáo viên lên dạy ở các huyện miền núi. Sau khi trình bày xong xuôi, ông Đại gói lại bằng một câu nói lái: "Tóm lại, vấn đề xung phong thì do các thầy cô quyết định, chứ thực tế là "Ty cần đi Tân Kỳ". Lúc đó Tân Kỳ là một huyện miền núi mới được thành lập nên cần nhiều giáo viên, đó là yêu cầu của Ty Giáo dục. Trong số giáo viên phát biểu đáp lời Trưởng Ty hôm đó, có một người kết thúc bằng vế đối: "Ai động đến ông Đại". Đem sắp 2 câu lại thành đối câu đối hoàn chỉnh:
vế ra: Ty cần đi Tân Kỳ
vế đối: Ai động đến ông Đại
Ý vế đối nói rằng, ai đi Tân Kỳ thì đi chứ ông Nguyễn Tài Đại là Trưởng Ty thì không ai động đến. Vế đối này làm cho mọi người cười ran, ông Đại cười thật to và nói đùa rằng: "Chỉ khi nào Tân Kỳ trở thành thủ phủ của Nghệ An, Ty Giáo dục chuyển về đó, thì ông mới bị "động đến"!

Câu đối liên quan đến Thượng Tướng Hoàng Minh Thảo (1921 - 2008)[sửa]

Hoàng Minh Thảo tên thật là Tạ Thái An, sinh tại xã Bảo Khê, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông là phái viên của Bộ Quốc phòng ở các tỉnh duyên hải tả ngạn sông Hồng, Khu trưởng Chiến khu III, Phó tư lệnh Liên khu III. Từ 1949-1950, ông làm Tư lệnh Liên khu 4. Năm 1962, ông nghiên cứu ở Học viện Quốc phòng Bắc Kinh. Từ tháng 11 năm 1966, ông được điều vào Nam giữ chức Phó tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Từ năm 1990, ông là Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam và giữ chức vụ này cho đến khi nghỉ hưu (1995). Dưới đây là đôi câu đối ở trên bàn thờ ông:

Giáo sư uyên bác ngàn trang rực rỡ bút tinh khôi
Thượng tướng anh minh trăm trận lẫy lừng gương trí dũng

Câu đối của Thi Sĩ Trần Lê Văn (1923 - 2010)[sửa]

Trần Lê Văn tên thật là Trần Văn Lễ, bút danh Trần Lê Văn, Tú Trần, quê quán Vị Xuyên, Nam Định. Những năm kháng chiến chống Pháp, công chúng đã biết đến một tiếng thơ rất khoẻ khoắn của Trần Lê Văn. Thơ ông giản dị không màu mè nhưng cũng như những bài thơ thời ấy, nó tươi rói sự sống và dễ đi vào trái tim bạn đọc. Nhân một cuộc họp của Ban Văn nghệ đài Tiếng nói Việt Nam mời các cộng tác viên làm Thơ về dự. Nữ thi sĩ H.N đến trước tiên, sau đó đến Trần Lê Văn. Quá giờ hẹn họp mà mới chỉ có một ’’Hồng Nhan’’, một ’’Bạch Phát’’.

Trần thi sĩ nhìn Hồng Nhan, sáng mắt, đùa tếu, đọc: Bạch phát phát hồng nhan (vế ra hay nhưng hơi bị ’’Lẳng’’. Nghĩa chữ Hán như sau: Bạch là Trắng, Phát là Tóc, Bạch phát nghĩa là Tóc trắng (ông già). Phát cũng còn có nghĩa là bắn. Chữ Phát Hán văn có nghĩa thứ nhất là Bắn (Bách phát bách trúng), nhưng cánh trai trẻ ngổ ngáo dùng tràn cung mây từ ‘’phát’’ - ’’bắn’’ trong mọi lúc kể cả cho một nghĩa thô tục…Phát - còn một nghĩa Nôm nữa: Phát - đánh vào lưng, vào mông. Như bố mẹ thường dùng hành động này phát vao mông con trẻ khi chúng hư, nhõng nhẽo...Hồng Nhan là người đàn bà đẹp. Câu đối có nghĩa là ông gìa bắn… phát (đánh) vào mông cô gái
Cũng tưởng chỉ đọc chơi, không nghĩ rằng cô gái xinh đẹp, còn trẻ có phản ứng nhanh thê. Nữ sĩ H.N ngay lập tức, đối lại: Hồng Nhan can Bạch Phát
Câu đối dùng nguyên 4 chữ của người ra đề, chỉ dùng một chữ Can của mình đã hóa giải được vấn đề, đập đổ bức thành ngôn ngữ Hán văn của lão tường Trần Lê Văn - vây, chế ngự Hồng nhan. Câu đối như một lời can gián ông già thích chơi trống bỏi: Thôi ông gìa ơi! Hồng nhan - can ông! Ông mà ’’Bắn’’, Hồng Nhan chưa ’’đổ’’ chắc ông đã ‘’kềnh’’ rồi!

Bạch Phát Trần Lê Văn - cười vang gật gù, tấm tắc: "Hay! Bái phục hậu sinh!"

Câu đối chúc thọ nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (1924 - 2016)[sửa]

Phan Huỳnh Điểu sinh tại Đà Nẵng, tuy sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, nhưng nguyên quán gốc của ông ở Điện Bàn, Quảng Nam. Năm 1955, sau khi tập kết ra Bắc, ông công tác ở Ban Nhạc vũ, Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1975, khi thành lập Hội nhạc sĩ Việt Nam, ông được cử vào Ban chấp hành là Ủy viên Thường vụ và công tác tại Hà Nội. Sau năm 1975, Phan Huỳnh Điểu chuyển về Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh. Nhân dịp lễ mừng thọ 90 tuổi nhạc sĩ, người ta dâng tặng bức hoành mừng thọ nhạc sĩ mang câu đối:

“Huỳnh hoa xuân Quảng địa
Điểu ngữ nhạc Nam thiên”

Dịch nghĩa:

Hoa vàng xuân đất Quảng
Chim hát nhạc trời Nam

Những câu đối nổi tiếng của Vũ Ngọc Liễn (1924 - 2013)[sửa]

Vũ Ngọc Liễn sinh tại thôn Xương Lý (còn gọi là Vũng Nồm), tổng Trung An, huyện Phù Cát, nay thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Năm 1945, ông được bầu làm Chủ tịch Việt Minh kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến xã Hưng Xương. Năm 1954, ông theo Đoàn Văn công Liên khu 5 tập kết ra Bắc. Những năm 1959 - 1966, ông theo học khoa Lý luận hý khúc tại Học viện Hý khúc Trung Quốc. Sinh thời ông có viết những câu đối bất hủ như sau:

1 - Câu đối viết tặng Lưu Trọng Lư:

Lãng sĩ ban đầu vũ trụ nhược hữu kỳ, sinh ư Trung, danh ư Bắc, quy ư Nam, nẵng nhựt luận nhân tình ngã đẳng thanh đăng tằng túc ước
Giang hồ khôi thủ trần hoàn hà túc vấn, hứng nhi văn, muộn nhi thi, nộ nhi kịch, kim triêu lai tưởng niệm, mộ tiền hoàng lộc cánh mang nhiên

Dịch nghĩa:

Lãng tử số một như cuộc đời định sẵn, sinh ở Trung, nên danh ở Bắc, về với đất ở Nam, ngày trước bàn chuyện nhân tình, bên ngọn đèn xanh bọn ta có hẹn nhau
Giang hồ vẫn đứng đầu cuộc đời cần gì hỏi (tốt, xấu), hứng thì viết văn, buồn thì làm thơ, giận thì viết kịch, nay tôi đến tưởng niệm anh, trước mộ con nai vàng càng ngơ ngác hơn

2 - Nhà thơ Nguyễn Hoài Văn (1916-2003):

Hà tất vấn phong lưu, năng ẩm năng ca, tửu sắc ngọc giao Vũ Ngọc Liễn
Mạc sầu vô tri kỷ, thả ngâm thả thướng, thi thư hoài bão Nguyễn Hoài Văn

Dịch nghĩa:

Việc gì phải hỏi mình có phong lưu không, thường uống rượu và ca hát, rượu ngon, nhan sắc là bạn quý của Vũ Ngọc Liễn
Đừng buồn vì thiếu tri kỷ, cứ ngâm ngợi và thưởng thức, thi phú là ước vọng của Nguyễn Hoài Văn
Cái hóm của câu đối này ở chỗ vừa đúng người đúng việc (Vũ cũng từng là diễn viên Đoàn tuồng Liên Khu V trước khi đi học thành nhà nghiên cứu nên “năng ẩm năng ca”, còn Hoài Văn thì quả là “thi thư hoài bão”), nhưng Vũ “dành trọn” phần rượu ngon và nhan sắc, “nhường” Văn hoài bão mơ hồ chuyện thi thơ, cái việc ngàn vạn người xưa nay mấy ai còn lại với hậu thế. Nhưng câu đối không chỉ đùa vui. “Hà tất vấn phong lưu” và “Mạc sầu vô tri kỷ” đã chạm thấu tới điều sâu thắm của nỗi u hoài nhân thế!

3 - Thi sĩ Yến Lan:

Nẫm niên dư bắc thượng nam quy, tứ hữu thi đàn do lưu văn nghệ sử
Thất tuần ngoại triêu ngâm mộ vịnh, nhứt sinh hoa bút trường thán nguyệt vân thiên

Dịch nghĩa:

Hơn 30 năm ra Bắc về Nam, bốn người bạn thân cùng góp mặt vào văn nghệ sử
Ngoài bảy mươi sáng ngâm chiều vịnh, cây bút hay trong đời cũng ngửa mặt than dài với mây trăng

4 - Vũ Ngọc Liễn viếng Hoàng Chinh (một trong “tứ đại danh ca” của hát bội Bình Định):

Hồi thủ bất thăng bi, vạn kim bửu kiếm tàng thu thuỷ
Tiêu hồn duy hữu biệt, mỗi niệm lương nhân thống ngã hoài

Dịch nghĩa:

Ngoảnh đầu nhìn lại buồn khôn tả, gươm báu ngàn vàng đã ẩn dưới làn nước mùa thu
Nỗi đau lớn tử biệt, mỗi lần nghĩ đến người bạn quý lòng tôi đau đớn lắm
câu đối dùng toàn lời các câu hát của những vở hát bội trứ danh trong những đêm diễn thâu canh ở Bình Định. Câu đầu ở Địch Thanh, Tân Dã đồn, câu sau là lời Lan Anh trong Hộ Sanh Đàn. Mượn nỗi buồn của Lưu Bị tiễn Từ Thứ rời Thục về Tào vì mẹ mà ví với “bửu kiếm tàng thu thuỷ” sao mà hợp cảnh NS Hoàng Chinh qua đời cũng vào mùa thu, câu sau là nỗi lòng người còn lại. Với một tài danh như Hoàng Chinh, việc chọn lời tuồng tích sâu sắc để viếng tặng, tôn vinh là sát hợp và chỉ Vũ mới làm được, bởi vì, trước khi thành nhà nghiên cứu, ông cũng là một diễn viên hát diễn của hát bội Bình Định.

5 - Vũ Ngọc Liễn viếng soạn giả cải lương Vĩnh Điền:

Tuyệt tác ngâm thành, vị cập trùng quan tinh đẩu lạc
Khô kỳ hạ tận, hốt nhiên nhứt mộng hải thiên không

Dịch nghĩa:

Vở kịch cuối vừa xong, chưa kịp xem thì trăng sao rơi rụng
Gỡ được ván cờ tàn thì bỗng nhiên như giấc mộng trời biển trống vắng

6 - Câu đối dành cho nhà khảo cổ học Diệp Đình Hoa:

Ngã môn đồng tuế hựu đồng hương, tứ thập niên tiền đồng thị Bắc Kinh lưu học sĩ
Thế cuộc phiên phong hoàn phiên vũ, thất dư tuần hậu phiên thành Hà Nội thác cư ông

Dịch nghĩa:

Chúng ta cùng tuổi lại cùng quê, bốn mươi năm trước cùng đi học ở Bắc Kinh
Cuộc thế gió đó rồi mưa đó, ngoài bảy mươi bạn lại thành ông già ở trọ đất Hà thành

7 - Với nhà thơ Thanh Thảo:

Hoa bút mỗi huy châu cơ mãn chỉ
Tiết lâu kiến lập bằng hữu hân nhiên

Dịch nghĩa:

Mỗi lần vung bút, châu ngọc đầy trang giấy
Lầu tiết tháo dựng được, bạn bè vui mừng lắm.
Đây là câu đối Vũ Ngọc Liễn mừng nhà thơ Thanh Thảo xây được nhà. Cũng là lời ngợi khen, sự thán phục của Vũ dành cho người bạn nhỏ tuổi hơn sau 10 năm quen thân nhau ở Quy Nhơn. Vũ khen, phục thơ Thanh Thảo nhưng trên hết, khí tiết nhà thơ này mới là sự lớn. Vũ nói hộ nhiều người, quen và chưa quen Thanh Thảo nhưng từ lâu đã mến mộ nhà thơ không riêng chuyện chữ nghĩa…

8 - Với một nhà quản lý đương chức Văn Trọng Hùng:

Hảo dã Văn Trọng Hùng, muộn nhi thi nộ nhi kịch
Truy tuỳ cổ nhân chí, tiến tận chức thoái tận tâm

Dịch nghĩa:

Khá lắm Văn Trọng Hùng, buồn thì làm thơ, giận thì viết kịch
Noi theo cái chí người xưa, tiến thì làm tròn chức phận, về thì trọn tấm lòng với đời
Viết tặng nhà thơ, kịch tác gia Văn Trọng Hùng, Vũ tiên sinh có dùng lại ý “muộn nhi thi nộ nhi kịch” khi viết cho Lưu Trọng Lư. Có thể nói chất muộn, nộ trong thơ, kịch Văn Trọng Hùng còn sát hợp hơn. Nhưng chữ “hảo dã” khen tặng không hẳn chỉ dành cho chuyện thơ, kịch. Tắc giả này đang là một cán bộ quản lý ngành văn hoá. Khi Vũ hạ bút tiến tận chức thoái tận tâm, ông đã tin một quan chức tốt lại thêm ý ký thác, nhắn gửi. Một người yêu ghét rạch ròi như ông, đã trải qua bao yêu, giận như ông, chuyện ký thác tin yêu dành cho một bạn trẻ đương chức cũng là sự hiếm.

9 - Câu đối viết cho bản thân:

Sinh hoạt kháo gia trù, đản năng thưởng cổ kim giai thư hảo hoạ
Tâm trường vô tục khí, phương khả du thiên hạ danh sơn đại xuyên

Dịch nghĩa:

Đời sống dựa vào cái bếp nhà nhưng cũng thường được thưởng thức sách hay, tranh đẹp
Lòng ruột không có khí tục, tiện cho việc đi đây đó chiêm ngưỡng cánh đẹp trong thiên hạ

Ông tặng mình mấy chữ tâm trường vô tục khí vừa khí chất vừa tự tin đến cao ngạo. Biết làm sao được khi mà các thứ “tâm” nhân danh cứ nhan nhản trong đời! Cũng khó trước bao cám dỗ, trước bao mồi danh lợi nhưng, nếu sống trong đời ngay thẳng chính trực thì dù có “xì vấy xì vá” (chữ trong một vở hát bội) chắc rằng cũng vô tục khí! À quên, vì là ngày xuân, xin sửa lại, nếu lòng dạ tốt, độ lượng với đời, dẫu… có dĩ lỡ gì chắc cũng là thanh khí…

Những câu đối của Lỗ Công Nguyễn Văn Bách[sửa]

Nguyễn Văn Bách (1924) sinh tại huyện Gia Lộc - Hải Dương). Ông vẫn khiêm nhường nhận mình là “Long Thành Lão Nhân” (lão già thành Thăng Long). Lên 9 tuổi, ông đã theo cha đi khắp các phố huyện và thị xã Hải Dương kiếm sống bằng nghề bốc thuốc và viết chữ thuê. Năm 1959, Nguyễn Văn Bách về công tác tại Viện Đông y. Năm 1990, ông hoàn thành 1.351 chữ Bình Ngô Ðại Cáo của Nguyễn Trãi. Ông cũng là người chuyển thể "Hịch tướng sĩ" của Trần Quốc Tuấn thành thư pháp. Những ngày Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, khắp Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ai cũng hiếu kỳ về bức "Thiên Chiếu Ðô" với gần 300 chữ của Lý Công Uẩn, trong đó Nguyễn Văn Bách đảm nhận vai trò viết chữ.

  • Câu đối treo ở phòng khách:
Thê tức hữu chi nhàn tích lậu (Có một cành nhỏ để đậu là an nhàn rồi)
Danh linh phi tướng tại cao thâm (Danh linh đâu cốt ở bề ngoài)
Câu này lấy ý một câu trong bài phú của Lưu Vũ Tích đời Đường bên Trung Quốc: “Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh. Thuỷ bất tại thâm, hữu long tắc linh” – Núi chắc cốt ở độ cao, có tiên ở là nổi tiếng/ Nước đâu cốt ở độ sâu, có rồng ở thì ắt thiêng. Phẩm chất đâu cốt ở hình dung sắc tướng bề ngoài”)
  • Câu đối viếng một nhà viết kịch:
Giai vận vĩnh tồn thành bất tử
Trường tùng bách xích ứng lai sinh
  • Câu đối viết nhân dịp kỷ niệm 800 năm ngày chiến thắng quân Nguyên lần thứ III (1988)
Cột đồng Mã Viện đâu rồi? Mỗi xuân về chợt nhớ nguyền xưa, dân Giao Chỉ mỉm cười trước gió
Cọc gỗ Bạch Đằng còn đó? Khi Tết đến chạnh niềm cố quốc, hồn Nguyên Mông than khóc bên ghềnh
Đôi câu đối đã nhắc lại tích cột đồng Mã Viện với lời nguyền doạ dẫm “Đồng trụ chiết Giao Chỉ diệt – Cột đồng gãy thì nước Giao Chỉ bị diệt” bây giờ không còn bóng dáng. Người dân Việt nhớ lại mà cười ngạo nghễ. Nhưng cọc gỗ Bạch Đằng thì vẫn còn đó, với bao oan hồn lính xâm lược than khóc vì nhớ quê hương.
  • Năm 2009, một Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài nhờ ông nghĩ cho đôi câu đối để dùng trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương. Sau mấy đêm trăn trở, ông viết:
Tổ tự mấy ngàn năm, dốc tâm can vun đắp bốn bờ, trải bao trăm đắng với ngàn cay, giữ vững âu vàng riêng cõi Vịêt
Con cháu tám mươi ba triệu, dồn trí lực ngắn dài năm ngón, kết chặt ba miền chung một dạ, xua tan mây tối rạng trời Nam
Đôi câu đối có hình ảnh của những thửa ruộng lúa nước mà cha ông bao đời vun đắp, để làm nên một “Sơn hà thiên cổ điện kim âu- Non sông nghìn thưở vững âu vàng”. Vế sau nhắc đến tình nghĩa đồng bào- “ba miền chung một dạ”, và kêu gọi người Việt trong nước và nước ngoài gạt bỏ mọi sự khác biệt, như bàn tay có ngón dài ngón ngắn, cùng góp sức xây dựng Tổ quốc Việt Nam…
  • Câu đối viết tặng một Việt Kiều định cư tại Mỹ:
Bắc Hải tuy xa phù khí tiếp
Hồng sào mâu kết thục chi an
Theo điển cố nghĩa là, xa như biển Bắc mà một cơn sóng lớn (một cơ hội) đặc biệt có thể đưa ta đến được, ví như bà con Việt kiều bỗng có thể định cư và học hành tại các nước phát triển; Nhưng dù ở đâu, con chim Hồng vẫn làm tổ ở cành quen thuộc, cành Nam vậy.
  • Câu đối viết tặng đền thờ Khúc Thừa Dụ:
Thời thế tạo doanh hư, thất cước anh hùng ta suyễn vận (Thời thế vơi đầy, tiếc rằng anh hùng sa chân nên lỡ bước, nói đến sự nghiệp anh hùng của họ Khúc, dù không may bị lỡ bước, nhưng “Luận anh hùng không kể được thua”)
Giang sơn hàm sấn tiếu, tham công thủ bại khấp tàn nhi (“Giang sơn cười mỉm nụ, tham công cha bại khóc con tàn”, theo ý Đại cáo bình Ngô “Lưu Cung tham công nên thất bại”. Lưu Cung thắng họ Khúc nhưng cũng lại chuốc lấy thất bại chua cay, Hoằng Thao cũng mất mạng…)

Câu đối liên quan đến Hanh Phủ Nguyễn Đình Thảng (1925 - 2007)[sửa]

Nguyễn Đình Thảng, hiệu Hanh Phủ, người xã Bình Phước huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi. Tiên sinh là người quân tử đạt đạo chí thành lại là kẻ trung ẩn nép mình giấu sáng, học vấn uẩn súc mà không thẹn hỏi người dưới, thư pháp nổi tiếng mà riêng tự thành gia, về học nghiệp thì kẻ tầm thường không sao sánh được. Lại với bậc khanh tướng thì thản nhiên, với kẻ nghèo hèn thì ân cần, với người trên thì kính cẩn mà riêng giữ tôn nghiêm, với đồng bối thì vui hòa mà trang nhã có lễ, với người dưới thì ra sức tác thành mà không kể lỗi nhỏ, nên người gần kính yêu mà kẻ xa tìm tới, có thể nói là Thái Sơn Bắc đẩu sau cùng trong Hán học của nước Việt ta. Tới như việc làm con làm anh, làm chồng làm cha thì e rằng nhiều kẻ dựa vào điều mắt thấy tai nghe để ngợi ca vẫn chưa biết tiên sinh là bậc quân tử lấy mình dạy người, há chỉ là kẻ hiếu đễ từ hòa bình thường mà thôi!

Hanh Phủ Nguyễn Đình tiên sinh sinh năm Ất sửu 1925, thọ chung giờ Thân ngày 13 tháng 6 năm Đinh hợi (15h55′ ngày 26. 7. 2007), hưởng thọ 83 tuổi. Dưới đây là câu đối của 1 vị học trò đã thành đạt viếng thầy Thảng như sau:

一子一媳一孫遺一字三星朝月

其科其徒其友彳其傍十四一心

Nhất tử nhất tức nhất tôn, di nhất tự tam tinh triều nguyệt.
Kỳ khoa kỳ đồ kỳ hữu, sách kỳ bàng thập tứ nhất tâm.

Chú thích:

– Tam tinh triều nguyệt là chiết tự chữ TÂM 心

– Sách kỳ bàng thập tứ nhất tâm là chiết tự chữ ĐỨC 德

Ý câu trên là thầy Thảng chỉ có một con trai, một con dâu và một cháu trai, và để lại chỉ một chữ tâm, lại có ý là 3 người quây quần quanh Thầy. Còn câu dưới là mô tả cảnh các vòng hoa của Khoa, Trường, học trò và bạn bè xếp quanh linh cữu, và cũng ám chỉ hình ảnh đội khiêng linh cữu.

Những câu đối của Giáo Sư Tạ Ký (1928 - 1979)[sửa]

Tạ Ký quê ở Trung Phước, Quế Sơn, Quảng Nam, là nhà giáo, nhà thơ, giáo sư Việt văn tại trường Petrus Ký (Sài Gòn). Từ sau 1975, ông đi tù cải tạo, đã làm nhiều thơ trong tù. Cuối năm 1978 Tạ Ký từ Sài Gòn đi về sống ở An Giang, và đã qua đời trong cô độc tại đây vào tháng Ba năm 1979.

  • Năm 1970, tại một trường trung học công lập tại một quận lẻ tỉnh Tây Ninh. Buổi trưa, các thầy cô thường tổ chức nấu ăn tại nhà vợ chồng ông Lao công của trường. Gia đình ông Lao công nghèo, không con, được nhà trường du di thu xếp một phòng học làm nơi ăn nghỉ tại trường. Một buổi nọ, cô Hồng, dạy văn trong trường, nhân lúc ăn uống vui vẻ, ứng khẩu ra một câu đối và mời mọi người đáp lại cho vui.
Cô nói: Cô Hồng cởi áo cô hồng trần
Mọi người bỗng ngừng đũa, mỉm cười nhìn nhau tinh nghịch chờ đợi câu trả lời, trong số đó có thầy Tạ Ký (nguyên Đại úy biệt phái trường Pétrus Ký). Là một người ham thích câu đối từ lúc còn nhỏ, thầy cũng cảm thấy bất ngờ, không thể nào đối đáp ngay được.
Bỗng thầy sực nhớ đến tên mình và tên thường gọi ở nhà của thằng con trai trưởng là “Lục”, thầy đáp liền đáp: Thầy Ký lột quần thầy ký lục.
Một nam giáo viên mặt nghiêm nghị, ngó thẳng vào mặt thầy Ký rồi lớn tiếng phản đối: "Người ta mới cởi áo, anh làm gì mà gấp gáp quá vậy! Lột quần người ta rồi lục lạo tùm lum là nghĩa làm sao? Anh không bị đưa ra tòa vì tội sách nhiễu tình dục cũng là may!" Mọi người đồng loạt cười vang rân thiếu điều muốn sặc.
vế đối khác 1: Anh Bạch thay quần, anh Bạch diện
vế đối khác 2: Anh Bạch vạch quần, anh Bạch đái (Câu đáp hóm hỉnh ở chỗ bệnh bạch đái là một chứng bệnh của phụ nữ)
  • Năm 1976, lúc ở "trại" HT 7590/L9/T1 Long Khánh, sau khi kho đạn của Sư Đoàn 18 BB/VNCH bị nổ, các "tù cải tạo" phải dọn các đóng gạch vụn. Trong lúc di chuyển đóng xà bần dưới trời nóng, Giáo sư Tạ Ký, ra câu đối với đám học trò cũ cùng "cải tạo", ông nói: "Nếu thằng nào đối được thì tao thua một bi thuốc lào".
Vế ra: Vác gạch hộc gạch
Thì ra làm việc mệt quá nên thầy mới nghĩ ra câu này, tuy nhiên đám học trò cũ chưa kịp lấy được bi thuốc lào của thầy thì đã phải chuyển trại lên Bù Gia Mập. Một hôm, đi vát lồ ô về làm láng, một anh học trò cũ nói: "Phải chi có thầy Tạ Ký ở đây thì tao được bi thuốc lào của thầy".
Té ra, khi vát lồ ô lên dốc, anh học trò nghĩ ra câu: Leo dốc thở dốc

Những câu đối của Văn Gia Xuân Thiều (1930 - 2007)[sửa]

  • Nhà văn – đại tá quân đội Xuân Thiều (tên thật là Nguyễn Xuân Thiều), sinh tại làng Bùi Xá huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, mất tại Hà Nội. Ông còn có các bút danh: Nguyễn Thiều Nam, Tú Hói, Ba Quang. Từng là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội và Chánh văn phòng Hội Nhà văn VN. Một thời, ở Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) có hai người có tên rất đáng "yêu" đó là nhà phê bình nghiên cứu Vương Trí Nhàn và nhà thơ Ngô Văn Phú. Nhàn và Phú, "ung dung và giàu có", thật sướng gì bằng. Lần ấy, nhân cuộc vui, nhà văn Xuân Thiều ra vế câu đối:
vế ra: Vương Trí Nhàn mà chẳng được nhàn, vương vãi hoài chút trí (vế ra đều có 2 lần nhắc đến chữ: Vương, Nhàn, Trí. Vui mà quá khó. Cuối cùng vẫn phải là nhà văn Xuân Thiều, tự "xuất chiêu")
vế đối: Ngô Văn Phú mà không được phú, ngô nghê mãi nghề văn (vế đối cũng nêu được đúng hai lần chữ: Ngô, Phú, Văn)
  • Câu đối viếng Văn Gia Nguyễn Minh Châu (1930 - 1989):

Nguyễn Minh Châu quê ở làng Văn Thai, tên nôm là làng Thơi, xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Tên khai sinh của ông là Nguyễn Thí, khi đi học, mới đổi tên cho ông thành Minh Châu. Năm 1945, ông tốt nghiệp trường Kỹ nghệ Huế với bằng Thành chung. Năm 1962, Nguyễn Minh Châu công tác tại tạp chí Văn nghệ quân đội.

Đi từ Giữa một mùa sen, dẫu qua Ngậm ngải tìm trầm vẫn chưa về Quê mẹ
Theo Dấu chân người lính, Mảnh đất tình yêu, ôm ấp đành hẹn với Cỏ lau
  • Câu đối viết tặng 2 Văn Gia Hữu Mai và Hồ Phương:
Ông cố vấn bay giữa Vùng trời, Đôi mắt nhìn xa, chiếm Cao điểm cuối cùng, có gì mà Mất hết
Trồng Cỏ non từ Trên biển lớn, Thư nhà thúc giục, đón Mặt trời ấm áp còn hỏi Anh là ai?
Vế trên toàn là những tác phẩm của nhà văn Hữu Mai, còn vế dưới đối lại là các tác phẩm của nhà văn Hồ Phương.
Hữu Mai tên khai sinh là Trần Hữu Mai, có bút danh khác là Trần Mai Nam. Ông tại thành phố Thanh Hóa, quê gốc: thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Năm 1983, ông tham gia Hội Nhà văn với cấp Đại tá, là ủy viên thường trực Ban chấp hành Hội khóa III, khóa IV, thành viên của Hiệp hội Quốc tế những nhà văn viết truyện trinh thám (AIEF, thành lập tại Mêhicô 1989).
Nhà văn Hồ Phương tên khai sinh là Nguyễn Thế Xương, quê gốc ở Hà Đông. Sau hòa bình lập lại, 1955, ông về công tác tại Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, đợt IV, 2012 về Văn học- Nghệ thuật cho các tác phẩm “Ngàn dâu” và “Những cánh rừng lá đỏ”.

Những câu đối của Văn Gia Tú Sót (1930 - 2006)[sửa]

Tú Sót là bút danh, tên thật gọi Chu Thành, quê Diễn Trường, Diễn Châu (Nghệ An). Năm 1948 ông đi bộ đội đánh Pháp. Năm 1954 được cử du học tại Đại học Bắc Kinh, rồi làm biên tập sách dịch tiếng Trung. Về già cốt cách đặc "cụ đồ". Vào dịp Tết Nguyên đán thường cùng mấy nhà thư pháp bày "mực Tầu giấy đỏ" viết câu đối chữ Hán bên cổng số nhà 60 phố Bà Triệu, Hà Nội. Ông có đôi câu đối rất hay như sau:

A có cáo
Hoạ không lo
Câu này nhà thơ dùng cách chơi chữ lái âm: “A có cáo!” « “Ao có cá”; “Hoạ không lo!” « “Lọ không hoa”.
  • Câu đối viếng Trung Tướng Trần Độ:
Vô tình vị tất chân hào kiệt (Sống vô tình (như chủ nghĩa MACKENO (Mặc-kệ-nó) bây giờ), không phải là người hào kiệt)
Hữu độ phương vi đại trượng phu (Có đức độ (vì dân vì nước) mới đáng mặt gọi trượng phu)

Những vế đối của Thi Sĩ Nguyễn Sư Giao[sửa]

NGUYỄN SƯ GIAO sinh ngày: 22/08 Ất Hợi (1935) tại: làng Tịnh Yên, tổng Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam (nay là làng Tịnh Đông Tây, xã Đại Lãnh, Đại Lộc, Quảng Nam) nằm bên dòng sông Vu Gia. Tác giả lấy hai chữ đầu của tên làng và tên sông là Tịnh Vu, và lái lại thành Tụ Vinh làm bút danh. Ông có tham gia đối lại không ít câu đối khó tự cổ chí kim, dưới đây là những câu chưa rõ nguồn gốc xuất xứ được ông đối:

Câu 1:

Xuất: Năm con chim đậu trên cành cây ngũ (ngủ). (?)
Đối: Ngàn chú chuột chết giữa buổi đông thiên. (Ng. Sư Giao)

Câu 2:

Xuất: Cỏ đầu cầu Đỏ xanh biêng biếc. (?)
Đối: Than vùng thung Vàng đen thui thui. (Nguyễn Sư Giao)

Câu 3:

Xuất: Nhờ quần che không thấy què chân. (Nguyễn Kim âu)
Đối: Bởi đốt cháy mới loài đáy chốt. (Nguyễn Sư Giao)

Câu 4:

Xuất: Một thằng trẻ ranh bán tranh rẻ, mời kẻ độc đinh. (Bùi Tịnh)
Đối: Hai ngựa gầy đói, chở gói đấy cậy xe song mã. (Nguyễn Sư Giao)

Câu 5:

Xuất: Ẩn liên trì long cu tác quái, xuất hiền tài cốt nhục đoàn viên. (Trinh Tịnh)
Đối: Tàng thạch cốc, bàng điểu dương oai, sinh kiện tướng tình duyên hợp tụ. (Nguyễn Sư Giao)

Câu 6:

Xuất: Cô gái Xuân đi chợ hạ, mua cá thu về chợ hãy còn đông. (?)
Đối: Trai thôn Đông đáp thuyền nam, bán khoai tây xong thuyền đà lại bắc. (Nguyễn Sư Giao).

Câu 7:

Xuất: Hiệu thuốc bắc có nam có bắc, khách đông tây nam bắc đến hàng đông. (?)
Đối: Quán mai hồng nào tím nào hồng, hoa đỏ trắng tím hồng đều đắt đỏ. (Nguyễn Sư Giao)

Câu 8:

Xuất: Xứ Thủ Đức năm canh thức đủ. (?)
Đối: Trời Sóc Trăng sáu khắc sắc trong (Nguyễn Sư Giao)

Vế đối trên có dị bản như sau:

vế ra: Trai Thủ Đức năm canh thức đủ
vế đối: Gái Đồng Tranh sáu khắc đành trông
vế đối khác 1: Gái Giồng Trôm tháng tháng dòm trông
vế đối khác 2: Kẻ cơ thần trở lại Cần Thơ

Những câu đối của Cao Văn Tuế[sửa]

Cao văn Tuế làm nghề cắt tóc ở chợ Bưởi, là Hội viên hội nhà văn Việt Nam. Ông là hậu duệ của cụ Cao Bá Quát quê ở làng Phú Thị - hay còn gọi là Làng Sủi thuộc huyện Gia Lâm trước đây - nay là quận Long Biên, Hà Nội. Câu châm ngôn ông tâm đắc nhất để thường xuyên nhắc nhở bản thân và góp phần khuyên răn người đời: “Chê người mà được thưởng là gặp thánh. Khen người mà bị phạt là gặp thần”... Ông sáng tác nhiều châm ngôn, câu đối rất nhiều và hay. Đã có in sách, vì yêu quí tướng Nguyễn Sơn mà ông làm hai câu đối:

Chí tráng sơn hà lưỡng quốc tạc
Danh truyền sử sách thiên thư lưu

Lời dịch như sau:

Chí khí sông núi hai nước khắc
Danh truyền sử sách vạn sách lưu
Nguyễn Sơn tên thật là Vũ Nguyên Bác, bí danh Lý Anh Tự, Hồng Thủy, quê tại làng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Nguyên Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu IV Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Giám đốc Toà soạn “Tạp chí Huấn luyện Chiến đấu” Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Câu đối này đã được gia đình con gái Tướng Nguyễn Sơn trân trọng mời ông đến đọc trước mộ ở Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội) và treo trên bàn thờ Tướng Nguyễn Sơn. Câu đối này cũng được một họa sĩ đưa vào bức tranh sơn mài về Tướng Nguyễn Sơn treo trang trọng ở Bảo tàng Quân đội nhân dân Việt Nam, lại được in trong tập sách Lưỡng quốc Tướng quân của Nhà xuất bản Lao động năm 1996 và được in ngay trang đầu cuốn sách ảnh Tướng Nguyễn Sơn bằng 3 ngữ: Việt - Anh - Trung do NXB Thông tấn biên soạn xuất bản năm 2008 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tướng Nguyễn Sơn (1/10/1908 - 1/10/2008)
  • Cao Văn Tuế còn có câu đối cực kỳ độc đáo, ngông ở chỗ là ông lão ít học này dám cả gan sửa cả chữ “Tả thanh thiên” của Thần Siêu vốn tồn tại suốt bao đời nay tại Tháp Bút bên hồ Hoàn Kiếm:
“Sơn tạc thi thư tâm khoát hải
Tháp giương nghiên bút chí cao thiên”

Dịch nghĩa:

Núi tạc bài thơ, tâm hồn rộng như biển cả
Tháp bút giương lên, chí cao tới trời

Những câu đối ảnh hưởng Tây học của Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Lạc[sửa]

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Lạc từng là giảng viên Văn của Trường cao đẳng Sư phạm Hà Tây, nay đã nghỉ hưu. Hiện ông đang là một trong những người tham gia biên soạn bộ sách giáo khoa (thứ 2) môn Văn lớp 10 và 11 do GS Phan Trọng Luận làm chủ biên (sách lớp 10 bắt đầu sử dụng đại trà từ năm học 2006-2007.

  • Câu đối tiếng Pháp:

Vào thời điểm giữa năm Sửu và năm Dần, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Lạc có làm đôi câu đối hoàn toàn bằng tiếng Pháp và tự dịch ra tiếng Việt cũng bằng một câu đối:

Richesse du tiger, vien tout de suite (Mời bác phú Dần, về tức khắc)
Misère des buffles, fous le campl (Đuổi thằng bần Sửu, cút đi ngay)
  • Câu đối chơi Việt - Pháp:
vế ra: Hai chân duỗi thẳng đơ (deux= hai)
vế đối 1: Sáu cô ngồi xúm xít (six= sáu)
vế đối 2: Tám giờ xe lửa huýt (huit= tám)
  • Câu đối chơi chữ Việt - Anh:
Chó gâu gâu đi cắn trộm ăn đòn (to go= đi)
Lợn ủn ỉn ốm nằm dài chê cám (ill= ốm)
  • Chơi chữ theo cách dùng các đơn vị Hán Việt, Pháp Việt và thuần Việt có ý nghĩa tương đương cũng là một cách thách đố nhau:
Đối : Năm con chim xanh (cinq=5) đậu cành cây ngủ (ngũ=5), Sáu con bọ xít (six=6) sắc lục (=6) đó tề !
"Đáp : Tám con tu hú (huit=8) kêu cây bát bát (=8), Mười con chuồng chuồng đỏ đít (dix=10), lượn thập (=10) ác nhà.

Câu đối của Mã Phiệu (chưa rõ tiểu sử)[sửa]

“Thiên kim mãi đắc tam tiên nhục
Lưỡng tộc nghênh hồi nhất bả mao”

Ðặng Thái Mu dịch:

“Ngàn vàng mua được ba xu thịt
Hai họ rước về một nắm lông”

Câu đối thật xuất sắc, bản dịch thật thần sầu. Người kiến văn, viễn... thị hẳn rõ là từ thằng hùng tới thằng hèn nhiều khi chỉ cách nhau bằng cái ranh giới của một cọng lông. Hoàng Cầm thi sĩ của Bên Kia Sông Ðuống và Ðêm Liên Hoan, cửa sau Nhân Văn Giai Phẩm, bỗng biến thành Hồ Cầm, anh thợ thơ rẻ tiền đứng lếch thếch bên vỉa hè văn sử. Thi Công hết thời này thường cũng làm thơ minh hoạ, xu thời, hoặc lảm nhảm luẩn quẩn trong cái yếm và cái váy: ”Cổ lơi áo cởi trưa hè, ngực trần vỗ yếm gọi về tuổi hoa”...”Chợt nhìn hẻm hẹp xi xao, ai vui đã cất cánh vào hư vô”...”Sao em cứ mộng nỗi nằm, một pho cẩm thạch ôm chầm trắng đêm”...

Câu đối của Giáo Sư Toán Học Văn Như Cương[sửa]

Văn Như Cương (sinh 1937) là một nhà giáo Việt Nam, là một Tiến sĩ toán học. Văn Như Cương sinh tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Năm 1954, ông ra Hà Nội học khoa Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, ông học chương trình nghiên cứu sinh ngành toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ. Năm 1989, ông mở trường Lương Thế Vinh, trường phổ thông dân lập đầu tiên của Việt Nam từ khi Đổi mới. Ông là tác giả bộ sách giáo khoa hình học phổ thông của Viêt Nam và là thành viên Hội đồng giáo dục quốc gia Việt Nam.

  • Câu đối tết Kỷ Sửu (2009):
Năm Chuột đi, cháy nhà vẫn không ra mặt chuột!
Tết Trâu đến, gẩy đàn liệu có lọt tai trâu?
  • Theo Đại tá TS Văn Đức Bình, cháu gọi GS Văn Như Cương bằng bác kể rằng, liên quan đến GS và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có 1 câu đối, không rõ tác giả là ai. Câu đối như sau:

Văn như Văn Như Cương

Võ nguyên Võ Nguyên Giáp.

Câu đối của Thư Pháp Gia Lâm Thanh Sơn[sửa]

  • Đối lại vế xuất của Lê Bá Hạnh đăng trên báo Hạ Long (Quảng Ninh):
vế ra: ĐÊM BÃI CHÁY, LÊN CẦU BÃI CHÁY, NGẮM BÃI CHÁY, SÁNG BỪNG NHƯ BÃI CHÁY
vế đối: CHIỀU NON NƯỚC, TRÈO NÚI NON NƯỚC, NHÌN NON NƯỚC, HUY HOÀNG THAY NON NƯỚC (vế đối lấy cảm hứng từ lễ Hội Lam Kinh qua núi Non Nước)

Vương Trọng[sửa]

Vương Trọng tên thật là Vương Đình Trọng, sinh năm 1943 tại Đô Lương, Nghệ An.

  • Hối lộ, lộ rồi không kịp hối!
Tham ô, ô hết có còn tham?
  • Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia, sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng, đẹp về kiến trúc. Đầy đủ về tiện nghi. Không những thế, mặt tiền của ngôi nhà lại chính là đường phố Lý Nam Đế. Thật là cầu được ước thấy! Vì không phải chỉ là ở vị trí ấy, gia đình ông có thể mở một cửa hàng buôn bán nho nhỏ để sinh lợi thêm. Mà cái chính là, từ đây, ông có được một điều kiện tối ưu để sinh hoạt và làm việc. Ông có một căn buồng riêng rộng rãi, có một cái bàn viết mở cửa sổ nhìn ra một vòm trời cây xanh mát mẻ, ríu rít tiếng chim và vi vu ngọn gió lành. Bạn bè đến ăn mừng nhà mới cùng ông thật đông. Ai đến cũng có quà mừng. Một bức tượng Thánh Gióng. Một tấm thảm Ba Tư. Một chiếc gương Tầu. Một bộ ấm chén Nhật Bản. Riêng nhà thơ Vương Trọng đi tay không đến. Bắt tay Xuân Thiều xong, nhà thơ nói: "Anh Xuân Thiều. Anh nổi danh là ông Tú Hói trong làng thơ, tác giả của không ít câu đối tài tình. Vậy em tặng anh một vế câu đối để anh đối lại cho vui thôi".
vế ra: Chả lo gì, chỉ lo già
Xuân Thiều ôm chầm lấy Vương Trọng vô cùng mừng vui và thán phục, thán phục vì anh chàng thi sỹ đồng hương giỏi đường chữ nghĩa này sao mà tinh quái! Anh ta đoán trúng tâm trạng nhà văn, sau bao nhiêu năm sống trong vất vả thiếu thốn, giờ đây khi tuổi đã không còn trẻ, mới có được một cơ ngơi như thế này, thì ước ao sở nguyện không gì khác hơn chính là được sống thật dài lâu để làm việc và hưởng thụ. Vế ra hóm hỉnh nọ được quảng bá trong giới chữ nghĩa, hàng chục câu đối lại ra đời. Riêng Tú Hói, tức Xuân Thiều nổi tiếng hay chữ lúc đó còn đang tìm tòi ý tứ. Thì có một câu đối lại của một tác giả vô danh xuất hiện:
vế đối: Nỏ cần chi, chỉ cần no
Xuân Thiều tiếp nhận ngay nó vì ông hiểu ngay rằng, đây là vế đối hoàn chỉnh nhất, mình không cần phải tìm tòi gì nữa! Duy có điều, đọc cả đôi câu đối lên, nhà văn thấy lòng buồn xỉu. Câu đối, cả hai vế đều nói đúng tâm trạng ông. Tâm trạng của một nhà văn luôn biết lo toan việc đời. Ông buồn vì tuổi tác không đợi ai. Ông buồn vì nhân thế: còn biết bao người đang còn phải lo miếng cơm manh áo hàng ngày!
  • Trong cơ quan Tạp chí Văn nghệ Quân đội có bốn nhà thơ bậc đàn anh: Dũng Hà, Nguyên Ngọc, Hồ Phương, Xuân Thiều, Nguyễn Trọng Oánh có bề dày tác phẩm và tài năng. Vương Trọng cũng có hai câu thơ mang chất đối, sắp xếp quan hệ trên dưới trong Ban lãnh đạo và các tác phẩm của họ:
“Dưới ánh Sao mai/ Khúc sông nghe lời Biển gọi
Trên nền Đất trắng/ Vùng trời ngán cảnh Rẻo cao”

(Sao mai, Biển gọi, Đất trắng, Rẻo cao là tên tác phẩm của bốn nhà văn kể trên)

  • Nhân một chàng sĩ quan cấp úy ở đơn vị bạn có vợ bị “vỡ kế hoạch” nên sinh con thứ ba, “Đồ Nghệ” liền ứng tác một vế đối:
“Tạm ứng đôi sao trên cổ bố
Biến thành hai hạt dưới chim con”

Những câu đối của Nhạc Sĩ Dương Hồng Kỳ[sửa]

Đoàn trực thăng vụt bay lên thẳng
Bạn đồng hành theo bước đi cùng
Nhìn bãi cát vàng bỗng nhớ tới Hoàng Sa
Ngắm căn nhà trắng thường nghĩ về Bạch Ốc
Thừa tướng thừa lệnh nội tướng (khuyết danh)
Tự quân tự xử hôn quân (Dương Hồng Kỳ)
vế ra: Túi bạc còn, tiền bạc hết (khuyết danh)
vế đối 1: Vườn hồng trụi, hoa hồng đầy (Dương Hồng Kỳ)
vế đối 2: Người xinh đấy, cái xinh teo (Dương Hồng Kỳ)
Thất cơ lỡ vận, cầm vợ đợ con
Đắc thế được thời, đếm xu thu bạc
vế ra: Tướng Kỳ đánh cờ tướng
vế đối 1: Thần Địa coi đất thần
vế đối 2: Hoa Thủy làm nước hoa
vế đối 3: Mười Ngũ chơi năm mười
Xin can ông đừng gọi công an
Cứ phỉnh chú dựa theo chính phủ
Nghỉ tại trạm Trôi ăn bánh trôi
Gánh sang vùng Quảng bán mì quảng
vế ra: Cái đó chớ sờ vì ngựa đá, Nơi này đừng đụng bởi chó vồ (Thụ Thi)
vế đối: Chỗ kia hãy vuốt bởi nàng mong, Cái đấy không màng là vợ chửi (Dương Hồng Kỳ) (Vế sau có thể sửa là: Cái đấy mau hôn không vợ chưởi)
vế ra: Cắc Cớ hang này mời khách tới, Chùa Thầy cõi ấy đón người thăm (Thụ Thi)
vế đối: “Nam Thiên” chữ đó biết ai đề, “Đệ Nhất” vùng đây nhìn cảnh tả (Dương Hồng Kỳ)
vế ra: Tết đến ông đồ đi bán chữ, Xuân sang kẻ sỹ thả vần thơ (Thụ Thi)
vế đối: Mưa về bão tố dập tan mơ, Nắng hé hoa lòng tươi sắc nhụy (Dương Hồng Kỳ)
vế ra: Văn Miếu thiếu ông đồ, chữ nghĩa xem ra vi tính cả, Thăng Long không kẻ sỹ, nhân tâm thấy mỗi ảo hình thôi (Tuấn Khỉ) (Hà Nội cấm ông đồ cho chữ trên vỉa hè Văn Miếu", một số ông đồ vẫn bày bàn, viết chữ trên vỉa hè và sẵn sàng "chạy" khi an ninh phường đi tuần tra)
vế đối: Thủ Đô nhiều gái gọi, cội nguồn xót quá ngoại nhân ơi! Hạ Giới lắm ma trơi, đạo đức nhìn kìa hoang tưởng đấy! (Dương Hồng Kỳ)
vế ra: Lã Bố tung hoành cùng Xích Thố, Quan Công mãn nguyện được ngựa hay (Thụ Thi)
vế đối: Ôn Hầu hí hửng với Từ Châu, Tào Tháo âm thầm tranh đất quý (Dương Hồng Kỳ)
vế ra: Xích Thố tung hoành cùng Lã Bố, Ngưạ hay lại đến với Quan Công (Thụ Thi)
vế đối: Trương Liêu thịnh nộ bởi Ôn Hầu, Tướng giỏi đành hàng vì Mạnh Đức (Dương Hồng Kỳ)

vế ra: Lã Bố vì tình mà giết bố, Quan Công trả nghĩa quyết lập công (Thụ Thi)

vế đối: Tôn Quyền phẫn chí phải dùng quyền, Huyền Đức ra ơn hầu để đức (Dương Hồng Kỳ)

vế ra: Từ Hải vì ai mà chết đứng, Thúc Sinh sợ vợ chịu sầu đau (Thụ Thi)
vế đối: Thúy Kiều gánh tội đến hư hao, Tôn Hiến gườm người gây thảm cảnh (Dương Hồng Kỳ)
vế ra: Sự nghiệp hoàn thành, Bá tính ơn sâu, Đà Nẵng bao người đưa tiễn bác! (Tuấn Khỉ) (Nguyễn Bá Thanh (8/4/1953 - 13/2/2015)
vế đối: Công trình khởi tạo, Thanh danh giữ vững, Việt Nam mấy kẻ bước theo ông? (Dương Hồng Kỳ)
vế ra: Vàng son một thủa nguy nga chẳng giữ nổi quốc gia còn độc lập (Tuấn Khỉ)
vế đối: Vua chúa bao đời thao túng không làm cho dân chúng được tự do (Dương Hồng Kỳ)
vế ra: Tỵ quá tam, tam xà trầm mỹ tửu. Ngọ lai tứ , tứ mã đáo thành công (Thụ Thi)
vế đối: Dương hồi ngũ, ngũ dương đồng háo sắc. Tý hiển linh, linh tý yếu linh miêu (Dương Hồng Kỳ)
vế ra: Bắc Đẩu gọi trời Nam, hào kiệt tựu tề trên Thi Viện (mottroithuongnho)
vế đối: Nam Tào soi đất Bắc, cố nhân lai vãng tại Hí trường (Dương Hồng Kỳ)
vế ra: Học trò dịch sách Dịch, dịch tới dịch lui lòng chẳng dịch (mottroithuongnho)
vế đối: Thầy dạy bình ông Bình, bình qua bình lại, đẳng không bình (Dương Hồng Kỳ)
vế ra: Ngọc Hoàng hạ chiếu rước Xuân, thu Đông lại cho trời thôi lạnh (mottroithuongnho)
vế đối: Sư khoáng kỳ thân lau Cầm, họa Thi thêm để ý thấm sâu (Dương Hồng Kỳ)
vế ra: Đông tô lục diệp muôn tàn đỏ, Bút tả thanh thiên mấy chữ hồng (Tuấn Khỉ)

Tay rót ô long cặp chén ngà, Mắt lườm hắc đạo đôi ngươi trắng (Dương Hồng Kỳ)

vế ra: Tết Giáp Ngọ đi Tứ Mã, vượt đường Hoà Mã, thăm con Sông Mã, viếng Bạch Mã vạn thuở còn nguyên (Tuấn Khỉ)
vế đối: Xuân Canh Thân, chúc Song Thân, qua miếu Hoàng Thân, gặp bạn họ Thân, theo Tam Thân ngàn đời vẫn đúng (Dương Hồng Kỳ)
vế ra: Xuân lai hoa kết quả, Mã đáo ngọ thành công! (Tuấn Khỉ)
vế đối: Tướng xuất sĩ đầu hàng, Tốt cùng binh thất thủ (Dương Hồng Kỳ)
vế ra: Tết đến tìm Dì duyên chẳng bén, Xuân sang kiếm bạn nghiã thâm sâu (Thụ Thi)
vế đối: Tiền buôn bán miệng lợi không thành, Trận trải công người danh uổng phí (Dương Hồng Kỳ)
vế ra: Mua được ghế quan tham tàn mắc bệnh, Kiếm xong bồ bịch tịch sạch tiêu danh (Thụ Thi)
vế đối: Bán luôn bà vợ lớ ngớ lên cơn, Cầm cả lũ em lem nhem nổi chứng (Dương Hồng Kỳ)
vế ra: Tết đến ông đồ đi bán chữ, Xuân sang kẻ sĩ thả vần thơ (Thụ Thi)
vế đối: Mưa về bão tố dập tan mơ, Nắng hé hoa lòng tươi sắc nhụy (Dương Hồng Kỳ)
vế ra: Chui háng hận đời thành khanh tướng, Trung quân vong mạng bởi vợ vua (chỉ Hàn Tín )(Thụ Thi)
vế đối 1: Ném con xót tướng thức minh vương, Hoàng thúc lên ngôi vì nghiệp đế (nói về Hán Chiêu Liệt Đế Lưu Bị) (Dương Hồng Kỳ)
vế đối 2: Rờ mu gieo quẻ biến quỷ ma, Thầy bói ướt tay vì chất nước (Dương Hồng Kỳ)
vế ra: Nhà đẹp tặng bồ - Tiền tham nhũng, Án to ban tội - Miệng chối oan (Thụ Thi)
vế đối: Gái tơ dâng xếp - Lòng xu nịnh, Bà lớn còng đầu - Mồm than khổ (Dương Hồng Kỳ)

Sắt vụn hóa tàu - tiền tiêu phí, Quan to thành cướp - luật chẳng tha (Thụ Thi)

vế đối: Điểm ma lên lớp - trường dạy sai, Giấy xúc bịp đời - bằng chưa đạt (Dương Hồng Kỳ)
vế ra: Có học, có thi thì có...chấm...mút (Tuấn Khỉ)
vế đối: Không thương, không nhớ chớ hòng yêu đương (Dương Hồng Kỳ)
vế ra: Đạp xe đạp về quê ăn Tết, Bao hầu bao lên tỉnh sắm đồ (khuyết danh)
vế đối: Lê lưỡi lê ra lạch kiếm mồi, Cá con cá nằm bờ tróc vẩy (Dương Hồng Kỳ)
vế ra: Dê thiếu máu dê, ủ ê...dê...lên điã (NHQ)
vế đối: Điếm thừa trò điếm, tìm kiếm điếm ngoài đường (Dương Hồng Kỳ)
vế đối khác 1: Trẻ tràn sức trẻ… vui vẻ… trẻ nhập sàn (Dương Hồng Kỳ)
vế đối khác 2: Ngựa non sức ngựa... lấn lứa... ngựa tới cầu (Dương Hồng Kỳ)
vế đối khác 3: Thơ hỏng ý thơ … lơ mơ… thơ vào viện (Dương Hồng Kỳ)
vế đối khác 4: Đối sai luật đối … bối rối… đối để đời (Dương Hồng Kỳ)
vế ra: Con NGỰA bày hàng MÃ, mình không NGỌ nguậy (NHT)
vế đối 1: Bọn ANH hát khúc CA, miệng cứ HUYNH hoang (Dương Hồng Kỳ)
vế đối 2: Tên CHÓ làm trò KHUYỂN, quân nầy CẨU trệ (Dương Hồng Kỳ)
vế ra: Cương bởi "kỷ cương", giữ cương thường... thì cứng (NHQ)
vế đối: Nhược trong "nhu nhược" , đã nhược nước... phải oằn (NHQ)
vế đối khác 1: Tử vì “thiên tử”, vào tử địa ắt… tiêu (Dương Hồng Kỳ)
vế đối khác 2: Bại vì chủ bại, nghe bại tụng ắt... thua (Dương Hồng Kỳ)
vế đối khác 3: Thiện thêm "thân thiện", có thiện chí... sẽ lành (Dương Hồng Kỳ)
vế ra: Tổ tông đức độ giàu nhân nghĩa (khuyết danh)
vế đối: Hậu duệ gian ngoa lắm bạo tàn (Dương Hồng Kỳ)

Câu đối liên quan đến ông Trương Kiện và vụ sập cống Hiệp Hòa[sửa]

Năm 1976, một công trình thủy lợi rất lớn được khởi công, đó là kênh Vách Bắc. Nhờ có kênh Vách Bắc mà hàng vạn héc ta đất lầy thụt, năm xưa chỉ cấy một vụ, nay cấy hai, ba vụ. Nhờ kênh Vách Bắc mà hàng vạn người dân quê tôi thoát cảnh lũ lụt, đói nghèo. Người có công lớn xây dựng kênh Vách Bắc là ông Trương Kiện, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh (1979-1982); Nhưng chỉ một năm sau, sảy ra vụ sập cống Hiệp Hòa (Đô Lương, Nghệ An) khiến 81 thanh niên thiệt mạng. Sau vụ tai nạn thảm khốc, ông Trương Kiện bị Trung ương kỷ luật với hình thức khiển trách, sau đó ông lên làm Bí thư Tỉnh ủy và vào BCH Trung ương. Đến nay, dân xứ Nghệ khó quên câu đối hóc hiểm, cay độc về ông Trương Kiện:

Kênh Vách Bắc dựng lên, đẩy ông thọt lọt vào nhà Đỏ
Cống Hiệp Hoà sập xuống, vùi chôn chín chín mạng dân Đen (9x9=81)

Câu đối của Nhà văn Trần Nhương[sửa]

Nhà văn Trần Nhương sinh năm 1942 tại Lâm Thao, Phú Thọ. Bút danh khác: Như Hương, Lâm Thảo, Trưòng Nhân, Ga-mô-ca, Lê Trần Vượng. Ông có đôi câu đối viết về các tác phẩm của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân thời bao cấp như sau:

Sao mai vừa mọc, Vùng biên ải nhấp nhô Ngọn súng biên phòng, Đường chúng ta đi dày Dấu chân người lính
Bình minh mới rạng, Đất miền Đông mênh mông, Dòng sông phía trước, bao Khuôn mặt tôi yêu
Đó là các tác phẩm của các tác giả Dũng Hà, Tạ Hữu Yên, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Hồ Phương, Nam Hà, Mai Ngữ…

Câu đối của Đại tá Nhà văn Phạm Thanh Cải[sửa]

Phạm Thanh Cải sinh năm 1955, quê quán Đoàn Lập, Tiên Lãng, Hải Phòng. Chỗ ở hiện tại: Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Nơi công tác: Bộ Tư lệnh Hải quân. Điện thoại: 01696306682 Quá trình công tác: 1972-1978 Học viện kỹ thuật quân sự, 1978-2013 Viện kỹ thuật Hải quân - Quân chủng Hải quân, năm 2013 về hưu quân hàm Đại tá nâng lương. Quá trình hoạt động văn học nghệ thuật: Tham gia văn hóa văn nghệ tại đơn vị Học Viện KTQS và Quân chủng hải quân...Hiện nay là Nhà văn, Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ dịch, Hội Nhà văn Hà Nội, tham gia dịch văn và thơ bằng tiếng Trung, Anh và Nga đăng trên các báo, Tạp chí Trung ương và địa phương..., rất thích sưu tầm câu đối và thơ phú văn chương để giới thiệu cùng bè bạn khắp nơi, dưới đây là những câu đối, vế đối của Đại tá khi giao lưu cùng bè bạn:


1- Tết Canh Dần, chơi phố Hàng Da, mua xương cọp về nấu cao hổ cốt (tuti)

Xuân Tân Mão, tới nhà Bác Cổ, kiếm cẳng mèo để ninh lẩu miêu chi. ( Phạm Thanh Cải)

( Da, xương, cốt: ba thành phần con hổ, Dần, cọp, hổ : đều chỉ về hổ. Cổ, cảng, chi: ba thành phần con mèo, Mão, Mèo, miêu : đều chỉ mèo)

2- Tết Canh Dần, chơi phố Hàng Da, mua xương cọp về nấu cao hổ cốt (tuti)

Xuân Quý Tỵ, tới làng Lệ Mật, kiếm tim rắn để ngâm rượu xà tâm. ( Phạm Thanh Cải)

3-Năm Canh Dần, nữ anh hùng tay không bắt cọp (khuyết danh)

Tết Kỷ Sửu, chàng dũng sĩ dao sắc đâm trâu (Phạm Thanh Cải)

4- Đêm đến tàn canh, dần sẽ sáng ( Hà Sĩ Phu)

Ngày sang bỏ giáp, tý thì trưa (Phạm Thanh Cải)

5- Tết đến nghĩ suy, tìm cách hay, để đơn vị nhân viên vui Hạnh phúc

Xuân về trăn trở, lo điều tốt, cho gia đình con cái hưởng Ấm no

( Phạm Thanh Cải)

6- Tết thì Tết, cuối tháng vẫn tuần tra, đảm bảo an toàn ngày Tết

Xuân kệ Xuân, đầu năm luôn canh gác, giữ gìn vui vẻ đêm Xuân

( Phạm Thanh Cải)

7- Tết sắp đến, lấy chuột ra, tiếng bàn phím rộn ràng vui Tết

Xuân đang về, mời mèo đến, màu màn hình đua sắc mừng Xuân

( Phạm Thanh Cải)

Mừng Xuân Tân Mão 2011

8- Tiễn Canh Dần, Hổ lớn về hưu bàn giao ghế mèo con tiếp quản

Mừng Tân Mão, Mèo con nhậm chức, đón nhận ngai hổ lớn nhường cho .

(Phạm Thanh Cải)

9- Mừng Tân Mão, mèo mới chờ tháng Dần đuổi con cọp giấy (Thanh Huyền)

Tiễn Canh Dần, cọp già đợi năm Mão mời chú mèo bông (Phạm Thanh Cải)

10- Bác Thử hẹn cô Mèo qua quán Miêu vào giờ Tý (Hoài Việt)

Cô Hầu mong bác Cọp tới hàng Hổ đúng tháng Thân (Phạm Thanh Cải)

11- Năm Tân Mão hết, muốn thoát nghèo, vượt qua lạc hậu, nên từ bỏ quan niệm: Mèo nhỏ bắt chuột con.( Ngọc Thanh)

Tháng Nhâm Dần sang, mong thôi khổ, vươn tới tương lai, phải học câu châm ngôn: Hổ to vồ dê lớn (Phạm Thanh Cải)

Mừng Xuân Nhâm Thìn 2012

12- Tết đến, lấy bút nghiên, rủ bè bạn làm thơ, vui không khí Tết,

Xuân về, nâng ly cốc, cùng mọi người chúc rượu, hưởng vị hương Xuân

( Phạm Thanh Cải)

13- Ủa! Tết đến rồi, lộc đã khai hoa, mừng rồng trẻ đem nhiều may mắn tới

Ồ! Xuân sang đó,cây đang kết nụ, tiễn mèo già mang hết rủi ro đi

( Phạm Thanh Cải)

14- Năm Tân Mão, mèo trắng ra sức bắt chuột già đục khoét

Tết Nhâm Thìn, rồng vàng gắng công vươn cánh trẻ tung bay

( Phạm Thanh Cải)

15- Năm Mão qua, Đại hội Đảng thành công, chỉ một đường lối đúng

Tết Thìn tới, toàn dân ta phấn khởi, tìm nhiều cách làm hay

( Phạm Thanh Cải)

16- Rồng cuộn hổ ngồi, đất Thăng Long ngàn năm ngời khí thế

Đảng hô dân ủng, thành Hà Nội vạn thuở rạng uy linh

( Phạm Thanh Cải)

17- Năm Tân Mão, đến Bồng Miêu du lịch, mua con mèo thử về bắt chuột (khuyết danh)

Tết Nhâm Thìn, về Thăng Long tham quan, ngắm tượng rồng nhân tới tìm người ( Phạm Thanh Cải)

18- Chào Nhâm Thìn, đón ánh sáng bình minh, khí thế tựa rồng vượt gió.(Trần Hợp )

Nhớ Giáp Ngọ, dâng hương thơm buổi sớm, tinh thần như ngựa xem hoa (Phạm Thanh Cải)

19- Tiễn Tân Mão đi, đuổi đạo tặc, tai ương, mừng nhân dân bình an, hạnh phúc! (Trần Hợp )

Mong Nhâm Thìn đến, hô anh hùng, chiến sĩ, dựng Tổ quốc độc lập, tự do (Phạm Thanh Cải)

20- Tiếp nối giống Rồng Tiên, chẳng sợ Long đong vất vả. (Nguyễn Hữu Thăng)

Xua tan phường sách nhiễu, đâu cần Thư thả thảnh thơi (Phạm Thanh Cải)

21- Xuân Nhâm Thìn, rước Rồng thiêng, đất Thăng Long tưng bừng mở hội. (Nguyễn Hữu Thăng)

Tết Bính Ngọ, phi ngựa quý, miền Bạch Mã rộn rã chào ta(Phạm Thanh Cải)

Mừng Xuân Quý Tỵ 2013

22- Làm câu đối mừng Xuân, gửi các báo đều đăng,tha hồ tiền tiêu Tết

Viết vần thơ đón Tết, cho mọi người cùng đọc, thoải mái bạn tâm giao

( Phạm Thanh Cải)

23- Làm câu đối mừng xuân, gửi các báo đều đăng, tha hồ tiền nhuận bút. (Phạm Thanh Cải)

Hát bài ca đón tết, cho mọi người thưởng thức, lai láng khúc giao mùa. (Diên Minh)

24- Xuân về bạn viết Câu đối mừng Xuân, rót chén rượu chúc ta Hạnh phúc (Phạm Thanh Cải)

Tết đến ta làm Vần thơ chúc Tết, nâng ly bia mừng bạn Bình an (Ngọc Thanh)

25- Nhuận bút gửi liên hồi, ra bưu điện lĩnh tiền về tiêu Tết

Văn thơ tuôn lai láng, đến cơ quan hái lộc để mừng Xuân

( Phạm Thanh Cải)

26- Xuân về ngâm áng thơ hay, Xuân bất tận

Tết đến ngắm tờ tranh đẹp, Tết trường tồn

(Phạm Thanh Cải)

27- Xong nhiệm vụ giữ biển, giữ trời, giữ an ninh Tổ quốc

Mở chương trình vì con, vì cháu, vì hạnh phúc gia đình

(Phạm Thanh Cải)

Mừng Xuân Giáp Ngọ 2014

28- Tết Giáp Ngọ, rạc cẳng đi chợ Hàng Da, hoa mắt tìm mua xương ngựa về nấu cao ngựa trắng

Xuân Ất Mùi, rời chân tới khu phố cổ, mỏi mồm chào bán thịt dê để làm lẩu dê vàng .

(Phạm Thanh Cải)

29- Đón Giáp Ngọ, ngựa sắt Thánh Gióng chở thơ về hội thơ, mã đáo thành công (Vế xuất - đề thi câu đối . Hội Nhà văn HP)

Mong Ất Mùi, dê vàng lưu linh dâng rượu lên bàn rượu, dương đăng thắng lợi (Phạm Thanh Cải)( Với vế đối trên, tham gia dự Thi câu đối Xuân của Hội Nhà văn Hải Phòng Xuân Giáp Ngọ, trong cuộc thi này, Phạm Thanh Cải đoạt Giải Nhì)

30- 冬去贪蛇逃走随蛇岁

春来骏马奔腾到马年 (范青改)

Đông khứ, tham xà đào tẩu tùy xà tuế

Xuân lai, tuấn mã bôn đằng đáo mã niên

(Tạm dịch nghĩa:Đông qua, rắn tham nhũng chạy trốn cùng năm rắn; Xuân đến, ngựa khỏe hay, phi nhanh tới năm ngựa)(Phạm Thanh Cải)

31- 送蛇岁祝人间和平幸福

迎马年庆祖国独立自由 (范青改)

Tống xà tuế, chúc nhân gian hòa bình hạnh phúc

Nghênh mã niên, khánh Tổ quốc độc lập tự do

(Tạm dịch nghĩa: Tiễn năm rắn, chúc nhân gian hòa bình hạnh phúc; Đón năm ngựa, mừng Tổ quốc độc lâp, tự do)(Phạm Thanh Cải)

33- Tết đã đến, viết câu đối mừng Xuân, cùng bài thơ chúc Tết tung vần, muôn nhà vui không khí Tết

Xuân đang về, làm bài thơ chúc Tết, bên câu đối mừng Xuân thả ý, vạn nẻo đẹp sắc màu Xuân

(Phạm Thanh Cải)

34- Đường cũ xấu qua rồi, tìm đường mới, đừng theo lối ngựa quen đường cũ! (Ngọc Thanh)

Hoa xưa tàn đi hết, hái hoa tươi, chớ để lòng bướm nhớ hoa xưa (Phạm Thanh Cải)

35- Giáp Ngọ, cởi giáp lên ngựa đến chúc Xuân chiến sỹ kị binh (Nắng Xuân).

Đinh Mùi, tháo đinh dắt dê về mừng Tết gia đình thực khách (Phạm Thanh Cải)

36- Mừng Giáp Ngọ, tuổi mong trời phúc lộc (Kiền Đức)

Đón Bính Dần, đời ước đất bình an (Phạm Thanh Cải)(Ghi chú: Tháng Giêng Giáp Ngọ là tháng Bính Dần)

Mừng Xuân Ất Mùi 2015

37- Bên thành viên họ Phạm , yêu họ Phạm, trọn tấm lòng tôn thờ họ Phạm

Cùng thi hữu thơ Đường, thích thơ Đường, cả con tim mê viết thơ Đường

(Phạm Thanh Cải)

38- Ồ! thấm thoắt đã qua sáu chục năm đấy nhỉ?

Tuyệt! sênh sang vừa tròn một hoa giáp mà thôi! (Phạm Thanh Cải)

39- Những người hiền thôi có còng trên miệng

Đàn cừu non hết còn lửa dưới chân

(Chữ Thiện bỏ chữ thảo và khấu, chữ Cao bỏ chữ hỏa bên dưới : đều là chữ Dương, nghĩa là dê)(Phạm Thanh Cải)

Những câu đối giao lưu cùng bè bạn

40- Ngọc Thanh thật nhiệt tình, ngày Tết chả đi đâu, chỉ ngồi say câu đối Tết (Phạm Thanh Cải)

vế đối 1: Lính thủy thêm hào hứng, đêm Xuân không ngủ được, đành ngồi dậy viết Thơ Xuân (Phạm Thanh Cải)
vế đối 2: Lính Thủy quá háo hức, sáng xuân không du ngoạn, luôn đứng mong vần thơ xuân (Ngọc Thanh)

41- Chúc Đôn Thư chữ nghĩa sáng trong ngời trí tuệ (Hoàng Tấn Đạt)

Mừng Đất Nước mùa xuân rạng rỡ, ngát hương hoa (Phạm Thanh Cải)

42- Vợ cả vợ hai, cả hai vợ đều là vợ cả (dân gian)

vế đối 1: Chồng sau chồng trước, sau trước vẫn quý chồng sau (Thanh Cải)
vế đối 2: Nhà trên nhà dưới, trên dưới cùng ở nhà trên (Phạm Thanh Cải)

43- Da trắng vỗ bì bạch (皮白) (Bà Đoàn Thị Điểm)

Giếng trong nhìn tinh tinh(井晶) (Phạm Thanh Cải)

44- Giếng nước trong veo, bởi chạm chân chàng nên mới đục (thày tu)(Chạm, chàng, đục: 3 dụng cụ thợ mộc)

vế đối 1: Đường hầm tắc tịt, vừa đào một lát đã thành thông (Thanh Cải)(đào,lát, thông: 3 loại cây)
vế đối 2: Gian hàng lệch lạc, vì cơi mặt đấu mới thành cân (Thanh Cải)(cơi, đấu, cân: 3 dụng cụ đo lường)

45- Nem chả ngon, chả ngon (dân gian)

Trầu không héo, không héo (Phạm Thanh Cải)

46- Bỏ trống nhà, đàn bà ra mua áo đẹp (Nguyễn Hữu Thăng)

Đào sâu giếng, bọ mạ muốn bán nước trong ( Phạm Thanh Cải)

(Trống , đàn: 2 loại nhạc cụ; sâu, bọ: hai loại sinh vật)

47- Gái tơ chỉ kén ngài quân tử (dân gian)

Trai ngổ cần thơm má mỹ nhân ( Phạm Thanh Cải)

(tơ chỉ kén ngài: 4 thứ trong nghề chăn tằm. ngổ, cần, thơm, má: tên 4 loại rau)

48- Câu đối mừng đám cưới hai bạn trẻ:

Một mối tình nồng, hai tiếng thủy chung xây một nhà hạnh phúc

Hai con tim thắm, một lòng tình nghĩa, viết hai chữ tương lai

(Phạm Thanh Cải)

49- Kẻ trộm nghé cửa nhòm, lần bò đến tủ bê vàng bạc(Nguyễn Hữu Thăng)

Người nhà lôi tay lại, chọc chọi vào mông thiến ngọc hoàn (Phạm Thanh Cải)

(nghé, bò, bê : 3 loại gia súc; lôi, chọi, thiến: 3 loại gà)

50- Đàn gà chui dậu vào vườn kê phá (nguyenquoc)

Đám khỉ vác thân tới phủ hầu chơi ( Phạm Thanh Cải)

(Gà, dậu, kê: đều chỉ gà; khỉ, thân, hầu: đều chỉ khỉ)

51- Lính thủy đường đường đến giảng đường, học thơ đường, uống nước đường, về theo đường thủy

Thần sơn cốc cốc vào thành cốc, nhìn núi Cốc, ăn ngũ cốc, hướng tới cốc sơn.

(đường đường, giảng đường, thơ đường, nước đường, đừng thủy: 5 cách dùng chữ đường; cốc cốc. thành cốc, núi Cốc, ngũ cốc, cốc sơn; 5 cách dùng chữ cốc)(Phạm Thanh Cải)

52- Học văn đi Giảng Võ (Nguyễn Khang)

Chơi sáo tới Thi đàn (Phạm Thanh Cải)

53- Đọc câu đối thấy nồng nàn, Xuân đã tới

Xem bài thơ nghe háo hức,Tết đang về! (Phạm Thanh Cải)

54- Người chọn kén, kén chọn những con kén chọn (st)

vế đối 1: Kẻ thi bơi, bơi thi nhiều cuộc bơi thi (Phạm Thanh Cải)
vế đối 2: Kẻ thi bò, bò thi vài chú bò thi (Phạm Thanh Cải)
vế đối 3: Kẻ thêu tranh tranh thêu nhiều bức tranh thêu (Phạm Thanh Cải)

55- Tặng nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm – Tiếng Trung Đại Nam – Hà Nội:

Tên Thanh Liêm, tính cách thực thanh liêm, văn phong càng thực tín, giữ năm đức: nhân, liêm, trí dũng, tín, luyện tinh thần, bao văn thơ viết đậm chất thanh liêm.

Nick Lính Thủy, nghề ngiệp là lính thủy, mệnh số đúng là kim, vào ngũ hành: mộc, thủy, hỏa, thổ kim, rèn ý chí, nhiều câu đối lại mang hồn lính thủy

(Phạm Thanh Cải)(Phạm Thanh Cải cả đời bộ đội phục vụ Hải quân, nên lấy bút danh Lính thủy ra để đối)

56- Câu đối Phạm Thanh Cải trả lời Ông đồ Nguyễn Hữu Thăng:

Người Nguyễn tộc, Hữu tài nên Thăng chức
Kẻ Phạm gia Thanh khiết phải Cải danh

(Hai vế có tên của hai người bạn thân Nguyễn Hữu Thăng và Phạm Thanh Cải)

57- 节到明心兴起能诗赋 (郑世豪)

春来慧眼精通可文章 (范青改)

(Tiết đáo minh tâm hứng khởi, năng thi phú. (Trịnh Thế Hào)

Xuân lai tuệ nhãn tinh thông, khả văn chương (Phạm Thanh Cải)

(Tạm dịch: Tết đến, lòng thanh cảm hứng, có thể làm thơ phú

Xuân sang, mắt sáng tinh thông, có thể viết văn chương)

58- 禄到荣華安盛喜 ( 范武儒)

財来幸福喜興安 ( 范青改)

Lộc đáo vinh hoa, an thịnh hỉ (Phạm Vũ Nho)

Tài lai hạnh phúc, hỉ hưng an (Phạm Thanh Cải)

59- Trưa nay, Ngọc Thanh rượu say túy lúy, thấy chàng lính thủy, cứ ngỡ nước thủy triều (Ngọc Thanh)

Lúc nãy, Lính Thủy tình đắm mơ màng, nhìn hòn ngọc xanh, mải nhìn viên ngọc bích (Phạm Thanh Cải)

60- Ngày Tết thời gian rỗi vô tư, vào Làng Đôn Thư, đọc được nhiều câu đối. Tuyệt!

Tháng Xuân tài lộc về thoải mái, đến phố Hà Nội xem thêm lắm tích chèo. Hay!

(Phạm Thanh Cải)

61- Ngọc Thanh thật nhiệt tình, ngày Tết chả đi đâu, chỉ ngồi say câu đối Tết (Phạm Thanh Cải)

Lính thủy thêm hào hứng, đêm Xuân không ngủ được, đành ngồi dậy viết Thơ Xuân (Phạm Thanh Cải)

62- Đi chợ Chủ, chủ mua đường, đường không mua được, chỉ tổ mua đường (Nguyễn Bính)

Tới làng Mơ, mơ bán nước, nước chẳng bán xong, mang danh bán nước (Phạm Thanh Cải)

63- Lúc thư thái, vào Kim Đôn Thư, xem trang sách quý

Khi tự do, tới Thắng Quang Tự, ngắm cảnh chùa thiêng (Thư là sách, tự là chùa) (Phạm Thanh Cải)

64- Tặng Diên Minh:

Diên Minh mải vui Xuân, quên cả "Kiếp phong trần", tham gia đối nhiều câu hóm hỉnh

Thủy Tiên mê đón Tết, nhớ về " ... đời tội nghiệp",thưởng thức thơ lắm đoạn say sưa.

(Kiếp phong trần và ...đời tội nghiệp: Tên hai tác phẩm của Diên Minh, Thủy Tiên tên thật của Diên Minh ??) (Phạm Thanh Cải)

65- Vui Tết, ăn vẫn ăn, chơi vẫn chơi, ngủ vẫn ngủ, câu đối say, vẫn say câu đối (Ngọc Thanh)

Mừng Xuân, xướng rồi xướng, họa rồi họa, ngâm rồi ngâm, vần thơ khoái, rồi khoái vần thơ (Phạm Thanh Cải)

66- Say rượu, say thơ, say câu đối, đối lúc say, say mới đối, nên câu đối nhiều khi như nàng tiên ngái ngủ

Thích bè, thích bạn, thích sân chơi, chơi khi thích, thích thì chơi, bởi sân chơi lắm lúc giống mỹ nữ mê hồn

( Phạm Thanh Cải)

67- Thế là hết! Hết rượu hết giò, hết thịt, hết bánh chưng, đúng là hết Tết!

Nhưng vẫn còn, còn thơ, còn phú, còn văn , còn câu đối, thực vẫn còn Xuân!

(Phạm Thanh Cải)

68- 男贤女淑敦书乐

老直儿淳百越昌(笵青改)

Nam hiền nữ thục Đôn Thư lạc

Lão trực nhi thuần Bách Việt xương

Tạm dịch: Trai hiền gái thục làng Đôn Thư sướng vui, Già thẳng trẻ ngoan nước Việt Nam hưng vượng (Phạm Thanh Cải)

69- Thanh Sơn Phú Thọ, vùng núi xanh tươi, người trường thọ (Nguyễn Hữu Thăng)

Tân Tạo Long An, lơi làm mới thật, đất bình an. (Phạm Thanh Cải)

70- Miệng hát đồng dao, anh lính xuống đầm kiếm vài bông hoa súng (Nguyễn Hữu Thăng)

Tai nghe tiếng cuốc, cô nàng lên rẫy hái mấy quả trái mai (Phạm Thanh Cải)

(dao, kiếm, súng: 3 loại vũ khí; cuốc, hái, mai: 3 dụng cụ nhà nông)

71- Nước hơn bốn nghìn năm, yêu Tổ quốc càng nhớ ơn Quốc tổ (Nguyễn Hữu Thăng)

Mây ngoài ba vạn dặm, nhớ phong vân lại yêu nghĩa Vân Phong (Phạm Thanh Cải)

72- 禄到荣華安盛喜 (笵武儒)

財通幸福喜興安 (笵青改)

Lộc đáo vinh hoa, an thịnh hỉ ( Phạm Vũ Nho)

Tài thông hạnh phúc, hỉ hưng an ( Phạm Thanh Cải)

73- Câu đối viếng Nhà văn Nguyễn Quang Sáng:

Bông cẩm thạch vẫn tươi Mùa gió chướng

Người quê hương luôn nhớ Chiếc lược ngà

(Bông cẩm thạch , Mùa gió chướng, Người quê hương, Chiếc lược ngà : Tên 4 tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng)(Phạm Thanh Cải)

74- Mừng sinh nhật, đón tân niên, chúc bố ba thầy dồi dào phúc lộc (Phương Đông)

Đợi giao thừa, chào cựu tuế, mong đôi cặp nhị tươi thắm mai đào (Phạm Thanh Cải)

( Bố, ba, thày : đồng nghĩa, đôi cặp nhị: đồng nghĩa, đều là 2)

75- Ngày sinh nhật, thi hữu gặp nhau, giao lưu thơ văn, nối vòng tay gắn kết tình thi hữu

Tết Nguyên tiêu, thành viên hội ngộ, giãi bày tình cảm, xây nhịp cầu tô đậm nghĩa thành viên.

(Phạm Thanh Cải)

76- Ghi trên trang đầu vietnamthihuu.net

Tình thi hữu bốn phương tụ hội

Nghĩa văn chương một mối đồng tâm

(Phạm Thanh Cải)

77- Xuân Nhâm Thìn, rước Rồng thiêng, đất Thăng Long tưng bừng mở hội (Nguyễn Hữu Thăng)

vế đối 1: Tết Bính Ngọ, phi ngựa quý, miền Bạch Mã rộn rã chào ta (Phạm Thanh Cải)
vế đối 2: Tết Bính Ngọ, phi ngựa quý, miền Bạch Mã rộn rã chào người (Phạm Thanh Cải)

78- Con ngựa đá con ngựa đá, con ngựa đá không đá con ngựa (khuyết danh)

vế đối 1: Chú bê thui chú bê thui, chú bê thui chẳng thui chú bê (Phạm Thanh Cải)
vế đối 2: Chiếc đòn kê chiếc đòn kê, chiếc đòn kê chẳng kê chiếc đòn (Phạm Thanh Cải)
vế đối 3: Chiếc bàn xoay chiếc bàn xoay, chiếc bàn xoay chẳng xoay chiếc bàn (Phạm Thanh Cải)
vế đối 4: Chiếc máy cưa chiếc máy cưa, chiếc máy cưa chẳng cưa chiếc máy (Phạm Thanh Cải)
vế đối 5: CỤ GIÀ CÒNG CỤ GIÀ CÒNG, CỤ GIÀ CÒNG CHẲNG CÒNG CỤ GIÀ (Phạm Thanh Cải)

79- Mời bác Mão thử tý thịt chuột (Khuyết danh)

Rủ cô Dần kê dậu xương gà (Phạm Thanh Cải)

80- Nhất thế phân đôi, muôn mặt thế gian hội tụ (Nguyễn Hữu Quyến)

Nhị nhân nhập một, trăm năm tình nghĩa giao hòa (Phạm Thanh Cải)

81- Ngọc Thanh bắn tràng liên thanh đối câu đối khó (Phạm Thanh Cải)

Lính thủy theo điệu lưu thủy ca khúc ca hay (Ngọc Thanh)

82- Việt Thanh xuất vế đối Xuân, cuối vế thanh bằng, làm khó cho đối sĩ

Lính Thủy mang bài thơ Tết, đầu bài luật trắc, muốn vui tới thi nhân

(Phạm Thanh Cải)

83- Lính thủy tung câu đối khó khiến thi hữu lao đao trong cơn hồng thủy

Diên Minh tìm ý từ khờ làm học trò luống cuống vào tiết thanh minh

(Diên Minh)

84- Lính Thủy đón xuân, mang vế đối khó đến "Đôn Thư" mời đối!

Ngọc Thanh vui tết, lấy câu từ hay về "Quê Mẹ" đáp từ!

(Ngọc Thanh)

85- Đến Đôn Thư, cùng Ngọc Thanh bạn thân, viết câu đối Xuân, thỏa ước vọng "tri âm tương ngộ"

Vào Quê Mẹ, gặp Diên Minh em gái, họa vần thơ Tết, tràn niềm vui "thi hữu trùng phùng"

(Phạm Thanh Cải)

86- Lính thủy vui đối với Diên Minh nhân ngày Vũ thủy, êm ả như Sơn hà lưu thủy (Diên Minh)

Diên Minh họa vần cùng Lính thủy vào dịp Tiết Thanh minh, lung linh tựa Thiên hải quang minh

(Phạm Thanh Cải)

Hai câu đối gửi đăng báo Xuân Bính Thân 2016

87- Người Hà Nội lịch sự văn minh, xứng danh người Hà Nội

Phố Thủ đô khang trang sạch đẹp, nức tiếng phố Thủ đô

(Phạm Thanh Cải)

88- Không pháo nổ đêm Xuân, vẫn rộn ràng mừng Tết đến

Chẳng rượu say ngày Tết, vẫn vui vẻ đón Xuân sang

89- Tết dù vui, từ trẻ đến già, dạ không quên chiến sĩ Hải quân giữ gìn Xuân biển đảo

Xuân dẫu đẹp, cả trai lẫn gái, lòng vẫn nhớ người lính Biên phòng canh gác Tết biên cương

(Phạm Thanh Cải)

90- Cuộc đời của Bác, tận tụy vì dân, như vừng dương chiếu rọi

Sự nghiệp Đảng ta, trung thành với nước, tựa sao sáng dẫn đường

(Phạm Thanh Cải)

91- Tiễn năm dê, giữ tập quán của dê, hiền lành, cần mẫn

Chào Tết khỉ, tránh thói quen loài khỉ, láu lỉnh, ma lanh

(Phạm Thanh Cải)

92- Giỏi leo núi, Dê cần mẫn leo lên đài thắng lợi

Thạo trèo cây, Khỉ nhanh nhẹn trèo tới đỉnh thành công

(Phạm Thanh Cải)

93- Ất Mùi qua, tiễn cụ Dê lên núi, hái lắm lộc Xuân, này lá, này chồi chào Tết đến

Bính Thân đến, đón chú Khỉ về nhà, mang nhiều quà Tết, nào hoa, nào quả đón Xuân sang.

(Phạm Thanh Cải)

94- Năm Mùi qua, Dê cần cù hái lộc vinh hoa, quanh năm thu nhiều chồi thắng lợi

Tết Thân tới, Khỉ lanh lợi trèo cây hạnh phúc, suốt tháng hái lắm quả thành công

(Phạm Thanh Cải)

95- Hết năm dê, tiễn dê đi, giữ dịu hiền vốn có của dê, được dân yêu bạn mến

Sang năm khỉ, đón khỉ về, đừng nhăn nhó như là loài khỉ, để kẻ ghét người chê

(Phạm Thanh Cải)

96-Tết Thân đến, giữ nếp sống văn minh, chỗ công cộng xin đừng làm trò Khỉ

Năm Mùi qua, tác phong lịch sự, nơi đông người nên từ bỏ máu Dê.

(Phạm Thanh Cải)

97- Tết Thân đến, xã hội lắm quan tham, muốn xã hội công bằng, phải giám sát tiêu diệt mạnh tay, đừng theo cách “rung cây dọa khỉ”;

Năm Mùi qua, thị trường nhiều hàng giả, mong thì trường lành mạnh, nên kiểm tra loại trừ quyết liệt, không tha lũ “bán chó treo dê”.

(Phạm Thanh Cải)

98 - Câu đối tặng tác giả ảnh Người đẹp Việt Nam Tết Đinh Dậu:

Ảnh đẹp, mẫu xinh, thắm nồng màu sắc Tết
Mai vàng, đào đỏ, thơm ngát vị hương Xuân.

(Phạm Thanh Cải)

99- Câu đối tặng ngành giáo dục:

Sự nghiệp trồng người, cần đổi mới tư duy, nuôi dưỡng nhân tài dựng xây Tổ quốc
Làm nghề đào tạo, phải tăng cường trách nhiệm, ươm mầm ưu tú bảo vệ non sông

(Phạm Thanh Cải)

100-

Khúc hát gìn giữ quê hương đằm thắm ngọt ngào, vang mọi miền đất nước
Lời ca dựng xây xã hội văn minh hiện đại, truyền khắp chốn non sông

(Phạm Thanh Cải)

101- Câu đối mừng Xuân Đinh Dậu

Bính Thân qua, tiễn khỉ về rừng, hái lắm lộc Xuân, này lá, này chồi chào Tết đến
Đinh Dậu đến, đón gà tới trại, mang nhiều quà Tết, nào hoa, nào quả đón Xuân sang

(Phạm Thanh Cải)

102-

Bính Thân qua, đã tăng cường làm kế hoạch đầu tư, để làm cho nhân dân tự do, ấm no, hạnh phúc
Đinh Dậu đến, sẽ mạnh tay quét lũ quan tham nhũng, quyết xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh

(Phạm Thanh Cải)

103-

Xuân về, thơ phú viết bài hay, tuổi già tiếp nhựa sống Xuân, tâm hồn như trẻ lại
Tết đến, đào mai khoe sắc thắm, xóm làng vui không khí Tết, cảnh vật thấy đẹp hơn.

(Phạm Thanh Cải)

104-

Trừ quan liêu tham nhũng, liên tục bảo đảm an ninh trật tự
Bỏ mê tín dị đoan, không ngừng giữ gìn nếp sống văn minh

(Phạm Thanh Cải)

105-

Rồng cuộn Hổ ngồi, đất Thăng long ngàn năm ngời khí thế
Đảng hô Dân ủng, thành Hà Nội vạn thuở rạng uy linh

(Phạm Thanh Cải)

106-

Pháp đúng, luật nghiêm, xã hội văn minh, cả nước chung vui chào Tết đến
Thơ hay, đối tuyệt, non sông giàu đẹp, toàn dân nô nức đón Xuân về

(Phạm Thanh Cải)

107-

Xuân sang khai bút làm câu đối
Tết đến trải lòng với thế gian

(Phạm Thanh Cải)

108- Nhận xét về câu đối mừng thọ của Nhà báo Nguyễn Hưu Thăng:

Chúc Thọ đôi câu sang tựa ngọc
Mừng Xuân mấy chữ quý hơn vàng

(Phạm Thanh Cải)

Câu đối của Nhà báo Nguyễn Hữu Thăng[sửa]

Nguyễn Hữu Thăng, sinh năm 1951. Nghề nghiệp: Nhà báo - Sống và làm việc tại Hà Nội. Nguyên Phóng viên thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Bắc Kinh. Hiện nay là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thơ dịch, Hội Nhà văn Hà Nội. Tham gia dịch thơ tiếng Trung và chữ Hán. Địa chỉ liên hệ Email: nghuuthang2002@yahoo.com

1 - Câu đối về Nguyễn Đức Tùy - Đào Phong Lưu:

vế ra: Cụ ĐỨC TÙY: ĐỨC độ, tài ba, THEO chân cụ xem ra cũng khó (“Tùy” là “Theo”)
vế đối: Chàng ĐÀO LƯU: ĐÀO hoa phong nhã, GIỮ tình chàng thấy quả là thương (“Lưu” là “giữ”)
vế đối khác (tự trào): Anh HỮU THĂNG: HỮU khuynh, khốn khó, LÊN nhà anh thấy rõ là nghèo (“Thăng” là “lên”)

2 - Câu đối về nhà thơ:

THI sĩ già trẻ gái trai bát ngát trang THƠ muôn sắc thắm (“Thi” là “thơ”)
ĐIỀN trang lúa ngô khoai sắn mênh mông đồng RUỘNG một màu xanh (“điền “ là “ruộng”)

3 - Câu đối tặng nhà thơ Nguyễn Đức Tùy:

Nơi quê Bác gieo chữ trồng người, thủa tóc xanh sáng ngời sự nghiệp
Đất vua Hùng vịnh thơ ngâm phú, thời đầu bạc vui thú điền viên

4 - Những câu đối về hoa:

Ngàn dặm dẫu xa, đằm thắm màu hoa thiên lý tím
Muôn năm còn trẻ, nõn nà sắc lá vạn niên xanh
“Thiên lý” nghĩa là ‘ngàn dặm”, “vạn niên” là “muôn năm” – Thiên lý, vạn niên đều là tên các loài hoa
Bao nhiêu đồng tiền vẫn khó mua tâm hồn trinh nữ
Ngàn vạn mũi mác đâu dễ lạc ý chí trạng nguyên
Câu đối liên tưởng tích truyện trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đi sứ Trung Quốc

5 - Câu đối Quốc gia Nhật Bản:

vế ra: QUỐC GIA Nhật Bản, NƯỚC biển dâng trào, mất cả NHÀ cao trong biển NƯỚC
vế đối: LÂM NGHIỆP Việt Nam, RỪNG cây chặt đốn, còn đâu NGHỀ lớn với cây RỪNG
vế đối khác: KHÔNG PHẬN Việt Nam, TRỜI mây tỏa rạng, còn nguyên VÙNG sáng với mây TRỜI
“Quốc” là “nhà”, “gia” là “nước”; ‘lâm” là “rừng”, “nghiệp” là “nghề”; “Không phận” là “vùng trời”

6 - Câu đối "chả - nem":

vế ra: Ông ăn CHẢ, bà ăn NEM, xin nhắc kẻ chán CƠM thèm PHỞ
vế đối: Anh họa THƠ, chị họa PHÚ, mong cho đời kết NỤ đơm HOA

Vế đối khác: Đất có LỀ, quê có THÓI, hãy nhờ ai dẫn LỐI đưa ĐƯỜNG 7 - Câu đối nhân hội Đền Hùng ngày 10/3 năm Tân Mão (2011):

Lớp lớp đến đền Hùng, sum họp con Lạc cháu HỒNG, nguyện giương cao lá cờ thắm ĐỎ
Người người theo chân Bác, đánh tan giặc Tây quân MỸ, thề giữ trọn non nước tươi XINH
“Hồng” là “đỏ”, “Mỹ” là “xinh”, “đẹp”

8 - Câu đối nhân 35 năm thành lập khoa Trung văn ĐH Hà Nội:

人才辈出名师义重恩深 Nhân tài bối xuất, danh sư nghĩa trọng ân thâm
事业兴隆著系功丰绩伟 Sự nghiệp hưng long, trứ hệ công phong tích vĩ

9 - CÂU ĐỐI TẶNG NHÀ THƠ TIẾN SĨ TRẦN ĐĂNG THAO: (Tổng biên tập báo "Giáo dục và thời dại")

经亚历欧眼放五洲四海 Kinh Á lịch Âu, nhãn phóng ngũ châu tứ hải
通今博古胸藏万卷千书 Thông kim bác cổ, hung tàng vạn quyển thiên thư

10 - Những câu đối Tết Mậu Tý (2008):

Đất nước chào xuân, con tàu lớn băng băng ra biển lớn
Quân dân đón tết, ước mơ cao vời vợi hướng trời cao
Suốt đời liêm chính, noi gương đạo đức Bác Hồ
Một dạ hiếu trung, gìn giữ cơ đồ Nước Việt

11 - CÂU ĐỐI VỊNH CƠ QUAN ĐANG CÔNG TÁC:

Nhân Mỹ đất an cư, sớm tối luyện rèn người hoàn mỹ
Từ Liêm nơi lạc nghiệp, tháng ngày tu dưỡng đức thanh liêm

12 - NHỮNG CÂU ĐỐI TẶNG ANH HỌ NGUYỄN HỮU SAM, NGHỆ NHÂN TRANH ĐÔNG HỒ:

兄友弟恭行善行恩承望族 Huynh hữu đệ cung, hành thiện hành ân thừa vọng tộc
父慈子孝为仁为义继名家 Phụ từ tử hiếu, vị nhân vị nghĩa kế danh gia
Nét vẽ thần thiên, tranh điệp lừng danh miền Kinh Bắc
Bàn tay vàng ngọc, nghệ nhân nức tiếng đất Đông Hồ

13 - NHỮNG CÂU ĐỐI VUI TẶNG ĐÀO PHONG LƯU (Bạn học, Giám đốc Công ty gang thép Thiên Phát)

Mới cơ chế, mới tư duy, sức sống mới thêm nhiều gang thép mới
Cao tài năng, cao ý chí, tuổi đời cao càng lắm cửa nhà cao
Thiên Phát phát tài to, gang thép đầy kho, nhà xưởng mênh mông nào sai danh Thiên Phát
Phong Lưu lưu nghiệp lớn, bạc vàng chật két, xe hơi bóng loáng thật đúng tiếng Phong Lưu

14 - CÂU ĐỐI TẶNG LƯU - CHỬ

Cụ Đào say sưa mê đồ gốm
Ông Chử cồn cào nhớ bãi sông
“Đào” là “say”, nghĩa khác là “đồ gốm”, “chử” là “cồn”, là “bãi sông”

15 - Câu đối tặng Đào Phong Lưu và Trần Thị Thanh Liêm:

ĐÀO TIÊN sinh có ĐÀO hoa? tới TIÊN Du gặp nàng TIÊN Quan họ
TRẦN PHẬT tử không TRẦN tục! lên PHẬT Tích lạy đức PHẬT Di Đà
Đào Lưu lên lên lập nghiệp ở Tiên Du, vùng Quan họ; Trần Thị Thanh Liêm là phật tử, chùa Phật Tích ở Tiên Du có tượng Di Đà nổi tiếng

16 - Câu đối về Lê Quảng Ba - Đào Phong Lưu: (Nhắn Ba tham gia thơ phú với thi đàn)

Sóng trải rộng (Quảng Ba) trước thường dân (Lê), muốn nghe sóng hát!
Ngọc tràn đầy (Phong Lưu) trong gốm sứ (Đào), mong thấy ngọc cười!

17 - ĐỐI LẠI VẾ RA CỦA CHU CÔNG PHÙNG

Vế ra của Chu Công Phùng: Mật cắt mà vẫn nhanh như cắt (Lưu phải phẫu thuật cắt mật)
Vế đối 1: Gan non sao cứ vững tày non
Vế đối 2: Người tinh ắt hẳn chóng thành tinh

18 - CÂU ĐỐI TẶNG ĐỀN ĐỒNG CỔ

升龙千载留文物 Thăng Long thiên tải lưu văn vật
铜鼓万年保灵祠 Đồng Cổ vạn niên bảo linh từ

19 - NHỮNG CÂU ĐỐI Ở NGHĨA TRANG: (Một dòng họ ở Thái Bình khánh thành nghĩa trang, xin câu đối)

先祖墓坟灵气旺 Tiên tổ mộ phần linh khí vượng
子孙香火孝心诚 Tử tôn hương hoả hiếu tâm thành
归仙魂魄千年乐 Quy tiên hồn phách thiên niên lạc
得地墓坟万代灵 Đắc địa mộ phần vạn đại linh
Nghĩa nặng gửi theo về chín suối
Tình sâu để lại đến ngàn thu

20 - NHỮNG CÂU ĐỐI MỪMG THỌ - MỪNG NHÀ MỚI: (Một đại gia ở Bắc Ninh, chuyên thầu làm đường xá, khao nhà mới đồng thời mừng thọ mẹ 90 tuổi)

Cửa rộng nhà cao, con thành đạt đường dài muôn vạn dặm
Lộc nhiều phúc lớn, mẹ an khang tuổi thọ chín mươi xuân
万里鹏程名扬漫长大道 Vạn lý bằng trình, danh dương mạn trường đại đạo (Cánh bằng vạn dặm, nổi danh khắp chặng dài xa)
九旬母寿福满宽敞高楼 Cửu tuần mẫu thọ, phúc mãn khoan thưởng cao lâu (Mẹ thọ chín mươi, đầy phúc khắp nhà cao rộng)

21 - CÂU ĐỐI VUI TẶNG BẠN BÈ XUÂN CANH DẦN (2010)

  • Tặng Đào Lưu - chủ Công ty Thiên Phát:
Xứ huyện Tiên Du, heo hút đồng lầy thành phố xá
Công ty Thiên Phát, ngổn ngang sắt gỉ hóa gang cầu
  • Tặng Nguyễn Văn Chử (mới về hưu)
Việc nghỉ, chữ “tình” không ngơi nghỉ
Người hưu, cái “ấy” chẳng về hưu
  • Tặng đại sứ Chu Công Phùng:
Nghệ thuật ngoại giao, thường hay ngoài mềm trong cứng
Tài năng nội trị, vẫn luôn trên thuận dưới hòa

22 - Câu đối vui “thơ thẩn – vẽ vời”:

Thi nhân già thích làm thơ, chớ cười cụ già thơ thẩn
Hoạ sĩ trẻ mê học vẽ, đừng nhạo con trẻ vẽ vời

23 - CÂU ĐỐI CHO CƠ QUAN XUÂN CANH DẦN:

Đất ngàn tuổi Thăng Long, phố xá tưng bừng mở hội
Nhà năm tầng Nhân Mỹ, cơ quan nhộn nhịp mừng công

24 - CÂU ĐỐI MỪNG THỌ 90 BÀ CỤ VỢ LIỆT SĨ: (Người phụ nữ chồng hy sinh khi mới 28 tuổi, thủ tiết thờ chồng nuôi con vất vả, nay con cháu rất thành đạt)

Hai tám tuổi sáng đạo tam tòng, xưa phận cây cao bóng cả
Chín mươi năm ngời gương tứ đức, nay đời quả ngọt hoa thơm

25 - CÂU ĐỐI TẶNG LƯƠNG NAM XƯƠNG:

艳李红桃欢春色 Diệm lý hồng đào hoan xuân sắc (Lý thắm đào hồng vui xuân sắc)
美诗妙笔乐仙心 Mỹ thi diệu bút lạc tiên tâm (Thơ hay chữ đẹp sướng hồn tiên)

26 - CÂU ĐỐI DIỄN ĐÀN THI HỮU:

白发交流天下双头连亲友 Bạch phát giao lưu, thiên hạ song đầu liên thân hữu (Đầu bạc giao lưu, hai chốn phương trời xây tình bạn)
金声唱和地球两半筑诗桥 Kim thanh xướng hoạ, địa cầu lưỡng bán trúc thi kiều (Lời vàng xướng hoạ, nửa vòng trái đất nối cầu thơ)

27 - CÂU ĐỐI CHIẾT TỰ “SĨ”, “VƯƠNG”: (Tặng ông Lê Khả Sĩ, Hội Nhà văn VN)

旁有十一人是仕 Bàng hữu thập nhất nhân thị sĩ (Có mười một lính lên cấp sĩ)
下无二三土非王 Hạ vô nhị tam thổ phi vương (Không hai ba đất hết ngôi vua)
Dịch nghĩ chiết tự: Có chữ thập, chữ nhất cạnh chữ nhân thành chữ sĩ. Không có chữ nhị, chữ tam, chữ thổ thì không còn là chữ vương. Dịch nghĩa thông thường: "Bên cạnh có mười một người thuộc quyền sẽ là cấp sĩ (trong quân đội). Dưới chân không còn hai, ba phần lãnh thổ thì không còn là vua nữa"

28 - NHỮNG VẾ ĐỐI LẠI VẾ RA ĐỐI NGÀY THƠ VIỆT NAM (Ngày 28/2/2010 – Rằm tháng Giêng Canh Dần, Ban Tổ chức ra hai vế đối)

vế ra: Thơ Việt Nam chữ nghĩa chữ nhân thấm hồn người Việt Nam vạn thủa
vế đối: Đất Kinh Bắc người hiền người đức mang tính nết Kinh Bắc muôn đời
vế ra: Ngày thơ Việt năm Dần, ngâm thơ Trần Dần Phạm Hổ
vế đối: Hội đền Đô đình Tổ, đọc chiếu Thái Tổ Nhân Tông

29 - ĐỐI LẠI VẾ RA ĐỐI CHÂM CHỌC CỦA MỘT NHÀ THƠ: (Vào dịp Tết Canh Dần 2010, có nhà thơ ra câu đối châm chọc mấy "ông đồ" viết thư pháp ở "Phố Ông Đồ" Văn Miếu)

vế ra: Đồ trẻ đồ già, tất cả đều là đồ đểu
Khi ấy, các "ông đồ" đều tức, nhưng không có ai đối được tại chỗ
vế đối: Thơ mới thơ cũ, hoàn toàn cả lũ thơ điên

30 - CÂU ĐỐI MỪNG ĐÁM CƯỚI LẤY TÂY: (Mừng đám cưới con gái của vợ chồng cô giáo TTTL lấy chồng Úc)

Hạnh phúc một đôi, lương duyên nối hai bờ lục địa
Đoàn viên hai họ, tình nghĩa xuyên muôn dặm đại dương

31 - Cặp câu đối viết hộ 1 bạn đọc gửi thư kể chuyện về tình trạng gia đình mình:

  • Sau đây là Trích thư của 1 bạn đọc ĐTQM viết ngày 13/02/2014 và câu đối làm tặng của Nguyễn Hữu Thăng: “Em có một người cha năm nay 80 tuổi. Cuộc đời ông rất vất vả, mẹ em mất từ khi em mới 6 tuổi, chị em 8 tuổi, anh trai em 10 tuổi. Bố em một mình nuôi 3 anh em ăn học thành người, công lao không sao kể xiết “vừa là cha là mẹ lại là thầy” “cây trên rừng có bao nhiêu chiếc lá, trên bầu trời có bao nhiêu vì sao sáng, cũng không thể nào sánh được với công cha".... Nhân dịp mừng thượng thọ tuổi 80 của bố em, em muốn có một câu đối nói lên hết những công lao của bố em cũng như lòng biết ơn, tình cảm yêu kính của các con với bố…”
LÀM CHA LÀM MẸ LÀM THẦY, CÔNG LAO LỚN, ĐỜI TRAO TRƯỜNG THỌ
NHƯ BIỂN NHƯ TRỜI NHƯ NÚI, ƠN NGHĨA DÀY, CON CHÚC AN KHANG
Hơn bốn chục năm trời, đơn cây lớn nuôi ba cành tươi tốt
Tròn tám mươi tuổi thọ, một đời vui thấy muôn trái xum xuê

32 - Những câu đối mừng song thọ và mừng riêng từng người: Cụ ông 90 tuổi (nguyên cán bộ ngành Giáo dục), cụ bà 85 tuổi, đông con cháu thành đạt:

Chín chục mùa xuân, mừng phúc lớn an khang trường thọ
Tám lăm tuổi hạc, vui lộc nhiều phú quý vinh hoa
Đào lý thắm tươi, chín chục tuổi niên cao phúc mãn
Quế hòe xanh tốt, tám lăm xuân tử hiếu tôn hiền
Tuổi thọ chín mươi mừng phúc lộc
Hoa tươi muôn đóa chúc an khang
Mẹ an khang vui tết tám lăm tuổi thọ
Nhà thành đạt mừng xuân ngàn vạn niềm vui

CÂU ĐỐI THỜ

33- CÂU ĐỐI Ở ĐÌNH LÀNG (Sáng tác cho 1 ngôi đình ở Hải Dương, Thành hoàng là người có công với nước và tạo lập ngôi làng)

Câu đối 1:

立邑开基神福大
扶民护国圣恩深
Lập ấp khai cơ Thần phúc đại
Phù dân hộ quốc Thánh ân thâm

Dịch thành câu đối Nôm:

Lập ấp xây nền Thần phúc lớn
Chăm dân giúp nước Thánh ân sâu

Câu đối 2:

神迹功名千古记
乡村福禄万年兴
Thần tích công danh thiên cổ ký
Hương thôn phúc lộc vạn niên hưng

Dịch thành câu đối Nôm:

Công danh thần thánh lưu thiên cổ
Phúc lộc hương thôn phát muôn đời

34- Câu đối ở đình Phương Viên, Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc:

平虏忘身功大如山千载敬
为民造福恩深似海万年崇
Bình lỗ vong thân công đại như sơn thiên tải kính
Vị dân tạo phúc ân thâm tự hải vạn niên sùng

Dịch ra câu đối Nôm:

Diệt giặc quên thân công lớn tày non ngàn đời kính
Vì dân ban phúc ơn sâu như biển vạn năm thờ

35- CÂU ĐỐI TẶNG ĐỀN ĐỒNG CỔ

升龙千载留文物
铜鼓万年保灵祠
Thăng Long thiên tải lưu văn vật
Đồng Cổ vạn niên bảo linh từ

Phỏng dịch:

Thăng Long ngàn tuổi lưu di tích
Đồng Cổ muôn đời giữ đền thiêng

36- CÂU ĐỐI Ở NGHIÃ TRANG (Một dòng họ ở Thái Bình khánh thành nghĩa trang, xin câu đối)

先祖墓坟灵气旺
子孙香火孝心诚
(Tiên tổ mộ phần linh khí vượng
Tử tôn hương hoả hiếu tâm thành).

Phỏng dịch:

Ngôi mộ tổ tiên thiêng vượng khí
Khói hương con cháu hiếu thành tâm
归仙魂魄千年乐
得地墓坟万代灵
Quy tiên hồn phách thiên niên lạc
Đắc địa mộ phần vạn đại linh

37- Câu đối Việt:

Nghĩa nặng gửi theo về chín suối
Tình sâu để lại đến ngàn thu

38- CÂU ĐỔI Ở MỘ TỔ HỌ NGUYỄN HỮU LÀNG ĐÔNG HỒ

先坟得地千秋乐
祖德齐天万古明
Tiên phần đắc địa thiên thu lạc
Tổ đức tề thiên vạn cổ minh
Dịch nghĩa:
Mộ tổ tiên được đất nghìn thu yên vui
Đức tổ tiên như trời cao muôn đời tỏa sáng

Dịch thành câu đối Việt:

Được đất nghìn thu vui mộ tổ
Sánh trời muôn thủa sáng ơn xưa

39- HOÀNH PHI, CÂU ĐỐI Ở MIẾU TRỊNH GIANG KIỀU (Công ty Nam Thuận bên sông Trịnh, làng Dực Liễn, xã Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng lập miếu thờ thần và thờ tấm bia ghi công đức cụ tổ họ Nguyễn Hữu ở Đông Hồ có công dựng cầu qua sông Trịnh khoảng 300 năm trước)

a- Câu đối ngoài cửa miếu:

山青水秀神恒助
人杰地灵福永来
Sơn thanh thủy tú thần hằng trợ
Nhân kiệt địa linh phúc vĩnh lai

Dịch sang câu đối Nôm:

Non xanh nước biếc thần luôn giúp
Người giỏi đất thiêng phúc mãi về

b - Câu đối trong miếu:

郑江桥筑芳名刻
翼辇神扶大业兴
Trịnh Giang kiều trúc phương danh khắc
Dực Liễn thần phù đại nghiệp hưng

Dịch sang câu đối Nôm:

Trịnh giang cầu dựng danh thơm tạc
Dực Liễn thần phù nghiệp lớn hưng

(Nguyễn Hữu Thăng - 4/2015)

40- CÂU ĐỐI NHÀ THỜ CHI HỌ ÔNG NGUYỄN VĂN PHÒNG Ở THÁI BÌNH

a- Câu đối 1

有德有才先租启 Hữu đức hữu tài tiên tổ khải
能文能武子孙承 Năng văn năng vũ tử tôn thừa

Dịch sang câu đối Nôm:

Có đức có tài tiên tổ dựng
Giỏi văn giỏi võ cháu con theo

b- Câu đối 2

智仁遍族先开创
槐桂满园后继传
Trí nhân biến tộc tiên khai sáng
Hòe quế mãn viên hậu kế truyền

Dịch ra câu đối Nôm:

Trí nhân khắp họ từng khai sáng
Hòe quế đầy sân mãi kế truyền

(6/2015)

CÂU ĐỐI CHÚC TỤNG

41- Câu đối nhân kỷ niệm 35 năm Khoa Trung văn ĐH Ngoại ngữ Hà Nội:

事业兴隆,著系功丰绩伟
人才辈出,名师义重恩深
Sự nghiệp hưng long, trứ hệ công phong tích vĩ
Nhân tài bối xuất , danh sư nghĩa trọng ân thâm

Phỏng dịch:

Sự nghiệp bừng bừng, công tích Khoa danh bao to lớn
Nhân tài lớp lớp, nghĩa ơn Thầy giỏi bấy nặng sâu

42- Mừng 10 năm thành lập cơ quan:

Mười tuổi rạng công danh, vươn dậy sức thần Phù Đổng
Trăm người bền ý chí, học theo gương sáng Bác Hồ.

43- Câu đối vịnh cơ quan:

Nhân MỸ đất an cư, sớm tối luyện rèn người hoàn MỸ
Từ LIÊM nơi lạc nghiệp, tháng ngày tu dưỡng đức thanh LIÊM

44- Câu đối chúc tụng tặng một gia đình nhân nghĩa hiếu học

仁义慈心家族盛
勤劳好学子孙兴
Nhân nghĩa từ tâm gia tộc thịnh
Cần lao hiếu học tử tôn hưng

(2/2012)

45- Câu đối mừng nhà mới Câu đối I)

Cửa rộng nhà cao xây phú quý
Lộc nhiều phúc lớn hưởng vinh hoa

Câu đối II)

Nhà trải rộng tương lai mở rộng
Mắt nhìn xa hạnh phúc vươn xa

(NHT – 3/2012)

46- Chúc mừng sinh nhật vnthidan lần thứ ba:

CHÚC MƯA THUẬN GIÓ HÒA, BA TUỔI VƯỜN THƠ BỪNG HƯƠNG SẮC
MỪNG BÀI HAY TRANG ĐẸP, NGÀN NGƯỜI NÉT BÚT RỘ TÀI HOA

47- Câu đối tặng bạn Đào Phong Lưu (Bạn học cũ, ông chủ Công ty Thép Thiên Phát)

Câu đối 1

Mới cơ chế, mới tư duy, sang năm mới thêm nhiều gang thép mới
Cao tài năng, cao ý chí, tuổi đời cao càng lắm cửa nhà cao

Câu đối 2

2)Thiên Phát phát tài to, gang thép đầy kho, nhà xưởng mênh mông nào sai danh Thiên Phát
Phong Lưu lưu nghiệp lớn, bạc vàng chật két, xe hơi bóng loáng thật đúng tiếng Phong Lưu

48- CÂU ĐỐI TẶNG BẠN HỌC CŨ ĐÀO PHONG LƯU – NGUYỄN VĂN CHỬ

Cụ Đào say sưa mê đồ gốm
Ông Chử cồn cào nhớ bãi sông
(“Đào” là “say”, nghĩa khác là “đồ gốm”, “chử” là “cồn”, là “bãi sông”)

49- Câu đối tặng Đào Phong Lưu và Trần Thị Thanh Liêm

ĐÀO TIÊN sinh có ĐÀO hoa, tới TIÊN du gặp nàng TIÊN Quan họ
TRẦN PHẬT tử không TRẦN tục, lên PHẬT tích lạy đức PHẬT Di đà
(Bạn học cũ Đào Phong Lưu lên lập nghiệp ở Tiên Du, vùng Quan họ, Trần Thanh Liêm là Phật tử; chùa Phật Tích ở Tiên Du có tượng Di đà nổi tiếng)

50- Câu đối tặng bạn học cũ Lê Quảng Ba và Đào Phong Lưu

Sóng trải rộng (Quảng Ba广波) trước thường dân (Lê 黎) muốn nghe sóng hát
Ngọc tràn đầy (Phong Lưu丰琉) gốm sứ (Đào陶) mong thấy ngọc cười

61- Câu đối mừng đám cưới lấy Tây

Hạnh phúc một đôi, lương duyên nối hai bờ lục địa
Đoàn viên hai họ, tình nghĩa xuyên muôn dặm đại dương

52- Câu đối tặng nhà thơ, SQ Hải quân Phạm Thanh Cải (tức Lính Thủy)

Biển nước bao la, cưỡi sóng lớn tiếp võ công Hưng Đạo
Rừng thơ bát ngát, nối vần hay theo thí bút Tố Như

53- Câu đối đùa Phạm Thanh Cải:

Phạm CẢI phạm húy chăng? ĐỔI họ ĐỔI tên thành Lính Thủy?
Hữu THĂNG hữu danh đó! LÊN ngôi LÊN bậc gọi Ông Đồ!

(Cải: đổi; Thăng: lên)

54- Câu đối tặng nhà thơ Hồng Lĩnh (Quê Nghệ Tĩnh):

Nối ý tiếp vần, thi tứ điệp trùng non Hồng Lĩnh
Thương người nhớ cảnh, nhân tình dào dạt nước Lam Giang

Câu đối mừng vnthidan tròn 2 tuổi

Câu 1

Mừng hai tuổi trải rộng vườn thơ, xum xuê hoa thơm trái ngọt
Vui mỗi ngày thêm nhiều cây bút, đông đúc gái giỏi trai tài

Câu 2

Rạng rỡ trang dòng, sáng tác, luận bình bừng trí tuệ
Vui tươi sớm tối, giao lưu, xướng họa thắm tình thân

55- Câu đối mừng đám cưới hai nhà thơ vnthidan Cao Nghiêm – Ngọc Thơm:

Hạnh phúc đơm bông, hai thi sĩ trai tài gái sắc
Trái tim hòa nhịp, cặp uyên ương tình thắm duyên nồng

56- Câu đối về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trí dũng song toàn, danh tướng Võ lẫy lừng thế giới
Đức tài trọn vẹn, hào quang Văn rực rỡ sơn hà

57- Câu đối chúc gia đình nhân nghĩa, hiếu học:

仁义慈心家族盛
勤劳好学子孙兴
Nhân nghĩa từ tâm gia tộc thịnh
Cần lao hiếu học tử tôn hưng

58- Câu đối về làng Đôn Thư

Xưa danh cao Đông các, Thám hoa, làng hưng khoa bảng
Nay chức trọng Trung ương, Bộ trưởng, đất phát quan trường

(Làng Đôn Thư là quê Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận, có truyền thống khoa bảng)

59- Câu đối Tết tặng Phòng Tùy viên BQP Việt Nam tại Ucraina

Tiễn Giáp Ngọ tự hào, nhiệm vụ ngoại giao thắng lợi
Đón Ất Mùi phấn khởi, chức năng quân đội thành công

6- CÂU ĐỐI TẶNG SỨ QUÁN VN TẠI UCRAINA

Câu 1:

Vui Tết giữa châu Âu, chúc công tác ngoại giao càng giỏi
Đón xuân xa đất Việt, mừng nghĩa tình Tổ quốc thêm sâu

Câu 2:

Vạn dặm xa xôi tình quê càng gắn bó
Muôn phần gian khó việc nước vẫn thành công .

61-Câu đối tặng vnthihuu nhân ngày thơ Việt Nam (cũng là sinh nhật thi đàn)

Đất Việt mênh mang hồn thi hữu
Trời Thơ bát ngát tiết nguyên tiêu

62- Câu đối về CLB Thơ dịch, Hội Nhà văn Hà Nội

Dịch câu chữ đẹp hay văn hóa Đông Tây lấp lánh
Tìm ngôn từ tươi mới thi ca Hà Nội lung linh

63-Câu đối về Mẹ Việt Nam anh hùng, tặng gia đình nhà thơ Ngô Nguyên Ngần

国史民心永铭记英雄慈母
石碑金榜恒刻留烈士芳名
Quốc sử dân tâm vĩnh minh ký anh hùng từ mẫu
Thạch bi kim bảng hằng khắc lưu liệt sĩ phương danh

Phỏng dịch sang câu đối Việt:

Mẹ danh sáng anh hùng, sử nước lòng dân mãi nhớ
Con tiếng thơm liệt sĩ, bảng vàng bia đá hằng ghi

64- CÂU ĐỐI MỪNG THỌ 90 BÀ CỤ VỢ LIỆT SĨ (Người phụ nữ chồng hy sinh khi mới 28 tuổi, thủ tiết thờ chồng nuôi con vất vả, nay con cháu rất thành đạt)

Hai tám tuổi sáng đạo tam tòng, xưa phận cây cao bóng cả
Chín mươi năm ngời gương tứ đức, nay đời quả ngọt hoa thơm

65-Mừng thọ - mừng nhà mới (Một đại gia ở Bắc Ninh, chuyên thầu làm đường xá, khao nhà mới đồng thời mừng thọ mẹ 90 tuổi) 1)Câu đối Việt:

Cửa rộng nhà cao, con thành đạt đường dài muôn vạn dặm
Lộc nhiều phúc lớn, mẹ an khang tuổi thọ chín mươi xuân

66- Câu đối chữ Hán

万里鹏程名扬漫长大道
九旬母寿福满宽敞高楼
(Vạn lý bằng trình, danh dương mạn trường đại đạo
Cửu tuần mẫu thọ, phúc mãn khoan thưởng cao lâu

Dịch sang câu đối Việt:

Cánh bằng vạn dặm, nổi danh khắp chặng dài xa
Mẹ thọ chín mươi, đầy phúc khắp nhà cao rộng.

67- Câu đối tặng bạn mừng thọ: Mừng thọ mẹ 90 tuổi:

Tuổi thọ chín mươi mừng phúc lộc
Hoa tươi muôn đóa chúc an khang

68- Mừng thọ mẹ 85 tuổi:

Mẹ an khang vui tết tám lăm tuổi thọ
Nhà thành đạt mừng xuân ngàn vạn niềm vui

69- Câu đối mừng song thọ ngày xuân: (Cụ ông 90 tuổi (nguyên cán bộ ngành Giáo dục), cụ bà 85 tuổi, đông con cháu thành đạt):

-Câu đối 1:

Chín chục mùa xuân, mừng phúc lớn an khang trường thọ
Tám lăm tuổi hạc, vui lộc nhiều phú quý vinh hoa

-Câu đối 2:

Đào lý thắm tươi, chín chục tuổi niên cao phúc mãn
Quế hòe xanh tốt, tám lăm xuân tử hiếu tôn hiền.

(NHT - xuân 2014)

70- Câu đối viết theo yêu cầu của một bạn trên Internet Câu đối 1:

LÀM CHA LÀM MẸ LÀM THẦY, CÔNG LAO LỚN, ĐỜI TRAO TRƯỜNG THỌ
NHƯ BIỂN NHƯ TRỜI NHƯ NÚI, ƠN NGHĨA DÀY, CON CHÚC AN KHANG

Câu đối 2:

Hơn bốn chục năm trời, đơn cây lớn nuôi ba cành tươi tốt
Tròn tám mươi tuổi thọ, một đời vui thấy muôn trái xum xuê

(Xuân 2015)

71- CÂU ĐỐI MỪNG THỌ CHÚ HỌ NGUYỄN HỮU NHŨ 80 TUỔI

Mừng tám chục mùa xuân, dòng họ thấy cây cao bóng cả
Chúc một trăm tuổi thọ, cháu con mong chân cứng đá mềm

Nguyễn Hữu Thăng - xuân Bính Thân 2016


72- CÂU ĐỐI MỪNG THỌ BÁC TỪ VĂN*

Sáu nhăm năm theo Đảng Bác một lòng, sự nghiệp vinh quang rạng rỡ
Tám sáu tuổi mừng ông bà song thọ, gia đình hạnh phúc mênh mông

73- CÂU ĐỐI TẶNG NHÀ THƠ PHAN THỊ THANH MINH*

Sáng tác thơ hay, vui trào phúng trăm ngàn bài: vẫn trẻ!
Luyện rèn múa giỏi, thích thể thao tám mốt tuổi: chưa già!
 (Nguyễn Hữu Thăng - Xuân Ất Mùi 2015)
* Nhà thơ Phan Thị Thanh Minh sinh năm 1935, Chủ nhiệm CLB Thơ trào phúng Hà Nội, huấn luyện viên khiêu vũ thể thao.

Câu đối của Nhà giáo Nguyễn Hữu Quyến[sửa]

1. Vào những ngày tháng ác liệt nhất năm 1972, khi B52 dội bom hòng hủy diệt Hà Nội, nhân dân thủ đô Amsterdam (Hà Lan) đã vô cùng lo lắng và mong muốn làm một điều gì đó cho Hà Nội. Ngài thị trưởng, tiến sĩ Samkaden đã hăng hái vận động nhân dân Amsterdam quyên góp để xây cho Hà Nội một ngôi trường cấp III đàng hoàng. Kết quả của nghĩa cử đó là trường THPT mang tên Hà Nội - Amsterdam ra đời. Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam đã tạo được cho mình một hướng đi đúng, một khí thế phát triển mạnh mẽ để tiến vào thế kỷ XXI, xứng đáng là Trường THPT chuyên trọng điểm quốc gia! Năm 1987, khi ngôi trường “mượn danh Lê Quý Đôn” đón nhận tên mới Hà Nội – Amsterdam. Nhân Trường mới nhận tên Hà nội-Amsterdam năm 1987 (Mở đầu phong trào câu đối của Trường)

Trường mới có tên, nền giảng dạy đã nảy lộc đâm chồi đón Tết
Lớp chưa đầy tuổi, nếp học hành đang đơm hoa kết trái mừng Xuân

2. Nhân Trường và Công đoàn tổ chức Thi câu đối lần đầu tiên-Năm Rồng 1988

Vế thách (Anh Túc): Rồng bay lên trên đất Thăng Long, đất văn vật vươn mình đổi mới
Vế đối (NHQ): Gươm trở lại giữa hồ Hoàn Kiếm , hồ thiêng liêng lặng sóng yên bình

3. Mở màn đêm liên hoan văn nghệ kết hợp Trường và Đoàn Phường Giảng Võ - Mở đầu việc khuyến khích phong trào khiêu vũ trong nhà trường. Năm1989

Say sắc hương Xuân ,tiếng hát em ngân nồng ấm giai điệu Tết
Quyện hòa thanh Tết , nhịp chân bạn lướt dặt dìu tiết tấu Xuân

4. Tết Tỵ Ngọ-Cơ chế mở cửa - Năm1990

Bài duy ý chí, giữ vững kỷ cương, chọn cơ chế thị trường đâu phải Rắn Thần không lột xác
Mở hướng đàu tư, giã từ bao cấp, có lòng dân là gốc chắc rằng Ngựa Thánh chẳng chồn chân

5. Công đoàn tổ chức đi chơi Núi Cốc - Năm Thân 1992

Vế thách: Lên núi Côc, xuống sông Công , công ấy phải đâu là công cốc (NHQ)
Vế đối: Chọc quân Đen, xài chú Đỏ, đỏ này đâu phải để đỏ đen (Bi-a công đoàn)

6. Trường mở thêm khối cấp 2 (Cảm hứng bộ phim Tây Du Ký)

Trường Nhà nước thêm trang ,mấy bác cử mơ màng vượt trước Ngộ Không "đi mây về gió"
Lớp Công đoàn chật sổ , vài cô giáo hớn hở sánh bằng Tiên Nữ "kẻ mắt tô mày"

7. Năm 1993 - Sức ép của cơ chế thị trường.

Vế thách (NHQ): Tiếng lành đồn xa, tiêng dữ đồn xa, dạy ở trường ta khó chửa
Vế đối 1 (PV Vĩnh): Một chữ là thầy , nửa chữ là thầy, còn trong giáo dục còn kinh
Vế đối 2 (LT Tôn): Hiền quá cũng oán, ác quá cũng oán, chủ nhiệm lớp Toán dễ sinh (sự)
  • Câu đối vui-Tặng Công đoàn 1995

8. Dán bàn Bi-a

Vui Tết áp bàn, ngó ngửa ngó ngang, gậy bồn chồn muốn chọc
Đón Xuân dàn trận, xoay nghiêng xoay dọc, bi nhấp nhổm theo vào

9. Dán cửa phòng nghỉ chị em mới khánh thành

Trướng rủ, rèm che, nơi này...đấy riêng phụ nữ
Then chờ, cửa khép, chỗ ấy...đâu của công đoàn

Nhân Tết CHUYỂN GIAO THẾ KỶ (Mão -Thìn 1999-2000)

Rời gót chín, mẹ Mướp vươn vai , vẽ mắt tô môi chào thế kỷ
Gối đầu hai , cha Rồng uốn khúc,tìm nghiên khai bút đón thiên niên

Tết Thìn- Tỵ (2001)

Thìn cổ ẩn mình Rồng, chăm chút vun trồng bền gốc cổ
Tỵ tơ rời xác Rắn , nâng niu tưới tắm mượt nhành tơ

12. Nhân thiết kế lại cổng, nói chuyện cửa (Ất Dậu 2005)

Rộng hẹp thế nào, khép trước mở sau vẫn hinh hài đủ "A" đủ "H"
Nông sâu tùy thuộc , ra xuôi vào ngược trong lộ trình vừa" phổ" vừa" thông"

13. Chúc Tết lớp chuyên Địa - 2005

Thông thiên văn, nết ở ăn cũng tỏ
Tường địa lý, điều kiêng kỵ càng hay

14. Một đề tài nhạy cảm, hóc búa lại bung nở tài ứng đối của các bậc “nghiệp dư”. Tiếng vỗ tay phấn khích của các thầy cô là phần thưởng cho một cuộc “vượt vũ môn“ ngoạn mục. Rồi tiếng lành đồn xa…Câu đối trường Ams đã tiếp cận các bậc phụ huynh, những người “đồng sàng, đồng mộng “ với nhà trường trong sự nghiệp giáo dục. Một vị đã gửi qua học sinh lớp chuyên Nga một vế thách:

Không đỏ, không xanh, một dòng trắng chắt chiu cho cuộc sống (Bác sĩ, về hưu, làm sữa chua để bán).

Không ngờ “một vốn bốn lời“, tác giả vế thách đã nhận được vế hứng như hai anh em cùng trứng sinh đôi:

Chẳng son, chẳng tía, trái tim vàng gìn giữ trọn niềm vui (Nguyễn Hữu Quyến)

15. Mừng trường Hà Nội – Amsterdam có “nhà” mới (2010):

Lớp đẹp trường to, nắng gió thơm tho ấp ủ nuôi men chữ
Sông dài biển rộng, khoáng sa lắng đọng bồi đắp nở tình đời
  • Một số câu đối mừng

1. Mừng tác giả ra mắt tập thơ “ Đêm hoài niệm” – NXB Văn học - 1995

Con sóng “ dùng dằng ”, “ nửa ở nửa đi “, nắng sớm ướt làn cát mịn
Màn mây “ trăn trở “, “ bên vần bên tụ”, sương khuya bỏng sợi mi dài

2. Mừng thọ bà bác 85 tuổi - 1998

Xuân đón bước chân, Phật độ vững vàng thế Quất
Tết vương ánh mắt, Đời cho tươi tắn sắc Đào

3. Mừng thọ mẹ 80 tuổi - 1999

Dâu bể gian nan, tám mươi bậc thời gian làm ngọc
Đoạn trường khó nhọc, ba bốn mùa trái lộc nên vàng

4. Mừng Xuân bạn hữu và gia đình - 2003

Xuân thắm sắc xuân, Xuân mộng mơ xuân, Xuân bầu bạn
Tết nồng hương tết, Tết lung linh tết, Tết vợ chồng

5. Mừng thọ mẹ 85 tuổi - 2004

Xuân ấm gốc mai, Xuân phúc thọ
Tết tươi nhành lộc, Tết khang cường

6. Mừng Xuân mới chị em phụ nữ - 2006

Tóc gió ru đưa ngàn phím nhạc
Tình đời ôm giữ vạn nhành thơ

7. Mừng thọ mẹ 90 tuổi sáu chữ - 2009

Gốc trăm phần
Xuân vạn đại

8. Tặng nữ doanh nhân doanh nghiệp làm đường HV - 2009

Mỏng khuôn vai, ngõ hẹp, dặm dài đã phẳng
Cao tầm với, đường to, lối mới chờ vươn

9. “ Biểu tượng”, “đa năng” là ngôn ngữ kiến trúc trong thiết kế trường Amsterdam mới rất phù hợp với phẩm cách của thầy và trò nhà trường - 2011

Lớn chí cao thêm tầm biểu tượng
Anh tài đậm mãi nét đa năng

10. Kính tặng ông trưởng họ Nguyễn Hữu làng tranh dân gian Đông Hồ - 2012 (Ông Nguyễn Hữu Thăng đã có lời chỉ bảo để hoàn chỉnh câu đối)

Khăn xếp áo the,cẩn trọng nếp quê giữ hương đăng gia tộc
Khuôn vàng thước ngọc, chu toàn đạo gốc lo phần mộ tổ tiên

11 Câu đối bếp núc thời nay-2012

Giá cả leo thang, thách chảo, xoong qua mặt lửa
Tiền nong tụt dốc, ghen dao, thớt vạch yếm giò

12 Đối vế thách “ Phố Ông đồ ” của ông Nguyễn Hữu Thăng-2012

Giấy đỏ mực đen, giữa tiết xuân xanh, ban hồng phúc
Vế đối của Nguyễn Hữu Quyến: Áo nâu yếm thắm cuối mùa hạ trắng đậm son tình

13 Câu đối về quan hệ giữa "ý" (hẹp hơn là "lý") và "tình"-2012

Ý hẹp như sông, sông có khúc
Tình sâu tựa biển, biển không cùng

14 Câu đối của Nguyễn Hữu Quyến viết tặng ông đồ Ngọc Long:

TÀI HOA CÒN ĐÂU ĐÓ, THẢ HỒN CHỮ:"BÍCH CÂU ĐẠO QUÁN"
CÔNG TÍCH ĐỨNG MÃI ĐÂY, LƯU VĂN BIA:"NHỊP TRỊNH GIANG KIỀU"
Ở Đông Hồ, nói đến một con người tài hoa họ Vương, ai cũng biết đó là ông đồ Ngọc Long, tên thật là Vương Chí Lung- người sống trọn đời với nghề tranh dân gian Đông Hồ. Ông Vương Chí Lung sinh năm Mậu Tý (1888), cuộc thi viết chữ đẹp "Bích Câu Đạo Quán" năm 1930 tổ chức tại phố Bích Câu, ông được giải nhất và bộ chữ của ông được giám khảo chọn để đắp trên cửa tam quan của Đạo Quán ở ngay phố Bích Câu, phía trước khu Văn Miếu Quốc Tử Giám và được đăng báo ở Hà Nội. Những năm sống ở Hà Nội, năm nào ông cũng vẽ tranh, in tranh Đông Hồ bán vào dịp Tết Nguyên Đán. Những ngày giáp Tết, ông thường ngồi viết câu đối ở góc phố Hàng Chiếu, Hàng Bồ bán cho khách vãng lai..." Ông mất khi mới 58 tuổi

15 - Câu đối viết nhân 03 tháng tuổi đăng nhập VIỆT NAM THI ĐÀN (Tháng 8 năm 2012)

Thẳm một xâu, chăm nghĩ chỉ làm năng nổ tếu
Hoành vài chuỗi, thật tâm thà tính rỉnh rang phiền

16 - Câu đối VIẾT NHÂN NGÀY RẰM THÁNG BẨY: LƯU DẤU BẬC TIỀN NHÂN

GIÓ CHƯỚNG SAO LU VẦNG NGUYỆT SÁNG
BỤI TRẦN KHÓ VẨN TẤM GƯƠNG TRONG

17 - Câu đối với chủ đề:" Hư cấu và các phương pháp viết văn khác"

Hư phải cấu, cấu vẫn hư, hư tươi non tình thực
Chứng cho minh, minh thêm chứng, chứng thấu tỏ lẽ đời

18 - Câu ĐỐI CHO ĐỀ TÀI CẦU, ĐƯỜNG CỦA ĐPL

Bộ trưởng Đinh La Thăng, la ó vì cầu Thăng Long, long nhiều đinh quá
Táo quân Trần Lục Lộ, lục lọi vào trang Lộ Phí, phí quá trần nhiều

19 - Câu đối có chủ đề: Chuông trống...Hội hè...Giao lưu...

Chuông đấm nước người, chuông ngân tên ngân tuổi
Khánh vang quán đạo, khánh để giọng để đời (Có thể thay chữ "đạo" bằng chữ "hội", chữ "vang" bằng chữ "rung" cũng được)

20 - Câu đối mang chủ đề: Chân giá tri cuộc sống và tiên tài, vật chất

Giá thấp, giá cao, sóng dậy ầm ào "chiêu" độ giá
Tiền hung, tiền họa, đời xoay ồn ã "thức" làm tiền

21 - Câu đối chủ đề: Nhà Trường

Thầy chửa ra trò, trò chưa ra trò được
Quan vào thế thủ, thủ đáng thế thủ nào

Để có tính hàm súc cao, câu này được thu gọn như sau:

Quan vào thế thủ, thủ thế thủ
Thầy đã ra trò, trò ra trò

22 - Chùm Câu đối ÔNG ĐỒ NAY và ÔNG ĐỒ XƯA KHAI BÚT

Thanh thản trao hương, hương thơm ươm vạn thủa
Miệt mài gom nhựa, nhựa sống chảy muôn đời
Kính trắng long lanh, mày giãn trán căng thần thái mở
Lụa hồng rạng rỡ, sổ thu hoành nở ý tâm đầy

23 - Chùm câu đối khóc Mẹ

Đứt gánh giữa đường, thương xót nặng lòng con cháu
Vẹn đời tròn đạo, kính yêu để dạ xóm làng
Đức cha sinh, vạn đại trần... rồi được lập
Công mẹ dưỡng, thiên niên lập... lại thêm trần

24 - Câu đối tự vịnh bản thân:

Hữu thủy hữu chung cùng mọi giới
Quyến thân quyến thuộc với muôn người

25 - Giao lưu cùng các đối hữu:

Đốc thu đâu...kề bầu sát bụng
Trần thách thế...kiệt vế cùng đồ (Nguyễn Hữu Quyến) (Vế trên, lấy cảm hứng từ bức ảnh mà lão "thu xếp" rất tự nhiên như phim trường nhằm làm "tuyên ngôn" * cho nghề nghiệp như các cụ nói là nghề làm phúc của mình, mà đã là nghề nghiệp thì phải thu được tiền từ đó. Vậy Đốc phải thu từ công sức "kề bầu sát bụng" chứ còn gì? (mà nếu bầu là dao (bầu) và sát là mổ thì chắc thu nhiều lắm vì Đốc cười rất tươi...Nếu vế trên có " Thu- bầu- bụng" là mặt A thì mặt B là Trần Thi hữu có tuyên ngôn về "Câu đối ngoáy" ắt phải có "Thách- vế- đồ". Cụm các từ này cũng chỉ là mượn (mà Trần Thi hữu đã có lời khen...) để nói cái nghề làm ra"... thực mới vực được đạo" theo triết lý xưa nay...)
Lưu vãi chửa… cách miệng xa tai (Trần Hoành)
Xuân đến đuổi xuân đi (Lão Đốc)
Lộc tàn ban lộc nảy (Nguyễn Hữu Quyến)
Mẹ nhặt rau má, cha bắt ba ba (khuyết danh)
Ngoại mê tỳ bà, noọng giăng bướm bướm (Nguyễn Hữu Quyến)
vế thách: Chiếc gậy Trường Sơn, đất nước, lối mòn... chiều nhớ (Theo thứ tự là của Phạm Tuyên, Phạm Minh Tuấn, Hoài An và Từ Huy)
vế đáp 1: Người em Vĩ Dạ , tơ duyên, gió bấc... tình cầm (Thứ tự là của Minh Kỳ, Minh Châu, Võ Thiện Thanh và Phạm Duy- Hoàng Cầm) (Nguyễn Hữu Quyến)
vế đáp 2: Đêm trăng Ba Bể, quê hương, chốn cũ...ngày về
Nợ chồng chéo lại càng chèo chống (HTĐ)
Bấn đỡ đần sao cứ đẫn đờ (Nguyễn Hữu Quyến)
Trăng thanh tao... thập thò trong tàn trúc (HTĐ)
Thơ thánh thiện... tha thiết trọn thang tình (Nguyễn Hữu Quyến)
Câu Đối nửa cân... giăng hai vế
Đường Thi tám lạng... khép một vần (Nguyễn Hữu Quyến)

"nửa cân":mỗi nửa cân (xứng) với nửa còn lại- đặc trưng của câu đối, -"tám lạng" : bát cú của thơ Đường (QTH hãy tưởng tượng, một chiếc lá rơi, lạng đi lạng lại tám lần, qua phải hai lần (có vần), qua trái một lần (không vần)...và tiếp tục như vậy, mỗi phía một lần, cho đến lúc khép lại bài thơ cũng tức là khép lại một vần). Cụm "tám lạng - nửa cân" còn thể hiện tính cân đối và đồng hoà tất yếu của hai loại hình văn học này.

Cần lao- bước thấp bước cao trong bão giá
Công bộc- xoay ngang xoay dọc giữa chuyên quyền (Nguyễn Hữu Quyến)

Nhân hai phát biểu "sốc" về nắn cong đường Trường Chinh và đội vốn đường sắt trên cao của hai quan chức

Đào xiết vòng vây, pháo lên đèo... xâm lược xơi đòn chí mạng
Nghiêm minh lề luật, tham tụt dốc... giống nòi vững dạ xây đời (Nguyễn Hữu Quyến)
Cây dầu gió... dãi dầu nắng, gió (HTĐ)
Nàng oải hương... ươn oải hoa, hương (Nguyễn Hữu Quyến)
Cụ già ăn củ ấu non (HTD)
Em trẻ vần con cóc khụ (Nguyễn Hữu Quyến)
Lề lối gia phong, nhà hạnh phúc (HTD)
Nếp nền tổ tục, họ khang cường (Nguyễn Hữu Quyến)
Trăng nhớ trăng xưa... vàng mấy độ
Thu chờ thu nữa... tím bao chiều (có thể thay "thu" bằng "thơ") (Nguyễn Hữu Quyến)

26 - Câu đối dâng tặng các liệt sĩ và những bà mẹ Việt Nam đã sinh thành ra họ

Nặng gánh giang sơn, con đi vào sách sử
Đau tình mẫu tử, mẹ nén giữ lòng mình

27 - Câu đối nhân năm học mới

Con nước mênh mang, cầu nghĩa con sang, nuôi bao chữ
Đường đời bươn bải, bể lòng mẹ trải, nặng bấy tình

Câu đối liên quan đến 2 danh thủ bóng đá Văn Quyến và Công Vinh[sửa]

Hiểu biết tường tận về Văn Quyến và Công Vinh, tất nhiên phải là người hâm mộ xứ Nghệ. Người ta vì thế có thể so đo từng tý chút về 2 “đứa con cưng” của SLNA và ĐTVN và nhìn chung mọi ý kiến đều khá thống nhất. Vinh có thời cũng gần đạt được như Quyến về các quả đá phạt nhưng nhìn chung số bàn thắng anh ghi được phải tốn rất nhiều mồ hôi. Trên sân, Quyến vật vờ để vụt sáng nhưng dễ làm người xem thở dài hơn Vinh rất nhiều. Quyến nổi như cồn từ U14, U16 rồi đến U23 và ĐTVN. Vinh phải chờ đến U19, U21 mới được biết nhiều. Quyến sớm nở và…chóng tàn trong khi Vinh chậm hé nhưng giữ được hương sắc thật đậm đà và dài lâu. Môi trường bóng đá giống nhau, sự cám dỗ như nhau, mong muốn nhiều tiền lắm của, chơi bời như nhau…như tuyệt đối Vinh khác Quyến. Vinh biết cách chơi với ai, biết nói gì trước báo giới và dư luận, trong khi Quyến không thể và không bao giờ nói một câu xứng tầm ngôi sao. Trong ngàn vạn CĐV xứ Nghệ từng áo vàng diễu hành hò reo cổ vũ Vinh, Quyến lâu nay, người nọ người kia làm đủ nghề kiếm sống, có người nho nhe chữ nghĩa cốt vui bạn vui bè đột nhiên văng ra …đôi câu đối giành cho 2 “đứa con cưng”:

Công Vinh: Vợ đẹp, con khôn, lồn hai chiếc
Văn Quyến: Tay đau, chân sái, dái một hòn
Hòn kia thót lên cổ sau khi CA Ninh Bình triệu tập

Những bài viết khác trong cùng thể loại[sửa]

  1. Câu đối sử dụng trong từng trường hợp cụ thể và Thơ xướng họa Việt Nam
  2. Câu đối sử dụng chung trong các trường hợp cụ thể cố định
  3. Câu đối chưa rõ sự tích và nguồn gốc xuất xứ
  4. Câu đối liên quan đến Phật giáo
  5. Câu đối liên quan đến Thiên chúa giáo
  6. Câu đối về thời đại Hùng Vương, An Dương Vương và nước Nam Việt
  7. Câu đối về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng
  8. Câu đối về cuộc khởi nghĩa Lý Bí và nhà nước Vạn Xuân
  9. Câu đối về các danh nhân thời Ngô, Đinh, Tiền Lê và Lý (938 - 1225)
  10. Câu đối về các nhân vật lịch sử thời Trần, Hồ, Hậu Trần (1225 - 1414)
  11. Câu đối về các danh nhân thời Lê, Mạc (1428 - 1621)
  12. Câu đối về các danh nhân thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, Tây Sơn và Nguyễn (1621 - 1858)
  13. Câu đối về các danh nhân thời Pháp thuộc (1858 - 1956)
  14. Câu đối không có danh tính và một số giai thoại đối đáp của người Trung Quốc
  15. Câu đối khắc tại các Đình, Chùa, Đền, Miếu, Phủ, Điện khu vực Bắc Bộ
  16. Câu đối khắc tại các Đình, Chùa, Đền, Miếu, Phủ, Điện khu vực Bắc Trung Bộ
  17. Câu đối khắc tại các Đình, Chùa, Đền, Miếu, Phủ, Điện khu vực Nam Trung Bộ
  18. Câu đối khắc tại các Đình, Chùa, Đền, Miếu, Phủ, Điện khu vực Nam Bộ
  19. Câu đối khắc tại phủ, điện, đình, chùa, đền, miếu xưa và nay ở thủ đô Hà Nội
  20. Câu đối khắc tại Từ Đường của các dòng họ Việt Nam
  21. Câu đối giao hữu trong Cơ quan đoàn thể và những tổ chức Phi chính phủ
  22. Câu đối có giai thoại sự tích và Thơ đối đáp Việt Nam
  23. Câu đối trong giai thoại dân gian có danh tính nhưng chưa rõ tiểu sử nhân vật
  24. Câu đối ghi chép tại sách vở, gia phả hay ban thờ tại một số tư gia Việt Nam
  25. Câu đối cùng giai thoại đối đáp về đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều
  26. Câu đối và những giai thoại đối đáp của các vị vua chúa triều Nguyễn
  27. Câu đối và giai thoại đối đáp của Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến (1835 - 1909)
  28. Câu đối và giai thoại đối đáp về Sào Nam Phan Bội Châu (1867 - 1940)
  29. Câu đối và giai thoại Thơ xướng họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969)
  30. Câu đối của những nhân vật định cư ở Hải ngoại
  31. Câu đối của Giáo sư Anh hùng lao động Vũ Khiêu

Liên kết[sửa]

Wikipedia
Wikipedia

Luật Câu đối trong thơ Đường Luật